Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA BA NGÔI VÀ GIÁO HỘI

Anton Nguyễn Công Chính
        Trong Hiến Chế Tin Lý Về Giáo Hội của công đồng Vaticano II đã cho ta thấy mối tương quan giữa Chúa Ba Ngôi và Giáo hội “ Giáo hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hợp nhất khởi nguồn từ sự hợp nhất của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” [1]. Từ đó, ta thấy được Giáo hội sinh ra từ Ba Ngôi và cho Ba Ngôi. Bí tích thánh tẩy là một hành động thánh hiến dâng lên Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ bí tích này mà con người được gia nhập với Giáo hội và trở thành con Thiên Chúa [2]. Chính vì thế, ngay ở chương đầu của hiến chế về Giáo hội, Công đồng Vaticano II đã xác định Giáo hội phát sinh từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là từ sáng kiến của Chúa Cha, từ sự khôn ngoan của Chúa Con và từ tình yêu của Chúa Thánh Thần [3]. Giáo hội chính là thân hình mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Từ đây, cho ta thấy rõ giá trị 4 đặc tính của Giáo hội: Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền. Giáo hội được sinh ra không phải vì sự ngẫu nhiên hay một cách thể hiện uy quyền của Chúa Ba Ngôi nhưng Giáo hội được sinh ra bởi ý định khôn ngoan, nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ, Người quyết định nâng loài người lên tham dự đời sống thần linh, trong Chúa Con: Chúa Cha muốn quy tụ những ai tin Chúa Ki-to họp thành Hội Thánh [4]. Thực vậy, Giáo hội chính là sự hiện diện cách tròn đầy của Ba Ngôi Thiên Chúa. Giáo hội chính là hoa trái do ý định của Ba Ngôi Thiên Chúa chứ không phải do một xác phàm nào tạo ra “Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của đàn ông nhưng do bởi Thiên Chúa ” (Ga 1,13), nên Giáo hội có nền tảng vững chắc được xây dựng trên nền móng của chính thân thể mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Thánh   I-rê-nê đã nói: Vinh quanh của Thiên Chúa là con đường sống và sự sống của con người là chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Chính vì thế toàn bộ công trình đều do Thiên Chúa và tất cả mọi sự đều quy hướng về Ngài trong tình yêu thương “chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 4-6). Chính vì thế, trong ý định cứu độ, yêu thương từ đời đời của Chúa Cha, Giáo hội đã được chuổn bị trong lịch sử giao ước với dân It-ra-el, để đến thời viễn mãn, Giáo hội được thiết lập trong sứ mạng của Chúa Con, cao điểm nhất chính là màu nhiệm Vượt Qua trong ngày lễ ngũ tuần, ngày mà Giáo hội được đầy tràn Thánh Thần [5]. Như vậy, để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Đức Ki-tô đã khai nguyên Nước Trời ở trần gian và mặc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Người, đồng thời cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ sự vâng phục của Người. Giáo hội nghĩ vương quốc Chúa Ki-tô đang hiện diện cách mầu nhiệm, vẫn luôn tăng trưởng cách hữu hình trong thế giới nhờ quyền lực của Thiên Chúa. Cội nguồn và sự tăng trưởng của Giáo hội được biểu thị bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn rộng mở của Đức Giê-su chịu đóng đinh trên Thập Gía và được tiên báo qua Lời Chúa nói về cái chết của Người trên Thập giá: Phần tôi, khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi [6]. Qua đó, cho ta thấy Giáo hội được công khai sáng lập trong ngày lễ Ngũ Tuần, đỉnh cao của việc sáng lập khi Thiên Chúa Ba Ngôi tiết lộ cách trọn vẹn sự hiện diện của Người ở giữa loài người. Cho nên sứ vụ của Giáo hội tại trần thế không phải thi hành cách mạch lạc theo ý riêng của mình nhưng thi hành nhân danh Chúa Ba Ngôi [7]. Giáo hội mang trên mình màu nhiệm Chúa Ba Ngôi, nên những ai qua bí tích rửa tội sẽ được thông phần với mầu nhiệm này. Nên khí nói đến Chúa Ba Ngôi là nói đến thân mình mầu nhiệm Giáo hội và khi nói đến Giáo hội là nói đến sự hiện diện đích thực của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính Thánh Phao-lô đã nói “Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người, và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1Cr 15,28). Có rất nhiều hình ảnh để nói về sự hiệp thông giữa Chúa Ba Ngôi và Giáo hội nhưng với đề tài này con xin được trình bày về 3 điểm: Giáo hội là dân Thiên Chúa, Giáo hội là Thân Thể Chúa Ki-tô, Giáo hội là đền thờ Chúa Thánh Thần.
