Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

NHÌN LẠI HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN




I/ DẪN NHẬP

          Năm Đức Tin là cơ hội cho mỗi người nhìn lại Đức tin ta đã lãnh nhận, những gì còn thiếu sót, những gì chưa làm được, những điều không làm đẹp lòng Thiên Chúa, những điều mà ta chưa thực hiện lời kết ước trong ngày ta nhận Chúa làm nguồn trợ lực cho chính bản thân mình. Năm đức Tin được Đức giáo Hoàng Benidicto XVI khai mở từ (11/10/1962 – 24/ 11/2013), là lời nhăn nhủ cho mọi tầng lớp trong Giáo Hội ngồi lại để nhìn lại hành trình đức tin ta đã lãnh nhận, mỗi người tự kiểm điểm lại chính bản thân mình. Để ta có cách nhìn một cách toàn diện và nhìn lại lịch sử đã qua và hành trình Đức tin Giáo hội từ khi lãnh nhận cho đến ngày hôm nay, ta cùng đi vào tìm hiểu mọi khía cạnh sau.
A /  MỤC ĐÍCH NĂM ĐỨC TIN

  Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI ấn định cho Giáo Hội Công Giáo cử hành Năm Đức Tin từ 11.10. 2012 đến 24.11. 2013.  Mục đích chính là nhằm tạo điều kiện cho người công giáo ở khắp năm châu nhìn lại đời sống đức tin của mình trong bối cảnh văn hóa xã hội hôm nay, tìm cách bổ sung những thiếu sót và bất cập, điều chỉnh những méo mó và lệch lạc, hướng đến sống Hồng ân đức tin ngày càng trung thực và trọn vẹn, mở đường cho Hồng ân đức tin ngày càng tỏa sáng trong môi trường văn hóa và xã hội, kinh tế và chính trị trên thế giới cũng như tại đất nước Việt Nam hôm nay.

I/ NHÌN LẠI HỒNG ÂN ĐỨC TIN TRONG DÒNG LỊCH SỬ

          Từ gần 5 thế kỷ nay, qua các nhà truyền giáo, Thiên Chúa là Cha trên trời, đã yêu thương gieo hạt mầm đức tin trên đất nước VN.  Nhờ mồ hôi cùng máu đào các nhà truyền giáo, các tiền nhân và chứng nhân đức tin, thửa đất đó đã được khai hoang và trở nên màu mỡ.  Nhờ các thế hệ tín hữu đã dày công vun tưới, chăm sóc, bảo vệ, bằng đời sống chuyên cần cầu nguyện, bác ái và quảng đại hy sinh, những hạt mầm đức tin phát triển và đơm bông kết trái như hôm nay. 
          Thế nhưng, cũng từ đó đến nay, xã hội đất nước cùng gia đình nhân loại không ngừng chuyển biến và đổi thay, bao nhiêu biến cố lịch sử để lại những dấu ấn cùng những vấn đề nghiêm trọng trong xã hội, tác động làm cho đời sống đức tin của nhiều người, cách riêng người trẻ, hoặc bị đóng băng, bị xói mòn, sai lệch, hoặc trở nên hụt hẫng, bất cập... Các nhà giáo dục đức tin cần chung lòng chung sức suy nghĩ và tìm ra biện pháp giải tỏa tình trạng nêu trên, khai mở cho mọi người con đường bước theo Chúa Giêsu Kitô,  dẫn đến nguồn sống dồi dào trong yêu thương và an bình.[1]

