Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

CUỘC ĐỜI LÀ SỰ CHỌN LỰA

Nguyễn Công Chính
I/ Dẫn Nhập
Lời đầu tiên cho phép tôi, gửi lời chào tới quý Cha phụ trách sinh viên, quý khách, quý anh chị trong ban điều hành sinh viên, cùng toàn thể các bạn sinh viên công giáo và mọi người có mặt trong Hội Trường ngày hôm nay.
Như chúng ta đã biết, xã hội ngày hôm nay mỗi ngày một phát triển, điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến mỗi người trẻ nói chung và các bạn sinh viên nói riêng. Đây cũng là mối bận tâm rất lớn tới các bậc làm cha, làm mẹ. Ông bà ta thường có câu “khôn cả đời, dại một phút”. Đúng vậy, con người được mời gọi bước đi và lớn lên trong thời gian. Cơ hội đến với chúng ta, nếu chúng ta không chớp lấy cơ hội đó thì nó sẽ qua đi, cũng vậy điều xấu sẽ đến với chúng ta nếu chúng ta không có một nền tảng sự thiện vững chắc thì rất dễ rơi vào các cạm bẫy của xã hội.
Tôi ngồi ở đây, cũng giống như các bạn. Có khi không bằng các bạn vì tôi sống xa gia đình ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì hoàn cảnh gia đình, gia đình tôi có tất cả 9 anh chị em và tôi là con thứ 5 trong gia đình. Mẹ tôi bị bệnh khi tôi lên 10 tuổi, lên 12 tuổi mẹ tôi có cuộc thập tử nhất sinh nhưng qua khỏi. Khi lên 15 tuổi tôi đã sống xa Gia Đình, đi làm để kiếm tiền đi học, đi học ở đây không phải là Đại học nhưng là học hết Trung Học Phổ Thông.
Chính vì thế, tôi ngồi ở đây không phải là một người giáo huấn quý anh chị em nhưng là một sự chia sẻ của một người đi trước, một sự cảm nhận và một sự đồng cảm đối với những người sống xa Gia đình và bước vào cuộc sống “tự lập”.
Vâng, thưa quý anh chị em sinh viên. Cuộc sống xa Gia Đình là một cuộc sống “tự lập” với chính bản thận của mình, suy nghĩ và hành động theo sự “lựa chọn” của mình. Làm chủ bản thân của mình đối với môi trường xã hội, với đầy đủ những thứ đập vào mắt, đập vào tai của mình. Qủa thực, tất cả những thứ đó là của mình và cũng không phải là của mình.
Vâng, thưa quý anh chị em sinh viên, của mình hay không phải là của mình đó là sự “lựa chọn” của mỗi người trong chúng ta đang ngồi ở đây cũng như tất cả mọi người không hiện diện nơi đây. Đây cũng là đề tài mà tôi muốn chia sẻ với các bạn trong buối hôm nay với chủ đề “ Sinh Viên với sự lựa chọn ”. Tôi và các bạn sẽ cùng đi vào tìm hiểu những phần của đề tài này.
II/ Nội Dung
1/ Môi trường Gia Đình
          Ca dao tục ngữ có câu “đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Vâng, tôi nghĩ chắc các bạn đang ngồi ở đây đều có cha, có mẹ? tôi hy vọng là thế. Gia đình là mái trường đầu tiên của mỗi chúng ta, là cái nôi của nền nhân bản, là cái nôi của nên đạo đức và cái nôi của giáo dục, mọi thứ đều hình thành nên từ đây, là cái nền cơ bản nhất của một con người. Chúng ta không phải từ trên trời rớt xuống, nhưng chúng ta có mặt và ngồi ở đây như thế này là nhờ cha mẹ của chúng ta. Như chúng ta đã biết “chín tháng mười cứu mang, 3 năm bú mớm”, đó là nỗi vất vả của người mẹ, người cha của chúng ta.
