Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

PHÙ VÂN

Anton Nguyễn Công Chính

 Toàn bộ những ý tưởng của Cô-he-let trong sách giảng viên như là một triết lý sống không những cho bản thân mà cho muôn thế hệ mai sau. Qủa thực, từng câu, từng chữ như là một lời nhắn nhủ và khuyên bảo con người phải biết ăn ngay ở lành. Cuộc sống ở trần gian chẳng là gì cả, tất cả chỉ là phương tiện để giúp ta tiến gần hơn tới Thiên Chúa chứ không phải là cái làm nên cuộc sống này, cũng không phải là cái làm nên hạnh phúc của ta ở đời này. Cuộc đời con người ai cũng có một lần sinh ra và một lần chết đi ‘một thời để chào đời, một thời để lìa thế’ (x. Gv 3,2). Gắn bó trên cuộc đời mỗi người là một cuộc hành trình đi tìm. Hỏi đi tìm cái gì ? Thưa đi tìm hạnh phúc. Như vậy hạnh phúc đích thực và viên mãn chỉ có nơi Thiên Chúa. Đó mới là cái mà con người phải đi tìm. Trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Corinto có nói: “Trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát” (1 Cr 9,24-25).
Con người ngày hôm nay, dương như đã lấy thế gian này làm nguồn hạnh phúc đích thực. Họ tìm mọi cách để thu tích của chóng qua cho bản thân, nhằm thỏa mãn những gì là thân xác đang mong muốn. Tất cả nhằm hưởng thụ những gì là thế gian ban tặng làm nguồn hạnh phúc đích thật. Tất cả với quan niệm: trẻ không chơi già hối hận hay sống để ăn chứ không phải ăn để sống. Thực vậy, với lối suy nghĩ của con người ngày nay thì cuộc sống thế gian là chỗ để tìm kiếm hạnh phúc chứ không phải một nơi nào đó quá xa lạ. Những điều này sẽ là những lời phản biện từ sách giảng viên. Qua sách giảng viên cho ta thấy tận căn của đời sống con người. Đó cũng là câu trả lời cho những quan niệm sống hiện tại, không những giới trẻ mà cho tất cả mọi người đang còn sống trên thế gian này. Mấu chốt nội dung sẽ được tìm hiểu sâu trong đoạn ‘phù vân, quả là phù vân. Phù vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân’ (Gv 1,2).
1/ Nội dung
        Để hiểu sâu hơn về các sự kiện trong cuộc sống, tác giả sách Giảng Viên đã tự hỏi : Con người có thể tìm thấy trong các sự vật trên trái đất hạnh phúc viên mãn mà lòng mơ ước hay không ? để tìm ra câu trả lời, ông duyệt qua tất cả những gì có vẻ như hứa hẹn sự thỏa mãn đó. Kết cục, ông chỉ tìm thấy tất cả là hư ảo ; những gắng công mà con người đem ra để theo đuổi hạnh phúc chỉ là rượt theo gió mà thôi [1]. Qủa thật muôn vật được tạo dựng trong đó có con người là một hồng ân nhưng không mà Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại. Con người được vinh dự cộng tác vào trong công trình của Người, để con người đi vào mối hiệp thông với Thiên Chúa và muôn vật Ngài đã làm nên ‘Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất, hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất’ (x. St 1,28). Tất cả những thứ con người hưởng dùng chỉ là phương tiện để giúp con người sống chứ không phải cái làm nên cuộc sống ‘Đây ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi’ (x. St 1,29). Qua đó cũng nói lên con người phải làm chủ lấy vật chất xung quanh mình chứ không phải vật chất làm chủ cuộc sống. Nhưng cũng không vì thế mà ta buông suôi tất cả, để rồi cuộc sống trôi dạt về đâu tùy ý và hoàn toàn phó mặc cho Thiên Chúa mặc người định đoạt lấy số phận cho mình. Con người được Chúa mời gọi cộng tác vào trong công trình của Người đó là muôn vật xung quanh họ nhưng họ không được lấy vật chất thế gian làm điểm tựa và cốt lõi của đời sống nhưng sống cùng với vật chất là cùng Chúa bước đi trên hành trình dường thế.
