Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

ĐỨC TIN TÌM THẤY TRONG NGHỆ THUẬT THÁNH

Bạn thân mến
          Để mở đầu cho đề tài này, tôi xin mượn những lời được viết trong Công đồng Vaticanô II số 122, về hiến chế phụng vụ thánh “Trong những nghệ thuật cao quý nhất của tài trí con người, đặc biệt phải kể đến mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo và tột đỉnh chính là nghệ thuật thánh. Tự bản tính, nghệ thuật Thánh nhằm diễn tả cách nào đó về vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại. Nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhằm chủ đích gì khác ngoài sự tích cực, góp phần hướng tâm trí con người về cùng Chúa cách đạo đức” [1]. Qua những tác phẩm nghệ thuật, ta tìm thấy được vẻ đẹp của Thiên Chúa, tìm thấy được giá trị cao quý mà con người đang thừa hưởng. Để có được những tác phẩm này, các nghệ nhân, họa sĩ, thi sĩ, đã dày công tìm hiểu, chắt chiu những ý tưởng, những khát vọng cháy bỏng, để rồi họ thổi vào trong những tác phẩm đó một sức sống, sức mạnh, để từng đường nét đi trên tác phẩm là thể hiện cả con người và tâm hồn họ. Con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Người. Qua con người Thiên Chúa đặt để con người trông coi mọi thụ tạo Ngài dựng nên “Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người cũng diễn tả chân lý về tương quan của mình với Thiên Chúa Sáng Tạo bằng vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật của mình. Thật vậy, nghệ thuật là một hình thức diễn tả chỉ riêng con người mới có; vượt lên trên việc cố gắng thỏa mãn những nhu cầu sinh hồn, là điều chung của mọi sinh vật, nghệ thuật là sự đầy tràn chan chứa, được ban tặng cách nhưng không, sự giàu sang nội tâm của con người. Xuất phát từ tài năng do Đấng Tạo Hóa ban, và từ nỗ lực của chính con người, nghệ thuật là một hình thức của sự khôn ngoan thực tiễn, kết hợp kiến thức với tài khéo léo, để tạo hình thể cho chân lý của mọi thực tại, bằng thứ ngôn ngữ có thể cảm nhận bằng mắt và bằng tai nghe.” [2]. Con người không thể dùng những ngôn ngữ bình dân để mô tả hết giá trị của các tác phẩm mà những người nghệ thuật đã làm ra. Đức Thánh Cha Bê – nê – đit – tô XVI đã nói sau khi Ngài xem bộ phim tài liệu mang tên “Nghệ Thuật và Đức Tin – Con Đường Của Cái Đẹp”. Bộ phim này đánh dấu kỉ niệm 500 năm hoàn tất các bức họa trên trần nhà nguyện Sistine. Bộ phim được trình chiếu tại Hội Trường Phaolô VI. Ngài đã nói rất nhiều nhưng tôi xin được trích một câu ngắn trong bài phát biểu của Ngài “Ngôn ngữ của nghệ thuật là ngôn ngữ của các dụ ngôn, có thể mở ra với vũ trụ. Con đường của cái đẹp hướng tâm trí con người đến với vĩnh cửu, nâng cao con người lên với Thiên Chúa” [3]. Qua đó, cho ta thấy được khi được chiêm ngắm những nét đẹp nơi các tác phẩm ta phải có một cái nhìn của niềm tin và một nét đẹp cao vời mà tâm hồn con người đang tìm kiếm và là nơi hạnh phúc nhất của con người.
          Có rất nhiều ngôn từ để nói về con người nghệ thuật. Trong đề tài này tôi xin được trình bày với quý vị lĩnh vực “ Nghệ Thuật Tạo Hình” lĩnh vực này sẽ được quy tụ trong lĩnh vực của Nghệ Thuật Thánh. Qua đó, ta thấy được Đức tin của ta được củng cố và đưa ta đến với Thiên Chúa là nguồn mạch của sự bình an, hạnh phúc và nhất là nguồn mạch của những vẻ đẹp.
I/ Khái Niệm Nghệ Thuật
          Từ “ Nghệ Thuật ” theo nguyên ngữ la tinh ( ars) vừa diễn tả một khả năng sáng tạo của con người, vừa được dùng để chỉ những kết quả do khả năng ấy tạo ra [4]. Nghệ thuật là những tinh hoa mà người nghệ sĩ đã thu thập để rồi trình bày những nét đẹp đó vào tác phẩm của mình. Qua nghệ thuật con người góp phần cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. “Khi chuyên tâm học hỏi các bộ môn triết học, sử học, toán học, vạn vật học và trau dồi nghệ thuật, con người có thể góp phần lớn lao vào công cuộc thăng tiến gia đình nhân loại, để đạt tới những giá trị cao cả của Chân, Thiện, Mỹ và một phán đoán có giá trị phổ quát” [5]. Ngoài những môn học tự nhiên, con người cần trao dồi nghệ thuật. Con người sau khi phạm tội đã đánh mất ơn nghĩa với Thiên Chúa. Không còn được nhìn thấy Ngài cách trực tiếp như trước nữa, nhưng mà qua một trung gian nào đó để đưa ta đến gặp gỡ Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa có đầy đủ về Chân, Thiện, Mỹ  “Niềm vui tinh thần và vẻ đẹp luân lý, đi đôi với việc thực thi điều thiện. Cũng vậy, chân lý mang lại niềm vui và ánh huy hoàng của vẻ đẹp tinh thần. Chân lý tự do là đẹp” [6]. Là tội nhân nên ta không nhìn cách trực tiếp vẻ đẹp nơi Thiên Chúa. Chúa Giê – su  khi tỏ mình ra cho ông Mô – sê trên núi, Ngài cũng không cho Mô – sê nhìn trức tiếp vẻ đẹp của Ngài “Người phán: ngươi không thể  xem thấy tôn nhan Ta. Vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (Xh 33, 20). Vì thế, Con người không thể nhìn thấy cách trực tiếp vể đẹp tôn nhan Ngài nhưng qua nghệ thuật ta có thể nhận ra vẻ đẹp của Thiên Chúa. “Vì các thụ tạo càng lớn lao đẹp đẽ, thì càng giúp nhận ra Đấng Tạo Hóa” (Kn 13, 5), “Vì chính Đấng Tạo Hóa mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp” (Kn 13, 3). Trong sứ điệp gửi toàn thể nhân loại nhân dịp bế mạc Công đồng Vaticanô II, các nghị phụ đã khắng định “Thế giới ngày hôm nay đang cần đến cái đẹp để khỏi chìm đắm vào thất vọng. Cái đẹp cũng như sự thật mang lại niềm vui cho tâm hồn con người, đó chính là những hoa trái quý giá không tàn úa vì thời gian nhưng nối kết các thế hệ lại và làm cho họ thông cảm cho nhau, khi thán phục nhau.” [7]. Nghệ thuật nối kết cái đẹp từ một không gian rộng lớn bao la hùng vĩ vào một khung hình nhỏ nhưng chất chứa biết bao nét đẹp trong đó. Nơi đây ta nhận ra giá trị thiêng liêng và hướng tâm hồn ta đến với một vẻ đẹp muôn màu nơi Thiên Chúa. Con người nghệ sĩ là cánh tay nối dài của Thiên Chúa, để cho hình ảnh của Ngài được lan rộng. Trong thư Đức Thánh Cha Phaolo II gửi các nghệ sĩ, Ngài nói “Thiên Chúa cho con người hiện hữu, giao cho con người nhiệm vụ của những nghệ sĩ, Chính qua hoạt động sáng tạo nghệ thuật ấy mà hơn bao giờ hết con người cho thấy mình giống Thiên Chúa. Con người hoàn thánh nhiệm vụ này, xuất sắc nhất là khi uốn nắn chất thể kì diệu hay nhân tính của mình và khi thi hành quyền làm chủ một cách sáng tạo trên thế giới chung quanh. Với ánh mắt yêu thương nhà nghệ sĩ thần linh đã chuyển giao cho con người nghệ sĩ nhân loại một trí óc khôn ngoan siêu phàm của mình, cho người này chia sẻ quyền sáng tạo của mình.” [8]
II/ Nghệ Thuật Tạo Hình
          Nói đến nghệ thuật tạo hình là nói đến các nhà kiến trúc sư, điêu khắc, hội họa và vẽ. Nhóm người này đã cho ta thấy được vẻ đẹp của các công trình nghệ thuật, làm thỏa mãn thị giác qua những hình thể màu sắc. Thánh Tô – ma đã viết “Đẹp là cái gì làm ta thích thú sau khi đã lĩnh hội”. Nghệ thuật tạo hình không những giúp ta thỏa mãn về thị giác nhưng còn củng cố đức tin cho những tâm hồn nguội lạnh. Các Tông đồ khi xưa theo Chúa nhưng trong tâm hồn vẫn cảm thấy trống vắng, nhiều lẫn Chúa đã củng cố đức tin cho các ông bằng lời nói nhưng các ông cũng chưa cảm thấy thỏa mãn. Niềm hạnh phúc lớn nhất mà ba môn đệ: Phê – rô, Gia – cô – bê và Gio – an   được Chúa thương cho các ông được thấy dung nhan Ngài. Khi được thấy hình ảnh của Chúa, Phê – rô đã thưa với Đức Giê – su rằng: “ Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay. Nếu Ngài muốn, con xin được dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô – sê và một cho ông Ê – li – a” (Mt 17, 4). Khi các ông nhìn thấy hình ảnh của Chúa, niềm tin của các ông tràn ngập để rồi thốt lên niềm hạnh phúc, muốn ở lại, để rồi Phê – rô không cần đến chỗ ở của mình mà chỉ cần làm cho các Ngài những cái lều để ở, con cái lều của mình lúc này là niềm hạnh phúc ở ba cái lều.
