Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

TỪ VỰNG CÔNG GIÁO: CÔ HỒN – LINH HỒN MỒ CÔI

Tháng Bảy âm lịch, người bên lương thường cúng cô hồn. Giáo dân hay xin lễ cho các linh hồn mồ côi. Vậy hai khái niệm cô hồn và linh hồn mô côi có liên quan gì với nhau không?
1. Khái niệm cô hồn
- Cô, có nhiều chữ Hán , , , ,  (), , , , , , . Trong từ cô hồn là chữ , nghĩa là: (dt.
(1) Cha chết sớm, hay không có cha. 
(2) (cũ) Quan cô (tên chức quan, nằm khoảng giữa chức tam công và lục khanh, gồm thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo); 
(3) Xưa người diễn vai quan lại trong vỡ kịch.
 (4) Họ Cô. (đdt.
(5) vua chúa tự xưng: Xưng cô đạo quả. (đt.)
(6) Phụ bạc: Cô ân (phụ ơn). (tt.
(7) Đơn độc: Cô sơn (núi trọi), cô thụ (cây trọi). (Pht.)
(8) Lẻ loi: Cô lập vô trợ (trơ trọi một mình không ai giúp).
(9) Học thức dốt nát hẹp hòi: Cô lậu,
(10) Tính tình ngang bướng: Cô tịch(không thể hoà hợp với ai cả).
(11) Một mình: Nhất ý cô hành (làm theo ý riêng).
- Hồn, có những chữ Hán sau: ,  (),  (),  (), trong từ cô hồn là chữ , nghĩa là (dt.)
 (1) Phần thiêng liêng của con người: Linh hồn. 
 (2) Tinh thần của sự vật: Quốc hồn (Phần thiêng liêng của quốc gia).
 (3) Tình cảm của con người khi quá xúc động: Tiêu hồn (mất hồn)…
a. Nghĩa thuật từ cô hồn (孤魂): Hồn người chết lẻ loi, không ai cúng vái.
2/ Quan niệm về cô hồn
- Theo Phật Giáo: Ngày Rằm tháng Bảy (Âm lịch) được gọi là ngày “Báo hiếu cha mẹ” tức lễ Vu Lan và cũng là ngày “Xá tội vong nhân” tức lễ cúng cô hồn. Trong dân gian, nhiều người vẫn nghĩ hai lễ này chỉ là một, nhưng thực ra đây là hai lễ khác nhau được cử hành trong cùng một ngày.
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của ông Mục Liên: Phật Tổ dạy ông Mục Liên vào giữa tháng Bảy bày trăm món ngũ quả thiết đãi chư tăng thập phương để chung sức cứu mẹ ra khỏi địa ngục đau khổ. Còn tục cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên). Theo “Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh”: Một đêm kia, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải thí cho bọn chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường tam bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên”. A Nan đem chuyện thưa với Ðức Phật, Phật bèn đặt cho bài chú gọi là “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng Diệm Khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái.
- Theo Đạo Giáo: Rằm tháng Bảy gọi là Tết Trung Nguyên. Tết Trung Nguyên bắt đầu từ thời Bắc Nguỵ (năm 386-534), còn gọi là Tết Quỷ. Đạo Giáo có Tam Quan, tức là Thiên Quan, Địa Quan và Thuỷ Quan, ngày sinh của Tam Quan là Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy và Rằm tháng Mười, ba ngày này gọi là tam nguyên. Rằm tháng Bảy là Trung Nguyên, Địa Quan đến xá tội các giới. Theo truyền thuyết, ngày Rằm tháng Bảy cửa Địa Ngục mở ra, quỷ hồn đều được thả ra. Hồn có chủ thì về nhà, cô hồn thì đi khắp nơi tìm thức ăn, nên trong tháng Bảy người ta cúng cô hồn, để họ không làm hại người ta.
- Theo tập tục: Việc cúng cô hồn đã có từ đời nhà Đường bên Trung Quốc khi ngài Huyền Trang trở về sau chuyến Tây Du, lập đàn cúng tế cầu siêu cho tứ sanh[i] đang luân hồi trong lục đạo. Đến đời nhà Tống (960 – 1279), Nho Giáo, Phật Giáo và Lão Giáo liên kết với nhau. Ngày Xá Tội vong nhân của Phật Giáo, Tết Trung Nguyên của Đạo Giáo và việc thờ kính tổ tiên của Nho Giáo đã kết hợp hoạt động, hình thành tập tục cúng cô hồn tại vùng Đông Á.
Như nhiều dân tộc Đông Á, người Việt Nam cũng cho rằng những người chết vì chiến tranh, đánh nhau, bệnh dịch, tàn sát, chết oan, tội lỗi, thiên tai, tai nạn xe cộ…, những người chết như vậy thì “đại miếu bất thu, tiểu miếu bất lưu” (Miếu lớn không nhận, miếu nhỏ không cho ở), hồn không được cúng dưỡng, phải đoạ đày trong địa ngục hay phải lang thang khắp nơi, có khi phá phách, làm hại người sống. Những linh hồn đó được gọi là cô hồn, tức là hồn người chết lẻ loi, không ai cúng vái. Để cõi âm và cõi dương đều được bình an, từ xa xưa người Việt cũng đã có tập tục cúng cô hồn vào tháng Bảy âm lịch, để họ sớm được thoát khỏi Địa Ngục, mà nhân gian cũng không bị cô hồn phá rối.
b. Nhận xét
Như vậy, cúng cô hồn là một tập tục thể hiện lòng trắc ẩn, “nhân đạo”: nhằm cứu giúp những linh hồn khốn khổ, nhưng đồng thời cũng có thể là một hình thức “hối lộ”: để khỏi bị các oan hồn quấy phá, hoặc “vụ lợi”: để được họ “giúp đỡ”.
Trong khái niệm cô hồn còn bao gồm một khái niệm khác là oan hồn. Oan hồn là gì? – Oan hồn là hồn người chết oan. Nhưng thế nào là chết oan? – Những người bị ám sát, bị bức tử, bị giết khi chưa kịp sinh ra (thai nhi), chết “bất đắc kỳ tử”… được coi là chết oan ức (theo nghĩa chữ: oan là trái lẽ công bằng). Do quan niệm ở đời có “sinh, lão, bệnh, tử”. Có sinh thì ắt có tử, chết vì già hay do bệnh tật thì là lẽ thông thường, còn những người chết không theo ‘lẽ thông thường’ này thì người ta gọi là chết oan, và oan hồn thường không thể “siêu thoát” hay “đầu thai” được vì nuối tiếc cuộc sống dang dở của mình. Vì thế, việc cúng cô hồn cũng bao gồm việc cúng tế các oan hồn.
3. Khái niệm linh hồn mồ côi
a. Nghĩa chữ mồ và côi:
- Mồ, là tiếng Nôm, vì cách viết chữ chưa thống nhất[ii], trong từ mồ côi, mồ có thể viết ba cách: (1)  (Hán Việt đọc là mậu, chỉ can thứ năm trong thập can) cách viết này được dùng nhiều hơn; (2) [iii] (Hán Việt đọc là mộ, nghĩa là: nghĩ tới, nhớ tới; yêu mến, ham thích); và (3)  (cũng đọc là phừng, gồm bộ hỏa () ghép với chữ phong (): nhiều, đầy đủ). Mồ nghĩa là mất cha, hoặc mẹ, hoặc cả hai.
- Côi, cũng là tiếng Nôm, có bốn cách viết: 
(1) , (Hán Việt đọc là cô, nghĩa là: một mình, trơ trọi, lẻ loi, cô đơn, không có  cha hay cha chết[iv]
(2) (kết hợp bởi hai chữ cô () và ngôi () nghĩa là: cao ngất);    
(3) kết hợp bởi hai chữ thị () nghĩa là: bảo cho biết, cho hay, biểu hiện, tỏ rõ; và quỷ () nghĩa là: tinh ma, xảo trá, đáng ghét; người chết cũng gọi là quỷ); 
(4) (kết hợp bởi hai chữ cô () và khôi () nghĩa là: to lớn, cao lớn; người đứng đầu, kẻ đầu sỏ).
Côi nghĩa là mất cha mẹ: Mẹ goá con côi.
b. Nghĩa thuật từ mồ côi
(1) Người không còn cha hay mẹ, hay không còn cả cha lẫn mẹ. Khi mất cha gọi là mồ côi cha, mất mẹ gọi là mồ côi mẹ: “Mồ côi cha, ăn cơm với cá, Mồ côi mẹ, lót lá mà nằm” (Ca dao). 
(2) Côi cút, đơn độc, thiếu sự hỗ trợ (về tinh thần hay vật chất) của những người khác trong một hoàn cảnh nào đó: “Đàn ông đi biển có đôi, Đàn bà đi biển mồ côi một mình” (Nói về sự khó nhọc mà người đàn bà phải chịu trong khi sinh nở).
c. Nghĩa của thuật ngữ “linh hồn mồ côi”: Theo tôi hiểu, “linh hồn mồ côi” là cụm từ được Giáo Hội Công Giáo dùng như một thuật từ để gọi chung linh hồn của những người đang ở trong Luyện Ngục mà khi còn sống trên đời đã phải đơn độc trong cuộc lữ hành đức tin, hoặc trong hiện tại không mấy ai nhớ cầu nguyện cách riêng cho họ nữa. Nói vắn tắt là: những linh hồn đang thiếu sự giúp đỡ của những người thân thuộc đang sống.
d. Quan niệm về linh hồn mồ côi: Trong bài Lễ Các Đẳng[v], tôi đã có phân tích ý nghĩa của thuật từ này: Khi nói “linh hồn mồ côi”, chúng ta nghĩ tới linh hồn của hạng người phải đơn độc trong cuộc lữ hành đức tin khi còn ở trên đời. “Đơn độc”, “cô quả”, “mồ côi”…. hiểu theo nghĩa đời thường là không có người thân thích, bạn bè, không có ai đồng hành để được quan tâm, nâng đỡ đời sống đức tin. Họ có thể là những tín hữu cô nhi, quả phụ hay kẻ cơ bần sống đơn chiếc. Họ cũng có thể là những tín hữu giàu sang, con đàn cháu đống, bạn hữu tứ phương mà thực ra những người quen biết xung quanh họ không ai có niềm tin Công Giáo như họ, để xin lễ hay cầu nguyện cho họ. Họ cũng có thể là những tín hữu như bao tín hữu khác, khi qua đời cũng có thân nhân, bạn hữu cầu nguyện cho họ… nhưng hiện tại những người đó cũng đã qua đời và không còn mấy ai nhớ đến họ nữa, vì họ chết đã quá lâu. Và nay, những linh hồn đó đang ở trong Luyện Ngục, đang cần đến lời cầu nguyện từ Giáo Hội chiến đấu[vi]. Hay nói cách khác, người ta hiểu theo kiểu quan hệ của con người trong đời sống trần thế là cô thân cô thế. Vì thế “linh hồn mồ côi” không phải là linh hồn bị Giáo Hội bỏ rơi hay lãng quên, lại càng không phải là linh hồn không được Chúa đoái trông chăm sóc, ít được Chúa yêu thương hay bị Ngài lãng quên… Suy nghĩ như vậy là hoàn toàn sai lầm.
Có những vị phủ nhận khái niệm linh hồn mồ côi trong đức tin Công Giáo, họ cho rằng: “Nói linh hồn “mồ côi” là nói theo suy nghĩ của con người mà thôi; và điều này không đúng với giáo lý và thực hành trong phụng vụ thánh của Giáo Hội, vì Giáo Hội không hề phân biệt linh hồn nào là mồ côi, linh hồn nào có thân nhân còn sống như người ta quen nghĩ mà chỉ cầu chung cho tất cả các tín hữu đã ly trần ngay cả trong những thánh lễ có người xin cầu riêng cho những linh hồn thân nhân của họ đã qua đời. Như vậy, không có vấn đề “linh hồn mồ côi” trong niềm tin và thực hành của Giáo Hội.”[vii] Hoặc: “Là linh hồn mồ côi khi không có ai cầu nguyện cho, bây giờ hàng ngày có người cầu nguyện cho thì hẳn là hết tình trạng mồ côi. Chúng ta chấp thuận lối lý luận sơ đẳng này chứ?… Giáo Hội không bao giờ quên cầu cho các linh hồn. Không những cầu cho các linh hồn Kitô hữu mà còn nhớ đến các linh hồn chưa biết Chúa, chưa tin Chúa đã sống lại. Cầu cho cả những ai không cùng niềm tin Kitô giáo… Với tâm tình đó Giáo Hội không có linh hồn mồ côi”[viii].
