Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

LÝ TRÍ TRONG SUY TƯ THẦN HỌC CỦA ST TOMA VÀ BONNAVENTURA

Trong suy tưởng của mỗi thần học gia, đều có những con đường khác nhau để tìm đến Thiên Chúa. Nhưng có chung một sự gặp gỡ là tìm mối tương giáo giữa con người và Thiên Chúa. Ở giữa hai lãnh vực con người và Thiên Chúa là một khoảng không bao la để cho các nhà thần học tìm kiếm và làm cho khoảng cách đó gần lại với nhau. Trong thụ tạo có Thiên Chúa và Thiên Chúa có trong thụ tạo. Cả hai kết hợp làm một với nhau trong cùng một dòng suy tưởng để mỗi người có những cách tìm đến Thiên Chúa cách nhanh nhất. Qua St Toma và Bonnaventura ta thấy được mỗi người có cách nhìn khác nhau khi sử dụng “lý trí” để nói về Thiên Chúa và giúp con người nhận ra cùng đích của mình. Trước khi đi vào chi tiết của những dòng suy tưởng của hai Thánh nhân, Ta cùng nhau tìm hiểu đôi chút về cuộc đời của hai Thánh nhân.
A/ Cuộc đời Thánh Toma
          Thánh Thomas Aquinas chào đời vào khoảng cuối năm 1224 đầu năm 1225, tại Roccasecca, gần Naples. Ông xuất thân trong một gia đình quyền quý. Cha ông làm thẩm phán ở Aquino. Thời thiếu thời, ông được giáo dục ở đan viện Monte Cassino. Từ năm 1239 đến năm 1243 ông tiếp tục học tại khoa nhân văn thuộc đại học Paris. Vào năm 1244 ông gia nhập Dòng Thánh Đa Minh, ngược với ý muốn của gia đình. Ông đã học ở Paris từ năm 1245, dưới sự hướng dẫn của Albert the Great tức là Anbeto Cả. Ông là học trò của Anbeto Cả tại đại học Cologne từ năm 1248-1252. Năm 1252 Toma lại đến Paris và bắt đầu một khóa học 4 năm về chú giải và giảng dậy các Luận Đề của Peter Lombard. Năm 1257 ông được công nhận là giáo sư đại học Paris và giảng dạy ở đó cho đến cuối niên khóa 1259. Sau đó, Ông trở về ý và giảng dậy ở Orivieto, Rome và Vierbo. Năm 1269 ông trở về Paris và giảng dạy ở đó trong tư cách là giáo sư đại học. Năm 1272 ông chuyển đến Naples để mở một học viện Đa Minh tại đại học Naples. Năm 1273 ông ngừng giảng dạy để viết lách. Vào tháng 2 / 1274 ông đi dự Công Đồng Chung Lyon. Tuy nhiên, tại đan viện Fossanuova, ngay phía bắc thành phố Naples, ông lâm bệnh ngặt nghèo và đã qua đời tại đó.
          Anbeto Cả thành Cologne, người đã dốc hết tâm huyết để dịch các tác phẩm của Aristote và truyền thống thần học Kito giáo. Những bài chú giải của ông về tác phẩm Aristote rất quan trọng, được viết bằng tiếng Latinh. Chỉ trình bày hiểu biết của mình về quan điểm của Aristote. Toma là học trò của Anbeto Cả nên ông đã truyền cảm hứng cho Toma trong sự hòa hợp truyền thống thần học Kito giáo theo quan điểm của Augustino và tư tưởng của Aristote. Chính vì vậy, trong Bộ Tổng Luận Thần Học của Toma có 39 đề mục tham chiếu của St Augustino và 35 đề mục tham chiếu Aristote.
