Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

NÉT ĐẸP ĐỜI LINH MỤC


Cuộc sống quanh ta với biết bao là nét đẹp. Nét đẹp của hoa cỏ đồng nội. Nét đẹp của trăng sao, cá nước chim trời. Nét đẹp của những cánh đồng mênh mông bát ngát, hay nét đẹp của những dòng sông hiền hòa, trĩu nặng phù sa. Nét đẹp của thiên nhiên và nét đẹp của con người. Đó là nét đẹp của trí tuệ, nét đẹp về hình thể, nét đẹp của lòng nhân ái bao dung, nét đẹp trong những lời thơ, tiếng hát v.v… Thế nên, một nhạc sĩ đã từng viết: “Cuộc đời quanh ta có biết bao là nét đẹp.” Vậy những nét đẹp của đời linh mục là gì? Tại sao đời linh mục lại có những nét đẹp như thế?
Trong một bài viết đã lâu, linh mục Anthony Đào Quang Chính, OP, có đề cập đến 6 niềm vui sướng và 5 niềm khổ đau trong đời linh mục: “Cái sướng thứ nhất là được gọi bằng “cha”; thứ hai là được bài hát nào đó ca tụng rằng: Chúa chọn con lên hàng khanh tướng; thứ ba là nghe tội người khác; thứ tư là ngồi chỗ kính trọng; thứ năm là không bị lo lay-off, nghĩa là thất nghiệp; và thứ sáu là cha nói một tiếng bằng chúng con nói mười tiếng.” Suy cho cùng, những niềm vui sướng ấy chỉ dừng lại ở khía cạnh hình thức bên ngoài mà thôi. Những niềm vui sướng ấy không nói lên những nét đẹp nơi căn tính và sứ vụ của người linh mục. Căn tính sâu xa của đời linh mục đó chính là nét đẹp của tâm linh, nét đẹp của sẻ chia, nét đẹp của tha thứ, và nét đẹp của hy sinh.
1/ Nét đẹp của tâm linh
Linh mục là con người của cầu nguyện, là thầy dạy về cầu nguyện. Là con người của cầu nguyện, linh mục nguyện gẫm, suy niệm Lời Chúa, giảng dạy Lời Chúa, viếng Chúa, Chầu Thánh Thể và dâng Thánh lễ mỗi ngày. Đó là những nét đẹp tâm linh trong đời linh mục.
Mỗi lần nguyện gẫm, linh mục có thời gian nhìn lại chính mình, nhìn lại mối tương quan giữa mình với Thiên Chúa, hay mối tương quan giữa mình với giáo dân. Mỗi lần suy niệm hay giảng dạy Lời Chúa, linh mục phải là người để Lời Chúa soi sáng, dẫn đường để rao giảng những lời của an ủi yêu thương, những lời của sự thật và sự sống. Mỗi lần viếng Chúa, chầu Thánh Thể, linh mục quỳ gối thinh lặng, cầu nguyện và chiêm ngắm Thánh Thể là bí tích của tình yêu, một tình yêu cao trọng, một tình yêu đến cùng mà Chúa Giêsu, vị linh mục thượng phẩm đời đời đã dành cho nhân loại. Mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần linh mục hiệp cùng hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá, để dâng cả những suy nghĩ, dự định, ước muốn; dâng cả những lỗi lầm, bất xứng trong đời linh mục lên cho Thiên Chúa Cha, để cầu nguyện cho bản thân, nhất là cầu nguyện cho những đau khổ của đoàn chiên mà Chúa trao phó.
2/ Nét đẹp của sẻ chia
Nhiều bổn đạo đau khổ, tuyệt vọng bởi những biến cố đau thương giữa đời thường. Họ tìm đến nhờ linh mục cho những lời khuyên, giúp lời cầu nguyện để vượt qua những khó khăn và thử thách. Đau khổ về tinh thần lẫn vật chất. Nhiều bà con vướng vào cảnh nợ nần, hoặc quá nghèo tìm đến với linh mục, nói thật những đau khổ ấy với linh mục, họ hy vọng được ngài sẻ chia. Có cha mẹ nào lại không thương những đứa con đang hoạn nạn, nghèo túng của mình. Vì vậy, người linh mục luôn đồng cảm với những nỗi thống khổ của nhiều bổn đạo trong giáo xứ mà ngài coi sóc. Cha giúp lời cầu nguyện. Cha thăm viếng động viên. Thậm chí cha giúp một chút tiền để họ vượt qua khủng hoảng và bế tắc. Vì vậy, linh mục là người “bị ăn”, là tấm bánh được bẻ ra để phân phát cho những ai đang đói khát.
Nhiều linh mục tổ chức mời đoàn bác sĩ ở thành phố về nhiều giáo xứ tỉnh lẻ ở thôn quê để khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con giáo dân. Nhiều linh mục tổ chức những đợt phát quà cho bà con giáo dân nghèo mỗi dịp Giáng sinh hay Tết đến. Nhiều linh mục tổ chức những đợt phát học bổng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn nhưng chăm chỉ học hành. Gia đình nào có tang chế, linh mục đến hiệp dâng Thánh lễ, cầu nguyện và chia sẻ sự mất mát lớn lao. Đó là những nét đẹp của sẻ chia và yêu thương trong đời linh mục.
