Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

ĐỨC TIN TÌM THẤY TRONG NGHỆ THUẬT THÁNH

Bạn thân mến
          Để mở đầu cho đề tài này, tôi xin mượn những lời được viết trong Công đồng Vaticanô II số 122, về hiến chế phụng vụ thánh “Trong những nghệ thuật cao quý nhất của tài trí con người, đặc biệt phải kể đến mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo và tột đỉnh chính là nghệ thuật thánh. Tự bản tính, nghệ thuật Thánh nhằm diễn tả cách nào đó về vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại. Nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhằm chủ đích gì khác ngoài sự tích cực, góp phần hướng tâm trí con người về cùng Chúa cách đạo đức” [1]. Qua những tác phẩm nghệ thuật, ta tìm thấy được vẻ đẹp của Thiên Chúa, tìm thấy được giá trị cao quý mà con người đang thừa hưởng. Để có được những tác phẩm này, các nghệ nhân, họa sĩ, thi sĩ, đã dày công tìm hiểu, chắt chiu những ý tưởng, những khát vọng cháy bỏng, để rồi họ thổi vào trong những tác phẩm đó một sức sống, sức mạnh, để từng đường nét đi trên tác phẩm là thể hiện cả con người và tâm hồn họ. Con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Người. Qua con người Thiên Chúa đặt để con người trông coi mọi thụ tạo Ngài dựng nên “Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người cũng diễn tả chân lý về tương quan của mình với Thiên Chúa Sáng Tạo bằng vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật của mình. Thật vậy, nghệ thuật là một hình thức diễn tả chỉ riêng con người mới có; vượt lên trên việc cố gắng thỏa mãn những nhu cầu sinh hồn, là điều chung của mọi sinh vật, nghệ thuật là sự đầy tràn chan chứa, được ban tặng cách nhưng không, sự giàu sang nội tâm của con người. Xuất phát từ tài năng do Đấng Tạo Hóa ban, và từ nỗ lực của chính con người, nghệ thuật là một hình thức của sự khôn ngoan thực tiễn, kết hợp kiến thức với tài khéo léo, để tạo hình thể cho chân lý của mọi thực tại, bằng thứ ngôn ngữ có thể cảm nhận bằng mắt và bằng tai nghe.” [2]. Con người không thể dùng những ngôn ngữ bình dân để mô tả hết giá trị của các tác phẩm mà những người nghệ thuật đã làm ra. Đức Thánh Cha Bê – nê – đit – tô XVI đã nói sau khi Ngài xem bộ phim tài liệu mang tên “Nghệ Thuật và Đức Tin – Con Đường Của Cái Đẹp”. Bộ phim này đánh dấu kỉ niệm 500 năm hoàn tất các bức họa trên trần nhà nguyện Sistine. Bộ phim được trình chiếu tại Hội Trường Phaolô VI. Ngài đã nói rất nhiều nhưng tôi xin được trích một câu ngắn trong bài phát biểu của Ngài “Ngôn ngữ của nghệ thuật là ngôn ngữ của các dụ ngôn, có thể mở ra với vũ trụ. Con đường của cái đẹp hướng tâm trí con người đến với vĩnh cửu, nâng cao con người lên với Thiên Chúa” [3]. Qua đó, cho ta thấy được khi được chiêm ngắm những nét đẹp nơi các tác phẩm ta phải có một cái nhìn của niềm tin và một nét đẹp cao vời mà tâm hồn con người đang tìm kiếm và là nơi hạnh phúc nhất của con người.
          Có rất nhiều ngôn từ để nói về con người nghệ thuật. Trong đề tài này tôi xin được trình bày với quý vị lĩnh vực “ Nghệ Thuật Tạo Hình” lĩnh vực này sẽ được quy tụ trong lĩnh vực của Nghệ Thuật Thánh. Qua đó, ta thấy được Đức tin của ta được củng cố và đưa ta đến với Thiên Chúa là nguồn mạch của sự bình an, hạnh phúc và nhất là nguồn mạch của những vẻ đẹp.
