Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018

ĐOI CHÚT HIỂU VỀ ĐẠO “ÔNG BÀ”

<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-8290387625340435"
     crossorigin="anonymous"></script>
Lời nói đầu: Bài nầy được viết do đọc bài “Lễ Gia Tiên hay Ý nghĩa một cuộc trở về nguồn” trong tác phẩm “Về Nguồn” của Giáo sư Vũ Ký, do Trung Tâm Văn Hóa Xã Hội Phật Giáo Việt Nam tại Công Hòa Liên Bang Đức xuất bản năm 2002. Nơi đây xin góp thêm một số ý mong mở rộng thêm một “tinh hoa của truyền thống dân tộc”. N.T.
Không rõ thuật ngữ “ĐẠO ÔNG BÀ” xuất hiện vào thời nào trong ngôn ngữ Việt Nam, có thể đã rất lâu đời trong dân gian. Trong văn chương bác học, có lẽ từ khi bắt đầu có chữ Nôm vì danh từ “Ông Bà” quá nôm na đối với giới sĩ phu Nho học trước đó (người viết chỉ phỏng đoán, chứ không có dữ kiện để xác định).
Lâu nay, nói đến “Đạo Ông Bà”, ta thường nghĩ đấy là việc “thờ cúng tổ tiên” và hàng năm, vào ngày Tết Nguyên Đán thường có “Lễ Gia Tiên” được xem là nghi thức, là cách thức thể hiện “Đạo Ông Bà” hầu khắp cả nước trong lúc việc “giỗ cúng ông bà, cha mẹ” tại mỗi nhà thuộc phạm vi từng gia đình vào từng thời gian khác nhau theo ngày qua đời của ông bà, cha mẹ. Vì quan niệm đơn giản là “Thờ cúng tổ tiên” nên “Đạo Ông Bà” thường được đồng nghĩa với “Đạo Hiếu” nơi Khổng giáo, nói lên lòng yêu thương, phụng dưỡng cha mẹ lúc cha mẹ còn sống và thờ kính, nhớ ơn cha mẹ lúc cha mẹ qua đời. “Đại hiếu chung thân phụ mẫu”, lời nầy của Đạo Nho nói lên đạo đức của con cái là phải suốt đời lo lắng, chăm sóc cha mẹ, vâng lời cha mẹ, không gây buồn phiền cho cha mẹ, không được rời xa cha mẹ và dù phải vì mục đích nào phải xa cha mẹ (vì nghĩa vụ đối nước non, dân tộc) thì cũng phải luôn luôn nhớ nghĩ đến cha mẹ, tạo nên tiếng tốt, việc tốt cho cha mẹ vui lòng, làm hiển danh cha mẹ. Người Việt Nam đã tiếp thu Đạo Hiếu nầy qua Khổng giáo (thật ra đạo Hiếu đã có sẵn nơi Đạo Ông Bà) và còn kết hợp ‘Hiếu’ với ‘Thảo’ để thành “Đạo Hiếu Thảo” (không rõ đạo Nho có nhấn mạnh đến chữ ‘Thảo’ hay không, có gọi là ‘Đạo Hiếu Thảo’ hay chỉ là ‘Đạo Hiếu’ không thôi, kính xin các bậc cao minh chỉ giáo cho người viết – ‘Thảo’ có nghĩa ‘nhường nhịn, chia xẻ, san sẻ, bù đắp’ cho nhau chứ không ganh tỵ, ích kỷ, tranh giành giữ riêng cho mình. Như thế, ‘Thảo’ chỉ cách đối xử, liên hệ giữa vợ chồng, con cái, anh chị em luôn yêu thương, hòa thuận trong hiện tại cũng như lâu dài về sau; điều nầy càng nâng chữ ‘Hiếu’ lên một bậc vì khiến cha mẹ vui lòng được thấy con cái luôn luôn thuận hòa, gắn bó, thương yêu, giúp đỡ nhau. Có lẽ, do ý nghĩa nầy mà người Việt Nam đã ghép chung từ ‘Hiếu’ với từ ‘Thảo’ ).
Do hiểu “Đạo Ông Bà” riêng theo nghĩa “Đạo Hiếu” nên người Tây Phương thường gọi “Đạo Ông Bà” là ‘Le culte des ancêtres’ (sự thờ cúng tổ tiên). Nếu chỉ ‘thờ cúng tổ tiên’ không thôi thì chưa thể gọi là “Đạo” và dân tộc nào hầu như cũng đều có tục ‘thờ cúng tổ tiên’ như ta dù hình thức có khác. Người phương Tây, tuy không có bàn thờ ông bà trong nhà, không tổ chức cúng vái, mâm cỗ, nhang đèn, không tụ họp gia đình, không mời bà con thân thích trong ngày giỗ cúng nhưng lại có ngày “Fête des Morts”, (ngày lễ Toussaint) và họ thăm viếng nghĩa trang, tu bổ mồ mả; lại có những ‘Fête des Mères’, ‘Fête des Pères’, ‘Fête des amoureux’ (ngàyValentin) ngay lúc cha mẹ, vợ chồng còn sống và trao nhau tặng vật. Đấy là những tục lệ hay đẹp của người phương Tây; riêng về sự tưởng nhớ ông bà trong ngày ‘Lễ tưởng niệm người chết’ (fête des Morts) không lắm tính cách long trọng, thiêng liêng như ở Việt Nam. Vì thế, sự ‘tưởng niệm ông bà’ của người phương Tây là một mỹ tục chứ không trở thành một ‘Đạo’ như đối với người Việt chúng ta.
