Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

GIỚI TRẺ CÔNG GIÁO VIỆT NAM TRƯỚC NHỮNG THÁCH ĐỐ ĐỨC TIN

Anton Nguyễn Công Chính
Con người ngày hôm nay đang sống trong một xã hội phát triển về mọi mặt. Ngồi một chỗ có thể biết được mọi thứ xung quanh mình. Từ những điều đang điễn ra trên mặt đất cũng như những gì trên không trung đang hoạt động. Chính nền văn minh Thế giới đã đưa con người đến một tầm nhận thức mới. Đẩy con người từ choáng ngợp này đến choáng ngợp khác. Phải nói rằng thế kỉ XXI được mệnh danh là kỉ nguyên của toàn cầu hóa hay nói cách khác là thế kỉ của nền văn minh trí tuệ [1]. Đây chính là cơ hội để giới trẻ nói chung phát triển bản thân và kiến tạo những tử tưởng cũng như những công nghệ mới nhằm giúp ích cho nhiều người. Song song với những thuận lợi từ công nghệ của các nước trên Thế giới du nhập thì cũng không ít những luồng tư tưởng cũng như văn hóa không lành mạnh từ các nước đó. Đây là điều hiển nhiên của một quy luật qua lại giữa cung và cầu, cũng giống như “tốt và xấu” luôn luôn là hai người bạn tương giao với nhau. Chính vì thế giới trẻ nói chung và giới trẻ công giáo nói riêng đang phải đối điện với không ít những trào lưu thế tục, đẩy người trẻ đến sự lu mờ không chỉ đời sống đức tin mà ngay cả những giá trị đạo đức của con người. Đứng trước những sự biến chuyển của thời đại, các bậc làm cha, làm mẹ rất lo lắng cho con cái cả về vật chất lẫn tinh thần. Giới trẻ là thành phần dễ lĩnh hội hơn bao giờ hết, không chỉ cái tốt mà cái xấu còn học đòi nhanh hơn cả. Đối với quan niệm trước kia bạn bè là cơ hội để giúp nhau thăng tiến “học thầy không tày học bạn” nhưng đối với xã hội như ngày hôm nay thì điều này phải coi lại.
        Sống trong một xã hội với đầy biến động như hiện nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống đức tin của người trẻ công giáo. Thực vậy, giới trẻ ngày hôm nay có nhiều cơ hội để tạo cho mình một công việc ổn định nhưng đổi lại điều đó là sự đánh mất dần những nhân đức vốn có trong con người, đặc biệt là đức tin của người trẻ công giáo. Trong đề tài này con sẽ trình bày 3 thách thức chính, mà giới trẻ ngày hôm nay đang gặp phải hầu có thể mang lại cách nhìn chung nhất: Thách thức về kiến thức, việc làm. Thách thức về hưởng thụ. Thách thức về tình yêu.

1/ Thách thức về kiến thức, việc làm.