Chúng tôi đồng ý: “Nói linh hồn mồ côi là nói theo suy nghĩ của con người” nhưng không có gì “không đúng với giáo lý và thực hành trong phụng vụ thánh của Giáo Hội”. Trong phụng vụ, thánh lễ hay kinh nhật tụng, Giáo Hội không cầu nguyện cách riêng cho các linh hồn mồ côi KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ KHÔNG CÓ CÁC LINH HỒN NÀY.
Tại sao chúng ta phải nhớ cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, thân nhân, hay cho những người nào đó cách riêng? Hội Thánh đã chẳng chính thức công nhận và khuyến khích việc cầu nguyện cho những linh hồn riêng rẻ đó sao (nhất là qua việc xin lễ)? Vậy thì, việc cầu nguyện ấy phải tăng thêm lợi ích cho các linh hồn riêng rẻ. Từ đó, suy ra: Những linh hồn không có thân nhân, không được ai nhớ đến trong luyện hình phải là những linh hồn ‘thua thiệt’, kém may mắn hơn. Vì thế, đức ái đòi buộc chúng ta phải chiếu cố đến họ – cũng tương tự như đối với những người cô thân, cô thế trong xã hội mà ta đang sống vậy. Nếu các linh hồn ấy không được ‘xếp loại’ để được chiếu cố thì cũng chẳng cần xin lễ cầu nguyện cho ai cả – “Giáo Hội đã chẳng cầu nguyện CHUNG trong Kinh Nguyện Thánh Thể rồi sao?” (!). Điều nầy vẫn không ra ngoài tín điều “Các thánh thông công”.
Nếu hiểu linh hồn mồ côi theo nghĩa hẹp là “vong linh mất cha hoặc mất mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ” thì thuật từ này không có ý nghĩa gì hết. Vì “linh hồn nào không có Chúa là Cha và Mẹ Maria là mẹ” hoặc người đã ở bên kia thế giới (vong linh) thì thế nào gọi là mất cha hay mẹ? Vậy phải hiểu theo nghĩa rộng, tức là “vong linh thiếu lời cầu nguyện của người thân”, “thiếu” chứ không phải là “không có”, “thiếu” theo nghĩa là “chưa đủ mức”, như thánh Phaolô đã nói: “Những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24).
Cha Mark (CMC), hiểu linh hồn mồ côi theo nghĩa đó, đã viết: “Việc cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi vì là một điều rất nên có, một truyền thống tốt đẹp của giáo dân Việt Nam rất đáng trân trọng, khuyến khích, vừa theo văn hóa, vừa theo tình thương, vừa theo luật tự nhiên ‘Nay ta thương người, mai Chúa soi cho người khác thương ta’”. Và ngài còn nhắc lại ý tưởng của cha Gioan Trần Bình Trọng: “Các linh mục sau khi qua đời cũng rất dễ trở thành những linh hồn mồ côi. Linh mục là người tế lễ hằng ngày để thờ phượng Chúa và xin ơn tha tội cho người tội lỗi. Tuy nhiên thường không mấy ai nghĩ rằng linh mục cũng cần lời cầu nguyện vì người ta cho rằng linh mục phải thánh thiện hơn giáo dân. Rồi khi một linh mục nằm xuống vĩnh viễn thì thường ông bà cố thân sinh cũng như các anh chị đã ra đi trước, không còn mấy ai để nhắc nhở cho các cháu chắt cầu nguyện cho nữa. Như vậy phải chăng linh mục khi chết rồi, có thể trở thành những linh hồn mồ côi chăng?”[ix].
Anh A muốn xin lễ cho cha mình là một tử sĩ, đồng thời anh cũng muốn nhân dịp đó cầu nguyện chung cho các linh hồn “chiến sĩ trận vong”, chúng ta có thể từ chối ý lễ này vì lý do: “Giáo Hội không bao giờ quên cầu cho các linh hồn” hay “không có chỗ nào phân biệt linh hồn tử sĩ với các linh hồn khác” hay không?
4. Một vài suy nghĩ
Tất cả giáo huấn của Chúa Giêsu, chủ yếu tập trung nơi chính thân phận con người đang sống, để làm sao đạt được ơn cứu độ. Các vấn đề khác, tuỳ mức độ cần thiết trong tương quan đến chủ đích ấy, được mặc khải hay không và mặc khải ít hay nhiều.
Giáo lý về các linh hồn (hiểu như là các hữu thể tồn tại từ con người sau khi đã chết) cho biết một số chân lý nào đó về số phận các linh hồn, nhưng cũng không bao giờ giải thích tường tận được theo logic mà con người đang dùng hôm nay. Thí dụ: Trong thế giới thiêng liêng có thời gian hay không? Linh hồn là hữu thể thiêng liêng, vậy có thay đổi không? Thời gian trong Luyện Ngục là gì? Cũng thế, nhiều giáo phái Kitô Giáo vẫn còn tranh luận về vấn đề hiện hữu của Hỏa Ngục, vì đối chiếu với tính nhân từ yêu thương vô hạn của Thiên Chúa… Việc các linh hồn mồ côi cũng thế. Nếu vẫn muốn hiểu theo cái logic của conngười đang dùng, thì vẫn còn nhiều điểm để tranh luận, chẳng hạn:
Chúa chẳng là Cha nhân từ đủ cho các linh hồn hay sao lại để phải có những linh hồn mồ côi?
Trong thế giới do chính Thiên Chúa làm Vua, lại còn có những phần tử thất thế, thua thiệt, côi cút, cần phải được con người thế trần đặc biệt chiếu cố?
Trong nơi không còn tội lỗi, chỉ có tình thương như Luyện Ngục, các linh hồn ‘giàu có’ có san sẻ với các linh hồn cô độc không? vv…
Tuy nhiên, về mặt luận lý, không bàn đến tín lý, thì cũng có thể đi từ ‘đầu kia’, nghĩa là các lập luận đã dẫn trên, để đến kết luận là cần cầu nguyện cho các linh hồn mồ côi. Điều này cũng tương tự như lập luận giải thích các mầu nhiệm khác thôi. Hơn nữa, đặc tính của Giáo Hội Công Giáo là thông công. Chính do đặc tính này mà mọi người được tha tội, thánh hoá và cứu độ nhờ vào Đầu là Chúa Giêsu Kitô. Do đó, Chúa muốn mọi chi thể phải luôn hợp thông với nhau bằng Đức Ái. Đối với các linh hồn, đức ái trọn vẹn thể hiện qua việc hợp thông với những linh hồn mồ côi. Cũng như trên trần thế, Đức Ái đặc biệt thể hiện qua những người ‘nghèo khó và bé nhỏ’.
Tóm lại: Thiên Chúa, tự Chúa, không cần chúng ta làm gì cả, để Chúa hiện hữu như chính Chúa, nghĩa là hiện hữu trọn vẹn và hợp lý. Nhưng mọi việc mà chúng ta phải làm, thực ra cũng chỉ là cho chính mình mà thôi. Nói thế, mới nghe có vẻ như nghịch với nguyên lý: Mọi sự phải quy về trong Chúa Kitô. Nhưng thực tế là thế, Chúa không cần chúng ta phải đọc mấy kinh dâng cho Chúa, để người được thêm vinh quang hay hài lòng…; Chúa cũng không cần chúng ta bố thí cho người cùi chén cơm nguội hay năm mười ngàn gì đó. Chúa có thể cho con người ấy thành một người hạnh phúc mọi mặt dễ dàng. Nhưng nói cho cùng, những hành động ấy, Chúa muốn ta làm giống như một người Cha khôn ngoan, tập cho con cái mình biết chia cái bánh cho anh chị em của nó vậy.
Chúng ta chưa có thuật từ nào để gọi riêng cho tập thể các linh hồn nạn nhân của một cuộc thiên tai, khủng bố hay dịch họa… những linh hồn mà lương dân gọi là “oan hồn”, nhưng việc cầu nguyện cách riêng cho những trường hợp như thế không có gì là không đúng với giáo lý và thực hành trong phụng vụ thánh của Giáo Hội. Một thánh lễ cầu nguyện cho “các linh hồn nạn nhân cuộc khủng bố ngày 11/9” chẳng hạn, là việc tốt lành. Nhưng không thể nói đó là thánh lễ cầu nguyện cho “các oan hồn ngày 11/9”. Vì khái niệm “oan hồn” – như đã nói trên, ngoài ý nghĩa “chết không theo ‘lẽ thông thường’” còn hàm nghĩa: “không thể siêu thoát hay đầu thai”, “còn nuối tiếc cuộc sống dang dở của mình”… là những ý niệm không phù hợp đức tin Công Giáo.
“Qua nhiều chứng tá từ việc các linh hồn hiện về xin cầu nguyện[x] ta có thể nghiệm ra rằng: Linh hồn mồ côi chính là những linh hồn bị thân nhân quên lãng hoặc cũng được thân nhân xin lễ cầu nguyện định kỳ hàng năm theo thói quen (cho yên tâm) chứ không đặt tấm lòng vào thánh lễ hay các giờ kinh nguyện, để tha thiết nài xin cho linh hồn đó. Vậy xin anh chị em hãy “bỏ ống lòng thương xót” cho những linh hồn này hầu các ngài được về hưởng Nhan Thánh Chúa”[xi]
5. Kết Luận
Hai khái niệm cô hồn (linh hồn người chết lẻ loi, không ai cúng vái) và linh hồn mồ côi (linh hồn bị thân nhân quên lãng) đều gợi lên ý tưởng đơn độc, cô quả, khốn khổ, cần sự giúp đỡ.
Nhưng để tránh sự lẫn lộn trong niềm tin về số phận của người quá cố trong các tôn giáo khác, Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam đã sử dụng cụm từ “linh hồn mồ côi”, với ý nghĩa mà chúng tôi đã nêu ra ở trên, như một thuật từ riêng của Giáo Hội tại Việt Nam vậy.
 Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ
—————————-
[i] Tứ sanh là bốn cách sanh ra. Các loài động vật được chia thành 4 nhóm theo cách thức sanh ra: thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh.
[ii] Cách  viết  của  chữ  Nôm  chưa  thống  nhất,  nhưng  theo  ông  Vũ  Văn  Kính, tác  giả Tự  Điển Chữ  Nôm  tái  bản  năm  1992, có  lời  giới  thiệu  của  ông  Hồng  Dân,  Chủ Tịch Hội Ngôn Ngữ Học Tp. HCM, thì cách cấu tạo chữ Nôm được xếp thành 7 loại chính: 1. Chữ Hán, 2. Đọc nghĩa, 3. Hài thanh, 4. Hài thanh Nôm, 5. Hội ý, 6. Giả tá, 7. Giả tá Nôm.
[iii] Hai chữ   và đều theo cách giả tá, tức là mượn chữ Hán.
[iv] [v] Xem Bài Giảng Chúa Nhật, số 11, năm 2010.
[vi] Công đồng Florence (1431) đã định tín: Có luyện ngục để thanh luyện các linh hồn. Các linh hồn ra khỏi trần gian không còn có thể làm được việc gì lành để cứu mình nên chỉ trông cậy vào những người còn sống lập công cầu nguyện cho mình để rút ngắn thời gian thanh luyện. Vì thế mà Giáo Hội kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện tội.
[vii] Xem bài của Lm. PX. Ngô Tôn Huấn: CÓ LINH HỒN NÀO “MỒ CÔI” VÀ “KHỐN NẠN” KHÔNG?
[viii][ix] Xem bài của Lm. Mark, CMC: CÓ LINH HỒN MỒ CÔ I KHÔ NG???
[x] Xem bài của Lm. Mark, CMC (đã dẫn)
[xi] Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt: CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN MỒ CÔI TRONG LUYỆN NGỤC.
                                                    Nguồn: WGPSG