Người viết nghĩ rằng “Đạo Ông Bà” của người Việt Nam mang nhiều ý nghĩa cao sâu hơn ngoài việc ‘nhớ ơn và thờ phụng ông bà’.
1) Trước tiên, ta gọi là “Đạo Ông Bà”. Từ “Đạo” vừa là ‘đạo lý’ vừa là ‘con đường’. “Đạo lý” vì nói lên nguyên lý hướng dẫn tư duy và hành động cùng thái độ cư xử của con người trong cuộc sống cộng đồng. “Con đường” vì những nguyên lý đó đưa dẫn con người hướng đến cùng tìm về một thứ gì đó tốt đẹp, cao sâu, huyền nhiệm để cuộc sống thường nhật mang lấy một ý nghĩa cao quí. Từ “Đạo” nơi “Đạo Ông Bà” không hẳn giống với từ “Đạo” nơi các Tôn giáo như Đạo Phật, Đạo Chúa. Từ “Đạo” nơi các tôn giáo, theo người viết, bao gồm những tín lý, tín điều được nêu thành qui điều, ‘nguyên tắc’, định chế, giáo luật, giới răn, giới cấm, những nghi lễ nhất định phải theo và được khuôn ép vào một hệ thống lý luận cùng tổ chức (giáo hội, hàng ngũ tu sĩ, tăng ni) thực hành riêng biệt theo từng tôn giáo. Từ “Đạo” trong “Đạo Ông Bà” không có những tính cách đó. “Đạo Ông Bà”, thoạt tiên chỉ là một “Tín ngưỡng” (niềm tin và sự ngưỡng vọng về niềm tin đó) trước khi là ‘tín lý’ (do luận giảng của mọi người về sau); cũng không là ‘tín điều’ vì không có những nguyên tắc, những ‘giới luật, giới răn, giới cấm’, những lễ nghi nhất định, không do pháp chế áp đặt cũng không tuân thủ theo một hệ thống tri thức rao giảng cùng hành động thực hiện nhất định, không có tổ chức thành giáo hội, không có hàng ngũ đóng vai trò chỉ đạo, dẫn dắt; không có nơi thờ phượng nhất định như nhà chùa, nhà thờ; không có kinh kệ, không có truyền giảng cũng chẳng nhằm giáo huấn ai theo lối trường ốc. Dù có được mở rộng sự biết ơn và thờ cúng ông bà thành sự biết ơn và thờ phụng tổ tiên cả dòng họ (các từ đường) cùng danh nhân, anh hùng, liệt sĩ (các đền thờ, đình miếu) thì cũng không ra ngoài tính cách tín ngưỡng hơn là tôn giáo. Đạo Ông Bà nặng về tình cảm hơn là tín lý, tín điều. Do đó, có thể nói “Đạo Ông Bà” của người Việt Nam là một “Tín ngưỡng không Tôn giáo” hay nói cách khác: “Đạo Ông Bà tiêu biểu cho tinh thần tôn giáo của dân tộc ta, một thứ tôn giáo không kinh kệ; không giáo luật, giáo quy; không hệ thống tổ chức; không truyền giảng và cũng không nhất thiết tuân theo những lễ nghi nhất định”. Vì là một ‘tín ngưỡng’ nên Đạo Ông Bà thể hiện nơi “tấm lòng”, nơi “tâm khảm” nhiều khi không cần thiết một lễ nghi và cũng không nhất thiết phải vào đúng ngày Ông Bà, Cha Mẹ đã qua đời. Nhà thơ Phương Triều, khi thuật lại cảnh một ông già sống lây lất nơi Xóm Mộ, một nghĩa trang nhỏ vùng quê ông sau cuộc ‘đổi đời’ bi thảm do cộng sản phủ trùm lên nhân dân Miền Nam từ sau 30/4/1975, đã thực hiện “Đạo Ông Bà” trong hiu hắt buồn đau não nùng trong ngày Tết:
-Nghĩa địa góc quen chiều chợt Tết
Ông già mở lại gói đời quên
Bên kia chân mộ còn vuông đất
Lót lá làm mâm đón tổ tiên!….
(Tết, Xóm Mộ)
[chú thích: Đoạn thơ trích trong thi tập “Xóm Mộ” (nxb Lê Huỳnh, Minnesota, Hoa Ky, 2001). Gói đời quên: Ông già luôn mang theo bên mình một bọc trong đó có bài vị và tấm hình của cha mẹ. Gói đời tha thiết nầy đành phải quên vì chế độ cộng sản buộc con người không được nhớ đến ông bà, cha mẹ để chỉ nhớ ơn Đảng và Nhà nước Cọng sản thôi]..
Xin trích thêm một đoạn thơ khác cũng trong thi tập nầy, nói lên nỗi đau buồn, tê tái của kẻ đành rời bỏ quê hương ra đi tìm tự do, nhắn người em bày tỏ niềm ngậm ngùi thương nhớ mẹ cha, ông bà:
-Chừng em có dịp về thăm mộ
Xin thắp giùm anh ngọn nến buồn
Ngồi che gió lạnh cho riêng nến
Không cứ gì thêm những khói hương!
...