3/ Nét đẹp của tha thứ
Theo gương Chúa Giêsu, người linh mục là con người của tha thứ. Ngài tha thứ cho những bổn đạo nói xấu, chỉ trích, lên án mình. Ngài tha thứ cho nhiều hối nhân nơi tòa giải tội. Ngài tha thứ cho những lầm lỗi, thiếu sót cho bà con đang làm việc trong các hội đoàn. Đó là nét đẹp của lòng bao dung. Vì yêu thương con cái nên cha mẹ sẵn sàng tha thứ, không chấp nhất những lỗi lầm, khuyết điểm của con. Vì yêu thương đoàn chiên nên người linh mục luôn đón nhận tất cả vào vòng tay nhân ái của người mục tử nhân lành.
Vì vậy, nơi nét đẹp của tha thứ, mỗi Kitô hữu chúng ta còn khám phá ra nơi khuôn mặt của mỗi linh mục sự hiền lành và phúc hậu. Nét đẹp ấy đã giúp nhiều hối nhân lấy lại niềm tin yêu và cậy trông vào Thiên Chúa. Cả thế giới vô cùng cảm kích trước nghĩa cử Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tới một nhà tù, thăm hỏi và tha thứ cho người thanh niên bắn những phát súng để ám sát ngài. Phải chăng đó là nghĩa cử xuất phát từ những gì Chúa Giêsu đã dạy và đã sống?
4/ Nét đẹp của hy sinh
Làm linh mục đòi hỏi phải có sự hy sinh. Hy sinh thời gian, sức khỏe; hy sinh những phút thư giãn của bản thân để phục vụ nhu cầu tâm linh của nhiều bà con bổn đạo; hy sinh sống đời độc thân không có vợ con để dành trọn thời gian và công việc cho việc phục vụ Giáo hội và mọi người. Bởi vậy, nét đẹp của hy sinh được kết nên bởi những từ bỏ trong đời linh mục. Người linh mục đúng nghĩa phải là một con người của sự từ bỏ của cải vật chất, từ bỏ những quyến luyến của tình cảm, của đam mê xác thịt, hay từ bỏ những cám dỗ quyền lực, danh vọng để sống đơn sơ, thanh thoát và dấn thân cho sứ vụ mục tử.
Tình yêu đòi hỏi phải có hy sinh. Hy sinh càng nhiều tình yêu càng có ý nghĩa và đúng nghĩa. Tuy nhiên, ngày nay, tâm lý tự nhiên ai cũng sợ hy sinh và từ bỏ. Người linh mục sợ hy sinh vì thấy lòng mình chưa thật sự từ bỏ dứt khoát những lôi cuốn của sự đời. Người linh mục sợ cô đơn vì động lực dấn thân vì lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội chưa thật sự mạnh mẽ. Vì vậy, tận trong sâu thẳm cõi lòng, nhiều linh mục vẫn chân nhận rằng mình cảm thấy cô đơn và đấu tranh với những phân mảnh trái ngược nhau diễn ra trong tâm hồn như trong “Lời Kinh Chiều Chúa nhật”, Linh mục Michel Quoit đã viết:
“Lạy Chúa, chiều nay chiều Chúa nhật, một mình con quỳ đây đối diện với ngọn đèn chầu, đối diện với Thánh Thể Chúa. Giờ này, nhiều gia đình đang sum họp ăn uống, cười nói vui vẻ bên nhau, còn con thì lặng lẽ âm thầm cầu nguyện với Chúa. Con bắt tay nhiều người nhưng không giữ lại một bàn tay nào cho riêng mình. Con tiếp xúc với nhiều trẻ con, nâng niu và vui đùa với chúng. Nhưng lạy Chúa, đó là những đứa trẻ của người khác chứ không phải là của con. Con giơ tay ban phép lành xá tội cho nhiều người, nhưng những tội đời của con thì chỉ có Chúa mới hiểu mà thôi… Lạy Chúa, làm linh mục có những phút giây cô đơn rất thật như thế, nhưng con tin rằng những phút giây ấy là cơ hội để con trắc nghiệm lại động lực ơn gọi dấn thân trong sứ vụ đời mình.”
Tóm lại: trong cuộc đời này cái gì cũng đều có hai mặt. Đời linh mục cũng vậy. Nhiều bậc cha mẹ muốn con đi tu làm linh mục cho sướng cái thân, ra đời lăn lộn kiếm tiền, vất vả khổ cực lắm! Nhưng họ đâu biết rằng, đằng sau những hào nhoáng, sung sướng bên ngoài ấy, người linh mục hằng ngày phải chiến đấu với bản thân, chiến đấu trong lời kinh, nguyện cầu. Làm linh mục có nhiều cái sướng nhưng khổ đau cũng không phải là ít, thậm chí khổ nhiều hơn sướng. Thế nhưng, nhờ những nét đẹp tâm linh, nét đẹp của sẻ chia, nét đẹp của tha thứ, hy sinh mà người linh mục có thêm động lực tình yêu để sống trọn vẹn trong ơn gọi. Những nét đẹp đời linh mục cho thấy Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng của niềm vui, của niềm tin yêu và hy vọng cho thế giới hôm nay.
            
