Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

PHÂN TÍCH CÂU “KẺ MẠNH LÀ KẺ VÁC NGƯỜI KHÁC TRÊN VAI MÌNH CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ KẺ ĐẠP LÊN VAI NGƯỜI KHÁC ” CỦA NAM CAO

Dẫn nhập
Nam Cao, tên thật là Trần Hữu Tri sinh năm 1917 tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông dạy học rồi chuyển sang viết văn từ lúc còn rất trẻ. Tên tuổi của ông thực sự được quen biết từ sau khi truyện ngắn Chí Phèo- một truyện ngắn xuất sắc của ông và của nền văn học hiện thực Việt Nam xuất hiện vào năm 1941. Một truyện ngắn đáng chú ý khác mà Nam Cao viết về tầng lớp tiểu tư sản trí thức nghèo, đó là tác phẩm Đời Thừa. Trong tác phẩm Đời Thừa, tác giả phản ánh một ước mơ được sống trong cảnh hòa bình, ấm no, hạnh phúc của nhân dân và tầng lớp tri thức nghèo. Tác giả cảm thông và xót xa đối với tấm bi kịch tinh thần đau đớn dai dẳng của người tri thức nghèo có tài năng, có tâm huyết và giàu lòng nhân đạo trong xã hội lúc bấy giờ. Nam Cao còn lên án gay gắt cái xã hội ngột ngạt bóp chết mọi ước mơ, cướp đi cuộc sống chân chính của con người, đầu độc tâm hồn và mối quan hệ giữa người và người mà làm cho bản chất tốt đẹp của con người thay đổi. Trong tác phẩm đời thừa, Nam Cao viết: “Kẻ mạnh là kẻ vác người khác trên vai mình chứ không phải là kẻ đạp lên vai kẻ khác”. Vậy, kẻ mạnh mà tác giả muốn nói đến ở đây là kẻ mạnh như thế nào? Chúng ta phải làm gì, phải sống như thế nào để trở nên kẻ mạnh vác người khác trên vai mình chứ không phải là kẻ mạnh đạp lên vai người khác? Dưới đây, em xin phân tích để làm sáng tỏ câu nói trên.
I. Kẻ mạnh đạp trên đầu người khác và kẻ mạnh vác người khác trên vai mình?
1. Thế nào là kẻ mạnh?
Theo từ điển Tiếng Việt, kẻ mạnh là một người hay một tổ chức vượt trội hơn về sức lực, tiềm lực, là kẻ mạnh về mọi mặt, có khả năng chịu đựng gánh vác trách nhiệm nặng nề trong công việc đối với một người hay một tổ chức nào đó…(Nguyễn Như Ý, Đại Từ Điển TiếngViệt, nxb VH-TT, 1999). Nhưng ngược lại, kẻ mạnh cũng có thể dùng sức mạnh của mình để chà đạp lên người khác…
          Có rất nhiều kẻ mạnh khác nhau, với bài viết này , em xin được trình bày kẻ mạnh về kẻ mạnh với sức mạnh của vũ khí, quyền lực, tiền bạc; và kẻ mạnh với sức mạnh của tình yêu, niềm tin và hy vọng.
2. Kẻ mạnh đạp lên vai người khác.
          Trong tác phẩm Đời Thừa, khi đứng trước một sự lựa chọn nghiệt ngã, một bên là sự nghệp văn chương của riêng mình, một bên là sự sống của gia đình, nhân vật Hộ đã đấu tranh rất quyêt liệt. Tư tưởng sống ích kỷ để trở nên kẻ mạnh của một nhà triết học đã từng cám dỗ Hộ. Đó là: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”. Trước gánh nặng của gia đình, Hộ điên người lên vì cứ phải xoay tiền để lo cho cuộc sống của vợ con. Hộ còn điên người lên vì con khóc mà không lúc nào được yên tĩnh để sáng tác, vì thế mà Hộ trở nên cau có và gắt gỏng với con, với vợ, với những người thân của Hộ. Hộ đã muốn xua đuổi vợ con ra khỏi nhà để quang đi cái gánh nặng của người chồng là cứ phải lo kiếm tiền và dành thời gian để chăm lo cho cuộc sống của gia đình. Vì muốn thành công trong sự nghiệp văn chương, muốn trở nên một kẻ mạnh mà Hộ đã muốn xua đuổi và đối xử tàn nhẫn với vợ con, là những người thân yêu của mình, cùng chung sống với mình, cùng chia ngọt sẻ bùi với mình trong cuộc sống hàng ngày…