        Đối với xã hội ngày hôm nay, kiến thức, việc làm là nhu cầu thiết yếu của hết mọi thành phần không ngoại trừ mọi tầng lớp nào, nó là gói hành trang của một con người khi bước chân vào đời. Ta nghĩ suy gì khi nhìn thấy các em nhỏ mang trên mình một túi chất đầy sách vở, rồi lệ khệ bước đi với ổ bánh mì tới trường ?. Còn đối với các bạn sinh viên cũng thế, hằng ngày cắm cụi với một đống sách vở để bới tìm những tinh hoa quí báu của thế hệ trước đã truyền lại. Cuộc sống của họ trở nên tất bật, chật vật để chạy đua với việc tìm kiếm những kiến thức cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Đây là một cuộc chạy đua không cân sức. Các công nghệ đang từng ngày được biển đổi, đơn cử như chiếc điện thoại: từ những chiếc điện thoại rất đơn giản đi lên những chiếc điện thoại siêu hạng, thế giới dường như nằm gọn trong lòng bàn tay con người. Chính những sự thay đổi của các công nghệ thì con người càng phải ra sức để tiếp nhận và chạy đua cùng với nó để tồn tại. Thực vậy, để được nhận vào làm việc với một ngành công nghệ, xí nghiệp, công ty, thì người được ưu tiên đó chính là những người có trình độ và có bề dầy về kinh nghiệm. Mặc dù tấm bằng đối với xã hội ngày hôm nay không thể đánh giá hết được trình độ công việc của một ai đó nhưng nó rất quan trọng để khởi đầu cho việc tuyển dụng cũng như khởi đầu cho một cuộc trò chuyện sẽ diễn ra. Sau khi đã được nhận vào làm việc nhưng tay nghề không đáp ứng đủ thì trước sau con người đó cũng không thể tồn tại trong xí nghiệp hay công ty đó. Chính vì thế, kiến thức và tay nghề là đôi chân để tiến thân trong một xã hội công nghiệp hóa như hiện nay. Vì vậy, các bạn trẻ đã không ngừng học tập và trao dồi cho mình những kinh nghiệm để tiến thân. Chính điều này đã chiếm phần lớn thời gian riêng tư của các em. Các em đã không còn thời gian với gia đình, bạn bè, ngay cả thời gian ăn uống và nghỉ ngơi nữa. Các thời gian cơ bản nhất cũng bị thời gian của kiến thức xã hội dành lấy thì thử hỏi làm sao còn thời gian để các em tham gia vào các lớp giáo lý hãy những việc đạo đức khác. Cứ như thế, thời gian sẽ dần dần trôi qua, vùi lấp đức tin trong dĩ vãng. Chính Chúa Giê-su đã phải thốt lên “khi con Người đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng” (x. Lc 18,8). Đây là lời mời gọi con người nói chung và những người trẻ công giáo nói riêng hãy ý thức căn tính niềm tin của mình đừng để cho những trào lưu của xã hội lôi cuốn mà đánh mất niềm tin có nơi mình.
        Qủa vậy, những người trẻ công giáo ngày hôm nay không những mất đức tin mà còn chối cả đức tin đã lãnh nhận. Điều này cho ta thấy, nhiều bạn trẻ công giáo đã vì danh lợi của mình nên đã ngang nhiên chối bỏ đức tin ngay trong chứng minh nhân dân của mình. Đây là một vấn đề đang ngày càng phổ biến ở những người trẻ. Chính Chúa Giê-su đã lên án điều này và cũng cho thấy thuyết nhân quả của đức tin người công giáo “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyến bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10,32-33). Điều này như là một lời mách bảo và thúc dục người trẻ công giáo hãy làm chứng cho niềm tin của mình bằng bất cứ giá nào. Mọi thứ xung quanh chỉ góp phần cho cuộc sống này và cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo của Ngài. Tất cả là ánh sáng do đức tin mang lại [2].

2. Thách đố về hưởng thụ