I/ Khái Niệm Nghệ Thuật
          Từ “ Nghệ Thuật ” theo nguyên ngữ la tinh ( ars) vừa diễn tả một khả năng sáng tạo của con người, vừa được dùng để chỉ những kết quả do khả năng ấy tạo ra [4]. Nghệ thuật là những tinh hoa mà người nghệ sĩ đã thu thập để rồi trình bày những nét đẹp đó vào tác phẩm của mình. Qua nghệ thuật con người góp phần cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. “Khi chuyên tâm học hỏi các bộ môn triết học, sử học, toán học, vạn vật học và trau dồi nghệ thuật, con người có thể góp phần lớn lao vào công cuộc thăng tiến gia đình nhân loại, để đạt tới những giá trị cao cả của Chân, Thiện, Mỹ và một phán đoán có giá trị phổ quát” [5]. Ngoài những môn học tự nhiên, con người cần trao dồi nghệ thuật. Con người sau khi phạm tội đã đánh mất ơn nghĩa với Thiên Chúa. Không còn được nhìn thấy Ngài cách trực tiếp như trước nữa, nhưng mà qua một trung gian nào đó để đưa ta đến gặp gỡ Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa có đầy đủ về Chân, Thiện, Mỹ  “Niềm vui tinh thần và vẻ đẹp luân lý, đi đôi với việc thực thi điều thiện. Cũng vậy, chân lý mang lại niềm vui và ánh huy hoàng của vẻ đẹp tinh thần. Chân lý tự do là đẹp” [6]. Là tội nhân nên ta không nhìn cách trực tiếp vẻ đẹp nơi Thiên Chúa. Chúa Giê – su  khi tỏ mình ra cho ông Mô – sê trên núi, Ngài cũng không cho Mô – sê nhìn trức tiếp vẻ đẹp của Ngài “Người phán: ngươi không thể  xem thấy tôn nhan Ta. Vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (Xh 33, 20). Vì thế, Con người không thể nhìn thấy cách trực tiếp vể đẹp tôn nhan Ngài nhưng qua nghệ thuật ta có thể nhận ra vẻ đẹp của Thiên Chúa. “Vì các thụ tạo càng lớn lao đẹp đẽ, thì càng giúp nhận ra Đấng Tạo Hóa” (Kn 13, 5), “Vì chính Đấng Tạo Hóa mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp” (Kn 13, 3). Trong sứ điệp gửi toàn thể nhân loại nhân dịp bế mạc Công đồng Vaticanô II, các nghị phụ đã khắng định “Thế giới ngày hôm nay đang cần đến cái đẹp để khỏi chìm đắm vào thất vọng. Cái đẹp cũng như sự thật mang lại niềm vui cho tâm hồn con người, đó chính là những hoa trái quý giá không tàn úa vì thời gian nhưng nối kết các thế hệ lại và làm cho họ thông cảm cho nhau, khi thán phục nhau.” [7]. Nghệ thuật nối kết cái đẹp từ một không gian rộng lớn bao la hùng vĩ vào một khung hình nhỏ nhưng chất chứa biết bao nét đẹp trong đó. Nơi đây ta nhận ra giá trị thiêng liêng và hướng tâm hồn ta đến với một vẻ đẹp muôn màu nơi Thiên Chúa. Con người nghệ sĩ là cánh tay nối dài của Thiên Chúa, để cho hình ảnh của Ngài được lan rộng. Trong thư Đức Thánh Cha Phaolo II gửi các nghệ sĩ, Ngài nói “Thiên Chúa cho con người hiện hữu, giao cho con người nhiệm vụ của những nghệ sĩ, Chính qua hoạt động sáng tạo nghệ thuật ấy mà hơn bao giờ hết con người cho thấy mình giống Thiên Chúa. Con người hoàn thánh nhiệm vụ này, xuất sắc nhất là khi uốn nắn chất thể kì diệu hay nhân tính của mình và khi thi hành quyền làm chủ một cách sáng tạo trên thế giới chung quanh. Với ánh mắt yêu thương nhà nghệ sĩ thần linh đã chuyển giao cho con người nghệ sĩ nhân loại một trí óc khôn ngoan siêu phàm của mình, cho người này chia sẻ quyền sáng tạo của mình.” [8]
