Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

GIỚI TRẺ CÔNG GIÁO VIỆT NAM TRƯỚC NHỮNG THÁCH ĐỐ ĐỨC TIN

Anton Nguyễn Công Chính
Con người ngày hôm nay đang sống trong một xã hội phát triển về mọi mặt. Ngồi một chỗ có thể biết được mọi thứ xung quanh mình. Từ những điều đang điễn ra trên mặt đất cũng như những gì trên không trung đang hoạt động. Chính nền văn minh Thế giới đã đưa con người đến một tầm nhận thức mới. Đẩy con người từ choáng ngợp này đến choáng ngợp khác. Phải nói rằng thế kỉ XXI được mệnh danh là kỉ nguyên của toàn cầu hóa hay nói cách khác là thế kỉ của nền văn minh trí tuệ [1]. Đây chính là cơ hội để giới trẻ nói chung phát triển bản thân và kiến tạo những tử tưởng cũng như những công nghệ mới nhằm giúp ích cho nhiều người. Song song với những thuận lợi từ công nghệ của các nước trên Thế giới du nhập thì cũng không ít những luồng tư tưởng cũng như văn hóa không lành mạnh từ các nước đó. Đây là điều hiển nhiên của một quy luật qua lại giữa cung và cầu, cũng giống như “tốt và xấu” luôn luôn là hai người bạn tương giao với nhau. Chính vì thế giới trẻ nói chung và giới trẻ công giáo nói riêng đang phải đối điện với không ít những trào lưu thế tục, đẩy người trẻ đến sự lu mờ không chỉ đời sống đức tin mà ngay cả những giá trị đạo đức của con người. Đứng trước những sự biến chuyển của thời đại, các bậc làm cha, làm mẹ rất lo lắng cho con cái cả về vật chất lẫn tinh thần. Giới trẻ là thành phần dễ lĩnh hội hơn bao giờ hết, không chỉ cái tốt mà cái xấu còn học đòi nhanh hơn cả. Đối với quan niệm trước kia bạn bè là cơ hội để giúp nhau thăng tiến “học thầy không tày học bạn” nhưng đối với xã hội như ngày hôm nay thì điều này phải coi lại.
        Sống trong một xã hội với đầy biến động như hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống đức tin của người trẻ công giáo. Thực vậy, giới trẻ ngày hôm nay có nhiều cơ hội để tạo cho mình một công việc ổn định nhưng đổi lại điều đó là sự đánh mất dần những nhân đức vốn có trong con người, đặc biệt là đức tin của người trẻ công giáo. Trong đề tài này con sẽ trình bày 3 thách thức chính, mà giới trẻ ngày hôm nay đang gặp phải hầu có thể mang lại cách nhìn chung nhất: Thách thức về kiến thức, việc làm. Thách thức về hưởng thụ. Thách thức về tình yêu.

1/ Thách thức về kiến thức, việc làm.
        Đối với xã hội ngày hôm nay, kiến thức, việc làm là nhu cầu thiết yếu của hết mọi thành phần không ngoại trừ mọi tầng lớp nào, nó là gói hành trang của một con người khi bước chân vào đời. Ta nghĩ suy gì khi nhìn thấy các em nhỏ mang trên mình một túi chất đầy sách vở, rồi lệ khệ bước đi với ổ bánh mì tới trường ?. Còn đối với các bạn sinh viên cũng thế, hằng ngày cắm cụi với một đống sách vở để bới tìm những tinh hoa quí báu của thế hệ trước đã truyền lại. Cuộc sống của họ trở nên tất bật, chật vật để chạy đua với việc tìm kiếm những kiến thức cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đây là một cuộc chạy đua không cân sức. Các công nghệ đang từng ngày được biển đổi, đơn cử như chiếc điện thoại: từ những chiếc điện thoại rất đơn giản đi lên những chiếc điện thoại siêu hạng, thế giới dường như nằm gọn trong lòng bàn tay con người. Chính những sự thay đổi của các công nghệ thì con người càng phải ra sức để tiếp nhận và chạy đua cùng với nó để tồn tại. Thực vậy, để được nhận vào làm việc với một ngành công nghệ, xí nghiệp, công ty, thì người được ưu tiên đó chính là những người có trình độ và có bề dầy về kinh nghiệm. Mặc dù tấm bằng đối với xã hội ngày hôm nay không thể đánh giá hết được trình độ công việc của một ai đó nhưng nó rất quan trọng để khởi đầu cho việc tuyển dụng cũng như khởi đầu cho một cuộc trò chuyện sẽ diễn ra. Sau khi đã được nhận vào làm việc nhưng tay nghề không đáp ứng đủ thì trước sau con người đó cũng không thể tồn tại trong xí nghiệp hay công ty đó. Chính vì thế, kiến thức và tay nghề là đôi chân để tiến thân trong một xã hội công nghiệp hóa như hiện nay. Vì vậy, các bạn trẻ đã không ngừng học tập và trao dồi cho mình những kinh nghiệm để tiến thân. Chính điều này đã chiếm phần lớn thời gian riêng tư của các em. Các em đã không còn thời gian với gia đình, bạn bè, ngay cả thời gian ăn uống và nghỉ ngơi nữa. Các thời gian cơ bản nhất cũng bị thời gian của kiến thức xã hội dành lấy thì thử hỏi làm sao còn thời gian để các em tham gia vào các lớp giáo lý hãy những việc đạo đức khác. Cứ như thế, thời gian sẽ dần dần trôi qua, vùi lấp đức tin trong dĩ vãng. Chính Chúa Giê-su đã phải thốt lên “khi con Người đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng” (x. Lc 18,8). Đây là lời mời gọi con người nói chung và những người trẻ công giáo nói riêng hãy ý thức căn tính niềm tin của mình đừng để cho những trào lưu của xã hội lôi cuốn mà đánh mất niềm tin có nơi mình.
        Qủa vậy, những người trẻ công giáo ngày hôm nay không những mất đức tin mà còn chối cả đức tin đã lãnh nhận. Điều này cho ta thấy, nhiều bạn trẻ công giáo đã vì danh lợi của mình nên đã ngang nhiên chối bỏ đức tin ngay trong chứng minh nhân dân của mình. Đây là một vấn đề đang ngày càng phổ biến ở những người trẻ. Chính Chúa Giê-su đã lên án điều này và cũng cho thấy thuyết nhân quả của đức tin người công giáo “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyến bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33). Điều này như là một lời mách bảo và thúc dục người trẻ công giáo hãy làm chứng cho niềm tin của mình bằng bất cứ giá nào. Mọi thứ xung quanh chỉ góp phần cho cuộc sống này và cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo của Ngài. Tất cả là ánh sáng do đức tin mang lại [2].

