Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

CON NGƯỜI DƯỚI NHỮNG SUY TƯ CỦA GRÉGOIRE DE NYSSE

Anton Nguyễn Công Chính
        Con người luôn là chủ đề lớn mà các tác giả triết học cũng như thần học đề ra. Nhằm giúp con người hiểu rõ hơn về bản thân cũng như về sự linh thiêng trong con người. Con người ai cũng muốn tìm hiểu cái mình đang sử dụng và hiện hữu đây là cái gì và bắt nguồn từ đâu. Qủa thật có rất nhiều ý tưởng hay nói về con người nhưng khi đọc và tìm hiểu tử tưởng của GRÉGOIRE DE NYSSE, cho con một cái nhìn rất tích cực về con người cũng như ước mong của con người muốn đạt tới. Con người là một trung tâm điểm trong sự tìm kiếm Thiên Chúa. Qua con người phản ánh được giá trị và nhân tính trong con người Chúa Ki-to Ngôi Lời Nhập Thể. Mỗi người là một chi thể sống động sự hiện diện của Đức Ki-tô. Đây cũng chính là ý muốn mà con muốn chọn đề tài này, để phần nào khám phá và có những suy nghĩ trong con người tìm kiếm chân lý.
I/ Tiểu sử
 Đối với thân thế của Grégoire, người ta không biết nhiều về Ngài. Ngài có người em trai là Basile. Ngài là một con người ngại tiếp súc với mọi người nên rất ít các bạn hữu. Gia đình của ngài, trước tiên phải kể đến Basile le Grand - Basile Cả, rồi tới chị cả Macrine phụ trách một nữ tu viện sau này Grégoire de Nysse có ghi lại nếp sống và thuật lại cuộc đàm luận cuối cùng, theo kiểu của Platon, trong cuốn "Về linh hồn và sự Phục Sinh".
Grégoire de Nysse là một con người vừa có óc phương pháp, vừa có óc trực giác, như ngài sẽ phát huy trong một tác phẩm đáng kể sau này, một khả năng nắm bắt các vấn đề hết sức khác nhau và có thể thực hiện tổng hợp dưới góc độ đức tin. Năng lực của ngài về duy lý và về siêu hình vượt trội các đồng liêu Cappadoce, và có lẽ hơn hết thảy các Giáo Phụ Hylạp.
       Ngài sinh sớm nhất vào năm 331, những người cùng thời với Ngài nhận thấy Ngài không theo học các lớp (đại học). Ngài chỉ học với Basile và Macrine. Tuy nhiên, người ta nhận thấy ngài có một kiến thức rất quảng bác. Cùng thời với ngài không ai có thể am tường Platin, Plotin, Porphyre, Jamblique, Philon như ngài. Ngài chịu ảnh hưởng rõ ràng của Aristote và phái Khắc Kỷ. Ngài thán phục Libanus, một bậc thầy ngoại giáo ở Antioche. Ngài đã từng học Irénée, Méthode dolympe, Athanase, Marcel Ancyre và nhất là Origène. Ngài tranh biện, bất luận là với các nhà chuyên môn về y học, toán học, hay thiên văn học. Qủa thực, Ngài là một con người có đầu óc uyên thâm.
       Không những thế Ngài còn là một nhà Thần học lớn nhất về đức trinh khiết và sẽ là người đem lại cho đời sống đan tu một khoa thần bí chói ngời nhất, nhưng ngài lại kết hôn, chắc là với Théobise - và chắc có lẽ sống với bà cho đến lúc bà qua đời (385), tuy nhiên điều đó không làm cho ngài có thái độ mềm dịu hơn so với các đồng liêu của ngài đối với đời sống hôn nhân "được bày ra nhằm khuây khoả trước cái chết".[1]
       Sự nghiệp của Ngài cũng có lúc nọ lúc kia nhưng những lúc đó Ngài luôn tạo ra những cái mới để cho cuộc sống bớt đi sự nhàm chán. Đó là đôi nét về cuộc đời của Ngài.