        Bên cạnh những bạn trẻ đang miệt mài để tìm kiếm thức, việc làm, để thăng tiến bản thân cũng như góp phần làm cho xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn thì cũng không ít các bạn trẻ đang lao mình vào những trào lưu không lành mạnh mà xã hội mang tới. Trước sự phát triển không ngừng của xã hội đã kéo theo không ít những tệ nạn làm cho giới trẻ đang đứng chênh vênh trên bờ vực thẳm của chủ nghĩa vất chất, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa cá nhân. Thực vậy, đối với giới trẻ điều tốt học thì khó, còn điều xấu không học cũng trở nên những bậc anh tài. Đây là mối lo ngại rất lớn của các bậc làm cha, làm mẹ trong vấn đề giáo dục con cái. Trong mái trường gia đình ai cũng là người ngoan ngoãn, biết vâng lời nhưng khi rời xa mái trường này thì dường như những thứ học được từ cha mẹ đã bị chồn vui trong trí nhớ để tiếp nhận những cái mới mẻ. Coi những gì đã tiếp nhận là lỗi thời, không hợp với thời đại, để rồi buông mình vào những chỗ thiếu lành mạnh từ những trang sách báo xấu cho đến những quán Karaoke, những vũ trường, quán ba thâu đêm. Tất cả nhằm thỏa mãn hay bù đắp lại những ngày tháng sống trong sự kèm cặp của cha mẹ. Khi sống trong một thế giới với sự tự do của chính bản thân mình mà không giữ vững lập trường thì rất dễ rơi vào cảnh buồn chán, chính cảnh buồn chán này sẽ dẫn đôi chân của các bạn trẻ tìm đến nơi nào đó để có thể giết thời gian cách nhanh nhất. Tất cả với suy nghĩ khám phá thế giới quanh mình và tự nhủ rằng ta đã được tự do rồi, giờ thì thích đi đâu thì đi, về lúc nào cũng được, ngủ lúc nào cũng được. Tất cả được nuôi dưỡng trong suy nghĩ và được lớn lên trong những hành động cụ thể, để rồi bước chân vào những nơi mà trước kia ta mới chỉ nghe nói mà thôi. Tất cả những hành động đó cứ thế trôi theo tháng, năm để rồi quên đi những gì ta đã lĩnh hội trước kia. Đây quả là một sự lột xác đến không ngờ. Từ đó họ phủ nhân sự có mặt của Thiên Chúa vì muốn tổ chức cuộc sống của mình theo ý riêng. Họ sẽ không nhìn nhận một luật lệ nào ngoài thứ luật lệ tự mình ban cho mình. Vì sự có mặt của Thiên Chúa có thể làm giảm bớt sự tự do tự lập ấy, nên giới trẻ đã gạt bỏ đức tin mà mình đã lĩnh hội từ trước tới nay [3]. Qủa thật, vật chất và thú vui bên ngoài đã đảo lộn tất cả những nhân đức của giới trẻ. Bởi vì, ngay từ nhỏ họ đã tiếp nhận đức tin cách hời hợt nên khi sống cùng các thế lực bên ngoài đã bị các thế lực này vùi lấp đức tin mà họ đã lãnh nhận.
        Trong thông điệp “Laudato Si” của Đức Thánh Cha Phanxico, Ngài đã dùng 2 số để nói về con người ngày hôm nay với lối sống chủ nghĩa tương đối thực dụng. Con người đã tự coi mình là trung tâm của vũ trụ “Khi con người tự đặt mình làm trung tâm, họ sẽ dành ưu tiên tuyệt đối cho sự tiện nghi trước mắt và tất cả những thứ khác trở nên tương đối” [4]. Điều này cho ta thấy rất rõ ở đời sống giới trẻ ngày hôm nay. Mặc dù với nguồn thu nhập chẳng đáng là bao nhưng trên tay hầu hết các bạn trẻ là những chiếc Iphone đời mới, để cho được bằng bạn bằng bè. Qua những chiếc Iphone đã tạo khoảng cách giữa con người với con người. Tạo cho mình một thế giới riêng tư đến trầm lắng. Sự thu hút lớn nhất của giới trẻ ngày hôm nay chính là Facebook. Giới trẻ đã dành rất nhiều thời gian vào trang Facebook này, nhằm tạo cho mình một thế giới ảo. Tất cả những gì là riêng tư nhất giới trẻ cũng có thể đẩy lên trang này để cho mọi người biết và chia sẻ. Qua đó thấy được, giới trẻ ngày hôm nay để cao tính cá nhân và sự khẳng định mình trên tất cả các lĩnh vực. Đây là một “thứ chủ nghĩa coi tất cả mọi sự là không phù hợp nếu nó không phục vụ cho những lợi ích trước mắt của con người” [5]. Giới trẻ nói chung và giới trẻ công giáo nói riêng đang áp dụng cách triệt để chủ nghĩa này trong đời sống hằng ngày. Xuất thân từ một gia đình gia giáo, lề nếp, đạo đức nhưng sau một thời gian sống tự lập đã bị bụi trần xã hội phủ lấp, thay vào đó là cách hành xử, cách ăn mặc của một thời đại “thô bạo” và một thời đại “thoáng mát”. Nhiều bạn trẻ công giáo đã trở nên “tự phụ” đối với đức tin của mình “người tự phụ muốn tổ chức cuộc sống của mình theo kế hoạch riêng, chứ không theo kế hoạch do ai khác vạch ra. Người ấy muốn tự trị và tự mãn” [6].