II/ NHÌN LẠI VIỆC TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
 Lời tuyên xưng đức tin bày tỏ quyết tâm làm theo lời Chúa dạy “cởi bỏ con người cũ, và mặc lấy con người mới”
(x. Eph 4, 22…; Cl 3, 9…; 1Pr 2, 1; 4, 2…)
          (1)  Cởi bỏ con người cũ có nghĩa là quyết tâm trong mọi hoàn cảnh, không nghe theo, không chạy theo sự lôi cuốn, quyến rũ, dụ dỗ của ma quỷ, xác thịt, thế gian, -  vì lẽ ma quỷ là đầu mối mọi sự dữ và sự xấu trong đời sống nhân loại,  - vì xác thịt mang nặng đam mê mù quáng của lòng tham sân si cùng tính đối kháng cố hữu của bản năng tự vệ khép kín, - vì thế gian với những thói đời mang tính bất cập, thường liên minh với xác thịt làm phát sinh nhiều tệ nạn cùng  bất công trong xã hội. 
 (2)  Mặc lấy con người mới có nghĩa là quyết tâm mọi lúc tin vào và gắn bó với Ba Ngôi Thiên Chúa cùng Giáo Hội Chúa Kitô : 
-  gắn bó với Thiên Chúa là Cha trên trời, tìm và thi hành ý Cha mong muốn cho mọi người sống dồi dào. 
-  gắn bó với Chúa Giêsu Kitô, trung thành bước theo Ngài trên con đường tình yêu cứu độ (hội nhập, dấn thân phục vụ, quảng đại hiến thân, đổi mới)  dẫn đến nguồn sống mới, là nguồn sống dồi dào; 
-  gắn bó và ý thức cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần thánh hóa và đổi mới người tín hữu nên người mới theo hình mẫu Chúa Kitô, soi dẫn cho họ bước theo con đường đi đến nguồn sống mới của Chúa Kitô; 
-  gắn bó và hiệp thông với Giáo Hội Chúa Kitô, trung thành thực hành giáo huấn của Giáo Hội triển khai Lời Chúa là Lời ban ánh sáng chân lý cùng tình yêu, ánh sáng bình an cùng sức sống mới của Chúa Kitô.
          Các nhà giáo dục đức tin cần tạo cơ hội cho mọi người công giáo, mọi thành phần cùng mọi tổ chức trong Giáo Hội, nhìn lại lối sống hôm nay có trung thành với lời hứa, với quyết tâm đó đến đâu?  Đâu là những sai sót, khó khăn, thử thách?  Cần làm gì nhằm tạo điều kiện cho mọi người biến mọi sự thành cơ hội củng cố đời sống đức tin, và tiến bước đi đến nguồn sống mới của Chúa Kitô? 

III/ NHÌN LẠI VIỆC DẠY GIÁO LÝ CÙNG CỬ HÀNH ĐỨC TIN

 Dạy giáo lý và cử hành đức tin đều có mục đích mở rộng kiến thức đức tin và nâng cao ý thức đức tin, giáo dục người tín hữu, tạo khả năng và cơ hội cho họ :
(1)  sống trọn tình hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi nhân hậu, luôn tìm và thi hành ý Ngài; 
(2)  sống vẹn nghĩa huynh đệ hiệp thông và hợp nhất với anh em đồng đạo trong Giáo Hội là con một Cha; 
(3)  mở rộng tình huynh đệ đồng cảm và chia sẻ với đồng bào và đồng loại là anh em một nhà. [2]
          Sống trọn vẹn ba mối tình đó là xây dựng cuộc đời, gia đình, cộng đoàn, trên nền đá vững chắc là Lời Chúa.  Được xây mới trên nền móng Lời Chúa theo chỉ dẫn thống nhất của Đại Hội Dân Chúa VN năm 2010 và Công Nghị giáo phận năm 2011, gia đình, cộng đoàn tín hữu từng bước trở nên Giáo Hội Mầu Nhiệm, Giáo Hội Hiệp Thông, Giáo Hội Sứ Vụ, theo như Giáo Hội cùng Công Đồng Vatican II đã dạy.
          Giới hữu trách cần cùng nhau nhìn lại việc dạy giáo lý và việc cử hành đức tin có tạo khả năng cho mọi người sống tình mến Chúa yêu người theo như Lời Chúa dạy không?  Có giúp cho người công giáo ý thức mở rộng cả hai van tim của lòng đạo, lòng tin, một van để đón nhận mọi hồng ân Thiên Chúa thương ban, van kia để chia sẻ những hồng ân đó cho mọi người trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội?  Hay chỉ theo lối mòn xưa nay với những luật lệ và công thức cố định chỉ nhằm giúp họ giữ đạo và bảo vệ đạo? 
          Trong công cuộc giáo dục đức tin hiện nay, có cần cùng nhau xác định rõ mục tiêu và định hướng giáo dục đức tin, hoàn chỉnh nội dung chương trình theo định hướng đã thống nhất?  Có cần cải tiến cách tổ chức và điều hành, cách phân công và phối hợp nhân sự cùng những sáng kiến xưa nay, cũng như cách giáo dục đối với các lớp tuổi sống trong những hoàn cảnh khác nhau..., nhằm giúp cho việc dạy giáo lý, cử hành đức tin mang lại hiệu quả mong muốn, là người tín hữu có điều kiện sống đức tin ngày càng trung thực và trọn vẹn, mở đường cho hồng ân đức tin ngày càng tỏa sáng trong môi trường xã hội hôm nay?...