Trong xã hội mà chúng ta đang sống, kẻ mạnh đã và đang dùng sức mạnh của quyền lực, của vũ khí, của tiền bạc…để chà đạp lên đầu người khác một cách tàn bạo và thô thiển. Đau đơn thay, chúng lại chà đạp lên chính những người thân của mình, dân tộc mình. Chúng dùng súng, dùng búa, dùng liềm- những thứ được trang bị để bảo vệ dân, bảo vệ đất nước-, thì chúng lại dùng để đàn áp, đánh đập chính dân tộc mình và cắt tỉa những người tri thức yêu nước…Chúng thêu dệt nên huyền thoại, nên những trang sử, những tư tưởng sai lệch để đầu độc tâm hồn và tư tưởng của nhân dân, lại còn bắt cả dân tộc học tập và làm theo. Lại nữa, chúng đổi trắng thay đen, ca tụng kẻ gian ác và lên án người vô tội nhằm che dấu sự thật, che dấu những tội ác khủng khiếp mà chúng đã gây ra cho con người, cho dân tộc để thỏa mãn lòng ích kỷ của chúng... Trong khi đó, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như: con người đoàn kết yêu thương nhau, trẻ kính già, con cái tôn kính cha mẹ, người mang ơn thì phải trả ơn người làm ơn cho mình…thì chúng lại gây ra sự hận thù, chia rẽ, con cái đấu lại cha mẹ, người mang ơn tố lại người làm ơn cho mình…làm cho mối dây liên kết tình người, đoàn kết dân tộc bị phá vỡ. Như trong tác phẩm Đời thừa, tác giả viết thì“chúng giống như một thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái. Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác lên đôi vai mình”.
3. Kẻ mạnh vác người khác trên vai mình.
Vì muốn thành công trong sự nghiệp văn chương, nhân vật Hộ trong tác phẩm Đời Thừa đã muốn ruồng rẫy để mặc cho vợ con khổ sở. Tư tưởng muốn thành công muốn làm kẻ mạnh thì phải độc ác, tàn nhẫn đã cám dỗ Hộ. Nhưng, Hộ là một con người. Hộ nghĩ rằng: “Hắn là người chứ không phải là một thứ quái vật bị sai khiến”. Suy nghĩ ấy đã giúp Hộ tỉnh ngộ, sống chân chính, yêu thương với nguyên tắc sống rất cao cả. Kamax nói: “Chỉ có súc vật mới quay lưng laị với nỗi khổ của đồng loại, để chỉ chăm sóc cho bộ da của mình”. Hộ cho rằng, con người khác con vật là ở chỗ sống có tình yêu thương, sự tha thứ…
Theo Kinh Thánh bí quyết của tình yêu là sự chết, tức là hy sinh. Chỉ có yêu thương, tha thứ mới giúp chúng ta có sức mạnh vác người khác trên vai của mình. Khi sống yêu thương, tha thứ cho nhau, con người sẽ cảm nghiệm thấy:“tình yêu mạnh hơn sự chết” (x. Dc 8, 6) mà “dám hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (x. Ga 15, 13) chứ không đạp lên vai người khác.
Vì yêu thương, Hộ đã mở lòng bác ái để cứu vớt, cưu mang Từ, một nạn nhân đáng thương, bị tình nhân bỏ rơi với đứa con mới đẻ. Hộ phụng dưỡng mẹ già của Từ, đón nhận đứa con của Từ…. Hộ tha thứ và quên đi quá khứ của Từ. Vì yêu thương, muốn chăm sóc cho vợ con, cho gia đình, Hộ đã tính chuyện sẵn sàng gác bỏ sự nghiệp văn chương của mình để lao vào kiếm tiền lo cho vợ con để xây dựng hạnh phúc gia đình…
II. Kẻ mạnh đạp lên vai người khác sẽ bị tiêu diệt, ngược lại kẻ mạnh vác người khác trên vai mình sẽ tồn tại.
1. Kẻ mạnh đạp lên vai người khác sẽ bị tiêu diệt
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà nền kinh tế, khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng, đem lại nhiều lợi ích cho con người. Thế nhưng, chúng ta cũng đang sống trong một thế giới mà khủng bố, chiến tranh… ngày một lan rộng, đã gây ra và để lại cho con người những hậu quả khủng khiếp. Nhiều nước có sức mạnh quân sự với những loại vũ khí nguyên tử có sức hủy diệt khủng khiếp. Nhiều nước thi nhau chạy đua vũ trang để đe dọa nhau và muốn giải quyết các vấn đề bằng bạo lực. Một thế giới mà kẻ mạnh đạp lên đầu kẻ yếu…
Nhìn lại lịch sử thế giới qua hai cuộc chiến tranh, người ta ước tính: thế chiến thứ nhất (1914-1918), đã làm cho khoảng 37 triệu người bị chết, mất tích và bị thương, chi phí cho chiến tranh hết khoảng 200 tỷ USD. Thế chiến thứ hai (1939-1945), đã làm cho khoảng 56 triệu người bị chết, mất tích và bị thương (Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử thế giới, vxb VH-TT, năm 1999, trang 191 và 261). Kẻ thắng cũng như kẻ bại đều chịu những thiệt hại không lường trước được mà không giải quyết được vấn đề. Những kẻ mạnh như: Chủ nghĩa Thực dân, chủ nghĩa Đế quốc, chủ nghĩa Phát xít, Chủ nghĩa Cộng Sản… đã và đang bị loài người lên án và tiêu diệt.
2. Kẻ mạnh vác người khác trên vai mình sẽ tồn tại.
          Ngược lại với một thế giới với những nước có sức mạnh của quân đội của vũ khí, quyền lực, tiền bạc, có thể nói rằng, người ki-tô hữu chúng ta sống trong Vương quốc khác nữa- đó chính là Hội Thánh. Hội Thánh Chúa không có sức mạnh của quân đội, của vũ khí, tiền bạc, quyền lực. Hội Thánh Chúa chỉ có sức mạnh của con tim biết yêu thương, sự tha thứ, niềm tin và hy vọng. Nơi mà: “Dù trong đêm tối, dù trong tuyệt vọng, khi không còn ý nghĩa gì nữa, chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa của sự sống”. (Timothy Radcliffe, OP., Hát Lên Bài Ca Mới, Chân Lý 2000).
Lịch sử Hội Thánh suốt 2000 năm qua phải hứng chịu những bạo lực, bị những kẻ mạnh dùng sức mạnh của vũ khí, quân đội chà đạp…nhằm tiêu diệt Hội Thánh. Không lấy bạo lực để đáp trả bạo lực nhưng bằng con đường yêu thương, tha thứ và sự kiên trì dạy dỗ, Hội Thánh đã đưa nhiều người trở về với Chúa, góp phần xây dựng hòa bình thế giới, đem niềm tin, niềm hy vọng đến cho con người. Trải qua bao sóng gió, khó khăn, bách hại, lịch sử Hội Thánh đã để lại cho chúng ta một bài học như: càng chém giết, càng bắt bớ, thì người ta càng làm đạo Chúa lan rộng mãi, như lời Tertullianô nói: "Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống trổ sinh con nhà có đạo".  
Trong thời cách mạng Pháp, Napolêon- một kẻ bách chiến bách thắng đã muốn dùng sức mạnh của để chà đạp và muốn tiêu diệt Hội Thánh. Napolêon với sức mạnh của mình đã tự tin tuyên bố với Hồng Y Consalvi, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh rằng: "Ông không biết sao: tôi có thể tiêu diệt cả Hội Thánh".  Hồng Y Consalvi hóm hỉnh trả lời:"Thưa ngài, chính chúng tôi đây là kẻ ở bên trong Hội Thánh, mà dù với bao gương xấu, tội lỗi, chia rẽ khuyết điểm vẫn không phá nổi Hội Thánh, suốt 19 thế kỷ qua thì sức mấy mà ngài phá tan Hội Thánh được!". Về sau, Napolêon đã tuyên bố: "Các dân nước qua đi, các ngai vàng sụp đổ, Hội Thánh vẫn tồn tại!"  (x. ĐHY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận, Những người lữ hành trên đường hy vọng, trang 97).
Tạm kết
          Câu nói của Nam Cao mang một triết lý sống sâu sắc. Là người, chúng ta phải sống có tình yêu thương, chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ lẫn nhau… Sống trên đời, con người không thể sống thiếu tình yêu thương, càng không thể sống đơn độc mà chỉ biết sống cho riêng mình. Kẻ nào sống đơn độc, thiếu tình yêu thương, chà đạp lên người khác sẽ bị loại trừ và tiêu diệt. Ngược lại, người nào sống yêu thương, chia sẻ nâng đỡ lẫn nhau… sẽ tồn tại và phát triển. Sống trong một thế giới hòa bình hạnh phúc, con người gần gũi yêu thương nhau là mong ước của nhiều người nhiều dân tộc. Và đó cũng là mong ước và là quan niệm văn chương của Nam Cao: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và gới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó chứa đựng được những gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng tình bác ái, sự công chính… Nó làm cho người gần người hơn”.
                                                      Maria Nguyễn Thị Thiện
                                                   Dòng Thánh Tâm Truyền Giáo