Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

TỔNG HỢP MỘT SỐ TRÒ CHƠI VUI XUÂN 2017

TỔNG HỢP MỘT SỐ TRÒ CHƠI VUI XUÂN 2017

Phân tích và tìm hiểu hai khái niệm: Gia đình Ki-tô giáo được gọi là “một Hội Thánh tại gia” (GLHTCG 2204) và “Gia đình là tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội” (GLHTCG 2207)

Ant Công Chính
 Gia đình luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi thành phần trong Giáo Hội cũng như xã hội. Có thể nói, mỗi thành viên trong gia đình là cơ thể sống của Giáo Hội cũng như góp phần tạo nên một xã hội đa dạng về nhiều mặt. Chính vì thế, mỗi người được sinh ra, đều được mời gọi cộng tác với công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Quả vậy, Gia đình là cộng đoàn gồm cha mẹ, con cái, những quan hệ máu mủ, tình cảm, những liên hệ kèm theo về thể xác và tinh thần[1]. Gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, là trường học đầu tiên phát triển nhân tính [2]. Gia đình là sự kết hợp giữa người nam và người nữ trong hôn nhân, cùng với con cái của họ [3]. Thật vậy, khi tạo dựng người nam và người nữ, Thiên Chúa đã thiết lập gia đình con người và đặt nền tảng căn bản cho gia đình. Các phần tử trong gia đình là những nhân vị bình đẳng về phẩm. Vì công ích của các phần tử trong gia đình và của xã hội. Gia đình có những trách nhiệm, quyền lợi và bổn phận đa dạng [4].
 Như vậy, điều cốt lõi làm nên một Giáo Hội hoàn vũ và một xã hội thì phải trở về nguồn với nền tảng là các gia đình. Chính các thành viên trong gia đình tạo nên một “Giáo Hội hoàn vũ” và một “xã hội đông đúc về mọi mặt”. Đây cũng là điều, người viết muốn triển khai hai khái niệm trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Qua đó, thấy được tầm quan trọng của mỗi thành viên trong gia đình: Gia đình Ki-tô giáo được gọi là “một Hội Thánh tại gia” [5] và “gia đình là tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội” [6].
1/ Gia đình Ki-tô giáo được gọi là “một Hội Thánh tại gia”.
 Có thể nói đỉnh cao của Gia đình Ki-tô giáo là một Hội Thánh tại gia đó là gia đình Thánh Gia. Thật vậy, Chúa Giê-su nhập thể làm Người không phải tự dưng xuất hiện mà không biết nguồn gốc từ đâu, nhưng Ngài đã nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria qua biến cố truyền tin, trong đó Cha Ngài là ông Giu-se, Mẹ Ngài là bà Maria. Qua đó, Ngài thuộc dòng dõi Đa- vít [7], “Cha” và “Mẹ” Ngài là một người đạo đức, trung thành với luật Chúa [8]. “Cha” Ngài là một người làm nghề thợ mộc [9]. đây là nghề thuộc giới trung lưu thời bấy giờ. Trong quãng thời gian Chúa Giê-su sống ẩn giật tại Na-za-ret, Ngài đã cho ta bài học về sự vâng phục của Người [10]. Chính trong mái ấm gia đình Thánh Gia, toát lên một niềm yêu mến sâu sắc. Từ mái ấm gia đình Thánh Gia, Giê-su đã đón nhận được nguồn “tình yêu” nơi Giu-se và Maria, để rồi trải qua những ngày, những tháng, những năm được sống trong mái ấm, xét theo sự phát triển bình thường của con người thì Giê-su càng ngày càng được phát triển về sự khôn ngoan, sự cao lớn, thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta (Lc 2,52). Hình ảnh gia đình Thánh Gia là mẫu gương cho toàn thể các gia đình, và cũng là khởi nguyên cho gia đình Hội Thánh tại gia. Vì trong gia đình là sự hiệp thông giữa các nhân vị, là dấu vết và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Hoạt động sinh sản và giáo dục của gia đình là phản ánh công trình tạo dựng của Chúa Cha. Gia đình được kêu gọi tham dự vào việc cầu nguyện và hy lễ của Đức Ki-tô [11].
