Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

CON NGƯỜI SA NGÃ VÀ ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA


Trình thuật (St, 3) là điểm nhấn rất lớn trong toàn bộ trình thuật Kinh Thánh. Như là cán cân để cân giữa điều thiện và điều ác. Nếu xét cán cân về mặt chữ nghĩa thì cán cân này bị lệch rất lớn và dường như chỉ có điều ác nổi bật. Còn nếu xét về mặt ý nghĩa thì cán cân đó song hành với nhau, hay nói cách khác nhờ đó mà ơn cứu độ của Thiên Chúa tuồn tràn trên con người. Sự xuất hiện của A-đam trong chương 2 sách Sáng thế, cho ta thấy có hai câu chuyện về nguồn gốc con người: “Thiên Chúa lấy bùn từ đất nặn ra con người”(St 2,7). Thiên Chúa lấy nguyên liệu mà Người đã làm nên trước khi nặn ra con người. Các thụ tạo khác thì được tạo dựng cách trực tiếp. Điều đó nói lên, con người chỉ là một phần trong thế giới thụ tạo. Một cách nào đó cũng cho ta thấy, con người lệ thuộc vào thế giới thụ tạo vì: từ đất mà có, mặt khác con người cũng thấy độc lập với thế giới thụ tạo. Cái sau cùng lại trở nên cái cao quý nhất, Thiên Chúa đặt con người làm chủ công trình sáng tạo, trong sự phụ thuộc vào Thiên Chúa. Ngài nói: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái cây ở giữa vườn, thì Thiên Chúa bảo: Các ngươi không được ăn, cũng không được đụng tới, kẻo phải chết.” (St 3, 2-3). Nhưng con người đã mắc lừa khi nghe những lời sủi giục của con rắn và con người tự cho mình có quyền trên Đầng Sáng Tạo, để rồi hái trái cây ấy mà ăn. Từ đây, con người đã đánh vỡ sự thánh thiện ban đầu, đánh mất sự hòa hợp giữa con người với muôn vật. Từ đó, tội lỗi xâm nhập vào con người ngày một mãnh liệt như tiền tài, địa vị, dục vọng. Nhưng không vì thế mà Thiên Chúa bỏ rơi con người, kệ cho thú giữ hành hạ, nhưng Người vẫn yêu thương con người, đưa con người trở về với tình yêu ban đầu. Yêu đến nỗi Người đã ban chính con một yêu dấu để cứu độ chúng ta và Người đã biểu lộ tình yêu bằng cái chết trên cây Thập Gía “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Trong 11 chương đầu của sách Sáng thế, cho ta thấy nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trong chương này. Qua đọc và tìm hiểu 11 chương đầu của sách Sáng thế, tôi nhận thấy có 2 mục trọng yếu đó là:
1/ Từ (St,1-2) nói lên tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Mọi việc Thiên Chúa khởi sự thật tốt đẹp, thánh thiện, nhân loại được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa như Cha ở trong con và con ở trong Cha.
2/ Từ (St,3-11) nói lên sự sa ngã của con người, dẫn đến nhiều mối tai họa giáng xuống trên con người. Sự tội đã làm cho khoảng cách giữa con người với Thiên Chúa không còn được gặp nhau trực tiếp như trước nữa, mà là một sự gián tiếp qua các tạo vật. Mấu chốt khởi đầu cho sự sa ngã nằm toàn bộ trong (St, 3) là khoảng cách giữa thiện và ác. (St, 3) mô tả việc tội lỗi xâm nhập vào con người và các thảm họa gây ra cho muôn loại trong vũ trụ.
          Con người rơi vào sự sa ngã bắt đầu “Trong vườn Ê- đen lại xuất hiện con vật mới lạ đó là con rắn, cũng là một thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên, nhưng con vật này không những có trí khôn, hiểu biết điều Thiên Chúa truyền mà còn xảo quyệt nữa. Nó lý luận và đối đáp rất sát với tâm lý con người để lừa đảo người đàn bà bằng cách bôi nhọ Thiên Chúa” [1]. Chính con vật này đã làm cho khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người không còn trực tiếp gặp nhau trong sự thánh thiện ban đầu. Từ đây, tội lỗi đã xâm nhập vào nhân loại cách trắng trợn và để lại hậu quả muôn đời cho con cháu.