       II/ Tác phẩm:
       Ngài là một trong số ba vị Cappadoce, để lại những công trình quan trọng hơn cả: tất cả các trước tác từ khảo luận "Sur la Virginite" (371), đều xuất hiện từ năm 379 trở về sau. Công trình vừa đa diện, vừa dồi dào: gồm những bài trình bày giáo lý, các bài bình giải (commentaires exégétiques), khảo luận về tu đức, các bài giảng (homélies), và diễn từ (discours), chúng ta có thể phân loại như thế, nhưng nội dung không hề bị hạn chế bởi các thể loại văn chương. Trong Kitô giáo cổ thời Grégoire de Nysse không được truyền bá và phiên dịch như các vị Cappadoce khác. Bù lại, từ khoảng nửa thế kỷ nay, ngài lại là một Giáo Phụ, được nghiên cứu nhiều hơn hết, dựa trên cơ sở một bản văn được bình chú (texte critique) mà W. Jaeger và H. Langerbeck đã góp phần xây dựng. Ở Pháp, dưới sự thúc đẩy có lẽ là của Hans Urs Von Balthasar và nhờ chỗ dựa vững chắc, nhất là về khoa ngữ văn học (philogie) của cha Aubineau, Daniélou đã sớm đi sâu vào cuộc tái khám phá này. Ngài là chuyên nghiên cứu Kinh Thánh nhưng Ngài không trích dẫn Kinh Thánh trong tư tưởng của Ngài.[2]
       Với phần trình bày về “Con người”, chỉ là một phần nhỏ trong lối suy tư của Ngài. Nhưng qua phần này ta có thể thấy được giá trị nhân phẩm của con người trong lối hành văn và trong lối suy nghĩ của Ngài. Con người luôn là hình ảnh cao quý nhất mà Thiên Chúa đã ban tặng.
       III/ Nội dung
       1/ Con người giống hình ảnh Thiên Chúa
       Con người mang trong mình một trọng trách thật cao quý và đáng kính trọng. Bởi vì, mỗi nhân vị con người hàm chứa hình ảnh Thiên Chúa. Một Thiên Chúa đầy quyền uy nhưng Ngài luôn hiện diện ở trong con người và ở giữa con người. Chính vì thế mọi hành động, mọi cử chỉ của con người đều toát lên được vị Thiên Chúa nhân từ. Qua đó sẽ giúp con người ý thức hơn về thân phận của mình, để sống và hoạt động làm sao cho mọi người nhận biết đó chính là hành động của Thiên Chúa. Tin Mừng Gioan có nói “cứ dấu này người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy là: anh em hãy có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Con người khác với Thiên Chúa ở sự biến đổi. Chính sự biến đổi này làm cho con người trở nên tốt, chính Grégoire de Nysse đã chỉ cho ta rõ về điều này. Thiên Chúa là Ðấng tự yếu tính là vô hạn và bất biến, thượng trí và tuyệt đối tự do. Ngược lại, mọi thụ tạo đều hữu hạn và biến đổi: vì hiện hữu của thụ tạo là từ vô chuyển sang hữu, nên tự bản chất, tạo vật bao hàm sự đổi thay. Tạo vật được phân chia thành những thực tại siêu vũ trụ, là những thực tại được tham dự khả tri tính  của Thiên Chúa, và thành các hữu thể vũ trụ là những hữu thể vật chất và khả giác. Cũng như tinh thần không thể bị giản lược vào vật chất.
 Nơi con người, tinh thần được kết hợp với một thể xác phàm trần, không phải vì sự sa ngã nào đó của linh hồn như Origène dưới ảnh hưởng của Platon đã nghĩ, nhưng đó là do Thánh Ý Thiên Chúa, nói theo ngôn ngữ Cappadoce. Vì tự yếu tính là đổi thay như mọi thụ tạo khác, con người nằm trong thời gian, thời gian ở đây chỉ là hiện hữu trải dài của nhân loại, và con người theo đuổi vận hành của mình trong lịch sử, một vận hành có thể có tiến bộ, không ngừng vươn tới một hiện hữu sung mãn hơn. Ðược dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nhờ Người và cho Người, con người bảo đảm sự hiện diện của tinh thần ở nơi vật chất, và ngược lại. Con người còn được thông phần tự do của Thiên Chúa và toàn bộ những ưu phẩm của Người, nếu không thì không còn là hình ảnh nữa. Ðược dựng nên theo ý của Thiên Chúa, con người sống trong một trạng thái như Thiên Thần. Tuy nhiên, thân xác có chỗ đứng như thế nào trong trạng thái này thì không được xác định rõ lắm, vì con người ấy sinh sôi nảy nở mà không xử dụng đến phái tính. Con người là một hữu-thể-biên, tiếp giáp với thần linh, nhưng vẫn biến đổi trong tự do của mình, vì tự do cũng được tạo dựng, không ngừng phải chọn lựa giữa thiện và ác và luôn có nguy cơ đánh mất sự duy nhất của mình. Như thế con người là tất cả và không là gì cả [3].