1/ Giáo hội là dân Thiên Chúa
        Ngay từ khởi nguyên của công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển chim trời, gia súc, dã thu, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới mặt đất” (St 2,26). Một đặc ân cao vời mà Thiên Chúa đã ban cho loài người. Cũng có thể gầm hiểu một Giáo hội sơ khai trong sự tinh tuyền và ân sủng của Thiên Chúa ban cho nhân loại. Cũng có thể nói đây là một sự kết hợp giữa Giáo hội vô hình và Giáo hội hữu hình trong ý định yêu thương của Thiên Chúa. Từ Giáo hội này con người được đi vào trong mối thân tình với Thiên Chúa và Thiên Chúa đi vào trong lòng nhân loại. Khởi đầu công trình tạo dựng là một vẻ đẹp muôn màu được Ngài vẽ ra trong ý tưởng của Ngài, nhưng vẻ đẹp đó đã bị tự do của con người phá vỡ và làm cho vẻ đẹp thủa ban đầu của Thiên Chúa bị biến dạng trong sự tội của con người. Từ đó, tạo nên một khoảng cách giữa Giáo hội vô hình và Giáo hội hữu hình “bởi những thanh gươm sáng lóe” (x. St 3, 24). Khoảng cách này không phải là sự đoạn tuyệt của Thiên Chúa với nhân loại nhưng nói lên rằng: giữa Thiên Chúa và nhân loại không còn có mối tương quan thân mật nữa, để rồi bên này mà đến được với bên kia phải qua một trung gian nào đó. Chính vì thế,  trong lời trừng phạt của Thiên Chúa  dành cho “con rắn” đã mở ra một con đường với tràn đầy niềm hy vọng và tái thiết lại mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3, 15).
 Xuất chiều dài Kinh Thánh Cựu ước như là một sự chuổn bị để đón chờ biến cố trọng đại này. Khởi đầu, Ngài đã chọn dân It-ra-el làm dân riêng, đã thiết lập giao ước, dậy bảo họ dần dần bằng cách bày tỏ chính mình và ý định của mình qua lịch sử, đồng thời thánh hóa họ để dành riêng cho mình. Tất cả là hình bóng của một giao ước mới và hoàn hảo sẽ được kí kết trong Đức Ki-tô, được mặc khải cách trọn vẹn do chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể mang đến [8]. Không chỉ với dân It-ra-el nhưng còn với tất cả mọi người, bất cứ người nào kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành đều được Người đoái thương và tiếp nhận (x. Cv 10,35). Sỡ dĩ Ngài Chọn đích danh một dân tộc vì Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu độ con người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc, để họ nhận biết Người trong chân lý, và phụng sự Người trong sự thánh thiện [9]. Dân tộc này như là mẫu mực, để qui tụ hết thảy mọi người muốn tìm kiếm Người, thì cũng luôn noi gương bắt trước dân tộc Chúa đã chọn để tìm kiếm chân lý và phụng thờ Người. Như vậy, dân được tuyển chọn mạng trên mình sứ vụ làm chứng cho Thiên Chúa, là cánh cửa để các dân tộc khác nhận biết Thiên Chúa. Chính Ngài cũng cảnh báo cho dân tuyển chọn biết, không phải vì trong dân nay có nhiều người tài giỏi, nhiều người đạo đức. Tất cả những điều này đều không có nghĩa lý gì đối với Thiên Chúa. Ngài tuyển chọn dân này tất cả vì lòng yêu mến và giữ lời hứa với cha ông, cho nên dân được tuyển chọn đừng có kiêu ngạo đối với các dân tộc khác (x. Dnl 7, 7-8). Dân được tuyển chọn sẽ được tham dự vào 3 chức măng của Thiên Chúa: Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế [10]. Qua bí tích Rửa tội con người trở nên con cái của Chúa, con cái Giáo hội. Từ đó mỗi người có bổn phận phải mang Chúa đến với mọi người xung quanh bằng chính đời sống và gương lành của mình. Điều này đã được Thánh Phê-rô nhấn mạnh “ còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế, vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kì công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, đưa vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền ” (1Pr 2,9).