          Đối với xã hội ngày hôm này, chắc các bạn đã biết một phần nào về hôn nhân và gia đình rồi. Chúng ta hằng ngày phải cảm tạ ơn Chúa và cám ơn cha mẹ đã sinh ra, gìn giữ và nuôi nấng chúng ta và cách đặc biệt hơn nữa là chúng ta được sinh ra trong một Gia đình công giáo, một Gia đình đạo hạnh. Thử hỏi, nếu chúng ta sinh ra trong một Gia đình không biết Đức Ki-tô, thì liệu chừng chúng ta có ngồi ở đây hay không ?.Vâng, đây là một câu hỏi mà mỗi người phải tự trả lời. Với tôi, tôi chỉ khuyên các bạn hãy cảm tạ hồng ân nhưng không mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta qua trung gian là cha mẹ ta để ta có mặt ở đây.
          Ngay từ đầu, chúng ta được bao bọc và che trở từ cha mẹ. Khi chúng ta nhìn một đứa trẻ chúng ta sẽ thấy: Khi một người khác tấn công đứa trẻ, thì đứa trẻ đó liền chạy đến bố mẹ hoặc những anh chị em ruột đang ở đó. Sở dĩ như vậy, vì chúng nghĩ rằng: chỉ có bố mẹ, anh chị mới là nơi trú ẩn tốt nhất cho chúng, chúng tin tưởng cuộc sống này, thân xác này là của bố mẹ.
          Trải qua dòng thời gian ta được lớn lên, đi học, ta được tiếp nhận các kiến thức từ thầy cô, bạn bè.
2/ Môi Trường Xa Gia Đình
 a/ Giai đoạn đầu:
          Thưa các bạn, chắc các bạn đang ngồi đây cũng cảm thấy được đây là một giai đoạn khởi đầu cho một hành trình mới, một bước ngoặt của cuộc đời. Một phần ta cảm thấy háo hức vì đã kết thúc một tiến trình học phổ thông, mở ra một “chọn lựa” mới cho cuộc đời của mình. Buồn vì phải xa bạn bè, mỗi người mỗi ngả, mỗi người chọn cho mình một tương lai và một sự nghiệp trong suất cuộc đời mình. Còn chúng ta, lại được gặp nhau trong tình bạn mới, với một danh xưng không phải là “học sinh” nhưng là một “sinh viên”. Dường như chúng ta được lớn lên với danh xưng này đúng không?. Tôi xin được chúc mừng các bạn với danh xưng này.
          Khi bước chân vào ngưỡng cửa Đại học, cao đẳng ta cảm thấy bỡ ngỡ, vì xung quanh ta lúc này chỉ là những người xa lạ, cảm thấy mình thật nhỏ bé trước bao người, cuộc sống xung quanh thật là nhộn nhịp cái gì cũng mới trước mắt ta. Điều đặc biệt hơn nữa, ta cảm thấy bản thân của mình không được bảo vệ cách mạnh mẽ từ người thân. Dường như ta có cảm giác bị bỏ rơi và lúc này ta mới cảm thấy nhớ nhà, nhớ lại những kỉ niệm bên người thân và bạn bè. Một nỗi nhớ làm ta hụt hẫng.
          Một điều chúng ta nhận thấy rất rõ trong giai đoạn này, chúng ta mang toàn bộ con người sống dưới sự quản lý của cha mẹ để đi. Điều này thể hiện rất rõ ở gương mặt, cách ăn mặc, nói năng của các bạn. Một gương mặt đầy ngây thơ, đầy sự chân thật… tôi không biết phải dùng từ nào để diễn tả hết gương mặt của các bạn trong giai đoạn này. Nhưng nhìn cách ăn mặc rất giản dị, bình dân, đầu tóc gọn gàng của các bạn đã nói lên điều này. Một điều nữa đó là tự thân toát lên sự thánh thiện, lòng đạo đức của các bạn.
          Chính vì thế trong gia đoạn này, ta tập làm quen với môi trường xung quanh, làm quen với cách giảng dạy, làm quyen với bạn bè, muốn được đi sinh hoạt cùng các anh các chị lớp trước với mục đích là được nghe những chia sẻ của mọi người.
b/ Giai đoan 2:
          Trong giai đoạn này, thì ta đã quen với môi trường sống, quen với các bạn xung quanh, quen với sự tự lập của mình. Nhìn trên gương mặt và cách ăn mặc của các bạn có thể thấy được điều này. Dường như có “chút bụi cuộc đời” trên con người của các bạn. Không còn là những lời chỉ đâu làm đó nữa, cũng không còn là những chiếc áo mẹ mua sao mặc vậy, hay không còn là kiểu tóc của mẹ thường hay chải, nhưng là chiếc áo, kiểu tóc của sở thích, của một thần tượng nào đó đã lướt qua trên cuộc đời của các bạn. Trong đây có ai không ạ? Nếu có thì đó là “gió bụi cuộc đời” đó các bạn. Đó là lẽ đương nhiên của cuộc sống thôi các bạn.