          Trong quá trình gieo rắc sự tội, con rắn đã đùng phương pháp tiệm tiến dần dần để con người dẽ dàng phạm tội. Khởi đầu con rắn xuất hiện. Nó rất khôn ngoan khi chọn đối tượng là người phụ nữ, vì phái yếu có tâm tính nhạy cảm hơn nên sự thành công của nó sẽ chắc chắn hơn. Nó bắt đầu câu chuyện không bằng một sự súi giục ăn trái cây đó đi bà, nhưng nó bắt đầu gieo trong đầu người phụ nữ những câu hỏi nghi vấn “có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn mọi trái cây trong vườn không ?”” (St 3,1). Dường như nó đảo ngược toàn bộ lời của Thiên Chúa nói với con người là “hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn” (St 2, 16). Khi nghe thấy lời của con rắn nói sai về điều của Thiên Chúa nên E-và đã phản ứng ngay tức khắc, bà đã phản ứng lại lời nói của nó. Vì sự phản ứng tự nhiên nên dường như câu nói ban đầu của Thiên Chúa được đưa lên một đỉnh cao là “trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái cây ở giữa vườn, thì Thiên Chúa bảo: Các ngươi không được ăn, cũng không được đụng tới, kẻo phải chết.” (St 3, 2-3). Qua đó, ta thấy được E-và đã ý thức rõ đến thế nào về tính nghiêm trọng của điều Thiên Chúa cấm kỵ. Khi nghe E-và trả lời, con rắn đã biết được điểm yếu của người phụ nữ là sợ chết. Thói xảo quyệt của nó tránh không thúc giục E-và ăn trái cây đó. Nhưng nó chỉ quả quyết với E-và là “chẳng chết chóc gì đâu” (St 3, 4). Nó đã gieo vào trong suy nghĩ của người đàn bà không có một hình phạt nào như thế. “Lời răn đe lành mạnh của Thiên Chúa, nó biến thành một lời nói dối, đồng thời ngụ ý rằng: Thiên Chúa muốn độc chiếm sự hiểu biết chứ chẳng yêu thương gì con người. Nó tìm cách gợi lên trong người phụ nữ tham vọng biết, nhưng trước tiên phải gieo vào lòng bà sự ngờ vực về sự chân thật và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, đồng thời gây tin tưởng manh mẽ vào sự hiểu biết của chính nó. Một khi con người hoài nghi về ý định yêu thường của Thiên Chúa, thì chuyện gì cũng có thể xẩy ra.” [2]. Sự tinh vi của con rắn đã làm cho E-và dường như chiều theo những lời của nó và trong ánh mắt của bà luôn nhìn vào trái cây đó. Từ ánh mắt đó đã toát lên một sự thèm muốn, thèm muốn được tinh khôn, sự hiểu biết xâu xa, cái thèm muốn hơn cả là muốn bằng Thiên Chúa và Thiên Chúa không có quyền thống trị mình, “Người đàn bà thấy rằng cây đó ăn thì ngon, trông thật sướng mắt, và cây đó đáng thèm vì làm cho mình được tinh khôn” ( St 3, 6). Từ ánh mắt và sự khoái cảm đó đã dần dần đi vào trong ý thức rồi mới xâm nhập ý muốn và đi đến hành động đưa tay bứt trái cây đó, một hành động hoàn toàn tỉnh táo và tự do “Bà liền hái trái cây đó mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình và ông cũng ăn.” ( St 3, 6).
          Qua đó, cho ta thấy con rắn đã cám dỗ con người phạm tội theo chiều hướng đi lên, bắt đầu từ cái nhỏ nhất. Đó chính là gieo vào suy nghĩ của E-và sự nghi vấn, rồi đến sự quả quyết của nó. Từ đó, đưa E-và đến ánh mắt của vinh hoa, sự khôn ngoan, sự thống trị, dần dần ngấm sâu vào trong ý thức, ý muốn rồi đến hành động đưa tay hái trái cây đó mà ăn, rồi đưa cho cả chồng ở đó cùng ăn.