Nếu mai không thể về thăm mộ
Mà ngậm ngùi đau chốn viễn phương
Xin em thắp một lần cho nến
Nhìn lụn tàn theo nỗi nhớ thương...
(Thăm mộ)
<script data-ad-client="ca-pub-8290387625340435" async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js"></script>
Vì là một “tín ngưỡng không tôn giáo” nên dân tộc ta dễ dàng dung hợp các tôn giáo du nhập: Phật, Khổng, Lão và cả Ky Tô giáo cũng như mọi kiến trúc tinh thần khác của nhân loại. (Việt Nam chỉ có tôn giáo của mình với hai đạo Cao Đài và Hòa Hảo từ thế kỷ XX. Đạo Thiên Chúa đến Việt Nam kể từ thời Trinh-Nguyễn phân tranh và thời Tây Sơn, không hề có sự bài xích tôn giáo nầy vào hai thời kỳ đó. Chỉ vào dưới các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức mới có sự kỳ thị tôn giáo nầy và tiếp theo là tình trạng giết hại giáo sĩ và giáo dân do các phong trào Văn Thân, Cần Vương mà lý do chính chưa hẳn do xung đột giữa văn hóa dân tộc (đạo Ong Bà) với Thiên Chúa giáo mà do động cơ chính trị vì các phong trào đó cho rằng giáo sĩ, giáo dân Thiên Chúa giáo hoặc là gián điệp hoặc tiếp tay thực dân Pháp xâm lăng Việt Nam).
2) Ta gọi “Đạo Ông Bà” chứ không gọi là “Đạo Tổ Tiên”. “Tổ Tiên” hoàn toàn chỉ tiền nhân, lớp người quá cố; “Ông Bà”, từ thuần Việt chỉ cả cha mẹ, ông bà hiện còn sống cùng tổ tiên và tiền nhân bao lớp trước dù không cùng dòng họ. Trong ý nghĩa nầy, Đạo Ông Bà mang tính cách truyền thống, nói lên mối liên tục lịch sử của cuộc sống chung, sợi dây liên đới nối kết bao thế hệ quá khứ với thế hệ hiện tại, mối liên hệ không chỉ về huyết thống, dòng họ mà còn về công nghiệp, về thành quả dựng xây được lưu truyền và tiếp tục kế thừa qua lịch sử. Sự thờ cúng, tưởng nhớ ông bà là biểu hiện lòng nhớ ơn bao lớp người đi trước đã cam khổ dựng xây bao công trình tốt đẹp mà nay ta được thụ hưởng. Ca dao Việt Nam có câu:
-Non cao ai đắp mà cao
Sông sâu ai xới ai đào mà sâu?
‘Non kia, sông nọ’ nơi đây, trong một ý nghĩa gần gũi, chỉ đất nước, non sông là công nghiệp bền bỉ lâu dài của bao đời tích tụ đến hôm nay, không chỉ riêng về mặt vật chất mà còn là cái ‘truyền thống văn hóa’ gìn giữ cuộc sống chung hài hòa tốt đẹp lưu truyền từ quá khứ. Tất cả đều là “di sản” của tiền nhân, bao trùm lên tất cả là cái nguồn gốc xa xôi từ khởi thủy của giống nòi. Đạo Ông Bà biểu hiện tấm lòng biết ơn, quí trọng cùng trách nhiệm, bổn phận và ý chí gìn giữ, kế thừa cùng phát huy cái di sản tốt đẹp đó. Điều nầy không do một quyền lực, một nền pháp chế nào áp đặt mà trước tiên phát xuất từ cái ‘não bộ đạo tâm’ (sensorum religieux - xem bài của Vũ Ký), một ‘nguyên lý nội tại’ (principe interne), một yếu tố hay tính chất bẩm sinh nơi con người (xem tác phẩm ‘Về Nguồn’ của Vũ Ký, trang 25), gìn giữ mối liên hệ giữa người chết và người sống, được xem như một ‘di truyền tâm linh’ giữa các thế hệ theo quan điểm ‘Vật Linh’ (animisme). Không giữ được Đạo Ông Bà là đánh mất một tính chất cao quí của giá trị con người và trở nên một cản trở tai hại cho văn hóa tức cho cuộc sống chung của cộng đồng. Đạo Ông Bà, vì thế, là một tín ngưỡng trở thành một thuần phong mỹ tục, một truyền thống tốt đẹp của Văn hóa.
Cũng nên nêu ra đây những trường hợp ông bà, cha mẹ đã làm những viêc xấu xa, lỗi lầm như bán nước, hại dân hay những việc làm tồi bại, đê tiện (trộm cướp, hiếp dâm, giết người, bóc lột, đày đọa kẻ khác,...) thì con cái thực hiện “Đạo Ông Bà”, thực hiện “Đạo Hiếu” ra sao? Dĩ nhiên cha mẹ, ông bà, tổ tiên, tiền nhân chúng ta qua suốt dọc dài lịch sử không lắm kẻ vì hoàn cảnh sống, vì giai đoạn lịch sử đen tối, vì áp đặt của những chế độ bạo tàn và vì óc tư hữu chiếm hữu cao độ đã phạm phải những lỗi lầm, sai trái tầy trời nhưng Đạo Ông Bà không cho phép con cái phủ nhận công ơn sinh thành, dưỡng dục mà phải yêu thương, nhớ tưởng, cúng giỗ, thờ phượng dù âm thầm tủi nhục về hành động của cha ông đồng thời tự thân phấn đấu làm nên việc tốt, việc thiện cùng giữ mình không rơi vào những điều xấu xa của lớp trước hầu làm giảm nhẹ, chuộc tội cho cha ông đối với dư luận và lịch sử chứ không phải tiếp tục các lỗi lầm của ông bà cha mẹ, rồi đổ thừa cho tại vì những ‘gène di truyền’ của dòng họ. Tủi nhục, xấu hổ về những sai trái của ông bà, cha mẹ, hối hận cho ông bà cha mẹ về những việc làm xấu xa của ông bà, cha mẹ và phấn đấu tu sửa mình thành kẻ tốt, làm được những điều hay giúp ích cho người, cho đời để gỡ tội cho ông bà cha mẹ; đấy là thể hiện đúng đắn Đạo Ông Bà trong những trường hợp đó. (Một số cán bộ, cán binh cộng sản đã phản tĩnh quay lại chống Đảng, chống chế độ Cộng sản vì đã nhìn ra, đã hối hận về những sai trái lỗi lầm của cha ông và của mình đã gây ra cho dân, cho nước vì cuồng tín, say mê chủ nghĩa, vì đã lầm lẫn làm công cụ cho Đảng và chế độ bạo tàn; những kẻ đó hiện đang tìm cách trở về sống và thể hiện Đạo Ông Bà truyền thống văn hóa của dân tộc).
3) Đạo Ông Bà thể hiện hướng vọng về nguồn của dân tộc ta. Hướng vọng về nguồn tức tìm về với nguồn cội. Nguồn cội, trong ý gần gũi nhất, chỉ Ông Bà, Tiên Tổ đã xây dựng nên dòng họ mình. Xa hơn chút, nguồn cội là Tổ Tiên lâu đời đã sáng dựng nên dân tộc, quốc gia mà ta thường gọi là quốc tổ. Xa hơn nữa và rộng sâu hơn nữa, nguồn cội chỉ cái yếu tố tiên thiên, nguyên khởi đã ‘sinh thành’ vũ trụ gồm vạn hữu và con người. Cái yếu tố nguyên khởi nầy được gọi theo nhiều danh xưng (xin không dông dài liệt kê nơi đây, trong “Về Nguồn”, giáo sư Vũ Ký đã đề cập). Người viết, dựa theo Đạo học, gọi đấy là Đạo Thể (Être), cái Hữu Thể nền tảng (L’Être fondamental), cái “Nhất Thể Khởi nguyên” đã ‘tự tác động’ mình, tự ‘sắc tướng hóa’, tự ‘đối tượng hóa’ (s’objectiver) mình (nói theo tôn giáo và triết học), tự ‘vật chất hóa’ (se matéraliser) mình (nói theo khoa học) để làm phát sinh vũ trụ hiện tượng (cõi thế gian, cõi tục đế hay cõi hiện hữu) rồi chuyển dịch theo diễn trình tiến hóa của cõi hiện hữu mà hồi phục lại mình cùng đưa vạn hữu trở lại với mình. Khoa học ngày nay đang đi tìm cái ‘Đạo Thể, cái Nhất Thể Khởi nguyên, cái Một nguyên khởi đó hay cái Cội Nguồn của vũ trụ qua những lý thuyết big-bang, tiền big-bang, lý thuyết về sợi (théorie des Cordes) hay gì gì nữa để xác định đấy là năng lượng, là một ‘lượng tử (quanta), một siêu lực (super force), một siêu sợi (super corde) hay một Instanton hoặc gì khác. (Xin không bàn nhiều đến khoa học nơi đây; riêng người viết nghĩ rằng khoa học không thể nào tìm ra theo cái biết luận lý của mình lâu nay nếu không dựa vào Đạo học). Sư việc cái “Một Nguyên khởi” tự tác động mình để từ “Tự Hữu” (en soi) đi vào “Hiện Hữu” (pour soi, để tạo ra cõi Hiện Hữu) là một tác động nhiệm mật, không thể chứng minh. Theo E. Kant là do “Nguyên nhân bởi Tự do” (Cause par Liberté), theo chúng tôi là do cái “Tự do phát khởi nguyên nhân” (Liberté causale) tức là một tác động đột khởi, một hoạt động tự động tuyệt đối (auto-activité absolue), cái năng lực “tự phát hiện” để phát sinh một trạng thái, một sự việc mà tất cả những sự việc về sau giúp soi sáng sự việc tiên khởi đó (xem “Hành trình vào Nhất Thể” của NT&TMX, tập 1, nxb Mekong Tỵ nạn, Newark, CA, 2002). Một điều mà trước nay hầu như chưa một ai lưu ý là “Cái Đạo Thể (Nhất Thể khởi nguyên, cái Một nguyên khởi) luôn luôn dịch chuyển về Tương lai để hồi phục lại mình (Nhất Thể hồi phục) và dòng vận hành chuyển dịch nầy ứng vào dòng diễn tiến sinh hóa của cõi Hiện hữu (vạn hữu và con người) để đưa cõi Hiện Hữu trở về lại với mình. Do đó mà có Lịch sử, có Tiến hóa của cõi Hiện hữu” . Khoa học không để ý vì cho đấy là ý niệm trừu tượng, siêu hình không hợp với luận lý khoa học. Điều nầy, Đạo học, tôn giáo và triết học đã nói nhưng mọi luận giảng trước nay chưa đề cập thật rõ ràng. Đạo Thể hay cội nguồn luôn dịch chuyển về tương lai vì thế hướng đến là tìm về, tương lai là buổi đầu quá Khứ , giờ chung cục chính là thời điểm của Khởi Nguyên. Điều nầy, người xưa đã nói. Jésus đã bảo: ‘Ta là Alpha và Omega, là đầu và rốt’, lời nầy có nghĩa ‘Thượng Đế (từ Ta nơi đây ám chỉ Thượng Đế tức cái Đạo Thế, cái Nhất Thể khởi nguyên hay Cội Nguồn) tạo lập nên vũ trụ rối chuyển dịch theo dòng vận hành sinh hóa của vũ trụ để đưa vũ trụ trở lại với mình vào thời điểm cuối cùng của dòng tiến hóa nên cái Alpha trở về trong Oméga, cái Khởi nguyên trở về trong cái Chung cục. Lời Phật: “Hồi đầu thị ngạn” (quay đầu thấy bến). Bến, theo Kinh điển là Bến giác tức cái thời điểm cùng trạng thái nhìn ra, sống với Tự Thể, Tự Tánh của mình và của chúng sinh. Nhưng chính ra Phật muốn nói đến dòng tiến hóa của nhân sinh. Bến là nơi ta đến, tìm về, bình an, đoàn tụ, thoát hết mọi gian nan, e ngại trong suốt hành trình lênh đênh nơi sông hồ, biển cả (cõi hiện hữu trầm luân). Quay đầu nhìn về nguồn cội mới thấy cái bến bình an, yên vui đoàn tụ đó vì “Cội nguồn dịch chuyển về tương lai”. Đức Khổng đã bảo “Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ”; Lão Tử bảo “Phản giả Đạo chi động”, Trang Tử cũng bảo tương tự. Các nhà Tư tưởng Cổ Hy Lạp như Pythagore, Héraclite, cũng cùng ý đó dù chưa thật rõ ràng. Trong những thế kỷ gần đây, Nietzche đã bảo “Sự quy hồi miên viễn của Thể Tính đồng nhiên” (le retour éternel de l’Identique); M. Heidegger viết “Ngày xưa của bình minh trong ngày tới của tương lai” (le jadis de l’aurore dans le futur de l’avenir) và qua thiên cảo luận ‘Le Chemin de Campagne’, nói về dòng vận hành của tư tưởng, đã viết: “Bởi Tiếng gọi (tiếng gọi của Đạo Thể, của cội nguồn) từ một nguyên sơ thăm thẳm, một miền cố quận (Quê hương ban đầu mà ta đã phân ly) được hoàn trả lại cho chúng ta” (Par l’appel en une loitaine Origine, une Terre natale nous est rendue). Rõ ràng nhất là lời của Tôn sư Eckhart: “Thượng Đế chu lưu không biến tính suốt mọi đổi thay (của cõi thế) và tự kết thúc (tự hoàn thành, từ hồi phục) trong đơn nhất tính thể” (Dieu parcourt sans altération tout changement et se clot en unité d’essence). Xin mượn lời thơ để nói về sự việc chuyển về tương lai của cội nguồn:
-Tôi viết tờ thư
Hỏi Trời :
-Thuở trước, cha mẹ sinh ra
Đàn ông hay vốn đàn bà?
Trời rằng:
“Ta tự sinh ta
Thuở mù mịt chẳng có bà, có ông
Chẳng có vợ, chẳng có chồng
Hữu Vô vốn một, Có Không vốn đồng
Cõi Vô thỉ, ấy gốc nguồn
Cõi Vô Chung, ấy chốn cuối cùng của ta.
NT&TMX (Sao Mắt).
Nguyễn Du, do cảm ứng điều nầy, đã phóng tác “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài nhân rồi đặt tên cho tác phẩm của mình là “Đoạn trường tân thanh” (xin không nói nơi đây vì rất dài dòng).
“Đạo Ông Bà” của chúng ta cũng nằm trong ý đó. Ta nên để ý hai từ thuần Việt ‘Ông’ và ‘Bà’. Hai từ nầy chỉ hai giới tính nam và nữ, theo Đạo học là hai yếu tố dương và âm, cặp lưỡng nhất đã kết hợp nhau qua thời gian , sinh thành vạn hữu tức vũ trụ hiện tượng. Vậy, với hai từ ‘Ông và Bà’, Đạo Ông Bà của chúng ta đã nói đến cái cội nguồn phát sinh vạn hữu, trong đó có con người. Niềm hướng vọng về cội nguồn đã hàm chứa nơi hai từ nầy. Vọng về cội nguồn không phải để sống với quá khứ mà chính là để hướng đến tương lai, để soạn sửa, dựng xây tương lai ngay từ hiện tại nầy (xem dưới). Không nhìn ra “sự chuyển dịch của cội nguồn về tương lai”, ta sẽ khó lòng nhìn ra cùng dự đoán dòng diễn biến tiến hóa của nhân sinh qua từng giai kỳ lịch sử cũng như không thấy được ý nghĩa cùng cứu cánh của tiến hóa, của cuộc sống, cuộc đời. Chẳng hạn, cái gì sẽ xảy ra sau cuộc chiến của Hoa Kỳ tấn công Iraq? Hoặc Hoa Kỳ càng thêm điều kiện đẩy mạnh hơn nữa mộng đồ làm chủ thế giới hoặc Hoa Kỳ sẽ trở thành người bạn thật sự của toàn thế giới? Hoặc Hoa Kỳ phải lụn bại vì không thể thắng dược Iraq trong một cuộc chiến trường kỳ; và những hệ quả sẽ xảy ra cho toàn thế giới trong những trường hợp trên như thế nào? (xin không nói rộng thêm).
Vậy, “Đạo Ông Bà” nói lên hướng vọng về nguồn cùng ý hướng hướng về tương lai của dân tộc ta. ‘Hướng vọng về nguồn’ là điều triết học Tây phương từ lâu đã nói, đấy là “nỗi hoài hương hằng thể” (la nostalgie de l’Être), là sự “quy hồi cố quận” (le retour au sol natal) trên nẻo đường tương lai.
4) Đạo Ông Bà còn nói lên cách đối xử giữa người và người với nhau trong hiện tại và về sau. Ta chú ý hai từ thuần việt ‘Ông’ và ‘Bà’. Trong cuộc sống hằng ngày, gặp ai, nói với ai, viết thư cho ai, ta thường bảo: ‘thưa ông, thưa bà’, ngoại trừ giữa gia đình và lúc căn cứ trên niên kỷ thấp cao và thứ bậc trong dòng họ mà ta dùng những đại danh xưng khác trong lúc xưng hô: cha, mẹ, ông bà nội ngoại, cụ, bác, chú, dượng, dì, thím, cô, cậu, anh, chị, con, em... hoặc căn cứ vào chức vụ, cấp bực: Tổng thống, Thủ tướng, Bộ Trưởng, Giám Đốc, Thiếu tướng, Đại Úy, Bác sĩ, Kỹ sư, Tiến sĩ, Luật sư,... Nhưng dù gọi với bất cứ danh xưng nào thì cũng là ‘Ông’ và ‘Bà’ tùy theo đối tượng thuộc giới tính nào. Vậy, hai từ ‘Ông, Bà’ nói lên mối tương hệ, tương giao giữa mọi người trong cuộc sống bình thường của xã hội trong tất cả mọi bình diện sinh hoạt. Giữ mối tương giao đó êm đẹp thì cuộc sống chung của cộng đồng diễn ra vui vẻ, bằng an. Nhất là trong gia đình, dòng họ, giữ được mối tương giao đó hòa thuận, thân ái, gắn bó trong tình thương yêu, đùm bọc cho nhau thì Tổ Tiên, Ông Bà còn sống hay đã qua đời sẽ rất vui lòng, sung sướng. Do đó, “Đạo Ông Bà” không chỉ nói đến đạo Hiếu mà còn nói đến đạo Thảo giữa mọi phần tử trong gia đình dòng họ mà còn cả cách cư xử giữa mọi người để cuộc sống chung của cộng đồng luôn hài hòa, êm đẹp. Vì thế, Đạo Ông Bà không chỉ là tín ngưỡng nơi tấm lòng đối với Ông Bà, Cha Mẹ mà còn là điều phải thực hiện ngay trong cuộc sống xã hội nhân quần.
Với những tính chất trên: tín ngưỡng không tôn giáo; liên tục lịch sử giữa các thế hệ; hướng vọng về nguồn để dựng xây tương lai; thực hiện ngay trong hiện tại mối tương giao thuận hảo giữa người và người, ta có thể nói “Đạo Ông Bà” chính là “Đạo Sống” vừa tâm linh vừa thực tiễn của con người bất kỳ nơi đâu, thời nào, lúc nào, chung cho cả nhân loại. Về mặt tri thức luận, ta có thể xem Đạo Ông Bà là một thứ Siêu Thuyết (métathéorie) của dân tộc ta. “Siêu thuyết”, hiểu theo nghĩa toán học như định nghĩa trong Grand Larousse universel: ‘Siêu thuyết của một lý thuyết diễn dịch nghiên cứu những ý niệm không mâu thuẫn, tự thân túc lý và độc lập của những công lý’ [La métathéorie d’une théorie déductive étudie notamment les concepts de non contradiction, de complétude et d’indépendance des axiomes - Axiome=công lý, theo nghĩa triết học là’ chân lý không thể chứng minh nhưng hiển nhiên đối với ai hiểu được ý nghĩa chân lý đó’ hoặc ‘mệnh đề được nhìn nhận bởi tất cả mọi ngườĩ không cần bàn cãi’ (vérité indémontrable mais évidente par quiconque en comprend le sens - proposition admise par tout le monde sans discussion -theo Dictionnaire ‘Le Petit Robert’ và Dictionnaire Hachette). Từ một Công lý, người ta suy diễn ra những mệnh đề khác gọi là ‘định lý’ (théorèmes) trong toán học]. Với 4 tính chất kể trên, ta thấy “Đạo Ông Bà” của dân tộc chúng ta là ‘hiển nhiên’, tự thân không mâu thuẫn và cũng không mâu thuẫn với một hệ thống lý thuyết hay chân lý nào khác, tự thân túc lý (tự thân trọn vẹn ý nghĩa), và độc lập có nghĩa không phải suy luận từ một định đề (postulat) hay định lý nào khác.
Trên đây là những góp ý để chứng minh tinh hoa truyền thống văn hóa dân tộc chúng ta không chỉ của riêng chúng ta mà bao hàm cả tinh hoa truyền thông văn hóa nhân loại, ứng dụng cho toàn nhân loại suốt mọi thời đại. Rất mong bạn đọc và các bậc thức giả cao minh chỉ giáo cho những điểm người viết còn thiếu sót hoặc có tính cách ‘cường điệu’.
Grenoble, 23/03/2003
Nguyễn Thùy

<script data-ad-client="ca-pub-8290387625340435" async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js"></script>

Chữ Tâm trong chữ Hiếu

Xin tóm tắt một vài dòng giới thiệu chữ tâm trong chữ hiếu được nhìn từ nhiều lăng kính : Thánh Kinh, Hiếu Kinh, Phật Giáo, và trong dân gian.
1. Chữ tâm trong Thánh Kinh.
Chữ Tâm trong Thánh Kinh, bắt nguồn từ "Thiên Chúa là Tình Yêu" (1Ga 4, 8), vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đến nỗi phó nộp Con Một của Người cho thế gian.
"Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta." (Rm 5, 8). Bởi đó, có lệnh truyền "chúng ta hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em" (Ga 15,17). Chữ tâm được biểu lộ cách trọn vẹn nhất là " Chết cho người mình yêu", một chữ tâm đi cho đến tận cùng khả năng của con người, "hết lòng, hết sức, hết cả trí khôn", người Kitô hữu hoàn tất cuộc đời mình trong chữ tâm.
Chữ tâm trong chữ Hiếu ở mười điều răn, được nhấn mạnh trong điều răn thứ tư mở đầu phần hai của Thập Giới, ấn định trật tự của đức ái. Thiên Chúa muốn rằng sau Người chúng ta phải tôn kính cha mẹ, vì đã sinh thành dưỡng dục, và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa. "Hãy trọng kính cha mẹ ngươi, để được sống lâu bền trên đất mà Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi" (Xh 20,12). Thảo Kính cha mẹ, là tương quan phổ quát nhất, nền tảng nhất cho các tương quan khác : Trò đối với thầy, thợ đối với chủ, công dân đối với tổ quốc,...và ngược lại "thảo kính cha mẹ" cũng hiểu ngầm và bao hàm việc cha mẹ có bổn phận với con cái, chủ đối với thợ, thầy đối với trò, người cầm quyền đối với dân...người sống theo đạo hiếu này thì được những phần thưởng thiêng liêng, và những phần thưởng khác của trần thế là an bình và thịnh vượng.
2. Chữ tâm trong Hiếu Kinh.
Chữ tâm trong học thuyết của Khổng Tử, luôn thiên về thực tiễn và lấy đạo nhân làm chủ yếu. Nhân là lòng yêu thương rộng khắp bao trùm cả con người và vạn vật. Người có đạo nhân là người mang trong mình dòng máu yêu thương, lấy yêu thương để hoàn tất mọi sự trong đời. Khổng Tử chỉ rõ, chữ Tâm bắt nguồn từ bản thân đến gia đình, theo lẽ thường, cha mẹ, anh chị em, là người thân thiết nhất, ta phải kính yêu, rồi đối với người ngoài mới có lòng dung thứ và từ ái được. Do đó, vấn đề hiếu đễ, lễ nhạc, có vai trò rất quan trọng trong Nho Giáo, đức Khổng Tử giảng dạy rất kỹ cho thầy Tăng Sâm, phần này sau thành sách Hiếu Kinh, đời Hán nó được liệt vào quyển kinh thứ bảy, sau Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu.
Hiếu được đặt thành Kinh, cho thấy tầm quan trọng của chữ Hiếu, và trong chữ Hiếu chữ Tâm là quan trọng " Tận tâm kính dường phụ mẫu". Từ việc tận tâm với cha mẹ, người con cũng tận tâm với mọi người "Yêu cha mẹ, ghét người chẳng dám: kính song đường, chẳng dám khinh người". Người yêu kính cha mẹ mình thì thấy cha mẹ người hoặc người già như cha mẹ mình, thì đều yêu kính. Khổng Tử dạy rằng: "Dạy dân thân yêu, chẳng gì hay bằng hiếu; dạy dân lễ nhượng, chẳng gì hay bằng đễ; dời thói đổi tục, chẳng gì hay bằng nhạc; an trên trị dân, chẳng gì hay bằng lễ; lễ đó, kính mà thôi vậy. Cho nên kính của mình cha, thì con đẹp lòng; kính của mình vua, thì bầy tôi đẹp lòng; kính của mình anh, thì em được đẹp lòng; kính một người, mà muôn người được đẹp lòng; phần kính đó là ít, phần đẹp lòng đó nhiều. Ðó là cái gọi là cốt yếu đạo vậy." (Chương 12, sách Hiếu Kinh).
3. Chữ tâm trong Phật Giáo.
Thường trong kinh nói hiếu là mẹ tất cả các công đức, hiếu là gốc của hạnh. Nói đến hạnh là nói đến hạnh của Phật, nói đến đạo hiếu là nói đến đạo của Phật.
Hiếu và Hạnh, đều có tâm làm trọng yếu. Trong nhà Phật thường dạy: Tâm thành thì việc tốt. Tâm thành, dù một việc hết sức bình thường mà tác dụng, kết quả rất to lớn. Cho nên nói tới đạo Phật là nói đến tâm. Việc làm của người con Phật là căn cứ từ nơi tâm. Mọi sinh hoạt của ta phải xuất phát từ tâm chân thành. Lượng bao nhiêu cũng tốt nhưng phẩm chất mới có giá trị.
Nói tới tâm thì ai cũng có tâm. Là người mang trong mình dòng máu đỏ, ai cũng từ cha mẹ sinh ra, có sự sống. Chúng ta có ca tụng cha mẹ sinh ra ta với bao nhiêu nhọc nhằn năm tháng nuôi nấng. Có kể hết một đời cũng chưa xong, nhưng theo đó mà trôi tròn hiếu đạo. Việc làm con, chữ hiếu luôn lấy làm trọng thì thân mới vinh.
Chuyện kể rằng: một tu sỹ nọ, muốn lên Tây phương để tìm gặp Phật Tổ. Nhiều người biết được, nên gửi gắm ước nguyện và phẩm vật của họ cho vị tu sỹ, mong sao khi vị tu sỹ, gặp được đức Phật, thì dâng các lễ vật để cúng dường. Nhưng đường dài, n hiều gian khó, năm lụn tháng chầy vị tu sỹ này quá mệt mỏi, do đó ông quên và bỏ đ i hết những gì bạn hữu gửi gắm. Cuối cùng ông cũng đến được Tây Phương, nhưng khi tới nơi ông mới vỡ lẽ tất cả những gì ông đã vứt bỏ, đều đang ở bên Ðức Phật, lòng thành của mỗi người đã làm cho lễ vật của họ đến với Ðức Phật. Còn vị tu sỹ, phải lãnh nhận quả báo, trở về, lặn ngụp trong bùn nhơ, để mà mò tìm những gì mà ông đã vứt bỏ. Cho nên, nói được thì phải làm được. Có tâm thành thì mới có sự hoàn tất tròn đầy.
Dù cho phẩm vật dâng cho cha mẹ khiêm tốn, giản dị, bình thường với tấm lòng tâm thành, cũng được kể là trọng. Thế nên, Tăng sâm có nói: "Hạnh hiếu đứng đầu trăm hạnh tốt. Hiếu cảm đến trời thì mưa gió hoà thuận, hiếu cảm đến đất thì muôn vật hoá sinh, hiếu cảm đến người thì mọi phúc đều đến". Người cảm được như vậy, nói được và làm được như vậy, chính là người đã làm tròn bổn phận hiếu hạnh của mình đối với cha mẹ. Chủ trương của đạo Phật là chính từ mỗi con người chúng ta phải hoàn bị, đầy đủ, thật trôi tròn nhiệm vụ và tư cách của mình. Bao giờ bổn phận của mình chu toàn thì chung quanh mình được ảnh hưởng. Tinh thần đó bắt nguồn từ tâm thành của mỗi người chúng ta.
4. Chữ tâm trong dân gian.
Nền luân lý bình dân không có tính cách cao siêu, dạy cho ta một quan niệm xử thế tu#êt đích hay một tôn chỉ thoát tục. Mặc dầu, đối với bản thân, nền luân lý ấy khuyên ta có một tư cách cao thượng thanh khiết. "giấy rách phải giữ lấy lề" hoặc " đói cho sạch rách cho thơm". Ðôi khi, ta thấy ảnh hưởng rõ rệt của Nho Giáo mà sự bành trướng vượt ra khỏi phạm vi giai cấp Nho sĩ để ảnh hưởng tới đại chúng bình dân. Ta không thể phủ nhận ảnh hưởng ấy được, vì ngày trước cũng đã có nhiều vị quan đem những điều mình biết về Nho Giáo, rồi đem ra dạy cho dân, và trong dân cũng có nhiều người tài giỏi sống đời ẩn dật mà giúp đỡ dân học cái đạo lý làm người qua các sách Thánh hiền. Sự lớn rộng của Nho phong ấy đi vào từng nếp sống gia đình, cái đạo lý ấy làm cho gia đình có một nề nếp, có một bầu khí kính trên nhường dưới, có tôn ti trật tự gắn bó yêu thương.
Nói thế, người Việt Nam không phải là không có nền luân lý riêng, tuy nó không hệ thống như Nho Giáo, nhưng nó bàng bạc khắp nơi, qua những ca dao bình dân, nền luân lý ấy, đôi khi thật đơn giản, bình thường. Người Việt Nam không nhắm tới việc sống như một ông Thánh mà cốt sao tìm được sự hoà thuận trong gia đình: " Thuận Vợ Thuận chồng, tát bể đông cũng cạn." Hoặc dạy bổn phận làm con, biết ơn cha mẹ : "Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con". Ðơn giản mà dễ hiểu: "anh em thương nhau như thể tay chân", hoà hảo là hơn hết đối với xã hội: "Một sự nhịn, chín sự lành". Lấy lòng nhân quan trọng hơn hết :"Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Sống với nhau cần có một tấm lòng, cái lòng của một luỹ tre xanh mộc mạc, chất phác mà bao công dụng, để rồi đi đâu, cũng nhớ cũng thương tới những luỹ tre xanh ấy.
Xét qua vài góc nhìn về chữ tâm trong chữ hiếu, chúng ta có thể nhận ra rằng, trước khi Kitô Giáo được gieo vào lòng quê Việt Nam, thì từ ngàn đời, Thánh Thần đã chuẩn bị trong tâm hồn người Việt một mảnh đất tốt, để sẵn sàng đón nhận hạt giống Tin Mừng.
Lm. Đôminicô Bùi Minh Sơn



DANG HOA CONG DONG 1