          Vâng, kính thưa các bạn, ca dao tục ngữ có câu “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” câu này quả thực là rất khó đối với một xã hội ngày một phát triển như chúng ta đang thấy.
 Khi đã quen với môi trường, với bạn bè mới, thì những cuộc hội họp là niềm vui là chỗ dựa tinh thần của mình, thích đi chơi nơi này nới kia để khám phá. Chính vì thế, lòng đạo đức của các bạn bị sao nhãng đáng kể. Không còn là một cậu bé, một cô bé ngày xưa nữa. Trong giai đoạn này, nếu được hỏi tại sao thì chắc chắn chúng ta sẽ nghe được một câu rất quen thuộc trên môi miệng của các bạn ấy là “đạo tại tâm”. Qủa thực, chủ nghĩa duy tâm đã dần dần ngấm sâu vào trong lòng của các bạn. Tôi ước mong, các bạn ngồi đây không có câu này trên môi miệng của các bạn.
Trong giai đoạn này, một điều ta nhận thấy nữa đó là “tập yêu”. Vâng, vừa nghe thấy chữ “yêu” mà tôi trông thấy mặt bạn nào bạn ấy sáng lên. Qủa thực, điều này không thể tránh khỏi được đâu các bạn. Cũng dễ nhận thấy, khi mà các bạn mình, đi đâu đều có người chăm sóc, quan tâm, lúc ốm đau có người thăm hỏi, hay những ngày quan trọng của mình đều được “người đó” tổ chức rất hoành tráng. Những thứ đó cứ đập vào mắt mình thì làm sao mình không trăn trở. Có khi tự hỏi mình, mình có đến nỗi nào đâu mà không kiếm được người cho bằng bạn bằng bè. Thế là lao vào các cuộc yêu đương, để rồi bỏ bê việc học, coi đó chỉ là một kiến thức vu vơ. Trong cuộc sống có những điều nên thử và có những điều không nên thử đâu các bạn. Đặc biêt là sống xa gia đình nữa các bạn.
Vâng, thưa các bạn, đây là một giai đoạn mà mỗi chúng ta đang tập bước đi, tập trải nghiệm với những gì mà chúng ta đã nghe.
c/ Giai đoạn 3 trở đi:
          Vâng, thưa các bạn sinh viên, chúng ta vừa chia sẻ với nhau qua 2 giai đoạn đầu tiên của đời sống tự lập của một sinh viên. Giờ đây, chúng ta sẽ tìm hiểu giai đoạn 3 của tiến trình này. Trong giai đoạn này, đã quá quyen thuộc với môi trường, với bạn bè xung quanh và có những nhóm chơi thân thiết với nhau. Vâng, ở giai đoạn này, tôi cho rằng không phải là “gió bụi cuộc đời” nữa mà trở thành một “tảng băng” lấp đầy cuộc đời. Cuộc sống của họ được cuốn hút bởi các trào lưu của xã hội. Họ có thể lao vào để tìm cho mình một nghề nghiệp, tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội này.