        Nhìn vào thực trạng xã hội ngày nay, dường như mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Nhiều lúc con người không biết được mình đang đi, đang hướng về đâu trên cuộc đời này. Tất cả mọi thứ ngoại cảnh tác động làm cho con người luôn xoay vần với thực tại trần thế. Để so sánh sự hơn thua với nhau, con người luôn lấy vật chất làm thước đo, lấy danh vọng làm cán cân, lấy chức quyền làm chỗ cai trị. Qua đó, ta thấy được tất cả mọi thứ con người hướng tới đều là vất chất, nhằm tạo cho mình một bộ áo giáp vững chắc để bao bọc một thân xác mau hử nát trên trần gian, nhưng lại quên không tạo cho mình bộ áo mai sau trên nước trời. Thực vậy, cuộc sống trần gian chỉ là tạm thời cho một thực tại mai sau mà thôi. Con người dù giàu hay nghèo nhưng khi chết đi cũng đâu mang được gì ngoài ‘4 tấm dài và 2 tấm ngắn’ kết lại để mang xuống lòng đất. Sách Giảng viên cho ta thấy ‘mọi sự đều đi về một nơi, mọi sự đều đến từ bụi đất, mọi sự đều trở về bụi đất’ (x. Gv 3,20). Câu chuyện anh Ladaro nghèo khó và người phú hộ giàu có trong Tin mừng (Lc 16,19-31), sẽ cho ta thấy thực trạng về hai cuộc sống. Trong sự giàu sang thì cao lương mỹ vị đối với họ là chuyện thường. Măc dù có đầy đủ của cải nhưng ông vẫn cảm thấy chưa đủ và tiếp tục thu vét những gì có lợi cho bản thân, mà quên đi nhưng người xung quanh ‘Người thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ’(x. Gv 5,9). Chính lối suy nghĩ như thế nên những người xung quanh chỉ làm phiền lòng mà thôi. Đối với ông những người xung quanh không được coi trọng bằng những con vật ở trong nhà ‘lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc La-da-rô’ (x. Lc 16,21). Một thái độ hờ hững trước nỗi khổ của người khác. Rồi một ngày nào đó cả hai đều vĩnh viễn rời thế gian này để bước vào đời sống mai sau. Chớ trêu thay khi người phú hộ nhìn thấy cảnh La-da-ro được tổ phụ Áp- ra-ham ôm vào lòng còn ông phải chịu lửa hằng ngày thiêu đốt. Đó là cái kết cho một đời người chỉ nghĩ đến bản thân mình mà quên đi những người xung quanh. Thực sự, Chúa không phạt những người giàu có và yêu thương những người nghèo khổ. Nhưng Chúa phạt ở thái độ và cách sống của con người. Khi con người đã bị của cải làm chủ thì chính của cải sẽ dẫn con người đến chỗ diệt vọng, của cải đã làm lu mờ ý trí của con người nên đã không còn để ý đến cuộc sống của những người xung quanh ‘của càng nhiều, người ăn càng lắm. Người có của được lợi lộc gì, ngoài thú vui được nhìn thấy của cải’(Gv 5,10).
 Qủa thật, cuộc sống trên trần gian chỉ là khoảng thời gian nhỏ hẹp trong khoảng không gian rộng lớn của Thiên Chúa. Cũng thế, của cải cũng chỉ là phần bé nhỏ trong kho tàng rộng lớn trên trời. Con người được mời gọi bước đi trong cuộc lữ hành trần thế của Chúa và cộng tác với Ngài trong công trình rộng lớn mà Thiên Chúa đã tác tạo. Chính Ngài đã nói ‘anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng’ (Cr 9,24). Cuộc sống mỗi người trên trần gian ai cũng phải chạy, ai cũng phải làm ích cho bản thân nhưng sẽ có những người của cải làm cho cuộc chạy đua của họ đi lạc đường, lạc mất phương hướng để rồi muốn quay trở lại cũng là cả một vấn đề vì của cải đã làm lu mờ con đường họ đã đi. Lm Nguyễn Sang cho ta một cách suy nghĩ về đời sống của mỗi người ‘hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro. Ôi muôn sự đều hão huyền, giã trá và phù vân. Một điều vững bền thiên thu: Đức kính yêu Chúa Trời’. Thật vậy, tiền bạc, chức quyền, tưởng rằng những điều đó đem lại cho con người hạnh phúc, nhưng  khổ vẫn khổ. Có thể họ sung sướng thỏa mãn trong một thời gian, nhưng rồi sau đó lại thấy bất hạnh! Thành công cũng làm con người thỏa mãn trong một khoảnh khắc nào đó, nhưng rồi tất cả cũng qua đi “Nào ai giầu ba họ, nào ai khó ba đời!”