THÁNH LỄ KHAI MẠC SỨ VỤ PHÊRÔ CỦA ĐTC PHANXICO, GIÁM MỤC RÔMA


            VATICAN. 200 ngàn tín hữu cùng với đại diện chính quyền 132 quốc gia cũng như nhiều phái đoàn các Giáo Hội Kitô và liên tôn đã tham dự thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của ĐTC Phanxicô từ lúc 9.30 sáng ngày 19-3-2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô.
           Lúc 8 giờ 45, ĐTC Phanxicô đã đi trên chiếc xe díp màu trắng, mui trần, không có kiếng chắn đạn, tiến ra Quảng trường thánh Phêrô. Ngài tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu, reo vui, vẫy cờ quốc gia của họ. Có một lúc ĐTC truyền dừng xe lại, ngài xuống xe ôm hôn một người khuyết tật, và những lúc khác, ngài ôm hôn các em bé do các nhân viên an ninh bế lên ngài.
           Trước thánh lễ, lúc 9 giờ 20 phút, ĐTC đã xuống hầm dưới bàn thờ chính của Đền Thờ Thánh Phêrô và đến trước mộ của Thánh Tông Đồ trưởng. Tại đây, cùng với 10 thủ lãnh các Giáo hội Công Giáo nghi lễ Đông Phương, trong đó có 4 vị Thượng Phụ Giáo Chủ, 4 vị Tổng Giám Mục trưởng, trong số này 4 vị là Hồng Y, ngài cầu nguyện và xông hương trên mộ Thánh Nhân. Từ mộ thánh Phêrô, hai thầy Phó tế đã lấy hai chiếc đĩa: một đựng dây Pallium và một đựng nhẫn Ngư Phủ của ĐTC, để tháp tùng ngài trong đoàn rước tiến ra lễ đài trên thềm đền thờ thánh Phêrô.
                1/ Thành phần tham dự
            Đi trước ĐTC trong đoàn rước là 180 vị đồng tế, hầu hết là các Hồng Y, trong phẩm phục màu trắng vàng, trong khi ca đoàn Sistina của Tòa Thánh hát kinh cầu các Thánh xin các vị phù giúp Đức tân Giáo Hoàng.
          Trong đoàn đồng tế, đặc biệt cũng có 2 LM đó là Cha José Rodriguez Carballo người Mêhicô, và Cha Aldolfo Nicolás Pachón, người Tây Ban Nha, Bề trên Tổng quyền dòng Tên. Hai vị được mời đồng tế trong tư cách là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam.
         Việc giúp lễ do 15 tu sĩ Phanxicô thuộc Đền thánh La Verna ở miền trung Italia, nơi thánh Phanxicô Assisi nhận 5 dấu thánh, đảm trách với sự phụ giúp của 4 thầy thuộc dòng Phanxicô Viện Tu ở Roma. Phần thánh ca trong buổi lễ do Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh gồm 65 ca viên do Nhạc trưởng là Đức ông Massimo Palombella điều khiển, cộng thêm với Ca đoàn tổng hợp gồm 80 ca viên.
            Bên trái bàn thờ là 200 GM và 33 phái đoàn của các Giáo Hội Kitô anh em, đứng đầu là Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople bên Thổ Nhĩ Kỳ, và cũng được coi là vị thủ lãnh danh dự chung của toàn Chính Thống giáo. Các vị lãnh đạo các Giáo Hội Tin Lành, Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô, và cả thầy Alois Loeser, tu viện trưởng tu viện Đại kết Taizé bên Pháp.
Cũng ở bên trái nhưng xuống phía trước bàn thờ là phái đoàn của các tôn giáo bạn, từ Do thái giáo, Phật giáo, Hồi giáo, đạo Sikh, Jaina và Ấn Giáo. Sau đó là 1.200 LM và chủng sinh.
             Bên hông phải bàn thờ là chỗ dành cho 132 phái đoàn chính thức của các nước, đứng đầu là Tổng thống Cộng hòa Italia, ông Giorgio Napolitano, Bà Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner của Argentina, 6 vị vua, 32 vị Tổng thống, 3 thái tử, phần còn lại là các thủ tướng chính phủ, phu nhân Tổng thống, hoặc Phó tổng thống, trong đó có Ông Joseph Biden của Hoa Kỳ.
Chính quyền thành Roma đã bố trí một số màn hình khổng lồ tại khu vực quảng trường Thánh Phêrô và đường Hòa Giải để dân chúng có thể tham dự thánh lễ.
               ĐTC tiến ra lễ đài trước sự vỗ tay vang dội của mọi người. Nhiều lá cờ quốc gia cũng được các tín hữu phất lên, dưới bầu trời đẹp.
                 2/ Nghi thức nhận Pallium và nhẫn Ngư Phủ
            Nghi thức khai mạc sứ vụ Phêrô, theo qui định của ĐTC Biển Đức 16, nay được cử hành liền trước thánh lễ, vì không phải là bí tích. Nghi thức này gồm phần trao dây Pallium Giáo Hoàng và trao nhẫn Ngư Phủ.
           Dây Pallium được trao cho ĐTC là dây làm bằng lông chiên màu trắng, có 6 hình Thánh Giá màu đỏ, khi được đeo vào cổ, có một phần dài ở phía trước ngực và một phần dài ở sau lưng. Đây là biểu hiệu cổ kính nhất của Giám Mục. Simeon thành Tessalonica viết: “Dây Pallium chỉ Chúa Cứu Thế khi gặp chúng ta như chiên lạc đàn, Ngài vác lên vai, và khi nhận lấy nhân tính con người trong cuộc nhập thể, Ngài thần hóa nhân tính ấy bằng cái chết của Ngài trên Thánh Giá, Ngài dâng chúng ta cho Chúa Cha, và qua cuộc phục sinh, Ngài nâng chúng ta lên cao”.
           Vì thế dây Pallium nhắc nhớ vị Mục Tử nhân lành (cf Ga 10,11), vác trên vai con chiên lạc (cf Lc 15,4-7), và 3 câu trả lời yêu mến đáp lại 3 câu Chúa Giêsu Phục Sinh hỏi thánh Phêrô, và Chúa dạy thánh nhân hãy chăn các con chiên con và chiên mẹ của Ngài (cf Ga 21,15-17).
           3 vị Hồng Y là Angelo Sodano, niên trưởng HY đoàn, trưởng đẳng GM, ĐHY Godfried Danneels, nguyên TGM Bruxelles bên Bỉ, trưởng đẳng HY Linh Mục, và ĐHY Jean Louis Tauran, người Pháp, trưởng đẳng HY Phó tế lần lượt tiến lên trước mặt ĐTC. ĐHY Tauran cầu xin Thiên Chúa của hòa bình ban cho ĐGH dây Pallium đã lấy từ bàn thờ tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô Tông Đồ, là Đấng mà Mục Tử nhân lành đã truyền chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Ngài, và ngày hôm nay ĐTC kế vị thánh nhân. Xin Thánh Thần Chân Lý ban ơn soi sáng và phân định cho sứ vụ của ĐTC củng cố các anh em trong đức tin duy nhất.
        Rồi ĐHY trưởng đẳng Phó tế tiến lên đeo dây Pallium vào cổ Đức tân Giáo Hoàng, tiếp đến ĐHY trưởng đẳng LM Danneels kết thúc với lời nguyện: “xin Thiên Chúa chúc lành và củng cố ơn Thánh Linh để sứ vụ của Đức tân Giáo Hoàng tương ứng với sự cao cả của đoàn sủng mà Chúa đã ban cho Người.”
           Sau đó là nghi thức trao nhẫn Ngư Phủ. Ngay từ ngàn năm thứ I, nhẫn là biểu hiệu riêng của Giám Mục. Chiếc nhẫn Ngư Phủ được trao cho ĐTC Phanxiô bằng bạc có hình thánh Phêrô đang cầm chìa khóa, có nghĩa đó là nhẫn chứng thực thực đức tin và nói lên nghĩa vụ được ủy thác cho thánh Phêrô là củng cố các anh em mình (cf Luca 22,32). Nhẫn này được gọi là Nhẫn Ngư Phủ vì thánh Phêrô là Tông Đồ Ngư Phủ (cf Mathêu 4,18-19). Sau khi tin vào lời Chúa Giêsu (cf Luca 5,5), thánh nhân đã thả lưới và kéo vào bờ mẻ cá lạ lùng (cf Gioan 21,3-14).
            ĐHY Angelo Sodano, trưởng đẳng GM, nói: “Kính thưa Đức Thánh Cha, chính Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, là Mục tử và là Giám mục của các linh hồn chúng ta, Đấng đã xây dựng Giáo Hội trên đá tảng, ban cho ĐTC Nhẫn này, ấn tín của Thánh Phêrô Ngư Phủ, Người đã sống niềm hy vọng trên biển Tiberiade và Chúa đã trao cho Người chìa khóa nước trời. Ngày hôm nay, ĐTC kế vị Thánh Phêrô trong Giám mục đoàn của Giáo Hội này, làm đầu trong tình hiệp thông hiệp nhất theo giáo huấn của Thánh Phaolô Tông Đồ. Xin Thánh Thần tình yêu được phú vào tâm hồn chúng ta làm cho ĐTC được tràn đầy sức mạnh và sự dịu dàng để giữ gìn các tín hữu Chúa Kitô, qua sứ vụ của ĐTC, trong sự hiệp thông duy nhất”.
             Rồi ĐHY Sodano trao Nhẫn Ngư Phủ cho ĐTC, giữa tiếng vỗ tay vang dội của cộng đoàn.
          Tiếp đến là nghi thức tuân phục. Hồi ĐGH Biển Đức 16 khai mạc sứ vụ, ngoài các Hồng y còn có các đại diện LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân, tổng cộng là 12 người, nhưng lần này chỉ có 6 HY đại diện, mỗi đẳng GM, LM và Phó tế 2 vị. Hai vị đứng đầu là ĐHY Giovanni Battista Re và ĐHY Bertone.
          Trong nghi thức này không có đại diện LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân vì họ sẽ cử hành nghi thức tuân phục trong buổi lễ ĐTC Phanxicô sẽ cử hành trong mùa Phục Sinh khi đến nhận Nhà thờ chính tòa giáo phận Roma của ngài là Đền thờ thánh Gioan Laterano.
          Thánh lễ kính Thánh Giuse với kinh nguyện và các bài đọc đi kèm bắt đầu sau nghi thức nhận Pallium và nhẫn Ngư Phủ của ĐTC.
Bài Tin Mừng được hát bằng tiếng Hy Lạp kể lại sự tích thánh Giuse sau khi thấy Đức Maria có thai, thì toan tính âm thầm bỏ rơi Người, nhưng đã được Sứ thần Chúa hiện ra trong giấc mộng và dạy hãy đón nhận Đức Maria về nhà mình.
                      3/ Bài giảng của ĐTC
                    Trong bài giảng tiếp đó bằng tiếng Ý, ĐTC nói:
              Anh chị em thân mến,
         Tôi cảm tạ Chúa vì được cử hành Thánh Lễ này, khai mạc sứ vụ Phêrô trong ngày lễ trọng kính Thánh Giuse, Hôn Phu của Đức Trinh Nữ Maria, và là Bổn Mạng của Giáo Hội: đây là một dịp trùng hợp đầy ý nghĩa và cũng là lễ bổn mạng của Vị Tiền Nhiệm Đáng Kính của tôi: chúng ta gần gũi ngài trong kinh nguyện, đầy lòng quí mến và biết ơn (vỗ tay).
              Tôi thân ái chào các anh em Hồng y và Giám Mục, các linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em giáo dân. Tôi cám ơn các đại diện của các Giáo Hội và Cộng đoàn Giáo Hội khác hiện diện nơi đây cũng như các đại diện của cộng đồng Do thái và các cộng đồng tôn giáo khác. Tôi gửi lời chào nồng nhiệt đến các vị Quốc trưởng và Thủ tướng chính phủ, các phái đoàn chính thức của bao nhiêu nước trên thế giới và ngoại giao đoàn.
            Chúng ta đã nghe trong Tin Mừng rằng “Giuse làm như Thiên Thần Chúa đã truyền và đón nhận hiền thê của mình” (Mt 1,24). Trong những lời này có gồm tóm sứ mạng mà Thiên Chúa ủy thác cho Giuse, sứ mạng làm người canh giữ. Nhưng canh giữ ai? Thưa là canh giữ Mẹ Maria và Chúa Giêsu, nhưng đó là một sự canh giữ được nới rộng cho toàn thể Giáo Hội, như Chân phước Gioan Phaolô 2 đã nhấn mạnh: “Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Đức Giêsu Kitô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Đức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu” (Tông Huấn Redemptoris Custos, 1).