          Bằng con mắt thế gian ta không thể trực tri thấy được hình ảnh của Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng vô hình. Chỉ có con mắt đức tin ta mới thấy được Ngài đang hiện diện giữa chúng ta và trong chúng ta. Ta không thấy Ngài hiện diện nên ta cần đến ảnh tượng. Ảnh tượng là nơi gặp gỡ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa nhân loại và màu nhiệm Thần Linh. “Vẻ đẹp và màu sắc của các ảnh tượng kích thích việc cầu nguyện của tôi. Đó là một bữa tiệc làm no thỏa mắt tôi, cũng như cảnh đồng quê kích thích trái tim tôi ca tụng Thiên Chúa” [9]. Sự chia trí trong giờ cầu nguyện của con người, làm cho hình ảnh của Thiên Chúa không còn hiện diện trong tâm trí nữa. Lúc đó khi nhìn lên ảnh tượng thì những sự chia trí kia bị gạt bỏ để nhường lại cho sự tốt đẹp nơi Thiên Chúa ngự trị. Có nhiều lúc đức tin của tôi bị xáo trộn nhưng khi được chiêm ngưỡng ảnh tượng trong nhà nguyện tôi cảm thấy được an ủi, vỗ về. Bởi vì trong đó toát lên hình ảnh Thiên Chúa tràn ngập yêu thương, là người đang nhìn tôi với ánh mắt yêu thương, như người mẹ ấp ủ con thơ trong cánh tay Ngài. Ảnh tượng là con đường đẫn ta đến với Thiên Chúa. Ảnh tượng cũng giống như một bà cụ, nếu không có chiếc gậy thì khó có thể đi được, nhờ cây gậy hỗ trợ để rồi những bước chân của bà cụ bước đi.
Trong Công đồng Vaticanô II, số 122 nói về giá trị của nghệ thuật Thánh, “Giáo hội Mẹ cao sang, luôn luôn là bạn của mỹ thuật và không ngừng tìm đến sứ mạng cao quý của mỹ thuật, nhất là những vật dụng dùng trong phụng vụ thánh được thực sự xứng đáng, thích hợp và mỹ lệ, đồng thời biểu thị và tượng trưng những thực tại trên trời” [10]. Chính vì những giá trị cao quý và mang lại niềm tin cho những người tin hữu qua ảnh tượng, nên Giáo hội căn dặn “Các Đức Giám Mục hãy cẩn thận lo loại trừ khỏi Thánh Đường cũng như những nơi thánh khác những tác phẩm nghệ thuật nào nghịch với đức tin và phong hóa, nghịch với lòng đạo đức Kito giáo, cũng như những tác phẩm làm tổn thương ý nghĩa tôn giáo đích thực hoặc vì hình thức tồi bại, hoặc thiếu nghệ thuật, tầm thường và giả tạo” [11]. Không vì thế mà Giáo hội bỏ việc đặt các ảnh tượng trong những nơi thờ phượng mà “phải kiên quyết duy trì thói quen đặt ảnh tượng thánh trong các Thánh Đường cho các tín hữu tôn kính” [12]. Giáo hội cũng nói rõ, các ảnh tượng tôn kính đều quy về Đức Ki – tô là nguồn mạch của ơn cứu độ, nguồn mạch của sự sống. Chính Ngài đã nói “ An hem hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn an hem sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, vì ách của tôi thì êm ái và gánh của tôi thì nhẹ nhàng ” (Mt 11, 29-30). “Tất cả các dấu chỉ của việc cư hành phụng vụ đều quy hướng về Đức Ki – tô: Kể cả các ảnh tượng của Mẹ Thiên Chúa và của các thánh. Thật vậy, các ảnh tượng này nói về Đức Ki – tô, Đấng được tôn vinh nơi các Ngài. Các ảnh tượng này cho thấy “ ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh” (Dt 12, 1), các Ngài đang tiếp tục tham dự vào công trình cứu độ trần gian và chúng ta được lien kết với các ngài, nhất là khi cử hành các bí tích. Qua ảnh tượng của các ngài, đều được mạc khải cho đức tin của chúng ta. Con người được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa”, cuối cùng được biến hình nên “giống như Thiên Chúa”, và cả các Thiên thần, là những vị đã được quy tụ lại trong Đức Ki – tô: Theo chính giáo huấn của các Thánh Giáo phụ được Thiên Chúa linh hứng, và theo truyền thống của Hội Thánh Công giáo (mà chúng ta biết rằng đó là truyền thống của Chúa Thánh Thần, Đấng chắc chắn đang ngự trong Hội Thánh ), chúng tôi ấn định với tất cả sự chắc chắn và chính đáng rằng, cũng như hình tượng cây Thánh Gía  quý trọng và ban sự sống, các ảnh tượng đáng kính và thánh thiện, hoặc được vẽ và lắp ghép, hoặc bằng những chất liệu thích hợp khác, phải được đặt trong các thánh đường của Thiên Chúa, trên các bình thánh và y phục thánh, trên các bức tượng và các bức họa, trong nhà và trên các đường phố: đó là ảnh tượng của Chúa Giê – su Ki – tô, là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta, cũng như ảnh tượng của Đức Bà tinh tuyền, là Mẹ thánh của Thiên Chúa, ảnh tượng các Thiên thần đáng kính, của tất cả các Thánh và những người công chính” [13]. Mỗi người trong chúng ta đang sống trong xã hội đầy biến động. Chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa duy thực, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa ca nhân, chủ nghĩa thực dụng. Qua đó cũng làm cho đức tin của người Ki-tô hữu cách nào đó cũng bị ảnh hưởng. Không vì thế mà Tin mừng Chúa không được truyền đạt đến mọi nơi. “Nghệ thuật ảnh tượng Ki-tô giáo dùng hình ảnh để truyền đạt sư điệp Tin mừng, sứ điệp mà Sách Thánh lưu truyền bằng lời. Hình ảnh và lời nói làm sáng tỏ lẫn nhau”[14] 
III/ Kết Luận
