Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

KINH NGHIỆM TÔN GIÁO CHUẨN BỊ ĐÓN NHẬN MẶC KHẢI “BIẾN CỐ ĐỨC KI-TÔ”

Anton Nguyễn Công Chính
I/ Dẫn Nhập
        Trong cuộc sống con người nói chung, trước khi bắt đầu làm một công việc gì đều có khoảng thời gian để chuổn bị. Khoảng thời gian này, giúp con người định hướng rõ cần chuẩn bị những gì cho việc sắp tới. Thời gian chuổn bị có thể kéo dài hay ngắn tùy thuộc vào công việc mình dự định làm. Như Chúa Giê- su nói “quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không” (Lc 14,28). Qủa thế, đối với một công việc bình thường của con người cũng phải có thời gian ngồi lại để tính toán. Đối với “Biến Cố Đức Ki-tô” là cả một công trình lớn lao, thì việc chuổn bị để đón chờ càng lớn hơn rất nhiều lần. Trong Kinh Thánh, Cựu ước chính là sự chuổn bị để đón “Biến Cố Đức Ki-tô”. Những gì được nói trong Cựu ước như là lời tiên báo công cuộc của Đức Ki-tô sẽ đến và những khó khăn trong công cuộc của Ngài.
        Để nói một cách rõ ràng Cựu ước là lời tiên báo cho Tân ước, tất cả quy chiếu về Đức Ki-tô thì có rất nhiều chi tiết được nói đến nhưng con xin được quy lại 4 điểm sau: 1, Kinh nghiệm sa ngã báo trước việc Ngôi Lời Nhập Thể. 2, Kinh nghiệm những khó khăn trong lời rao giảng của các ngôn sứ báo trước những khó khăn trong lời rao giảng của Chúa Giê-su. 3, Kinh nghiệm những việc làm và những phép lạ của các Ngôn sứ báo trước các phép lạ của Chúa Giê-su. 4, Kinh nghiệm vượt qua biển đỏ dân It-ra-el báo trước cái chết và sự Phục Sinh của Đức Ki-tô. Trong 4 điểm này hầu có thể mang lại cái nhìn chung nhất và sự xuyên xuất trong trường trình cứu độ của Thiên Chúa. Tất cả nói lên một tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa dành cho nhân loại nói chung và con người nói riêng.
II/ Nội Dung
1/ Khái niệm:
a/ Kinh Nghiệm: Để có một khái niệm rõ ràng về Kinh Nghiệm quả là một điều khó khăn. Có nhiều lối nói về Kinh Nghiệm theo tác giả Gerard OCollins.S.J. Kinh nghiệm gợi lên một sự tiếp súc trực tiếp với ai hoặc với một vật nào đó [1]. Việc gặp gỡ trực tiếp này theo tác giả Gerard O’Collins.S.J được nâng lên một tầm cao mới, khi ta đọc một cuốn sách nào đó. Bất kể vai trò của ta có chủ động hoặc thụ động hơn trong một kinh nghiệm nào đó, thì cả hai trường hợp trên, ta vẫn trực tiếp gặp gỡ một đối tượng hoặc nhân vật nào đó. Tác giả Gerard O’Collins.S.J lấy ví dụ của việc đọc sách. Khi ta đọc sách của một tác giả nào đó, chính là lúc ta gặp gỡ tác giả đó qua tư tưởng. Đó chính là việc di chuyển từ việc biết về người này sang việc biết tác giả của cuốn sách nhờ việc tiếp xúc [2]. Đây cũng là điều quan trọng đối với con người ngày hôm nay. Ta không được tiếp xúc trực tiếp với Thiên Chúa nhưng qua những gì được ghi trong Kinh Thánh mỗi lần ta đọc là ta được tiếp xúc trực tiếp với Ngài. Chính Thiên Chúa đang nói và đang chỉ dậy chúng ta.
b/ Mặc khải: Mặc: kín ẩn; khải: mở ra; Mặc khải: là mở những điều kín ẩn [3]. “Mặc khải của Thiên Chúa được thực hiện dần dần trong lịch sử bằng những hành động và những lời nói. Trước tiên, Thiên Chúa đã mặc khải qua các thụ tạo. Sự hoàn hảo của ngài được diễn tả qua sự hoàn hảo của vạn vật mà Ngài đã sáng tạo, qua chân, thiện, mỹ của chúng (x. Kn13,5; GLHTCG 41). Tiếp đến, Ngài mặc khải cho dân It-ra-el được Ngài chọn làm dân riêng, ban cho họ Lề Luật và dậy bảo họ qua các tiên tri. Vào thời sau hết, Thiên Chúa tỏ mình ra và thông ban chính mình cách trọn vẹn cho nhân loại qua con một của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô (x. Dt 1,1)” [4].