2. Thách đố về hưởng thụ
        Bên cạnh những bạn trẻ đang miệt mài để tìm kiếm thức, việc làm, để thăng tiến bản thân cũng như góp phần làm cho xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn thì cũng không ít các bạn trẻ đang lao mình vào những trào lưu không lành mạnh mà xã hội mang tới. Trước sự phát triển không ngừng của xã hội đã kéo theo không ít những tệ nạn làm cho giới trẻ đang đứng chênh vênh trên bờ vực thẳm của chủ nghĩa vất chất, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa cá nhân. Thực vậy, đối với giới trẻ điều tốt học thì khó, còn điều xấu không học cũng trở nên những bậc anh tài. Đây là mối lo ngại rất lớn của các bậc làm cha, làm mẹ trong vấn đề giáo dục con cái. Trong mái trường gia đình ai cũng là người ngoan ngoãn, biết vâng lời nhưng khi rời xa mái trường này thì dường như những thứ học được từ cha mẹ đã bị chồn vui trong trí nhớ để tiếp nhận những cái mới mẻ. Coi những gì đã tiếp nhận là lỗi thời, không hợp với thời đại, để rồi buông mình vào những chỗ thiếu lành mạnh từ những trang sách báo xấu cho đến những quán Karaoke, những vũ trường, quán ba thâu đêm. Tất cả nhằm thỏa mãn hay bù đắp lại những ngày tháng sống trong sự kèm cặp của cha mẹ. Khi sống trong một thế giới với sự tự do của chính bản thân mình mà không giữ vững lập trường thì rất dễ rơi vào cảnh buồn chán, chính cảnh buồn chán này sẽ dẫn đôi chân của các bạn trẻ tìm đến nơi nào đó để có thể giết thời gian cách nhanh nhất. Tất cả với suy nghĩ khám phá thế giới quanh mình và tự nhủ rằng ta đã được tự do rồi, giờ thì thích đi đâu thì đi, về lúc nào cũng được, ngủ lúc nào cũng được. Tất cả được nuôi dưỡng trong suy nghĩ và được lớn lên trong những hành động cụ thể, để rồi bước chân vào những nơi mà trước kia ta mới chỉ nghe nói mà thôi. Tất cả những hành động đó cứ thế trôi theo tháng, năm để rồi quên đi những gì ta đã lĩnh hội trước kia. Đây quả là một sự lột xác đến không ngờ. Từ đó họ phủ nhân sự có mặt của Thiên Chúa vì muốn tổ chức cuộc sống của mình theo ý riêng. Họ sẽ không nhìn nhận một luật lệ nào ngoài thứ luật lệ tự mình ban cho mình. Vì sự có mặt của Thiên Chúa có thể làm giảm bớt sự tự do tự lập ấy, nên giới trẻ đã gạt bỏ đức tin mà mình đã lĩnh hội từ trước tới nay [3]. Qủa thật, vật chất và thú vui bên ngoài đã đảo lộn tất cả những nhân đức của giới trẻ. Bởi vì, ngay từ nhỏ họ đã tiếp nhận đức tin cách hời hợt nên khi sống cùng các thế lực bên ngoài đã bị các thế lực này vùi lấp đức tin mà họ đã lãnh nhận.
        Trong thông điệp “Laudato Si” của Đức Thánh Cha Phanxico, Ngài đã dùng 2 số để nói về con người ngày hôm nay với lối sống chủ nghĩa tương đối thực dụng. Con người đã tự coi mình là trung tâm của vũ trụ “Khi con người tự đặt mình làm trung tâm, họ sẽ dành ưu tiên tuyệt đối cho sự tiện nghi trước mắt và tất cả những thứ khác trở nên tương đối” [4]. Điều này cho ta thấy rất rõ ở đời sống giới trẻ ngày hôm nay. Mặc dù với nguồn thu nhập chẳng đáng là bao nhưng trên tay hầu hết các bạn trẻ là những chiếc Iphone đời mới, để cho được bằng bạn bằng bè. Qua những chiếc Iphone đã tạo khoảng cách giữa con người với con người. Tạo cho mình một thế giới riêng tư đến trầm lắng. Sự thu hút lớn nhất của giới trẻ ngày hôm nay chính là Facebook. Giới trẻ đã dành rất nhiều thời gian vào trang Facebook này, nhằm tạo cho mình một thế giới ảo. Tất cả những gì là riêng tư nhất giới trẻ cũng có thể đẩy lên trang này để cho mọi người biết và chia sẻ. Qua đó thấy được, giới trẻ ngày hôm nay để cao tính cá nhân và sự khẳng định mình trên tất cả các lĩnh vực. Đây là một “thứ chủ nghĩa coi tất cả mọi sự là không phù hợp nếu nó không phục vụ cho những lợi ích trước mắt của con người” [5]. Giới trẻ nói chung và giới trẻ công giáo nói riêng đang áp dụng cách triệt để chủ nghĩa này trong đời sống hằng ngày. Xuất thân từ một gia đình gia giáo, lề nếp, đạo đức nhưng sau một thời gian sống tự lập đã bị bụi trần xã hội phủ lấp, thay vào đó là cách hành xử, cách ăn mặc của một thời đại “thô bạo” và một thời đại “thoáng mát”. Nhiều bạn trẻ công giáo đã trở nên “tự phụ” đối với đức tin của mình “người tự phụ muốn tổ chức cuộc sống của mình theo kế hoạch riêng, chứ không theo kế hoạch do ai khác vạch ra. Người ấy muốn tự trị và tự mãn” [6].
3/ Thách đố về tình yêu
        Mục vụ hôn nhân và gia đình cho người trẻ công giáo hôm nay trở nên rất phức tạp. Đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của tất cả mọi thành phần trong cộng đoàn dân Chúa. Trong tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường III có nói “Việc công bố Tin mừng về gia đình là một phần của sứ vụ Hội Thánh, vì mặc khải của Thiên Chúa soi sáng mối liên hệ giữa một người nam và một người nữ, tình yêu của họ dành cho nhau là kết quả của mối liên hệ ấy” [7]. Qua đó cho thấy được giá trị của tình yêu nam nữ. Giới trẻ công giáo đang sống trong một xã hội tục hóa như hiện nay thì vấn đề tình yêu, hôn nhân và gia đình là điều rất lo lắng. Càng ngày giới trẻ càng đặt cho mình những câu hỏi về tương lai, vận mệnh tình yêu, hạnh phúc gia đình là gì giữa một xã hội như hiện nay và làm sao để có được một tình yêu đích thực ?. Phải nuôi dưỡng tình yêu như thế nào để cả hai bên không trở nên nhàm chán ?. Qủa thật đây là mối bận tâm của hầu hết các bạn trẻ. Thực vậy, mong muốn được hạnh phúc là điều ai cũng cần hơn cả. Tất cả mọi thứ trong xã hội đều có nhưng thiếu đi tình yêu nơi gia đình thì tất cả trở nên vô nghĩa. Tự bản chất ai cũng mong muốn cho cuộc sống của mình được bình an, hạnh phúc nhưng khi ra ngoài sống với xã hội thì dường như những ước muốn tốt đẹp đó đã bị những cơn lốc xoáy của xã hội vùi lấp. Để rồi chạy đua với thời đại, lao vào những cuộc tình ngang trái. Tình yêu đối với giới trẻ ngày hôm này trở nên quá sớm so với trước kia. Bởi vì, giới trẻ ngày hôm nay được tiếp xúc khá sớm với vấn đề tình yêu nam nữ. Điều này cho thấy ở trên tất cả các trang thông tin đều có những quảng cáo mang tính cách khiêu gợi. Trước kia hài kịch là một phương tiện giải trí và lấy được tiếng cười của các em hơn cả nhưng ngày hôm nay những tiểu phẩm hài mang tình đồi trụi khá cao. Chính vì thế hằng ngày các em luôn được tiếp xúc với những hình ảnh, sách báo mang tính chất khiêu gợi thân xác, nên đã dẫn các em đến tình trạng suy nghĩ sai lạc về tình yêu. Giới trẻ ngày hôm nay dường như coi tình yêu như là trò chơi hay một sự khám phá thế giới thân xác, theo ngôn ngữ của giới trẻ gọi là “tình yêu tốc độ”. Tình trạng sống thử trước hôn nhân đối với thời đại hôm nay khá phổ biến ở những người trẻ, mặc dù quen nhau chưa được bao nhiêu nhưng đã về chung sống với nhau như vợ chồng. Đây là điều dù ở thời đại nào cũng không thể chấp nhận được. Mọi thứ có thể thử nhưng trong tình yêu mà cũng có thể thử thì thử hỏi nhân phẩm con người ngày hôm nay ở đâu. Chính những điều này đã để lại bao niềm tiếc nuối, bỏ lại cánh cửa tương lai đang mở rộng, để đón nhận nghĩa vụ làm cha, làm mẹ khi tuổi đời còn quá trẻ, đó là chưa kể biết bao bạn trẻ đã độc ác giết chết chính đứa con của mình ngay khi còn trong lòng. Không những thế có nhiều bạn trẻ đã bỏ lại cả mạng sống trong những cuộc tình. Trước quan niệm tình yêu tốc độ đại trà như hiện nay thì đây quả là một thách đố lớn nhất của giới trẻ công giáo, không biết đâu là tình yêu đích thực để họ dành trọn cho nhau và vun trồng hạnh phúc gia đình. Một vợ một chồng là đặc tính của hôn nhân công giáo. Lập trường của Giáo hội luôn khẳng định sống thử trước hôn nhân là điều trái phép, không được làm. Thực vậy, câu nói “nam nữ thụ thụ bất thân” đâu còn áp dụng cho giới trẻ ngày hôm nay. Quan niệm tình yêu của giới trẻ ngày hôm nay phải đổi thành “nam nữ cọ cọ bên nhau”. Mặc dù tình yêu đó đến mức nào thì xa nhau về thân xác là điều không thể, hơn nữa đó là sự dâng hiến toàn bộ con người cho nhau. Đây là điều mà giới trẻ công giáo không thể nào tránh khỏi được mặc dù họ đã giữ hết mình có thể. Khi tình yêu thực sự đến thì họ phải giữ hạnh phúc gia đình như thế nào?. Trong những năm gần đây tình trạng đổ vỡ gia đình ngày càng gia tăng, mặc cho con cái trong sự bơ vơ giữa hai dòng nước. Trong hôn nhân công giáo không cho phép ly dị để lấy người khác, ngoại trừ người phối ngẫu của mình chết đi thì người này mới có quền được đi thêm bước nữa. Câu nói của Chúa Giê-su xưa sẽ luôn giữ mãi và lưu truyền qua muôn thế hệ để giữ hạnh phúc gia đình “sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phép phân lý ” (Mt 19,6). Qua đó nói lên rằng: tình yêu, hôn nhân và gia đình là quà tặng của Thiên Chúa ban không ai có quyền lấy đi. Trong tình yêu hôn nhân và gia đình là sự cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo với Thiên Chúa.
4/ Kết luận
        Qua những tìm hiểu cho ta thấy được tình trạng giới trẻ ngày hôm nay nói chung đang ngày một đi xuống về đạo đức cũng như tinh thần. Cách riêng đối với người trẻ công giáo Việt Nam tình trạng đức tin đang ngày một đi xuống cách trầm trọng. Qủa thật, chính chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa cá nhân đang gặm nhấm sâu vào đời sống giới trẻ hiện nay. Giờ này, đối với họ tình, tiền, tài, là trên hết những thứ khác chỉ là những ảo tưởng không có trong thực tế. Chính điều này đã biến những người mang danh là    Ki-tô hữu trở nên khô khan, nguội lạnh đối với niềm tin của mình. Đối với họ dường như đang khao khát chờ đợi một điều gì đó khác hơn so với những lối cử hành Thánh lễ mà họ vẫn thường tham dự. Điều này cho ta thấy rất rõ trong các Thánh lễ của ngày Chúa nhật, có giới trẻ tham dự thì dường như họ đi chỉ để thỏa mãn một điều gì đó mà thôi chứ không phải tham dự Thánh lễ với niềm tin, hay một niềm xác tín có sự hiện diện đích thực của Chúa Ki-tô.




