Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

NHỮNG QUY ĐỊNH PHÁP LÝ TRONG GIÁO LUẬT 1983 VỀ LINH MỤC QUẢN XỨ VÀ PHÓ XỨ

Anton Công Chính
        Trong bộ giáo luật 1983, quyển 2 nói về dân Thiên Chúa, đã dành chương 6 để nói về các giáo xứ, các cha sở và các cha phó. Trong đó có 34 điều luật nói về các cha sở và các cha phó. Từ điều 519- 544 nói về các cha sở và từ điều 545-552 nói về các cha phó. Có lẽ đây là một trong những đề tài rất thiết thực, có những tranh luận rất vui nhộn đối với anh em chủng sinh sau khi học xong trương trình.
A/ Cha sở
 Trong 26 điều nói về các cha sở, người viết xin được đúc kết trong 7 điểm chính: Khái niệm về cha sở. Điều kiện để làm cha sở. Việc bổ nhiệm. Hạn kỳ. Sự tựu chức. Nhiệm vụ và sự mãn chức vụ.
1/ Khái niệm
        Cha sở là chủ chăn riêng của giáo xứ đã được giao phó cho ngài và ngài thi hành trách nhiệm mục vụ của cộng đoàn được ủy thác cho ngài, dưới quyền Giám mục giáo phận, mà ngài đã được kêu gọi để chia sẻ thừa tác vụ của Đức Ki-tô, ngõ hầu thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo đối với cộng đoàn ấy [1]. Như vậy cha sở là chủ chăn thực sự của giáo xứ, giống như Chúa Giê-su để chăn dắt đoàn chiên được trao phó. Ngoài Đức Giám mục Giáo phận và những người cộng tác với ngài, ngài không phải lĩnh ý hay tường trình cho ai khác về công việc mục vụ của mình trong giáo xứ được trao phó.
Vd: chính quyền, những người có ý chống đối giáo xứ.
2/ Điều kiện để làm cha sở
        Điều kiện để làm cha sở phải là linh mục và một thể nhân chứ không thể là một pháp nhân[2]. Đây là 2 điều kiện cốt yếu để được đặt làm cha sở. Bởi vì giáo xứ là một cộng đồng Ki-tô hữu xây dựng trên bí tích Thánh Thể [3], chứ không phải là một đơn vị hành chánh hay xã hội. Giáo xứ là một pháp nhân nên cần một thể nhân để quy tụ và hợp nhất trong tình yêu, giống như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh.
3/ Việc Bổ Nhiệm 
        Theo dòng lịch sử, các tông đồ là những người được Chúa Giê-su chọn nối tiếp công cuộc rao giảng của Chúa. Sau này các Giám mục là những người kế nhiệm các tông đồ, và qua việc đặt tay và lời nguyện của Giám mục trong nghi thức phong chức linh mục đã nói lên rằng linh mục là cộng sự viên của Giám mục để Giám mục chu toàn chức Tư Tế tông truyền. Chính vì thế, trong trường hợp thông thường thì việc bổ nhiệm cha sở thuộc thẩm quyền của Giám mục. Giám mục cũng có thể bổ nhiệm một linh mục tu sĩ làm cha sở của một giáo xứ không thuộc “Dòng” đó, tuy nhiên phải có sự thỏa thuận và đồng ý của bề trên thuộc “Dòng” đó. Nếu Giám mục trao một giáo xứ nào đó cho một Hội Dòng phụ trách, thì bề trên của Dòng có quyền đề cử một linh mục lên cho Giám mục bổ nhiệm vào giáo xứ đó [4].
        Tuy nhiên, để việc bổ nhiệm cha sở được chắc chắn thì theo điều luật 524 đòi hỏi, khi bổ nhiệm cha sở, Giám mục phải tham khảo ý kiến của cha quản hạt, và nếu có thể được, ý kiến của vài linh mục và giáo dân, ngõ hầu biết rõ những khả năng đức tính của người cần được chọn. Chính vì thế theo giáo luật cũng không loại trừ việc khảo hạch như phương tiện để thẩm định khả năng (đ. 521, 3).