 Trong thư của thánh Phao-lô đánh giá “dân thiên Chúa” trước tiên cho dân Cựu ước, sau đó cho dân ngoại, thủa xưa “không thuộc về dân” và nay trở thành dân Thiên Chúa nhờ hội nhập vào Chúa Ki-tô qua Lời và bí tích. Còn một điểm tế nhị cuối cùng, trong lá thư thứ nhất gửi cho Ti-mô-thê, thánh Phao-lô xem Hội thánh là “nhà của Thiên Chúa” (1 Tm 3,15), đây là một định nghĩa thực sự nguyên thủy, vì gợi lên cho thấy Giáo hội như một cơ cấu cộng đoàn trong đó có những quan hệ liên vị nồng ấm mang tính chất gia đình. Thánh Phao-lô giúp chúng ta luôn hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm Giáo hội trong những chiều kích khác nhau về việc qui tụ của Thiên Chúa trong thế giới. Đó là sự vĩ đại của Giáo hội và là sự vĩ đại của ơn gọi chúng ta, chúng ta là Đền Thờ Thiên Chúa trong thế giới, nơi Thiên Chúa thực sự trú ngụ, đồng thời chúng ta là cộng đoàn, là gia đình của Thiên Chúa mà Người là Tình Yêu [11].
2/ Giáo hội là Thân Thể Chúa Ki-tô
        Biến cố nhập thể của Đức Ki-tô là biến cố quan trọng trương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đi vào với con người, tháp nhập vào trong thân phận yếu hèn của con người và đưa con người trở về với Thiên Chúa “Và đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su” (Lc 1,31). Chính điều này nói lên được, Giáo hội không phải ở một nơi nào khác nhưng Giáo hội ngay ở trong mỗi người “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao?” (x. 1Cr 6,15). Thân xác loài người hút trọn thân xác vẹn toàn của Đức Ki-to. Từ đó đưa cả con người bất toàn vào trong mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Một sự kết hợp cách tròn đầy giữa Giáo hội vô hình và Giáo hội hữu hình trong một thân xác vẹn toàn nơi Đức Ma-ri-a. Qua đó nói lên rằng: Giáo hội xuất hiện như người Mẹ hiền đồng trinh, luôn cung cấp các bí tích sinh lực cứu độ cho các tín hữu do Đức ki-tô trao ban[12]. Qua thân hình mầu nhiệm của Đức Ma-ri-a, tượng trưng cho tất cả mỗi người là chi thể của Giáo hội và được đón nhận một Thần Khí cách phổ quát từ Thiên Chúa “tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12,13). Nhưng thân hình Mầu Nhiệm sự sống ấy được thông truyền cho những người tin, nhờ các bí tích, họ thực sự được kết hợp cách mầu nhiệm với Đức Ki-tô khổ nạn và vinh hiển [13]. Giáo hội mời gọi tất cả mọi người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa mà trở về với Chúa. Chính bí tích thánh tẩy là của ngõ để Đức Ki-tô đi vào trong con người của mình, là của ngõ bước vào trong vinh quang với Thiên Chúa. Qua đó cũng cho ta thấy được Giáo hội là sự da dạng của nhiều chi thể, mỗi chi thể góp phần xây dựng và làm cho nước Chúa được lan tỏa “vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr12,27). Giáo hội không phải là sự hỗn loạn của nhiều chi thể, ai muốn làm gì thì làm nhưng Thiên Chúa đã ban cho mỗi chi thể một nhiệm vụ khác nhau, không ai giống ai, tất cả các chỉ thể này quy về một điểm đó là làm sáng danh Chúa và hợp nhất với nhau trong cùng một chi thể là Đức Ki-tô “Trong Hội Thánh Thiên Chúa đặt một số người, thứ nhất là các tông đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dậy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khá, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ” (1 Cr12,28). Các chi thể trong Giáo hội được hợp nhất với đầu là Đức Ki-tô “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô, và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh, mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1,22). Giáo hội tựa như cây đèn tỏa chiếu muôn dân, ánh đèn sáng ấy chính là Đức Ki-tô [14].