 Thật vậy, qua bí tích rửa tội, ta trở nên chi thể sống động của Chúa Ki-tô, được thông phần vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Người, có thể nói đây là một Hội Thánh nhỏ trong bản thể người. Chính vì thế, mỗi người được mời gọi cộng tác và có bổn phận mang Lời Chúa đến với tất cả mọi người, đặc biệt những người chưa nhận biết Người. Qua bí tích hôn phối, Giáo Hội mời gọi các thành viên trong gia đình tích cực tham gia và thể hiện rõ vai trò tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Ki-tô. Qua đó, sẽ thấy được tầm quan trọng của câu nói “gia đình Ki-tô giáo được gọi là một Hội Thánh tại gia” [12], đây cũng là một trong những đề tài về Gia đình mà Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia đình đã bàn tới [13]. Thật vậy, sự kết hợp giữa người nam và người nữ nói lên một tình yêu tự hiến, để làm một với nhau trong một tình yêu duy nhất là Đức Ki-tô. Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã cho ta thấy lệnh truyền này “người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai trở thành một xương một thịt” [14]. Chính sự yêu thương, gắn bó của người chồng đối với người vợ và người vợ đối với người chồng, phản ánh tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng sa ngã”[15]. Đó chính là lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa trong tình yêu hôn nhân gia đình. Quả vậy, trong một mái nhà, nơi mà chồng và vợ đang ngồi tại bàn ăn, con cái xuất hiện bên cạnh họ được ví như những chồi Ô-Liu, nghĩa là, với tràn đầy sinh lực. Nếu cha mẹ, theo nghĩa nào đó, là nền móng của ngôi nhà, thì con cái được ví như những viên đá sống động của gia đình [16].
 Có thể nói, Giáo Hội sinh ra và kết hợp mỗi người vào chi thể sống của Chúa Ki-tô qua bí tích rửa tội, thì đời sống hôn nhân cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, để làm nên một Giáo hội đông đủ bởi các chi thể được hợp nhất với nhau trong đức tin. Chính mái ấm gia đình là cái nôi và nền tảng khởi đầu cho một đức tin nơi bản thể con người. Vì thế, gia đình chính là thầy dậy đức tin đầu tiên cho con cái, qua đó thể hiện rõ ràng vai trò tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Ki-tô. Đây chính là lời mời gọi trong thánh vịnh 78,3-6: “điều chúng tôi đã từng nghe biết do cha ông kể lại, chúng tôi chẳng dấu gì con cháu cả, sẽ tường thuật cho thế hệ tương lai. Sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của Chúa, với những kì công Chúa đã làm. Ngài đã ban huấn lệnh cho nhà Gia-cóp, đặt ra lề luật cho It-ra-el, dậy tổ tiên chúng tội truyền lại cho con cháu các cụ được tường, hầu kẻ hậu sinh trong thế hệ tương lai cũng biết, rồi mai ngày đến lượt chúng kể cho con cháu của mình”. Qua đó, cho ta thấy trách nhiệm của những bậc làm cha, làm mẹ trong gia đình rất lớn lao đối với việc giáo dục con cái. Chính từ mái trường đầu tiên này, đứa trẻ được hình thành nên nhân cách, được đón nhận đức tin từ cha mẹ, từ đó mang theo tất cả những gì đã học được từ mái trường này để hòa nhập với cuộc sống và làm cho đức tin được lớn mạnh. Quả thật, nếu như đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình không biết Đức Ki-tô là ai, thì khởi đầu đứa trẻ khó lòng có thể nhận biết về Ngài. Ca dao tục ngữ việt nam có câu “ở ống thì dài ở bầu thì tròn hay con nhà tông không giống lông thì cũng giống cánh”. Chính mái trường gia đình là cái nôi của nền giáo đục đầu tiên, giúp đứa trẻ nhận biết mình là ai trong cuộc sống này. Thật vậy, mỗi thành viên trong