 Theo điều 521, người được bổ nhiệm trước hết người đó phải là một linh mục, có đời sống trổi vượt về đạo lý lành mạnh và hạnh kiểm đứng đắn, có lòng nhiệt thành với các linh hồn và những nhân đức khác, hơn nữa còn phải có những đức tính mà luật phổ quát hoặc luật địa phương đòi buộc để lãnh trách nhiệm mục vụ nơi giáo xứ.
4/ Hạn kì
        Linh mục là cánh tay nối dài của Giám mục, nên việc bổ nhiệm và hạn kì của linh mục đó cũng do Giám mục đó quyết định, lẽ dĩ nhiên là có những người cộng tác với ngài trong công việc này. Nhưng trong lúc bổ nhiệm thì có tính cách vô hạn định. Bởi vì nhà lập pháp ước mong cho chức vụ cha sở có tính cách bền vững, vì nhiều lý do. Lý do đơn giản nhất là cần có thời gian để có thể quyen việc và nhất là quyen người. Thực vậy, cha sở không phải là một công chức được bổ nhiệm để lo việc hành chánh của giáo xứ, nhưng tiên vàn ngài là một mục tử: lý tưởng của người mục tử là biết danh từng phần tử của đoàn chiên được giao cho mình. Mặt khác, cha sở sẽ gắn bó hơn với giáo xứ một khi biết rằng mình sẽ ở lại đây lâu dài, chứ không phải chỉ như người qua đường. Mặt khác, Giám mục Giáo phận có thể bổ nhiệm cha sở cho một thời gian hữu hạn, nên Hội Đồng Giám Mục đã chấp nhận điều đó qua một sắc lệnh [5].
        Để linh mục đó coi sóc đoàn chiên được trao phó cách hiệu quả , thì mỗi giáo xứ chỉ cần một linh mục. Tuy nhiên, vì thiếu tư tế hoặc vì những hoàn cảnh khác, có thể ủy thác việc coi sóc nhiều giáo xứ gần nhau cho cùng một cha sở. Trong cùng một giáo xứ, chỉ có một cha sở mà thôi, hoặc một vị điều hành chiếu theo quy tắc của điều 517, 1. Mọi tập tục trái ngược đều bị bãi bỏ và mọi đặc ân trái ngược đều bị thu hồi [6].
5/ Sự tựu chức
Theo điều 527 thì linh mục nào đã được tiến cử để thi hành trách nhiệm mục vụ cho một giáo xứ, thì nhận lãnh trách nhiệm đó và buộc phải thi hành kể từ khi nhận chức. Việc bổ nhiệm cha sở do chính Giám mục, thì việc chủ tọa sự nhận chức có thể được tiến hành bởi Bản quyền sở tại hoặc một tư tế nào thay mặt. Thường thường việc nhận chức nên được cử hành trong Thánh lễ. Diễn tiến nghi thức nhận sở tại của cha sở như sau: Sau lời chào dẫn nhập, vị chủ tọa đọc văn thư bổ nhiệm. Sau bài giảng, cha sở sẽ tuyên hứa chu toàn nhiệm vụ. Kế đó, vị chủ tọa sẽ dẫn đưa cha sở đến những nơi sẽ thi hành phận sự, tỉ như ghế chủ sự trong gian thánh, tòa giảng, giếng rửa tội, tòa giải tội và đặc biệt là mở cửa Nhà Tạm. Ngoài ra cha sở còn phải tuyên xưng đức tin trước mặt Bản quyền sở tại hay đại diện (đ 833,6) [7].
Ngoài ra, vì lý do đặc biệt thì Đấng bản quyền có thể miễn chuẩn việc nhận chức của một cha nào đó tại sở tại và xê dịch ngày nhận sở tại. Nếu không vì lý do nào đó mà cha được bổ nhiệm không chịu đến nhận nhiệm sở thì Đấng Bản Quyền có thể tuyên bố giáo xứ đó khuyết vị.