IV/ NHÌN LẠI VIỆC SỐNG ĐỨC TIN

Hồng ân đức tin soi dẫn cho người tín hữu làm theo lời ĐTC Bênêđitô XVI nhắc nhở dân Chúa hãy Phúc Âm hóa đời sống và bổn phận thường ngày của mình.  Nghĩa là ý thức đưa ánh sáng chân lý cùng sức sống mới của Lời Chúa vào trong việc tu thân luyện đức và giáo dục, vào trong việc tề gia là chăm lo cho gia đình cùng cộng đoàn, vào trong việc trị quốc là quản trị một tổ chức, một cộng đoàn, nhằm mang lại sự an bình cho người người, sự an lành cho nhà nhà.  Phúc Âm hóa sẽ giúp cho người tín hữu thi hành những bổn phận thường ngày vừa thuận ý trời (thiên thời), vừa hợp với giáo huấn của Giáo Hội cùng truyền thống văn hóa và đạo đức của dân tộc (địa lợi), vừa hòa với lòng nhân, lòng đạo, lòng tin của con người (nhân hòa).
          Thực tế cuộc sống cho thấy người tín hữu sống hồng ân đức tin trong bổn phận thường ngày như thế nào?  Ý thức đi theo ánh sáng chân lý và tình yêu của Chúa Kitô, hay chỉ vô ý thức theo lối mòn của khung nếp xưa nay vốn mang tính bất cập?  [3]  
Vài thí dụ về những vấn đề nảy sinh trong xã hội hôm nay :
a)  Hồng ân đức tin giúp cho người tín hữu xác tín rằng : Thiên Chúa là Cha trên trời mong muốn con người dùng nguồn lực của tình yêu thương đồng cảm và bao dung, quảng đại dấn thân phục vụ, hy sinh, cùng với tinh thần trách nhiệm liên đới, để chung sức đẩy lùi mọi sự dữ cùng mọi tệ nạn và bất công trong xã hội, canh tân đổi mới và thăng tiến đời sống nhân loại.  Thói người đời thường dùng cường lực cùng bạo lực, với thái độ đối đầu, đối phó và loại trừ nhau.  Thực tế cuộc sống cho thấy người tín hữu thường ứng xử theo hướng nào?   Ý thức theo ý Chúa là Cha từ bi nhân hậu, hay chỉ theo thói thế gian?
(b)  Hồng ân đức tin khai sáng cho người tín hữu nhận ra rằng : sự sống, tình yêu, hôn nhân, gia đình, là quà tặng của Thiên Chúa tình yêu, và người đón nhận quà tặng có bổn phận hiếu thảo đáp trả lại tình thương của Cha trên trời bằng nỗ lực bảo vệ quà tặng đó, xây đắp đời sống hôn nhân gia đình thành cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương, ngôi trường đầu tiên giáo dục con cái nên người con hiếu thảo đối với Cha trên trời, ý thức sống tình huynh đệ đối với đồng bào, đồng loại, góp phần xây đắp nền văn minh tinh thương, vì sự phát triển và thăng tiến của gia đình nhân loại.   Luật lệ trong thế gian lại coi việc kết hôn và ly dị, việc sinh con và phá thai, việc kết hôn với người khác phái hay đồng phái, là thuộc quyền tự do của con người...Thực tế cuộc sống cho thấy người tín hữu thường ứng xử theo hướng nào?  Theo bổn phận làm con hiếu thảo đối với Cha trên trời, hay chỉ giản đơn theo quan điểm con người làm chủ cuộc đời mình, không có người chủ hay truyền thống đạo lý nào khác ngoài ý muốn của mình?