Thiên Chúa không lấy quyền tự do của con người để áp đặt điều này, điều kia nhưng Thiên Chúa cho con người quyền sử dụng tự do của mình để có sự biến đổi và có sự chọn lựa, nhưng con người đã lạm dụng tự do của mình để làm những điều trái ngược với Thiên Chúa, đôi khi còn có ý hướng chống lại Thiên Chúa. Là hình ảnh Thiên Chúa nhưng con người không hướng về Thiên Chúa mà hướng về những gì là phàm tục để tìm hạnh phúc cho riêng mình. Chính trong tác phẩm của Grégoire de Nysse cũng đã nói. con người đã xử dụng tự do của mình để "nhìn về đất", đó không phải là lỗi của Thiên Chúa. Bởi vì "Khi ánh dương bừng chiếu"  nếu ai đó tự ý nhắm mắt không muốn nhìn, thì mặt trời đâu chịu trách nhiệm về việc người ấy không trông thấy; ấy là nguyên tội. Grégoire không hoàn toàn lập lại lý thuyết của Origène về sự tiền hữu của các linh hồn và của một tội phạm trước. Ngài nói đến tội do Adam phạm, nhưng không nhấn mạnh trên sự kiện độc nhất. Ngài nói đến tội của "những người đầu tiên", đồng thời cũng nói đến tội của "người đầu tiên". Ðúng hơn ngài quan niệm nguyên tội như việc làm của tất cả bản tính nhân loại, bắt đầu nơi Adam, tiếp diễn trong tội riêng của từng người, với trách nhiệm như nhau. Dầu sao, lỗi phạm đầu tiên này cũng gây ra một "xáo trộn phổ quát" thay vì trạng thái thơ mộng lúc ban đầu của vương quyền, của cái đẹp, của tính cách làm chủ tuyệt đối, của sự tự lập. Khi con người, do ngộ nhận đã sa xuống dưới, sa vào trong sự dữ, vào trong sự phi lý; bấy giờ cuộc tạo dựng thứ hai xảy đến: con người, từ nay là nam là nữ. Khi đã được mặc cho "bộ da" của thân phận loài vật và có phái tính, thì liền bị xâu xé giữa một bên là những đam mê của cảm tính thống trị và bên kia là khát vọng say mê của bản tính nguyên sơ, là bản tính vẫn tiếp tục vươn về Thiên Chúa một cách vô vọng[4].
Chính tội lỗi đã làm cho con người ra hư hoại. Chính dục vọng làm điên đảo nơi con người, khiến con người dường như mất thăng bằng đối với chính bản thân mình. Người nam luôn hướng về người nữ và ngược lại. Chính sự mất cân bằng này nơi con người đã làm cho cuộc sống của họ luôn phải chiên đấu trong sự giằng co giữa thiện và ác. Không những thế mà ta buông xuôi nơi chính bản thân mình. Hằng ngày ta luôn phải tìm kiếm sự trinh bạch nơi mình để mình thoát khỏi những gì là quyến rũ để tìm về với Thiên Chúa. Sự trinh bạch ấy được thể hiện ngay trong đời sống hôn nhân gia đình. Mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa nên trong việc vợ chồng cũng phải nhìn nhận đến nhân phẩm của nhau. Không nên quá phụ thuộc và trở thành một cái gì đó nhằm thỏa mãn bản tính nơi con người với nhau. Việc truyền sinh cũng mang một nét đẹp khi ta làm việc đó trong sự cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa, như là mòn quà nhưng không mà Thiên Chúa đã ban tặng cho đời sống hôn nhân và gia đình. Hình ảnh gia đình Thánh Gia cho ta thấy rất rõ điều này. Sự khiết tịnh trong đời sống hôn nhân cần có hơn bao giờ hết. Nếu biến cuộc hôn nhân nhằm để thỏa mãn thì coi nhau như là một mòn hàng cho ta