B/ Cuộc đời Thánh Bonnaventura
          Chúng ta không biết nhiều về thời thơ ấu của thánh nhân. Ngài sinh tại Babnoregio, gần Orvieto, Italia. Có nhiều tranh cãi về cuộc đời của Ngài Nhưng phần lớn cho rằng Ngài chào đời khoảng năm 1217. Ngài bắt đầu theo học cứ nhân vưn chương tại đại học Paris vào khoảng năm 1235. Thánh nhân hoàn tất chương trình tú tài Kinh Thánh vào năm 1248 và dạy Kinh Thánh trong khoảng 2 năm đó. Trong khoảng năm 1250 – 1252, Thánh nhân cho ra đời tác phẩm Chú giải các luận đề của Peter Lombard. Sau đó ít lâu Ngài nhận bằng tiến sĩ thần học. Ngài làm giám đốc học vụ tại đại học Phan sinh ở Paris từ năm 1254-1257. Một điểm rất quan trọng lúc này Ngài là đồng nghiệp của Thánh Toma. Năm 1257 Ngài rời Paris cùng với chức cụ giáo đốc học vụ để phục vụ Hội Dòng trong tư cách là Tổng Phục Vụ thứ 7 của Anh Em Hèn Mọn. Sau những lần xung đột với anh em thì năm 1259 Ngài rút lên núi La Verna thanh vắng là nơi Phanxico đã được in Năm Dấu, để dắm mình sau trong thế giới thiêng liêng của Đấng Sáng Lập. Tháng 5 / 1273, Đức Giao Hoàng Gregory X chỉ định Ngài lên chức Hồng Y. Sau đó cùng với Đức Giao Hoàng đi tới Lyon để chuổn bị cho công đồng Lyon II sẽ được triệu tập vào tháng 5 / 1274. Chỉ 2 ngày trước khi Công Đồng bế mạc thì Ngài qua đời vào Chúa Nhật ngày 15 / 7 / 1274.
I/ Giống nhau:
          Cả hai đã từng là đồng nghiệp của nhau trong cương vị giám đốc học vụ. Cả hai đều có cái nhìn về triết học của Aristotle vào thần học một cách có phê phán. Cả hai đều nhận định không thể tách triết học và thần học cách riêng lẻ nhưng là sự bổ trợ cho nhau. Triết học kết nối với thần học và nhờ thần học mà triết học phát huy hết tiềm năng đích thực của mình. Cả hai đều có cái nhìn về giới hạn của lý trí trong nỗ lực tiến tới chân lý, bởi vì chân lý chỉ được tìm thấy trọn vẹn trong Thiên Chúa mà thôi. Cả hai đều mong muốn có sự hợp nhất giữa đức tin và lý trí. Mục đích của thần học là sự kết hợp giữa tri thức và người tri thức, giúp con người đi từ tiềm thể đến hiện thể của mình. Cả hai đều quan niệm chỉ có mạc khải nơi Thiên Chúa thì con người mới biết cách trọn vẹn nhất.
II/ Khác nhau:
1/ Vai trò của “lý trí” trong suy tư thần học của St Toma:  
St Toma đề cao vai trò của lý trí trong con người. St Toma đã sử dụng ngũ đạo để chứng minh có Thiên Chúa. Lý trí là khả năng Thiên Chúa ban cho con người để con người khám phá ra những chân lý thực tại nơi thụ tạo. Ngài cho rằng mọi nhận thức phải bắt đầu từ kinh nghiệm về đối tượng khả giác thay vì bằng các ý niệm bẩm sinh về sự hoàn hảo. Đặc tính chính của đối tượng khả giác là sự tồn tại của chúng, đòi hỏi phải có nguyên nhân của nó. Dưới ánh sáng tự nhiên của lý trí, trí khôn biết được khi kinh nghiệm các biến cố, hậu quả phải có nguyên nhân, vì không có gì đến từ hư vô. Đối với Ngài “lý trí” không giúp đức tin nhận ra cùng đích của con người nhưng “lý trí” giúp cho đức tin có sự hiểu biết rồi mới tin. Theo Ngài “lý trí” hướng về Thiên Chúa là cùng đích của sự việc. Lý trí đóng vai trò là tiền sảnh, là nền tảng cho một vấn đề nào đó khi nó xuất hiện. Khi một sự vật hiện hữu thì lý trí không chỉ tin một cách mờ quáng, nhưng lý trí tìm về cùng đích của mình là cái gì đã làm nên sự vật này và làm cho nó hiện hữu. Ngoài lý trí ra không có điều gì nhận biết Thiên Chúa hiện hữu. Lý trí là nền tảng của đức tin, nền tảng của thần học. Mục đích của St Toma là giúp con người hiểu về Thiên Chúa là Đấng như thế nào rồi mới dẫn đến một niềm tin sắc đáng chứ không tin một cách mu mơ. Theo quan niệm của St Toma Triết học và thần học không có sự đối chọi nhau, kình địch nhau nhưng triết học và thần học có sự bổ trợ cho nhau và giúp nhau khám phá ra cùng đích niềm tin của mình. Ngài cho rằng: Nữ tỳ là triết học và Bà Hoàng là thần học.