          Qủa thực trong giai đoạn này, chúng ta sẽ gặp thấy rất nhiều cặp đôi sống với nhau như vợ chồng. Khi được hỏi, họ bày tỏ quan điểm, chúng tôi đã yêu thương nhau cho nên về chung sống với nhau để cho đỡ tiền thua phòng và mọi thứ trong cuộc sống. Còn chuyện cưới hỏi chỉ là chuyện thủ tục mà thôi. Quả thực, đối với xã hội ngày hôm nay quan điểm “nam nữ thụ thụ bất thân” dường như không còn. Có lẽ, câu nói này trở thành “nam nữ cọ cọ bên nhau”. Chính vì thế, có những mảnh đời thật nghiệt ngã, có những người không thể đứng lên làm lại cuộc đời vì đã đi quá xa. Đánh mất niềm tin vào chính mình, để rồi cuộc sống này chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Tôi rất hy vọng, trong số các bạn ngồi đây sẽ không bị rơi vào những cảnh đời này, để rồi tự trách bản thân mình.
          d/ Mối tương quan của 3 giai đoạn:
          Vâng, thưa các bạn. Chúng ta đã chia sẻ với nhau cả ba giai đoạn thực tế trong quang đời sinh viên. Chúng ta nhận thấy, quãng đời của chúng ta đi theo một tiến trình tiệm tiến. Quá trình này được hình thành trong một con người duy nhất.
          Qua đó, ta nhận thấy cuộc sống là những mắt xích rất nhỏ đi qua cuộc đời để kết nối với nhau trở thành một con người. Những mắt xích này nếu ta để trôi qua cách tự nhiên thì đó là một lỗ hổng lớn mà bạn cần biết và vươn tới. Như vậy, cha mẹ, người thân sẽ không dẫn tôi và các bạn ở đây đi suất cuộc đời này. Nhưng chúng ta phải đi trên đôi chân của mình, một đôi chân vững vàng, một đôi chân của niềm tin và một đôi chân của một sự chọn lựa. Cuộc sống mà không có sự chọn lựa thì cũng giống như cánh bèo trôi dạt giữa dòng sông. Như vậy, “chọn lựa” như thế nào cho đúng, chúng ta sẽ tìm sự chọn lựa trong Thánh vịnh 1.
3/ Chọn lựa của mỗi sinh viên trong Thánh Vịnh 1
a/ Chọn lựa sống ngay lành:
Mở đầu các Thánh vịnh, tác giả mời gọi chúng ta suy nghĩ với từ “phúc thay người nào”. Theo tôi từ này mang một ý nghĩa là sự “chọn lựa”.  Ngay từ khi tạo dựng con người, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta sống mối tình hiệp thông, chia sẻ “con người ở một mình không tốt” (x. St 2, 18). Quả thật, cuộc sống con người không ai là một hòn đảo, chúng ta được mời gọi sống cùng, sống với và sống cho. Mỗi con người là một vẻ đẹp của Thiên Chúa không ai giống ai. Ngay cả trong một gia đình mỗi người có mỗi tính cách khác nhau. Chính vì thế, điều xấu và điều tốt luôn đan xen lẫn nhau, và con người được đặt giữa những điều này. Thiên chúa luôn tôn trọng sự tự do của con người, để con người có sự tự do chọn lựa. Nên theo tôi, chữ “phúc thay” tương đồng với “con người”.
Vâng, thưa các bạn sinh viên, trong chúng ta đang hiện diện ở đây tôi nghĩ ai cũng có hai tai, hy vọng là không bạn nào không có tai. Như vậy tai để làm gì ?, vâng, các bạn đều trả lời rất đúng, tai dùng để nghe. Người ta thường nói “câm đi với điếc”, tôi cũng hy vọng ở đây không ai bị câm và điếc cả. Như vậy, trong một ngày sống, đôi tai của chúng ta tiếp nạp biết bao nhiêu thứ, chúng ta không thể nào kể hết được. Như chúng ta đẽ biết, tất cả mọi cơ quan đều chịu sự điều khiển của não.