3/ Giáo Hội Là Đền Thờ Chúa Thánh Thần
            Thánh công đồng Vatiacano II đã nói về vai trò của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh. Khi công trình Chúa Cha trao phó cho Chúa Con thực hiện trên trần gian đã hoàn tất (x. Ga 17,4), Chúa Thánh Thần được cử đến vào ngày lễ Ngũ Tuần để không ngừng thánh hóa Giáo hội, và như thế, những kẻ tin sẽ đến với Chúa Cha qua Chúa Ki-tô trong cùng một Thánh Thần (x.Ep 2,18). Chính Ngài là Thần Khí sự sống, là mạch nước vọt lên đến sự sống vĩnh cửu (x.Ga 4,14; 7,38-39), nhờ Ngài, Chúa cha tác sinh những kẻ đã chết vì tội lỗi, cho đến khi Ngài Phục sinh thân xác phải chết của họ trong Đức Ki-tô (x. Rm 8,10-11). Chúa Thánh Thần ngự trong giáo hội và trong tâm hồn các tín hữu như trong đền thờ (x. 1Cr 3,16; 6,19). Ngài cầu nguyện trong họ và chứng thực họ là nghĩa tử (x. Gl 4,6; Rm 8, 15-16. 26). Chúa Thánh Thần dẫn đưa Giáo hội đến sự thật toàn vẹn (x. Ga 16,13), và hợp nhất với Giáo hội trong sự hiệp thông và trong tác vụ, Ngài xây dựng và hướng dẫn Giáo hội với nhiều hiện sủng và đoàn sủng khác nhau, Ngài trang điểm Giáo hội bằng các hoa quả của Ngài (x. Ep 4,11-12; 1Cr 12,4; Gl 5,22). Nhờ sức mạnh của Tin Mừng, Chúa Thánh Thần không ngừng canh tân và làm cho Giáo hội luôn tươi trẻ, dìu dắt Giáo hội đi đến sự kết hợp hoàn toàn với Phu Quân của mình. Thật vậy, Chúa Thánh Thần cùng Hiền Thê nói với Chúa Giê-su “Xin Ngài ngự đến” (x.Kh 22,17). Như vậy, Giáo hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hợp nhất khởi nguồn từ sự hợp nhất của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần [15]. Mọi chi thể trong Giáo hội được xây dựng trên nền tảng Chúa Ki-to và được Chúa Thánh Thần thánh hóa. Chúa Thánh Thần là nguyên lý của mọi hành động tác sinh và thật sự cứu độ trong từng thành phần của thân thể [16]. Ảnh hưởng của Ngài nằm ở chỗ thôi thúc, thu hút thế gian về với Chúa Con và Chúa Cha, hay nói cách khác, Ngài là “linh hồn” của lời cầu cũng như của mọi hoạt động tông đồ trong Giáo hội. Ngài kiến tạo động lực đẩy mạnh bước tiến hướng tới chân lý viên mãn (Ga 16,13), bởi Ngài là “Thần Khí của chân lý” (Ga 14,16-17). Và vì chân lý là Đức Ki-tô (x. Ga 14,6), cho nên Thần Khí làm chứng về Đức Giê-su (x. Ga 15,26-27). Trong Giáo hội, Ngài là mối dây liên kết đầy sức sống ràng buộc các chi thể của thân mình Đức Ki-tô. Qua các bí tích, sức sống này được thông ban cho các tín hữu [17]. Thần Khí thúc đẩy Giáo hội cộng tác thực hiện trọn vẹn ý định của Thiên Chúa là Đấng đã đặt Đức Ki-tô làm nguyên lý cứu độ cho toàn thế giới. Bằng việc rao giảng Tin mừng, Giáo hội chuổn bị tâm hồn những người nghe để họ đón nhận và tuyên xưng đức tin, giúp họ sẵn sàng lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự lầm lạc, nhập hiệp họ vào Đức Ki-tô, để nhờ đức ái, họ tăng trưởng trong Người cho đến khi đạt tới tầm vóc viên mãn [18].