             Thánh Giuse thi hành công việc canh giữ ấy như thế nào? Thưa một cách kín đáo, khiêm tốn, trong thinh lặng, nhưng với một sự hiện diện liên lỷ và trung tín hoàn toàn, cả khi Ngài không hiểu. Từ khi kết hôn với Mẹ Maria cho đến biến cố Chúa Giêsu 12 tuổi tại Đền thờ Jerusalem, Ngài ân cần yêu thương đồng hành trong mọi lúc. Ngài ở cạnh Maria Hiền thê của Ngài trong những lúc thanh thản cũng như trong những lúc khó khăn của cuộc sống, trong hành trình đi Bêlem để kiểm tra dân số, và trong những giờ hồi hộp và vui mừng của cuộc sinh hạ; trong lúc bi thảm tị nạn sang Ai Cập và trong cuộc vất vả tìm con tại Đền Thờ; và rồi trong cuộc sống hằng ngày tại nhà Nazareth, trong phòng làm việc nơi thánh nhân đã dạy nghề cho Chúa Giêsu.
             Thánh Giuse đã sống ơn gọi gìn giữ Mẹ Maria, Chúa Giêsu và Giáo Hội như thế nào? Thưa trong sự luôn quan tâm để ý tới Thiên Chúa, cởi mở đối với những dấu hiệu của Chúa, sẵn sàng đối với dự phóng của Chúa, không phải tới điều riêng của mình, nhưng điều mà Thiên Chúa yêu cầu Vua Davít, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ I; Thiên Chúa không mong ước một nhà do con người làm ra, nhưng Chúa muốn lòng trung thành với Lời Ngài, với kế hoạch của Ngài; và chính Thiên Chúa xây dựng căn nhà, nhưng bằng những viên đá sống động nhờ Thánh Thần của Ngài. Và thánh Giuse là người “canh giữ”, vì Ngài biết lắng nghe Thiên Chúa, để cho thánh ý Chúa hướng dẫn, và chính vì thế thánh nhân càng nhạy cảm hơn đối với những người được ủy thác cho Ngài, biết đọc các biến cố một cách thực tế, chú ý đến những gì ở chung quanh và biết đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn. Các bạn thân mến, chúng ta thấy thánh Giuse đáp ứng ơn gọi của Chúa như thế nào, với thái độ sẵn sàng, mau mắn, nhưng chúng ta cũng thấy đâu là trung tâm điểm ơn gọi Kitô, là chính Chúa Kitô! Chúng ta hãy gìn giữ Chúa Kitô trong đời sống chúng ta, để giữ gìn những người khác, để giữ gìn thiên nhiên, công trình sáng tạo.
            “Nhưng ơn gọi của người canh giữ không phải chỉ liên hệ đến các tín hữu Kitô chúng ta mà thôi, nhưng còn có một chiều kích đi trước và nhân bản, liên hệ tới tất cả mọi người. Đó là việc bảo tồn toàn thể thiên nhiên, vẻ đẹp của công trình tạo dựng, như được trình bày cho chúng ta trong Sách Sáng Thế và như thánh Phanxicô Assisi đã chỉ cho chúng ta; đó là tôn trọng đối với mỗi thụ tạo của Thiên Chúa và môi trường trong đó chúng ta sinh sống. Đó là giữ gìn con người, chăm sóc tất cả mọi người, mỗi người, với tình yêu thương, đặc biệt là các trẻ em, người già, những người yếu đuối hơn và thường ở ngoài lề tâm hồn chúng ta. Đó là chăm sóc lẫn nhau trong gia đình: vợ chồng gìn giữ nhau, và trong tư cách là cha mẹ, họ chăm sóc con cái, rồi với thời gian cả con cái cũng trở thành những người gìn giữ cha mẹ. Đó là sống những tình bạn chân thành, là một sự gìn giữ nhau trong sự tín nhiệm, trong sự tôn trọng và trong thiện ích. Xét cho cùng, tất cả đều được ủy thác cho sự gìn giữ của con người, và đó là một trách nhiệm liên hệ tới tất cả chúng ta. Anh chị em hãy trở thành những người gìn giữ hồng ân của Thiên Chúa.
              “Và khi con người thiếu sót trách nhiệm của mình, khi chúng ta không chăm sóc công trình tạo dựng và các anh chị em chúng ta, thì khi ấy xảy ra sự tàn phá và con tim trở nên chai đá. Rất tiếc là trong mỗi thời đại, đều có những “vua Hêrôđê” đề ra những mưu đồ chết chóc, hủy hoại và bóp méo khuôn mặt của con người nam nữ.
             Tôi muốn xin tất cả những người đang nắm giữ các vai trò trách nhiệm trong lãnh vực kinh tế, chính trị hoặc xã hội, tất cả những người thiện chí: “Chúng ta hãy trở thành những người gìn giữ công trình tạo dựng, gìn giữ kế hoạch của Thiên Chúa được ghi khắc trong thiên nhiên, giữ gìn tha nhân, môi sinh; chúng ta đừng để cho những dấu hiệu tàn phá và chết chóc tháp tùng hành trình của thế giới chúng ta! Nhưng để “gìn giữ” thì chúng ta cũng phải chăm sóc chính mình! Chúng ta hãy nhớ rằng oán ghét, ghen tương, kiêu ngạo làm cho cuộc sống bị nhơ bẩn! Gìn giữ có nghĩa là canh chừng những tâm tình chúng ta, con tim chúng ta, vì chính từ đó nảy sinh những ý hướng tốt hay xấu: những ý hướng xây dựng và những ý hướng hủy hoại! Chúng ta không được sợ sự tốt lành, và cũng đừng sợ sự dịu dàng!
            “Và ở đây, tôi muốn ghi nhận thêm điều này: chăm sóc, giữ gìn, đòi phải có sự tốt lành, đòi phải được sống với sự dịu dàng. Trong các sách Phúc Âm, thánh Giuse xuất hiện như một người mạnh mẽ, can đảm, chuyên cần làm việc, nhưng trong tâm hồn Ngài trổi vượt một sự rất dịu dàng, đây không phải là đức tính của kẻ yếu, trái lại, nó chứng tỏ một tâm hồn mạnh mẽ và có khả năng chú ý, cảm thương, thực sự cởi mở đối với tha nhân, yêu thương. Chúng ta không được sợ sự tốt lành và dịu dàng!
             “Ngày nay, cùng với lễ Thánh Giuse, chúng ta cử hành khởi đầu sứ vụ của tân GM Roma, người Kế Vị Thánh Phêrô, cũng bao gồm một quyền bính. Dĩ nhiên Chúa Giêsu Kitô đã ban quyền cho thánh Phêrô, nhưng đó là quyền bính gì thế? Sau ba câu Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô về tình yêu, có 3 lời mời gọi: hãy chăn các chiên con, hãy chăn giắt các chiên mẹ của Thầy. Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ và cả Giáo Hoàng, để thi hành quyền bính này, ngày càng phải tiến sâu hơn vào việc phục vụ ấy, việc phục vụ có tột đỉnh sáng ngời trên Thập Giá; Giáo Hoàng phải nhìn đến sự phục vụ khiêm tốn, cụ thể, đầy đức tin, của thánh Giuse và như thánh nhân, mở rộng vòng tay để giữ gìn toàn thể Dân Chúa và yêu thương, dịu dàng, đón nhận toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, những người nhỏ bé nhất, những người mà thánh Mathêu mô tả trong cuộc phán xét chung về đức bác ái: những người đói, khát, ngoại kiều, người trần trụi, bệnh nhân, tù nhân (Xc Mt 25,31-46). Chỉ những ai phục vụ với lòng yêu mến mới biết giữ gìn!
               Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô nói về Abraham, người “đã tin, kiêm vững trong niềm hy vọng bất chấp mọi nghịch cảnh” (Rm 4.18). Kiên vững trong niềm hy vọng, bất chấp mọi nghịch cảnh! Cả ngày nay, đứng trước bao nhiêu chân trời đen xám, chúng ta cần thấy ánh sáng hy vọng và chính chúng ta trao ban hy vọng. Giữ gìn công trình tạo dựng, mỗi người nam nữ, với cái nhìn dịu dàng và yêu thương, đó chính là mở rộng chân trời hy vọng, là mở ra một luồng sáng giữa bao nhiêu mây mù, là mang sức nóng hy vọng! Và đối với tín hữu, đối với các tín hữu Kitô chúng ta, như Abraham, như thánh Giuse, niềm hy vọng mà chúng ta mang có chân trời của Thiên Chúa được mở rộng cho chúng ta trong Chúa Kitô, được xây dựng trên đá tảng là Thiên Chúa.
          “Giữ gìn Chúa Giêsu với Mẹ Maria, giữ gìn toàn thể công trình sáng tạo, giữ gìn mỗi người, đặc biệt là người nghèo nhất, giữ gìn chính chúng ta; đó là một công tác phục vụ mà Giám Mục Roma được kêu gọi chu toàn, nhưng đó cũng là ơn gọi mà tất cả chúng ta được mời gọi làm cho ngôi sao hy vọng được chiếu sáng rạng ngời: Chúng ta hãy gìn giữ với lòng yêu mến điều Thiên Chúa đã ban cho chúng ta!
          “Tôi cầu khẩn sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, của Thánh Giuse, của thánh Phêrô và Phaolô, thánh Phanxicô, xin Chúa Thánh Linh tháp tùng sứ vụ của tôi, và tôi nói với tất cả anh chị em rằng: xin cầu nguyện cho tôi! Amen
                    4/ Các ý nguyện
             Bài giảng của ĐTC bị ngắt quãng nhiều lần vì những tiếng vỗ tay của các tín hữu, lần đầu khi ngài chúc mừng lễ Bổn mạng của Vị Tiền nhiệm và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Người.
            Trong phần lời nguyện phổ quát, đã có 5 ý nguyện được xướng lên là tiếng Nga, Pháp, Arap, Swahili bên Phi châu và tiếng Hoa, lần lượt cầu cho Giáo Hội: Xin Thiên Chúa toàn năng nâng đỡ mọi người, các mục tử và tín hữu, sống tuân phục vô điều kiện đối với Tin Mừng; xin Chúa gìn giữ ĐGH Phanxicô trong việc thi hành sứ vụ của Người Kế Nhiệm Thánh Phêrô và Chủ Chăn của toàn thể Giáo hội; cầu cho các người cầm quyền: xin Chúa soi sáng tâm trí và hướng dẫn họ trong việc xây dựng nền văn minh tình thương; cầu cho những người nghèo khổ trên trái đất: xin Chúa bồi dưỡng, an ủi và ban cho họ niềm hy vọng nhờ lòng bác ái của các tín hữu Kitô; sau cùng là cầu cho gia đình của Thiên Chúa đang tụ họp trong thánh lễ: xin Chúa biến đổi cuộc sống của tất cả các tín hữu nên giống Chúa Giêsu.
             Để rút ngắn thời gian buổi lễ, không có phần tiến dâng lễ vật, và ĐTC cũng không đích thân cho rước lễ, nhưng một thầy Phó tế đã làm thay. Trong khi đó có 500 LM mang Mình Thánh Chúa phân phát cho các tín hữu tại khu vực hành lễ. Sau thánh lễ, ở bên trong Đền thờ Thánh Thánh Phêrô, ĐTC đã chào thăm các vị thủ lãnh của 132 phái đoàn chính thức do chính phủ các nước gửi đến dự lễ. Bắt đầu là bà tổng thống Cristina Kirchner của Argentina và tổng thống Giorgio Napolitano của Italia.
             Lễ khai mạc sứ vụ của ĐTC kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ và được nhiều tín hữu trên thế giới theo dõi qua truyền hình.