V/ NHÌN LẠI VIỆC CHIA SẺ HÔNG ÂN ĐỨC TIN       

 Đức tin không có việc làm là đức tin chết (x.Gc 2, 14-18). Hồng ân đức tin đi đôi với trách nhiệm xã hội về những điều mình tin. Trách nhiệm đó là trách nhiệm làm chứng cho niềm tin, làm cho hồng ân đức tin tỏa sáng trong môi trường xã hội và nghề nghiệp, đưa những giá trị Tin Mừng, giá trị nhân bản và đạo đức, vào trong đời sống văn hóa xã hội, kinh tế, chính trị. Nhằm góp phần làm cho nền giáo dục trên đất nước trở nên nhân bản và toàn diện hơn. Làm cho hệ thống luật lệ trở nên vị nhân sinh hơn, tôn trọng nhân quyền và nhân phẩm hơn. Làm cho đời sống xã hội trở nên trung thực và công bằng hơn, cùng chan hòa tình người và bác ái vị tha. Đặc biệt là làm cho việc tề gia và trị quốc trở nên thiên thời, địa lợi, nhân hòa hơn. Nhờ đó, nhà nhà được an lành, đất nước được an bình.
         Các thành phần, các giới công giáo, nhà trí thức, nhà thầy thuốc, nhà giáo, nhà buôn, nhà truyền thông, nhà hoạt động xã hội…, trước tiên cần nhìn lại xem mình đã xây những ngôi nhà đó trên nền đá vững chắc là Lời Chúa đến đâu ? Đã làm cho Lời Chúa dạy tỏa ra ánh sáng chân lý và tình yêu của Chúa trong môi trường xã hội đến đâu ? Nhiều người thành tâm tìm kiếm chân lý chung cuộc về sự hiện hữu của mình. Và Chúa Giêsu đã tự bày tỏ là Sự Thật chung cuộc đó, là Đường dẫn đến cội nguồn sự sống mới chan hòa yêu thương và bình an.[4]

VI/ NĂM ĐỨC TIN LÀ CƠ HỘI

Năm Đức tin là cơ hội cho mọi người đảm trách việc giáo dục đức tin, hội ý với nhau, tìm cách tạo thuận lợi cho các gia đình, cho cộng đoàn tín hữu, các tổ chức mục vụ cùng các tổ chức tông đồ giáo dân, đặc biệt là cho người trẻ, cùng nhau nhìn lại hiện trạng đời sống đức tin, hỗ trợ nhau mở rộng kiến thức đức tin và nâng cao ý thức đức tin, nhắc nhở nhau quan tâm cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần khai thông, bổ sung, đổi mới, hoàn thiện đời sống đức tin, theo như lòng Chúa mong muốn và lòng người mong đợi.
B/ BƯỚC THEO CHÚA GIÊSU TRÊN CON ĐƯỜNG PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

          Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI kêu gọi mọi người tín hữu quan tâm Phúc Âm hóa đời sống mình, hướng đến Phúc Âm hóa đời sống nhân loại hôm nay.  Phúc Âm hóa, Tin Mừng hóa đời sống, có nghĩa là thực hành Lời Chúa dạy xây đắp ngôi nhà cuộc đời trên nền đá vững chắc là Lời Chúa.  Lời Chúa là Lời ban ánh sáng chân lý và tình yêu, ban sức sống mới cùng sự bình an.  Được xây trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa, đời người sẽ chan hòa ánh sáng chân lý cùng tình yêu và sự bình an của Chúa.
          Chúa Giêsu cùng với Lời Chúa dạy đã mở ra con đường Phúc Âm hóa đời sống con người.  Trong Năm Đức Tin với trọng tâm là giáo dục đức tin, linh mục, tu sĩ, giáo dân, trong gia đình, trong cộng đoàn, trong các tổ chức mục vụ giáo phận và giáo xứ, trong các tổ chức tông đồ giáo dân, mọi người hãy ý thức và quyết tâm cùng nhau học với Chúa và bước theo Chúa trên con đường Phúc Âm hóa đời sống con người.  Con đường Phúc Âm hóa của Chúa Giêsu trải qua 5 chặng đường chính yếu và căn bản như sau.