3/ Thách đố về tình yêu
        Mục vụ hôn nhân và gia đình cho người trẻ công giáo hôm nay trở nên rất phức tạp. Đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của tất cả mọi thành phần trong cộng đoàn dân Chúa. Trong tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục ngoại thường III có nói “Việc công bố Tin mừng về gia đình là một phần của sứ vụ Hội Thánh, vì mặc khải của Thiên Chúa soi sáng mối liên hệ giữa một người nam và một người nữ, tình yêu của họ dành cho nhau là kết quả của mối liên hệ ấy” [7]. Qua đó cho thấy được giá trị của tình yêu nam nữ. Giới trẻ công giáo đang sống trong một xã hội tục hóa như hiện nay thì vấn đề tình yêu, hôn nhân và gia đình là điều rất lo lắng. Càng ngày giới trẻ càng đặt cho mình những câu hỏi về tương lai, vận mệnh tình yêu, hạnh phúc gia đình là gì giữa một xã hội như hiện nay và làm sao để có được một tình yêu đích thực ?. Phải nuôi dưỡng tình yêu như thế nào để cả hai bên không trở nên nhàm chán ?. Qủa thật đây là mối bận tâm của hầu hết các bạn trẻ. Thực vậy, mong muốn được hạnh phúc là điều ai cũng cần hơn cả. Tất cả mọi thứ trong xã hội đều có nhưng thiếu đi tình yêu nơi gia đình thì tất cả trở nên vô nghĩa. Tự bản chất ai cũng mong muốn cho cuộc sống của mình được bình an, hạnh phúc nhưng khi ra ngoài sống với xã hội thì dường như những ước muốn tốt đẹp đó đã bị những cơn lốc xoáy của xã hội vùi lấp. Để rồi chạy đua với thời đại, lao vào những cuộc tình ngang trái. Tình yêu đối với giới trẻ ngày hôm này trở nên quá sớm so với trước kia. Bởi vì, giới trẻ ngày hôm nay được tiếp xúc khá sớm với vấn đề tình yêu nam nữ. Điều này cho thấy ở trên tất cả các trang thông tin đều có những quảng cáo mang tính cách khiêu gợi. Trước kia hài kịch là một phương tiện giải trí và lấy được tiếng cười của các em hơn cả nhưng ngày hôm nay những tiểu phẩm hài mang tình đồi trụi khá cao. Chính vì thế hằng ngày các em luôn được tiếp xúc với những hình ảnh, sách báo mang tính chất khiêu gợi thân xác, nên đã dẫn các em đến tình trạng suy nghĩ sai lạc về tình yêu. Giới trẻ ngày hôm nay dường như coi tình yêu như là trò chơi hay một sự khám phá thế giới thân xác, theo ngôn ngữ của giới trẻ gọi là “tình yêu tốc độ”. Tình trạng sống thử trước hôn nhân đối với thời đại hôm nay khá phổ biến ở những người trẻ, mặc dù quen nhau chưa được bao nhiêu nhưng đã về chung sống với nhau như vợ chồng. Đây là điều dù ở thời đại nào cũng không thể chấp nhận được. Mọi thứ có thể thử nhưng trong tình yêu mà cũng có thể thử thì thử hỏi nhân phẩm con người ngày hôm nay ở đâu. Chính những điều này đã để lại bao niềm tiếc nuối, bỏ lại cánh cửa tương lai đang mở rộng, để đón nhận nghĩa vụ làm cha, làm mẹ khi tuổi đời còn quá trẻ, đó là chưa kể biết bao bạn trẻ đã độc ác giết chết chính đứa con của mình ngay khi còn trong lòng. Không những thế có nhiều bạn trẻ đã bỏ lại cả mạng sống trong những cuộc tình. Trước quan niệm tình yêu tốc độ đại trà như hiện nay thì đây quả là một thách đố lớn nhất của giới trẻ công giáo, không biết đâu là tình yêu đích