 Chúa Giê – su khi mời gọi các môn đệ, Người muốn các ông từ bỏ tất cả để đi theo Người với cả trí khôn và tâm hồn. Giáo hội ngày nay cũng mời gọi các nghệ sĩ hãy đem hết sự khôn ngoan, tâm trí, tâm hồn con người nghệ thuật mà Chúa đã ban, để tạo nên những tác phẩm của nghệ thuật thánh, để truyền vào đó vẻ đẹp của Thần linh, mang lại hơi ấm niềm tin nơi người Ki tô hữu. Đức Thánh Cha Bê – nê – đit – tô XVI, trong sứ điệp gửi các tham dự viên khóa họp thường niên lần thứ 17 của Hàn Lâm Viện Tòa Thánh, nhóm họp chiều ngày 21/04/2012 tại Rô – ma, Ngài đã bày tỏ “Nghệ sĩ như Giáo hội, chứng nhân về vẻ đẹp của Đức tin”. Ngài nhận xét: “vẻ đẹp đức tin không bao giờ có thể là một chướng ngại cản trở sự sáng tạo mỹ thuật, vì có thể nói đức tin là nhựa sống và là chân trời tối hậu của sáng tạo nghệ thuật” [15]. Nghệ thuật là cánh tay nối dài trong công cuộc rao truyền Tin mừng cách hữu hiệu, mang lại cho người Kitô hữu nhìn thấu xuất ơn cứu độ của Thiên Chúa. “Nghệ Thuật Tạo Hình” như là bức thông điệp nhắn nhủ người tín hữu hãy cậy dựa vào Chúa bất cứ lúc nào, cậy đựa vào Chúa không chỉ bằng con mắt, tâm trí mà qua nghệ thuật thấu xuất trong trái tim mỗi người. “Nghệ thuật đã giúp Giáo hội diễn tả sứ điệp thánh của mình ra ngôn ngữ hình thể và sắc thái, khiến cho thế giới vô hình có thể được cảm nhận”[16]
                                                                                      Anton Nguyễn Văn Chính
Tài liệu tham khảo

1.     Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nhà xuất tôn giáo TPHCM, Bản Dịch của Nhóm cá giờ kinh phụng vụ.
2.     Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt nam Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin. Nhà xuất bản Hà Nội 2011. Tái bản lần thứ nhất. Hiệu đính bản dịch: Giám MỤC Phaolô Bùi Văn Đọc và Linh mục Giuse Bùi Văn Hoàng.
3.     Công đồng Va-ti-ca-nô II, Phân khoa thần học Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X.
4.     Con người suy tư về giá trị sinh hoạt của mình, triết III Dự Bị Thần Học. Soạn giả: Gioan Nguyễn Hiến Minh.
5.      http://hdgmvietnam.org/ Văn hóa – nghệ thuật. Một cái nhìn về nghệ thuật của Giám mục Matthêô Nguyễn Văn Khôi.
6.     https://sites.google.com/site/trangtintucconggiao/homedaichanly.


[1] Côn đồng Vaticano II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, Số 122.
[2] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Số 2501.
[3] Web: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Một cái nhìn về Nghệ Thuật. Gm Matthêô Nguyễn Văn Khôi.
[4] Web: Hội Đồng Giams Mục Việt Nam. Một cái nhìn về Nghệ Thuật. Gm Matthêô Nguyễn Văn Khôi.
[5] Côn đồng Vaticano II, Hiến chế mục vụ về giáo Hội trong thế giới ngày hôn nay. Số 57.
[6] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Số 2500.
[7] Côn đồng Vaticano II, Gửi giới văn nghệ sĩ, Số 18.
[8] Trong thư của Đức Thánh Cha Gioan phaolo II, gửi các nghệ sĩ. (04/04/1999), Số 1.
[9] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Số 1162.
[10] Côn đồng Vaticano II, Gía trị nghệ thuật thánh, Số 122.
[11] Côn đồng Vaticano II, Gía trị nghệ thuật thánh, Số 124.
[12] Côn đồng Vaticano II, Gía trị nghệ thuật thánh, Số 125.
[13] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Số 1161.
[14] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Số 1160.
[15] Web: Tin tức Công giáo, Đài chân lý á châu. G. Trần Đức Anh, OP.
[16] Côn đồng Vaticano II, trong sứ điệp gửi toàn thể nhân loại , nhân ngày bế mạc, Số 17.

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

CON NGƯỜI THEO QUAN ĐIỂM THÁNH TÔMA AQUINÔ VÀ AUGUSTINÔ


 I/    DẪN NHẬP 
    Con người là chủ đề mà ai cũng quan tâm, đặt ra những câu hỏi mà chính người đặt ra cũng không trả lời được. Mỗi nhà triết học có một quan niệm riêng về con người. Chúng ta sẽ tìm hiểu con người dưới nhãn quan của hai nhà triết học lớn của thời trung cổ nói thế nào về con người. Augustinô (354-430) và Tôma Đacanh (1225-1274) là hai vị thánh lỗi lạc của Giáo Hội Công Giáo, đồng thời là hai triết gia lớn của triết học nhân loại nói chung và của triết học thời kỳ trung cổ nói riêng. Những tư tưởng triết lý mới mẻ và độc đáo của hai thánh nhân đã để lại tiếng vang lớn cho nhân loại. Với hệ thống triết học của mình, thánh Augustinô được xem là người rửa tội cho tư tưởng triết học của Platon. Còn thánh Tôma Đacanh thì được xem là người Kitô hóa triết học của Aristotes. Cả hai người đều được Giáo Hội tôn kính đặc biệt và nâng lên hàng hiển Thánh. Do sự ảnh hưởng của tư tưởng Platon đối với T. Agustinô, và ảnh hưởng tư tưởng Aristotes đối với T. Tôma, vì thế mà trong quan niêm về con người, hai người đã có những tư tưởng giống và khác nhau. Tuy nhiên điều này không ảnh hưởng đến đức tin duy nhất của các ngài, mà nó góp phần làm phong phú thêm cho Giáo Hội trong việc nhìn nhận về bản thể của con người.
         
II/    NHỮNG ĐIỂM GIỐNG NHAU

    Cả hai thánh đều chống lại lập trường Nhị Nguyên của phái Manicheisme. Do đó không bao giờ quan niệm rằng: vật chất là xấu và thân xác không bao giờ là ngục tù giam hãm linh hồn. Việc linh hồn kết hợp với thân xác không phải là một tình trạng tội lỗi của linh hồn.
   Cả hai đều đồng nhất cấu tạo của con người gồm hai phần: linh hồn và thân xác. Trong đó linh hồn là hình thức của thân xác. Linh hồn con người là thiêng liêng, có lý trí, nguồn sống của con người và linh hồn có tính bất diệt, còn thân xác thì khả tử. Ta thấy sự giống nhau trong quan niệm của hai thánh là: con người có mục đích và khát vọng hướng về Thiên Chúa là hạnh phúc, là chân lý và sự thiện tuyệt đối, vĩnh cửu. Con người mở rộng ra với Thiên Chúa vì con người luôn khát khao đạt tới chân lý thực tại và sự thiện toàn mỹ. Điều đó không nhằm thỏa mãn óc lý luận muốn biết, nhưng là vì trong cơ cấu của con người đã luôn có ước muốn được hạnh phúc, đạt đến sự thiện tuyệt đối.
  Cả hai thánh đều cho rằng: linh hồn con người có thể hoạt động với ba khả năng là: cảm năng, ý chí và lý trí. Linh hồn hoạt động qua: các cơ quan cảm năng phục tùng ý chí, ý chí phục tùng lý trí và lý trí phục tùng Thiên Chúa. Linh hồn là thực thể tinh thần, nghĩa là nó vừa vô chất vừa thực tại. Những hoạt động của linh hồn  có ảnh hưởng trong đời sống thực tại và trong đời sống siêu nhiên.
  Cả hai thánh đều khẳng định sự liên kết chặt chẽ và bổ túc cho nhau giữa đức tin và lý trí của con người, giữa chúng không có sự đối kháng hay mâu thuẫn gì. Thánh Augusitô cho rằng: "Hãy tin để hiểu và hãy hiểu để tin". Còn thánh Tôma Đacanh thì: "Giữa đức tin và lý trí, giữa huyền nhiệm và khoa học là hai lãnh vực khác nhau, đành rằng có những điểm khác biệt nhau nhưng không phải là nghịch lý. Cả hai cùng lớn lên và cùng tồn tại trong nhau nơi đời sống của con người. Nó bổ túc và phong phú hóa cho nhau".
   Trong việc nhận thức của con người hai thánh đều khẳng định: có một thế giới khả niệm mà ta có thể trực giác được nhờ tri thức. Trong việc nhận thức khả giác, sự vật khả giác không thể tạo ấn tượng trực tiếp trên trí khôn, nghĩa là sự vật không thể tác dụng trực tiếp lên tinh thần, mà phải thông qua trung gian, đó là những hình ảnh hay các ý niệm.
   Trong vấn đề tự do cả hai thánh đều đồng nhất rằng đó là quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người, là khả năng chọn lựa yêu mến, quy hướng phục tùng và vươn lên tới Thiên Chúa hoặc là con người chống lại Thiên Chúa, chống lại công bằng, sự thiện hay sự tốt lành.
   Trong vấn đề sự ác hay điều xấu, hai thánh cũng cho rằng: đó không phải là điều tất yếu của công trình tạo dựng Thiên Chúa thực hiện. Thiên Chúa không phải là nguyên nhân của cái ác hay điều xấu. Nguyên nhân của nó là do việc con người đã chọn lựa sai trái đi kèm với sự tự do của mình.

 III/  NHỮNG ĐIỂM KHÁC NHAU
         
 A/ Theo quan niệm của Thánh Augustino
   Trước hết T. Augustino cho rằng con người gồm linh hồn và thân xác. Thánh nhân đề cao linh hồn hơn thân xác, coi trọng những "sinh hoạt" của linh hồn hơn những hoạt động của thân xác. T. Augustino cũng như đối với Plotin cho rằng tương quan giữa linh hồn và thân xác giống như mối tường quan giữa người thợ và công cụ của họ hay giữa một người nghệ sĩ và nghệ khí của họ. Chính vì vậy, Augustino cho rằng tri thức cảm giác trong con người là một trường hợp đặc biệt trong những trường hợp mà linh hồn sử dụng thân xác. Qua đó, thánh nhân thiết định một công thức: Linh hồn có thể tác động trên thân xác nhưng thân xác không thể tác động trên linh hồn[1]. Đó là hệ luận liên quan giữa người thợ và công cụ của họ. Cái gì bên dưới theo bản tính không có khả năng tác động ngược lên cái gì bên trên. Augustino đã nhấn mạnh rằng cả những cảm giác của thể xác cũng là một tác động của linh hồn, một tác động đã được khởi động lên qua những cơ quan cảm giác của thể xác, đó là một sự biến đổi trong cơ quan cảm giác tự nó không phải là một cảm giác, nếu một cách nào đó nó không được báo cáo cho trí khôn.
   Từ đó, cho ta thấy Augustino nhằm giải thích sự liên quan tương hỗ giữa ý thức của trí khôn hay linh hồn là sự biến đổi trong cơ thể nhưng không để cho cơ thể là nguyên nhân khởi động lên ý thức của trí khôn. T. Augustino quan niệm con người gồm linh hồn và thân xác nhưng hai thành phần này không gắn kết với nhau mà nó có một sự phân cách riêng biệt. Thánh nhân cho rằng mỗi một cơ thể có một linh hồn riêng và không bắt nguồn từ thượng đế. Linh hồn tạo ra như một huyền bí, linh hồn bất tử. Augustino đã xem linh hồn như một thực thể riêng biệt và độc lập. Giữa linh hồn và thân xác không có trách nhiệm và ảnh hưởng biện chứng, tương hổ lẫn nhau. Việc kết hợp giữa linh hồn và thân xác trong hiện tại của con người không phải là lý tưởng. Tình trạng hiện nay của con người là do hậu quả của tội nguyên tổ. Linh hồn không phải là vật chất, nó khác hoàn toàn với thể xác và sau khi thân xác chết đi thì linh hồn trở về với thần thánh và đó mới là cuộc sống đích thực của họ[2].
   Với quan niệm của Augustino thì linh hồn sử dụng thân xác như một công cụ. Linh hồn là “một bản thể độc lập và chỉ khi tham dự với lý tính thì có khả năng chi phối thân xác”. Hồn đóng vai trò quyết định nhưng trong con người luôn tồn tại trạng thái giằng co đối lập giữa: Tôt - Xấu, Thiện - Ác, Tích cực – Tiêu cực. Sở dĩ có như vậy trong con người vì con người có tự do. Thánh nhân đã nhận thấy trong cuộc sống của mình những khích lệ, những tình cảm và những khuynh hướng đi ngược chiều với ý muốn của mình. Chính Augustino đã thú nhận rằng: “Chính mình đã tự lừa dối mình bằng nhiều cách như: khi thì lấy sự tò mò làm sự hiểu biết, khi thì cầu khẩn Thiên Chúa cho mình một biểu hiện để có thể làm những gì mình có ngay lúc này, khi thì tỏ ra hài lòng về điều thiện mình làm nhưng đồng thời lại lấy đó làm điều hãnh diện với người khác”. Augustino đôi khi phải lên tiếng than phiền rằng: Tôi không thể hiểu biết tôi và cũng không sao chìm sâu vào nội tâm của tôi được. Tuy nhiên trong con người vẫn còn những điều mà chính tinh thần cũng không hiểu nổi, nhưng chỉ có Ngài, mới biết được con người cách tường tận vì chính Ngài đã tạo nên con người.
   Trong bản tính của con người còn có ý muốn là một quan năng hàm hồ khó hiểu vì mỗi khi Augustino cảm nghiệm thấy ý muốn là trong tâm sự hiện hữu của chính cuộc đời, vì mỗi lần muốn hay không muốn điều gì thì Augustino luôn luôn cảm nghiệm rằng không ai khác mà chính là mình muôn hay không muốn điều đó và như thế “mỗi khi muốn hay không muốn điều gì, tôi chắc chắn không phải một người khác muốn hay không muốn điều đó” [3]. Trái lại ý muốn luôn luôn vật vờ, lắc lư giữa con đường thiện và con đường ác, khi muốn thì không muốn. Cả những khi nhìn thấy ánh sáng  huy hoàng của cái thiện tuyệt đối với ham muốn và ước ao nhưng không sao quyết định nổi. Đó là nỗi lo âu kinh khủng của Augustino cảm nghiệm trong sâu thẳm của tâm hồn.
  Từ đó, Augustino nói rằng tự do theo ý muốn trải qua hai trạng thái ngược chiều nhau: Một là tự do, vật vờ rõ hết sức muốn mà không sao quyết định nổi, muốn và thức hiện được ý muốn ấy không đi đôi với nhau. Augustino xem sự nhu nhược ấy như dính liền với căn tính của con người. Hai là một khi con người quyết định rồi thì mọi sự trở thành vững chắc, không thể lay chuyển, giờ đây ý muốn trở thành tất định, chính tác động muốn có nghĩa là chấm hết mọi do dự, mọi bất định và mọi hoài nghi cũng như chấn hết mọi áp lực từ ngoại tại.
  Theo Augustino thì mọi thứ trong vũ trụ đều có cái thiện, ngay cả khi cái ác hiện hữu trước mắt chúng ta cũng thực sự là điều thiện, khi cái ác đó phù hợp với toàn bộ mẫu hình của vũ trụ. Những khoảng tối, bóng mờ cũng rất cần thiết để tôn thêm vẻ đẹp cho bức tranh. Nếu như chỉ nhìn riêng chúng, tách rời chúng hoàn toàn bức tranh thì chúng hiện ra là cái xấu, nhưng khi xét tổng thể thì chúng có thể làm tôn thêm vẻ đẹp của bức tranh. Qua đó, Augustino quan niệm rằng cái ác thực sự là sự vắng mặt của cái thiện, cũng như bóng tối là sự thiếu vắng ánh sáng. Cái ác mà chúng ta tìm thấy trong vũ trụ là do Chúa sắp đặt ở đây để tạo nên cái thiện trọn vẹn của vũ trụ. Theo Ngài thì cái đích của nhận loại là sự hợp nhất trọn vẹn với Chúa trời và thoát khỏi thế giới trần tục. Con người nên tránh những đam mê khoái lạc của thế giới trần tục, nên một lòng hướng về Chúa, Ngài là một Đấng tối cao toàn mỹ. Sự hòa hợp với Chúa có được thông qua tình thương yêu của Chúa, điều này trái với tình thương của vạn vật. [4]
   Trong vấn đề nhận thức T. Augustino quan niệm con người có sẵn những nguyên lý của lý trí và nguyên tắc của luân lý, như đã có sẵn quy luật mọi tư tưởng và hành động. Nó có trước và tự đối lập với những hoạt động của cảm giác nơi con người. Augustino đã phân biệt một bên là: sự nhìn xem bằng thể xác và một bên là nhìn xem bằng tinh thần. [5]
  + Sự nhìn xem bằng thể xác là một sự biến đổi trong đôi mắt khi nhìn xem sự vật và đó là kết quả của sự gặp gỡ giữa đôi mắt và sự vật được nhìn xem.
  + Sự nhìn xem bằng tinh thần là một quá trình của trí óc đi theo sự nhìn xem bằng thể xác, nếu không có sự nhìn xem này thì quá trình cảm giác không thể được nhìn nhận như một kinh nghiệm cảm giác, vì mọi kinh nghiệm tri thức đều là một tác động của trí khôn cả. Nhưng “ Sự nhìn xem bằng tinh thần ” không thể xuất phát từ sự nhìn xem bằng thể xác từ một nguyên nhân được vì thể xác không thể chi phối linh hồn.
Ø    Từ đó cho ta thấy được sự nhìn xem bằng tinh thần là một quá trình biệt lập trong việc mơ mộng hay tưởng tượng, mặc dù không có mặt của sự nhìn xem bằng thể xác. Trong cả việc  nhìn xem, cả việc mơ mộng và tưởng tượng, quá trình trí óc đều giống nhau, vì tất cả những gì xuất hiện trước mắt trí khôn thì đều có cùng một bản chất như nhau. Trong mỗi trường hợp cái gì trí khôn nhìn thấy không phải một đối tượng ngoại tại với nó mà là một hình ảnh ở trong nó. Sự khác biệt giữa cảm giác và tưởng tượng là ở chỗ trong cảm giác là một quá trình của sự nhìn xem bằng thể xác luôn đi kèm với một quá trình trí óc, ngược lại trong khi tưởng tượng thì không có như thế. Augustino chú ý đến quá trình tri giác thì cảm giác cũng quan trong và cống hiến cho ta một chỉ dẫn như sau: chính sự chú ý hướng dẫn sự nhìn xem của trí khôn và qua đó chính sự chú ý lại ngăn trở hoạt động tự do của tưởng tượng trong trí óc. Chính vì vậy, cảm giác và tưởng tượng có thể phân biệt được trong kinh nghiệm bằng cách kéo chú ý đến sự hiện diện của chú ý, vì sự hiện diện của nó bất đồng trong sáng tạo của trí tưởng tượng và bảo đảm bằng những gì hàm chứa trong trí óc đều có một liên quan nào đó với những giác quan thể xác và thế giới của chúng.
    T. Augustino đã rửa tội cho triết học Platon cho nên Augustino đã sử dụng và thích ứng rất rộng rãi nhiều yếu tố nền tảng trong truyền thống của Platon. Những ví dụ tiêu biểu cho tri thức thuần túy biệt lập với những kinh nghiệm cảm giác là những chân lý của toán học. Augustino đã khám phá ra được tính cách phổ biến, tất yếu và bất biến là những biểu hiện lý tưởng nhất của chân lý. Augustino không chỉ dừng lại ở lĩnh vực toán học mà thánh nhân còn mở rộng chuẩn đích của chân lý ra rất nhiều, đến cả những phán quyết luân lý và những phán quyết giá trị, loại nhận thức này cũng giống với nhận thức bằng cảm giác nhưng chỉ khác ở chỗ nó có những đối tượng tự chúng siêu việt hơn những đối tượng của vật lý và kinh nghiệm của cảm giác, chúng có tính cách bất diệt nên nó biết được cách minh bạch và chắc chắn. Augustino đã quan niệm tri thức mở ra cho trí khôn con người, tri thức không cần đến trung gian của những cảm giác. Tri thức ấy được quan niệm bằng sự nhìn xem bằng tinh thần. Đối tượng của tri thức là những đối tượng công cộng không lệ thuộc trí khôn lĩnh hội chúng cũng không khác gì những đối tượng của sự nhìn xem theo cảm giác. Trong khi tri thức chúng của trí khôn chỉ khám phá ra những đối tượng chứ không sáng tạo ra chúng, cũng như con mắt không sáng tạo những sự vật nó nhìn thấy. Đồng thời cũng theo tinh thần triết lý Platon. Augustino thường quan niệm những chân lý mà tri thức này lĩnh hội được đều cấu thành một lĩnh vực thực tại cũng được gọi là “lý giới”. [6] Lý giới này lại được đồng hóa với “tinh thần của thần minh”, trong đó gồm có những lý tưởng cho mọi sự vật. Điều này đã được Platon so sánh tri thức với sự nhìn xem trong hình ảnh mặt trời của lý giới theo đối thoại ẩn dụ hầm núi cũng như cái thiện là mặt trời soi sáng cho những lý tưởng, ở lý giới thì mặt trời trong thiên nhiên cũng soi sáng cho vạn vật như vậy. Ánh sáng của mặt trời ấy trong khi chiếu rải trên các sự vật để chúng khả thị thì soi sáng cả chúng và soi sáng luôn cơ quan nhìn xem của chúng nữa, đó là trí óc của con người. Để trả lời cho những thắc mắc trong triết lý của mình Augustino thường dùng những hình ảnh riêng của mình hoặc mượn ở Platon để giải thích: Chân lý thường tiềm ẩn trong tôi mà tôi không hề hay biết. Khi chú ý, tôi đi sâu xuống đáy lòng tôi, một đáy lòng trước kia xa cách tôi và luôn luôn không thể dò thăm, rồi tôi làm nó xuất hiện lên ánh sáng. Từ đó, Augustino đã đúc kết lại trong một câu danh tiếng “Hãy trở về trong ngươi vì chỉ trong con người nội tâm mới có chân lý cư ngụ”. [7] Sở dĩ có như vậy vì ở bên ngoài linh hồn, cũng có thể và phải có những người chỉ bảo, những huấn luyện viên hay những biểu hiện kêu gọi con người trở về với mình để tra hỏi chân lý, nhưng tính cách bộc phát riêng biệt của linh hồn là một cái gì không thể vi phạm vì tùy nó có sử dụng những biểu hiện ấy để giải thích chúng, nhưng luôn luôn nó rút tỉa được chính bản chất điều mà hình như nó đã lĩnh nhận được từ nội tâm.