I/ BƯỚC THEO CHÚA GIESU TỰ HẠ HOÀ NHẬP VỚI ĐỜI SỐNG XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI 

Chúa Giesu hiện diện trong mọi biến cố vui buồn, lo âu và hy vọng của con người, như dự tiệc cưới ở Cana, đám tang ở Naim, thăm thân mẫu lâm bệnh của Phêrô ở Capharnaum..., hiện diện với lòng từ bi nhân hậu, với tình yêu thương đồng cảm và phục vụ cho đời sống con người.
          Ngày hôm nay, Phúc Âm hóa các biến cố trong đời sống gia đình (như gia đình sum họp trong bữa ăn, trong giờ kinh...), trong đời sống văn hóa xã hội (như đám cưới, đám tang, họp mặt, lễ hội Ngày Tình Nhân, Ngày Người Cha, Ngày Người Mẹ ...), có nghĩa là đưa ánh sáng Lời Chúa, đưa những giá trị Tin Mừng, những giá trị mang tính nhân bản, đạo đức, vào trong những biến cố đó, tạo điều kiện cho Chúa Giêsu hiện diện trong đời người, hiện diện như Lời ban ánh sáng chân lý cùng bình an, ban sức sống mới cùng tình yêu thương, cho những ai ý thức mở rộng lòng tin đón nhận. [5]

II/ BƯỚC THEO CHÚA LÊN NÚI, TÌM ĐẾN CÕI RIÊNG

          Nâng cao tâm hồn, cho lòng trí thoát ra khỏi những lao xao của thế sự với những lo lắng và căng thẳng, để tâm an định đi vào cầu nguyện lắng nghe tiếng Chúa, giải bày tâm sự với Chúa, với quyết tâm tìm và thi hành ý định yêu thương cứu độ của Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. (x. Mc 9,2-8)
         Công việc giáo dục đức tin đòi hỏi những người trách nhiệm liên hệ tạo điều kiện, tạo cơ hội giúp cho mọi người trong gia đình cùng nhau chuyên cần bước theo Chúa Giêsu tìm đến cõi riêng tư, để tâm an định lắng nghe tiếng Chúa và tâm sự với Chúa, với quyết tâm mang ra thi hành ý Chúa trong đời sống gia đình và xã hội.  Các giới, các tổ chức, các nhóm, cũng cần có điều kiện và cơ hội tĩnh tâm, cầu nguyện, trong bầu khí như thế.

III/ BƯỚC THEO CHÚA GIESU XUỐNG NÚI

 Cùng với Ngài đi vào cõi nhân sinh mang nặng những mối bận tâm và lo âu, với những nỗi đau buồn và hy vọng của con người, để học tập với Chúa đường lối yêu thương và phục vụ cho sự sống và sự thăng tiến con người, đồng thời để khi đối diện với những khó khăn thử thách, cùng những vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống xã hội hôm nay, ý thức làm theo Lời Chúa dạy : "Đừng sợ, hãy kiên trì cầu nguyện, không có gì là không thể đối với Thiên Chúa cùng các kẻ tin vào tình thương quyền năng của Thiên Chúa...".(x. Mc 9,14-29) 
          Thông thường, khi con người đối diện với những nghịch cảnh, như mất mát, thì đau khổ và lo sợ, người thì phản ứng chống trả (như Phêrô), kẻ thì thỏa hiệp trục lợi (như Giuđa), kẻ khác thì bỏ cuộc (như 2 môn đệ về quê làng Êmau)..., không làm theo Lời Chúa dạy.  Vì thế, công việc giáo dục đức tin cần đưa ánh sáng và sức sống của Lời Chúa vào trong suy nghĩ cùng hành động của con người, để họ ý thức và quyết tâm làm theo Lời Chúa dạy trong mọi tình cảnh thuận lợi cũng như bất trắc.