                                                               G. Trần Đức Anh OP

SỨ ĐIỆP CỦA ĐTC PHANXICO NHÂN NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI 2013


Anh chị em thân mến,

Nhân dịp lần thứ 50 ngày Thế Giới Cầu Cho Ơn Gọi, được tổ chức vào ngày 21 tháng 4 năm 2013, Ngày Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh, tôi muốn mời gọi các bạn phản tỉnh về chủ đề: “Ơn gọi, dấu chỉ hy vọng đặt nền tảng trên đức tin”, được diễn ra trong năm Đức Tin cùng với dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc công Đồng Vaticano II. Trong khi Công Đồng đang họp, Tôi tớ Chúa, Đức Phaolô VI, đã thiết lập ngày toàn thể Giáo hội cầu nguyện cho ơn gọi. Vào ngày này, mọi người được mời gọi để cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha, xin Ngài tiếp tục sai các thợ gặt đến với Giáo Hội (x. Mt 9,38). Tại thời điểm đó, Ngài nói rằng: “Vấn đề có đủ số lượng các linh mục có một ảnh hưởng trực tiếp đến mọi tín hữu, không chỉ vì linh mục là nền tảng của xã hội Kitô giáo trong tương lai, nhưng hơn thế, việc có đủ số linh mục là một dấu chỉ rõ ràng của sức sống đức tin và là dấu chỉ tình yêu thương của mỗi giáo xứ cũng như các cộng đoàn giáo phận, đồng thời nó cũng là dấu chỉ rõ ràng về một đời sống luân lý lành mạnh nơi các gia đình Kitô hữu. Nơi đâu ta càng thấy có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ, nơi đó người ta đang sống Tin Mừng với sự quảng đại lớn lao” (Đức Phaolô VI, Sứ Điệp truyền thanh, 11 tháng 4 năm 1964).
Trong suốt nhiều thế kỷ qua, các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau từ khắp nơi trên thế giới quây quần bên nhau vào ngày Chúa Nhật Thứ Tư Phục Sinh và cùng nhau cầu nguyện để xin Thiên Chúa những món quà ơn gọi linh thánh, đồng thời gợi ý cho mọi người tiếp tục phản tỉnh về nhu cần khẩn thiết trong việc đáp trả lời mời gọi linh thánh. Thực vậy, hàng năm sự kiện quan trọng này đã giúp các Kitô hữu thấy được tầm quan trọng của ơn gọi linh mục và tu sĩ, và nhờ đó giúp họ ý thức về điều này trong đời sống thiêng liêng, cầu nguyện và tông đồ của mình.
Hy vọng là một sự trông mong về một điều gì đó tích cực trong tương lai, nhưng mặt khác nó cũng nuôi dưỡng hiện tại thường bị ghi dấu bởi những bất mãn và thất bại. Vậy, đâu là nền tảng niềm hy vọng của chúng ta? Nhìn vào lịch sử của dân tộc Do thái, được tường thuật lại trong Cựu Ước, chúng ta thấy một yếu tố luôn xuất hiện, đặc biệt là trong những thời điểm khó nhăn như thời Lưu Đày, một yếu tố được tìm thấy đặc biệt nơi các bài viết của các Ngôn Sứ, đó là việc Thiên Chúa luôn luôn trung thành với lời Ngài đã hứa với các Tổ Phụ: Một sự ghi nhớ mời gọi chúng ta bắt chước mẫu gương sáng chói của Tổ Phụ Abraham, ngài “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: “Dòng dõi người sẽ đông đảo như thế” (Rm 4,18). Một chân lý đầy an ủi và có tính soi sáng luôn hiển lộ trong toàn bộ lịch sử cứu độ, đó chính là sự trung tín của Thiên Chúa đối với Giao Ước. Ngài luôn đi vào Giao Ước và đổi mới nó, bất chấp con người đã phá vỡ nó khi bất trung và phạm tội, từ thời lụt hồng thủy (St 8,21-22) đến lúc xuất hành và ngang qua cuộc hành trình qua sa mạc (x. Dt 9,7).
Sự trung tín đó khiến cho Thiên Chúa tiếp tục ký kết một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu với con người, nhờ vào máu của Người Con, Đấng đã chết và sống lại để cứu độ chúng ta. Trong mỗi giây phút, đặc biệt là trong những lúc khó khăn, sự trung tín của Thiên Chúa luôn là nguồn sức mạnh đích thực của lịch sử cứu độ. Sức mạnh này khơi nên trong trái tim của những người nam và người nữ một niềm xác tín vững chắc vào niềm hy vọng rằng một ngày họ sẽ đạt đến “Đất Hứa”. Đây chính là nơi chúng ta tìm thấy nền tảng chắc chắn của mọi hy vọng: Thiên Chúa chưa bao giờ từ bỏ chúng ta và Ngài vẫn luôn trung tín với Lời của mình. Vì lý do đó, trong mọi hoàn cảnh, thuận lợi hay khó khăn, chúng ta vẫn có thể nuôi dưỡng một niềm hy vọng chắc chắn và cầu nguyện với Thánh Vịnh: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến (Tv 62, 6). Như thế, để có hy vọng, chúng ta cần tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng tín trung, Ngài luôn giữ lời hứa đã giao ước. Vì thế, đức tin và hy vọng có mối liên hệ mật thiết với nhau. “Thực ra, ‘hy vọng’ là một từ chủ yếu trong Thánh Kinh – đến mức trong nhiều đoạn những từ ‘đức tin’ và ‘hy vọng’ dường như có thể hoán chuyển cho nhau. Vì thế Thư Do Thái liên kết chặt chẽ “sự viên mãn của đức tin” (10,22) với “sự tuyên xưng cách quả quyết niềm hy vọng của chúng ta” (10,23). Cũng thế, trong thư Thứ Nhất, khi Thánh Phêrô khích lệ các Kitô hữu hãy luôn luôn sẵn sàng đưa ra câu trả lời liên quan đến logos – ý nghĩa và lý do – cho niềm hy vọng của họ (x. 3,15), thì từ ‘hy vọng’ là tương đương với từ ‘đức tin’” (Spe Salvi, 2).
Anh chị em thân mến,
Chính xác thì sự trung tín của Thiên Chúa là gì mà chúng ta có thể đặt để niềm hy vọng của mình? Thưa, đó chính là tình yêu của Ngài. Ngang qua Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa là Đấng đã đổ tràn tình yêu vào nơi sâu thẳm nhất trong mỗi chúng ta (xem Rm 5,5). Và tình yêu này, được biểu lộ trọn vẹn nơi Đức Kitô, đã thấm sâu vào tâm khảm mỗi chúng ta và đòi hỏi một lời đáp trả ngang qua cách thức mà mỗi cá nhân muốn chọn lựa cách sống cho riêng mình. Tình yêu Thiên Chúa đôi lúc dẫn người ta tới nơi mà mình chưa bao giờ tưởng tượng, nhưng tình yêu này cũng luôn dẫn ta đến với những con người mà ta muốn tìm gặp. Như thế, hy vọng được dưỡng nuôi bởi sự xác tín này: “Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó” (1 Ga 4,16).
Tình yêu sâu xa và mang tính đòi hỏi này đã thấm sâu vào chúng ta và trao ban cho chúng ta một niềm can đảm. Tình yêu này cũng trao cho ta niềm hy vọng vào cuộc hành trình của mình, vào lịch sử và tương lai. Cách riêng, cha muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ, cha muốn nhắc lại rằng: “Sự sống của các con sẽ là gì nếu thiếu tình yêu này? Thiên Chúa chăm sóc mọi người nam và người nữ từ khi tạo dựng đến khi thời gian tới hồi viên mãn, khi Ngài hoàn tất kế hoạch cứu độ của mình. Nơi Thiên Chúa Phục Sinh, chúng ta có một niềm hy vọng chắc chắn” (Bài Huấn dụ dành cho Các Bạn Trẻ Giáo phận San Marino – Montefeltro, 19 tháng 6 năm 2011).
Như xưa Đức Giêsu đã sống cuộc đời dương thế như thế nào, thì hôm nay Đức Giêsu Phục sinh cũng đồng hành trong cuộc sống của chúng ta như vậy. Ngài dìm mình vào hành động của chúng ta, với tất cả khao khát và nhu cầu của ta. Giữa mọi hoàn cảnh, Đức Giêsu tiếp tục nói với chúng ta; Ngài mời gọi chúng ta sống với Ngài, vì chỉ duy Ngài là Đấng có thể thỏa đáp được mọi khát vọng nơi ta. Giờ đây, Đức Giêsu hiện diện giữa cộng đoàn các môn đệ chính là Giáo Hội, và Ngài vẫn mời gọi mọi người bước theo mình. Lời mời gọi này có thể đến bất kỳ lúc nào. Hôm nay, Đức Giêsu tiếp tục cất lời: “Hãy đến và theo tôi” (Mc 10,21). Chấp nhận lời mời gọi này nghĩa là không còn chọn lựa con đường của riêng mình nữa. Theo Ngài nghĩa là đặt để ý muốn của chúng ta nơi Ý muốn của Đức Giêsu, trao ban cho Ngài chính mình, đặt Ngài vào vị trí trổi vượt trong mọi lĩnh vực của đời sống: gia đình, công việc, sở thích riêng và chính bản thân mình. Theo Đức Giêsu cũng có nghĩa là giao nộp chính chúng ta cho Ngài, sống trong tình thân mật với Ngài, và nhờ Ngài đi vào sự hiệp thông với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, và cũng là với anh chị em chúng ta. Sự hiệp thông đời sống với Đức Giêsu là một “tình trạng” đặc ân, nơi đó chúng ta có thể kinh nghiệm được niềm hy vọng và nơi đó đời sống chúng ta trở nên tròn đầy và tự do.
Ơn gọi linh mục và tu sĩ được nảy sinh từ kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Đức Kitô, từ một cuộc đối thoại chân thành và đầy tin tưởng với Ngài, nhờ đó đi vào trong ý muốn của Ngài. Do đó, điều cần thiết là phải lớn lên trong kinh nghiệm về đức tin, được hiểu như là một mối liên hệ sâu xa với Đức Giêsu, như là một sự lắng nghe nội tâm đối với tiếng nói của Ngài vốn âm vang trong sâu thẳm cõi lòng chúng ta. Tiến trình này, một tiến trình mà ngang qua đó chúng ta đáp trả một cách tích cực đối với lời mời gọi của Thiên Chúa, chỉ khả thi nơi những cộng đoàn Kitô hữu sống đức tin một cách mạnh mẽ và quảng đại làm chứng cho Tin Mừng, nơi có một cảm thức truyền giáo mạnh mẽ đến nỗi thúc đẩy người ta hiến mình cho Nước Thiên Chúa. Tiến trình này được nuôi dưỡng bởi các bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và ngang qua một đời sống cầu nguyện liên lỉ. Đời sống cầu nguyện, “một đàng là cái gì đó rất riêng tư, là một cuộc gặp gỡ giữa thâm sâu của chính tôi với Chúa, Thiên Chúa hằng sống. Đàng khác, lời cầu ấy phải luôn được hướng dẫn và soi sáng bởi những kinh nguyện quý giá của Giáo Hội và của các thánh, và bởi lời cầu phụng vụ, trong đó Chúa dạy đi dạy lại chúng ta làm thế nào cầu nguyện cho xứng hợp” (Spe Salvi, 34).
Đời sống cầu nguyện sâu xa và bền bỉ giúp tăng trưởng đức tin nơi cộng đoàn Kitô hữu. Đồng thời đời sống cầu nguyện cũng giúp đổi mới không ngừng niềm xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ dân Ngài và luôn nuôi dưỡng họ bằng cách trao ban những ơn gọi đặc biệt – ơn gọi linh mục và tu sĩ – để họ có thể là dấu chỉ hy vọng cho thế giới. Thực vậy, linh mục và tu sĩ được mời gọi để trao ban chính mình một cách vô điều kiện cho Dân Thiên Chúa, trong một sự phục vụ yêu thương cho Tin Mừng và Giáo hội, với niềm xác tín vào niềm hy vọng vốn chỉ có thể đến từ một sự mở ra đối với Thiên Chúa. Do đó, ngang qua những chứng tá về đức tin và lòng nhiệt thành tông đồ, họ có thể thông truyền, đặc biệt với các thế hệ trẻ, một khao khát mạnh mẽ để quảng đại và mau mắn đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô, Đấng mời gọi họ bước theo Ngài một cách gần gũi hơn. Khi một người môn đệ của Đức Giêsu chấp nhận lời mời gọi thần linh để dâng hiến chính mình trong đời sống linh mục hay tu trì, chúng ta chứng kiến một hoa trái chín mùi nhất của cộng đoàn Kitô hữu, giúp chúng ta nhìn vào tương lai của Giáo Hội và sứ mạng rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội trong niềm tin tưởng và hy vọng. Điều này đòi hỏi cần có những người thợ gặt mới để công bố Tin Mừng, để cử hành Thánh Lễ và bí Tích Hòa Giải. Vì thế, không thể thiếu những linh mục nhiệt thành, những người luôn ở bên người trẻ với tư cách là “những người bạn đồng hành”, giúp đỡ họ, trong bước đường đời đầy khó khăn và cam go, nhận ra Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (xem Ga 14,6). Các linh mục cũng là người nói cho người trẻ về lòng can đảm của Tin Mừng, về vẻ đẹp của việc phục vụ Thiên Chúa, cộng đoàn Kitô hữu và anh chị em của mình! Các linh mục là hiện thân của hoa trái phát sinh từ một sự dấn thân nhiệt thành vốn trao ban ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của họ, vì đời sống này được đặt nền tảng trên niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước (x. Ga 4,19).
Các bạn trẻ thân mến, dẫu các con đang phải đối diện với biết bao nhiêu lựa chọn hời hợt và chóng qua, cha hy vọng các con vẫn có thể nuôi dưỡng khao khát về điều gì có giá trị đích thực với những mục đích cao cả, những lựa chọn triệt để trong việc phục vụ tha nhân và bắt chước Đức Kitô. Các con đừng sợ bước theo Đức Giêsu và bước đi trên những con đường có tính đòi hỏi, can đảm sống đức ái và quảng đại dấn thân. Trên hành trình này, các con sẽ hạnh phúc để phục vụ và làm chứng về một niềm vui mà thế giới không thể trao ban, các con sẽ là những ngọn lửa sống động về một tình yêu vô hạn và vĩnh cửu, và các con sẽ học để “sẵn sàng đưa ra câu trả lời cho niềm hy vọng nơi các con” (1Pr 3,15).
Vatican, ngày 6 tháng 10 năm 2012
+ Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI
Nguyễn Minh Triệu sj chuyển ngữ
     Nguồn http://tinvui.info