  Augustino đã khai triển thuyết lý tưởng của Platon theo ánh sáng mới mẻ của Kitô giáo. Nhưng nhờ sự tin tưởng mãnh liệt vào công cuộc tạo dựng do Kitô giáo chủ xướng nên Augustino đã loại bỏ những huyền thoại về hồi niệm và luân hồi trong học thuyết của Platon. Theo Augustino con người trước khi sinh ra, Chúng ta sống ở một lý giới nào, cả ở tiền kiếp. Do dó chúng ta cũng không sống với những kỉ niệm của một cuộc sống chiêm ngưỡng những lý tưởng thường ngày, ngược lại chính Thiên Chúa là ánh sáng nội tâm soi sáng ta tham dự vào những chân lý hường ngày của Ngài và chiêm ngưỡng những chân lý ấy.
     T. Augustinô không đề cao vai trò của các giác quan trong việc nhận thức và cho rằng: việc nhận thức bằng giác quan chưa phải là một nhận thức đích thực. Vì đối tượng của nó luôn luôn thay đổi và loài vật cũng có được loại nhận thức này. Augustino cho rằng con người có tri thức tự nhiên về thế giới xung quanh. Họ biết bản chất cơ thể và có thể hành động dựa trên nhận thức. Đối với những nhu cầu thông thường của cuộc sống thì nhận thức này không đầy đủ. Nhưng cũng có một tri thức cao hơn không phải xuất phát từ cảm nhận cũng như không cùng loại với tri thức tự nhiên. Đây là tri thức được phát giác đến thông qua đức tin, chúng dường như đối nghịch với tất cả những gì mà con người đã phát hiện trong cảm nhận.
    Trong lãnh vực đức tin và lý trí thì ta thấy thánh Augustinô đã đề cao vai trò của đức tin: "trước hết hãy chấp nhận những lý thuyết do đức tin đề ra, sau đó mới tìm hiểu để đào sâu". Thánh nhân quả quyết rằng: trên con đường tìm kiếm của lý trí, nhờ ánh sáng của đức tin, lý trí sẽ có được những cột mốc chỉ đường vững chắc, có thể giúp con người tìm thấy lời giải đáp cho những thắc mắc của lý trí. Trong việc lý giải những điều bất hảo của con người và của vũ trụ, thánh Augustinô đã nhấn mạnh đến nguyên nhân là do hậu quả của tội nguyên tổ. Augustino tin rằng con người đầu tiên là Adam, đó là mô hình con người của tương lai. Ông cũng cho rằng Adam đã phạm tội và đã ảnh hưởng tới toàn bộ loài người, ta được thừa hưởng những yếu kém và tội lỗi của con người đầu tiên và được tạo hóa lựa chon để cứu rỗi.
  B/  Theo Quan niệm của T. Tôma Đacanh
     T. Tôma Đa canh cho rằng: Con người là một hữu thể duy nhất được cấu tạo bởi sự kết hợp chặt chẽ không tách rời giữa linh hồn và thân xác. Đối với thánh nhân thì  linh hồn là phi vật chất có trí tuệ, trí tuệ là yếu tố cần thiết cho sự tồn tại của thân xác. Linh hồn có trí tuệ hình thành cùng lúc với thân xác.[8] T. Tôma Đa canh nhấn mạnh một cách đặc biệt trên ý niệm rằng toàn thể con người mới là chủ động. Mỗi hữu thể con người là một thể xác có linh hồn, trong đó nguyên tắc tâm lý là một nguyên tắc thuộc loại đặc biệt và thánh nhân thiết định rằng chất liệu là của con người, hay nói cách khác linh hồn con người là mô thức bản thể. Một số hoạt động của linh hồn rõ ràng giống như  những hoạt động của sinh vật, nhưng những chức vụ suy lý và ước muốn vượt trên tímạnh của tính chất phổ biến và trừu tượng của chúng. Linh hồn là một thành phần đích thực của con người và với tính cách vừa vô thể chất vừa thực tại. Linh hồn con người có tính “đơn nhất” và “thống nhất” nghĩa là nó không thể phân chia ra từng thành phần được nên linh hồn không thể bị tiêu diệt. [9] Do đó nó có tính cách bất tử. Linh hồn và thân xác không phải là hai vật mà là một: hồn_xác. Linh hồn và thân xác có ảnh hưởng tương hỗ: không có hồn, xác sẽ không có hình thức, và không có xác thì hồn sẽ không có các cơ quan cần thiết để đạt đến tri thức. Tinh thần của con người là linh hồn, không thể hình thành và hoạt động, dù là những hoạt động tri năng cho tới việc chiêm ngưỡng cao siêu nếu mà không cần đến thân xác. Theo T. Tôma Đa canh: con người là một hợp thể gồm bởi hồn và xác. Nhờ yếu tố tinh thần mà con người hiện hữu như là một nhân vị duy nhất, mang phẩm giá cao quý bởi vì được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng. Linh hồn thiêng liêng bất tử, nhưng kết hợp với thân xác thành một bản thể. Linh hồn hoạt động qua các quan năng, đặc biệt qua lý trí và ý trí. [10] Tuy nhiên, những ý tưởng của lý trí không  phải do tự nhiên mà có, nhưng là nhờ khả năng từ những hình ảnh mà giác quan cung cấp. Linh hồn không hiện hữu trước khi có con người (Đây là điểm khác biệt với tư tưởng của Platon). Linh hồn và thân xác gắn bó với nhau khăng khít đến nỗi  T. Tôma Đa canh chủ trương thân xác mang niềm khát vọng tự nhiên được sống lại, bởi vì linh hồn sẽ không cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn khi lìa xa thân xác. Việc kết hợp làm một với thân xác của linh hồn không gây trở ngại cho phẩm giá cao quý của linh hồn, cũng như tính bất diệt của linh hồn. Vì chỉ có một "mô thể" điều khiển và chịu trách nhiệm về mọi sinh hoạt của tinh thần lẫn vật chất. Nó có những đối lập như: bất tử - khả tử, tốt - xấu, thiện - ác, tích cực - tiêu cực. Theo T. Toma Đa canh thì Chúa trời là đấng sáng tạo ra vạn vật bao gồm cả con người với một mục đích và cái thiện cao cả nhất của vạn vật là sự thực hiện của mục đích. Khi một người nhận biết được mục đích mà Chúa nhào nặn ra anh ta, thì anh ta khám phá ra cái thiện cao cả của Chúa Trời. Do đó cái thiện cao cả nhất là sự nhận biết ra chính mình, giống như Chúa Trời đã định sẵn. Theo Ngài cách tốt nhất để đạt được cái thiện toàn mỹ là rời bỏ của cải vật chất của thế giới trần tục để đi tìm cuộc sống của Chúa. Với Ngài cái ác là sự nghèo túng thiếu đi cái thiện. Tất cả vạn vật được Chúa sáng tạo ra với một mục đích là hướng thiện. Khi chúng thất bại thì hệ quả tất yếu là cái ác sẽ xẩy ra.[11]
Ø    Qua đó cho ta thấy T. Tôma Đa canh đã đi theo con đường của T. Augustino cho rằng cái tốt và cái xấu của một hành động đặc thù, phụ thuộc vào mục tiêu hay mục đích của người hành động. Một hành động có thể có những hậu qủa tốt nhưng cũng có thể là không tốt, trừ phi người hành động đó có ý định hành động để có những kết quả tốt và biết rằng điều đó sẽ mang lại kết quả tốt.
*   Tuy nhiên, T. Tôma Đa canh không đồng tình với T. Augustino rằng một hành động tỗi lỗi có thể trở thành tốt nếu như người hành động có chủ tâm tốt. Chủ tâm tốt sẽ không làm hành động xấu rở thành tốt mà chủ tâm đó chỉ là một điều sẽ làm cho hành động tốt đó thực sự là tốt.
   T. Tôma Đacanh quan niệm: Không có gì có trong trí khôn mà không thông qua giác quan. Hơn nữa, dù những nguyên lý căn bản của lý trí có mầm mống trong ta, những cũng phải nhờ đến kinh nghiệm để xuất hiện và phát triển. Qua đó Thánh nhân đã kể ra bốn nội quan: Tổng quát, Kí ức, tưởng tượng và bản năng: [12]
  + Tổng giác theo Thánh Nhân là giác quan chung, là nơi tập hợp các cảm giác riêng của ngũ quan.
   Vd: Khi cầm trên tay một trái chuối thì con mắt nhìn thấy màu sắc, bàn tay sờ được hình thù, mũi giử được mùi nên ta nhận biết được trái chuối là sự tổng hợp của những cảm giác riêng biệt.
  + Ký ức là hồi tưởng: Cảm giác được gây ra do sự kích thích bền ngoài để đưa đến giác quan. Tuy nhiên, sau khi sự kích thích đã chấm dứt thì ta vẫn có thể gợi lại cảm giác đó.
   Vd: Tiếng động vang đến tai.
     Ký ức có thể được phân loại dựa theo đối tượng của ngoại giác, nhờ cái đã nhìn, đã nghe đã nếm, đã ngửi, đã chạm. Ký ức cảm giác liên quan đến những sự kiện khả giác cụ thể, còn ký ức trí tuệ mang nội dung trừu tượng phổ quát. Trên thực tế hai cấp độ nay liên hệ trực tiếp đến nhau.
   + Tưởng tượng: Nói đến trí tưởng tượng của con người, là nói đến chức năng của lý trí. Tượng tượng đối nghịch với ký ức. Ký ức gợi lại cảm giác đã có, còn tưởng tượng tạo ra cảm giác chưa có bằng cách chắp nối các cảm giác đã có trong quá khứ. Thánh nhân nói rằng có bốn thứ tưởng tượng: Mơ mộng, Nghệ thuật, thực tiễn và lý thuyết.
   + Bản năng: Có nhĩa là khả năng lượng định tức thời điều gì có lợi hay có hại, thuận tiện hay bất thuận tiện cho sự sống còn, bản năng không chỉ thuộc lãnh vực nhận thức nhưng còn bao hàm những yếu tố của cảm xúc. Ngay từ xưa con người đã nhìn nhận hai bản năng cơ bản chung cho thú vật cũng như loài người, đó là bản năng sinh tồn và bản năng truyền sinh.
   T. Tôma Đa canh đề cao vai trò và khả năng của các giác quan và cảm giác. Theo thánh nhân: không có gì trong trí khôn mà không có ở nơi cảm giác. Cảm giác là kết quả của đối tượng khả giác và chủ thể nhận thức, những ý tưởng được tiếp nhận từ cảm giác. T. Tôma Đa canh lập luận rằng tri thức xác thực là tri thức mang tính quan niệm và những khái niệm có nguồn gốc từ những cảm giác. Nhưng trí óc có thể hình thành những khái niệm phổ biến từ những cảm giác này. Nhưng vật thể bên ngoài hành động dựa vào linh hồn, một thứ nguyên liệu thô này của tri thức được nhận vào và được nhào nặn thành tri thức mang tính khái niệm bởi những khả năng cao hơn của linh hồn. Nhưng cũng có tri thức trực giác vượt trội hơn tri thức có được thông qua cảm giác, thông qua lý trí hoặc thông qua đức tin đơn thuần. Tri thức này có nguồn gốc từ sự soi sáng của thần thánh và cũng có quyền lực từ thần thánh.
    T. Tôma Đa canh còn nhận định ý tưởng được tiếp nhận từ cảm giác, thánh nhận lập luận rằng: tri thức xác thực mang tính quan niệm và những khái niệm có nguồn gốc từ những cảm giác. Nhưng trí óc có thể hình thành những khái niệm phổ biến từ những cảm giác này. Những vật thể bên ngoài hành động dựa vào linh hồn, thứ nguyên liệu thô này của tri thức được nhận vào và được nhào nặn thành tri thức mang tính khái niệm bởi những khả năng cao hơn của linh hồn. Nhưng cũng có những tri thức trực giác vượt trội hơn tri thức có được thông qua những cảm giác, thông qua lý trí hoặc đức tin đơn thuần. Tri thức này có nguồn gốc từ sự soi rạng thần thánh và cũng có quyền lực từ thần thánh. Chúng ta biết về Chúa, về sự bất tử và những học thuyết khác của Chúa không phải nhờ vào việc lý giải mà nhờ vào hình thức cao hơn về tri thức này. Sự nhận thức của con người nằm ở vị trí trung hòa giữa thiêng liêng và vật chất. Các hữu thể thuần thiêng thì có những ý tưởng gắn liền với bản tính của mình, nghĩa là bẩm sinh. Các động vật thì thủ đắc nhận thức qua các giác quan, nhưng nhận thức cảm tính thì mang tính cụ thể. Loài người thì thủ đắc nhận thức qua các giác quan nhưng đồng thời có khả năng để chuyển hóa các nhận thức cụ thể sang nhận thức phổ quát, nhờ tiến trình “trừu tượng hóa”, bằng cách gạt bỏ những chi tiết riêng và giữ lại những khái niệm riêng. Cơ quan gạn lọc được gọi là “Trí tuệ”, biến đổi nhận thức giác năng sang nhận thức tri năng. Trí tuệ không phải là chức năng của một cơ quan cụ thể nằm trong bộ não, nhưng là một quan năng thuộc vê bản tính con người, vừa vật chất vừa thiêng liêng. Nhận thức trí tuệ không lệ thuộc vào đối tượng bên ngoài. Cảm giác chịu ảnh hưởng của đối vật: Nếu có tiếng động thì ta nghe, nếu tiếng động chấm dứt thì ta hết nghe. Nên trí tuệ có thể nghĩ đến những đối tượng phổ quát và trừu tượng, không chịu lệ thuộc vào những chiều kích không gian và thời gian.[13]
   Thánh Tôma Đacanh đề cao vai trò của lý trí: ngoài phạm vi tôn giáo thì con người có thể hiểu biết mà không cần đến ơn phù trợ trực tiếp của Thiên Chúa. Hơn nữa trí khôn có thể khám phá nhiều điều về Thiên Chúa: Ngài là Chân-Thiện-Mỹ. T. Tôma Đa canh quan niệm: Tin là hành vi của trí tuệ gắn bó với chân lý của Thiên Chúa, dưới sự điều động của ý chí được ân sủng của Chúa lay động. Con người là một chủ thể luân lý, hoạt động có trách nhiệm tự do, biết dùng suy luận để cân nhắc các lý lẽ trước khi hành động, và ý trí để điều khiển các hành vi. Con người hướng về hạnh phúc, tìm cách đạt đến sự thiện tuyệt đối, con người có ước vọng theo lý trí, nhờ đó am hiểu được thế nào là cái thiện và có được khả năng suy tư theo những yếu sách của lý trí và nhờ ánh sáng của lý trí, ước vọng tự nhiên đó trở thành ý muốn tự do định đoạt nơi con người. Sự khác biệt giữa ước vọng của vạn vật và nơi con người được thánh nhân xác định: cứu cánh bao giờ cũng tương ứng với nguyên lý, vậy một khi biết được nguyên lý của vạn vật là gì thì ta cũng biết được cứu cánh của chúng, cứu cánh của vạn vật phải là cái thiện vì chỉ có cái thiện mới là cứu cánh và một cái thiện ở ngoài vũ trụ, cứu cánh này chỉ có ở nơi Thiên Chúa. T. Tôma Đa canh quan niệm cái thiện của con người phải phù hợp với lý trí và ngược lại cái ác là tất cả những gì trái ngược, không phù hợp với lý trí. Nhân đức thiết yếu là một tư thế luôn luôn hành động phù hợp với lý trí hay nói cách khác nhân đức luân lý có được cái thiện là do quy luật của lý trí.[14] Qua đó, cho ta thấy hành vi được nhân đức luân lý quy định thích hợp với lý trí ngay thẳng và lý trí có nhiệm vụ chỉ định một mức trung dung nghĩa là tránh được cái thái quá và cái bất cập.