[1] Điều này được Đức Giáo Hòang  Phanxico nói rất nhiều trong Thông điệp “Laudato Si”.
[2] Điều này được Đức Giáo Hoànng  Phanxico nói trong Thông điệp “Laudato Si”.
[3] Nguyên tác “Christian Ethíc”. Thần học luân lý chuyên biệt 1. Tủ sách chuyên đề, Tr 79.
[4] ĐGH Phanxico,  thông điệp Laudato Si, 122, Tr 84.
[5] ĐGH Phanxico,  thông điệp Laudato Si, 122, Tr 84.
[6] Nguyên tác “Christian Ethíc”. Thần học luân lý chuyên biệt 1. Tủ sách chuyên đề, Tr 81.
[7] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Những thách đố về mục vụ gia đình trong bối cảnh phúc âm hóa. http:// giaophanlongxuyen.org. Truy cập ngày 18/12/2015.

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

LINH MỤC TRONG VIỆC HỘI NHẬP VĂN HÓA GIÁO XỨ

Ant. Nguyễn Công Chính
 Trong tông huấn Ecclesia in Africa (1995), định nghĩa hội nhập văn hóa như sau: Hội nhập văn hóa là tiến trình hướng tới việc truyền giáo đầy đủ. Mục đích của hội nhập văn hóa là giúp con người sẵn sàng đón nhận Đức Giêsu Kitô cách trọn vẹn, đồng thời, biến đổi họ trên bình diện cá nhân, văn hóa, kinh tế, chính trị, ngõ hầu dẫn họ tới cuộc sống kết hiệp mật thiết với Chúa Cha qua hoạt động của Chúa Thánh Thần.[1] Dựa trên định nghĩa này, người viết muốn khai triển một khía cạnh nhỏ về  “sứ vụ linh mục trong việc hội nhập văn hóa tại các giáo xứ.” Qua đó, phần nào có thể hiểu rõ và sáng tỏ hơn định nghĩa trên và cũng cho ta thấy tầm quan trọng trong việc hội nhập văn hóa.
Có thể nói, ngoài phân biệt sự khác nhau giữa con người và các sinh vật trên mặt đất ở “lý trí,” thì còn thêm một khẳng định cho sự khác nhau này chính là “văn hóa.” Thực vậy, con người là hữu thể văn hóa.[2] Geertz cho rằng con người là sinh vật “bị treo” trên lớp mạng do mình dệt nên, trong đó, văn hóa là quan trọng nhất.[3] Con người sinh ra, ngoài việc thích nghi với môi trường sống, còn có một sự thích nghi với “văn hóa” của môi trường đó. Chính “văn hóa” này sẽ hình thành nên nhân cách, cách suy nghĩ của con người đó.
 Người viết xin được mượn câu nói của Cervanter- Tây Ban Nha, để nói về văn hóa: Hãy nói cho tôi biết, bạn của anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai. Mặc đù không đúng hoàn toàn nhưng phần nào đó cũng cho ta thấy được sự tượng phản của một ai đó hình thành nên nhân cách và tính tình của người đó. Chính vì thế, ta có thể nói, con người được sinh ra trong một nền “văn hóa” như thế nào thì cũng sẽ hình thành lên sự phát triển của con người đó như vậy. Qua đó, ta thấy được mỗi nơi, mỗi vùng có một nền văn hóa khác nhau. Vì thế, ta không thể bê một nền văn hóa hoàn toàn mới lạ để áp dụng vào một nền văn hóa đã hình thành lâu đời.
 Thực vây, vấn đề hội nhập văn hóa là một công việc hết sức khó khăn và cần thiết của các nhà truyền giáo nói chung và các linh mục quản xứ trong thời đại hôm này nói riêng. Mỗi giáo xứ có một nền “văn hóa” khác nhau, chính nền “văn hóa” này đã hình thành nên nhân cách và lối sống của con người tại giáo xứ đó, nên nhiệm vụ trước tiên của linh mục khi được “sai đến” là phải tìm hiểu văn hóa của giáo xứ đó, để thích nghi với cách sống và lối suy nghĩ của những con người trong giáo xứ đó. Đây cũng là lý do người viết muốn khai triển định nghĩa trên. Qua đó thấy được vai trò của sứ vụ linh mục trong việc hội nhập văn hóa tại các giáo xứ. Từ đó, mang lại hoa trái Chúa Ba Ngôi đến từng thành viên trong cộng đoàn giáo xứ, để Chúa Ba Ngôi hằng hướng dẫn và đi vào nội tâm đời sống của mỗi người trong giáo xứ.