IV/ BƯỚC THEO CHÚA GIESU ĐẾN ĐỒI GOLGOTHA

  Năng đến với Ngài bên bàn thờ hiến tế, bên nhà tạm Chúa Thánh Thể  thường xuyên hiện diện, để chiêm ngắm Chúa và học với Chúa yêu thương đến cùng, đến hiến thân, hiến cả mạng sống mình, vì sự sống mới cùng sự hợp nhất của gia đình nhân loại, đồng thời để lấy sức bước theo Chúa trên con đường bày tỏ một tình yêu thương không còn tình yêu nào lớn.
      Việc giáo dục đức tin đòi hỏi những người lo việc tổ chức cử hành Thánh Lễ, chầu Thánh Thể, tôn sùng Thánh Mẫu Maria cùng các thánh, ý thức vượt qua thói quen cùng khung nếp máy móc, tạo điều kiện cho mọi người tham dự vừa mở rộng lòng tin, vừa nâng cao tâm hồn trong bầu khí chan hòa sự an định cùng lòng từ bi nhân hậu.  Đó là những điều kiện cần có để mọi người tham dự cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa họ, ban bình an cùng sức sống mới và tình yêu thương cho họ.[6]

V/ BƯỚC THEO CHÚA GIESU PHỤC SINH

Lên núi cao đón nhận Chúa Thánh Thần là nguồn nước hằng sống, cùng xuống núi thông chia cho nhau hồng ân Thánh Thần, đề người người được Chúa Thánh Thần soi dẫn lòng tin, đánh động lòng mến, thúc đẩy lòng cậy, mở rộng lòng đạo.
        Thông thường lòng trí và tầm nhìn của con người bị thu hẹp, bị đóng khung trong nếp sống văn hóa của xã hội, của thời đại.  Giáo dục đức tin là tạo điều kiện cho con người ý thức và quyết tâm cộng tác với Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí, mở rộng tầm nhìn của mình, trên con đường bước theo Chúa Giêsu đi đến nguồn sống mới.
VI/ KẾT
Lời Chúa và Chúa Thánh Thần là hai bàn tay Đấng Tạo Hóa dùng uốn nắn người cũ thành người mới theo hình mẫu Con Người Mới là Đức Giêsu Kitô.  Hãy khiêm tốn tín thác tự đặt mình vào vòng tay của Thiên Chúa yêu thương tái tạo và đổi mới.  
       Vai trò của Chúa Thánh Thần cùng với sự hợp tác với Ngài và với nhau mang tính quyết định trong việc Phúc Âm hóa đời sống.  Vậy, trong việc giáo dục đức tin, hãy ý thức chung lòng chung sức tạo điều kiện cùng cơ hội cho mọi người hợp tác tích cực với Chúa và với nhau trong cộng đoàn, trong giáo xứ, trong giáo hạt, trong giáo phận.
       Cùng với lời cầu nguyện, đó là bí quyết giúp cho việc Phúc Âm hóa cũng như việc giáo dục đức tin mang lại hoa trái như lòng Chúa mong muốn và lòng người ước mong.
                                                                                      Anton Công Chính





[1] http://thanhlinh.net/node/34384  của   Gioan B. Phạm Minh Mẫn, Hồng Y Tổng Giám mục
[2] http://thanhlinh.net/node/34384  của   Gioan B. Phạm Minh Mẫn, Hồng Y Tổng Giám mục
[3] http://thanhlinh.net/node/34384  của   Gioan B. Phạm Minh Mẫn, Hồng Y Tổng Giám mục
[4] http://thanhlinh.net/node/34384  của   Gioan B. Phạm Minh Mẫn, Hồng Y Tổng Giám mục
[5] http://thanhlinh.net/node/34384  của   Gioan B. Phạm Minh Mẫn, Hồng Y Tổng Giám mục
[6] http://thanhlinh.net/node/34384  của   Gioan B. Phạm Minh Mẫn, Hồng Y Tổng Giám mục