gia đình Ki-tô giáo được liên kết với nhau trong cùng một đức tin, để cùng nhau cầu nguyện và đọc Lời Chúa hằng ngày sẽ củng cố gia đình trong đức mến. Chính vì thế, gia đình Ki-tô giáo có sứ vụ loan báo Tin Mừng và truyền giáo cho tất cả những người chưa nhận biết Chúa [17]. Chính tình yêu nồng cháy trong các gia đình sẽ là hoa quả trong tình yêu Đức Ki-tô được triển nở để từ đó những người xung quanh sẽ nhận biết Đức Ki-tô là ai [18]. Thật vậy, Lời Chúa bảo chúng ta rằng gia đình được kí thác cho một người đàn ông, một người đàn bà, và con cái họ, để gia đình trở thành một sự hiệp thông nhân vị theo hình ảnh sự kết hợp giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Việc sinh sản và nuôi dạy con cái, phản ánh công việc sáng tạo của Thiên Chúa. Gia đình được mời gọi liên kết trong kinh nguyện hằng ngày, đọc Lời Chúa và chia sẻ tiệc Thánh Thể, nhờ đó lớn lên trong tình yêu và trở nên ngày càng đúng nghĩa hơn là một đền thờ cho Chúa Thánh Thần cư ngụ [19]. Qua những gì đã trình bày, một lần nữa cho ta khẳng định “gia đình Ki-tô giáo được gọi là một Hội Thánh tại gia”.
2/ Gia đình là tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội
 Thiên Chúa đã tạo dựng nên nhân loại từ không mà có [20], trong đó Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người và ban cho họ quyền cai quản trên tất cả những gì Người đã dựng nên [21], thể hiện quyền cai quản và làm chủ đó bằng việc đặt tên [22]. Như thế, nguyên tổ Adam và E-và, là khởi nguyên cho một đời sống nhân loại đầu tiên và làm nên một xã hội nguyên thủy, trong đó chính Thiên Chúa ra lề luật và phân nhiệm vụ cho cộng đồng nhân loại đầu tiên này [23]. Thật vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không tương quan với tha nhân, con người không thể sống cũng như không thể phát triển các phẩm chất của mình được [24], chính Thiên Chúa đã phán “con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nói”[25].
 Thật vậy, gia đình là một xã hội tự nhiên, người nam và người nữ được kêu gọi trao tặng bản thân mình trong tình yêu và trong việc trao tặng sự sống. Gia đình là một cộng đồng, trong đó, từ thời thơ ấu, con người có thể học được những giá trị luân lý, bắt đầu tôn thờ Thiên Chúa và sử dụng tự do một cách đúng đắn [26]. Như thế, gia đình không phải là một cơ chế “xin cho” nhưng là một sức sống mãnh liệt trong tình yêu, để từ đó phát sinh một sự sống mới. Từ mái ấm gia đình, con người học biết những giá trị luân lý và những điều cơ bản nhất để giúp người đó hòa nhập với cuộc sống. Có thể nói, trong nội tại mỗi gia đình hội tụ đầy đủ một cộng đồng mang tính xã hội và cao hơn tính xã hội đó là một cộng đồng yêu thương, chia sẻ, lấy tình yêu Đức Ki-tô làm điểm quy chiếu và hướng dẫn. Trong đó cha mẹ đóng rất nhiều vai trò như: trao ban sự sống, quản lý và làm cho gia đình ngày một phát triển, tạo nên sự hiệp nhất giữa các thành viên trong gia đình, là thầy dậy đức tin và luân lý cho mọi thành viên trong gia đình..v..v..Qua đó cho ta thấy, chính tình yêu nội tại trong mỗi gia đình là sự lan tỏa và góp phần làm cho cộng đồng nhân loại đầy ắp tình yêu thương. Quả thật, hạnh phúc của mỗi cá nhân cũng như của xã hội loài người và Giáo Hội gắn chặt với tình trạng lành mạnh của cộng đoàn xuất phát từ hôn nhân và gia đình [27]. Thật vậy, muốn có một xã hội phát triển lành mạnh cần phải canh tân gia đình. Muốn có một cộng đồng nhân loại sống yêu thương, công bằng, bác ái, thì trước tiên cần phải có một gia đình tốt [28].