2/ Mối Tương Quan Giữa Kinh Nghiệm Tôn Giáo Đối Với Biến Cố Đức Giê-su Ki-tô
a/ Kinh nghiệm sa ngã báo trước Ngôi Lời Nhập Thể: Đỉnh cao công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa là làm nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Ban cho con người có sự tự do và quyền trên tất cả muôn loài Ngài đã dựng nên. Nhưng con người đã lạm dụng tự do của mình để phạm tội chống lại Thiên Chúa và kiêu ngạo muốn bằng Thiên Chúa. Mặc dù vậy Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người và tiếp tục ban ơn cứu độ cho con người, để mong con người trở về với tình yêu ban đầu mà Ngài đã làm nên. Lúc Thiên Chúa ra án phạt cho con người và nguyền rủa sự dữ. Thiên Chúa đã khơi lên niềm huy vọng cứu thoát và mở ra một tương lai cho con người “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng dõi người ấy, dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Điều này cho ta thấy rõ thân phận và nguồn gốc của Đức Giê-su, phá vỡ những nghi ngờ và những câu hỏi đặt ra để hỏi về thân phận Đức Giê-su. Qua trung gian người phụ nữ, Đức Ki-tô đã đến để ở với con Người và cứu thoát con người. Ngài đến không phải bởi người nam nhưng qua Chúa Cha và thực hiện sứ vụ Chúa Cha trao phó. Trải qua dòng lịch sử, thân phận Đức Giê-su vẫn là một điều bí ẩn nhất và gây nhiều thắc mắc cho giới lãnh đạo thời bấy giờ. Với con mắt thường thì ta không thể nào giải thích rõ đích đáng thân phận của Người nhưng với con mắt đức tin ta có thể biết được nguồn gốc tận cùng của Ngài. Không phải ơn cứu độ chỉ bắt đầu có khi loài người sa ngã nhưng ơn cứu độ đã có từ muôn đời. Đỉnh cao ơn cứu độ chính là Ngôi Lời Nhập Thể. Chính biến cố này cho ta thấy tình yêu lớn lao mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại. Cũng chính biến cố này cho thấy sự dao duyên giữa trời và đất được gắn kết với nhau đó là “Thiên Chúa ở với con người” (x. Mt 1,23). Tất cả những gì người ta đặt ra cho Chúa Giê-su nhằm tìm ra thân phận đích thực của Người đều là cách suy nghĩ và tìm tòi của con người tội lỗi mà thôi. Để hiểu một cách rõ ràng về Ngài ta nên trở về với kinh nghiệm sa ngã của con người. Kinh nghiệm nguyên thủy được trao ban trong mọi hành động, phản ứng, hiểu biết, ước muốn, cảm xúc và biểu tượng hóa. Ta tìm trong mọi hoạt động của con người, một nền tảng, một chân trời và một mối tương quan tâm tuyệt đối và chung cuộc nơi Đức Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể [5].
