Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

PHÂN TÍCH CÂU TRUYỆN GIA ĐÌNH NHÀ CHỒNG VÀ NÀNG DÂU

 Trong một bữa ăn, mẹ chồng một người phụ nữ nông thôn thường ăn trầu bảo rằng : “Canh sao nhạt thế này”. Nàng dâu thưa : “Canh mặn đấy chứ”. Bố chồng muốn giảng hòa : “ Tôi thấy canh hợp khẩu vị đấy chứ”. Con trai, cử nhân hóa học thì rằng : “Cả ba vị đều nói sai, vấn đề là phải đo lường xem canh bao nhiêu lít nước, nêm bao nhiêu gram muối”. Bạn phân xử xem ai đúng, ai sai trong trường hợp này?

NguyễnVăn Sơn, K,XI
Cuộc đời con người là một cuộc hành trình ngắn ngủi. Thế nhưng, mỗi ngày chúng ta thường phải đương đầu với biết bao công việc, bao tình huống, sự việc khác nhau. Cho nên, chúng ta cũng phải có những cách giải quyết, những phương pháp khác nhau, tùy sự việc, hoàn cảnh, đối tượng… Có khi có những sự việc nằm trong khả năng giải quyết của chúng ta, nhưng cũng có những sự việc khiến cho chúng ta khi giải quyết phải cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi đưa ra một phán quyết. Sau đây, chúng ta cùng giải quyết một vấn đề mang tính “thời sự” trong cuộc sống.
Theo như đề bài ra thì trong cùng một nồi canh mà những người cùng ăn có những nhận định khác nhau :
Mẹ chồng thì cho là canh nhạt.
Cô con dâu thì cho là canh mặn.
Bố chồng thì thấy canh hợp khẩu vị.
Và người con trai thì bảo cả ba vị đều sai, vấn đề là phải đem đi đo lường xem canh bao nhiêu lít nước, bao nhiêu gram muối vì anh là một cử nhân hóa học.
        Thoạt đầu nghe sự việc nêu trên tôi thấy bình thường. Thiết nghĩ rằng đây là một trong những sự việc thường hằng xảy ra trong cuộc sống. Thế nhưng, sự việc lại không đơn giản chút  nào, xét trên bình diện khách quan ta hãy cùng nhau phân tích.
Thứ nhất : Xét về người mẹ chồng trong câu chuyện cho ta thấy bà là một người phụ nữ nông thôn thường ăn trầu. Trong bữa ăn bà nhận xét về món canh “Canh sao nhạt thế này”. Do đâu mà bà nhận định như thế? Một điều đơn giản là khi ăn canh bà cảm giác được canh nhạt nhờ vị giác. Ta nên biết rằng bà là một người có thói quen ăn trầu. Đã nói đến “thói quen” thì nói đến một cái gì rất gắn liền với chủ thể? Và thói quen đó ảnh hưởng đến lời nhận định của chủ thể trong câu chuyện, ảnh hưởng đến cảm giác của chủ thể. Chủ thể biết được canh nhạt là nhờ giác quan vị giác, đối tượng bị biết đã kích thích lên vị giác làm cho chủ thể biết được canh nhạt. Cho nên, có thể nói chủ thể hoàn toàn chủ quan khi đưa ra nhận định trên. Từ cái tri của chủ thể dẫn đến cái hành. Ở đây ta chưa vội đánh giá xem chủ thể đúng hay sai. Để hiểu được vấn đề ta phải hiểu thế nào là cảm giác?  Cảm giác là sự kiện tâm lý có liên hệ với yếu tố vật lý là vật kích thích với cơ quan sinh lý. Bởi đó mà xảy ra tương quan giữa cảm giác và vật kích thích lên chủ thể. Muốn gây ra một cảm giác, vật kích thích phải vượt qua một giới hạn tối thiểu, giới hạn này biến đổi theo cá nhân chủ thể, ta gọi đó là “ngưỡng cảm giác.”
