Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA KHOA HỌC VÀ THẦN HỌC

                                                 Anton Công Chính
I/ Dẫn nhập:
       Con người ngày hôm nay đang sống trong sự phát triển tột bậc của khoa học kĩ thuật. Chính điều này cũng làm cho nhận thức của con người càng được biến đổi, muốn được khám phá những gì là bí ẩn nhất. Con người ngày nay không còn nghĩ đến ăn no mặc ấm nữa mà nghĩ tới ăn ngon, mặc đẹp. Với sự thay đổi của môi trường thì con người cũng thay đổi để phù hợp với những ngoại cảnh xung quanh. Vì vậy, khoa học là câu trả lời cho những thắc mắc mà con người đang muốn tìm tòi và khám phá. Những gì là thực tại trước mắt đều được khoa học giải thích. Chính điều này, cũng làm cho đức tin người ki-tô hữu có phần xáo trộn, họ cũng muốn tìm tận căn tín ngưỡng mình đang theo là gì?. Rồi hàng loạt những câu hỏi có thể đặt ra cần người trả lời cho niềm tin của mình. Con người sinh ra từ đâu ? sống ở đời này để làm gì ? và chết đi về đâu ?. Thần học Ki-tô giáo là câu trả lời và làm sáng tỏ cho những câu hỏi trên. Qua đó, cho ta thấy dường như khoa học nhằm giải thích rõ hơn những thực tại mà người Ki-tô hữu đang hưởng dùng. Thần học Ki-tô giáo làm rõ các Mạc Khải. Trở về với Mạc Khải khởi nguyên, đó là qua các thụ tạo. Qua đó cho ta thấy, khoa học và thần học giống như gọng kìm, nhằm giải thích một sự kiện để đưa ra những gì là chân thực nhất. Để thấy được sự tương giao này, con sẽ đi vào chi tiết để thấy được sự trợ giúp giữa hai thành phần này.
II/ Nội Dung
A/ Định nghĩa chung
 a/ Khoa học là gì:
Khoa học nghiên cứu nhiều lĩnh vực. Tất cả chỉ dựa trên những gì quan sát được, để rồi đưa vào thí nghiệm, thực nghiệm. Qua đó đưa ra các định luật.
Đối tượng của khoa học tự nhiên bao gồm : vật lý, hóa học, thiên văn, sinh vật học, động vật học…
Đối tượng của khoa học xã hội gồm : khoa học nhân văn, khoa học tinh thần, tân lý học…
Qua đó ta có thể nói : Khoa học là một hệ thống kiến thức được liên kết với nhau cách mạch lạc và cùng quy về một đối tượng nào đó mà họ nghiên cứu.[1].
b/ Thần học là gì :
Để nói một định nghĩa cho chính xác thần học là gì quả thực là điều rất khó vì thần học Ki-tô giáo tìm hiểu về Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng vô hình. Mỗi người tìm về Thiên Chúa đều có những định nghĩa cho mình mà không đi sai lạc các Mặc Khải của Thiên Chúa thì đều được cho là đúng.
Theo Thánh Augustino định nghĩa : Thần học là sự khảo luận của lý trí liên quan đến Thiên Chúa.
Theo Karl Rahner định nghĩa : Thần học là khoa học của đức tin, nó là một sự giải thích và khai triển có ý thức và phương pháp của Mạc Khải được lãnh nhận trong đức tin.
Theo Charles Ryrie định nghĩa : Thần học là nghĩ về Chúa và diễn tả những ý nghĩa đó trong một cách nào đó.
B/ Các nghiên cứu của khoa học và thần học
1/ Khoa học xã hội :
a/ Trí thức nghiên cứu :
Khoa học dùng lý trí con người tự nhiên của mình để nghiên cứu những gì đã  thấy. Tất cả những gì quan sát và tìm kiếm được, thì các nhà khoa học mới có thể dùng lý trí của mình để phân tích và tìm hiểu. Chính lý trí con người mới là câu trả lời. Tất cả các thông tin phải nắm được chính xác và thâu tóm được chính vấn đề đang tìm kiếm mới có thể xác định một cách chắc chắn nhất, ngoài những gì không nắm bắt được thì tất cả chỉ là hư ảo, không có thực. Có những vấn đề các nhà khoa học mất hàng ngàn năm vẫn không tìm ra được câu trả lời. 