1/ Khái Quát Vai Trò Của Sứ Vụ Linh Mục
a/ Vai trò giảng dậy   
 Trong ngày lễ ngũ tuần, Ðức Giêsu nói với mười một tông đồ rằng: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.[4] Đây không những là lệnh truyền của Chúa Giê-su đối với các môn đệ nhưng còn là lệnh truyền dành cho muôn thế hệ, những người đang thuộc về Đức Ki-tô qua bí tích rửa tội. Thể hiện cách rõ ràng nhất lệnh truyền này đó chính là hàng Giáo Sĩ và những người đang âm thầm dâng hiến cuộc đời mình trong Đức Ki-tô. Thật vây, linh mục mang trong mình sứ mệnh của Đức Ki-tô đến mọi nơi trên mặt đất này, cách đặc biệt đến những nơi mà Lời Chúa chưa được đến với họ. Trong niềm tin vào Đức Ki-tô, dân Chúa được quy tụ trước tiên là nhờ lời Thiên Chúa hằng sống, lời này phải được đặc biệt tìm thấy nơi miệng lưỡi các linh mục. [5] Chính đời sống và lời giảng của các linh mục là bảo chứng lệnh truyền của Đức Ki-tô đang được thực hiện.
b/ Vai trò Thánh Hóa
 Chúa Con nhiệm sinh từ Chúa Cha, Ngài đã ban chính Con yêu dấu của Ngài cho nhân loại, để nhân loại được ăn năn sám hối trở về với tình yêu bao la của Thiên Chúa. Thực vậy, Chúa Giê-su, ngoài việc kêu gọi mọi người ăn năn sám hối, Ngài luôn để ý và kêu gọi những người bước theo hành trình rao giảng, “Người bảo các ông: các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá,”[6] những con người này sẽ tiếp nối sứ mạng của Chúa Giê-su sau này. Khi xưa, các tông đồ được Chúa Giê-su kêu gọi thì nay các tông đồ cùng kêu gọi những người khác bước theo các tông đồ “Thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ đặt họ làm công việc phân phát lương thực.”[7] Chúng ta có thể khẳng định rằng, lời kêu gọi này sẽ được thực hiện đến muôn ngàn đời. Quả thật, Thiên Chúa mới là tác nhân chính trong viêc kêu gọi này và chính Ngài sẽ biển đổi những con người này nên giống Chúa Ki-tô. Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng Thánh và là Đấng thánh hóa duy nhất đã muốn nhận một số người làm cộng sự viên và trợ tá, những người khiêm tốn phục vụ công việc thánh hóa. Các linh mục được Thiên Chúa hiến thánh qua tay Giám mục, để nhờ được tham dự cách đặc biệt vào chức tư tế của Chúa Ki-tô, các Ngài cử hành việc phụng tự thánh với tư cách là thừa tác viên của Đấng không ngừng thực thi trong phụng vụ tác vụ tư tế của Người, nhờ Chúa Thánh, để mưu ích cho chúng ta.[8] Chính vì thế, linh mục được thông dự cách tròn dầy vào thân hình mầu nhiệm Chúa Ki-tô qua việc cử hành các bí tích của Chúa Ki-tô, là đầu và là trưởng tử của Hội Thánh.
c/ Vai trò quản trị
 Qua thánh chức! linh mục là những người quản lý và phân phát kho tàng ơn Thánh Chúa cho hết thảy mọi tín hữu. Thực vậy, trong Hy tế Thánh lễ, các linh mục hãy dạy cho các tín hữu biết dâng lên Chúa Cha lễ vật chí thánh và hợp dâng vào đó lễ vật đời mình, trong tinh thần của vị Mục Tử nhân lành, các ngài khuyên nhủ họ thành tâm thống hối xưng thú lỗi lầm với Giáo Hội qua bí tích Hòa Giải để ngày càng quay về gần Chúa hơn,[9]  bằng cách luôn nhớ lời Người bảo: “Hãy thống hối vì Nước Trời đã đến gần.” [10] Chính vì vậy, linh mục phải ra sức rao giảng, để ơn Thánh Chúa được triển nở và đến với từng người trong cộng đoàn.
2/ Áp Dụng Ba Vai Trò của  Sứ Vụ Linh Mục Trong Việc Hội Nhập Văn Hóa.
 Trong Lời rao giảng của Chúa Gie-su, Ngài luôn lấy những hình ảnh thực tế để áp dụng vào Lời rao giảng, như: Chúa Giê-su chữa người bị bệnh phong và lấy hình ảnh con bò để giải thích. “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa -bát” [11] hoặc “Người đem một em nhỏ đặt giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy, và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”[12]......
 Trong bối cảnh thế giới ngày nay, việc giảng thuyết của linh mục thường gặp rất nhiều khó khăn, vì thế để có thể lay động tâm hồn người nghe, lời giảng không chỉ trình bày Lời Chúa cách tổng quát và trìu tượng, nhưng phải áp dụng chân lý ngàn đời của Tin Mừng vào các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống.[13] Quả vậy, con người trong xã hội ngày nay đang được hưởng một văn minh hiện đại, từ đời sống đến khoa học trí tuệ. Chính vì thế, Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhấn mạnh giá trị của đời sống chứng nhân trong việc loan báo Tin Mừng: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân,”[14] đây là bổn phận và trách nhiệm của linh mục được sai đến với cộng đoàn tín hữu. Thật vậy, các ngài không thể là thừa tác vụ của Đức Ki-tô nếu không trở nên chứng nhân và nên người ban phát một đời sống khác với đời sống trần thế này, tuy nhiên các ngài không thể phục vụ nhân loại nếu lại trở nên xa lạ với cuộc đời và những hoàn cảnh sống của nhân loại.[15]
 Thực vậy, linh mục được sai đến không phải ngồi một chỗ trong một thế giới riêng tư, để không cân biết cộng đoàn mình sống chết thế nào, để rồi đến giờ lễ, lên giảng một bài cho qua chuyện, không cần biết những điều mình nói có phù hợp với cộng đoàn này hay không. Chính Thánh Augstinnô nói: Cho anh chị em, tôi là Giám mục, với anh chị em, tôi là một Ki-tô hữu. Chính vì thế, linh mục không phải là một con người cô lập, nhưng ngài là thành viên của một tập thể hữu cơ, đó là Giáo hội phổ quát, giáo phận, giáo xứ ....[16]. Có lẽ điều tối kị nhất đối với một linh mục đó là sự so sánh giữa xứ trước kia và xứ hiện nay, bởi vì mỗi giáo xứ có một văn hóa khác nhau, nên linh mục không thể áp dụng cách sống và cách mục vụ của xứ trước kia với xứ hiện tại được. Chính vì thế, linh mục được mời gọi ra đi để tìm hiểu và hội nhập với văn hóa trong xứ sở mới của mình. Từ đó, linh mục sẽ có đời sống và phương pháp mục vụ và giảng dậy cho phù hợp với cộng đoàn được trao phó. Nếu một linh mục không tìm hiểu văn hóa nơi đó thì những lời giảng dậy trở nên nhàm chán và thất bại trong đường hướng mục vụ tại chính nơi mình được sai đến. Vì thế, việc đầu tiên của linh mục khi được sai đến là tìm hiểu văn hóa và cuộc sống ở nơi đó như thế nào. Đây là một công việc không ai có thể làm thay cho linh mục mà chính linh mục phải đi ra và tìm hiểu. Từ đó, linh mục mới cảm nhận được bằng chính con tim và khối ốc của vị mục tử nhân lành đối với đoàn chiên. Qua đó, linh mục sẽ thấy được những con chiên nào cần được chăm sóc và cần bằng bó cách chu đáo.[17] Quả vậy, chính đời sống và gương sáng của linh mục là hình ảnh truyền giáo cách mãnh liệt nhất. Linh mục được mời gọi đi ra, hòa cùng nhịp đập với con tim của đoàn chiên. Từ đó, linh mục mang tất cả tâm tư, ước nguyện vào Lời Chúa, để nói với cộng đoàn, chắc chắn cộng đoàn sẽ cảm nhận được Lời Chúa và được chính Chúa Giê-su đánh động và thôi thúc họ bỏ con đường tội lỗi mà trở về. Thật vậy, giữa lòng dân Chúa, các tư tế của Giao Ước mới, do ơn gọi và chức thánh, một cách nào đó cũng đã được dành riêng, không phải để tách biệt khỏi đoàn dân hoặc khỏi bất cứ một ai, nhưng để được thánh hiến hoàn toàn cho công việc Chúa trao phó.[18]
 Một mặt, linh mục vừa phải sống và hội nhập với văn hóa trong giáo xứ cách nhanh nhất, mặt khác linh mục cũng phải chu toàn bổn phận thánh hóa, để cộng đoàn tín hữu được kết hợp trọn vẹn với thân mình Đức Ki-tô nhờ việc lãnh nhận Thánh Thể. Bởi vì, bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể cộng cuộc loan báo Tin Mừng.[19] Chính vì thế, linh mục dù có bận rộn công việc đến mấy cũng phải liệu sao để hằng ngày cộng đoàn tín hữu được đón nhận thần lương nuôi sống linh hồn. Linh mục cũng phải tìm hiểu và liệu thời gian cho phù hợp để cộng đoàn trong giáo xứ được tham dự bí tích Thánh Thể cách đông đủ nhất. Thật vậy, bí tích Thánh Thể còn được kéo dài suốt ngày trong các giờ Kinh Nhật Tụng, khi các ngài nhân danh Giáo hội khẩn cầu cùng Thiên Chúa cho đoàn dân đã được trao phó cho các ngài, đồng thời cũng cầu cho toàn thể thế giới.[20]
 Bí tích Thể là trung tâm đời sống Ki-tô hữu, nên các linh mục phải tạo bầu khí trang nghiêm trong việc cử hành, để cộng đoàn được kết hợp với Chúa Giê-su Thánh Thể cách trọn vẹn. Chính vì thế, linh mục không nên biện lý do là hội nhập văn hóa mà biến việc cử hành Thánh Thể như một buổi hòa nhạc hay một buổi múa phụ họa hay những việc đạo đức khác mà không chú trọng đến việc cử hành bí tích Thánh Thể. Có những linh mục quá chú tâm đến dáng vẻ bên ngoài mà quyên đi nét đep bên trong tâm hồn. Thật vậy, những nghi lễ dù đẹp mắt, những hội đoàn dù phát triển rầm rộ, cũng sẽ thành vô ích, nếu không hướng đến mục tiêu giáo dục mọi người trở nên những Ki-tô hữu trường thành.[21] Trưởng thành ở đây là trưởng thành về đời sống đức tin, đời sống luân lý, để qua đó người ngoài nhìn vào sẽ nhận biết cộng đoàn tín hữu này là môn đệ của Đức Ki-tô.[22]  Như vây, để cho cộng đoàn tín hữu được tràn đầy ơn Thánh và có đời sống nội tâm sâu sắc, trước hết linh mục cần có đời sống thánh thiện và đời sống nội tâm sâu sắc trước nhất. Nhờ đó, ơn thánh Chúa được tuôn tràn trên linh mục và cộng đoàn tín hữu. Người viết xin được mượn Thánh vịnh 133 để nói lên sự tuân tràn ơn thánh từ đời sống thánh thiện của linh mục.
Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
anh em được sống vui vầy bên nhau,
Như dầu quý đổ trên đầu
xuống râu xuống cổ áo chầu A-ha-ron,
như sương từ đỉnh Khec-môn
tỏa trên đồi núi Xi-on lan tràn,
nơi đây ân huệ Chúa ban,
chính là sự sống chứa chan muôn đời.
 Không những thế, linh mục là người quản lý và phân phát kho tàng ơn thánh Chúa cho hết thảy mọi tín hữu, cách đặc biệt đối với cộng đoàn giáo xứ đã được Chúa và Giáo hội trao phó. Vì thế, ngoài bổn phận phải cắt nghĩa cho giáo dân hiểu được tầm quan trọng của nguồn ơn thánh, trước hết linh mục phải trở nên những người quản lý cách khôn ngoan và trung tín. Quản lý cách khôn ngoan và cách trung tín ở đây không có nghĩa là khôn ngoan và trung tín theo kiểu của thế gian, chỉ biết làm lợi cho mình mà quyên đi những người xung quanh. Có lẽ câu truyện về dụ ngôn người quản lý bất lương trong Tin Mừng,[23] phần nào cho ta hiểu về người quản lý cách khôn ngoan và trung tín theo kiểu của thế gian và điều Thiên Chúa muốn nơi người quản lý kho tàng ơn thánh.
 Quả vậy, khôn ngoan và trung tín là hai đức tính rất cần thiết cho người quản lý. Nếu người quản lý chỉ trung tín mà thiếu khôn ngoan, thì đó chỉ là người bảo vệ kho tàng của chủ mà không sinh ích gì cho chủ. Còn nếu như người quản lý chỉ khôn ngoan mà không trung tín, thì trước sau cũng trở thành người phản chủ hoặc là người làm thiệt hại của chủ. Như vậy, Chúa Giê-su mong muốn nơi người linh mục hội tụ cả hai yếu tố khôn ngoan và trung tín. Chính nhờ hai yếu tố này, linh mục là cánh tay nối dài của Thiên Chúa, hầu mang lại nguồn ơn thánh cho cộng đoàn tín hữu. Chính vì thế, linh mục phải khôn ngoan mang Lời Chúa vào trong văn hóa của cộng đoàn để mà giảng dậy, nhờ đó Lời Chúa được thấm nhuần và đi sâu vào cuộc sống hiện tại của tín hữu, hầu có thể phân phát ơn thánh Chúa cho hết thảy mọi người. Nhưng cũng không vì lý do này mà linh mục làm mất giá trị của Lời Chúa và phân phát kho tàng ơn thánh cách không đúng và làm phương hại đến ơn thánh “của Thánh, đừng quang cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi  còn quay lại cắn xé anh em.”[24]
 Chính vì vậy, để thực hiện tốt vai trò quản lý thì linh mục phải ra sức giảng dậy giáo lý và sống với văn hóa của cộng đoàn, hầu có thể hiểu và phân phát ơn thánh Chúa cách tốt nhất. Sở dĩ linh mục phải hội nhập với văn hóa của cộng đoàn trước tiến, để qua đó linh mục có thể hiểu và truyền dậy và phân phát ơn thánh cách tốt nhất. Qua đó, linh mục cũng có thể dựa vào Lời Chúa mà “chuyển hướng” cách khôn khéo những “văn hóa” không cần thiết hay rườm rà trong phụng vụ hoặc đời sống, hầu mang lại cách “trọn vẹn” nguồn ơn thánh cho cộng đoàn tín hữu đã được trao phó.
3/ Tạm kết
 Qua định nghĩa về “Hội Nhập Văn Hóa” trong tông huấn Ecclesa in Africa (1995), và  người viết triển khai trong cái nhìn về “sứ vụ Linh mục trong việc hội nhập văn hóa giáo xứ,” phần nào đó cho ta thấy vấn đề hội nhập văn hóa là hết sức cần thiết đối với linh mục nói riêng và tất cả mọi người nói chung. Bởi vì, con người được mời gọi sống hiệp thông và kết hợp mật thiết với nhau trong một cộng đoàn làng xã nào đó. Như bài hát trong Album bài ca giáo lý-sinh hoạt có viết: Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi! không phải ai xa lạ mà là người đang đứng bên tôi! Thế giới này không ai là một hòn đảo! vườn hoa này không có loài hoa lạc loài. Qua đó, cho ta thấy giá trị của hội nhập văn hóa không những trong con người mà cả thế giới thụ tạo. Thực vậy, đã là con người thì không ai là một hòn đảo, nên con người được mời gọi sống với các mối tương quan, để sống được với các mối tương quan thì trước tiên là phải hiểu về cuộc sống và văn hóa ở đó như thế nào. Khi đã hiểu được thì những lời nói và cách cư xử của mình dễ được người khác chấp nhập và tán thành. Đối với con người, có thể nói khắp nơi trên thế giới này đều là nhà và tất cả mọi người xung quanh là anh em của ta.
 Quả thực, sứ vụ chính yếu của linh mục là mang kho tàng ơn Thánh đến với muôn dân, và giúp mỗi người được tiến đến gần tình yêu Chúa hơn. Chính vì thế, linh mục phải biết hội nhập văn hóa, để cho Lời Chúa được đi sâu vào trong trái tim của từng người trong cộng đoàn chứ không phải là cải vỏ bên ngoài. Chính tông đồ Phaolô đã nói “Giả như tôi được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh là phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm , mọi lẽ cao siêu hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng có ích gì cho tôi.”[25]  Như vậy “Đức Mến” ở đây ta có thể hiểu về “sự hội nhập văn hóa của linh mục trong cộng đoàn giáo xứ.” Quả vậy, khi linh mục tìm hiểu văn hóa ở giáo xứ đó thì những củ chỉ của linh mục mang đậm nét yêu thương, một cử chỉ xuất phát từ con tim chứ không phải từ ý chí đến đôi bàn tay, tất cả những thử đó khi hành động mà không có “Con Tim” thì cũng giống như thanh là kêu “pheng pheng” mà thôi.