 Từ đó, ta thấy được tầm quan trọng và điều cốt lõi khởi đi từ các gia đình, là tế bào nguyên thủy và khởi đầu cho một xã hội. Chính vì vậy, gia đình là tổ ấm của mỗi cá nhân, là cầu nối giữa cá nhân và xã hội, là nơi trung chuyển mọi thông tin từ cá nhân đến xã hội và từ xã hội đến cá nhân. Với tính cách là “tế bào xã hội”, gia đình có tác động to lớn đến sự phát triển của xã hội. Gia đình tốt thì xã hội tốt. Do đó, cả thế giới được coi là một đại gia đình trong mối tương giao liên đới với nhau, nên mới có câu “tứ hải giai huynh đệ”. Thật vậy, tự bản chất mối tương quan liên hợp được xây dựng trên nền tảng tình yêu, vì thế nó sẽ có hai mặt tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, tình yêu sẽ đem lại ấm no, hòa bình, hạnh phúc. Tuy nhiên, với xã hội thì khi mối tương quan không đặt trên nền tảng tình yêu, thì sẽ xẩy ra chiến tranh, khủng bố, huynh đệ tương tàn [29].
3/ Tạm Kết:
 Qua những gì đã phân tích và tìm hiểu, cho ta thấy gia đình là nền tảng cho mọi vấn đề xẩy ra xung quanh. Trong gia đình, Cha mẹ chính là nguồn phát sinh sự sống, là cái nôi của nền đào tạo, là mái nhà của nền đạo đức, là lời nói của nền luân lý cơ bản, là chất súc tác để mọi thành viên trong gia đình liên kết với nhau, từ đó sẽ được lan tỏa ra, tạo thành một xã hội hiệp nhất, tươi đẹp trong yêu thương. Thật vậy, điều răn thứ tư làm sáng tỏ các tương quan khác trong xã hội. Trong đó, anh em ruột, là con cái của cha mẹ chúng ta; anh em họ, là con cháu tổ tiên chúng ta; đồng bào là con cái của tổ quốc chúng ta; những người đã chịu phép rửa là con cái của Mẹ chúng ta là Hội Thánh; mỗi nhân vị là con trai hoặc con gái của Đấng muốn chúng ta gọi Ngài là “Cha chúng con”. Vì vậy, các tương quan của chúng ta với tha nhân được nhận biết như là những tương quan nhân vị. Người lân cận không phải là một “cá thể” nào đó giữa tập thể nhân loại, nhưng là “một ai đó” có nguồn gốc rõ ràng, đáng được mọi người quan tâm và tôn trọng [30].






[1] Phaolo Bùi Đình Cao, Giáo trình luân lý chuyên biệt, Tr 136.
[2] Giáo trình luân lý chuyên biệt. Tr 140.
[3] GLHTCG 2202.
[4] GLHTCG, 2203.
[5] GLHTCG, 2204.
[6] GLHTCG, 2207.
[7] Mt 1,20 “Này Ông Giu-se, con Cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà đang mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”.
[8] Mt 1,19 “Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà”.  Lc 1,28 “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”.
[9] Mt 13,55 “Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria, anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao?”.
[10] Lc 2,51: Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-za-ret và hằng vâng phục các ngài.
[11] GLHTCG, 2205.
[12] GLHTCG, 2004.
[13] Đức Giáo Hoàng Phanxico, Niềm Vui Yêu Thương, tông huấn hậu thượng hội đồng về gia đình, Lm Lê Công Đức (dịch), Nxb Tôn giáo.
[14] St 2,24.
[15] Cl 3,18-21.
[16] Đức Giáo Hoàng Phanxico, NIềm Vui Yêu Thương, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Về Gia Đình,  Số 14.
[17] GLHCG, 2205.