Qua đó ta thấy được, để có một kết luận chính xác, các nhà khoa học phải trải qua biết bao giai đoạn. Đối với các nhà khoa học, lý trí con người là nguồn phát sinh mọi sáng tạo và có thực nhất, ngoài những điều đó ra chỉ là một điều hư ảo trước mắt.
b/ Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng chính của khoa học là vật chất. Tất cả những gì ở xung quanh đều là nhu cầu cần thiết, nếu không có các đối tượng này thì không thể làm được. Để quan sát được các tinh tú trên bầu trời, thì cũng phải nhờ trung gian là những gì đã có. Các nghiên cứu của khoa học chỉ giới hạn trong thời gian, không gian nhất định và chỉ trong phạm vi vấn đề cần nghiên cứu. Chính vì thế, khoa học dường như đụng chạm tới Kinh Thánh, cách đặc biệt đụng chạm đến 11 chương đầu của sách Sáng thế. Khoa học dường như đang đi tìm về nguồn, nguồn phát sinh mọi sự ở trên trái đất này, kể cả con người. Các nhà khoa học đã đưa ra một giả thuyết, mọi sự có mặt ở trên trái đất này do vụ nổ Bibang, chính các phần tử trong vụ nổ này là nguồn phát sinh mọi sự. Nhưng trên thực tế mọi lý lẽ mà các nhà khoa học đưa ra đều không hợp lẽ và không giải đáp hết được các thắc mắc cho con người. Đó chỉ là lý thuyết của ảo tưởng. Qua đó, càng cho ta thấy được có bàn tay của Thiên Chúa đã làm nên các công trình này, ngoài Ngài ra không có ai và không có nguyên lý nào làm nên vũ trụ này. Ngày nay, khoa học còn nghiên cứu về sự chết của con người. Điều này cũng không cho ta thấy được điều gì, ngoài kết luận là chính Thiên Chúa hướng dẫn và dẫn đưa Linh hồn về với Thiên Chúa.
c/ Khoa học biết có Thượng đế.
Qua những nghiên cứu nhờ thụ tạo, khoa học chỉ biết có bàn tay của Thượng Đế đứng sau những công trình này. Chính Niuton đã phải thốt lên “Tôi thấy Thiên Chúa đi qua ống kính viễn vọng của tôi”. Các nhà khoa học càng đi tìm kiếm những thực tại càng cho ta thấy được ngoài Thiên Chúa ra không ai có thể làm được. Con người chỉ là người được thừa hưởng những gì mà Ngài đã làm nên. Qua những gì con người làm, đó là sự cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Chính họ đã làm nên từ cái có để trở nên cái có. Còn Thiên Chúa làm nên từ không mà có. Chính cái có này, mà con người được mời gọi thực hiện vào công trình của Ngài. Con người dù có giỏi đến đâu cũng nhờ Thiên Chúa để con người đó được phục vụ những con người khác. Qủa thật, chúng ta được biết những công nghệ do các nhà khoa học nghiên cứu cũng chỉ nhằm mục đích mưu sinh và phục vụ con người với nhau mà thôi. Qua trung gian này, giúp ta được tiếp cận gần hơn với Thiên Chúa. Con ngươi bất toàn không thể nhìn trực tiếp với Thiên Chúa nhưng qua trung gian là các thụ tạo mà ta nhận biết có Thiên Chúa, chính Ngài đã ban sức sống cho ta.
2/ Thần học Ki-tô giáo
 a/ Tri thức nghiên cứu:
         Đối với các nhà Thần học Ki-tô giáo, không dùng lý trí tự nhiên của mình để làm sáng tỏ vấn đề nhưng dùng lý trí được đức tin soi sáng. Chính đức tin là nền tảng và điểm quy chiếu để hướng dẫn lý trí thực hiện các nghiên cứu. Lý trí không có đức tin được soi sáng thì những nghiên cứu của các nhà Thần học chỉ là một lý thuyết ảo tưởng chứ không thực tế.
         b/ Đối tượng của Thần học
         Thần học Ki-tô giáo dựa trên các Mạc Khải đế nghiên cứu. Chính Mạc khải là nguồn chính của Thần học Ki-tô giáo. Mạc khải qua tạo dựng. Qua công trình này Thiên Chúa tỏ mình ra qua các tạo vật. Đỉnh cao của công trình tạo dựng chính là con người, con người chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Qua con người, Thiên Chúa đặt để con người trông coi mọi tạo vật Thiên Chúa dựng nên. Sau khi con người sa ngã Thiên Chúa không bỏ rơi con người nhưng tiếp tục ban ơn cứu độ cho con người. Qua đó, cho ta thấy Mặc khải về Ngôi Lời Nhập Thể. Trình thuật những chương đầu của sách Sáng thế cho ta biết rõ điều này. Cho nên Thần học Ki-tô giáo dựa trên những Mạc khải để cho ta thấy rõ hơn về Thiên Chúa.
         c/ Thần học Ki-tô giáo tin có Thiên Chúa.
         Thần học Ki-tô giáo biết có Thiên Chúa là duy nhất và Thiên Chúa có Ba Ngôi. Vì yêu thương con người, nên Thiên Chúa đã sai chính con một yêu dấu của Người xuống để cứu độ con người. Qua đó đưa con người trở về với tình yêu bao la mà Thiên Chúa luôn dành cho con người. Ba Ngôi Thiên Chúa làm nên mọi sự và cho con người được thông phần với công trình này. Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa. Thánh Irênê cho ta thấy Thiên Chúa rất gần với con người. Chính Ngài đã xuống để ở với con người, chấp nhận thân phận tội lỗi của con người, để tẩy rửa con người khỏi tội “điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm, khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm8,3).
3 Một vài nhận định Khoa học có vai trò làm phát triển Thần học.
       Qua những tìm hiểu cụ thể của Khoa học và Thần học nói trên. Cho thấy khoa học và thần học không có sự đối kháng nhau nhưng bổ trợ và giúp nhau làm sáng tỏ hơn các vấn đề. Khoa học dùng lý trí của con người để nghiên cứu những thực tại đã có sẵn trong tự nhiên. Khoa học chỉ nhằm giải thích những sự tò mò của con người, những gì đang diễn ra xung quanh mình nhưng không thể chỉ có con người thấy được nguyên nhân cuối cùng của sự vận hành này. Chính thần học giúp con người sáng tỏ hơn nguyên nhân cuối cùng của sự vận hành này và những gì con người đang hướng tới. Đức tin giúp con người vừa hướng về Thiên Chúa, vừa hướng về thế giới thụ tạo, thế giới của kinh nghiệm nhân sinh [3]. Khoa học dùng lý trí con người để suy luận, nghiên cứu. Thần học nhằm giải đáp nguyên nhân cuối cùng của những công trình ấy.
       Khoa học nhờ những gì đã có sẵn trong tự nhiên để nghiên cứu và tìm hiểu. “Đây được xem như là việc cộng tác của con người vào công trình sáng tạo và tiếp tục sáng tạo của Thiên Chúa. Trong cuộc sống dương gian, Đức Giê-su bày tỏ mình như là vị Thiên Chúa luôn quan tâm đến tất cả các chiều kích của thế giới loài người, chứ không phải là vị Thiên Chúa chỉ hiện diện và hoạt động trong những khoảng thời gian, không gian, môi trường và quan tâm đến một số chiều kích nhất định. Thiên Chúa đã Mạc Khải cho nhân loại về những tương quan trong thế giới thụ tạo nói chung và trong thế giới loài người nói riêng từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Sự hiện diện và hoạt động của Người nhằm cải thiện và đem lại sự hòa hợp trong các tương quan này” [4]. Qua đây, cho ta thấy được khoa học cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo, những nghiên cứu và tìm hiểu nhằm mục đích phục vụ con người với nhau. Mỗi con người dương thế, Thiên Chúa ban cho mỗi người cách khác nhau, chính sự khác nhau này mới tăng thêm sự phong phú cho cuộc sống con người. Tất cả chỉ để phục vụ con người và cùng nhau hướng tới một điều tốt đẹp nhất. Khoa học khai mở nguyên nhân và Thần học đúc kết nguyên nhân, hai phạm trù này đi ngược chiều nhau nhưng bổ trợ nhau nhằm đưa lại cho con người những gì là hạnh phúc nhất.
       Chính nhờ những tiến bộ của khoa học như khảo cổ, thiên văn, địa chất mà người ta đã nhận rõ: Thánh Kinh là một kho sách quý giá, chứa đựng những kiến thức về Mặc Khải Ki-tô giáo. Kinh Thánh là một loại văn bình dân chứ không phải là loại văn khoa học [5]. Qua đó, ta có thể nhận thấy khoa học và thần học không có sự mẫu thuẫn nhau, nhưng còn giúp cho khoa học nhận ra những phạm vi đúng về đối tượng nghiên cứu của mình. Trong Tông Huấn loan báo Tin Mừng số 18 cũng nhấn mạnh “mọi lãnh vực của cuộc sống con người như: Văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội… đều là những đối tượng của Phúc Âm hóa. Bởi vì, Phúc Âm hóa là đem Tin Mừng vào trong mọi lãnh vực của nhân loại, và nhờ sự tiếp xúc này sẽ làm thay đổi từ bên trong, đổi mới chính nhân loại”.
       Khi nghiên cứu có những điều các nhà khoa học không thể đi đến kết luận cuối cùng, thì họ nhìn nhận chỉ có Thượng đế mới có thể cho họ câu trả lời. Đặc biệt thấy rõ khi nghiên cứu về sự sống và sự chết của con người. Con người không thể sống mãi trên trần gian, dù cách nào đi nữa cũng không thể níu kéo con người ở lại trần gian mãi mãi. Sự sống sau khi chết là gì ? đây cũng là một trong những vấn đề mà khoa học hằng ngày vẫn tìm kiếm và dường như không thể có câu trả lời. Chính Thần học là câu trả lời cho khoa học. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu được con người. Khi kết thúc cuộc sống này chính Thiên Chúa tiếp nhận sự sống này.

Sách tham khảo
1.  Tập san Đức Tin và Văn Hóa. Số 3, tháng 5 năm 2014. Đại Chủng Viện Vinh Thanh.
2.  Tổng Luận Thần Học, Thánh Thomas Aquino. Dịch giả: JOACHIM Nguyễn Văn Liêm, O.P. Nhà xuất bản TP. HCM năm 2001.
3.  Dẫn vào Thần học. Lm. Nguyễn Văn Tuyên. NXB Tp. Hcm.
4.  Dẫn vào Thần học. Thomas P.Rausch, S.J. Nhà xuất bản Tôn giáo.
5.  Đức Tin Tìm Kiếm Sự Hiểu Biết. Biên dịch: Lm Nguyễn Luật Khoa. OFM. Nhà xuất bản Phương Đông.
6.  Nguyên Lý Của Thần Học Công Giáo. Hồng y Joseph Ratzinger. Biên dịch: Lm Nguyễn Luật Khoa. OFM. Nhà xuất bản Phương Đông.




[1]Lm. Nguyễn Văn Tuyên,  Dẫn vào Thần học,  NXB Tp. Hcm.
[2] ThacS. Nghiêm Xuân Huy, “Vai trò của kiến thức thông tin đối với khoa học”, http://www. Thuvienquocgiavietnam.vn. Truy cập ngày 15/01/2015.
[3] Phêrô Nguyễn Văn Viên, “Tập San Đức Tin và Văn Hóa”, Số 3( tháng 5/2014), Đại Chủng Viện Vinh Thanh . Tr 20
[4] Phêrô Nguyễn Văn Viên, “Tập San Đức Tin và Văn Hóa” . Tr 21.
[5]Trung Tâm Học Viện Đa minh, Mục vụ Huấn giáo, Tr 77.