6/ Nhiệm vụ của cha sở
Cha sở là cánh tay nối dài của Giám mục, nên nhiệm vụ của ngài nơi giáo xứ giống như là Giám mục, bởi vì ngài có quyền giảng dạy, thánh hóa và cai quản, lẽ tất nhiên vẫn là theo ý của Giám mục Giáo phận.
a/ Giảng dạy
        Cha sở có bổn phận mang Lời Chúa không những cho các tín hữu trong giáo xứ, nhưng còn cho hết thảy mọi người đang sống trên lãnh thổ của giáo xứ, kể cả những người ngoại đạo, vô thần. Chính vì thế, sau khi được bổ nhiệm và nhận nhiệm sở, cha sở buộc phải liệu sao để Lời Chúa được rao truyền cách toàn vẹn cho những người đang sinh sống trong giáo xứ, vì thế, ngài phải lo giảng dạy giáo dân về các chân lý đức tin, nhất là qua bài giảng trong các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, cũng như qua việc đào tạo giáo lý, ngài phải ủng hộ những công việc cổ động tinh thần Phúc Âm, cả những cộng việc liên quan đến công bình xã hội [8]. Thật vậy, đối với xã hội ngày hôm nay thì việc mang Lời Chúa đến cho mọi người bằng rất nhiều cách như: giảng thuyết, đối thoại, chuyện trò, diễn thuyết, sách báo, bích chương, các phương tiện truyền thông xã hội.. nhưng nhà lập pháp nhấn mạnh vào 2 vấn đề đó là giảng thuyết và giáo huấn [9]. Bởi vì, 2 vấn đề này không những chỉ giới hạn vào những chân lý đức tin, nhưng còn bao gồm cả những công tác cổ động tinh thần phúc âm, kể cả trong lãnh vực công bằng xã hội chiếu theo điều 768. Chính vì thế, nhiệm vụ giảng dạy của Cha sở là hết sức quan trọng. Chính Chúa Giê-su xuống thế để giảng dậy cho muôn dân biết mọi điều, hầu mời gọi tất cả mọi người hãy nghe và ăn năn sám hối để trở về với tình yêu bao la của Thiên Chúa, thì linh mục ngày hôm này cũng được mời gọi để mang Lời Chúa đến với hết thảy mọi người để mọi người nhận biết Thiên Chúa và tìm về con đường ngay chính ở đời này và hưởng hạnh phúc mai sau.
b/ Thánh hóa
 Bí tích Thánh Thể là trung tâm của đời sống Giáo hội. Qua bí tích Thánh Thể, chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa trong tình yêu, để nhớ lại hy tế của Chúa Giê-su trên Thập giá “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,9). Chính vì thế, cha sở phải liệu sao để Thánh Thể trở thành trung tâm của việc tập họp các tín hữu trong giáo xứ. Ngài phải lo cho các Ki-tô hữu được nuôi dưỡng nhờ việc sốt sắng cử hành các bí tích và nhất là thường xuyên đến gần bí tích Thánh Thể và bí tích sám hối. Cha sở phải thúc đẩy đời sống cầu nguyện, kể cả việc cầu nguyện trong các gia đình, điều hành kỷ luật trong việc phụng tự [10]. Thực vậy, nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa và nhiệm vụ thánh hóa là hai chức vụ cố hữu nhất của linh mục, và nó được hiện hữu là lý do hiện hữu của linh mục trong giáo xứ [11].
        Trong điều 530 nói đến bí tích rửa tội thì từ xưa đến nay vẫn được coi như là quyền của cha sở nhưng thực sự đó không phải là việc độc quyền của cha sở mà nó chỉ là những trách nhiệm mà các tín hữu có quyền yêu sách nơi cha sở trước khi đi yêu cầu các linh mục khác. Đó là ý nghĩa của việc sửa đổi từ ngữ giữa bộ luật cũ và bộ luật mới. Vì bộ luật 1917 nói đến những trách vụ dành riêng cho cha sở. Còn bộ luật hiện hành 1983 thì sửa lại là được ủy thác đặc biệt cho cha sở:
Trong sách giáo lý và trong điều luật 861; 877-878 có nói rõ ràng: Trong trường hợp thông thường thì cha sở là người ban bí tích rửa tội, nhưng trong trường hợp khẩn cấp thì ai cũng có thể làm thừa tác viên của bí tích này. Chính vì thế bổn phận của cha sở là phải dạy cho các tín hữu biết cách rửa tội cho đúng.
-        Thông thường bí tích Thêm sức do Giám mục cử hành nhưng trong trường hợp nguy tử thì linh mục được cử hành [12].