[18] Ga 13,35.
[19] Đức Giáo Hoàng Phanxico, NIềm vui yêu thương, 29.
[20] St 1,1-2 “Lúc Khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất, Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”.
[21] St 1,26 “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”.
[22] St 2,19.23: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. “con người nói: Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút ra từ đàn ông ra””.
[23] St 3,14.16.17-19: “”Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi.” “Chúa phán với người đàn bà: Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén, ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” “Chúa phán với con người: đất dai bị nguyền rủa vì ngươi, ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất””.
[24] Công Đồng Vaticano II, Gaudium Et Spes, 12.
[25] St 2,18.
[26] GLHTCG 2207.
[27] Công Đồng Vaticano II, Gudium et Spes, số 47.
[28] Phaolô Bùi Đình Cao, Giáo Trình Luân Lý Chuyên Biệt, Tr 136.
[29] Đức Giáo Hoàng Phanxico, bài phát biểu khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình 6/10/2014. (http://caunguyenbangtraitim.com).
[30] GLHTCG, Số 2212.

TINH THẦN LẠC QUAN CỦA PHAOLÔ TRONG THƯ PHILIPPHÊ

Anton Nguyễn Công Chính
 Có thể nói rằng tinh thần lạc quan là đặc tính của người được mệnh danh là nhà truyền giáo. Trong đó, Phaolô là mẫu gương cho tinh thần lạc quan này, điều này được thể hiện cách rõ ràng trong thư Philipphê. Quả thật, từ xưa đến nay, khi nói đến truyền giáo, là nói đến một sứ mệnh rất cao cả. Bởi vì, truyền giáo là mang trên mình hình ảnh Đức Ki-tô, để nói về Đức Ki-tô cho những con người chưa biết đến Đức Ki-tô. Nhưng để diễn tả Đức Ki-tô cho những con người này thì phải trải qua một quá trình hết sức khó khăn cả nội tại lẫn ngoại tại. Chính vì thế, điều trước tiên đòi hỏi những người truyền giáo phải có tinh thần lạc quan. Lạc quan ở đây không có nghĩa là dù thành công hay thất bại cũng luôn vui vẻ, muốn đến đâu thì đến, lúc nào cũng yêu đời, đi hết chỗ này đến chỗ kia mà không suy nghĩ gì. Nhưng “lạc quan” ở đây phải được hiểu vì Đức Ki-tô mà tôi đây phải thiệt thân, thậm chí mất mạng sống mà Tin Mừng được loan báo và đến với muôn dân, thì tôi đây rất vui mừng [1].
Dựa vào bức thư mà Phaolô gửi cho giáo đoàn Philipphê. Qua thư, người viết muốn trình bày tinh thần lạc quan của Phaolô qua 2 ý: Đức Ki-tô là trung tâm điểm đời sống của Phaolô và Phaolô mặc lấy tâm tình lạc quan trong cộng đoàn Philipphê [2]. Với hai điểm này, phần nào cho ta hiểu cách chung nhất tinh thần của Phaolô mang trên mình khi đi truyền giáo.
1/ Đức Ki-tô Là Trung Tâm Điểm Đời Sống Của Phaolô
 Có thể nói Phaolô được mênh danh là “nhiệt thành” cả trước và sau khi trở lại đạo Chúa Ki-tô. Bởi vì, trước biến cố “Đa Mát”, Saolô là người “nhiệt thành” trong việc bắt bớ đạo Chúa Ki-tô, muốn tiêu diệt tất cả những người theo đạo Chúa Ki-tô. Nhưng sau thị kiến ở “Đa Mát”, Saolô biến đổi hoàn toàn, trở thành Phaolô “nhiệt thành” rao truyền chân lý Chúa Ki-tô cho tất cả mọi người. Có thể nói “bắt bớ Chúa Ki-tô” và “trung thành với Chúa Ki-tô”, là hai tâm trạng trong một con người nhưng hoàn toàn không bị giằng co nhau mà có một sự tách biệt rõ ràng. Ngày xưa “nhiệt thành bắt đạo Chúa Ki-tô” bao nhiêu thì nay “nhiêt thành và trung thành rao truyền chân lý Chúa Ki-tô” bấy nhiêu, và còn hơn thế, nữa đó là được sống và cùng chết với Chúa Ki-tô là niềm vinh hạnh lớn lao của thánh nhân, đây không những là lời an ủi của thánh nhân mà là lời nhắc nhở cho muôn thế hệ về sau “Quả thế, nhờ Đức Ki-tô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người” (Pl 1,29).