II/ Nghệ Thuật Tạo Hình
          Nói đến nghệ thuật tạo hình là nói đến các nhà kiến trúc sư, điêu khắc, hội họa và vẽ. Nhóm người này đã cho ta thấy được vẻ đẹp của các công trình nghệ thuật, làm thỏa mãn thị giác qua những hình thể màu sắc. Thánh Tô – ma đã viết “Đẹp là cái gì làm ta thích thú sau khi đã lĩnh hội”. Nghệ thuật tạo hình không những giúp ta thỏa mãn về thị giác nhưng còn củng cố đức tin cho những tâm hồn nguội lạnh. Các Tông đồ khi xưa theo Chúa nhưng trong tâm hồn vẫn cảm thấy trống vắng, nhiều lẫn Chúa đã củng cố đức tin cho các ông bằng lời nói nhưng các ông cũng chưa cảm thấy thỏa mãn. Niềm hạnh phúc lớn nhất mà ba môn đệ: Phê – rô, Gia – cô – bê và Gio – an   được Chúa thương cho các ông được thấy dung nhan Ngài. Khi được thấy hình ảnh của Chúa, Phê – rô đã thưa với Đức Giê – su rằng: “ Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay. Nếu Ngài muốn, con xin được dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô – sê và một cho ông Ê – li – a” (Mt 17, 4). Khi các ông nhìn thấy hình ảnh của Chúa, niềm tin của các ông tràn ngập để rồi thốt lên niềm hạnh phúc, muốn ở lại, để rồi Phê – rô không cần đến chỗ ở của mình mà chỉ cần làm cho các Ngài những cái lều để ở, con cái lều của mình lúc này là niềm hạnh phúc ở ba cái lều.
          Bằng con mắt thế gian ta không thể trực tri thấy được hình ảnh của Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng vô hình. Chỉ có con mắt đức tin ta mới thấy được Ngài đang hiện diện giữa chúng ta và trong chúng ta. Ta không thấy Ngài hiện diện nên ta cần đến ảnh tượng. Ảnh tượng là nơi gặp gỡ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa nhân loại và màu nhiệm Thần Linh. “Vẻ đẹp và màu sắc của các ảnh tượng kích thích việc cầu nguyện của tôi. Đó là một bữa tiệc làm no thỏa mắt tôi, cũng như cảnh đồng quê kích thích trái tim tôi ca tụng Thiên Chúa” [9]. Sự chia trí trong giờ cầu nguyện của con người, làm cho hình ảnh của Thiên Chúa không còn hiện diện trong tâm trí nữa. Lúc đó khi nhìn lên ảnh tượng thì những sự chia trí kia bị gạt bỏ để nhường lại cho sự tốt đẹp nơi Thiên Chúa ngự trị. Có nhiều lúc đức tin của tôi bị xáo trộn nhưng khi được chiêm ngưỡng ảnh tượng trong nhà nguyện tôi cảm thấy được an ủi, vỗ về. Bởi vì trong đó toát lên hình ảnh Thiên Chúa tràn ngập yêu thương, là người đang nhìn tôi với ánh mắt yêu thương, như người mẹ ấp ủ con thơ trong cánh tay Ngài. Ảnh tượng là con đường đẫn ta đến với Thiên Chúa. Ảnh tượng cũng giống như một bà cụ, nếu không có chiếc gậy thì khó có thể đi được, nhờ cây gậy hỗ trợ để rồi những bước chân của bà cụ bước đi.