          Nguyên nhân con người sa ngã trước sự dụ dỗ ngon ngọt của con rắn là do lòng tin của E-và quá yếu kém. Chính vì thế, khi trò chuyện với con rắn, E-và đã đâm ra nghi ngờ Thiên Chúa. Bà đã tin lời con rắn hơn tin lời Thiên Chúa và E-và đã hành động theo niềm tin đó. Chắc có lẽ, nhiều người hỏi tại sao khi E-và đối thoại với con rắn và nhất là khi bà đưa trái cây đó cho ông ăn, mà A-đam không có một sự phản ứng nào, cái hậu quả sau khi ông bà ăn Thiên Chúa đã báo trước cho ông ?. Nguyên nhân vì trong ý nghĩ, con người muốn chiếm đoạt quyền của Thiên Chúa, không muốn để cho Thiên Chúa thống trị mình, mình phải ngang bằng với Thiên Chúa, cũng được tinh khôn giống như Người, nên họ đã dùng cách thức này để mong đạt được điều đó, bất kì lệnh của Thiên Chúa đã cấm mà con người biết rõ.
          Sau khi con người ăn xong và mắt hai ông bà mở ra. Có lẽ, hai ông bà rất thất vọng, vì không được tinh khôn, không trở nên như những vị thần biết điều thiện điều ác mà chỉ thấy mình trần truồng. Như có lời nói “Phản bội Thiên Chúa, lương tâm con người bị lột trần trước mặt người” [3]. Từ đó, tính dục nổi loạn, con người tự hổ thẹn với chính mình và với tha nhân “mắt hai ông bà mở ra và họ biết mình trần truồng; họ mới kết lá vả làm khố cho mình” (St 3, 7). Những gì cao quý, tốt đẹp trước đó, giờ đây không còn nữa, mất tình thân hữu với Đấng Tạo Hóa. Con người không nói lời yêu thương, che trở cho nhau như trước “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì Nàng được rút từ đàn ông ra.” (St 2, 23). Sau khi phạm tội lời này trở thành “Người đàn bà Ngài cho ở với con, chính nàng đã cho con cây ấy, nên con ăn.” (St 3, 12). Chính vì thế đã làm cho tội lỗi, sự đổ lỗi cho nhau, sự giận hờn, ghen ghét đã xâm nhập vào con người, phá vỡ sự tốt đẹp ban đầu là những lời yêu thương.
          Cha ông ta thường nói “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Đó là lời dậy của người xưa khi con cái hư hỏng, không vâng lời cha mẹ, làm điều xấu. Cũng có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà ”. Chính những lời bênh vực con cái khi con cái làm sai đã làm cho cuộc đời của đứa trẻ đó dần dà đi sai đường lạc lỗi, khi lớn lên đứa con đó luôn đi theo ý riêng của mình để rồi những lời cha mẹ dậy bảo nó không còn nghe và hầu như nó bỏ ngoài tai tất cả. Có rất nhiều những lời khuyên dậy cha mẹ không nên làm con cái hứ hỏng. Có lẽ chính hình ảnh Thiên Chúa trừng phạt con người khi con người phạm tội đã để lại những lời khuyên dậy để cha mẹ làm tròn bổn phận là người cha, người mẹ luôn biết dậy con cái. Thiên Chúa không ghét bỏ con người sau khi con người phạm tội. Nhưng Ngài muốn chỉ dậy con người khi con người phạm tội. Những hình phạt đó là do chính con người tự chuốc vào thân mình. Khi Thiên Chúa hỏi con người “ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng ?” (St 3, 11). A-đam tự nhận không xứng đáng xuất hiện trước tôn nhan Chúa như trước nữa. Tuy nhiên, ông chỉ dựa vào sự bất xứng của mình để chữa tội, chứ không tự thú tội, cũng chẳng xin được thứ tha.[4]  Khi bị chất vấn thì con người đổ lỗi cho nhau không nhận trách nhiệm về mình. A-đam đổ lỗi cho Chúa khi Người cho người phụ nữ ở với ông, chính nàng đã cho con trái đó. E-và đổ lỗi cho con rắn. Không ai nhận trách nhiệm, lỗi lầm về mình và xin Người ơn tha thứ. Sở dĩ con người ra như thế vì sự tốt đẹp ban đầu không con nữa mà lúc này chỉ toàn là những sự dữ, khiến con người ra u tối, không còn nhận ra chính mình nữa. Sự trừng phạt của Thiên Chúa đi từ dưới lên, bắt đầu từ con rắn, người phụ nữ, ông A-đam, đất đai sẽ nguyền rủa con người, đuổi ra khỏi vườn Ê-đen và cuối cùng là sự phân cách giữa con người với Thiên Chúa bằng các Kê-ru-bim và gươm lửa sáng lóe.