   Tâm Thương (WGPSG)

NIÊN GIÁM TÒA THÁNH 2013


          Sáng thứ Hai 13 tháng 5, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh đã trình lên Đức Thánh Cha Phanxicô Niên Giám Tòa Thánh 2013 và Thống Kê Giáo Hội Thường Niên (Annuarium Statisticum Ecclesiae) năm 2011. 
      Cả hai cuốn đều đã được soạn thảo bởi Đức Ông Vittorio Formenti, phụ trách Văn phòng thống kê Trung ương của Giáo Hội, Giáo sư Enrico Nenna và cộng tác viên khác. Đức Thánh Cha đã bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với những đóng góp của các vị biên soạn.
              Thống kê của Tòa Thánh cho thấy số người Công Giáo trên toàn cầu nhìn chung vẫn ở mức 1.214 tỷ, tăng chỉ cao hơn một chút so với tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu trong giai đoạn 2010/2011.
         Số linh mục dòng và triều đã gia tăng, chủ yếu là do sự gia tăng ơn gọi ở châu Á và châu Phi đã giúp cân bằng xu hướng tiếp tục suy giảm ở châu Âu (-9% trong thập kỷ qua).

       Tuy nhiên, tình trạng không được lạc quan mấy đối với số lượng nữ tu đã giảm đến 10% trong thập kỷ qua. 
Số liệu thống kê đáng ngạc nhiên nhất được nêu trong Niên Giám Tòa Thánh năm 2013 là sự bùng nổ trong ơn gọi phó tế vĩnh viễn, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ, nơi số phó tế đã tăng hơn 40% trong thập kỷ qua.

Niên Giám Tòa Thánh 2013 đã ghi lại các dữ liệu chính trong đời sống của Giáo Hội Công Giáo trên thế giới, trong năm 2012, cho đến cuộc bầu cử Giáo Hoàng vừa qua. Trong thời gian này Giáo Hội có thêm 11 Tòa Giám Mục, 2 giáo hạt Tòng Nhân, 1 hạt đại diện tông tòa và 1 miền phủ doãn tông tòa.
      Bên cạnh đó một miền phủ doãn tông tòa đã được nâng lên bậc giáo phận và 2 miền phũ doãn dành cho các tín hữu theo nghi lễ Đông Phương được nâng lên hàng giáo phận.