QUAN ĐIỂM CỦA ĐTC PHANXICO VỀ ĐỘC THÂN VÀ ẤU DÂM


Tin mới nhất cho thấy Đức Phanxicô đã chỉ thị cho giới chức Vatican phải triệt để giải quyết tai tiếng lạm dụng tình dục đang được truyền thông thế tục hết sức chú ý. Đây là quan tâm hàng đầu của Đức Phanxicô. Tuy nhiên, khi còn là bề trên Dòng Tên tại Argentina và TGM Buenos Aires, việc đào tạo linh mục luôn được Đức Phanxicô hết sức quan tâm. Cuộc phỏng vấn của giáo sĩ Do Thái Giáo Abraham Skorka, viện trưởng Chủng Viện Do Thái của Châu Mỹ La Tinh, về đề tài này đã được đăng trong cuốn Sobre el Cielo y la Tierra (“Về Trời và Đất”) xuất bản năm 2012 bởi Nhà Xuất Bản Sudamericana.
1/ Độc thân
Trong cuộc phỏng vấn này, Đức HY Bergoglio tiết lộ bí quyết sống độc thân một cách hạnh phúc của ngài. “Lúc tôi còn là một chủng sinh, tôi bị lóa mắt bởi một cô gái tại đám cưới của một ông chú. Tôi bàng hoàng trước vẻ đẹp và trí thông minh của nàng… quả đúng thế, tôi bàng hoàng một thời gian khá lâu. Tôi luôn nghĩ đến nàng không thôi. Sau đám cưới ấy, tôi trở lại chủng viện, nhưng đến cả một tuần lễ sau, tôi vẫn không cầu nguyện được, vì mỗi lần cố gắng cầu nguyện thì cô gái lại xuất hiện trong đầu tôi. Tôi phải suy nghĩ lại xem tôi đang làm gì đây. Tôi vẫn còn tự do vì mới chỉ là chủng sinh thôi, nghĩa là tôi có thể trở về gia đình, thế là xong. Nhưng tôi phải suy nghĩ về chọn lựa của mình một lần nữa. Và một lần nữa, tôi đã chọn, hay đúng hơn, tôi để mình được chọn bởi, con đường tu trì. Hiện tượng này mà không xẩy ra mới bị coi là chuyện bất bình thường. 
Và khi nó xẩy ra, người ta bắt buộc phải rà lại hướng đi của mình một lần nữa. Đây là vấn đề ta phải chọn lựa lại hay cho rằng ‘Không, điều tôi đang cảm xúc thật là đẹp. Tôi sợ sau này mình sẽ không trung thành với ơn gọi, do đó, nên rời chủng viện là hơn’. Nếu việc này xẩy ra cho một chủng sinh, tôi thường giúp họ ra đi bằng an để trở thành một Kitô hữu tốt, chứ không thành một linh mục xấu. Trong Giáo Hội Tây Phương mà tôi thuộc về, các linh mục không thể kết hôn như trong các giáo hội Byzantine, Ukrainian, Nga hay Hy Lạp. Trong các giáo hội này, các linh mục có thể kết hôn, nhưng các giám mục thì phải ở độc thân. Các linh mục của họ đều là những người tốt lành. Đôi lúc, tôi nói đùa với họ, bảo họ rằng ở nhà, họ có vợ con, nhưng họ đâu có hiểu là bù lại, họ cũng có các bà mẹ vợ nữa. Trong Công Giáo Tây Phương, một số tổ chức đang thúc đẩy việc thảo luận thêm về vấn đề này. Nhưng cho đến nay, luật độc thân vẫn còn giá trị. Một số người dựa vào lý do thực tiễn cho rằng chúng ta đang mất nhân lực. Giả thiết nếu trong tương lai, Công Giáo Tây Phương có duyệt lại vấn đề độc thân, thì tôi nghĩ chỉ là vì các lý do văn hóa (như tại Phương Đông) chứ không thể qui thành chọn lựa phổ quát được. 
Hiện nay, tôi vẫn ủng hộ việc duy trì luật độc thân, với đầy đủ các lý do ủng hộ và chống đối, vì chúng ta có tới 10 thế kỷ thành công tốt đẹp, chứ không phải thất bại… Truyền thống có sức nặng và giá trị của nó. Các giáo sĩ Công Giáo trong quá khứ đã từ từ tiếp nhận kỷ luật độc thân này. Cho tới năm 1100, một số chọn nó, một số không. Sau đó, tại Phương Đông, người ta theo truyền thống coi việc giáo sĩ kết hôn như một chọn lựa bản thân, còn tại Tây Phương, người ta theo truyền thống ngược lại. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là vấn đề kỷ luật, chứ không phải vấn đề đức tin. Nghĩa là có thể thay đổi được. Bản thân tôi thì không bao giờ có ý nghĩ kết hôn cả. Nhưng nhiều người nghĩ đến việc này. Như trường hợp Fernando Lopez, Tổng Thống Paraguay chẳng hạn. Ông ta là người rất sáng chói. Nhưng khi còn là một giám mục, ông ta sa ngã và đã xin từ nhiệm. Đây là một quyết định trung thực. Đôi khi ta thấy các linh mục rơi vào hoàn cảnh này”. 
Về những linh mục này, Đức HY Bergoglio cho hay: “nếu ai trong số họ đến cho tôi hay đã làm cho một phụ nữ có thai, tôi sẵn sàng lắng nghe và giúp ông được an tâm rồi từ từ, tôi sẽ giúp ông hiểu ra rằng luật tự nhiên đã lấn át chức linh mục của ông. Do đó, ông phải rời bỏ thừa tác vụ để chăm sóc đứa trẻ kia, cho dù ông quyết định không kết hôn với người phụ nữ đó. Vì đứa trẻ có quyền có một người mẹ thế nào, thì nó cũng có quyền có một người cha như thế. Tôi cam kết sẽ dàn xếp mọi giấy tờ cho ông ở Rôma, nhưng ông phải rời bỏ mọi sự. Còn nếu linh mục nào cho tôi hay đã sa ngã, nhưng muốn ăn năn, tôi sẵn sàng giúp ông trỗi dậy. Có những linh mục trỗi dậy được, có những linh mục không trỗi dậy được. Thậm chí có những linh mục không chịu nói chi với giám mục của mình”. 
Trỗi dậy là sao? “Là làm việc đền tội, duy trì việc độc thân của mình. Sống hai mặt là điều chẳng tốt đẹp gì cho tất cả chúng ta. Tôi không thích lối sống ấy vì nó có nghĩa sống bằng giả dối. Bởi thế, tôi thường nói: ‘nếu không thắng vượt được, thì nên quyết định đi”. 
2/ Ấu Dâm
Riêng ấu dâm lại là chuyện khác. Tuy nhiên “cần loại bỏ ý niệm cho rằng ấu dâm là hậu quả của việc sống độc thân. Hơn 70% các vụ ấu dâm xẩy ra trong gia đình và chòm xóm: ông, chú, cha kế, hàng xóm. Vấn đề này không liên hệ gì tới việc sống độc thân. Nếu một linh mục ấu dâm thì là vì ông ta ấu dâm trước khi làm linh mục. 
Nhưng khi nó xẩy ra, ta không nên bao giờ làm ngơ nó. Bạn không thể ở địa vị có quyền thế để rồi hủy hoại đời một người khác. Trong giáo phận của tôi, chưa xẩy ra việc này, nhưng một giám mục kia có gọi điện thoại hỏi tôi xem phải làm gì trong một hoàn cảnh như thế, tôi bảo ngài phải lấy lại “bài sai”, không cho phép người đó thi hành chức linh mục nữa, và nên khởi sự một phiên tòa theo giáo luật. Tôi nghĩ đó là việc phải làm ngay. Tôi không tin vào việc chủ trương rằng cần phải duy trì một tinh thần hợp đoàn để tránh gây thiệt hại cho hình ảnh của định chế. Giải pháp ấy có lần đã được đề xuất tại Hoa Kỳ, mục đích để hoán chuyển các linh mục qua các giáo xứ khác. Đây là một ý tưởng ngu xuẩn; vì với cách này, linh mục sẽ mang vấn đề của mình tới bất cứ nơi nào ông đến. Phản ứng hợp đoàn sẽ dẫn tới hậu quả ấy, cho nên tôi không đồng ý với những giải pháp như thế. Gần đây, có những trường hợp xẩy ra cách nay khoảng 20 năm, vừa bị khám phá tại Ái Nhĩ Lan, và Đức Giáo Hoàng hiện nay (Đức Bênêđíctô XVI) đã nói rất rõ: ‘tuyệt đối không khoan nhượng đối với tội ác đó’. Tôi ngưỡng mộ sự can đảm và chính trực của Đức Bênêđíctô về vấn đề này.
                                                       Vũ Văn An
                                           Nguồn: vietcatholic.org

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICO CỬ HÀNH NGHI LỄ PHONG THÁNH CHO 802 VỊ THÁNH