thực để họ dành trọn cho nhau và vun trồng hạnh phúc gia đình. Một vợ một chồng là đặc tính của hôn nhân công giáo. Lập trường của Giáo hội luôn khẳng định sống thử trước hôn nhân là điều trái phép, không được làm. Thực vậy, câu nói “nam nữ thụ thụ bất thân” đâu còn áp dụng cho giới trẻ ngày hôm nay. Quan niệm tình yêu của giới trẻ ngày hôm nay phải đổi thành “nam nữ cọ cọ bên nhau”. Mặc dù tình yêu đó đến mức nào thì xa nhau về thân xác là điều không thể, hơn nữa đó là sự dâng hiến toàn bộ con người cho nhau. Đây là điều mà giới trẻ công giáo không thể nào tránh khỏi được mặc dù họ đã giữ hết mình có thể. Khi tình yêu thực sự đến thì họ phải giữ hạnh phúc gia đình như thế nào?. Trong những năm gần đây tình trạng đổ vỡ gia đình ngày càng gia tăng, mặc cho con cái trong sự bơ vơ giữa hai dòng nước. Trong hôn nhân công giáo không cho phép ly dị để lấy người khác, ngoại trừ người phối ngẫu của mình chết đi thì người này mới có quền được đi thêm bước nữa. Câu nói của Chúa Giê-su xưa sẽ luôn giữ mãi và lưu truyền qua muôn thế hệ để giữ hạnh phúc gia đình “sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phép phân lý ” (Mt 19,6). Qua đó nói lên rằng: tình yêu, hôn nhân và gia đình là quà tặng của Thiên Chúa ban không ai có quyền lấy đi. Trong tình yêu hôn nhân và gia đình là sự cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo với Thiên Chúa.
4/ Kết luận
        Qua những tìm hiểu cho ta thấy được tình trạng giới trẻ ngày hôm nay nói chung đang ngày một đi xuống về đạo đức cũng như tinh thần. Cách riêng đối với người trẻ công giáo Việt Nam tình trạng đức tin đang ngày một đi xuống cách trầm trọng. Qủa thật, chính chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa cá nhân đang gặm nhấm sâu vào đời sống giới trẻ hiện nay. Giờ này, đối với họ tình, tiền, tài, là trên hết những thứ khác chỉ là những ảo tưởng không có trong thực tế. Chính điều này đã biến những người mang danh là    Ki-tô hữu trở nên khô khan, nguội lạnh đối với niềm tin của mình. Đối với họ dường như đang khao khát chờ đợi một điều gì đó khác hơn so với những lối cử hành Thánh lễ mà họ vẫn thường tham dự. Điều này cho ta thấy rất rõ trong các Thánh lễ của ngày Chúa nhật, có giới trẻ tham dự thì dường như họ đi chỉ để thỏa mãn một điều gì đó mà thôi chứ không phải tham dự Thánh lễ với niềm tin, hay một niềm xác tín có sự hiện diện đích thực của Chúa Ki-tô.




[1] Điều này được Đức Giáo Hòang  Phanxico nói rất nhiều trong Thông điệp “Laudato Si”.
[2] Điều này được Đức Giáo Hoànng  Phanxico nói trong Thông điệp “Laudato Si”.
[3] Nguyên tác “Christian Ethíc”. Thần học luân lý chuyên biệt 1. Tủ sách chuyên đề, Tr 79.
[4] ĐGH Phanxico,  thông điệp Laudato Si, 122, Tr 84.
[5] ĐGH Phanxico,  thông điệp Laudato Si, 122, Tr 84.
[6] Nguyên tác “Christian Ethíc”. Thần học luân lý chuyên biệt 1. Tủ sách chuyên đề, Tr 81.
[7] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Những thách đố về mục vụ gia đình trong bối cảnh phúc âm hóa. http:// giaophanlongxuyen.org. Truy cập ngày 18/12/2015.