 Quả vậy, trong xuất cuộc hành trình rao giảng, Thánh Nhân gặp biết bao thử thách, bởi những người chống đối việc rao giảng của Ngài, nhưng Thánh Nhân đã không lấy đó làm suy sụp lòng mến rao truyền Lời Chúa nhưng lấy đó làm niềm vinh hạnh và sự hạnh phúc viên mãn vì được cùng chịu đau khổ với Đức Ki-tô [3]. Quả vậy, với một niềm xác tín cách mạnh mẽ nơi Đức Ki-tô, để rồi quy về mọi việc xẩy ra với ngài đều là do Thánh ý Thiên Chúa. Mặc dù bị xiềng xích [4] nhưng Thánh Nhân cảm thấy được hạnh phúc vì chính lúc này đây Tin Mừng được tiến triển, đến nỗi tại dinh vua quan cũng như ở mọi nơi khác, người ta đều hiểu rõ là chính vì Đức Ki-tô mà tôi mang xiềng xích (Pl 1,13). Cũng chính xiềng xích Phaolô mang, mà phần đồng các anh em có lòng tin cậy vào Chúa đã tỏ ra bạo dạn hơn để rao giảng lời Thiên Chúa mà không sợ hãi (Pl 1,14). Như vậy, Phaolô không cảm thấy buồn sầu khi phải mang xiềng xích nhưng Phaolô lấy đó làm niềm hạnh phúc vì nhìn thấy được niềm tin đang lớn mạnh nơi những “người con” của mình. Người viết xin được mượn hình ảnh người cha, người mẹ, đối với “người con” để nói lên niềm hạnh phúc của Phaolô lúc này. Đó là hình ảnh người cha, người mẹ nhìn đứa con thơ đang ngày càng lớn lên và đứng vững, bước đi trên đôi chân của mình. Điều này thể hiện rõ nhất tinh thần lạc quan của Phaolô nói riêng và tinh thần truyền giáo nói chung.
 Thực vậy, Thánh Phaolô đã xác tín rằng: đối với tôi, sống là Đức Ki-tô và chết là một mối lợi (Pl 1,21). Qua đó cho ta thấy, Phaolô đã xác tín cách trọn vẹn đời sống của mình nơi Đức Ki-tô. Vì thế, mọi niềm vui, mọi đau khổ và thử thách đều có vai trò trong sứ vụ đem Đức Ki-tô đến với muôn đân. Tử tội nào rồi cũng chấm dứt và cuối cùng là Thiên Chúa, cũng như chính Thánh Phaolô sẽ là người chiến thắng. Vì vậy, dù sống hay chết, thì đối với Phaolô vẫn là cuộc sống bởi vì không gì tách biệt được vị tông đồ khỏi Đức Ki-tô. Chính vì thế, trước sự tra hỏi của những người chống đối và bỏ tù ngài, Phaolô không để cho chúng khiến mình giảm tinh thần, nhưng nhìn các vấn đề ấy như những cơ hội để Tin Mừng Chúa được tiến triển [5]. Chúng càng thấy ngài mạnh mẽ hơn khi Ngài xác tín rằng: nếu mình còn sống thì sứ vụ rao giảng Tin Mừng sẽ tiếp tục không gì cản trở được, còn nếu bị xử tử thì đó là niềm an ủi vì được ở với Đức Ki-tô [6].
2/ Phaolô mặc lấy tinh thần lạc quan trong cộng đoàn Philipphê.