        Hơn nữa, như đã nói trên một yếu tố rất quan trọng là người mẹ chồng đã ăn trầu, có thể vị mặn của trầu đã ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến vị giác của chủ thể, vì ăn trầu là một thói quen của chủ thể. Ví dụ : Có một nhóm bạn cùng đi ăn một nhà hàng, người thì cho món súp không hợp khẩu vị do hơi mặn (người này bị bệnh huyết áp cao nên thường xuyên có chế độ ăn nhạt), người khác thì cho món súp hợp khẩu vị, người khác nữa thì cho món súp nhạt (người này bị bệnh phù thận nên đang có chế độ ăn mặn)…vv.
        Ngoài ra, cảm giác chỉ là dấu hiệu không có chức năng cho chủ thể biết được bản chất của vật như nó là. Vì thế nên chủ thể cảm giác canh nhạt là một cái gì có thật của chủ thể. Chủ thể không thể biết được đối tượng bị biết mà chỉ đối tượng biết được chính nó. Nhờ cái “cảm” mà chủ thể “tri” được đối tượng bị biết, vì cảm giác tùy thuộc vào ngưỡng của chủ thể.
        Thế nhưng, đôi khi yếu tố tâm lý ảnh hưởng trực tiếp đến chủ thể. Xét về khía cạnh nhân sinh quan. Nhân dân ta thường có câu “mẹ chồng nàng dâu”. Trong thực tế, câu nói ấy không thể áp dụng cho mọi trường hợp, nhưng nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức của con người, sự thực là như vậy. Ở đời chẳng mấy khi mẹ chồng hợp nàng dâu? Và như thế trong tương quan giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng cần được bàn tới. Lại có câu “không ưa vại dưa cũng có dòi”. Nếu đã thích ai thì dù xấu cũng cho là tốt, còn không thì dù tốt mấy đi nữa cũng chỉ là xấu. Cũng một câu nói nhưng yếu tố tâm lý khác nhau thì cách thức diễn đạt khác nhau. Trở lại câu nói của bà mẹ chồng, nếu câu nói ấy nói với cung giọng bình thường thì sự việc sẽ trở nên bình thường, có thể có sự thông cảm; song câu nói ấy nói với cung giọng mạnh do yếu tố tâm lý chi phối thì đó lại là một lời trách móc, không vừa ý...
        Tóm lại, bắt đầu là cái “cảm” xuất hiện trong bà mẹ chồng nhờ giác quan vị giác, dẫn tới cái “tri” nhờ cái “tri” dẫn tới cái “hành”. Vì thế, không thể kết luận được là bà mẹ chồng đã sai khi bà đưa ra quan điểm riêng của mình.Để đánh giá một vấn đề ta cần xét đến nhiều khía cạnh và phải đặt trong tổng thể.
        Thứ hai, ta xét về nàng dâu, nàng dâu thưa : “canh mặn đấy chứ”. Đây là một câu nói “phản biện” lại câu nói của mẹ chồng. một điều có thể nói rằng trước khi nói như thế nàng dâu đã cảm nhận được vị của món canh vì cô là chủ nhân của món canh? Theo chủ quan của cô, cô đánh giá như thế. Trong quá trình chế biến khi cho gia giảm vào canh chắc cô cũng phải nếm thử đôi lần để xem canh có vừa khẩu vị mình không? Cho nên, một cách chủ quan cô trả lời như thế không có gì sai. Vì chính cô cảm giác được canh mặn nhờ vị giác. Đối với cô ngưỡng cảm giác của cô đạt ở mức như thế là vừa, và cái vừa này chỉ mình cô biết mà thôi, mà thực sự là thế.