Trong những năm đầu của cuộc sống sinh viên, khởi đầu các bạn nghe rất nhiều thứ, điều tốt có, điều xấu có. Nhưng quan trọng là cách chúng ta nghe như thế nào?. Chúng ta có để cho những lời nói đó che lấp hai tai của mình?. Chúng ta phải luôn để cho hai tai của mình được thoáng ra, để tiếp nhận những điều khác, bằng không thì đôi tai của chúng ta sẽ chai lỳ với những điều đó. Như chúng ta đã biết, câu chuyện A-dam và E-va phạm tội, cũng chỉ vì E-va đã để cho lời của Stan (con rắn) luôn chiếm hữu đôi tai của mình. Đôi tai của E-va lúc này chính là môi miệng của Satan (con rắn), để rồi không thoát ra khỏi những lời đó, và điều phải đến sẽ đến đó là hành động đưa tay hái trái cây đó mà ăn, rồi đưa cho cả A-dam ở đó cùng ăn. Cho nên, ngay mở đầu Thánh vịnh 1: Chúa mời gọi chúng  ta hãy nghe và bước đi như thế nào:
“Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn bác nhân,
Chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
Không nhập với phường ngạo mạn kiêu căng” (Tv 1,1)
Qua đó, Chúa Giê-su mời gọi mỗi người chúng ta hãy nghe để rồi có một sự chọn lựa. Để nghe được những điều lành trong những điều ác, trước hết chúng ta phải sống trong mối tương quan với Chúa, hãy cầu nguyện với chúa, hãy nghe tiếng Chúa, để lời của Chúa thấm nhập vào đôi tai, trí óc và con tim của mình. Chúa Gie-su luôn ở bên cạnh mỗi người chúng ta, nhưng chúng ta đã để Ngài ở vị trí nào trong cuộc sống của ta mới là quan trọng. “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20). Cánh cửa ở đây chính là đôi tai của mỗi người, là của ngõ bước vào bên trong tâm hồn. Trong cuộc sống, có biết bao tiếng gõ nhưng ta phải nhận ra đâu là tiếng gõ của Chúa, đâu là tiếng gõ của ma qủy. Để nghe được tiếng chúa, không có cách nào khác là trong ngày sống hãy dành ra ít phút dể ở bên Chúa. Hãy lấy luật Chúa làm căn tính cho mọi sự chọn lựa của mình, nếu bạn rời bỏ luật Chúa thì sự ác sẽ hình thành trong bạn, lúc đó bạn sẽ chọn lựa theo căn tính và con người bất toàn của bạn. Không gì khác nếu bạn giữ luật thì luật sẽ giữ và bảo vệ bạn “nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1,2). Thật vậy, khi bạn có một nền tảng vững chắc nơi Đức Ki-tô thì cuộc sống có bộn bề và khó khăn đến mấy bạn vẫn đứng vững trong cuộc sống của mình. Lúc đó bạn được ví như cây trồng bên dòng nước, bị sóng vỗ đánh bạn vẫn đứng vững và sinh hoa kết quả đúng mùa.
“Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,
Cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,
Cành lá chẳng khi nào tàn tạ.
Người như thế làm chi cũng sẽ thành.” (Tv 1, 3).
          b/ Chọn lựa theo đường gian ác
Con người ai cũng muốn mình sống hạnh phúc và đi theo con đường ngay lành. Chắc các bạn sinh viên đang ngồi ở đây, tôi hy vọng là không có ai muốn chọn con đường tội lỗi cả. Ai cũng muốn sống tốt và một tương lai rạng ngời. Vâng, thưa các bạn, có biết bao người ngay từ đầu cũng nghĩ như các bạn vậy, thậm chí có một quyết tâm là mình sẽ trở thành ông nọ bà kia trong xã hội này, nhưng chớ trêu thay đúng là ông nọ bà kia thật nhưng ông nọ bà kia của những đường dây tội lỗi, hay là những thành viên của những nhóm người xấu trong xã hội. Chỉ một chút sai lầm, một sự sai lầm đưa đến một vực thẳm khi nhìn lại đã quá xa bờ. Đúng vậy, thưa các bạn, sự xấu vẫn luôn len lỏi vào trong tâm trí chúng ta từng giây, từng phút, nếu chúng ta không chủ động nhận ra nó. Khởi đầu, cũng chỉ là nghe, nhưng cái nghe của các bạn này không tìm cho mình một sự giải đáp, một sự chia sẻ, để rồi hằng ngày cứ nuôi nấng và suy nghĩ về nó. Từng ngày như thế sẽ đẫn đến một suy nghĩ sai lầm và dẫn đến một chọn lựa sai lầm.