 Qua thư Philipphê, người viết muốn được tìm hiểu sâu hơn về tinh thần lạc quan của Phaolô qua những cách nhìn sau: cộng đoàn Philipphê như là “con riêng” của Thánh Phaolô và cũng có thể nói cộng đoàn Philipphê như là “người yêu” của Thánh Phaolô. Bởi vì, những điều nói trên thể hiện cách rõ ràng trong lối hành văn của Phaolô. Một lối hành văn dương như “khác” với lối hành văn trong các thư mà Phaolô đã viết. Đọc thư Philipphê, ta có cảm nhận như là một cuộc tâm sự của Phaolô dành cho cộng đoàn này và cộng đoàn Philipphê cũng đáp lại lời tâm sự đó bằng những sự quan tâm rất cụ thể đó là gửi anh Ê-páp-rô-đi-tô [7] đến để chăm sóc Phaolô trong cảnh xiềng xích.
 Trong hành trình truyền giáo thứ II, Phaolô đã đặt chân đến Philipphê, là thành phố châu Âu đầu tiên. Chính nơi này đã để lại cho Phaolô nhiều ấn tượng nhất và cũng chính nơi đây Phaolô nhận sự trợ giúp trong hành trình truyền giáo. Đó chính là bà Lydia là một trong số những người được Phaolô làm phép rửa [8]. Có thể nói trong thời gian rao giảng tại Philippphê, Phaolô đã tru ngụ tại nhà bà “Sau khi bà và cả nhà đã chịu phép rửa, bà mời chúng tôi: Các ông đã coi tôi là một tín hữu Chúa, thì xin các ông đến ở nhà tôi. Và bà ép chúng tôi phải nhận lời” (Cv 16,15). Chính vì thế, Phaolô đã dành cho cộng đoàn Philipphê một chỗ đứng rất đặc biệt trong con tim của ngài, như hình ảnh người cha đối với người con và ngược lại , cũng có thể diễn ra hình ảnh của một “tình yêu nam nữ”.
 Thực vậy, mở đầu bức thư, ta thấy được tình cảm Phaolô dành cho cộng đoàn Philipphê “Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi, mỗi lẫn nhớ đến anh em. Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, vì tử buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng” [9]. Qua đó, ta có cảm nhận cộng đoàn Philipphê như là cánh tay phải để cộng tác với Phaolô trong hành trình rao giảng. Chính vì thế, ngay cả khi bị tù tội, Phaolô vẫn quan tâm tới Hội Thánh này hơn là lo cho chính mình. Người cảm thấy vui mừng khi cầu nguyện cho các tín hữu Philipphê và người cầu nguyện cho tình yêu thương giữa mọi thành phần trong cộng đoàn Philipphê ngày càng đậm đà thắm thiết [10]. Chính Phaolô đã coi cộng đoàn này như là “người con hoặc người yêu” tinh thần cách đặc biệt, nên Phaolô đã bọc lộ niềm tin cách sâu sắc để tâm sự và khuyên răn “người con hoặc người yêu” trong hành trình truyền giáo của mình. Với tất cả mong muốn đó là đứng vững vào quyền năng của Thiên Chúa và hãy lấy đức tin để chống trả lại trước những thử thách và những cơn cám đỗ làm cho đức tin của từng người trong cộng đoàn bị lay chuyển. Mặc dù không biết ngày mai sống chết thế nào nhưng Phaolô cũng nhắm gửi tới cộng đoàn này, mặc dù xa nhau về mặt địa lý nhưng trong tâm trí Phaolô luôn hướng về cộng đoàn, chính anh em là nguồn an ủi và động viên dành cho Phaolô “dù tôi có đến thăm anh em hay vắng mặt đi nữa, tôi vẫn muốn được nghe người ta nói về anh em là anh em luôn đứng vững, cùng chung một tinh thần, một lòng một dạ cùng nhau chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em”[11]. Qua đó, Phaolô nhắn nhủ cộng đoàn hãy câu nguyện luôn trong tình yêu Thiên Chúa. Bằng việc cầu nguyện, anh em sẽ sống mối tình liên đới với nhau, gia tăng tình bạn, tất cả thể hiện niềm tin tưởng vào Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của mọi tương giao tốt đẹp. Quả vậy, chỉ trong Thiên Chúa, mọi thành phần được liên kết với nhau và giúp nhau đứng vững trong đời sống đức tin. Trong thư, Phaolô luôn nhắc nhở cộng đoàn hãy vui luôn trong tình yêu Đức Ki-tô. Chính niềm vui này sẽ xua tan đi tất cả nỗi buồn, để anh em thuộc trọn về đức tin đã lãnh nhận [12]. Thực vậy, Phaolô đã rất khen ngợi sự vâng phục của công đoàn, chính sự vâng phục này mang lại ơn cứu độ cách tròn đầy trong cộng đoàn. Có lẽ Phaolô rất hãnh điện về sự vâng phục của cộng đoàn, bởi vì anh em là những người luôn luôn vâng phục không những khi tôi vắng mặt, và nhất là bây giờ, khi tôi vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ [13].