      Số người Công Giáo trên toàn thế giới đã tăng từ 1.196 tỷ trong năm 2010 đến 1.214 tỷ trong năm 2011, tức tăng 1.5%. Sự tăng trưởng này là chỉ cao hơn một chút so với sự tăng trưởng dân số của thế giới là 1.23%. Sự hiện diện của người Công Giáo trên thế giới chủ yếu vẫn không thay đổi, tức là vẫn ở mức 17.5%. 

Số người Công Giáo Phi Châu tăng 4.3%. Châu Á tăng 2.3%. Sự tăng trưởng về số lượng người Công Giáo ở Mỹ và châu Âu vẫn ổn định, phù hợp với tăng trưởng dân số là 0.3%.

         Trong năm 2011, tổng số người Công Giáo được rửa tội phân phối trên các lục địa là: 16.0% ở châu Phi, 48.8% ở châu Mỹ, 10.9% ở châu Á, 23.5% ở châu Âu và 0.8% ở Châu Đại Dương.
         Số lượng các Giám Mục trên thế giới tăng từ 5104 đến 5132. Sự gia tăng đặc biệt có liên quan đến Châu Đại Dương (4.6%) và châu Phi (1.0%). Số các Giám Mục ở Mỹ và Châu Âu không thay đổi bao nhiêu và vẫn chiếm 70% số Giám Mục trên toàn thế giới.
        Tính chung các linh mục triều và dòng, tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2001, Giáo Hội có 405,067 linh mục; một thập niên sau, tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2011, Giáo Hội có 413,418 linh mục. 
       Số phó tế vĩnh viễn đang bùng nổ trên toàn cầu. Tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2001, Giáo Hội có 29,000 phó tế. Một thập niên sau, Giáo Hội có 41,000 phó tế. 
       Các phó tế ở châu Âu tăng từ 9,000 trong năm 2001, đến 14,000 trong năm 2011, tức là tăng hơn 43%. 
      Ở Mỹ số lượng phó tế tăng từ 19,100 phó tế năm 2001 lên hơn 26,000 trong năm 2011. 
       Như vậy, số phó tế ở châu Âu và châu Mỹ chiếm 97.4% tổng số phó tế toàn cầu.
      Số nữ tu đã giảm từ 792,000 trong năm 2001 còn 713,000 vào năm 2011.
       Các chủng sinh trên toàn cầu tăng từ 112, 244 vào năm 2001 lên 120,616 vào năm 2011, tức tăng 7.5%. Sự phát triển rất khác nhau trong các châu lục. Trong khi châu Phi tăng 30.9% và châu Á tăng 29.4%, châu Âu sụt 21.7% và châu Mỹ đã sụt 1.9%.
                             
                                                                               Nguồn tin: Vietcatholic

PHÂN TÍCH CÂU “KẺ MẠNH LÀ KẺ VÁC NGƯỜI KHÁC TRÊN VAI MÌNH CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ KẺ ĐẠP LÊN VAI NGƯỜI KHÁC ” CỦA NAM CAO