b/ Kinh nghiệm lời rao giảng của các Ngôn sứ báo trước lời rao giảng của Chúa Giê-su: Các Ngôn sứ là những người thay quyền Chúa để lãnh đạo dân. Chính Chúa Ki-tô hoạt động trong các Ngôn sứ và những lời các Ngôn sứ rao giảng “thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dậy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Dt 1,1). Các ngôn sứ như là phương tiện để mang ơn Chúa đến cho dân của Người. Những khó khăn trong lời rao giảng của các ngôn sứ như là kinh nghiệm báo trước những khó khăn trong lời rao giảng của Chúa Giê-su. Tất cả các ngôn sứ đều mang trên mình hai điều, hai điều này xác định được đâu là ngôn sứ giả và đâu là ngôn sứ thật: Thứ nhất là giáo dục và gìn giữ dân Chúa trung thành trong đạo thờ Đức Chúa và điều thứ hai đó là chuổn bị và hướng dẫn dân dần dần tới thời sung mãn để họ lãnh nhận mặc khải tuyệt đỉnh nơi Đức Ki-tô, vị ngôn sứ sẽ vượt trên mọi ngôn sứ [6]. Sư mạng của các ngôn sứ ở trong tay Thiên Chúa, chính Ngài đã dùng các ngôn sứ để Người được tiếp xúc trực tiếp với dân. Kinh nghiệm những lời rao giảng của các ngôn sứ thấy được sứ mạng lời rao giảng của Chúa Giê-su sau này. Kinh nghiệm cuộc hôn nhân của ngôn sứ Hô-sê nói lên cuộc hôn nhân giữa Đức Chúa và It-ra-el. Với sự yêu thương và dìu dắt của Thiên Chúa nhưng dân vẫn không nhận ra được tình yêu mà Thiên Chúa dành cho dân. Mỗi khi gặp những thử thách gian truân thì họ đều đi tìm các thần khác để thờ. Dân It-ra-el được ví như là một cô gái điếm. Qua đó cũng nói lên sứ mạng của Đức Ki-tô quả là một điều khó khăn, với sự cứng lòng tin của họ thì tất cả những lời giảng dậy của Chúa Giê-su sau nay không ăn nhằm gì. Không vì thế mà Thiên Chúa nản lòng, bỏ cuộc. Ngài vẫn tiếp tục yêu thương và dìu dắt mặc dù thấy trước mắt lòng dân như vậy. Điều này như là một kinh nghiệm được tiên báo cho ngôn sứ I-sa-i-a về những khó khăn trong lời rao giảng. Sứ vụ của I-sa-i-a là dịp cho những người It-ra-el đã chai cứng sẵn sàng chai cứng thêm. Chai đá thêm là hậu quả, chứ không phải kết quả của lời giảng. Thiên Chúa không muốn điều đó, nhưng Người biết trước tự do của con người sẽ đi đến chỗ đó. Nghĩa là điều trai đá đó chắc chắn thể nào cũng xẩy ra; Chúa đã nhìn thấy nó rồi, và Chúa báo cho ngôn sứ biết, như là một kiểu nói châm biếm một hậu quả nhân dịp mà có, nhưng từ ngữ Do Thái đã diễn tả như chủ đích ngôn sứ phải nhắm[7]. Tin mừng Mát thêu cũng nói rõ về sứ vụ cùa Chúa Giê-su đến. Ngài đã thấy được điều này và tiên báo cho các môn đệ của người biết về sứ vụ khó khăn mà các môn đệ sẽ gặp “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất, Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Qủa vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng” (Mt10.34-35). Từ đó thấy được, các ngôn sứ như là người dọn đường để cho Chúa Cứu Thế Đến và tiên báo cuộc đời sứ vụ của các ngôn sứ tượng trưng cho cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giê-su sau này.