Con đường lành và con đường gian ác nối kết với nhau trong chữ “chọn lựa”. Có những người đi vào con đường tội lỗi chỉ sau ít phút, chính những phút không làm chủ được mình thì tội lỗi sẽ đánh chiếm con người của mình và dẫn ta vào con đường tội lỗi lúc nào ta cũng không hay biết. Con đường này không phải tự dưng mà có, nhưng các bạn đã nuôi dưỡng ý tưởng xấu từ lâu, bây giờ chỉ là thời cơ cho nó bùng phát và dẫn ta đi mà thôi. Sự chủ quan với bản thân mình, sẽ dẫn đến con đường của mình không mấy tốt đẹp.
Điều này sẩy ra chủ yếu ở những người xa gia đình để bước vào môi trường mới, trong đó có chúng ta. Khi bước vào môi trường mới, xung quanh ta tất cả là một thế giới xa lạ, một thế giới tự mình phải chiến đấu và sống với những thứ đó. Trong con người ta luôn luôn ấp ủ hai điều: “xấu và tốt”. Nếu chúng ta để cho sự xấu chiếm hữu con người mình, thì một ngày không xa điều xấu sẽ lấn át sự tốt lành nơi ta, để rồi ta bước đi trong điều đó. Như lời Thánh Phao lô nói “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).
          Đường người gian ác, là con đường nay đây mai đó, không có một điểm tựa cố định, không có nền tảng để họ quy chiếu “chẳng khác nào vỏ trấu giỏ thổi bay” (x.Tv 1, 5). Một khi chúng ta bước vào con đường này, chúng ta sống như cánh bèo trôi dạt giữa dòng sông, không biết hiện tại và tương lai của mình sẽ đi về đâu. Chúng ta sẽ không đứng vững trên chính đôi chân của mình, đôi chân này đã bị phân mảnh bởi những điều sai trái trong chính tâm hồn của họ, chỉ cần một cơn gió cũng đủ để thổi đi. Họ là những con người bị xã hội lên án, bị người thân cũng như bạn bè xa lánh
“Nên ngày xử án, bọn ác nhân làm sao đứng vững,
quân tội lỗi đâu được hợp đoàn với chính nhân” (Tv 1,5).
4/ Hậu quả 2 con đường
          a/ Đường ngay lành: Khi chúng ta chọn đi trên con đường của Đức Ki-tô, lấy Ngài là đầu và tâm điểm để chúng ta quy chiếu trong đời sống hằng ngày thì chúng ta sẽ hưởng sự lành bởi Thiên Chúa. Khi chúng ta trung thành với Thiên Chúa thì Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta, “Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính” (Tv 1,6a).
          b/ Đường tội lỗi: Đây là con đường không ai mong muốn, không ai muốn bước đi. Nhưng nó đã sâm nhập vào con người mình chỉ vì sự chủ quan. Vẫn nghe lời Chúa đó, nhưng đã để Lời Chúa rơi bên vệ đường, và làm theo ý mình chứ không phải ý của Thiên Chúa. Chắc chắn con đường này, tự mình đưa tới chứ không phải ai khác. Và việc phải đến sẽ đến đó là con đường dẫn tới sự diệt vong, không lối thoát “đường lỗi ác nhân đưa tới chỗ diệt vong” (x.Tv1,6b).

III/ Lời nhắn nhủ
          Qua đây tôi, muốn gửi tới tất cả các bạn sinh viên có mặt ở đây cũng như không hiện diện ở đây lời nhắn nhủ: tương lai, sự nghiệp của các bạn không ai định đoạt cho các bạn, mà chính các bạn phải định đoạt cho chính mình. Cuộc sống không gì khác đó là sự “chọn lựa”. Đừng để con người tự nhiên của mình phát triển mà không có sự kiểm soát. Chính lúc các bạn mất sự kiểm soát là các bạn đang đánh mất chính mình. Tốt, xấu luôn có ở trong con người mình, nhưng điều quan trọng là mình có biết làm cho điều tốt được phát triển hay không.

Cuộc sống xa gia đình có rất nhiều những cạm bẫy. Chúng ta là những người có Đức tin Ki-tô giáo nên tôi khuyên các bạn hãy dành ít thời gian trong ngày để cầu nguyện với Chúa. Hãy lấy Đức Ki-tô làm nền tảng cho sự chọn lựa của mình. Mến chúc các bạn một năm học, một quãng đời sinh viên đầy niềm vui và ý nghĩa.