Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

TÌNH YÊU CON NGƯỜI

                                                                                 Ant Nguyễn Công Chính
I/ Bản văn (Lc 6  27-46)
Yêu kẻ thù
27 "Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. 31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. 35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
Phải có lòng nhân từ
36 "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."
Mù mà lại dắt mù. Cái rác và cái xà
39 Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? 40 Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. 41 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? 42 Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!
Cây nào trái ấy
  43 "Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. 44 Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! 45 Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.
II/ Chú giải
          Trong đoạn yêu kẻ thù: Nói lên một tình yêu vô vị lợi chứ không phải là một tình yêu “cho để được cho lại” theo thói quen người đời thường hay làm. Đức Giê-su đòi tình yêu phải “vượt qua” mức bình thường đến độ “ai đoạt áo ngoài, hãy cho luôn cả áo trong, ai vả mà bên này, hãy giơ cả má bên kia nữa, ai lấy cái gì của anh thì đừng đòi lại, ai muốn làm cho người ta, thì hãy làm cho người ta trước”. Một lối sống cho đi tất cả để đoạt lấy sự sống nơi Đức Ki-tô.
          Có lẽ Mattheu và Luca đã lấy nguồn những giáo huấn này ở Q, nhưng bản văn của Luca gọn hơn bản văn của Mattheu và áp dụng cho dân ngoại, trong khi Mattheu áp dụng cho dân Do-thái, như là các quy tắc nền tảng của căn tính Ki-to hữu. Cả Mattheu lẫn Luca cho thấy phải đạt được mức hoàn thiện như thế, mới xứng đáng là con của Đấng Tối Cao.
          Lòng nhân từ: Từ ngữ oiktimon có thể được dịch là “lòng nhân từ”. Như ta thấy ở sách Jac 1,16 và Isaia 63,15 trong bản LXX và trong Rm 2,1 ; Cr 1,3 . Pl 2,1; Col 3,12 đều nói về lòng thương xót và từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Từ thương xót này diễn tả những “cảm xúc” có nơi con người như ở Tv 50,1 ;102,13 ;115,5 và Hs 2,21 và từ này nối kết với từ nhân hậu xót thương ở câu trước (Lc 6,35).
          Vấn đề xét đoán, lên án, tha thứ ta cần để ý đến các từ ngữ không được viết ra ở đây là “người khác” cũng như “để khỏi bị” ở thể thụ động để nói đến việc làm của Thiên Chúa theo cách nói Kinh Thánh thường diễn tả như vậy. Thí dụ: Anh em đừng xét đoán (người khác), thì anh em sẽ không bị (Thiên Chúa) xét đoán. Trong khi nguyên bản chỉ nói “đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán”. Đó là cách nói phổ thông trong Tân ước như ta thấy ở Lc 9.26 ;14,38. Về vấn đề xét đoán này có thể xem thêm Mt 7,1 ; 14,4 và đặc biệt trong Jac 4,12;5,9.
          Cũng vậy “hãy cho đi thì sẽ được Thiên Chúa cho lại” trong khi ở Mattheu là: “xin thì sẽ được” (Mt 7,7) và trong thư (Jac1,5) “hãy cầu xin Thiên Chúa thì người sẽ ban cho”. Còn ở (Lc 11,9) cũng nói: “anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho”. Rất tiếc trong phúc âm Mattheu không có phần tích cực “hãy cho” mà chỉ có phần “xin thì được, tìm sẽ thấy, gõ sẽ mở”. Theo cách thức của Luca thì lòng quảng đại “hãy cho” sẽ được Thiên Chúa “đong lại” bằng “đấu” đủ lượng, đã dằn đã lắc và tràn đầy, mà đổ vào vạt áo anh em, nói lên sự quảng đại vô biên của Thiên Chúa.
          Sau những lời dậy dỗ trên, Đức Giesu lại dùng dụ ngôn để nói ở (Lc 6,39) về người mù dắt người mù. Đây là cách nói có tính cách ngạn ngữ, hay cách nói ám chỉ như chúng ta đã thấy, chuỗi câu nói như vậy ở (Lc 8,39.41.43.44.47-49). Theo cách nói của Marco thì đó là cách nói bằng dụ ngôn vì “người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn” (Mc 4,34).
          Qua trình thuật trên ta nhận thấy: người Ki-to hữu phải có lòng nhân hậu và thương cảm như Thiên Chúa đã bày tỏ lòng thương xót đối với người khác. Nhưng đoạn văn chương này mang tính “khôn ngoan” hơn là tính chất “ngôn sứ”. Trong đó các giới luật nối tiếp nhau theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Và ta thấy các mối quan tâm tiêu biểu đối với các việc làm diễn tả đặc tính nào đó hay một tâm tư nào đó, dựa theo việc làm, chứ không phải dựa theo lời nói, để xác định đâu là sự xác tín đối với giáo huấn và đâu là những điều đã học được với tư cách là một hướng dẫn hay giúp nhau sửa đổi lẫn nhau.