2/ Vai trò của “lý trí” trong suy tư thần học của St Bonnaventura:
Bonnaventura ảnh hưởng bởi ba nguồn tư tưởng là Augustino, Dionysivs và Phanxico. Nên phần nào cũng chịu ảnh hưởng tới tư tưởng của St Bonnaventura. Cũng như St Augustino là tin để hiểu thì St Bonnaventura cũng bắt đầu bằng đức tin, xác tín rằng Đức Kito, Ngôi Lời Hằng Sống của Thiên Chúa là mặc khải trọn vẹn nhất mà Thiên Chúa ban cho thế giới, vì thế con người chỉ có thể tìm thấy chân lý nơi Đức Kito. Từ chân lý này Ngài đã tự tuyên bố là đã khám phá ra chân lý. St Bonnaventura tin rằng tư duy con người dứt khoát phải hưởng đến sự hiểu biết của Thiên Chúa. Chính vì thế Ngài nói rằng: Sự hiểu biết Thiên Chúa trước tiên không phải là nhận thức về Thiên Chúa mà là yêu mến Thiên Chúa. Người ta có được tri thức tối thượng là nhờ ơn soi sáng chứ không phải nhờ suy luận của con người. Khái niệm Mô mẫu Thụ tạo là hình ảnh hay là sự thông dự vào Mô mẫu lý tưởng Thần Linh. Thế giới là một phản ảnh mang tính biểu tượng của thế giới Thần Linh. Qua đó, ta thấy rằng St Bonnaventura có một quan điểm coi trọng “ái cảm” hơn là “tri thức”. Ngài cho rằng: Một khi lý trí nhận ra Thiên Chúa là mục đích tối hậu của nó thì lý trí chỉ muốn kết hợp với Thiên Chúa. Cuối cùng Ngài đưa ra một khái niệm tri thức về Thiên Chúa là: Khi ý chí thức giấc thì tất cả phải lặng yên (Hexaemeron 2.30). Tư tưởng của St Bonnaventura chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi Đấng sáng lập của Hội Dòng Phanxico Assisi. Thánh nhân không chỉ là trung tâm nhưng còn là mặt trời và là sứ vụ của Bonnaventura. Chính vì vậy trong các tác phẩm của Ngài đều nhấn mạnh đến sự suy niệm và việc chiêm ngường này tập trung vào ba lĩnh vực chính yếu: Suy niệm về thế giới tự nhiên, về bản thân con người và bản tính Thiên Chúa.
Kết luận:
Qua những điểm giống và khác nhau nói trên, cho ta nhận thấy cả hai Ngài đã sử dụng những con đường khác nhau để tìm đến Thiên Chúa. Một bên là tin để hiểu còn một bên hiểu để tin. Nhưng cả hai đều không có sự mâu thuẫn, chống đối nhau. Qua đó, niềm tin của ta được củng cố và giúp ta sáng tỏ hơn về Đấng mà ta đang tin thờ. Niềm tin của chúng ta không phải la một sự mê tín nhưng niềm tin của chúng ta phát xuất từ con tim, lòng mến, lý trí hay nói cách khác niềm tin của chúng ta là tất cả con người của chúng ta làm nên một đức tin. Cả con người của ta chính là con người của Chúa. Chính Chúa đang hoạt động và gìn giữ ta trong mọi nơi mọi lúc.   

Ant Công Chính

Không có nhận xét nào: