Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

CỬA ĐỨC TIN



Trong Sắc lệnh ký ngày 14-9-2012 và được Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến hôm 5-10-2012, Tòa Ân Giải nhắc lại chủ đích của ĐTC khi ấn định Năm Đức Tin nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2. Kỉ niệm 20 năm công bố Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Qua đó, để mời gọi Dân Chúa và các GM toàn thế giới, hiệp với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, tưởng niệm Hồng ân đức tin quí giá trong thời kỳ ân phúc Chúa ban cho chúng ta (Porta fidei, n. 8), để tất cả các tín hữu được cơ hội tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Phục Sinh[1]..
I/ “Cửa Đức Tin” nghĩ là gì
          “Cửa Đức tin” là cánh của tin hữu đi vào hiệp thông với Thiên Chúa là Tình yêu, với Hội Thánh là mẹ hiền. Là cửa ngõ đưa kẻ tin vào hành trình Đức tin bắt đầu từ ngày lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy (Rm 6, 4) cho đến hơi thở cuối cùng.
          Hành trình Đức tin dẫn đến gặp gỡ Chúa Giesu Phục Sinh, đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, giúp người tín hữu tiến bước đi đến cội nguồn ánh sáng chân lý và Tình yêu.[2]
-         Chân lý về Thiên Chúa là tình yêu với kế hoạch yêu thương cứu độ gia đình nhân loại.
-         Chân Lý về Đức Giesu là với con đường tình yêu dẫn đến nguồn sống mới.
-         Chân lý về ơn Chúa Thánh Thần là đổi mới lòng trí cùng tầm nhìn hẹp hòi của con người, soi đường dẫn lối đi đến nguồn sống mới của Chúa Giesu Phục sinh.
-         Chân lý về Hội Thánh là Chúa Giesu thông truyền Lời Chúa là Lời ban ánh sáng chân lý và tình yêu.
-         Chân lý về con người với lòng khao khát tìm đến nguồn nước hằng sống là Đức Giesu Kito (Ga 4, 14 và câu chuyện người phụ nữ Xamari ben bờ giếng Giacop).
II/ Mục Đích năm Đức tin
Năm đức Tin đươc Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI mở ra từ ngày (11/10/2012 – 24/11/2013)  nhằm mục đích:
-         Tạo điều kiện và cơ hội cho mọi người gặp gỡ Đức Kito.
-         Hiểu biết đầy đủ hơn về nội dung Đức Tin.
 Qua đây cũng cho ta nhìn lại 50 năm khai mạc công đồng chung Vaticano 2 từ năm 1962 – 2012 và Kỉ niệm 20 năm Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II ban sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo từ năm 1992 – 2012.
III/ KHO TÀNG ƠN THÁNH
 “Năm đức tin” là dịp thuận tiện để giúp tín hữu nhìn lại chính bản thân mình cách rõ ràng hơn, đồng thời cùng là năm ân sủng giúp các tín hữu hăng say trong cầu nguyện, chay tịnh và làm phúc bố thí. Không ngừng rao giảng Lời Chúa bằng chính hành động đức tin, vì như Thánh Gia-cô-bê tông đồ đã quả quyết: “Đức tin không việc làm là đức tin chết”(Gc 2,17). Tác giả không ao ước đưa ra nhiều tiêu chí và việc làm như trong bài viết Ta sẽ làm gì trong Năm Đức Tin Công Giáo 2012 – 2013[3] mà tác giả Linh mục Vinh Sơn Trần Văn Hoà đưa ra. Chỉ xin nêu lên đây một vài điểm mà thiết nghĩ qua đó, người đọc có thể quy chiếu đời sống đức tin của mình bây lâu nay mà thay đổi cho xứng hợp hơn với đòi hỏi của Tin Mừng, để trong năm đức tin họ gặt hái được nhiều ơn lành của Thiên Chúa ban qua Giáo Hội.
 Chúng ta tin ở một Thiên Chúa quan phòng và là Cha nhân từ. Tin Thiên Chúa tối cao là Đấng sáng tạo muôn vật, muôn loài và vũ trụ này, trong đó có con người. Niềm tin ấy có được thể hiện qua cuộc sống tin tưởng, lạc quan, phó thác hân hoan ngay cả khi chúng ta gặp gian nan thử thách không? Chúng ta là tín hữu của Đấng đã sống và chết cho tha nhân, đã yêu thương con người cho đến chết và chết trên thập giá. Niềm tin ấy có được thể hiện qua những việc làm cụ thể bằng yêu thương, quảng đại, quên mình và tha thứ không? Chúng ta tin vào sự sống đời sau và vĩnh cửu, hưởng hạnh phúc bên nhan thánh Chúa. Niềm tin ấy có được thể hiện bằng những hy sinh, phấn đấu ngay từ cuộc sống này để chiếm hữu được nó không? Cuộc sống mỗi ngày với những độc điệu phiền toái và thử thách của nó chính là nơi để chúng ta sống cụ thể niềm tin của mình. Những mối tương quan hằng ngày với những người chung quanh chính là môi trường để chúng ta diễn đạt niềm tin ấy. Nhưng cách thức mà chúng ta diễn đạt niềm tin đó là thế nào? Chắc mọi tín hữu đều phải trở về với cõi lòng mình, lấy Tin Mừng cũng như giáo lý Giáo Hội mà mình được thụ huấn để soi vào vào cuộc sống mình và tự trả lời trước mặt Chúa xem.
 Quả thực, niềm tin mà trong Thánh Lễ Chúa Nhật hàng tuần, vào các ngày lễ trọng hay giờ kinh sáng –tối hàng ngày ta vẫn hằng tuyên xưng khi đọc Kinh Tin Kính một cách sốt sắng đó sẽ là gì nếu chúng ta không tiếp nối cho lời kinh ấy bằng hành động sống cụ thể? Thế giới sẽ thế nào, nhân loại sẽ phản ứng ra sao khi người tín hữu chỉ là những con người chỉ biết cất cao lời kinh và thầm thì cầu nguyện trong nguyện đường mà chẳng hề dám bày tỏ niềm tin ấy bằng chính hành động sống? Mỗi tín hữu đã thực sự tuyên xưng và xác tín cách mạnh mẽ vào các mầu nhiệm mà trên môi miệng mình đọc mỗi ngày, hay chỉ là một đức tin theo truyền thống mà thiếu đi bản chất của lòng mến? Đâu rồi trong Giáo Hội một thời với tầng tầng lớp lớp anh hùng tử đạo? Đâu rồi những thời khắc chói ngời vinh quang của Giáo Hội với bao vị Thánh dù đầu rơi, dù máu chảy. Và đâu những Thánh nhân hy sinh sức khỏe, tài năng, trí tuệ và mạng sống mình để tận tụy phục vụ bệnh nhân, phong cùi, người tàn phế, cô thế cô thân? Chẳng nhẽ, Giáo Hội không còn những chứng nhân kiên cường trong đức tin?
 Lệnh truyền của Thầy Chí Thánh năm xưa vẫn còn vang vọng trong tâm hồn mỗi tín hữu: “Hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ”(Mt 28,19), và “ hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương”(Ga 13,34; 15, 12).  Vậy phải làm sao để biến trái đất này trở thành một tổ ấm chung cho tất cả mọi người, làm sao để quy tụ mọi người vào trong đại gia đình Hội Thánh? Và nối kết trái tim nhân loại làm một, để trong đại gia đình đó, ai cũng sống giới răn yêu thương mà Thầy Chí Thánh đã truyền dạy trước khi Ngài trở về với Thiên Chúa Cha? Đó là trách nhiệm và bổn phận không riêng một ai, nhưng chung cho hết mọi tín hữu đã lãnh nhận Phép Thánh Tẩy.
 Nếu như cái đẹp nhất, thiêng liêng nhất và cao quý nhất trong trái tim và tâm hồn người công giáo là Thiên Chúa – đối tượng duy nhất của lòng trí người tín hữu, thì khía cạnh thứ hai không kém phần quan trọng, đó chính là giới răn yêu thương. “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 15,12). Cả hai giới răn: “Mến Chúa” và “Yêu người” là hai giới răn quan trọng nhất, cao quý nhất. Chúng ta không thể chỉ nói tôi yêu mến Chúa mà lại không yêu thương tha nhân là hình ảnh và cũng là anh chị em của chúng ta trước mặt Thiên Chúa là người Cha chung của tất cả mọi người. Đến ngày phán xét chung, Chúa đâu có đòi hỏi chúng ta có bằng cấp này, học vị kia hay tài năng nọ? Chúa chỉ hỏi ta về việc bác ái đối với tha nhân, đối với anh em đồng loại đấy thôi.
 Ngày hôm nay chúng ta lại chứng kiến sự đổ vỡ và xuống dốc trong tình liên đới giữa con người với nhau. Chính cuộc sống vì đồng tiền và vụ lợi đã cuốn hút con người đi vào trong vòng xoáy luẩn quẩn và chạy đua với lợi lộc vật chất mà quên đi căn tính và nhân phẩm của mình. Chủ nghĩa cá nhân ích kỷ đã thống trị gần như toàn bộ xã hội loài người. Thêm vào đó kinh tế toàn cầu hóa đã thúc đẩy xã hội mọi nơi tha hồ du nhập lối tư tưởng tự do khoái lạc, hưởng thụ. Mặt khác, chủ thuyết tương đối đã làm mất cân bằng trạng thái tâm lý cũng như bào mòn tư chất con người. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến được sự phát triển đến chóng mặt các thành tựu khoa học k thuật cùng những hệ lụy kèm theo của kinh tế, chính trị, quân sự như trong thời đại chúng ta bây giờ. Đáng lý ra nếu theo lẽ thường tình thì sự phát triển của khoa học kỷ thuật và công nghệ đưa đến những thành tựu lớn lao như vậy thì nó phải giúp cho con người chúng ta ngày nay có được cuộc sống sung túc và đầy đủ, không còn phải chứng kiến cảnh người nghèo đói chết lả đó đây. Thật là một nghịch lý, nhân loại càng tiến xa trên con đường chinh phục tự nhiên và thống lãnh tri thức, trí tuệ, đưa công nghệ phục vụ cho con người bằng muôn vàn cách thế thì đáng lý ra nó có thể khỏa lấp đi phần nào ranh giới phân biệt giữa người giàu và người nghèo, nhưng chúng ta đang chứng kiến cảnh Người giàu thì tiếp tục giàu và giàu lên không ngừng, còn người nghèo thì vẫn cứ nghèo và càng thêm nghèo hơn...
 Theo thống kê của tổ chức nông lương quốc tế của Liên Hiệp Quốc (FAO), người ta đã tính được mỗi ngày có đến 25 000 người chết đói, và hàng năm có đến 15 triệu trẻ em phải chết vì đói do thiếu dinh dưỡng. Như vậy thì cứ mỗi ngày có đến 40 ngàn trẻ em phải từ giả cõi đời mà không phải vì bất cứ căn bệnh nào mà hoàn toàn do cái đói đã cướp đi tính mạng. Ngay trên đất nước Mỹ, một quốc gia hùng cường mà người ta còn thấy được là hàng năm vẫn còn rất nhiều người chết vì đói...trong khi đó hơn 80% người Mỹ hằng ngày phải đưa thức ăn dư thừa ra bãi rác[4].
 Có nhiều nguyên nhân đưa đến cái nghèo đói: Có thể là những nguyên nhân nằm trong chính sách kinh tế, chính trị, xã hội ... phần lớn là sự đối xử lệch lạc giữa các quốc gia lớn, giàu có áp đặt lên những quốc gia nhỏ bé kém phát triển như việc cấm vận, ... Hay ngay trong từng quốc gia việc điều chỉnh và chính sách kinh tế không phù hợp đã đẩy đưa xã hội lún sâu trong tình trạng nghèo đói gia tăng... Tuy nhiên, xét cho cùng thì nguyên nhân sâu xa nhất hệ tại ở trong chính bản thân con người, đó là do sự ích kỷ hẹp hòi, thiếu quan tâm đến người khác. Vị kỷ hơn vị tha, con người sẵn sàng nhắm mắt trước những khổ đau của người khác, vì biết rằng họ không hề có liên hệ gì đến mình. Dụ ngôn “người Sa-ma-ri nhân hậu trong Tin Mừng Lu-ca (Lc 10,29-37) như một bài học thức tỉnh và răn dạy chúng ta.
Theo nước tính chỉ cần 1/10 những nhà tỷ phú giàu có trên thế giới chia sẻ một phần của cải của mình cho những người nghèo thì sẽ không còn một ai phải chết vì đói. Nếu mỗi quốc gia thay vì dùng tiền mua bong đạn, súng ống và các loại vũ khí mà mua lấy lương thực, thuốc men chu cấp cho người nghèo khổ thì cái bóng chết chóc do đói nghèo sẽ không còn tồn tại trên quốc gia họ nữa. Chúng ta thấy có nhiều nơi cuộc sống quá dư thừa, người ta phung phí thức ăn dư thừa cách thoải mái nhưng cũng không thiếu những nơi trẻ em phải chết đói chết lã trên những bãi hố rác. Có những nơi con người tha hồ thỏa thích vui chơi trong những biệt thự sang trọng, ném tiền vào những trò chơi bất chính, đàng điếm, chích hút, cờ bạc, rượu chè say sưa... nhưng cũng không thiếu những cảnh đó đây những bệnh nhân đang phải quằn quại đơn đau, vật lộn chờ chết chỉ vì không có đủ tiền để chạy chữa bệnh tật... Ta hãy tự đặt câu hỏi: "Con người thực sự không biết đến chia sẻ hay là không muốn chia sẻ?"; Thái độ dửng dưng trước cảnh đói nghèo không phải là hiếm thấy, đôi khi chỉ với những đồng tiền lẻ trong túi của chúng ta cũng có thể nuôi sống một ai đó trong cảnh đói nghèo[5]?
 Hãy nhìn vào cõi lòng mình xem, trong lồng ngực của mỗi chúng ta, ai cũng có một trái tim phải không? Đáng lý ra, mọi trái tim phải có chức năng giống nhau là khả năng để yêu thương và trao ban. Trái tim chính là một thứ quà tặng vô giá Thiên Chúa muốn dành cho ta để chúng ta biết dùng nó mà sống yêu thương sẻ chia, đồng cảm và nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Trái tim nó không phải là món hàng để mua bán hay trao đổi mà phải là món quà dành để trao tặng nhau. “Một trái tim không biết trao tặng là một trái tim chết; Một trái tim không còn biết rung động trước những khổ đau, hoạn nạn của kẻ khác là một trái tim khô cằn sắt đá”[6] và đáng vứt đi. Người nào có trái tim sắt đá, khô cứng và vô tâm trước những khổ đau của đồng loại thiết tưởng họ chẳng khác nào một cây dương xỉ khô héo giữa một sa mạc nóng ra bao la cát mà thôi. Còn nếu là một con người, chỉ với một trái tim yêu thương cớ sao chúng ta không dùng chính trái tim là món quà quý giá nhất của tạo hóa để rồi chúng ta trao tặng nhau những niềm vui cuộc sống?
 Để thực sự sống chứng nhân đức tin cách chân thực nhất thiết tưởng, xin mọi người tín hữu hãy tự xét lại bản thân mình xem, mình đã thực sự sống đúng đức tin mà chúng ta đã nhận lãnh nơi Chúa qua Giáo Hội hay chưa? Bởi một lẽ rằng: Khi nói về đức tin, người Kitô hữu nào cũng đều tưởng rằng mình có đức tin. Nhưng trong thực tế, chỉ cần trải qua một vài thử thách nho nhỏ là có thể kiểm chứng được mình có đức tin thật sự hay không? Thông thường, bất cứ một Kitô hữu nào cũng tuyên xưng cách mạnh mẽ vào sự quan phòng đầy tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, thậm chí rao giảng rất hùng hồn về niềm tin ấy. Chính vì tuyên xưng và rao giảng như thế, ta cứ ngỡ rằng mình có một đức tin rất vững vàng vào Chúa quan phòng. Nhưng khi tình yêu hay lương tâm ta đòi buộc phải hành động, phải hy sinh, phải chấp nhận nguy hiểm, hay khi gặp những giông tố của cuộc đời, bấy giờ ta mới thấy ta lo sợ đủ thứ và hành động y hệt như những kẻ không có niềm tin. Đó là dấu chỉ chứng tỏ ta không dám phó thác vận mệnh của mình trong tay Thiên Chúa, mặc cho Ngài lèo lái cuộc đời ta. Một khi biết chấp nhận mọi thử thách như là thập giá Chúa trao, biết sống bằng chính sự phó thác và cậy trong tuyệt đối, thì dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng cảm thấy được sự bình an đích thực trong tâm hồn. Nếu không có những thử thách, khó khăn trong cuộc sống, người có đức tin và người không có đức tin chẳng khác nhau bao nhiêu. Nhưng chính trong những thử thách, giống tố của cuộc đời, người có đức tin đích thực sẽ chứng tỏ được đức tin của mình. Mặt khác, đứng trước những đòi hỏi của Tin Mừng như việc làm bác ái, người tín hữu có niềm tin mạnh mẽ cũng sẽ hành động cách mau lẹ và không chối từ trước những khổ đau của người khác.
          III/ Sinh Viên với Năm Đức tin trước những thách đố của thời đại
          Đức Tin là một hồng ân. Một hồng ân thiêng liêng, vô giá mà Thiên Chúa dành tặng cho con người. Nhưng để Đức Tin được triển nở và vững mạnh cần có sự đáp trả của con người, nghĩa là về phía con người đi tìm chân lý, còn về phía Thiên Chúa đã, đang và luôn ban ánh sáng đặc biệt để dẫn dắt con người. Ánh sáng soi đường đó chính là Đức Giêsu Kitô.
 Tuy nhiên, với cuộc sống đôi lúc khiến chúng ta xác tín các thực tại đang đối diện hay những chủ nghĩa duy lý làm cho Đức Tin bị “méo mó” đi. Bởi thế, khi mà cả thế giới đang trong thời kỳ “toàn cầu hóa”, thì hơn bao giờ hết, Đức Tin đóng tầm quan trọng, là điều căn cốt trong cuộc sống con người, cách riêng là những người trẻ - những sinh viên với cuộc sống xa nhà. Liệu rằng, trước những thách đố của thời đại, thế hệ trẻ có giữ được lửa cho ngọn đuốc Đức Tin luôn cháy sáng để soi dẫn chúng ta tiến bước trên con đường tìm về, gắn kết với Thiên Chúa và để Ngài sống trong ta?
          Trải dài với thời gian, Đức Tin vẫn là một hồng ân mà Thiên Chúa tuôn đổ vào mỗi người để chúng ta sống một cuộc sống đích thực giữa trần thế. Nhưng trong bối cảnh xã hội bây giờ, dưới góc cạnh của một sinh viên, thử hỏi mỗi chúng ta có còn giữ cho mình một Đức Tin bền vững và tinh tuyền như ngày ban đầu mà Thiên Chúa trao ban? Thực sự sẽ khó, rất khó khi mà xã hội và con người ngày nay đang cố chối bỏ những ý Thiên Chúa muốn ra khỏi cuộc sống, khỏi suy nghĩ và khỏi trái đất này. Sẽ là thách đố lớn với những đôi chân còn non trẻ, những con người mới hòa mình vào xã hội, giữa một đô thị phồn vinh, quanh những trò tiêu khiển hấp dẫn, và đầy những xu hướng đam mê, hưởng thụ mời mọc. Chính những câu hỏi đặt ra cho chúng ta, để ta làm lớn mạnh đức tin trong những người trẻ. Bản chất làm cho Đức Tin của các bạn trẻ bị lung lay là do đâu:
a/ Sự thay đổi môi trường sống
          Phần lớn sinh viên xuất thân từ những miền quê, nơi có những ngôi làng nhỏ, có gia đình, người thân và bạn bè từ lúc mới lớn... Trái lại, những trường đại học, cao đẳng, trung cấp... thường chỉ có ở những thành phố và thủ đô lớn. Khi mang trên mình tên gọi sinh viên thì đồng nghĩa với việc ta đi đến một môi trường mới, xa gia đình, làng xóm với một cuộc sống hoàn toàn tự lập.
 Dưới chiều kích Đức Tin, sự thay đổi môi trường ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin Kitô giáo của mỗi sinh viên. Từ chỗ xung quanh là những người có đạo, gần nhà thờ, bên người thân, chúng ta được hướng dẫn, thúc đẩy về đời sống thiêng liêng thì nay bước vào môi trường “đa chiều”, phải sống giữa những bạn bè không cùng tôn giáo, nơi trường học, trong xóm trọ, và xa cách bóng dáng của những ngôi thánh đường. [7]
Những điều đó ắt hẳn sẽ phần nào ảnh hưởng tới cuộc sống tâm linh của mỗi sinh viên. Sâu xa hơn, ngày xưa những lời kinh sáng tối vang lên nơi gia đình, trong nhà thờ, nay thì sao? Tiếng kinh, lời nguyện thưa dần trong đêm vắng? Những thánh lễ sáng, giờ Chầu Thánh Thể ban tối hằng ngày nay còn tham dự thường xuyên? Hay chỉ với một thánh lễ Chúa nhật là đủ, xem như “hoàn thành nhiệm vụ”. Hơn thế nữa, môi trường mới dễ làm ta xa Chúa và bị “hòa tan” trong cả tư tưởng, lối sống khi ngày lại ngày ta tiếp xúc với những người xung quanh nơi xóm trọ, giảng đường, trên con phố... Sẽ là khó để giữ được một Đức Tin tinh ròng như những ngày bên cha, bên mẹ, bên những người anh em, nơi giáo họ, giáo xứ..
b/ Hoà nhập với môi trường sống
Thay đổi môi trường sống đi liền với việc hòa nhập xã hội. Nhưng mỗi sinh viên đang hòa nhập hay là hòa tan mình vào cái thời kì kinh tế thị trường này? Có thể nói, lối sống của thời toàn cầu hoá là lối sông mở. Quan niệm về luân lý cũng biến đổi nhiều so với sự đổi thay của môi trường sống là nơi diễn ra những khác biệt về kinh tế xã hội, chủng tộc, văn hóa giới tính... Tạo nên những thách đố khác nhau gây ảnh hưởng trực tiếp đến Đức Tin của chúng ta. Một Giám mục Á châu có lý khi ví “toàn cầu hoá như một luồng gió mát lạnh đem đến nhiều lợi ích và thỏa mái, mà chúng ta cần mở rộng cửa để đón nhận. Mặc dù, đôi khi nó cũng mang chướng khí, bão tố và một vài con muỗi”!
Những sự thay đổi đó đánh dấu sự phát triển của xã hội và con người. Nhưng chúng ta có thể thấy, điều căn bản nhất mà dường như xã hội đang lãng quên và đánh mất đó là đạo đức và nhân bản của con người. Không những đánh mất mà còn xuất hin thêm những yếu tố đối lập với những giá trị nền tảng đó. Sinh viên là những người trẻ, sự thích nghi với cuộc sống rất nhanh, nhưng phần lớn lại không làm chủ được mình, bị cuốn vào vòng xoáy của xã hội, dẫn đến họ cũng đã và đang xem thường những giá trị cốt lõi đó. Yêu thử, sống thử... tỷ lệ phá thai ở tuổi trẻ ngày càng cao và còn chưa dừng lại ở đó. Rồi những trò chơi vô bổ như game, hút chích, nghiện ngập, mại dâm, lô đề, cờ bạc, cá độ dưới mọi hình thức...
 Đây là một yếu tố cơ bản đã khiến nhiều sinh viên không những bỏ đạo, bỏ nhà thờ mà còn đánh mất cả đạo đức, sự nghiệp, ảnh hưởng đến gia đình về cả kinh tế lẫn tinh thần, và có khi còn đánh mất cả mạng sống mình trong giây lát. Ngoài ra, sinh viên còn dùng cách suy nghĩ “lợi lộc” để bào chữa cho việc chạy đua với thế gian của mình. Những lối rẽ hấp dẫn như thế đã đưa nhiều sinh viên đi vào bóng đêm của tội lỗi, đi đến ngõ cụt của cuộc sống, đánh mất Đức Tin, bán rẻ lương tâm và chính bản thân mình. Vì vậy làm sao để mỗi chúng ta giữ gìn và cũng cố được Đức Tin mà Chúa đã ban?[8]
c/ Những căn bệnh chủ nghĩa của thời đại
 Không dừng lại ở đó, nhìn vào lối sống ngày nay, chúng ta thấy rõ những “căn bệnh chủ nghĩa” đang phát triển và ngày càng lan rộng trong mỗi con người. Lo lắng hơn, “căn bệnh chủ nghĩa” cũng đang dần ăn sâu vào những người trẻ, để rồi xem thường những giá trị của con người, lương tâm con người bị bán rẻ, đạo đức được đưa ra cân đo đong đếm bằng đồng tiền, điểm chác và bằng cấp đánh đổi bằng tiền bạc... Quyền lực, danh vọng, đồng tiền đã trở nên những ông chủ đích thực quyết định sự “công bằng” cho luân lý và đạo đức.  Cách riêng những “căn bệnh chủ nghĩa” khiến sinh viên ngày nay trở nên ích kỷ, thờ ơ, vô cảm với đồng loại, chai lì tình thương với anh em mình, mờ mắt trước nỗi đau của tha nhân, câm lặng trước bạo lực, bất công... và điều nguy hiểm hơn là vô cảm trước tội lỗi.
Hơn thế, mọi giá trị trên đời đang bị xem thường khi chủ nghĩa tương đối đang ăn sâu vào lối nghĩ, cách nhìn của mỗi người. Không có một thước đo chuẩn mực nào cho cuộc sống, không có một điểm quy chiếu nào cho suy nghĩ và hành động. Những yếu tố đó cũng đã thâm nhập vào tâm trí sinh viên Công giáo trong lối sống, gặm nhấm những suy nghĩ tích cực dẫn đến niềm tin bị phai nhạt, Đức Tin bị lu mờ. Vậy đâu là điểm quy chiếu để mỗi người trẻ, mỗi sinh viên chúng ta sống xứng đáng với tư cách là con Thiên Chúa? Và để trở nên những người Công giáo tốt, sống Đức Tin và là chứng nhân đích thực của Đức Tin Kitô giáo trong xã hội hôm nay?
d/ Thiếu nền tảng giáo lý
Điểm quy chiếu cần thiết, nền tảng cho mọi hành động, quy chuẩn cho từng suy nghĩ chính là nền tảng giáo lý đối với mỗi người Công giáo. Đây là yếu tố căn bản nhất, ảnh hưởng nhất đến đến đời sống Đức Tin của mỗi Kitô hữu. Việc học giáo lý ngày một sa sút, không những ở thành thị mà cả nông thôn. Ngày nay, không còn tiếng vang của những giờ học giáo lý như xưa, những câu thưa, câu đáp dần dần đi vào dĩ vãng; tiếng trẻ con đọc kinh, học bổn nay cũng hiếm dần. Dường như việc học giáo lý cũng dần biến chuyển theo “mốt” của thời đại.
Khi mà giáo lý không còn là “sơ cấp, căn bản” thì những hiểu biết cơ bản về Đức Tin, về Thiên Chúa bị mờ nhạt như là một hậu quả tất yếu. Thử hỏi khi bước vào một môi trường mới, hòa nhập vào xã hội với đầy rẫy những ngã rẽ hấp dẫn của thế gian, sinh viên còn giữ được bản thân mình không? Còn giữ được vững cái nền tảng của Đức Tin Kitô giáo?
Ngày hôm nay, sinh viên quá xem thường giáo lý mà Hội Thánh đề ra, mà còn xem đó là một mớ lý thuyết hỗn độn không đáng quan tâm. Trong khi đó, Giáo hội vẫn luôn khẳng định “ Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo là một công cụ nâng đỡ Đức Tin, đặc biệt trong môi trường xã hội tục hóa và khoa học kỹ thuật hôm nay” (tài liệu Năm Đức Tin của Tổng Giáo phận Sài Gòn). Như vậy, trong thời kỳ toàn cầu hóa này, chúng ta cần một nền tảng giáo lý vững chắc để có thể đứng vững và làm quy chiếu cho mọi hành động và suy nghĩ trong cuộc sống hằng ngày.
Không những thế, Giáo Hội còn mời gọi chúng ta là những chứng nhân Tin Mừng giữa đời như lời Đức Thánh Cha gửi gắm: “Ngày nay Giáo Hội phải dấn thân một cách thuyết phục hơn nữa qua công cuộc Tân Phúc âm hóa, để tái khám phá niềm vui Đức Tin và tìm lại niềm hăng say thông truyền Đức Tin. Việc dấn thân truyền giáo của các tín hữu, vốn không bao giờ được thiếu, sẽ nhận được sức mạnh và tinh thần hăng hái qua việc hằng ngày nhận ra tình yêu của Thiên Chúa”. (Tự sắc Porta Fidei – Cánh cửa Đức Tin, số 7).[9]
IV/ Kết luận
Trên đây là phần nào những thách đố của thời đại đã và đang ăn sâu vào đời sống con người, cách riêng là những sinh viên gây hiệu ứng to lớn đến đời sống Đức Tin của mỗi chúng ta. Như Đức Thánh Cha Benedicto XVI khẳng định: “Quả thật, nhiều hơn so với trước đây, Đức Tin hiện đang phải đối diện với một loạt vấn đề, do não trạng con người đã thay đổi...” (Tự sắc Porta Fidei – Cánh cửa Đức Tin, số 12). Đó là những thách đố lớn đối với Đức Tin của người Kitô hữu, cách riêng là những bạn trẻ.
Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người, cách riêng là những sinh viên hãy nhìn lại hành trình Đức Tin một cách rõ ràng và tổng quát. Qua đó, chúng ta có sự chuẩn bị, trau dồi và bổ dưỡng cho Đức Tin của mình ngày một vững chắc, sống động, hài hòa với thời gian và xã hội.
Xin mượn lời của Đức Thánh Cha Benedicto XVI trong Tự sắc Porta Fidei (Cánh cửa Đức Tin) để thay cho lời cuối cùng muốn nói: Mỗi chúng ta hãy “tái khám phá hành trình Đức Tin để luôn làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say mới của việc gặp gỡ Đức Kitô”  đồng thời “khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng Đức Tin trong sự toàn vẹn và mới niềm xác tin được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng” “ước gì Năm Đức Tin này làm cho tương quan của chúng ta với Chúa Kitô vững chắc thêm mãi, vì chỉ trong Người chúng ta mới vững lòng nhìn về tương lai và được bảo đảm về một tình yêu đích thực và lâu bền” (Tự sắc Porta Fidei, số 2, 9 và 15).
                                                                                                Anton Công Chính


[1] http://giaophanvinh.org, Ơn toàn xá cho các tín hữu trong Năm Đức Tin, Ngày 09/10/2012
[2] http://thanhlinh.net/node/34384, trong tài liệu năm đức tin (từ 11.10.2012 – 24.11.2013 )
[5] Xem, Lm Nguyễn Quy Thiện, Hành trình vào đời,trang 172
[6] Lm Nguyễn Quy Thiện, sđd, trang 179.
[7]  http://thanhlinh.net, phần giới trẻ
[8] http://thanhlinh.net, phần giới trẻ, của J.B Lê Đình Nam
[9] http://thanhlinh.net, phần giới trẻ, của J.B Lê Đình Nam