Dẫn nhập
Nam Cao, tên thật là Trần Hữu Tri sinh năm 1917 tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông dạy học rồi chuyển sang viết văn từ lúc còn rất trẻ. Tên tuổi của ông thực sự được quen biết từ sau khi truyện ngắn Chí Phèo- một truyện ngắn xuất sắc của ông và của nền văn học hiện thực Việt Nam xuất hiện vào năm 1941. Một truyện ngắn đáng chú ý khác mà Nam Cao viết về tầng lớp tiểu tư sản trí thức nghèo, đó là tác phẩm Đời Thừa. Trong tác phẩm Đời Thừa, tác giả phản ánh một ước mơ được sống trong cảnh hòa bình, ấm no, hạnh phúc của nhân dân và tầng lớp tri thức nghèo. Tác giả cảm thông và xót xa đối với tấm bi kịch tinh thần đau đớn dai dẳng của người tri thức nghèo có tài năng, có tâm huyết và giàu lòng nhân đạo trong xã hội lúc bấy giờ. Nam Cao còn lên án gay gắt cái xã hội ngột ngạt bóp chết mọi ước mơ, cướp đi cuộc sống chân chính của con người, đầu độc tâm hồn và mối quan hệ giữa người và người mà làm cho bản chất tốt đẹp của con người thay đổi. Trong tác phẩm đời thừa, Nam Cao viết: “Kẻ mạnh là kẻ vác người khác trên vai mình chứ không phải là kẻ đạp lên vai kẻ khác”. Vậy, kẻ mạnh mà tác giả muốn nói đến ở đây là kẻ mạnh như thế nào? Chúng ta phải làm gì, phải sống như thế nào để trở nên kẻ mạnh vác người khác trên vai mình chứ không phải là kẻ mạnh đạp lên vai người khác? Dưới đây, em xin phân tích để làm sáng tỏ câu nói trên.
I. Kẻ mạnh đạp trên đầu người khác và kẻ mạnh vác người khác trên vai mình?
1. Thế nào là kẻ mạnh?
Theo từ điển Tiếng Việt, kẻ mạnh là một người hay một tổ chức vượt trội hơn về sức lực, tiềm lực, là kẻ mạnh về mọi mặt, có khả năng chịu đựng gánh vác trách nhiệm nặng nề trong công việc đối với một người hay một tổ chức nào đó…(Nguyễn Như Ý, Đại Từ Điển TiếngViệt, nxb VH-TT, 1999). Nhưng ngược lại, kẻ mạnh cũng có thể dùng sức mạnh của mình để chà đạp lên người khác…
          Có rất nhiều kẻ mạnh khác nhau, với bài viết này , em xin được trình bày kẻ mạnh về kẻ mạnh với sức mạnh của vũ khí, quyền lực, tiền bạc; và kẻ mạnh với sức mạnh của tình yêu, niềm tin và hy vọng.
2. Kẻ mạnh đạp lên vai người khác.
          Trong tác phẩm Đời Thừa, khi đứng trước một sự lựa chọn nghiệt ngã, một bên là sự nghệp văn chương của riêng mình, một bên là sự sống của gia đình, nhân vật Hộ đã đấu tranh rất quyêt liệt. Tư tưởng sống ích kỷ để trở nên kẻ mạnh của một nhà triết học đã từng cám dỗ Hộ. Đó là: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”. Trước gánh nặng của gia đình, Hộ điên người lên vì cứ phải xoay tiền để lo cho cuộc sống của vợ con. Hộ còn điên người lên vì con khóc mà không lúc nào được yên tĩnh để sáng tác, vì thế mà Hộ trở nên cau có và gắt gỏng với con, với vợ, với những người thân của Hộ. Hộ đã muốn xua đuổi vợ con ra khỏi nhà để quang đi cái gánh nặng của người chồng là cứ phải lo kiếm tiền và dành thời gian để chăm lo cho cuộc sống của gia đình. Vì muốn thành công trong sự nghiệp văn chương, muốn trở nên một kẻ mạnh mà Hộ đã muốn xua đuổi và đối xử tàn nhẫn với vợ con, là những người thân yêu của mình, cùng chung sống với mình, cùng chia ngọt sẻ bùi với mình trong cuộc sống hàng ngày…