          Thiên Chúa trừng phạt con rắn là loài đáng bị nguyền rủa nhất trong tất cả mọi súc vật và mọi dã thú, phải ăn bùn đất mọi ngày trong đời. Qua đây, Thiên Chúa cũng hứa ban ơn cứu độ xuống cho con người, khi Ngài nói “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng dõi mi và dòng dõi người ấy; dòng giống đó sẽ đáng vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Câu nói này loan báo một mối thù truyền kiếp và một cuộc chiến một mất một còn, giữa hai bên con rắn và người phụ nữ, thế nhưng sẽ không phải là cuộc chiến trường kì, bất phân thắng bại, mà nó sẽ kết thúc có lợi cho con người. Ma quỷ sẽ bị đánh bại bởi chính dòng dõi người phụ nữ và như thế nhân loại sẽ được phục hồi trước Thiên Chúa. Qua đó, cũng ngụ ý rằng chính con một Người xuống ngự vào trong cung lòng người phụ nữ và người này sẽ đem lại chiến thắng ấy cho con người. Điều này được sáng tỏ hơn khi Thiên Chúa trừng phạt người phụ nữ.
          Khi Thiên Chúa trừng phạt con người, Người không nguyền rủa cách trực tiếp mà Người chỉ có khiển trách và ra hình phạt. Thiên Chúa phạt người phụ nữ “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ muốn chồng ngươi; còn nó, nó sẽ thống trị ngươi” (St 3, 16). Qua đó, cho ta thấy Thiên Chúa trừng phạt người phụ nữ trong vai trò làm mẹ và làm vợ. Bà sẽ phải đau đớn trong lúc mang thai và khi sinh đẻ. Thiên Chúa dùng hình ảnh lúc lâm bồn để nói lên sự đau khổ nhất của người phụ nữ.
          Đối với A- đam, Người cũng trừng phạt bởi một hình ảnh người lao động, phải lao động  cực nhọc thì mới có bánh ăn, khi người nói “đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mới kiếm được miếng ăn từ đất, mọi ngày trong đời ngươi. Đất đai sẽ trổ sinh cho ngươi gai góc và cây có gai, ngươi sẽ ăn ở ngoài đồng. Mặt có đẫm mồ hôi mới có bánh ăn, cho đến khi ngươi trở về với đất, vì từ đó ngươi đã được lấy ra. Qủa thật, ngươi là bụi đất, và ngươi sẽ trở về với bụi đất” (St 3, 17-19). Từ đây, A-đam “nhận thấy” sự khó nhọc của lao động. Không phải bản chất của lao động thay đổi, nhưng là cái nhìn của A-đam về lao động thay đổi. Con người phải lao động cực nhọc để nuôi sống bản thân và người khác, đất đai cũng nguyền rủa con người vì tội lỗi của con người, khiến cho con người phải cực nhọc thì đất đai mới sinh hoa quả để con người được sống trên mặt đất. Cái làm cho con người đau khổ nhất là cái chết nơi con người, từ cái chết này con người sẽ trở về với nguyên thủy ban đầu của mình là được sinh ra từ bụi đất. Trong mỗi người, chắc ai cũng sẽ rất nhớ lời bài hát “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, rồi mai ngày sẽ trở về bụi tro”. Chính tội lội đã mang lại cho con người những đau khổ và đau khổ lớn nhất nơi con người đó là cái chết, nhưng đó là cái chết để ta được trở về với Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống. Con người không thể nhìn thấy Thiên Chúa mà không phải chết nếu như con người không phải là con của Thiên Chúa.[5]