Trong Công đồng Vaticanô II, số 122 nói về giá trị của nghệ thuật Thánh, “Giáo hội Mẹ cao sang, luôn luôn là bạn của mỹ thuật và không ngừng tìm đến sứ mạng cao quý của mỹ thuật, nhất là những vật dụng dùng trong phụng vụ thánh được thực sự xứng đáng, thích hợp và mỹ lệ, đồng thời biểu thị và tượng trưng những thực tại trên trời” [10]. Chính vì những giá trị cao quý và mang lại niềm tin cho những người tin hữu qua ảnh tượng, nên Giáo hội căn dặn “Các Đức Giám Mục hãy cẩn thận lo loại trừ khỏi Thánh Đường cũng như những nơi thánh khác những tác phẩm nghệ thuật nào nghịch với đức tin và phong hóa, nghịch với lòng đạo đức Kito giáo, cũng như những tác phẩm làm tổn thương ý nghĩa tôn giáo đích thực hoặc vì hình thức tồi bại, hoặc thiếu nghệ thuật, tầm thường và giả tạo” [11]. Không vì thế mà Giáo hội bỏ việc đặt các ảnh tượng trong những nơi thờ phượng mà “phải kiên quyết duy trì thói quen đặt ảnh tượng thánh trong các Thánh Đường cho các tín hữu tôn kính” [12]. Giáo hội cũng nói rõ, các ảnh tượng tôn kính đều quy về Đức Ki – tô là nguồn mạch của ơn cứu độ, nguồn mạch của sự sống. Chính Ngài đã nói “ An hem hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn an hem sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, vì ách của tôi thì êm ái và gánh của tôi thì nhẹ nhàng ” (Mt 11, 29-30). “Tất cả các dấu chỉ của việc cư hành phụng vụ đều quy hướng về Đức Ki – tô: Kể cả các ảnh tượng của Mẹ Thiên Chúa và của các thánh. Thật vậy, các ảnh tượng này nói về Đức Ki – tô, Đấng được tôn vinh nơi các Ngài. Các ảnh tượng này cho thấy “ ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh” (Dt 12, 1), các Ngài đang tiếp tục tham dự vào công trình cứu độ trần gian và chúng ta được lien kết với các ngài, nhất là khi cử hành các bí tích. Qua ảnh tượng của các ngài, đều được mạc khải cho đức tin của chúng ta. Con người được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa”, cuối cùng được biến hình nên “giống như Thiên Chúa”, và cả các Thiên thần, là những vị đã được quy tụ lại trong Đức Ki – tô: Theo chính giáo huấn của các Thánh Giáo phụ được Thiên Chúa linh hứng, và theo truyền thống của Hội Thánh Công giáo (mà chúng ta biết rằng đó là truyền thống của Chúa Thánh Thần, Đấng chắc chắn đang ngự trong Hội Thánh ), chúng tôi ấn định với tất cả sự chắc chắn và chính đáng rằng, cũng như hình tượng cây Thánh Gía  quý trọng và ban sự sống, các ảnh tượng đáng kính và thánh thiện, hoặc được vẽ và lắp ghép, hoặc bằng những chất liệu thích hợp khác, phải được đặt trong các thánh đường của Thiên Chúa, trên các bình thánh và y phục thánh, trên các bức tượng và các bức họa, trong nhà và trên các đường phố: đó là ảnh tượng của Chúa Giê – su Ki – tô, là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta, cũng như ảnh tượng của Đức Bà tinh tuyền, là Mẹ thánh của Thiên Chúa, ảnh tượng các Thiên thần đáng kính, của tất cả các Thánh và những người công chính” [13]. Mỗi người trong chúng ta đang sống trong xã hội đầy biến động. Chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa duy thực, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa ca nhân, chủ nghĩa thực dụng. Qua đó cũng làm cho đức tin của người Ki-tô hữu cách nào đó cũng bị ảnh hưởng. Không vì thế mà Tin mừng Chúa không được truyền đạt đến mọi nơi. “Nghệ thuật ảnh tượng Ki-tô giáo dùng hình ảnh để truyền đạt sư điệp Tin mừng, sứ điệp mà Sách Thánh lưu truyền bằng lời. Hình ảnh và lời nói làm sáng tỏ lẫn nhau”[14] 
III/ Kết Luận