c/ Kinh nghiệm những việc làm và những phép lạ của các Ngôn sứ báo trước các phép lạ của Chúa Giê-su:  Mô-sê là người được Thiên Chúa chọn để cứu dân người thoát khỏi Ai-cập. Thiên Chúa đã dùng ông như là khí cụ để làm những điều Pha-ra-ô thấy và tha cho dân của Người. Tất cả mọi việc Thiên Chúa đều có thể làm được để cứu trực tiếp dân nhưng Thiên Chúa đã không làm như thế vì con người có quyền tự do. Thiên Chúa không muốn cướp đi tự do của con người dù đó là người đê hèn và tồi tệ nhất. Trải qua chín tai ương Thiên Chúa làm qua ông Mô-sê và chín lần xin tha thứ của Pha-ra-ô, những lần đó ông đều nuốt lời và không chịu buông thả cho dân của Người. Qua đó nói lên sự cứng lòng của con người. Cách đặc biệt như là kinh nghiệm báo trước sứ vụ của Chúa Giê-su sau này. Mặc dù Ngài đã làm nhiều phép lạ nhưng lòng con người vẫn chai đá và không chịu tin. Mãi đến tai ương thứ mười các con đầu lòng bị giết, Pha-ra-ô mới chịu tha và chịu để cho dân It-ra-el đi “Đang đêm nhà vua triệu ông Mô-sê và ông A-ha-ron đến và bảo: các người lẫn con cái It-ra-el, đứng lên, đi ra, không được ở giữa dân ta nữa! đi mà thờ phượng Đức Chúa như các người đã nói!” (Xh 12,31). Không phải ra khỏi Ai-cập dân It-ra-el tìm thấy sự sung mãn nơi Thiên Chúa luôn. Một chặng hành trình dài dân It-ra-el sẽ phải chiến đấu. Như là một sự thử thách nhằm tô luyện sự kiên nhẫn và lòng trung thành của dân It-ra-el. Khi nói đến kinh nghiệm của dân It-ra-el với Thiên Chúa, ta không thể quyên Kinh Nghiệm trong sa mạc. Trong sa mạc khô căn và nóng bỏng, con người cảm nhận được thấm thía cái bé bỏng, vô nghĩa của mình, nhưng đồng thời cũng ý thức được sự cao cả và quyền năng của Thiên Chúa và quy hướng về Ngài. Do đó, sa mạc vừa là nơi thử thách sức chịu đựng, vừa là nơi con người ý thức được các giá trị siêu việt và gặp gỡ Thiên Chúa [8]. Khi dân It-ra-el đi trong sa mạc là một kinh nghiệm báo trước việc Chúa Giê-su trước khi bắt đầu cuộc đời rao giảng, Ngài cũng vào sa mạc để ăn chay và cầu nguyện với Chúa Cha xuất 40 ngày. Trong sa mạc hoang vu này, Ngài cũng chịu những cơn cám dỗ như: Bánh ăn, Quyền lực, Vương quyền. Nhưng Ngài đã chiến thắng tất cả. Các phép lạ được thực hiện qua trung gian các ngôn sứ và trên chính cuộc đời rao giảng của Chúa Giê-su nói lên 3 điểm: Thứ nhất là bày tỏ lòng thương xót của Chúa. Thứ đến là bày tỏ dấu chỉ vương quyền của Thiên Chúa. Thứ ba là biểu lộ căn tính của Đức Giê-su [9].
d/ Kinh nghiệm vượt qua biển đỏ dân It-ra-el báo trước cái chết và sự Phục Sinh của Đức Ki-tô: Biến cố vượt qua biến đỏ là biến cố quan trọng trong lịch sử it-ra-el. Đánh dấu một bước ngoặt mới cho cuộc đời dân It-ra-el. Kể từ đây dân thoát khỏi cảnh truy đuổi của Pha-ra-ô bên ai cập. Đoạn tuyệt với những áp bức mà Pha-ra-ô đã đè lên. Kể từ đây dân được tự do và thuộc trọn về Chúa. Thiên Chúa qua trung gian ông Mô-sê đã làm cho “Nước rẽ ra, và con cái It-ra-el đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sừng như tường thành hai bên tả hữu” (Xh 14,22). Với biến cố biển đỏ này cũng báo trước cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Chúa Ki-tô sau này. Qua biến cố này, dân It-ra-el nhận biết rằng Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu đặc biệt với họ. Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi cảnh áp bức nô lệ (Xh 3,7-8). Thiên Chúa là Đấng trung tín với lời hứa cùng các tổ phụ (Xh 6,5-6) [10]. Qua biến cố này cho ta thấy, dường như dân It-ra-el được chết đi và sống lại. Chết với những tư tưởng, việc làm bên ai cập, chết đi với chính con người thống trị của vua A-cập. Từ đó, để đón nhận một con người mới, đón nhận một sức sống mới. Sức sống này không phải do người thế ban cho nhưng là lấy sức sống từ Thiên Chúa. Qua cây gậy mà Thiên Chúa dùng qua ông Mô-sê giơ lên để nước rẽ ra cho dân đi qua nói lên cái chết của Người trong Tân ước. Qua Thập giá nói lên một tình yêu duy nhất. Chúng ta sẽ được gụp lặn trong cái chết của Ngài và được đón nhận sự sống lại cùng Ngài. Đi dưới lòng biển đỏ là đi trong cái chết của Ngài và được sống lại với Ngài như là một sự lên bờ sau những ngày dưới lòng biến tức dưới cái chết của Ngài để được hưởng vinh quanh với Ngài trong ngày sau hết. Chính nhạc sĩ Lm Kim Long có viết “nhìn Chúa đẫm máu trên đồi cao từng đoàn người anh dũng tiến lên pháp trường”[11]