-        Cha sở ban của ăn đàng và bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân trong giáo xứ nhưng trong trường hợp khẩn cấp thì bất cứ tư tế nào cũng có thể ban, cũng vậy việc trao Mình Thánh Chúa  thuộc quyền của những người được trao phó nhưng trong trường hợp khẩn cấp thì bất cứ tư tế nào cũng có thể trao [13].
-        Quyền dành riêng cho cha sở đó là chứng hôn và làm phép trong lễ cưới, đây là quyền không ai được dụng chạm tới, ngoại trừ cha sở ủy quyền cho ai đó thì người đó mới được làm. Bởi vì nếu cha sở không ủy quyền mà làm việc này thì đôi hôn nhân đó không thành.
-        Cử hành nghi lễ an táng: Đây là quyền dành cho mọi tư tế vì theo điều 1177 có nói: Thông thường, nghi lễ an táng của tất cả mọi tín hữu đã qua đời phải được cử hành trong nhà thờ giáo xứ của người ấy. Tuy nhiên, bất cứ tín hữu nào hoặc những người có nhiệm vụ an táng một tín hữu quá cố đều được phép chọn một nhà thờ khác để cử hành nghi thức an táng với sự chấp thuận của vị cai quản nhà thờ ấy, và sau khi đã được thông báo cho cha sở riêng của người quá cố biết việc ấy.
-        Làm phép giếng Rửa tội trong mùa Phục sinh, chủ sự các cuộc rước ngoài thánh đường, và việc ban phép lành trọng thể ngoài thánh đường.
-        Sau khi nhận chức ở giáo xứ, cha sở có nghĩa vụ phải dâng ý lễ cầu cho đoàn đân được trao phó cho ngài vào mỗi Chúa Chật và lễ trọng buộc trong Giáo phận. Nếu mắc ngăn trở chính đáng không dâng ý lễ như vậy được thì ngài phải nhờ một linh mục khác dâng ý lễ thay trong chính các ngày đó, hoặc chính ngài phải dâng ý lễ bù lại vào các ngày khác. Cha sở nào coi sóc nhiều giáo xứ, thì chỉ buộc dâng một ý lễ, vào những ngày được nói đến ở triệt 1, để cầu cho tất cả đoàn chiên đã được trao phó cho ngài [14].
c/ Nhiệm vụ cai quản
        Để việc cai quản giáo xứ diễn ra cách tốt đẹp và mang lại hiểu quả cho đoàn chiên của mình thì cha sở phải xác định là “người mang lấy mùi chiên”. Để mang được mùi chiên trong con người cha sở thì cha sở phải lo liệu tìm hiểu đoàn chiên của mình, chia sẻ những vấn đề của họ cũng như sửa dậy những lầm lỗi của họ. Ngài phải tỏ ra đức ái đặc biệt đối với những thành phần đau ốm, nghèo khổ, bơ vơ và lạc lõng. Cha sở phải quan tâm đối với mục vụ dành cho các gia đình [15].
 Cha sở ngoài là người cha tinh thần, ngài còn là người đại điện giáo xứ trong mọi công việc có tính cách pháp lý. Chính vì thế, ngài phải lo liệu sao cho mọi công việc từ đối nội đến đối ngoại được diễn ra cách tốt đẹp và đưa giáo xứ ngày một đi lên về mọi mặt. Vì thế, ngài có toàn quyền mời và chọn những người cộng tác với ngài trong việc cai quản và gìn giữ giáo xứ được Đấng Bản Quyền trao phó.