Khoảng 80.000 khách hành hương đã đổ về quảng trường thánh Phêrô hôm Chúa nhật VII Phục Sinh, 12.05.2013 - Lễ Chúa Lên Trời, để tham dự thánh lễ phong thánh do ĐTC Phanxicô đã cử hành. 
Thánh lễ tuyên phong 2 nữ tu Mỹ Latinh và 800 vị tử đạo Ý. Trong đó Mẹ Laura Montoya là vị thánh đầu tiên của Colombia và Mẹ Lupita là nữ Mexico thứ hai được phong thánh. 800 giáo dân Ý, được gọi là các "vị tử đạo Otranto" đã bị giết bởi lính Ottoman trong thế kỷ XV, sau khi từ chối theo Hồi giáo.
 Sau đây là bản dịch bài giảng của ĐTC Phanxicô: 
 Anh chị em thân mến!
Trong ngày Chúa Nhật thứ 7 mùa Phục Sinh chúng ta tụ tập nơi đây để hân hoan mừng lễ Chúa Thăng Thiên. Tạ ơn Chúa đã vinh hiển – bằng vinh quang của tình yêu – để chiếu sáng trên các vị Tử Đạo tại Otranto, trên Mẹ Laura Montoya và María Guadalupe García Zavala. Tôi chào đón tất cả các bạn đã đến tham dự - từ Ý, từ Colombia, Mexico, và các quốc gia khác – và tôi cám ơn các bạn! Chúng ta hãy nhìn các vị thánh mới này dưới ánh sáng của Tin Mừng được công bố: Lời Chúa mời gọi chúng ta trung thành với Chúa Kitô, ngay cả khi phải tử đạo; Lời Chúa nhắc nhớ chúng ta về sự khẩn cấp và tuyệt vời của việc đem Chúa Kitô và Phúc Âm đến cho mọi người: Lời Chúa nói về nhân chứng cho tình bác ái, nếu không, ngay cả việc tử đạo và thi hành sứ mệnh sẽ mất đi hương vị Kitô giáo.
Sách Công Vụ Tông Đồ, khi viết về Thầy Phó Tế Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên, đã nhấn mạnh khi nói với chúng ta rằng ngài là “một người đầy ơn Chúa Thánh Thần (6:5, 7:55).” Điều này có ý nghĩa gì? Có nghĩa là ngài có tràn đầy tình yêu Thiên Chúa, toàn thể con người ngài, tất cả cuộc đời của ngài được Thần Khí của Chúa Kitô Phục Sinh đánh động, để hoàn toàn trung thành đi theo Chúa Giêsu, ngay cả khi phải tự hiến thân mình.
Hôm nay, Giáo Hội đề cử việc tôn kính một số các vị tử đạo đã cùng nhau được mời gọi để làm nhân chứng tối cao cho Phúc Âm năm 1480. Khoảng 800 vị đã sống sót cuộc vây hãm và xâm lăng thành Otranto, họ đã bị chém đầu gần thành phố này. Họ từ chối không từ bỏ đức tin và đã chết trong khi tuyên xưng Chúa Kitô Phục Sinh. Họ đã tìm được ở đâu sức mạnh để trung thành như thế? Chính là trong đức tin, đức tin giúp chúng ta nhìn xa hơn giới hạn của con mắt loài người, vượt quá ranh giới của cuộc sống trần thế, để chiêm ngưỡng “Thiên Đàng rộng mở”– như Thánh Stêphanô đã nói – và Chúa Kitô hằng sống, ngự bên phải Chúa Cha. 
Các bạn thân mến, chúng ta hãy gìn giữ đức tin chúng ta nhận được, và đó chính là kho tàng thật sự của chúng ta, chúng ta hãy canh tân sự trung thành của chúng ta với Chúa Kitô, ngay cả trong những khi gặp trở ngại và hiểu nhầm; Thiên Chúa sẽ không bao giờ để chúng ta thiếu sức mạnh và sự thanh bình. Trong khi chúng ta tôn kính các vị tử đạo thành Otranto, chúng ta hãy cầu xin Chúa nâng đỡ rất nhiều Kitô hữu ngày nay và tại nhiều nơi trên thế giới, vẫn còn đang chịu đựng những bạo tàn, xin ban cho họ lòng can đảm và trung thành để đáp trả sự dữ bằng sự lành.
Ý tưởng thứ hai có thể được trích ra từ Lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta (Ga 17:20)” Thánh Laura Montoya là một công cụ của việc phúc âm hóa, trước hết như một cô giáo, rồi như mẹ linh hướng của những người bản xứ, mẹ đã đem đến cho họ niềm hy vọng, đón chào họ bằng tình yêu mà mẹ đã học hỏi từ Thiên Chúa, và đem họ đến với Người bằng một khoa sư phạm có hiệu quả, vì mẹ đã tôn trọng, và không chống lại nền văn hóa của họ. Trong công trình truyền giáo, Mẹ Laura trở nên, theo lời Thánh Phaolô, đúng là mọi sự cho mọi người (1 Cr 9:22). Ngay cả ngày nay, các con cái thiêng liêng của mẹ vẫn đang sống và đem Phúc Âm đến những nơi xa xôi và nghèo khó nhất, như một đội ngũ tiên phong của Giáo Hội.
Vị thánh đầu tiên sanh trên miền đất Colombia đẹp đẽ, dậy cho chúng ta biết quảng đại với nhau, và không sống đức tin một mình – nhưng phải truyền thông, phải chiếu tỏa niềm vui của Phúc Âm bằng lời nói và nhân chứng trong cuộc sống khắp mọi nơi. Bà dậy chúng ta thấy được gương mặt Chúa Giêsu phản ảnh trên người khác, để vượt thắng sự thờ ơ và chủ nghĩa cá nhân, để đón nhận tất cả mọi người không kỳ thị, không gượng ép, bằng tình yêu, cho đi những gì quý nhất của chúng ta và trên hết, chia xẻ với họ những gì quý giá nhất chúng ta có, không phải là việc làm hay tổ chức của chúng ta, mà là những gì quý giá nhất chúng ta có, đó là Chúa Kitô và Phúc Âm của Người.
Cuối cùng, một tư tưởng thứ ba. Trong Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha bằng những lời này: “Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ con cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa (Ga 17:26)” Sự trung thành của các vị tử đạo cho đến chết, sự loan báo Tin Mừng được bắt rễ trong tình yêu Thiên Chúa đã đổ tràn đầy trong tim chúng ta qua Chúa Thánh Thần (Rm 5:5), và trong chứng tá chúng ta gánh mang trong cuộc sống hàng ngày. Thánh Maria Guadalupe García Zavala biết rõ điều này. Bà đã từ bỏ một đời sống sung túc – có biết bao nhiêu tai hại một đời sống quá đầy đủ có thể gây ra? Sự quý phái hóa trái tim làm cho chúng ta tê liệt – và bà, khi từ bỏ cuộc sống sung túc để theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, dậy chúng ta biết yêu mến sự khó nghèo, để có thể yêu thương những người nghèo khổ và bệnh hoạn hơn. Mẹ Lupita quỳ trên sàn nhà thương trước những bệnh nhân, trước những người bị bỏ rơi, để phục vụ họ với sự dịu hiền và cảm thông. Đây chính là điều có nghĩa là chạm đến thân thể Chúa Kitô. Những người nghèo khó, bị bỏ rơi, và sống ngoài lề xã hội là thân thể của Chúa Kitô. Và Mẹ Lupita đã chạm đến thân thể Chúa Kitô và dậy chúng ta hành vi này: là không được e dè, sợ hãi, hay ghê sợ phải chạm đến thân thể Chúa Kitô. Mẹ Lupita hiểu việc “chạm đến thân thể Chúa Kitô” có ý nghĩa gì. Ngày nay các con cái thiêng liêng của mẹ cũng tìm cách phản ảnh tình yêu Thiên Chúa trong các công trình bác ái, và không quản ngại hy sinh, và đối phó các trở ngại và thử thách với lòng khiêm tốn và ý thức làm tông đồ thường trực.
Vị thánh Mễ Tây Cơ mới này mời gọi chúng ta yêu y như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, và điều này làm cho chúng ta không rút lui vào chính mình, vào chính những khó khăn của chúng ta, vào chính những ý tưởng của chúng ta, vào những gì chúng ta ưa thích trên trần thế nhỏ bé này đã gây nên biết bao nhiêu tai họa, để đứng giậy và đi gặp những ai cần được săn sóc, thông hiểu và trợ giúp, để đem sự gần gũi ấm áp của tình yêu Thiên Chúa đến cho họ bằng những cử chỉ tế nhị và yêu thương chân thành.
Trung thành với Đức Kitô và Phúc Âm của Người, để tuyên xưng bằng lời nói và hành động, làm nhân chứng cho tình yêu Thiên Chúa và tình yêu của chúng ta, với lòng bác ái đối với mọi người: các vị thánh chúng ta tôn phong hôm nay cho chúng ta những gương sáng và giáo huấn về điều này. Họ cũng đặt các câu hỏi về đời sống Kitô của chúng ta: tôi có trung thành với Chúa Kitô không? Chúng ta hãy suy tư về câu hỏi này trong ngày: Tôi có trung thành với Chúa Kitô không? Tôi có thể bầy tỏ đức tin của tôi một cách trân trọng và can đảm không? Tôi có chú ý đến người khác không, tôi có nhận biết khi có người thiếu thốn không? Tôi có coi tất cả mọi người như những anh chị em để yêu mến họ không? Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa qua sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria và của các vị thánh mới, để Người có thể đổ tràn trong chúng ta niềm vui của Tình yêu của Người, Amen.
                                                      Nguồn tin: Rome reports; Vietcatholic 