sử dụng chứ không còn coi người bạn tình là một nhân phẩm và là hình ảnh của Thiên Chúa. “Grégoire de Nysse đã cho ta thấy sự vượt trội đức khiết tịnh nơi gia đình Thánh Gia. Cuối cùng thì đức khiết tịnh cũng sáng lên nơi đôi mắt của con người cát bụi được thoát khỏi ràng buộc thế gian, đức khiết trinh giải thoát thể gian yêu đuối hư hèn, như linh hồn vượt xa xác thịt bao nhiêu thì đức ấy cũng vượt xa việc hôn nhân và những ràng buộc của cuộc sống bấy nhiêu. Grégoire de Nysse cũng khẳng định, hôn nhân là luật nguyên thủy của trái đất, cũng là luật của Thiên Chúa, như là đấu ấn của một tình thương bền vững, nguồn phúc lộc cho chính đôi bạn và cho thế giới. Hôn nhân không làm xa cách Thiên Chúa, nhưng đem đến gần Người”.[5]
2/ Con người tìm kiếm Thiên Chúa
Được dựng nên giống hình ảnh Ngài. Dù con người mang trong mình sự tội nhưng không vì thế mà để cho sự tội chiếm trọn con người. Chính vì thế con người luôn khao khát thoát ra khỏi sự tội và tìm kiếm nguồn chân lý đích thực nơi Thiên Chúa. Mang trong mình hình ảnh của một Thiên Chúa quyền năng, nên con người luôn khao khát được sống kết hợp với Ngài. Chính sự khao khát tìm kiếm này, sẽ dẫn đưa con người thoát khỏi những suy nghĩ trần tục, những đam mê của sự tội. Với lý trí của con người thì không thể nào thấu hiểu Thiên Chúa. Những qua trung gian ta có thể thấy được Thiên Chúa đang hiện diện xung quanh ta. Thiên Chúa luôn ở với con người nhưng con người có mở lòng ra để đón nhận và tìm kiếm Thiên Chúa hay không mới là điều quan trọng. Trong cuộc sống không ít những hình ảnh biểu trưng để nói lên Thiên Chúa luôn gần gũi con người. Sự mở lòng ra nơi con người chính là một sự đón nhận và một sự tìm kiếm đến chân lý đích thích. Hình ảnh Mô sê cho ta thấy rõ điều này. Sử tỏ hiện của Thiên Chúa cho ông Mô - sê bắt đầu bằng một ánh sáng kì lạ. Nếu một con người không có sự tò mò tìm kiếm thì sự kiện đó họ sẽ bỏ qua và không cần tìm đến nguyên nhân của sự việc. Chính Mô - sê đã mở lòng ra để tìm kiếm sự mới lạ này đã được Thiên Chúa bày tỏ mối tương giao của Người. Ngài đã nói với ông qua đám mây và khi đã trở nên hiểu biết hơn, hoàn hảo hơn, Mô - sê được nhìn thấy Thiên Chúa trong bóng tối [6]. Qua đó cho ta thấy, cuộc hành trình đi từ bóng tối tới ánh sáng là hành vi tách biệt đầu tiên, khỏi những ý tưởng sai trái và lầm lạc về Thiên Chúa. Grégoire de Nysse đã chỉ cho ta thấy, việc nâng tâm hồn lên chỉ còn là niềm khao khát vượt qua “các sự vật hữu hình”, các “hình thức chóng qua của trần gian”, để vươn tới sự duy nhất, nguyên tuyền của Thiên Chúa [7]. Qủa thật, chính lúc ta từ bỏ những suy nghĩ theo cách của con người để mang một tâm tình suy tư về Thiên Chúa, ta mới cảm nhận được Thiên Chúa ở gần ta hơn bao giờ hết. Chính những suy nghĩ trần gian đã kéo ta xuống đến tận cùng nhất của con người, khiến con người luôn chìm đắp trong những suy nghĩ trần tục mà không có lối thoát. Chính lúc ta từ bỏ mình là lúc ta vươn lên đến một tầm cao mới, và đón nhận ơn lành nơi Đức Ki-tô là nguồn mạch của sự sống con người.