          Thiên Chúa không thể để cho hai ông bà tiếp tục hưởng những hồng ân như trước nữa. Sau khi trừng phạt, Thiên Chúa đã đuổi ông bà ra khỏi vườn Ê-đen “Nay con người đã trở thành như một trong chúng ta, để biết được điều thiện và điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả cây trường sinh mà ăn và được sống mãi” (St 3, 22). Câu nói này ngụ ý sâu xa rằng: con người vĩnh viễn mất ơn bất tử Thiên Chúa đã ban. Từ một nơi tốt đẹp và thánh thiện giờ đây không còn nữa, khoảng cách ấy dường như xa thật xa và sẽ không bao giờ đến được nơi đó nữa, khoảng cách ấy ngăn cách bởi những “Kê- Ru- bim và gươm lửa sáng lóe, để canh giữ đường đến cây trường sinh” (St 3, 24). Ngài vẫn yêu con người, chỉ có Thiên Chúa mới có thể khôi phục lại địa vị cho con người bằng cách đem lại cho con người căn tính thánh thiện ban đầu. Qua đó, nói lên Ơn Cứu Độ chỉ có thể bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng sẽ ban chính con một yêu dấu của Người đến với nhân loại. “Ai không ăn thịt và không uống máu của Ta thì không có sự sống đời đời” (Ga 6, 53). Như vậy, trong Thiên Chúa con người cần phải tìm lại căn tính của mình đã tự đánh mất bởi vì tội nguyên tổ.
          Qua trình thuật ( St, 3) tôi nhận thấy, chính những ước vọng hão huyền đã làm cho con người đến những cùng cực nhất của xã hội. Nó làm cho con người ra ô uế, làm cho khoảng cách giữa con người và Thiên Chúa mỗi ngày một xa dần. Chính những mơ tưởng đã làm cho con người đâm ra hận thù, ghen gét lẫn nhau và không tin tưởng nhau. Xã hội ngày hôm nay dường như đã mất ý thức hệ về tội, làm cho con người càng ngày càng đi sâu vào con đường tội lỗi. Coi mạng sống không là gì cả, như là một thứ đồ vật không thích thì bỏ đi. Một xã hội coi Thần Thánh như không có, từ đó coi việc tình đục như là một trò chơi nhằm thỏa mãn những khoải cảm con người, coi việc phá thai là chuyện bình thường, không nuôi được thì phá để lấy lại sự tính tiết cho chính mình, không nghĩ đến đứa con nó đang còn rất muốn sống và muốn được nhìn thấy mặt người mẹ.  Nhưng chính người mẹ lại can tâm giết đứa con của mình ngay khi nó chưa có tiếng nói là “mẹ ơi con muốn được sống”. Ma quỷ vẫn cám dỗ ta như cám dỗ ông bà xưa, chính những lúc ta chiều theo những suy nghĩ gây ra những dịp tội là những lúc ta đang nói chuyện với ma quỷ. Ma quỷ không hiện ra để cám dỗ ta cách trực tiếp những nó dung chính những cái trong con người ta để làm ta trở nên sấu xa, nếu ta không tỉnh thức thì cũng dễ rơi vào tình trạng nói chuyện với mà quỷ rồi dần dần nó chiếm đoạt những suy nghĩ của ta và ta đâm ra nghi ngờ về Đấng ta hằng tin tưởng, để rồi làm theo những chỉ dẫn trong suy nghĩ của ta mà chính ma quỷ đang sủi giục ta làm.
                                                                                  Anton  Công Chính

[1] Lm Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao, Tìm Hiểu Ngũ Thư, Tài liệu dậy học, Tr 72.
[2] Lm Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao, Tìm Hiểu Ngũ Thư, Tài liệu dậy học, Tr 73.
[3] Lm Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao, Tìm Hiểu Ngũ Thư, Tài liệu dậy học, Tr 74.
[4]Lm Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao, Tìm Hiểu Ngũ Thư, Tài liệu dậy học, Tr 76.
[5] 100 Nhân Vật Tiêu Biểu Kinh Thánh. Người dịch: Maria Phạm Bích Giang, O.A và Lm. Phêrô Trần Văn Huyền, A.A.