[1] ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Viên, Hội Nhập Văn Hóa và Đối Thoại Liên Tôn, 2016, 58.
[2] ĐGM. Nguyễn Văn Viên, Hội Nhập Văn Hóa và Đối Thoại Liên Tôn, năm 2016, Tr 22.
[3] Ibid, 22.
[4] Mc 16,15
[5] Công Đồng Vaticano II, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục, Số 4,588.
[6] Mc 1,17
[7] Cv 6,3
[8] ID, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục, Số 5, 591.
[9] ID, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục, Số 5, 593
[10] Mt 4,17
[11] Lc 14,5
[12] Mc 9,36-37
[13] ID, sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục, số  4, 590.
[14] Thông điệp Evangelii nuntiandi, số 41.
[15] ID, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục, Số 3, 586
[16] Lm. Giu-se Lê Công Đức, linh đạo linh mục giáo phận, Nxb Phương đông, 2013, 49.
[17] Ed 34,16
[18] ID, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục, Số 3, 586.
[19] ID, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục, Số 5, 593
[20] ID, Sắc lệnh vè tác vụ và đời sống linh mục, Số 5, 594.
[21] ID, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục, Số 6, 596.
[22] Ga 13,35
[23] Lc 16,1-13.
[24] Mt 7,6.
[25] 1 Cr 13,1-3

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

PHÂN TÍCH CÂU TRUYỆN GIA ĐÌNH NHÀ CHỒNG VÀ NÀNG DÂU

 Trong một bữa ăn, mẹ chồng một người phụ nữ nông thôn thường ăn trầu bảo rằng : “Canh sao nhạt thế này”. Nàng dâu thưa : “Canh mặn đấy chứ”. Bố chồng muốn giảng hòa : “ Tôi thấy canh hợp khẩu vị đấy chứ”. Con trai, cử nhân hóa học thì rằng : “Cả ba vị đều nói sai, vấn đề là phải đo lường xem canh bao nhiêu lít nước, nêm bao nhiêu gram muối”. Bạn phân xử xem ai đúng, ai sai trong trường hợp này?