. Tiền bạc, tài sản, tất cả sẽ qua đi, kể cả mạng sống con người cũng qua đi. Thời gian sẽ đưa tất cả đến chỗ “kết” của nó [2]. Tất cả mọi chiều kích con người đang sử dụng chỉ là phương tiện để cải thiện cuộc sống chứ không phải điều cốt lõi làm nên cuộc sống này. Tất cả chiều kích là của mình nhưng con người có biết sử dụng để tạo nên hạnh phúc cho mình và biến nó thành những công cụ tốt cho ta hay chỉ cậy dựa vào đó như một cỗ may vô hồn để rồi đẩy đưa con người vào những nơi mà bản chất mỗi người không mong muốn. Mọi hành động, mọi suy nghĩ của con người hãy nghĩ đến cuộc sống mai sau, đó mới là cuộc sống vĩnh cứu mà mỗi người cần đạt tới. Nghĩ được như vậy, con người sẽ biết điều phối những của cải thể gian để làm giàu cho cuộc sống mai sau. Dẫu biết rằng đời người cũng có hạnh phúc tương đối do học thức, giàu sang, cao lương mỹ vị cùng những thú vui khác mà tuổi trẻ và tổ ấm gia đình mang lại nhưng tất cả những thứ đó là do Đấng Tạo Hóa ban cho [3].
2/ Nhận định
        Qua những gì đã phân tích và tìm hiểu cho ta một cái nhìn và một suy nghĩ. Chúa không bảo ta cứ ngồi đó mà cầu nguyện không phải làm chi cả, mọi thứ xung quanh chỉ là phù vân, ta không phải tìm kiếm làm gì cho mệt người, cứ ngồi đây mà nói chuyện với Ta rồi Ta sẽ cho thức ăn từ trên trời rơi xuống. Ngay từ khởi nguyên Chúa đã kêu mời con người được cộng tác với Ngài trong công trình sáng tạo để từ đây sẽ có nguồn lương thực nuôi sống “Ngươi phải đồ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, người đã được lấy ra. người là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19). Mang thân phận tội lỗi, con người phải bỏ sức của mình ra thì mới có của ăn. Chúa cũng không mời gọi những người giàu có hãy hạnh phúc và vui hưởng những thứ mà ngươi đã làm ra mà không cần để ý đến những người xung quanh nhưng Chúa mời gọi hãy biết sẻ chia “anh chỉ con thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời.”(x. Mc 10,21). Như vậy, chỉ với hình thức bề ngoài thì chưa phải là người yêu mến Chúa thật sự, Chúa mời gọi mỗi người làm từ cái bên trong, cái bên trong mới là điều cốt yếu của một tấm lòng. Của cải Thiên Chúa ban cho nhưng con người phải biết sử dụng nó để nó được sinh lời trên nước trời. Chúa luôn mời gọi con người không chỉ sống mỗi tương quan theo chiều dọc nhưng còn mời gọi cách sâu xa hơn đó là sống mối tương quan theo chiều ngang đó mới là một con người trọn hảo và đó mới là con đường Chúa muốn mọi người bước đi và làm chứng cho Ngài. Thiên Chúa không phải ở đâu xa lạ nhưng ngay trong mỗi người “ai đón tiếp anh em là đón tiếp thầy và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai thầy. Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, thì kẻ ấy là môn đệ Thầy, thì thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (x. Mt 10,40.42). Như vậy, cả hai cuộc sống: nghèo và giàu, Chúa đều không nói tới nhưng Chúa luôn mời gọi mỗi người dù ở bậc sống nào cũng phải biết chia sẻ cho nhau và sống trọn bổn phận là con cái Chúa. Mà đã là con cái Chúa thì đó là người của tình yêu. Chính tình yêu sẽ làm cho con người được hạnh phúc và một cuộc sống được dư tràn ơn Chúa. Hãy sống cho ngày mai và bắt đầu bằng hiện tại.



[1] Lm Inhaxio  Nguyễn Ngọc Rao, O,P. giáo trình Các Sách Giáo Huấn, Tr 34.
[2] Joseph Phạm Thanh Liêm, S.J, “Phù Vân”, dongten.net. Truy cập ngày 10/10/2015.
[3] Lm Inhaxio  Nguyễn Ngọc Rao, O,P. giáo trình Các Sách Giáo Huấn, Tr 34. 

Không có nhận xét nào: