Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

SUY NIỆM CON THUYỀN TRUYỀN GIÁO ĐẦU TIÊN TỚI ĐÀNG NGOÀI

Anton Công Chính
        Biến cố ngày 19.03.1627 là một biến cố hết sức quan trọng đối với Đàng Ngoài nói chung và đối với Cửa Bạng, Thanh  hóa  nói riêng được đón nhận Tin mừng đầu tiên từ cha Đắc Lộ và cha Marquez . Qua biến cố này cũng cho con thấy bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, chính Ngài đã dìu dắt và đưa con thuyền của hai nhà truyền giáo trải qua giông tố, bão bùng trên biển khơi cập bến an toàn. Đây cũng là điều mà con tâm đắc trước khi con bước chân vào đời sống tu. Dù có khó khăn, gian khổ đến đâu nếu con người biết cậy trông, bám víu nơi Thiên Chúa thì sẽ vượt qua tất cả. Từ đây cho con những suy niệm về hành trình từ khi rời bến đậu cho đến ngày cập bến của con thuyền truyền giáo đầu tiên tới Đàng Ngoài nói chung và cách riêng là Cửa Bạng, Thanh hóa.
 Ngày 12.03.1627 là ngày lên đường của hai cha Đắc Lộ và cha Marquez từ Ma-cao đi xứ bắc [1]. Như là cuộc hành trình của tổ phụ Ap-ra-ham hay của dân It-ra-en xưa. Cũng thế, trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giê-su, Ngài luôn dùng phương tiện thuyền để phục vụ công việc rao giảng. Cũng vậy, cuộc hành trình truyền giáo của hai vị đến Đàng Ngoài cũng bắt đầu với chiếc thuyền. Đây không phải là tàu của Bồ Đào Nha, với đầy đủ mọi phương tiện để chống chọi với sóng dữ biển khởi. Nhưng đây chỉ là một con thuyền thô sơ không có gì cả thì làm sao có thể chống chọi được với thú dữ. Con thử hỏi, nếu đặt con vào trong trường hợp này liệu chừng con có từ bỏ tất cả để bước xuống con thuyền này không ? Chắc có lẽ, không chỉ riêng con mà nhiều người khác chắc cũng biện lý do này lý do kia để từ chối việc đi truyền giáo này. Qủa thực, cuộc hành trình của các Ngài làm con nhớ đến hành trình của tổ phụ Ap-ra-ham trong sự phó thác nơi Thiên Chúa cách triệt để. Cuộc hành trình trên biển khơi đối với hai nhà truyền giáo cũng thế, các ngài không mang gì ngoài tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc các ngài, để từ đó các ngài tin tưởng có bàn tay Thiên Chúa dẫn dắt. Đối với biển khơi thì giống tố bão bùng là chuyện thường tình và xẩy ra bất cứ lúc nào. Quả thật, điều gì đến cũng đến đối với chuyến đi của các ngài, sáu ngày thuận buồn suôi gió nhưng bước sang ngày thứ 7 thì giông tố ập đến trên con thuyền bé nhỏ của các ngài [2]. Chắc có lẽ các ngài cũng tìm mọi cách để chống đỡ làm sao cho chiếc thuyền của mình không bị lật chìm. Nhưng thử hỏi thuyền thô sơ như thế thì làm sao có thể chống trả được với sức mạnh của gió, của nước, cũng giống như làm sao có thể lấy trừng mà chọi với đá được. Tất cả chỉ là vô vọng nếu không có bàn tay của Thiên Chúa. Qủa thật, nếu con người không có niềm tin thì liệu chừng họ có qua khỏi đêm này không?. Hay cũng chỉ tìm đủ mọi cách chống trả với sức người rồi cũng bước qua trong vô vọng sức mạnh của gió và nước. Cách riêng đối với bản thân con vào lúc này chắc có lẽ cũng giống như các môn đệ khi xưa trên biển cùng với thầy Gie-su mà thôi. Cũng chỉ biết hô hào và dùng sức mình để chống trả lại giông tố “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (x. Mc 4, 38).  Đối với 2 nhà truyền giáo lúc này cũng giống như hình ảnh của Chúa Giê-su trên biển, các ngài vẫn bình tĩnh với sự xác tín đã có Thiên Chúa cứu và chính Ngài sẽ gìn giữ con thuyền của họ “im đi, câm đi! Gió liền tắt, và biển lặng như tờ” (x.Mc 4,39). Qua biến cố này khơi dậy lại niềm tin nơi con.
        Khi nói đến biển khơi thì ta nghĩ đến sự rộng lớn bao la. Thử hỏi với sự rộng lớn cùng với giông tố ập đến thì chiếc thuyền của hai nhà truyền giáo sẽ trôi dạt về đâu, nếu không có bàn tay Thiên Chúa dẫn dắt. Qủa thật, con thuyền của các ngài cập bến đúng như ý muốn của các ngài đó là Đàng Ngoài chứ không phải Đàng Trong. Giả như chiếc thuyền của các ngài tiếp tục trôi dạt vào Đàng Trong thì các ngài lại phải trở lại vị trí ban đầu để tiếp tục lên đường. Thật vậy, ngay từ thời thầy chí thánh Giê-su đi rao giảng không có chuyện giá như ở đây, tất cả đều dó thánh ý Thiên Chúa. Điều đặc biệt trong ngày cập bến trùng với lễ thánh Giuse 19.03. Điều này cho ta thấy qua trung gian thánh Giu-se, đã gìn giữ và bảo vệ các ngài trong chuyến hành trình này. Với biến cố này các ngài đã nhận thánh Giu-se làm bổn mạng công việc truyền giáo ở Đàng Ngoài, cách đặc biệt đối với Cửa Bạng nay thuộc giáo xứ Ba Làng, Giáo phận Thanh Hóa. Qua trình thuật cho con thấy hành trình truyền giáo của các ngài giống như cuộc hành trình trong sa mạc của dân It-ra-en xưa. Cuối cùng dân It-ra-en cũng vào được đất hứa, nơi mà Thiên Chúa đã chỉ định cho dân của Người. Các ngài trên chuyến hành trình biển khơi cũng giống như các ngài được thanh luyện, được sống trong mối tương quan với Chúa nay được vào đất hứa với niềm vui khôn siết. Các tổ phụ xưa khi vượt qua được các biến cố nào cũng đều lập bàn thờ để cảm tạ và kêu cầu Thiên Chúa để xin Ngài giúp sức “tại đây ông dựng bàn thờ để kính Đức Chúa và ông kêu cầu danh Đức Chúa” (x. St 12,8). Đối với hai vị truyền giáo này cũng thế, sau khi cập bến an toàn, các ngài cũng không quên ơn Chúa nên đã cho dựng một Thánh Giá to trên đỉnh núi gần đó [3]. Việc làm này nói lên lòng biết ơn và xin Chúa tiếp tục dẫn dắt việc truyền giáo đầu tiên ở nơi mảnh đất này nói riêng và Đàng Ngoài nói chung. Xin Chúa cũng giúp con biết cảm tạ và cầu xin ơn Chúa cả khi vui lẫn khi buồn.
        Người ta thường nói “thiên thời địa lợi nhân hòa”, nhưng trong hoàn cảnh này có phải là như vậy không?. Điều này có hoàn toàn đúng hay không cũng không quan trong cho bằng công việc truyền giáo đầu tiên của các ngài gặp rất nhiều thuận lợi. Khi bắt đầu giảng đạo ở Cửa Bạng, Thanh hóa: Nhiều người ở An Vực, Vân No xin theo đạo, trong số đó có một thầy cúng [4]. Một thuận lợi lớn lao nữa cho hai cha đó là khi Chúa Trịnh trong chuyến đi qua cửa biển, đã nhìn thấy Cây Thánh Gía lớn do hai cha dựng lên và Chúa Trịnh đã cho mời hai cha đến và đưa về Thăng Long. Tại đây Chúa xây cho một ngôi nhà bằng gỗ gần phủ chúa [5]. Đối với vật chất hai cha không lấy làm vui sướng, điều các ngài vui sướng nhất đó là được phép giảng đạo cách tự do. Còn niềm hạnh phúc, niềm vui sướng nào hơn điều này nữa đâu. Với sự tự do như thế các ngài đã đem hết sức mình để Lời Chúa được đến với mọi người. Hai cha đã giảng không biết mệt mỏi, mỗi ngày bốn đến sáu lần. Buổi tối các ngài gặp gỡ tòng giáo và giải tội. Công sức các ngài bỏ ra quả thật không uổng chút nào, đến nỗi cả trong hoàng gia cũng có người gia nhập đạo. Chị Chúa Trịnh Tráng được rửa tội, có tên thánh là Ca-ta-ri-na, khi trở lại, chị đã lối cuốn được 17 hoàng thân. Trong số đó có mẹ chị. Trong vòng gần 3 năm các ngài đã rửa tội được hơn 6,700 người [6]. Đây là một con số ngoài sức tưởng tượng của các ngài. Qủa thật, “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể ” (x. Mt 10,27). Cảm tạ Chúa đã ngự giá trên môi miệng của các ngài để giờ đây con được đón nhận Tin mừng.
        Qua những suy niệm trên cho con một bài học về sự phó thác nơi Thiên Chúa. Chỉ nơi Thiên Chúa con người mới tìm thấy niềm vui và hạnh phúc đích thực. Con người phải cố gắng hết mình vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, phần còn lại phó thác nơi Thiên Chúa. Con người chỉ là người trồng cây và vun tưới còn cho sống và phát triển đó chính là ý Thiên Chúa “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6). Con người dù gặp thất bại hay thành công cũng đừng tự hào cho mình là tài giỏi. Nhưng đó chính là thành quả do Thiên Chúa ban tặng để con người cộng tác với Ngài.





[1] Lm. Auguttino Nguyễn Văn Trinh, Lược sử giáo hội việt nam. Tr 75.
[2] Lm Bùi Đức Sinh,O.P.M.A. Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo. Tr 363
[3] Lm. Auguttino Nguyễn Văn Trinh, Lược sử giáo hội việt nam. Tr 75.
[4] Lm Bùi Đức Sinh,O.P.M.A. Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo. Tr 363
[5] Lm. Auguttino Nguyễn Văn Trinh, Lược sử giáo hội việt nam. Tr 75.
[6] Lm. Auguttino Nguyễn Văn Trinh, Lược sử giáo hội việt nam. Tr 76.