III/ Kết luận
Qua những trình bày trên, cho con nhận thấy. Ơn cứu độ là một sự xuyên xuất của Chúa Ki-tô. Cũng cho ta thấy ơn cứu độ của Ngài được thực hiện cách tiệm tiến và cũng nói lên rằng Mặc Khải cũng được Thiên Chúa tỏ bày cách tiệm tiến. Việc mạc khải tuân theo một đường lối sư phạm tiệm tiến: Một tiến trình từ chỗ bất toàn đến chỗ hoàn toàn, giống như “thầy giáo” dẫn học trò từ bài dễ đến bài khó [12]. Thiên Chúa mặc khải qua những biến cố lịch sử (các hành động can thiệp vào lịch sử của một dân tộc hoặc của các tổ phụ và ngôn sứ), chứ không phải qua các bản tuyên ngôn (sấm ký, tín điều). Lich sử của các cuộc mạc khải kéo dài trong một khoảng thời gian hơn kém 20 thế kỉ, với những mốc điểm chính sau: Các Tổ phụ khoảng 1900-1700 tcn. Xuất hành và lữ hành trên sa mạc, với cao điểm là giao ước Sinai TK XIII. Chinh phục đất Pa-let-tin tk XII-XI. Thời quân chủ (khoảng năm 1020-586). Sự chia đôi bắc nam (It-ra-el và Giu-da vào năm 928). Thời lưu dầy (587-539). Thời khôi phục Giu-đa 538 tcn đến năm 70 scn. Mỗi thời kì đánh đấu một kinh nghiệm mới về tương quan với Thiên Chúa, và cũng mang dấu ấn của sự thay đổi nếp sống văn hóa chính trị: Du mục hay canh nông, bộ lạc hay quân chủ, nô lệ hay tự do, độc lập hay lưu vong. Dù sao, trong xuất dòng lịch sử, những biến cố đã in đậm hơn hết vào kí ức tập thể: ơn gọi tổ phụ Ap-ra-ham, cuộc xuất hành và lưu đày [13].
Tài Liệu Tham Khảo
1/ Kinh Thánh Trọn Bộ. Các giờ Kinh Phụng Vụ
2/ Thần Học Căn Bản. Gerard O’Collins.S.J.
3/ Thần Học Mac Khải. Lm Giu-se Phan Tấn Thành.
4/ Đức Giê-su Thành Na-da-ret. Joseph Ratzinger. Cả 3 cuốn.
5/ Các Sách Ngôn Sứ. Lm Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao, O.P.
6/ Từ Điển Công giáo 500 từ. Hội Đồng Giám Mục Việt nam.
7/ Thần Học Kinh Thánh. R. Vaticano.
8/ Các Mẫu Thức Mạc Khải. Avery Dvlles Sj.
9/ Học Hỏi Hiến Chế về Mạc Khải Của Thiên Chúa. Lm. Aug Nguyễn Văn Trinh.
10/ Nguyên Lý Của Thần Học Công Giáo. Joseph Ratzinger.






[1] Gerard OCollins.S.J. Thần học căn bản. Nhà xuất bản tôn giáo. Tr73.
[2] Gerard O’Collins.S.J. Thần học căn bản. Tr74.
[3] Từ Điển Công Giáo 500 từ, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tr229.               
[4] Từ Điển Công Giáo 500 từ, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tr230.     
[5] Gerard O’Collins.S.J. Thần học căn bản. Tr 101.
[6] Lm. Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao, O.P. Các Sách Ngôn Sứ. 2006. Tr 19.
[7] Lm. Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao, O.P. Các Sách Ngôn Sứ. 2006. Tr 99.
[8] R.Vaticano. Thần Học Kinh Thánh. Những đề tài tổng quát. Tr 308.
[9] Lm Phan Tấn Thành O.P. Thần Học Mạc Khải. Học Viện Đa Minh 2011. Tr 142.
[10]Lm Phan Tấn Thành O.P. Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Học Viện Đa Minh 2012. Tr.108.
[11] Sách hát cộng đồng. Tr482.
[12] Lm Phan Tấn Thành O.P. Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Tr. 107

[13] Lm Phan Tấn Thành O.P. Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Tr.110