    Đối với T. Tôma Đa canh: sự hoàn hảo của vũ trụ đòi hỏi phải có sự bất hoàn hảo của các hữu thể. Đó là khả năng tạo ra hư hoại của các hữu thể chứ không phải là tất yếu có hữu thể  hư hoại. Theo T. Tôma Đa canh Đức Chúa tao ra vũ trụ bao gồm cả con người . Con người bao gồm cả tinh thần và vật chất, trong con người chúng ta có thể tìm thấy 2 yếu tố cơ bản linh hồn và thân xác. Con người bị thể xác lôi kéo vì vậy mà con người phải tìm kiếm sự cứu rỗi linh hồn từ tội lỗi được kế thừa. Con người không phải là một tiểu vũ trụ khép kín. Sau khi đã bàn về bản tính của con người, Tôma Đa canh đã lồng nó trong tương quan với Thiên Chúa là Đấng tạo thành và hạnh phúc của con người. Dù biết rằng Kinh Thánh có nói tới con người được dựng lên theo hình ảnh Thiên Chúa nhưng ngoài dữ kiện mặc khải, T. Tôma Đa canh còn cố gắng phân tích bản tính con người nhằm chứng tỏ rằng cơ cấu con người tự nó hướng về Thiên Chúa. Con người có khả năng nhận biết Thiên Chúa bởi vì con người luôn khao khát đạt tới chân ly khách thể và sự thiện toàn mỹ. Con người tìm về Thiên Chúa không phải chỉ vì muốn thỏa mãn óc lý luận muốn biết nguồn ngốc của vạn vật, nhưng còn vì muốn được hạnh phúc, muốn đạt được đến sự thiện tuyệt đối. Dựa trên sự phân tích này, T. Tôma Đa canh chủ trương rằng không có sự mâu thuẫn giữa lý tri và đức tin. Cũng như không có sự đối chọi giữa bản nhiên và ân sủng. Thiên Chúa đã dựng lên con người theo hình ảnh của mình, đã muốn thông truyền sự tốt lành của mình cho con người, đã mời gọi con người vào chia sẻ hạnh phúc với mình. Nhờ  sống trong tình thân hiệp, con người duy trì hết tất cả các mối liên hệ theo trật tự. Lý trí tùng phục Thiên Chúa, thân xác tùng phục linh hồn. Tiếc rằng tội lỗi đã làm xáo trộn tất cả trật tự đó. Không những Adam đã mất những ân huệ tình nghĩa với Chúa, nhưng còn mất luôn sự kiểm soát các quan năng của mình. Vì thế mà trong tình trạng xa ngã, con người mang nhiều thương tích. Tuy nhiên, T. Tôma Đa canh cũng thêm rằng hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người vẫn không bị tiêu diệt. Con người vẫn có khả năng truy tầm chân lý, và làm điều thiện. 

IV/  NHẬN ĐỊNH CHUNG
          Qua những trình bày ở trên ta có thể rút ra một vài nhận định về tư tưởng của hai thánh Agustinô và Tôma Đacanh: Thánh Augustinô trong quan niệm của mình về con người đã thể hiện rõ vấn đề ân sủng, đã dung hòa với những kinh nghiệm của ngài trên con đường trở về với Thiên Chúa, thể hiện rõ những suy nghĩ  nội tâm. Thánh Augustinô khám phá ra những điều kỳ diệu của con người theo hướng từ trên xuống, nghĩa là ngài xuất phát từ những ân sủng của Chúa ban cho con người. Thánh Tôma Đacanh lại đi từ dưới lên. Ngài xuất phát từ những gì đã có và đang có của thực tại để khám phá ra những huyền nhiệm nơi con người. Chính vì thế mà ta thấy được tư tưởng của T. Tôma gần gũi với thực tế hơn, và nó giúp chúng ta dễ nắm bắt hơn. Ta dễ thấy được T. Tôma như đang kéo thế giới huyền nhiệm, siêu nhiên gần lại với những thực tại sống động và cụ thể nơi con người. Nhưng điều quan trọng mà cả thánh Augustinô và thánh Tôma Đacanh đều muốn khẳng định là: con người là một công trình kỳ diệu của Thiên Chúa, là cầu nối giữa thế giới huyền nhiệm siêu nhiên của Thiên Chúa với thực tại tự nhiên của vũ trụ.
                                                                                    Anton Nguyễn  Chính
Tài liệu tham khảo:

1. Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học tây phương, tập III, bt Đỗ Văn,  < Nhà xuất bản TPHCM 2000 >,  370
2. S EROST, Jr,PH.D.BD., Những vẫn đề cơ bản của triết học, Bd Đông Hương và Kiến văn. Nhà xuất bản Từ Diển Bách Khoa, bt Hoàng Thái, 346
3. Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, Tập 8., 379




[1] Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học tây phương- tập III, bt Đỗ Văn,( Nhà xuất bản tphcm 2000), Tr  42.
[2] S EROST, Jr,PH.D.BD., Những vẫn đề cơ bản của triết học, Bd Đông Hương và Kiến văn. Nhà xuất bản Từ Diển Bách Khoa, bt Hoàng Thái. Tr 209.
[3]Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học tây phương- tập III, bt Đỗ Văn,( Nhà xuất bản tphcm 2000), Tr  60.
[4] S EROST, Jr,PH.D.BD., Những vẫn đề cơ bản của triết học, Bd Đông Hương và Kiến văn. Nhà xuất bản Từ Diển Bách Khoa, bt Hoàng Thái. Tr 119.
[5] Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học tây phương- tập III, bt Đỗ Văn,( Nhà xuất bản tphcm 2000), Tr  43.
[6] Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học tây phương- tập III, bt Đỗ Văn,( Nhà xuất bản tphcm 2000), Tr  46.
[7] Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học tây phương- tập III, bt Đỗ Văn,( Nhà xuất bản tphcm 2000), Tr  47.
[8] S EROST, Jr,PH.D.BD., Những vẫn đề cơ bản của triết học, Bd Đông Hương và Kiến văn. Nhà xuất bản Từ Diển Bách Khoa, bt Hoàng Thái. Tr  210.
[9] Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học tây phương- tập III, bt Đỗ Văn,( Nhà xuất bản tphcm 2000), Tr  294.
[10] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, Tập 8, Tr 19.
[11]S EROST, Jr,PH.D.BD., Những vẫn đề cơ bản của triết học, Bd Đông Hương và Kiến văn. Nhà xuất bản Từ Diển Bách Khoa, bt Hoàng Thái. Tr  121.
[12] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, Tập 8, Tr  83.
[13] Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, Tập 8, Tr  94.
[14] Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học tây phương- tập III, bt Đỗ Văn,( Nhà xuất bản tphcm 2000), Tr  248.