NguyễnVăn Sơn, K,XI
Cuộc đời con người là một cuộc hành trình ngắn ngủi. Thế nhưng, mỗi ngày chúng ta thường phải đương đầu với biết bao công việc, bao tình huống, sự việc khác nhau. Cho nên, chúng ta cũng phải có những cách giải quyết, những phương pháp khác nhau, tùy sự việc, hoàn cảnh, đối tượng… Có khi có những sự việc nằm trong khả năng giải quyết của chúng ta, nhưng cũng có những sự việc khiến cho chúng ta khi giải quyết phải cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra một phán quyết. Sau đây, chúng ta cùng giải quyết một vấn đề mang tính “thời sự” trong cuộc sống.
Theo như đề bài ra thì trong cùng một nồi canh mà những người cùng ăn có những nhận định khác nhau :
Mẹ chồng thì cho là canh nhạt.
Cô con dâu thì cho là canh mặn.
Bố chồng thì thấy canh hợp khẩu vị.
Và người con trai thì bảo cả ba vị đều sai, vấn đề là phải đem đi đo lường xem canh bao nhiêu lít nước, bao nhiêu gram muối vì anh là một cử nhân hóa học.
        Thoạt đầu nghe sự việc nêu trên tôi thấy bình thường. Thiết nghĩ rằng đây là một trong những sự việc thường hằng xảy ra trong cuộc sống. Thế nhưng, sự việc lại không đơn giản chút  nào, xét trên bình diện khách quan ta hãy cùng nhau phân tích.
Thứ nhất : Xét về người mẹ chồng trong câu chuyện cho ta thấy bà là một người phụ nữ nông thôn thường ăn trầu. Trong bữa ăn bà nhận xét về món canh “Canh sao nhạt thế này”. Do đâu mà bà nhận định như thế? Một điều đơn giản là khi ăn canh bà cảm giác được canh nhạt nhờ vị giác. Ta nên biết rằng bà là một người có thói quen ăn trầu. Đã nói đến “thói quen” thì nói đến một cái gì rất gắn liền với chủ thể? Và thói quen đó ảnh hưởng đến lời nhận định của chủ thể trong câu chuyện, ảnh hưởng đến cảm giác của chủ thể. Chủ thể biết được canh nhạt là nhờ giác quan vị giác, đối tượng bị biết đã kích thích lên vị giác làm cho chủ thể biết được canh nhạt. Cho nên, có thể nói chủ thể hoàn toàn chủ quan khi đưa ra nhận định trên. Từ cái tri của chủ thể dẫn đến cái hành. Ở đây ta chưa vội đánh giá xem chủ thể đúng hay sai. Để hiểu được vấn đề ta phải hiểu thế nào là cảm giác?  Cảm giác là sự kiện tâm lý có liên hệ với yếu tố vật lý là vật kích thích với cơ quan sinh lý. Bởi đó mà xảy ra tương quan giữa cảm giác và vật kích thích lên chủ thể. Muốn gây ra một cảm giác, vật kích thích phải vượt qua một giới hạn tối thiểu, giới hạn này biến đổi theo cá nhân chủ thể, ta gọi đó là “ngưỡng cảm giác.”
        Hơn nữa, như đã nói trên một yếu tố rất quan trọng là người mẹ chồng đã ăn trầu, có thể vị mặn của trầu đã ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến vị giác của chủ thể, vì ăn trầu là một thói quen của chủ thể. Ví dụ : Có một nhóm bạn cùng đi ăn một nhà hàng, người thì cho món súp không hợp khẩu vị do hơi mặn (người này bị bệnh huyết áp cao nên thường xuyên có chế độ ăn nhạt), người khác thì cho món súp hợp khẩu vị, người khác nữa thì cho món súp nhạt (người này bị bệnh phù thận nên đang có chế độ ăn mặn)…vv.
        Ngoài ra, cảm giác chỉ là dấu hiệu không có chức năng cho chủ thể biết được bản chất của vật như nó là. Vì thế nên chủ thể cảm giác canh nhạt là một cái gì có thật của chủ thể. Chủ thể không thể biết được đối tượng bị biết mà chỉ đối tượng biết được chính nó. Nhờ cái “cảm” mà chủ thể “tri” được đối tượng bị biết, vì cảm giác tùy thuộc vào ngưỡng của chủ thể.
        Thế nhưng, đôi khi yếu tố tâm lý ảnh hưởng trực tiếp đến chủ thể. Xét về khía cạnh nhân sinh quan. Nhân dân ta thường có câu “mẹ chồng nàng dâu”. Trong thực tế, câu nói ấy không thể áp dụng cho mọi trường hợp, nhưng nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức của con người, sự thực là như vậy. Ở đời chẳng mấy khi mẹ chồng hợp nàng dâu? Và như thế trong tương quan giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng cần được bàn tới. Lại có câu “không ưa vại dưa cũng có dòi”. Nếu đã thích ai thì dù xấu cũng cho là tốt, còn không thì dù tốt mấy đi nữa cũng chỉ là xấu. Cũng một câu nói nhưng yếu tố tâm lý khác nhau thì cách thức diễn đạt khác nhau. Trở lại câu nói của bà mẹ chồng, nếu câu nói ấy nói với cung giọng bình thường thì sự việc sẽ trở nên bình thường, có thể có sự thông cảm; song câu nói ấy nói với cung giọng mạnh do yếu tố tâm lý chi phối thì đó lại là một lời trách móc, không vừa ý...
        Tóm lại, bắt đầu là cái “cảm” xuất hiện trong bà mẹ chồng nhờ giác quan vị giác, dẫn tới cái “tri” nhờ cái “tri” dẫn tới cái “hành”. Vì thế, không thể kết luận được là bà mẹ chồng đã sai khi bà đưa ra quan điểm riêng của mình.Để đánh giá một vấn đề ta cần xét đến nhiều khía cạnh và phải đặt trong tổng thể.
        Thứ hai, ta xét về nàng dâu, nàng dâu thưa : “canh mặn đấy chứ”. Đây là một câu nói “phản biện” lại câu nói của mẹ chồng. một điều có thể nói rằng trước khi nói như thế nàng dâu đã cảm nhận được vị của món canh vì cô là chủ nhân của món canh? Theo chủ quan của cô, cô đánh giá như thế. Trong quá trình chế biến khi cho gia giảm vào canh chắc cô cũng phải nếm thử đôi lần để xem canh có vừa khẩu vị mình không? Cho nên, một cách chủ quan cô trả lời như thế không có gì sai. Vì chính cô cảm giác được canh mặn nhờ vị giác. Đối với cô ngưỡng cảm giác của cô đạt ở mức như thế là vừa, và cái vừa này chỉ mình cô biết mà thôi, mà thực sự là thế.
        Thứ ba, ta xét đến bố chồng. Khi ông nghe lời nhận định của vợ và câu trả lời của con dâu, ông có phản ứng như thế nào? Quan điểm của ông : “tôi thấy canh hợp khẩu vị đấy chứ”. Ở đây sự “thấy” của ông có nghĩa là gì? Có phải chăng cái “thấy” ở đây là do ông tri giác được nhờ thị giác mà ông thấy như vậy. Sự “thấy” ở đây có hai nghĩa, thấy nhờ nội quan và thấy nhờ ngoại quan. Thứ nhất nhờ nội quan: vì ông cũng có mặt trong bữa ăn nên chắc ông cũng cảm giác và biết được vị canh và ông cũng có cảm nhận của riêng mình. Ông đã bị yếu tố tâm lý chi phối. Lúc này ông thấy sự xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu. Cho nên, chủ quan mà nói ông thấy như vậy là có lý vì ông là trung gian, ông muốn giải hòa giữa vợ và con dâu. Mặt khác, trong mối tương quan gia đình, một bên là vợ, một bên là con dâu, ông thấy phải có một sự trung dung ở giữa?. Có lẽ ông thấy được là nhờ ông tri giác thấy sự xung đột? Sự biết của ông không sai vì có thể nói ông nhìn nhận sự việc theo quan điểm chủ quan của ông. Vì cảm giác không giúp ta biết được bản chất, cũng như sự “thấy” của ông có thể đúng và cũng có thể sai. Thế nhưng nhận định của ông thật có ý nghĩa cho mối tương quan giữa hai người phụ nữ trên. Ông đóng vai trò là trung gian giúp hai bên giải hòa, nhìn nhận sự việc một cách thích hợp hơn, có cái nhìn khách quan hơn. Chính sự “thấy” của ông đã dẫn đến phán đoán của ông là như thế.
        Cuối cùng, ta xét đến người người con trai có học vị cử nhân hóa học. Anh cho rằng : “Cả ba vị đều nói sai, vấn đề là phải đo lường xem canh bao nhiêu lít nước phải nêm bao nhiêu gram muối”. Ở đây người con trai nhận định như thế thiết nghĩ hơi vội? Chắc có lẽ, người chồng chưa nghiên cứu kỹ “tâm lý” học và anh cũng chưa hình dung thế nào là “ngưỡng” cảm giác? Anh có thể giỏi trong lĩnh vực khoa học? Ở đây không thể lấy kết quả thực nghiệm của khoa học mà áp dụng cho tâm lý được. Vì tâm lý học và triết học là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, tuy chúng có bổ túc cho nhau. Anh không biết rằng cái “lý” của mỗi chủ thể là hoàn toàn tùy thuộc vào cái “cảm” của từng chủ thể?
Nhưng xét về phương diện khoa học thì người chồng có thể có lý. Quả đúng như vậy, để bảo hòa một hợp chất, thì các chất trong dung môi phải cân bằng theo tỉ lệ hóa trị, theo cấu hình, theo công thức, ví dụ: Để có một dung dịch muối thì phải có một nguyên tố Na + Cl thì mới tạo ra được một dung dịch muối bão hòa, … Nhưng cái sai của anh là anh lấy kết quả của khoa học thực nghiệm để áp dụng cho tâm lý học.