Trong xã hội mà chúng ta đang sống, kẻ mạnh đã và đang dùng sức mạnh của quyền lực, của vũ khí, của tiền bạc…để chà đạp lên đầu người khác một cách tàn bạo và thô thiển. Đau đơn thay, chúng lại chà đạp lên chính những người thân của mình, dân tộc mình. Chúng dùng súng, dùng búa, dùng liềm- những thứ được trang bị để bảo vệ dân, bảo vệ đất nước-, thì chúng lại dùng để đàn áp, đánh đập chính dân tộc mình và cắt tỉa những người tri thức yêu nước…Chúng thêu dệt nên huyền thoại, nên những trang sử, những tư tưởng sai lệch để đầu độc tâm hồn và tư tưởng của nhân dân, lại còn bắt cả dân tộc học tập và làm theo. Lại nữa, chúng đổi trắng thay đen, ca tụng kẻ gian ác và lên án người vô tội nhằm che dấu sự thật, che dấu những tội ác khủng khiếp mà chúng đã gây ra cho con người, cho dân tộc để thỏa mãn lòng ích kỷ của chúng... Trong khi đó, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: con người đoàn kết yêu thương nhau, trẻ kính già, con cái tôn kính cha mẹ, người mang ơn thì phải trả ơn người làm ơn cho mình…thì chúng lại gây ra sự hận thù, chia rẽ, con cái đấu lại cha mẹ, người mang ơn tố lại người làm ơn cho mình…làm cho mối dây liên kết tình người, đoàn kết dân tộc bị phá vỡ. Như trong tác phẩm Đời thừa, tác giả viết thì“chúng giống như một thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái. Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác lên đôi vai mình”.
3. Kẻ mạnh vác người khác trên vai mình.
Vì muốn thành công trong sự nghiệp văn chương, nhân vật Hộ trong tác phẩm Đời Thừa đã muốn ruồng rẫy để mặc cho vợ con khổ sở. Tư tưởng muốn thành công muốn làm kẻ mạnh thì phải độc ác, tàn nhẫn đã cám dỗ Hộ. Nhưng, Hộ là một con người. Hộ nghĩ rằng: “Hắn là người chứ không phải là một thứ quái vật bị sai khiến”. Suy nghĩ ấy đã giúp Hộ tỉnh ngộ, sống chân chính, yêu thương với nguyên tắc sống rất cao cả. Kamax nói: “Chỉ có súc vật mới quay lưng laị với nỗi khổ của đồng loại, để chỉ chăm sóc cho bộ da của mình”. Hộ cho rằng, con người khác con vật là ở chỗ sống có tình yêu thương, sự tha thứ…
Theo Kinh Thánh bí quyết của tình yêu là sự chết, tức là hy sinh. Chỉ có yêu thương, tha thứ mới giúp chúng ta có sức mạnh vác người khác trên vai của mình. Khi sống yêu thương, tha thứ cho nhau, con người sẽ cảm nghiệm thấy:“tình yêu mạnh hơn sự chết” (x. Dc 8, 6) mà “dám hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (x. Ga 15, 13) chứ không đạp lên vai người khác.
Vì yêu thương, Hộ đã mở lòng bác ái để cứu vớt, cưu mang Từ, một nạn nhân đáng thương, bị tình nhân bỏ rơi với đứa con mới đẻ. Hộ phụng dưỡng mẹ già của Từ, đón nhận đứa con của Từ…. Hộ tha thứ và quên đi quá khứ của Từ. Vì yêu thương, muốn chăm sóc cho vợ con, cho gia đình, Hộ đã tính chuyện sẵn sàng gác bỏ sự nghiệp văn chương của mình để lao vào kiếm tiền lo cho vợ con để xây dựng hạnh phúc gia đình…
II. Kẻ mạnh đạp lên vai người khác sẽ bị tiêu diệt, ngược lại kẻ mạnh vác người khác trên vai mình sẽ tồn tại.
1. Kẻ mạnh đạp lên vai người khác sẽ bị tiêu diệt
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà nền kinh tế, khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng, đem lại nhiều lợi ích cho con người. Thế nhưng, chúng ta cũng đang sống trong một thế giới mà khủng bố, chiến tranh… ngày một lan rộng, đã gây ra và để lại cho con người những hậu quả khủng khiếp. Nhiều nước có sức mạnh quân sự với những loại vũ khí nguyên tử có sức hủy diệt khủng khiếp. Nhiều nước thi nhau chạy đua vũ trang để đe dọa nhau và muốn giải quyết các vấn đề bằng bạo lực. Một thế giới mà kẻ mạnh đạp lên đầu kẻ yếu…
Nhìn lại lịch sử thế giới qua hai cuộc chiến tranh, người ta ước tính: thế chiến thứ nhất (1914-1918), đã làm cho khoảng 37 triệu người bị chết, mất tích và bị thương, chi phí cho chiến tranh hết khoảng 200 tỷ USD. Thế chiến thứ hai (1939-1945), đã làm cho khoảng 56 triệu người bị chết, mất tích và bị thương (Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử thế giới, vxb VH-TT, năm 1999, trang 191 và 261). Kẻ thắng cũng như kẻ bại đều chịu những thiệt hại không lường trước được mà không giải quyết được vấn đề. Những kẻ mạnh như: Chủ nghĩa Thực dân, chủ nghĩa Đế quốc, chủ nghĩa Phát xít, Chủ nghĩa Cộng Sản… đã và đang bị loài người lên án và tiêu diệt.