Nhằm đảm bảo cho việc chu toàn các nghĩa vụ mục tử trong giáo xứ thì cha sở buộc phải ở trong nhà xứ gần nhà thờ. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, vì một lý do chính đáng, Đấng Bản Quyền địa phương có thể cho phép cha sở ở nơi khác, nhất là tại một nhà chung cho nhiều tư tế, miễn là phải liệu sao để chu toàn những nhiệm vụ thuộc giáo xứ một cách thuận lợi và đều đặn [16]. Trừ khi có lý do nghiêm trọng, mỗi năm cha sở được phép vắng mặt khỏi giáo xứ để đi nghỉ, tối đa là một tháng, liên tục hoặc gián đoạn. Những ngày cha sở vắng mặt để dự tĩnh tâm mỗi năm một lần không tính vào thời gian đi nghỉ, nhưng hễ vắng mặt khỏi giáo xứ quá một tuần lễ thì cha sở buộc phải báo cho Đấng Bản Quyền địa phương biết điều đó, lúc đó Giám mục có quyền ấn định những quy tắc cử một linh mục nào đó đến với những năng quyền cần thiết để việc coi sóc giáo xứ được đảm bảo trong thời gian cha sở vắng mặt. Luật phổ quát cho phép cha sở mỗi năm được đi nghỉ một tháng, không tính vào những ngày cha sở đi công việc mục vụ của giáo xứ. Ở Việt nam thì chuyện đi nghỉ hè là một đặc ân dành cho thiểu số. Còn tại Âu châu, tuy việc nghỉ hè được ghi vào luật lao động của quốc gia, nhưng nhiều linh mục không thể hưởng được vì không kiếm ra người thay thế [17].
7/ Sự mãn nhiệm
        Cha sở có thể mãn chức vụ vì 5 lý do [18]:
-        Mệnh một: Đây là hình phạt rất cao dành cho linh mục đó là trục xuất khỏi hàng giáo sĩ vì vi phạm những điều luật đối với một giáo sĩ, mặc dù đã khuyên bảo trước. Nói theo ngôn ngữ thông thường thì ngoài cái chết thể lý còn có cái chết cả pháp lý nữa.
-        Bãi chức: Đây là một biện pháp kỉ luật, tuy đương sự có thể không có lỗi, ví dụ như vì đau yếu bệnh tật. Chính vì vậy, sự bãi chức được đặt ra nhằm ích lợi của các linh hồn hơn là trừng phạt cha sở.
-        Thuyên chuyển: Sự thuyên chuyển có thể là một sự thăng thưởng hoặc là một biện pháp kỉ luật.
-        Từ chức khi có lý do chính đáng: Theo luật thì các cha sở khi tới tuổi 75 thì hãy đệ đơn từ chức lên Giám mục Giáo phận. Nhưng sự từ chức chỉ có hiệu lực kể từ khi đơn được chấp thuận [19].
-        Hết nhiệm kỳ: Tức là trong bổ nhiệm thư có ghi rõ là đến ngày đó là hết nhiệm kì thì đến ngày đó cha sở hết quyền cai quản giáo xứ đó.
Ngoài ra khi giáo xứ không có cha sở, hoặc khi cha sở bị ngăn trở không thể hành sử chức vụ thì Giám mục Giáo phận phải chỉ định sớm hết sức một tư tế làm giám quản giáo xứ. Trong thời gian chờ đợi việc bổ nhiệm ấy thì việc cai quản giáo xứ tạm thời được trao cho cha phó, nếu có nhiều cha phó thì trao cho vị nào được bổ nhiệm trước hết, nếu không có cha phó thì trao cho cha sở nào đó mà luật địa phương quy định [20].
B/ Cha phó
        Khi được bổ nhiệm và nhận nhiệm sở thì cha sở phải chu toàn các nhiệm vụ giảng dậy, thánh hóa và cai quản với sự cộng tác của các linh mục và phó tế khác, cũng như sự trợ giúp của giáo dân [21]. Theo bộ luật 1917 thì cha phó được phân biệt thành 4 loại: giám quản giáo xứ, thay thế cha sở khi vắng mặt, giúp cha sở khi ngài bị bệnh, cộng sự viên của cha sở. Còn bộ luật 1983 thì gọi cha phó là: phó cho cha quản xứ, phó cho giáo xứ. Thông thường thì các cha phó được bổ nhiệm để giúp cho cha sở vì ngài không thể cáng đáng hết các công việc của giáo xứ được [22]. Thế nhưng, bộ giáo luật hiện hành còn dự trù việc đặt các cha phó chuyên trách một công tác mục vụ đặc biệt của một hay nhiều giáo xứ khác nhau, tức là cha phó được đặt lên nhằm đáp ứng nhu cầu của giáo xứ hơn là để giúp bản thân cha sở.