        Thứ ba, ta xét đến bố chồng. Khi ông nghe lời nhận định của vợ và câu trả lời của con dâu, ông có phản ứng như thế nào? Quan điểm của ông : “tôi thấy canh hợp khẩu vị đấy chứ”. Ở đây sự “thấy” của ông có nghĩa là gì? Có phải chăng cái “thấy” ở đây là do ông tri giác được nhờ thị giác mà ông thấy như vậy. Sự “thấy” ở đây có hai nghĩa, thấy nhờ nội quan và thấy nhờ ngoại quan. Thứ nhất nhờ nội quan: vì ông cũng có mặt trong bữa ăn nên chắc ông cũng cảm giác và biết được vị canh và ông cũng có cảm nhận của riêng mình. Ông đã bị yếu tố tâm lý chi phối. Lúc này ông thấy sự xung đột giữa mẹ chồng và nàng dâu. Cho nên, chủ quan mà nói ông thấy như vậy là có lý vì ông là trung gian, ông muốn giải hòa giữa vợ và con dâu. Mặt khác, trong mối tương quan gia đình, một bên là vợ, một bên là con dâu, ông thấy phải có một sự trung dung ở giữa?. Có lẽ ông thấy được là nhờ ông tri giác thấy sự xung đột? Sự biết của ông không sai vì có thể nói ông nhìn nhận sự việc theo quan điểm chủ quan của ông. Vì cảm giác không giúp ta biết được bản chất, cũng như sự “thấy” của ông có thể đúng và cũng có thể sai. Thế nhưng nhận định của ông thật có ý nghĩa cho mối tương quan giữa hai người phụ nữ trên. Ông đóng vai trò là trung gian giúp hai bên giải hòa, nhìn nhận sự việc một cách thích hợp hơn, có cái nhìn khách quan hơn. Chính sự “thấy” của ông đã dẫn đến phán đoán của ông là như thế.
        Cuối cùng, ta xét đến người người con trai có học vị cử nhân hóa học. Anh cho rằng : “Cả ba vị đều nói sai, vấn đề là phải đo lường xem canh bao nhiêu lít nước phải nêm bao nhiêu gram muối”. Ở đây người con trai nhận định như thế thiết nghĩ hơi vội? Chắc có lẽ, người chồng chưa nghiên cứu kỹ “tâm lý” học và anh cũng chưa hình dung thế nào là “ngưỡng” cảm giác? Anh có thể giỏi trong lĩnh vực khoa học? Ở đây không thể lấy kết quả thực nghiệm của khoa học mà áp dụng cho tâm lý được. Vì tâm lý học và triết học là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, tuy chúng có bổ túc cho nhau. Anh không biết rằng cái “lý” của mỗi chủ thể là hoàn toàn tùy thuộc vào cái “cảm” của từng chủ thể?
Nhưng xét về phương diện khoa học thì người chồng có thể có lý. Quả đúng như vậy, để bảo hòa một hợp chất, thì các chất trong dung môi phải cân bằng theo tỉ lệ hóa trị, theo cấu hình, theo công thức, ví dụ: Để có một dung dịch muối thì phải có một nguyên tố Na + Cl thì mới tạo ra được một dung dịch muối bão hòa, … Nhưng cái sai của anh là anh lấy kết quả của khoa học thực nghiệm để áp dụng cho tâm lý học.

Tắt một lời. Cảm giác không giúp ta biết được bản chất nhưng giúp ta ứng xử thế nào cho hợp lý trong mối tương quan nhân sinh mà thôi. Tâm lý là nắm được tâm tình. Gia đình, tình yêu của các thành viên là những thực tại cao quý gắn liền với cuộc sống của con người. Nhưng trong thực tế chúng ta đã xúc phạm nhau, đưa nhau vào những tình huống khó sử, gây đau khổ, chia rẽ, buồn phiền. Để thoát ra khỏi tình huống bất hạnh ấy, giúp gia đình luôn luôn hạnh phúc, mỗi người cố gắng nổ lực không những về mặt tri thức mà còn về phương diện nhân sinh quan cho thật tốt.