          Việc cấm đoán không được xét đoán và kết án không dựa trên phẩm chất tối ưu của các các nhân vật hay dựa trên việc lượng giá không ngoan về các hệ quả. Việc hạn chế không kết án người khác không phải là vì để tránh cho họ đừng kết án lại mình, nhưng là để cho Thiên Chúa sẽ không kết án chúng ta. Cũng vậy. việc “cho đi” hay việc “tha thứ” sẽ được Thiên Chúa trả lại cho một cách quảng đại. Điều làm cho chúng ta thức tỉnh  nhất là: Thiên Chúa sẽ “đong” cho chúng ta theo cách thức chúng ta sẽ “dong” cho người khác trong mối tương quan giữa chúng ta với nhau.
III/ Áp dụng
          Qua đoạn Tin mừng trên, Chúa Giê-su mời gọi mỗi người sống yêu thương nhau. Đây là giới răn quan trọng nhất đó là “mến Chúa và yêu người”. Qủa thực, nếu chúng ta không yêu những người chúng ta nhìn thấy thì làm sao có thể yêu được một Đấng vô hình. Con người được mời gọi sống cùng, sống với và sống cho. Ba mối tương giao này gắn kết con người lại với nhau. Từ đó, chúng ta tiến tới một tình yêu cao cả hơn đó chính là tình yêu nơi Đức Ki-tô. Chính Ngài đã từ bỏ tất cả để đến với con người, chấp nhận làm thân phận con người, chấp nhận những gì là xấu nhất để cho con người được hưởng sự lành, cao cả hơn là chấp nhận hy sinh cả mạng sống mình để dành lại sự sống cho con người.
          Trong cuộc đời rao giảng của Ngài, có biết bao người chống đối, nhưng Ngài vẫn chấp nhận để cho Lời của Ngài được đến với muôn dân, Ngài chấp nhận bị người đời sỉ vả còn hơn là con người sống trong tình trạng tội lỗi.
          Trong ngày thứ 6 Tuần Thánh, ta được nhớ lại cuộc thương khó của Chúa. Tội lỗi loài người đã đè trên đôi vai hao gầy của Chúa. Một sự cô đơn đến tột cùng, xung quanh toàn là những con người tội lỗi, muốn xâu sé thân xác Ngài. Ngài không một lời khiển trách, vẫn chấp nhận, Ngài đã thể hiện hết tình yêu của mình dành cho mọi người, ngay cả những con người đáng ghét nhất. Ngài chỉ quay lại mà nói: Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm. Một tình yêu hy sinh đến tận cùng nhất, lấy thân xác của mình để đành lấy sự sống cho con người, nhưng loài người nào đâu có nhận ra.
          Trong cuộc sống mỗi người, nói về yêu thương thì thật là dễ nhưng để hành động vì tình yêu thì thật sự là rất khó. Mình chỉ yêu thương những người yêu thương mình mà thôi, chứ yêu thương cả những người ghét mình thật sự khó cho mỗi người. Gỉa như, trong cuộc sống, luôn có những người tìm mọi cách để làm hại mình thì làm sao có thể yêu thương được. Con người ai cũng có lòng tự trọng, chẳng ai mà khi người khác vả má mình mà lại dơ cả má kia cho người ta vả cả. Kiểu gì mình cũng phải chơi lại người ta ngay tức khắc. Của cái mình làm ra, khi người khác vay mà không đòi lại sao được. Qủa thât, nếu là con người phàm thì làm sao có thể làm được, nhưng nếu chúng ta luôn tin tưởng vào tình yêu của Chúa thì tất cả mọi thứ chúng ta sẽ làm được. Chúng ta hãy nói gương Chúa Giê-su để thấy được một tình yêu cao cả. Hãy yêu thương kẻ thù bằng tất cả tình yêu mà Thiên Chúa dành cho ta. Đây là cách thể hiện căn tính người Ki- tô hữu cho những người xung quanh. Qua đó, họ sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Ki-tô. Chúng ta hãy khiêm tốn để cho Chúa Ki-tô được lớn lên trong con người chúng ta. Qủa thực, nếu chúng ta yêu thương những người yêu thương mình thì ngay cả những người tội lỗi cũng làm được như vậy “Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế” (Lc 6,33). Cho nên, người Ki-tô hữu được mời gọi sống yêu thương với tất cả moi người, ngay cả kẻ thù của mình. Hình ảnh Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II, cho ta thấy về hình ảnh sự yêu thương, khi Ngài khỏi bệnh, ngài đã đến tận nơi người sát hại Ngài để tha thứ và tỏ lộ tình yêu của Ngài đối với người này. Vâng, quả thực, sau đó con người này đã ăn năn trở lại và trở thành người Ki-tô hữu tốt. Từ đó, chúng ta phải làm cho Lời của Chúa được lớn lên trong con người của mình bằng một tình của của Đức Ki-tô.