        Thế nhưng cha phó cũng phải được Đức giám mục giáo phận bổ nhiệm [23], chứ không phải cha tổng đại diện nếu không được ủy quyền. Tuy nhiên, khi bổ nhiệm cha phó, Đức giám mục nên bàn hỏi ý kiến với cha sở mà cha phó được đề cử tới và cả với cha quản hạt nữa. Nếu giáo xứ được trao cho một dòng tu đảm trách thì bề trên của dòng để cử cha phó lên Đức giám mục để ngài xét và ra bổ nhiệm thư.
        Cha phó là cộng sự viên của cha sở, để san sẻ mọi nỗi lo âu với cha sở, đồng tâm nhất trí để thi hành nhiệm vụ mục vụ trong giáo xứ [24]. Chính vì thế, cha sở và cha phó cùng hợp lực với nhau để sự liệu mục vụ cho giáo xứ mà họ đồng lãnh trách nhiệm [25]. Cha phó sau khi được bổ nhiệm và nhận nhiệm vụ thì cha phó buộc cư ngụ trong giáo xứ, chứ không buộc phải sống tại nhà xứ [26]. Vai trò của cha phó trở nên quan trong khi cha sở đi vắng, nhất là khi ngài bị ngăn trở không thể hành sử chức vụ hoặc chức vụ khuyết vị. Nói cách chung nhất, cha sở có toàn quyền quyết định trên cha phó hoặc giữa các cha phó với nhau trong những công việc chung của giáo xứ.
C/ Một vài nhận xét thực tế giữa cha sở và cha phó
        Cha sở và cha phó là một trong những đề tài được bàn luận rất sôi nổi. Để nhận xét thực trạng này cách khách quan thì người viết chỉ có cái nhìn về thực trạng giữa cha sở và cha phó đối với Giáo phận Thanh hóa. Ngoài những tính cách cá nhân và những câu chuyện nhỏ mọn thì dường như các cha sở đối với các cha phó của Giáo phận Thanh hóa đang diễn ra đúng theo những gì luật quy định. Chính những hình ảnh này đã mang lại cho giáo dân được nhiều ơn thánh và khích lệ nhau trong Tình Yêu như Đức Ki-tô yêu thương nhân loại. Chính sự đoàn kết giữa hai cha đã làm cho Giáo xứ các ngài đang coi sóc được phát triển cả về tinh thần lẫn vật chất. Đời sống các ngài là mẫu gương để các gia đình trong giáo xứ nói theo, hầu mang lại niềm vui, tiếng cười và tăng thêm sự đoàn kết trong cộng đoàn Giáo xứ. Đúng như lời Kinh Thánh nói “cứ dấu này người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).



[1] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 519.
[2] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 520-221.
[3] Phan Tân Thành, giái thích giáo luật, tập 2, các tín hữu, cơ cấu phẩm trật của giáo hội, Tr 303.
[4] Phan Tân Thành, giái thích giáo luật, tập 2, các tín hữu, cơ cấu phẩm trật của giáo hội, Tr 304.
[5] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 522.
[6] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 526, 1.
[7] Phan Tân Thành, giái thích giáo luật, tập 2, các tín hữu, cơ cấu phẩm trật của giáo hội, Tr 308.
[8] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 528,1.
[9] Phan Tân Thành, giái thích giáo luật, tập 2, các tín hữu, cơ cấu phẩm trật của giáo hội, Tr 309.
[10] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 528, 2.
[11] Phan Tân Thành, giái thích giáo luật, tập 2, các tín hữu, cơ cấu phẩm trật của giáo hội, Tr 312.
[12] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 883,3.
[13] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 1003,2,3.
[14] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 534.
[15] Phan Tân Thành, giái thích giáo luật, tập 2, các tín hữu, cơ cấu phẩm trật của giáo hội, Tr 317.
[16] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 533,1.
[17] Phan Tân Thành, giái thích giáo luật, tập 2, các tín hữu, cơ cấu phẩm trật của giáo hội, Tr 320.
[18] Phan Tân Thành, giái thích giáo luật, tập 2, các tín hữu, cơ cấu phẩm trật của giáo hội, Tr 321.
[19] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 538,3.
[20] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 539.
[21] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 519.
[22] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 545.
[23] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 547.
[24] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 545,1
[25] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 548,3.
[26] Bộ giáo luật 1983, Hội Đồng Giám mục Việt nam, Nxb tôn giáo, Điều 533,1 và 550,1-2.