4/ Kết luận
           Đây là một đề tài rất rộng lớn và quan trọng. Có rất nhiều các nhà thần học quan tâm và khai triển để tài này. Dương như các ý tưởng trong bài của con không có gì mới ngoài việc tìm hiểu và trích dẫn các tử tưởng của các tác giả, cách đặc biệt là đối với Thánh Công đồng và sách Giáo lý Hội thánh Công giáo. Khi tìm hiểu các tư tưởng của các tác giả giúp con yêu mến Chúa và Giáo hội hơn. Qua đó cũng nhắc nhớ con ý thức hơn về thân phận của mình. Qua bí tích rửa tội, con được trở thành con Chúa và sống trong lòng Giáo hội, đó chính là nhiệm thể Chúa Ba Ngôi. Mang trên mình sứ vụ của Chúa không những tìm hiểu để tăng thêm đức tin cho mình mà con có một bổn phận là loan truyền đức tin con đã lãnh nhận cho tất cả mọi người, cách đặc biệt là những người chưa nhận biết Chúa. Đề từ đây có thể quy tụ tất cả về với Chúa trong sự hợp nhất với chi thể Chúa Ba Ngôi.  
Tài liệu tham khảo
1/ Kinh Thánh Trọn Bộ. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch.
2/ Công Đồng Vaticano II, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin dịch.
3/ Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo,Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin dịch.
4/ Giáo Hội Học, Felipe Gómez, SJ.
5/ Giáo hội qua các tác giả.
6/ Giáo hội học của Lm Aug. Hoàng Đức Toàn.
7/ Giáo hội như là dấu chỉ bí tích của Lm Anton Hà Văn Minh.
8/ Mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi của Lm Aug Nguyễn Văn Trinh.
9/ Giáo hội giàu lòng thương xót của Đức Thánh Cha  Phanxico, do Aug Nguyễn Minh Triệu dịch.
       





[1] Thánh Công Đồng Vaticano II, (ủy ban giáo lý đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dich )Hiến Chế Lumen Gentium, 4, 72.
[2] FeLipe Gómez, S.J. giáo hội học. Anton và Đuốc Sáng, 2006, 62.
[3] FeLipe Gómez, S.J. giáo hội học. Anton và Đuốc Sáng, 2006, 53.
[4] Sách giáo lý giáo hội công giáo (hội đồng giám mục việt nam- ủy ban giáo lý đức tin dịch) , NXB tôn giáo, Số 759
[5] Sách giáo lý giáo hội công giáo (hội đồng giám mục việt nam- ủy ban giáo lý đức tin dịch) , NXB tôn giáo, Số 759
[6] Thánh Công Đồng Vaticano II, (ủy ban giáo lý đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dich )Hiến Chế Lumen Gentium, 3, 71.
[7] FeLipe Gómez, S.J. giáo hội học. Anton và Đuốc Sáng, 2006, 62.
[8] Hiến Chế Lumen Gentium, số  9, 83.
[9]  Sách giáo lý giáo hội công giáo (hội đồng giám mục việt nam- ủy ban giáo lý đức tin dịch) , NXB tôn giáo, Số 781.
[10] Sách giáo lý giáo hội công giáo (hội đồng giám mục việt nam- ủy ban giáo lý đức tin dịch) , NXB tôn giáo, Số 783.
[11] ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI, Huấn từ của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI về thánh Phaolo, Lm, Aug NguyễnVăn Trinh dịch, Nxb tôn giáo, 106.
[12] Giáo hội  học qua các tác giả, tr 151.                                                        
[13] Thánh Công Đồng Vaticano II, (ủy ban giáo lý đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dich )Hiến Chế Lumen Gentium, 7, 77.
[14] FeLipe Gómez, S.J. giáo hội học. Anton và Đuốc Sáng, 2006, 57.
[15] Thánh Công Đồng Vaticano II, (ủy ban giáo lý đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dich )Hiến Chế Lumen Gentium, 4, 72.
[16] Piô XII, thông điệp Thánh Thể: DS 38008.
[17] FeLipe Gómez, S.J. giáo hội học. Anton và Đuốc Sáng, 2006, 60.
[18] Thánh Công Đồng Vaticano II, (ủy ban giáo lý đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dich ) Hiến Chế Lumen Gentium, 17, 99.

Không có nhận xét nào: