Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

HỆ LỤY TỘI NGUYÊN TỔ

                                                                                                              Anton Nguyễn Công Chính
I/ Dẫn nhập
        Ngày nay với sự phát triển tột bậc về khoa học kĩ thuật. Ngồi một chỗ con người có thể biết được mọi thông tin của thế giới đang diễn ra. Trong những thông tin đó cũng không ít những thông tin mang đến cho con người những suy nghĩ sai lạc. Song song với sự phát triển đó cũng kéo theo không ít những tệ nạn làm cho con người đánh mất chính mình lúc nào không hay biết. Chính những lôi kéo đó đã đẩy con người đến một tầm cao mới, đến nỗi con người không còn nhận ra chính mình nữa. Khi đã đánh mất chính mình thì đồng nghĩa với việc con người đánh mất ý thức về tội. Một khi đã như vậy thì coi tội lỗi là cái rất phù phiếm không thực tế, ngăn cản tự do của con người. Qua đó dẫn đến những sự sai lầm không thể lường như con giết cha, cháu giết ông bà, cha giết con….Tất cả là hệ lụy của sự phát triển không đồng đều giữa xã hội và con người.
        Chúng ta cũng không thể đổ tội hết cho ngoại tại mà không suy nghĩ đến cõi lòng mình. Trong con người luôn luôn có sự hiện diện của điều thiện và điều ác. Cả hai cùng lớn lên và chúng sẽ đi hết chặng đường của mỗi người. Điều cốt yếu trong mỗi người là có đẩy lui sự ác để cho sự thiện lớn lên hay không. Nếu mỗi người luôn luôn nuôi dưỡng những điều sai trài thì dường như ta đang đẩy lùi sự thiện vào bóng tối để sự ác được vươn lên và làm cho con người ra tăm tối lúc nào không hay biết. Sự cách lý giữa sự thiện và sự ác rất mong manh, dường như ta không thể phân biệt cách rõ ràng mười mươi được. Đôi khi nó chỉ xẩy ra trong nháy mắt. Điều quan trọng trong cuộc sống mỗi người là luôn có tinh thần tỉnh thức và chiến đấu cho sự thiện từng giây, từng phút trong cuộc đời.
        Để hiểu rõ sự tội trong con người và làm rõ câu nói của Thánh Phao-lô “vì một người duy nhất mà tội đã xâm nhập vào thế gian, và tội lỗi gây ra sự chết, như thế tội lỗi đã lan tràn đến mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5, 12).  Giờ đây ta sẽ đi tìm về nguồn của sự tội trong con người đưới cái nhìn của Kinh Thánh.
II/ Nội dung
        1/ Khái niệm về tội:
        Khi nói đến tội ta liên hệ đến nhiều thể loại tội như: tội tổ tông, tội nhân, tội nặng và tội nhẹ. Tất cả những loại tội này có một cái nhìn chung nhất là tội. Như vậy tội có nghĩa là coi nhẹ những đòi hỏi của luật luân lý và những mệnh lệnh của lương tâm là những hành vi xấu, hành vi nhân linh [1]. Đối với một số nhận định khác. Tội được hiểu theo nghĩa thông thường đó là làm trái với pháp luật, trái với điều luật của tôn giáo, hoặc lỗi lầm đối với người khác. Theo Kinh Thánh, tội là cố tình chống lại ý muốn tốt lành và yêu thương của Thiên Chúa và không muốn lệ thuộc vào Ngài. Tội phát xuất từ lòng người, cùng với sự thúc đẩy của quyền lực sự dữ. Tội là lỗi phạm đến chân lý, trái với lương tâm ngay chính, là sự súc phạm và thiếu tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tha nhân, quyến luyến lệch lạc với thế giới thụ tạo. Tội phá vỡ mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, làm tổn thương phẩm giá con người và vi phạm đến tình liên đới của nhân loại [2]. Như vậy, tội được hiểu như là một sự cắt đứt các mối liên hệ đối với tất cả các thành phần để làm theo ý mình, đi ngược lại với luân thường đạo lý làm người của mình.
        2/ Tội lỗi theo Cựu ước
        Đỉnh cao công trình sáng tạo của Thiên Chúa đó chính là con người. Con người được vinh dự thông phần với vinh quang của Người, mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa, làm chủ muôn loài muôn vật Chúa đã dựng nên. Thể hiện quyền làm chủ đó được Kinh Thánh ghi lại cách rõ ràng “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó là thế” (St 2,19). Chính việc đặt tên nói lên quyền làm chủ của con người. Con người đã thay quyền Chúa để lãnh đạo muôn loài Ngài đã làm nên.
Con người đã lạm dụng quyền tự do của mình để làm theo ý mình, chống lại ý của Thiên Chúa. Chính vì thế con người đã đưa tay hái trái cây mà Thiên Chúa đã cấm để ăn và lúc đó mắt hai ông bà mở ra và thấy mình trần truồng “bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân” (St 3, 7). Đây là một bức tranh nói lên rằng, con người không còn ở trong hào quang của Chúa nữa, họ không còn nhìn nhau dưới hào quang đó nữa, họ thấy nhau như trần truồng và chẳng còn có thể chấp nhận nhau dễ dàng nữa.[3]. Con người dường như phải dấu mặt nhau qua tấm áo. Để nói lên rằng: Con người phải chứng minh cho nhau qua nhưng yếu tố bên ngoài. Tấm áo trở nên biểu trưng cho chính con người mình, muốn dùng tấm áo đó để dấu cái bên trong đã bị tổn thương. Qua đó nói lên, con người đầu tiên sa ngã để cắt nghĩa khả năng phạm tội của con người. Các biểu tượng sâu thẳm trong câu chuyện hàm chứa một số khẳng định căn bản: con người lúc nào cũng nằm trong vòng chi phối của tội lỗi xét như là thái độ khinh thường Thánh ý Thiên Chúa. Tội nguyên tổ mang tính điển hình và cốt ở việc con người muốn hiện hữu như Thiên Chúa, nghĩa là muốn thoát khỏi giới hạn để sống hoàn toàn độc lập, hoàn toàn làm chủ chính mình [4].
Chính tội lỗi đã sâm chiếm con người và làm cho con người ra hư hoại. Tưởng mình sẽ được bằng Thiên Chúa sau khi ăn trái cây đó nhưng khôn khổ thay sự thiện không thấy mà chỉ thấy hai lõa thể đứng trước mặt mà thôi. Lúc này con người mới tìm cách để che thân. Một sự trốn tránh đến tận cùng để không bị giáp mặt với Đấng làm nên mình. Trong thư của Phao-lô gửi cho giáo đoàn Roma, ngài nói về vẫn đề này như sau: Ngay từ  đầu con người đã mang nỗi kiêu căng cho rằng mình đã nắm được chìa khóa hiểu biết, chẳng cần Chúa nữa, cũng chẳng cần chìa khóa mở ra sự sống, chẳng phải chết nữa. Từ việc rút lui khỏi Chúa, con người rốt cuộc trốn mặt Ngài. Lòng tín thác của tình yêu bỗng dưng trở thành nỗi sợ hãi trước một Thiên Chúa đáng sợ và quá uy quyền [5]. Lúc này đây mối tương quan giữa con người với nhau dường như cũng bị xa cách khi Thiên Chúa tra hỏi con người. Lúc này không còn ca khen “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (x. St 2, 23) nhưng là một sự trách móc đến tận cùng nhất và đổ tội cho Thiên Chúa “người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn” (x. St 3, 12). Một sự trách móc và một sự đổ tội đến tận cùng nhất của con người. Chính Thiên Chúa đã trực tiếp căn dặn con người là không được ăn trái cây đó nhưng vì muốn bằng Thiên Chúa nên con người bất chấp tất cả để ăn trái cây đó và giả vờ ta không biết, một sự không biết đến ngớ ngẩn nhất. Đây cũng là điều mà Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh và khiến trách nhất đó là sự “dửng dưng” của con người. Chính sự “dửng dưng” của con người đầu tiên này như là lời tiên báo cho muôn thế hệ sau này. Sự “dửng dưng” đã đánh mất căn tính và nhân tính làm người để tìm cách chuộc lợi cho mình, để từ đó thốt lên những lời như Cain ngày xa xưa ấy “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao” (x. St 4, 9).
Đỉnh cao của tỗi lỗi là con người phải chết “ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi ngươi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19). Lời tiên báo và sự trừng phạt của Thiên Chúa đối với con người đầu tiên này cũng là lời tiên báo cho muôn thế hệ sau. Con người sẽ không bao giờ sống mãi trên cõi đất này. Chính cái chết là điểm phân cách giữa thế giới thực tại với thế giới Thần Thiêng. Cuộc sống thực tại này là kết quả của đời sống mai sau. Con người sống tại trần thế mang trong mình sự thiện và sự ác. Hai điều này luôn có trong mình từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi. Chính vì thế trong cuộc sống con người luôn có sự giằng co giữa thiện và ác. Ranh giới để xác định hai điều này rất mong manh. Hằng ngày con người phải không ngừng chiến đấu để sự thiện trổi vượt hơn sự ác.
3/ Tội lỗi theo Tân ước
Một sự đối nghịch giữa con người với Thiên Chúa. Adam muốn chiếm lấy sự hiểu biết của mình bằng Thiên Chúa, muốn chiếm lấy tất cả cho mình, để không còn phụ thuộc vào Thiên Chúa nữa nhưng đối với Thiên Chúa thì ngược lại hoàn toàn. Ngài từ bỏ tất cả để xuống trần gian gánh lấy tội lỗi cho nhân loại. Cả cuộc đời của Ngài nói lên một tình yêu trọn vẹn không bị phân mảnh. Ngài đã xuống trần gian với cảnh đời nghèo khổ nhất của kiếp người. Sinh ra không một mảnh vải che thân và hơi ấm lúc này chỉ nhờ vào hơi thở của những chú bò. Sinh ra đã như vậy nhưng lúc chết đi cũng không một mảnh vải che thân, chết tất tưởi trên Thánh giá, đây là cái chết tụi nhục nhất đối với thời bấy giờ. Nhưng sự tụi nhục đó đối với con người nhưng lại vinh quang đối với Thiên Chúa. Sự vinh quanh Ngài đón nhận đó chính là để cho con người biết ăn năn quay trở về với Thiên Chúa. Ngài đã đánh đổi tất cả để chiếm lấy những con người biết tìm về với Ngài. Khi nhìn lên Thập giá ta mới thấy được giá trị cao cả của Ngài. Chính tội lỗi nhân loại đã làm Ngài ra như thế  “Qua thập giá để con người nhận ra kiêu căng chính là hạt nhân của mọi tội lỗi” [6].
Chúa Giê-su đến trần gian, để cứu con người thoát khỏi tội lỗi. Ngài là một Adam mới. Chính trong bí tích rửa tội ta được sáp nhập vào cộng đoàn dân Chúa, cộng đoàn Giáo hội và trở thành Adam mới trong Đức Ki-tô. Qua Bí Tích Rửa Tội đức Ki-tô ngự trị trong con người để xóa tan tội lỗi mà nguyên tổ đã phạm tội. Mặc dù tội nguyên tổ được tẩy sạch nhưng con người bất toàn luôn ngả theo sự dữ. Thiên Chúa ban cho con người sử dụng quyền tự do của mình trên đời sống của mình. Để qua đó con người biết làm chủ bản thân và có một sự chọn lựa cho đời sống mình. Trong con người sự thiện và sự ác luôn luôn đi song hành với nhau, nếu ta không có sự chọn lựa dứt khoát từ bỏ sự ác để chiếm lấy sự thiện thì không sớm thì muộn ta cũng chiều theo sự ác lúc nào không hay biết. Sự thiện và sự ác hình thành trong bản thể con người được ví như là Adam cũ và Adam mới luôn ở trong con người. Bởi vì tự bản chất con người sinh ra trong cộng đồng xã hội dường như hút trọn con người của Adam cũ. Qua Bí Tích Rửa Tội ta được sáp nhập vào Adam mới. Cho nên tự do là ranh giới của sự chọn lựa. Mang trong mình là Adam mới và Adam cũ nhưng luôn nghiêng chiều về Adam cũ để phạm tội thì Thiên Chúa không ngăn cản, bởi vì Thiên Chúa không muốn chiếm đoạt tự do của con người. Chính sự tự do trong con người mà có những chọn lựa sai lầm. Chọn lựa sai lầm vì không có sự kết hợp mật thiết với Chúa mà luôn nuôi dưỡng những ý tưởng phạm tội để chiều theo những gì thân xác con người mong muốn, để rồi tự bản thân thốt lên “điều tốt tôi muốn làm nhưng tôi không làm, còn điều xấu tôi không muốn làm nhưng tôi lại làm”(Rm7,20). Chính trong ý tưởng con người không nuôi dưỡng và phát huy những sự lành thánh thì rất dễ dàng đưa chúng ta đến những chọn lựa sai lầm mà bản thân không hề hay biết.
Thiên Chúa nhân từ luôn giang rộng cánh tay để đón nhận tất cả những ai biết chạy đến với Ngài. Ân sủng Ngài luôn ban nhưng con người luôn tìm cách trốn chạy thì làm sao ơn lành của Chúa có thể đến được nơi con người. Chính Ngài đã thốt lên “Hãy đến đây, Ta cùng nhau nói chuyện! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông. Nếu các ngươi chịu nghe lời của Ta, thì các ngươi sẽ được hưởng vinh quang muôn đời” (Is 1,18-19). Một sự tha thứ đến tột cùng nhất của Thiên Chúa. Ngài chỉ mong con người biết ăn năn trở lại mà thôi, chứ Ngài không nói đến hình phạt bởi tội mà ra. Qua đó cho ta thấy, mất ơn thánh như là hạt nhân của tội nguyên tổ có nghĩa là làm gián đoạn mối tương giao, gián đoạn này trở thành một thành phần của cấu trúc lịch sử con người. Lẽ dĩ nhiên, mỗi người ngày hôm nay chẳng có lỗi gì trong chuyện này nhưng chúng ta được sinh ra trong đó, nên ta cần đến Người tái lập tương giao nguyên tổ đã đánh mất. Chúa không muốn hành hạ hay tra tấn hoặc phạt con người, nên Ngài đã tự mình nối lại tương giao này. Qua đó, sửa lại cái đã đổ vỡ. Khi ta nói về tội nguyên tổ, nghĩa là nói về mối tương giao đã đổ vỡ mà ta cũng có trong đó, Chúa đã khởi sự, lập tức nối lại và chữa lành tương giao đó [7]. Cho nên nói tới tội nguyên tổ mà không đề cập gì tới câu trả lời của Thiên Chúa thì quả là rơi vào vòng phi lý nhất.
4/ Hệ lụy của tội liên hệ đến con người ngày nay
Xã hội ngày một phát triển mà con người không đứng vững trước bản thân mình thì không sớm thì muộn con người giống như một cái thùng để cho bánh xe Xã hội vận chuyển đi đâu tùy thích. Mặc dù con người phải thích nghi với sự phát triển đó nhưng phải làm chủ những sự thích nghi đó để mình vẫn là mình. Ca dao tục ngữ có câu“gần bùn mà chẳng hôi thanh mùi bùn”. Qủa thật để thực hiện câu này thật khó biết bao. Càng ngày con người càng trở nên xấu xa và tội lỗi, luôn sử dụng tự do của mình để làm những điều xấu. Qủa thật “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1, 8). Chính Đức Giáo Hoàng Piô XII tại hội nghị các giáo lý viên tại Hoa Kì ngày 28/10/1946 nói rằng “có lẽ tội lớn nhất trong Thế giới hôm nay là con người đã mất ý thức về tội ?” [8]. Qủa thật, tính đến nay đã trải qua gần 70 năm kể từ khi Ngài nói câu này dường như không chút phai nhạt và đó là điều thực tế nhất của con người ngày hôm nay. Chính Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lo II, trong chuyến tông du về sám hối ngày 2/12/1984 đã giải thích rõ hơn về ý thức về tội “Sự ý thức này về tội bắt rễ từ trong thâm tâm con người và như thước do của lương tâm ấy”. Ý thức về tội được liên kết với ý thức về Thiên Chúa. Vì không thể xóa bỏ ý thức hoàn toàn về Chúa, và hoàn toàn dập tắt tiếng lương tâm nên người ta không bao giờ có thể xóa bỏ ý thức về tội”” [9]. Như vậy nói đến mất ý thức về tội dường như đánh mất cả nhân tính người trong đó. Khi con người đã đánh mất tất cả thì mọi hành động của con người giống như một con vật không có trí khôn. Điều này cho ta thấy rất rõ trong từng ngày sống của ta. Hằng ngày trên các thông tin đại chúng đều đưa lên những lối hành sử giữa con người với con người, khi ta đọc xong ta nghĩ đó là con vật chứ không phải là con người như con cái giết cha mẹ, cháu giết ông bà, cha mẹ giết con cái, cha mẹ hãm hiếp con cái và ông hãm hiếm cháu………Đây là một điều phi lý hết sức, trái với luân thường đạo lý làm người. Như vậy thử hỏi đó có phải là con người nữa không. Khi đã mất ý thức về tội thì mọi hành động đó là của con vật, nó hành động theo bản năng mà thôi.
Tất cả nói lên sự suy đồi của con người khi loại trừ Thiên Chúa, đoạn tuyệt với Thiên Chúa, không tuân phục Thiên Chúa. Khi đời sống con người loại trừ tất cả là thần thiêng thì con người đã đánh mất đi một chỗ dựa đáng kể nhất. Khi mất đi một chỗ dựa thì con người sống như một con thú hoang giã không có người chăm sóc. Chính con người đã không làm chủ được bản thân nên đã bị những gì là ô nhục nhất của xã hội xâm chiếm con người mình. Như đã nói, trong con người sự thiện và sự ác rất mong manh, nếu con người từng giây từng phút mà không có sự tỉnh táo thì rất dẽ để cho sự dữ chiếm đoạt toàn bộ con người mình. Trong tận cõi lòng con người sự dữ hoạt động một cách mãnh liệt, chính nguyên tổ đã để lại. Cho nên, con người nhiều khi đã phải thốt lên “điều tốt tôi muốn làm nhưng tôi lại không làm, còn điều xấu tôi không muốn nhưng tôi lại làm” (Rm 7,20). Từ đó, ta thấy được sự dữ hoành hành cách mạnh mẽ trong nội tâm con người mình.
III/ Kết luận
        Qua những phân tích trên cho ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của câu nói trong thư của Phao-lô gửi cho giáo đoàn Ro-ma “vì một người duy nhất mà tội đã xâm nhập vào thế gian, và tội lỗi gây ra sự chết, như thế tội lỗi đã lan tràn đến mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5, 12). Như là một lời cảnh báo cho muôn thế hệ sau. Con người khi sinh ra đã mặc tội, đó là tội mà trước kia nguyên tổ ta đã phạm tội. Tội này vẫn còn trong con người và đôi khi nó còn bành trướng hơn nếu con người hằng ngày không biết ăn năn sám hối tin tưởng vào lòng từ bi Chúa. Chính tội lỗi đã dẫn đưa con người không còn được giáp mặt trực tiếp với Thiên Chúa nữa. Tội lỗi chính là từ chối yêu mến vì kiêu căng hay ích kỉ. Tinh luyện ý thức về những gì làm tổn thương Ngài, để nhận định rõ hơn ý định của đức ái trong những hoàn cảnh mới của quan hệ giữa người với người[10]. Cái chết chính là đỉnh cao của tội lỗi con người. Cái chết chính là sự chuyển giao giữa thể giới thực tại với thế giới thần thiêng.
Tài liệu tham khảo
1/ Giáo Trình Thần Học Luân Lý Căn Bản.     Lm Paul Bùi Đình Cao.
2/ Từ Điển Công Giáo 500 từ. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
3/ Kinh Thánh Trọn Bộ. Nhóm các giờ Kinh Phụng Vụ
4/ Thiên Chúa và Trần Thế . Joseph Ratzinger. người dịch: Phạm Hồng Lam.
5/ Màu Nhiệm Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi. Lam Aug. Nguyễn Văn Trinh.
6/ Sáng Thế Luận Qua Tác Gỉa. Đại Chủng Viện Thánh Giu-se dịch.
7/ Một Lối Nhìn Luân Lý, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR dịch theo Croie IV.
8/ Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng. Nguyễn Minh Lý dịch theo Krishmanurti.
9/ Niềm Vui Của Tin Mừng. Đức Giáo Hoang Phanxico.





[1] Lm Paul Bùi Đình Cao, giáo trình luân lý căn bản (nơi xuất bản nhà dòng Mến Thánh Gía Vinh, năm  2014). Tr 179.
[2] Từ điển công giáo 500 từ, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Tr 350.
[3] Joseph Ratzinger. người dịch: Phạm Hồng Lam, Thiên Chúa và Trần Thế, Nhà xuất bản tôn giáo – 2011. Tr 89
[4] Georg Kraus, Người dịch: Đại Chủng Viện Thánh Giuse. Sáng thể luận qua các tác giả. Tr .38.
[5] Joseph Ratzinger. người dịch: Phạm Hồng Lam, Tr 86.
[6] Joseph Ratzinger. người dịch: Phạm Hồng Lam, Tr 87.
[7] Joseph Ratzinger. người dịch: Phạm Hồng Lam, Tr 88.
[8] Théodule Rey- Mermet, CSsR. Một lối nhìn mới về luân lý. Người dịch Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR. Tr:77.
[9] Théodule Rey- Mermet, CSsR. Một lối nhìn mới về luân lý. Người dịch Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR. Tr:78
[10] Lm Paul Bùi Đình Cao, giáo trình luân lý căn bản . Tr 179.