Tắt một lời. Cảm giác không giúp ta biết được bản chất nhưng giúp ta ứng xử thế nào cho hợp lý trong mối tương quan nhân sinh mà thôi. Tâm lý là nắm được tâm tình. Gia đình, tình yêu của các thành viên là những thực tại cao quý gắn liền với cuộc sống của con người. Nhưng trong thực tế chúng ta đã xúc phạm nhau, đưa nhau vào những tình huống khó sử, gây đau khổ, chia rẽ, buồn phiền. Để thoát ra khỏi tình huống bất hạnh ấy, giúp gia đình luôn luôn hạnh phúc, mỗi người cố gắng nổ lực không những về mặt tri thức mà còn về phương diện nhân sinh quan cho thật tốt.

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

TỔNG HỢP MỘT SỐ TRÒ CHƠI VUI XUÂN 2017

TỔNG HỢP MỘT SỐ TRÒ CHƠI VUI XUÂN 2017

Phân tích và tìm hiểu hai khái niệm: Gia đình Ki-tô giáo được gọi là “một Hội Thánh tại gia” (GLHTCG 2204) và “Gia đình là tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội” (GLHTCG 2207)

Ant Công Chính
 Gia đình luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi thành phần trong Giáo Hội cũng như xã hội. Có thể nói, mỗi thành viên trong gia đình là cơ thể sống của Giáo Hội cũng như góp phần tạo nên một xã hội đa dạng về nhiều mặt. Chính vì thế, mỗi người được sinh ra, đều được mời gọi cộng tác với công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Quả vậy, Gia đình là cộng đoàn gồm cha mẹ, con cái, những quan hệ máu mủ, tình cảm, những liên hệ kèm theo về thể xác và tinh thần[1]. Gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, là trường học đầu tiên phát triển nhân tính [2]. Gia đình là sự kết hợp giữa người nam và người nữ trong hôn nhân, cùng với con cái của họ [3]. Thật vậy, khi tạo dựng người nam và người nữ, Thiên Chúa đã thiết lập gia đình con người và đặt nền tảng căn bản cho gia đình. Các phần tử trong gia đình là những nhân vị bình đẳng về phẩm. Vì công ích của các phần tử trong gia đình và của xã hội. Gia đình có những trách nhiệm, quyền lợi và bổn phận đa dạng [4].
 Như vậy, điều cốt lõi làm nên một Giáo Hội hoàn vũ và một xã hội thì phải trở về nguồn với nền tảng là các gia đình. Chính các thành viên trong gia đình tạo nên một “Giáo Hội hoàn vũ” và một “xã hội đông đúc về mọi mặt”. Đây cũng là điều, người viết muốn triển khai hai khái niệm trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Qua đó, thấy được tầm quan trọng của mỗi thành viên trong gia đình: Gia đình Ki-tô giáo được gọi là “một Hội Thánh tại gia” [5] và “gia đình là tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội” [6].
1/ Gia đình Ki-tô giáo được gọi là “một Hội Thánh tại gia”.
 Có thể nói đỉnh cao của Gia đình Ki-tô giáo là một Hội Thánh tại gia đó là gia đình Thánh Gia. Thật vậy, Chúa Giê-su nhập thể làm Người không phải tự dưng xuất hiện mà không biết nguồn gốc từ đâu, nhưng Ngài đã nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria qua biến cố truyền tin, trong đó Cha Ngài là ông Giu-se, Mẹ Ngài là bà Maria. Qua đó, Ngài thuộc dòng dõi Đa- vít [7], “Cha” và “Mẹ” Ngài là một người đạo đức, trung thành với luật Chúa [8]. “Cha” Ngài là một người làm nghề thợ mộc [9]. đây là nghề thuộc giới trung lưu thời bấy giờ. Trong quãng thời gian Chúa Giê-su sống ẩn giật tại Na-za-ret, Ngài đã cho ta bài học về sự vâng phục của Người [10]. Chính trong mái ấm gia đình Thánh Gia, toát lên một niềm yêu mến sâu sắc. Từ mái ấm gia đình Thánh Gia, Giê-su đã đón nhận được nguồn “tình yêu” nơi Giu-se và Maria, để rồi trải qua những ngày, những tháng, những năm được sống trong mái ấm, xét theo sự phát triển bình thường của con người thì Giê-su càng ngày càng được phát triển về sự khôn ngoan, sự cao lớn, thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta (Lc 2,52). Hình ảnh gia đình Thánh Gia là mẫu gương cho toàn thể các gia đình, và cũng là khởi nguyên cho gia đình Hội Thánh tại gia. Vì trong gia đình là sự hiệp thông giữa các nhân vị, là dấu vết và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Hoạt động sinh sản và giáo dục của gia đình là phản ánh công trình tạo dựng của Chúa Cha. Gia đình được kêu gọi tham dự vào việc cầu nguyện và hy lễ của Đức Ki-tô [11].
 Thật vậy, qua bí tích rửa tội, ta trở nên chi thể sống động của Chúa Ki-tô, được thông phần vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Người, có thể nói đây là một Hội Thánh nhỏ trong bản thể người. Chính vì thế, mỗi người được mời gọi cộng tác và có bổn phận mang Lời Chúa đến với tất cả mọi người, đặc biệt những người chưa nhận biết Người. Qua bí tích hôn phối, Giáo Hội mời gọi các thành viên trong gia đình tích cực tham gia và thể hiện rõ vai trò tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Ki-tô. Qua đó, sẽ thấy được tầm quan trọng của câu nói “gia đình Ki-tô giáo được gọi là một Hội Thánh tại gia” [12], đây cũng là một trong những đề tài về Gia đình mà Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia đình đã bàn tới [13]. Thật vậy, sự kết hợp giữa người nam và người nữ nói lên một tình yêu tự hiến, để làm một với nhau trong một tình yêu duy nhất là Đức Ki-tô. Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã cho ta thấy lệnh truyền này “người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai trở thành một xương một thịt” [14]. Chính sự yêu thương, gắn bó của người chồng đối với người vợ và người vợ đối với người chồng, phản ánh tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng sa ngã”[15]. Đó chính là lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa trong tình yêu hôn nhân gia đình. Quả vậy, trong một mái nhà, nơi mà chồng và vợ đang ngồi tại bàn ăn, con cái xuất hiện bên cạnh họ được ví như những chồi Ô-Liu, nghĩa là, với tràn đầy sinh lực. Nếu cha mẹ, theo nghĩa nào đó, là nền móng của ngôi nhà, thì con cái được ví như những viên đá sống động của gia đình [16].
 Có thể nói, Giáo Hội sinh ra và kết hợp mỗi người vào chi thể sống của Chúa Ki-tô qua bí tích rửa tội, thì đời sống hôn nhân cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, để làm nên một Giáo hội đông đủ bởi các chi thể được hợp nhất với nhau trong đức tin. Chính mái ấm gia đình là cái nôi và nền tảng khởi đầu cho một đức tin nơi bản thể con người. Vì thế, gia đình chính là thầy dậy đức tin đầu tiên cho con cái, qua đó thể hiện rõ ràng vai trò tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Ki-tô. Đây chính là lời mời gọi trong thánh vịnh 78,3-6: “điều chúng tôi đã từng nghe biết do cha ông kể lại, chúng tôi chẳng dấu gì con cháu cả, sẽ tường thuật cho thế hệ tương lai. Sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của Chúa, với những kì công Chúa đã làm. Ngài đã ban huấn lệnh cho nhà Gia-cóp, đặt ra lề luật cho It-ra-el, dậy tổ tiên chúng tội truyền lại cho con cháu các cụ được tường, hầu kẻ hậu sinh trong thế hệ tương lai cũng biết, rồi mai ngày đến lượt chúng kể cho con cháu của mình”. Qua đó, cho ta thấy trách nhiệm của những bậc làm cha, làm mẹ trong gia đình rất lớn lao đối với việc giáo dục con cái. Chính từ mái trường đầu tiên này, đứa trẻ được hình thành nên nhân cách, được đón nhận đức tin từ cha mẹ, từ đó mang theo tất cả những gì đã học được từ mái trường này để hòa nhập với cuộc sống và làm cho đức tin được lớn mạnh. Quả thật, nếu như đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình không biết Đức Ki-tô là ai, thì khởi đầu đứa trẻ khó lòng có thể nhận biết về Ngài. Ca dao tục ngữ việt nam có câu “ở ống thì dài ở bầu thì tròn hay con nhà tông không giống lông thì cũng giống cánh”. Chính mái trường gia đình là cái nôi của nền giáo đục đầu tiên, giúp đứa trẻ nhận biết mình là ai trong cuộc sống này. Thật vậy, mỗi thành viên trong gia đình Ki-tô giáo được liên kết với nhau trong cùng một đức tin, để cùng nhau cầu nguyện và đọc Lời Chúa hằng ngày sẽ củng cố gia đình trong đức mến. Chính vì thế, gia đình Ki-tô giáo có sứ vụ loan báo Tin Mừng và truyền giáo cho tất cả những người chưa nhận biết Chúa [17]. Chính tình yêu nồng cháy trong các gia đình sẽ là hoa quả trong tình yêu Đức Ki-tô được triển nở để từ đó những người xung quanh sẽ nhận biết Đức Ki-tô là ai [18]. Thật vậy, Lời Chúa bảo chúng ta rằng gia đình được kí thác cho một người đàn ông, một người đàn bà, và con cái họ, để gia đình trở thành một sự hiệp thông nhân vị theo hình ảnh sự kết hợp giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Việc sinh sản và nuôi dạy con cái, phản ánh công việc sáng tạo của Thiên Chúa. Gia đình được mời gọi liên kết trong kinh nguyện hằng ngày, đọc Lời Chúa và chia sẻ tiệc Thánh Thể, nhờ đó lớn lên trong tình yêu và trở nên ngày càng đúng nghĩa hơn là một đền thờ cho Chúa Thánh Thần cư ngụ [19]. Qua những gì đã trình bày, một lần nữa cho ta khẳng định “gia đình Ki-tô giáo được gọi là một Hội Thánh tại gia”.
2/ Gia đình là tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội
 Thiên Chúa đã tạo dựng nên nhân loại từ không mà có [20], trong đó Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người và ban cho họ quyền cai quản trên tất cả những gì Người đã dựng nên [21], thể hiện quyền cai quản và làm chủ đó bằng việc đặt tên [22]. Như thế, nguyên tổ Adam và E-và, là khởi nguyên cho một đời sống nhân loại đầu tiên và làm nên một xã hội nguyên thủy, trong đó chính Thiên Chúa ra lề luật và phân nhiệm vụ cho cộng đồng nhân loại đầu tiên này [23]. Thật vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không tương quan với tha nhân, con người không thể sống cũng như không thể phát triển các phẩm chất của mình được [24], chính Thiên Chúa đã phán “con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nói”[25].
 Thật vậy, gia đình là một xã hội tự nhiên, người nam và người nữ được kêu gọi trao tặng bản thân mình trong tình yêu và trong việc trao tặng sự sống. Gia đình là một cộng đồng, trong đó, từ thời thơ ấu, con người có thể học được những giá trị luân lý, bắt đầu tôn thờ Thiên Chúa và sử dụng tự do một cách đúng đắn [26]. Như thế, gia đình không phải là một cơ chế “xin cho” nhưng là một sức sống mãnh liệt trong tình yêu, để từ đó phát sinh một sự sống mới. Từ mái ấm gia đình, con người học biết những giá trị luân lý và những điều cơ bản nhất để giúp người đó hòa nhập với cuộc sống. Có thể nói, trong nội tại mỗi gia đình hội tụ đầy đủ một cộng đồng mang tính xã hội và cao hơn tính xã hội đó là một cộng đồng yêu thương, chia sẻ, lấy tình yêu Đức Ki-tô làm điểm quy chiếu và hướng dẫn. Trong đó cha mẹ đóng rất nhiều vai trò như: trao ban sự sống, quản lý và làm cho gia đình ngày một phát triển, tạo nên sự hiệp nhất giữa các thành viên trong gia đình, là thầy dậy đức tin và luân lý cho mọi thành viên trong gia đình..v..v..Qua đó cho ta thấy, chính tình yêu nội tại trong mỗi gia đình là sự lan tỏa và góp phần làm cho cộng đồng nhân loại đầy ắp tình yêu thương. Quả thật, hạnh phúc của mỗi cá nhân cũng như của xã hội loài người và Giáo Hội gắn chặt với tình trạng lành mạnh của cộng đoàn xuất phát từ hôn nhân và gia đình [27]. Thật vậy, muốn có một xã hội phát triển lành mạnh cần phải canh tân gia đình. Muốn có một cộng đồng nhân loại sống yêu thương, công bằng, bác ái, thì trước tiên cần phải có một gia đình tốt [28].
 Từ đó, ta thấy được tầm quan trọng và điều cốt lõi khởi đi từ các gia đình, là tế bào nguyên thủy và khởi đầu cho một xã hội. Chính vì vậy, gia đình là tổ ấm của mỗi cá nhân, là cầu nối giữa cá nhân và xã hội, là nơi trung chuyển mọi thông tin từ cá nhân đến xã hội và từ xã hội đến cá nhân. Với tính cách là “tế bào xã hội”, gia đình có tác động to lớn đến sự phát triển của xã hội. Gia đình tốt thì xã hội tốt. Do đó, cả thế giới được coi là một đại gia đình trong mối tương giao liên đới với nhau, nên mới có câu “tứ hải giai huynh đệ”. Thật vậy, tự bản chất mối tương quan liên hợp được xây dựng trên nền tảng tình yêu, vì thế nó sẽ có hai mặt tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, tình yêu sẽ đem lại ấm no, hòa bình, hạnh phúc. Tuy nhiên, với xã hội thì khi mối tương quan không đặt trên nền tảng tình yêu, thì sẽ xẩy ra chiến tranh, khủng bố, huynh đệ tương tàn [29].
3/ Tạm Kết:
 Qua những gì đã phân tích và tìm hiểu, cho ta thấy gia đình là nền tảng cho mọi vấn đề xẩy ra xung quanh. Trong gia đình, Cha mẹ chính là nguồn phát sinh sự sống, là cái nôi của nền đào tạo, là mái nhà của nền đạo đức, là lời nói của nền luân lý cơ bản, là chất súc tác để mọi thành viên trong gia đình liên kết với nhau, từ đó sẽ được lan tỏa ra, tạo thành một xã hội hiệp nhất, tươi đẹp trong yêu thương. Thật vậy, điều răn thứ tư làm sáng tỏ các tương quan khác trong xã hội. Trong đó, anh em ruột, là con cái của cha mẹ chúng ta; anh em họ, là con cháu tổ tiên chúng ta; đồng bào là con cái của tổ quốc chúng ta; những người đã chịu phép rửa là con cái của Mẹ chúng ta là Hội Thánh; mỗi nhân vị là con trai hoặc con gái của Đấng muốn chúng ta gọi Ngài là “Cha chúng con”. Vì vậy, các tương quan của chúng ta với tha nhân được nhận biết như là những tương quan nhân vị. Người lân cận không phải là một “cá thể” nào đó giữa tập thể nhân loại, nhưng là “một ai đó” có nguồn gốc rõ ràng, đáng được mọi người quan tâm và tôn trọng [30].