 Chúa Giê – su khi mời gọi các môn đệ, Người muốn các ông từ bỏ tất cả để đi theo Người với cả trí khôn và tâm hồn. Giáo hội ngày nay cũng mời gọi các nghệ sĩ hãy đem hết sự khôn ngoan, tâm trí, tâm hồn con người nghệ thuật mà Chúa đã ban, để tạo nên những tác phẩm của nghệ thuật thánh, để truyền vào đó vẻ đẹp của Thần linh, mang lại hơi ấm niềm tin nơi người Ki tô hữu. Đức Thánh Cha Bê – nê – đit – tô XVI, trong sứ điệp gửi các tham dự viên khóa họp thường niên lần thứ 17 của Hàn Lâm Viện Tòa Thánh, nhóm họp chiều ngày 21/04/2012 tại Rô – ma, Ngài đã bày tỏ “Nghệ sĩ như Giáo hội, chứng nhân về vẻ đẹp của Đức tin”. Ngài nhận xét: “vẻ đẹp đức tin không bao giờ có thể là một chướng ngại cản trở sự sáng tạo mỹ thuật, vì có thể nói đức tin là nhựa sống và là chân trời tối hậu của sáng tạo nghệ thuật” [15]. Nghệ thuật là cánh tay nối dài trong công cuộc rao truyền Tin mừng cách hữu hiệu, mang lại cho người Kitô hữu nhìn thấu xuất ơn cứu độ của Thiên Chúa. “Nghệ Thuật Tạo Hình” như là bức thông điệp nhắn nhủ người tín hữu hãy cậy dựa vào Chúa bất cứ lúc nào, cậy đựa vào Chúa không chỉ bằng con mắt, tâm trí mà qua nghệ thuật thấu xuất trong trái tim mỗi người. “Nghệ thuật đã giúp Giáo hội diễn tả sứ điệp thánh của mình ra ngôn ngữ hình thể và sắc thái, khiến cho thế giới vô hình có thể được cảm nhận”[16]
                                                                                      Anton Nguyễn Văn Chính
Tài liệu tham khảo

1.     Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nhà xuất tôn giáo TPHCM, Bản Dịch của Nhóm cá giờ kinh phụng vụ.
2.     Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt nam Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin. Nhà xuất bản Hà Nội 2011. Tái bản lần thứ nhất. Hiệu đính bản dịch: Giám MỤC Phaolô Bùi Văn Đọc và Linh mục Giuse Bùi Văn Hoàng.
3.     Công đồng Va-ti-ca-nô II, Phân khoa thần học Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X.
4.     Con người suy tư về giá trị sinh hoạt của mình, triết III Dự Bị Thần Học. Soạn giả: Gioan Nguyễn Hiến Minh.
5.      http://hdgmvietnam.org/ Văn hóa – nghệ thuật. Một cái nhìn về nghệ thuật của Giám mục Matthêô Nguyễn Văn Khôi.
6.     https://sites.google.com/site/trangtintucconggiao/homedaichanly.


[1] Côn đồng Vaticano II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, Số 122.
[2] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Số 2501.
[3] Web: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Một cái nhìn về Nghệ Thuật. Gm Matthêô Nguyễn Văn Khôi.
[4] Web: Hội Đồng Giams Mục Việt Nam. Một cái nhìn về Nghệ Thuật. Gm Matthêô Nguyễn Văn Khôi.
[5] Côn đồng Vaticano II, Hiến chế mục vụ về giáo Hội trong thế giới ngày hôn nay. Số 57.
[6] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Số 2500.
[7] Côn đồng Vaticano II, Gửi giới văn nghệ sĩ, Số 18.
[8] Trong thư của Đức Thánh Cha Gioan phaolo II, gửi các nghệ sĩ. (04/04/1999), Số 1.
[9] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Số 1162.
[10] Côn đồng Vaticano II, Gía trị nghệ thuật thánh, Số 122.
[11] Côn đồng Vaticano II, Gía trị nghệ thuật thánh, Số 124.
[12] Côn đồng Vaticano II, Gía trị nghệ thuật thánh, Số 125.
[13] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Số 1161.
[14] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Số 1160.
[15] Web: Tin tức Công giáo, Đài chân lý á châu. G. Trần Đức Anh, OP.
[16] Côn đồng Vaticano II, trong sứ điệp gửi toàn thể nhân loại , nhân ngày bế mạc, Số 17.