3/ Tạm Kết:
           Qua thư Philipphê, Phaolô không những nhắn gửi cho cộng đoàn Philipphê mà còn nhắn gửi cho muôn thế hệ về tinh thần lạc quan trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Thực vậy, người rao giảng Tin mừng là người “bị ăn” để cho cộng đoàn đón nhận đức tin được thấm nhuần chân lý đức tin. Tôi trông, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên[14]. Vì thế, trong hành trình rao giảng Tin Mừng, nếu ta chỉ cậy vào sức riêng của mình thì lời rao giảng của ta hoàn toàn thất bại. Chính cách thể hiện niềm tin trong cộng đoàn ta rao giảng là niềm an ủi và nguồn động viện lớn nhất trong hành trình rao giảng.



[1] Lc 21,12-19.
[2] Có thể nói, công đoàn Philipphê là người con tinh thần của Phaolô, nên trong cách hành văn ta có thể hiểu một tâm trạng của người cha đối với một người con và người con đối với người cha. Cũng có thể nói, giống như là một tình yêu đẹp, khi đã yêu nhau thì người ta dành hết tình cảm cho người yêu, muốn bọc lộ con người mình cho người yêu hiểu và tìm thấy niềm vui nơi người phối ngẫu của mình.
[3] Ga 2,17: Với một niềm xác tín “vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”.
[4] Pl 1,7.
[5] Pl 1,23 “Tôi muốn anh em biết là những gì xẩy đến cho tôi thật ra đã giúp cho Tin Mừng được tiến triển”.
[6] Giáo trình “Tìm Hiểu các Thư Thánh Phaolô”, Học Viện Đa Minh 2010, 79.
[7] Pl 2,25 “Tôi nghĩ cần phải trả anh Ê-páp-rô-đi-tô về cho anh em. Anh ấy đã từng là một người anh em, một cộng sự viên, một chiến hữu của tôi, người mà anh em đã gửi đến giúp tôi trong lúc túng cực”.
[8] Cv 16,13-14 “Ngày sa-bát, chúng tôi ra khỏi cổng thành, men theo bờ sông, đến một chỗ chúng tôi đoán chừng có nơi cầu nguyện. Chúng tôi ngồi xuống nói chuyện với những phụ nữ đang họp nhau tại đó. Có một bà tên là Lydia, quê ở Thyatira, chuyên buôn bán vải điều. Bà là người tôn thờ Thiên Chúa, bà nghe và Chúa mở lòng cho bà để bà chú ý đến những lời ông Phaolô nói.”
[9] Pl 1,3-5.
[10] Pl 1,5-8.
[11] Pl 1,27.
[12] Pl 2,29-30 “Vì Chúa anh em hãy hết sức vui mừng đón tiếp anh em. Anh em hãy quý trọng những người như thế, chính làm việc cho Đức Ki-tô mà anh em đã suýt chết, đã liều mạng sống để thay thế anh em, khi anh em không đến giúp tôi được”.
[13] Pl 2,12.
[14] 1Cr 3,6.