[1] Phaolo Bùi Đình Cao, Giáo trình luân lý chuyên biệt, Tr 136.
[2] Giáo trình luân lý chuyên biệt. Tr 140.
[3] GLHTCG 2202.
[4] GLHTCG, 2203.
[5] GLHTCG, 2204.
[6] GLHTCG, 2207.
[7] Mt 1,20 “Này Ông Giu-se, con Cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà đang mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”.
[8] Mt 1,19 “Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà”.  Lc 1,28 “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”.
[9] Mt 13,55 “Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria, anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao?”.
[10] Lc 2,51: Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-za-ret và hằng vâng phục các ngài.
[11] GLHTCG, 2205.
[12] GLHTCG, 2004.
[13] Đức Giáo Hoàng Phanxico, Niềm Vui Yêu Thương, tông huấn hậu thượng hội đồng về gia đình, Lm Lê Công Đức (dịch), Nxb Tôn giáo.
[14] St 2,24.
[15] Cl 3,18-21.
[16] Đức Giáo Hoàng Phanxico, NIềm Vui Yêu Thương, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Về Gia Đình,  Số 14.
[17] GLHCG, 2205.
[18] Ga 13,35.
[19] Đức Giáo Hoàng Phanxico, NIềm vui yêu thương, 29.
[20] St 1,1-2 “Lúc Khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất, Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”.
[21] St 1,26 “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”.
[22] St 2,19.23: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. “con người nói: Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút ra từ đàn ông ra””.
[23] St 3,14.16.17-19: “”Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi.” “Chúa phán với người đàn bà: Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén, ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” “Chúa phán với con người: đất dai bị nguyền rủa vì ngươi, ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất””.
[24] Công Đồng Vaticano II, Gaudium Et Spes, 12.
[25] St 2,18.
[26] GLHTCG 2207.
[27] Công Đồng Vaticano II, Gudium et Spes, số 47.
[28] Phaolô Bùi Đình Cao, Giáo Trình Luân Lý Chuyên Biệt, Tr 136.
[29] Đức Giáo Hoàng Phanxico, bài phát biểu khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình 6/10/2014. (http://caunguyenbangtraitim.com).
[30] GLHTCG, Số 2212.