          Con người ai cũng muốn xét đoán hay kết án người khác, đó cái thường tình của con người. Đối với Chúa Giê-su thì Ngài nói: “Chớ xét đoán, để khỏi bị xét đoán”(Mt 7,1; Lc 6,37). Khi nghe câu này chúng ta không khỏi ngạc nhiên, một lời nói có vẻ trái tai, với nhiều mâu thuẫn và nghịch tự nhiên đến thế. Nhưng chúng ta đừng cắt xén lời Chúa, đừng chỉ dừng lại ở câu này mà phải đọc tiếp cho hết ý: “Vì các con xét đoán thế nào thì cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và các con đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng đong cho các con bằng đấu ấy”(Mt 7,1-2). Như thế, Chúa cũng khuyến khích chúng ta xét đoán đấy chứ, nhưng phải xét đoán theo cách của Ngài, một kiểu xét đoán đầy bao dung thương mến. Vì, ta sẽ “được” hay “bị” Thiên Chúa xét xử, đều do chính cách xét đoán của chúng ta đối với người khác.[1]
 Nói cách khác, chúng ta đang xây dựng đời mình bằng chính chất liệu do chính chúng ta kiến tạo. Quảng đại vị tha hay hẹp hòi ích kỷ, khoan dung độ lượng hay tìm lỗi của người khác để lên án. Xét đoán là một quà tặng quí giá của Thiên Chúa, nhưng món quà  ấy sẽ biến thành gánh nặng đè bẹp trước tiên chính người có nó, nếu không biết sử dụng cho nên. Vì thế, Thánh Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận đã viết: “Có một sáng suốt đáng buồn, khi chỉ nhìn thấy những điều xấu nơi người khác. Cũng có một xét đoán đầy yêu thương, khi đã nhìn thấy những điểm sáng tốt đẹp, ngay từ nơi bóng tối những điều không tốt đẹp của người anh em mình”. Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nên mỗi con người sống xung anh ta chính là hình ảnh của Ngài. Chúng ta không có quền trên sự sống của người khác ngoại trừ mình Thiên Chúa mới có quyền. Nên chúng ta hãy nhìn những điểm tốt nơi những người anh em của mình chứ đừng nhìn những điều xấu để rồi chỉ trích nhau. Nếu chúng ta xét đoán anh em mình thì chính là lúc chúng ta đang xét đoán chính Thiên Chúa.
 Chúng ta xét đoán hay khuyên bảo người khác để cho họ sống tốt hơn mà mình lại chưa tốt thì điều này chúng ta không nên làm cho người khác, kẻo rồi đức tin hay lời khuyên của mình sẽ đẫn người đó mất đức tin và đi lạc con đường Chúa đang mời gọi. Chính Ngài đã nói “mù mà dắt mù được sao? Lẽ nào lại không xa xuống hố ?” (x.Lc 6,39). Thật vậy, đây cũng là điều Chúa Giê-su cảnh báo tới các Môn đệ theo Chúa, là những người trực tiếp hướng dẫn đức tin cho công đoàn, mà niềm tin không hơn thì quả là điều đáng sợ nhất. Đó là một lời cảnh báo và một lời khuyên các môn đệ hãy khiêm tốn đừng có kiêu ngạo ta đây, hãy lấy Đức Ki-tô là đầu và điểm quy chiếu để hướng dẫn cộng đoàn. Đó cũng là lời cảnh báo cho mỗi người chúng ta, theo Chúa nhưng lại không thực hành ý Chúa thì chúng ta sẽ phải chịu hậu quả trước nhan Thánh Ngài. Mỗi người Ki-tô hữu có nhiệm vụ mang Đức Ki-tô đến với mọi người nhưng chúng ta lại không biết Đức ko-tô thì làm sao có thể truyền đạt lại cho người khác được.
Qua đoạn Tin mừng trên, Chúa mời gọi, mỗi người hãy sống đúng căn tính của người Ki-tô hữu là thực hành các giới răn của Ngài. Một trong những giới răn quan trong nhất được tóm lại hai điều đó là “mến Chúa và yêu người”. Hãy lấy tình yêu của Đức Ki-tô mà hành động, để chúng ta bước đi trong đường lối của Ngài.




[1] WWW/hpp: yêu mến những người khác và chấp nhận những dị biêt. Bài của anh cả Dallin H.oaks.