Việc tìm kiếm không chỉ dừng lại ở việc đón nhận cách thụ động mà phải có một sự ra đi. Ra đi không phải hiểu theo nghĩa mặt chữ nhưng phải hiểu theo nghĩa của sự từ bỏ, từ bỏ những gì là cái cũ để đón nhận cái mới. Chính lúc ta có cái nhìn mới là lúc ta đang từ bỏ cái tôi ích kỉ của mình, cái tôi chỉ biết sống cho bản thân mà không nghĩ cho người khác. Cho dù ta có đi nhiều nơi, khấn nguyện nhiều nơi nhưng tâm hồn của ta không rộng mở thì làm sao có thể đón nhận ơn lành của Thiên Chúa. Nếu chúng ta chỉ có biết ra đi nhưng tâm hồn ta không có sự rộng mở thì sự ra đi tìm đến một nơi nào đó cũng chỉ là hư không mà thôi. Con rất đồng ý với quan điểm của Grégoire de Nysse: Dù bạn có ở đâu đi nữa thì Thiên Chúa cũng sẽ đến với bạn, miễn là các căn phòng của tâm hồn bạn phải thế nào để Ngài có thể cư ngụ nơi bạn. Nếu con người nội tâm của bạn chất đầy những tư tưởng xấu xa, thì dù bạn có đứng trên đồi Golgotha, trên núi Cây Dầu, trên tảng đá kỷ niệm biến cố Phục Sinh đi nữa, bạn vẫn còn rất xa với việc đón tiếp Ðức Kitô vào trong tâm hồn bạn, xa chẳng kém gì người chưa hề tuyên xưng Ngài [8]. Qủa vậy, con người luôn tìm kiếm và khao khát Thiên Chúa nhưng tâm hồn họ luôn luôn đóng lại thì làm sao ơn Chúa có thể đến với họ. Ngày nay, với niềm tin bình dân của con người, khi nghe thấy nơi này nơi kia có thể làm được chuyện nọ chuyện kia là người ta tìm cách đến chỉ với một mục đích đó là được chữa lành. Qủa thật, nơi nay nơi kia có được ơn thật nhưng khi ta đến nơi đó mà tâm hồn mang đầy nhuốc nhơ của hận thù, ghen ghét thì làm sao ơn Chúa có thể đến với họ. Con không phủ nhận niềm tin của con người vào quyền năng của Thiên Chúa qua trung gian nhưng con phủ nhận họ đến với một tâm hồn trông rỗng, lòng mang đầy bợn nhơ.
IV/ Kết luận
Con người luôn là mối tậm tâm rất lớn đối với các nhà triết học cũng như thần học. Con người luôn là mấu chốt của những điều bí ẩn. Qủa thực, nếu ta không tin có một Đấng đứng đằng sau những công trình này thì dù có nghiên cứu đến mấy, loài người cũng không thể nào có một kết luận chính xác về những thực tại xung quanh mình. Với ý tưởng về các cuộc hành hương của con người theo Grégoire de Nysse, cho con một nhận thức mới và một suy nghĩ mới. Qủa thực, Thiên Chúa luôn luôn ban ơn cho con người trên mọi nơi mọi lúc không nhất thiết là phải đến nơi nọ nơi kia để tìm kiếm Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là những thực tại xung quanh mình. Cái cốt yếu là mình có mở lòng ra để đón nhận ơn đó hay không mới là điều quan trọng. Tất cả nói lên một tâm hồn rộng mở để đón nhận ơn Chúa.

Tài Liệu Tham Khảo
1/ Về Nguồn (Cuốn 2). Phan Tấn Thành.
2. Giáo Phụ Học. Lm Nguyễn Duy Lượng.
3. Nhân Văn Luận Thần Học Qua Các Tác Gỉa. Đại Chủng Viện Thánh Giu-se.








[1] Simon Hoa Đà Lạt. Các Giáo Phụ, Tập II, Từ Tk IV-VIII. Tr 71
[2] Simon Hoa Đà Lạt. Các Giáo Phụ, Tập II, Từ Tk IV-VIII. Tr 80.
[3] Simon hoa đà lạt, các giáo phụ, từ Tk IV-VIII.
[4] Simon hoa đà lạt, các giáo phụ, từ Tk IV-VIII
[5] Simon hoa đà lạt, các giáo phụ, từ Tk IV-VIII. Tr 43.
[6] Hom. sur Le Cant. des Cant. XI, PG 44, 1000 CD. Simon hoa đà lạt.
[7] Simon hoa đà lạt, các giáo phụ, từ Tk IV-VIII. Tr 63.
[8] Simon hoa đà lạt, các giáo phụ, từ Tk IV-VIII. Tr 78