2. Kẻ mạnh vác người khác trên vai mình sẽ tồn tại.
          Ngược lại với một thế giới với những nước có sức mạnh của quân đội của vũ khí, quyền lực, tiền bạc, có thể nói rằng, người ki-tô hữu chúng ta sống trong Vương quốc khác nữa- đó chính là Hội Thánh. Hội Thánh Chúa không có sức mạnh của quân đội, của vũ khí, tiền bạc, quyền lực. Hội Thánh Chúa chỉ có sức mạnh của con tim biết yêu thương, sự tha thứ, niềm tin và hy vọng. Nơi mà: “Dù trong đêm tối, dù trong tuyệt vọng, khi không còn ý nghĩa gì nữa, chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa của sự sống”. (Timothy Radcliffe, OP., Hát Lên Bài Ca Mới, Chân Lý 2000).
Lịch sử Hội Thánh suốt 2000 năm qua phải hứng chịu những bạo lực, bị những kẻ mạnh dùng sức mạnh của vũ khí, quân đội chà đạp…nhằm tiêu diệt Hội Thánh. Không lấy bạo lực để đáp trả bạo lực nhưng bằng con đường yêu thương, tha thứ và sự kiên trì dạy dỗ, Hội Thánh đã đưa nhiều người trở về với Chúa, góp phần xây dựng hòa bình thế giới, đem niềm tin, niềm hy vọng đến cho con người. Trải qua bao sóng gió, khó khăn, bách hại, lịch sử Hội Thánh đã để lại cho chúng ta một bài học như: càng chém giết, càng bắt bớ, thì người ta càng làm đạo Chúa lan rộng mãi, như lời Tertullianô nói: "Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống trổ sinh con nhà có đạo".  
Trong thời cách mạng Pháp, Napolêon- một kẻ bách chiến bách thắng đã muốn dùng sức mạnh của để chà đạp và muốn tiêu diệt Hội Thánh. Napolêon với sức mạnh của mình đã tự tin tuyên bố với Hồng Y Consalvi, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh rằng: "Ông không biết sao: tôi có thể tiêu diệt cả Hội Thánh".  Hồng Y Consalvi hóm hỉnh trả lời:"Thưa ngài, chính chúng tôi đây là kẻ ở bên trong Hội Thánh, mà dù với bao gương xấu, tội lỗi, chia rẽ khuyết điểm vẫn không phá nổi Hội Thánh, suốt 19 thế kỷ qua thì sức mấy mà ngài phá tan Hội Thánh được!". Về sau, Napolêon đã tuyên bố: "Các dân nước qua đi, các ngai vàng sụp đổ, Hội Thánh vẫn tồn tại!"  (x. ĐHY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận, Những người lữ hành trên đường hy vọng, trang 97).
Tạm kết
          Câu nói của Nam Cao mang một triết lý sống sâu sắc. Là người, chúng ta phải sống có tình yêu thương, chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ lẫn nhau… Sống trên đời, con người không thể sống thiếu tình yêu thương, càng không thể sống đơn độc mà chỉ biết sống cho riêng mình. Kẻ nào sống đơn độc, thiếu tình yêu thương, chà đạp lên người khác sẽ bị loại trừ và tiêu diệt. Ngược lại, người nào sống yêu thương, chia sẻ nâng đỡ lẫn nhau… sẽ tồn tại và phát triển. Sống trong một thế giới hòa bình hạnh phúc, con người gần gũi yêu thương nhau là mong ước của nhiều người nhiều dân tộc. Và đó cũng là mong ước và là quan niệm văn chương của Nam Cao: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và gới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó chứa đựng được những gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng tình bác ái, sự công chính… Nó làm cho người gần người hơn”.
                                                      Maria Nguyễn Thị Thiện
                                                   Dòng Thánh Tâm Truyền Giáo