ĐỨC Bênêđíctô XVI VÀ VẬN TỐC ÁNH SÁNG


            Ánh sáng chuyển vận rất chậm tại Đại Học Harvard. Lý do là vì Giáo Sư Lene Vestergaard Hau, nhà vật lý học Đan Mạch, đã thực hiện được một điều mà chính Einstein cũng khó có thể nghĩ đến: bà đã chế ngự được ánh sáng. Chìa khóa giúp bà thực hiện được việc đó là nghĩ ra cách làm siêu nguội (super-cool) các nguyên tử khiến chúng hành động như thể chỉ còn là một nguyên tử đơn nhất, cô đọng và như mây (nebulous). Với một số tia lasers thích hợp để xử lý các nguyên tử nátri (sodium atoms, có trong muối ăn), giáo sư Hau đã có thể làm nguội các nguyên tử này xuống chỉ còn mấy phần tỷ của một độ trên số không tuyệt đối, nhờ thế tạo ra được một đám mây vật chất lạnh nhất trong vũ trụ. Đám mây này có khả năng khuất phục và thậm chí giam hãm ánh sáng. Nhờ thế, khi giáo sư Hau cho một làn ánh sáng chuyển động với vận tốc 186,000 dặm một giây vào đám mây này, bà đã có thể từ từ làm chậm vận tốc của tia sáng này xuống 38 dặm một giờ, rồi 15 dặm một giờ và cuối cùng nay chỉ còn là 1 dặm một giờ. Điều này có nghĩa một em bé có thể bò nhanh hơn vận tốc của ánh sáng. Hiện nay, Giáo Sư Hau đã cải tiến kỹ thuật của bà đến có thể giam ánh sáng vô hạn định trong đám mây nguyên tử của bà. Có thể nói: trong phòng thí nghiệm của bà, áng sáng với vận tốc gần như không đo lường được nay bị buộc trở thành trò chơi thông thường của con người.
              Đức Bênêđíctô XVI có thể không biết gì về Giáo Sư Hau và điều chắc chắn là ngài chưa bao giờ viếng thăm phòng thí nghiệm của bà. Tuy nhiên, đã từ rất lâu, ngài đã thấy được điều bà sẽ thực hiện. Nói cho ngay, cả sự nghiệp làm thần học gia và cả 8 năm làm giáo hoàng của ngài đều được đánh dấu bằng cuộc phê phán khôn nguôi đối với cái bản năng hiện đại muốn co cụm và tự đóng khung chính mình. Ngài luôn kêu gọi thế giới mở tung cõi lòng mình ra và hướng ra bên ngoài.
             Thông điệp đầu tiên của ngài, Deus Caritas Est, đề cập tới điều căn bản nhất của cuộc sống; đó là tình yêu, và nhất là, tình yêu Thiên Chúa trong đó ta có được sự sống. Trong óc tưởng tượng được Thánh Kinh soi sáng của Đức Bênêđíctô, đặc điểm của tình yêu này không phải chỉ là lấy vào, nhưng là bật khởi hướng ra bên ngoài. Với một mô tả rõ ràng nhất và sinh động nhất về tình yêu, ngài viết rằng đối với chúng ta, “tình yêu… là một hành trình, một xuất hành liên tục ra khỏi cái tôi khép kín chỉ biết nhìn mình, để đi tới việc giải phóng nó qua việc hiến mình, và do đó tới việc tự tìm ra mình một cách chân chính và tìm thấy chính Thiên Chúa (số 6). Tình yêu không lấy vào và giữ chặt, mà đúng hơn là chấp nhận và cho đi. Tình yêu luôn chuyển động.
                 Giam hãm ánh sáng
        “Cái tôi khép kín chỉ biết nhìn mình” là dấu ấn dị biệt của một sáng thế sa ngã, một sáng thế làm chậm, thậm chí, giam hãm ánh sáng sự sống. Một trong những hiện tượng khác biệt của thời hiện đại là dấu ấn kia đang được đóng lên các cá nhân và các định chế, lên con người và các dân tộc, lên cả các nền văn hóa và tôn giáo nữa. Khi quan tâm tới nhiều biểu hiện đa phức của khuynh hướng nhìn vào trong đầy nguy hiểm này, Đức Bênêđíctô quả là vị giáo hoàng đầu tiên của thời hiện đại đã dùng viễn kiến và thừa tác vụ của mình ngay từ đầu vạch ra sự co quắp hướng vào mình này và công bố lời mời gọi đầy giải thoát của Thiên Chúa trong Tin Mừng.
         Sự nhất quán trong tư tưởng của ngài về điểm này là điều khá hiển nhiên, chỉ cần ta lược qua các chủ đề được ngài bàn đến. Về kinh tế, viễn kiến nền tảng của ngài là: nó phải có tính vô vị lợi (gratuitousness) nếu muốn điều hành một cách lành mạnh và phù hợp với sự triển nở của cá nhân cũng như của xã hội nói chung. Nền kinh tế nào chỉ khép kín vào chỗ tối đa hóa tư bản và lợi nhuận sẽ trở thành dụng cụ cho chính sách hạ nhân phẩm. Nền kinh tế nào không chấp nhận tính đa phức của quyền lợi công cộng trên thị trường sẽ mau chóng tách mình ra khỏi bất cứ lắng lo nào đối với ích chung, ra khỏi bất cứ giá trị nào cho phép con người và các dân tộc được liên hệ tốt đẹp với nhau qua các tương tác thương mại. Mọi nền công lý, và nhất là nền công lý kinh tế, đều đòi có bác ái (xem Caritas in Veritate).
        Đức Bênêđíctô quan niệm văn hóa cũng tương tự như thế. Đối với ngài, văn hóa phát sinh phù hợp với định nghĩa căn bản về con người nhân bản, một con người chỉ là người bao lâu biết cởi mở với người khác, và cuối cùng cởi mở với Thiên Chúa. Cũng thế, văn hóa chỉ là văn hóa chân thực, một văn hóa lành mạnh, một văn hóa nhân bản, bao lâu nó cởi mở đón nhận những gì khác biệt với chính nó. Văn hóa trong toàn bộ bao giờ cũng hướng về tương tác và thông đạt, chứ không hướng về cô lập và chỉ lo bảo tồn chính mình. Như ngài từng viết: “Bất cứ yếu tố nào trong bất cứ nền văn hóa nào nếu loại bỏ sự cởi mở ấy và sự trao đổi văn hóa ấy cũng tượng trưng cho sự bất thoả đáng trong một nền văn hóa, vì loại bỏ điều khác biệt là trái với bản nhiên con người” (Truth and Tolerance, 60). Như thế, văn hóa không tự bẻ cong hướng vào bên trong và loại bỏ thể dị biệt, đúng hơn, nó phải tìm cách tự phát biểu ra bên ngoài và chân thực tìm cách gặp gỡ điều khác với mình.
          Cùng một tính lưỡng phân trên giữa khép kín và cởi mở đã lên khuôn đường hướng của Đức Bênêđíctô trong quan điểm của ngài về lý trí. Hệ thống tư tưởng, hay triết lý nào tự ấn định định mức và tiêu chuẩn riêng để chứng nghiệm sẽ trở thành khép kín đối với chân lý mà mình tự cho là tìm kiếm. Lịch sử triết học là lịch sử của hết những chắc mẩm tự xác định này tới những chắc mẩm tự xác định khác, trong mưu toan đem lại cho mọi sự vật câu định nghĩa dứt khoát do chính mình đưa ra. Muốn phá sập cái thói quen đầy kiêu hãnh ấy nơi tâm trí con người, cách duy nhất là cởi mở đối với những gì phát xuất từ bên ngoài chính họ: tức mạc khải. Chỉ những gì nhận được từ đức tin, trước khi tưởng nghĩ hay hiểu biết, mới giải thoát nhân loại khỏi cơn ghiền giải thích sự sống theo các hạn từ của riêng mình. Đức tin là sự cởi mở, trong tín thác, đối với điều, hay đối với Đấng, phát xuất từ bên ngoài và mở tung được cái vô nghĩa đóng kín của nhân loại chỉ biết loay hoay với các khí cụ riêng. Đối với Đức Bênêđíctô, lý trí phải mở cửa đón nhận đức tin, và đức tin phải phục vụ lý trí bằng cách hướng dẫn và chỉnh sửa nó (Introduction to Christianity Faith and the Future).
                       Bản năng hiện đại
            Đặc điểm nổi bật của thời hiện đại là khuynh hướng không muốn để ánh sáng xuyên qua các hạn từ của mình. Thời hiện đại ghét sự trong sáng. Nó bị thúc đẩy bởi khát vọng muốn chiếm đoạt mọi sự cho chính mình, bất chấp là lợi nhuận, là tự đưa mình lên hay ưu thế. Ánh sáng không phải là điều đáng kể đối với thời hiện đại; đúng hơn, người đáng kể là người có thể thấy ánh sáng, phán xử ánh sáng, cướp lấy ánh sáng và nắm giữ ánh sáng. Đó chính là cái nền xây nên “nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối”, trong đó các sự thật cá thể huênh hoang đòi trở thành sự thật phổ quát. Con người, định chế và triết lý hiện đại không bao giờ tìm cách tăng tốc hay trải rộng ánh sáng đang di chuyển. Nó luôn tìm cách làm ánh sáng chậm lại để phù hợp với cung cách tính toán của họ.
          Đối với Đức Bênêđíctô, sự thánh thiện luôn để mình tự hội nhập vào sự sống tăng tốc của Thiên Chúa. Các thánh luôn cho thấy ánh sáng trong chính bản chất của nó, chứ không theo cách họ muốn. Trong cái tính cá biệt hết sức cao độ của họ, các thánh để ánh sáng Thiên Chúa chiếu dõi qua các ngài và như thế các ngài trở thành “cảnh tượng” (spectacle) để thiên hạ ngắm nhìn. Như chính lời Đức Bênêđíctô từng viết: “Thần Khí Thiên Chúa đã ban sự sống đầy trí tưởng tượng tuyệt vời cho rất nhiều thánh nhân nam nữ, thuộc mọi thời đại và mọi điều kiện xã hội, thuộc mọi ngôn ngữ, dân tộc và văn hoá” (Holiness is Always in Season). Những con người thánh thiện này không đòi ánh sáng cho riêng mình, cũng không tìm cách làm nó chậm lại. Thay vào đó, các ngài tự quên mình, để ánh sáng tự do chói lọi qua cuộc sống của mình.
              Cái nhìn trên về sự thánh thiện khiến người ta nhớ lại một câu truyện đã được thuật trên tờ Notre Dame Vision nhiều năm trước đây. Đây là một câu truyện người ta tin là có thật, nhưng diễn trình kể đi kể lại khiến nguyên lai của nó mỗi ngày một không chắc chắn hơn. Câu truyện đó như sau: một bé gái ngồi cạnh cha trong một nhà thờ để tham dự Thánh Lễ buổi sáng Chúa Nhật. Ánh sáng ban mai rực rỡ chiếu qua các khung cửa sổ kính mầu ở phía đông nhà thờ, vẽ lên cộng đoàn những mầu sắc thật đẹp. Bé gái vừa nhìn kính mầu vừa vỗ vai cha và hỏi: “Ba ơi, những vị trong khung cửa sổ kia là ai vậy?” Cha em trả lời: “À, cưng ạ, họ là các vị thánh”. Nói rồi, cha em đợi một lúc lâu xem em có hỏi gì thêm như thói quen không. Nhưng không, em không hỏi gì thêm nữa. Tuy nhiên, sau đó, trong lớp giáo lý, cô giáo hỏi cả lớp xem có ai biết các thánh là ai không. Thì bé gái dơ tay ngay, trả lời như “đinh đóng cột”: “các thánh là những vị để ánh sáng chiếu qua”.
                     Cổng ơn thánh
             Đây là điều Đức Bênêđíctô cố gắng dạy ta trong suốt 8 năm qua và cả nhiều thập niên trước đó. Ta sẽ không phải là người như đã được dựng nên nếu ta không chịu mở lòng mình ra, liều mình trở thành các cổng của ơn thánh và trí tưởng tượng và hướng ra ngoài gặp gỡ người khác. Chính vì thế, ngài đã cảnh báo ta chống lại những nền phụng vụ tự tạo ra những vòng tròn luẩn quẩn của tự phản ảnh và tự khen mình. Ngài thách thức ta cùng hướng về Oriens (Phương Đông) để thấy Thiên Chúa đang đến (Spirit of the Liturgy). Đó là lý do khiến ngài không ngừng mời gọi ta bước vào hiệp thông với nhau dựa trên chính Kinh Lạy Cha của Chúa, một kinh phá sập mọi rào cản cô lập để mau mắn tự hiến. Như chính ngài đã viết trong cuốn sách cuối cùng của ngài: “chữ chúng con (trong Kinh Lạy Cha) thực ra hết sức đòi hỏi: nó đòi ta phải bước ra ngoài cái vòng khép kín của ‘cái tôi’. Nó đòi ta phải từ bỏ mình để hiệp thông với mọi con cái của Thiên Chúa” (Jesus of Nazareth, 141). Những lời này nói tới sự tín thác đối với căn tính ta đã được ban cho, chứ không phải căn tính ta muốn cho chính ta, như một thứ tư hữu của riêng mình. Tiến bộ và đổi mới không phải là thước đo căn tính này; chỉ có tình yêu mới là thước đo đó.
           Như Tim O’Malley có lần nhận định, đây cũng là cách tốt nhất để hiểu quyết định từ nhiệm từng gây ngạc nhiên của Đức Bênêđíctô. Đức Thánh Cha chỉ trao lại điều chưa bao giờ ngài cho là của mình: ngài để ánh sáng chiếu qua mình dù điều này có nghĩa là ngài sẽ khuất dạng khỏi con mắt quần chúng. Lời lẽ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào Chúa Nhật 17 tháng Hai vừa qua cho thấy rõ điều đó: “Trong những giây phút có tính quyết định của đời người, hay, nếu quan sát kỹ, trong mọi giây phút của đời người, ta đều đang đứng ở ngã tư: ta muốn theo ‘cái tôi’ hay theo Chúa? Theo quyền lợi cá nhân hay theo sự thiện chân thực, đúng là sự thiện chân thực?”. Trong sự nghiệp thầy dạy Đức Tin, ngài luôn cố gắng thuyết phục người khác đưa ra câu trả lời. Trong hành vi cuối cùng của đời giáo hoàng, một lần nữa ngài đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi ấy.
           C.S. Lewis có lần viết rằng “Vinh Quang chiếu vào mọi người, và từ mọi người phản chiếu lại: giống như ánh sáng và gương soi. Nhưng ánh sáng mới là sự vật” (Great Divorce). Việc ánh sáng chiếu rọi mới là bận tâm duy nhất trong thừa tác vụ của Đức Bênêđíctô. Ngài tiếp tục thách thức thế giới tránh đừng để mình bị tính tự mãn của riêng mình phủ mây, trở thành nguội lạnh trong chính cái nhẫn tâm và quá tự tin của mình. Kinh tế là để chia sẻ hàng hóa, văn hóa là để trao đổi hồng phúc và lý trí là để tiếp nhận và lượng giá điều đức tin ban cho. Phụng vụ qui chiếu ta về Thiên Chúa Đấng đến với ta, trong khi cầu nguyện kéo ta ra ngoài chính ta.
           Điều diễn ra trong các phòng thí nghiệm là nhằm phục vụ con người, mà con người thì phục vụ Thiên Chúa, chứ không phục vụ con người như thể họ là Thiên Chúa. Nếu vị giáo sư của Harvard có thể làm chậm, thậm chí, giam hãm được ánh sáng bằng cách sử dụng tia laser và muối ăn, thì điều này hẳn cũng có thể được dùng cho sự thiện thực là sự thiện. Nhưng ánh sáng thực của đời người thì không bao giờ ta có thể làm chậm lại hay giam hãm nó. Cố gắng làm thế là tự mâu thuẫn với chính mình. Tự đặt mình, thậm chí tự đặt cả thế giới, lên trên sức mạnh của ánh sáng này cũng vẫn không ngăn cản người khác nhìn thấy nó. Ánh sáng này phải chiếu rọi qua ta, vì ánh sáng này là điều Đức Bênêđíctô tin có sức cứu vớt thế giới.
          “Tình yêu là ánh sáng, nói cho cùng, là ánh sáng duy nhất, luôn có khả năng chiếu sáng một thế giới đang tối dần và đem lại cho ta lòng can đảm để ta tiếp tục sống và làm việc. Tình yêu là điều có thể, và ta có khả năng thực hành nó vì ta vốn được dựng nên giống hình ảnh Chúa. Cảm nghiệm tình yêu và nhờ thế, giúp ánh sáng Thiên Chúa chiếu vào trần gian, đó là lời mời gọi tôi muốn ngỏ cùng anh chị em” (Deus Caritas Est).

Theo Leonard De Lorenzo, giám đốc ơn gọi tại Đại Học Notre Dame, Hoa Kỳ.
                                                                Vũ Văn An (vietcatholic.org)

CHÚA GIESU PHỤC SINH CON NHÂN TÍNH ?


          ĐÚNG: Chúa Giêsu là “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14), làm người trần gian như chúng ta trừ tội lỗi. Thân thể Đức Giêsu từ khi sống lại tới khi lên trời không khác thân thể trước khi phục sinh, giống như thân thể sống lại của Ladarô. Chúa Giêsu đã bỏ “cơ thể” (hiểu là “vật chứa”) và gồm 100% tinh thần như trước khi Ngài mặc xác phàm. Bây giờ Ngài không có xương, thịt hoặc máu, nhưng hoàn toàn là thần linh, như trước khi Ngài mặc xác phàm. Thân thể Chúa Giêsu phục sinh thế nào thì mai đây thân xác chúng ta cũng như vậy.
         SAI: Ở trên trời, Chúa Giêsu có các phẩm chất trừu tượng của con người và đó là lý do Ngài vẫn được gọi là Con Người. Ngài có “xương thịt tinh thần nhưng không có máu” (spiritual flesh and bones without blood). Thân thể Chúa Giêsu phục sinh thế nào thì mai đây thân xác chúng ta cũng như vậy.
         1. Thánh Phaolô viết: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1 Cr 15:52). Câu này chứng tỏ rằng Kinh Thánh không dạy sự phục sinh của xác thịt theo nghĩa đen. Người chết sẽ sống lại bất tử, và chúng ta sẽ thay đổi. Chú ý HAI cấp độ liên quan sự phục sinh: Người chết sẽ sống lại thành “thân thể tinh thần” và chúng ta sẽ được biến đổi thành thân xác đó.
        2. Chúng ta không thể phân biệt thân thể Chúa Giêsu phục sinh với thân thể người bình thường. Thân thể Chúa Giêsu phục sinh phải khác vì Ngài “đi xuyên qua vách tường” (x. Ga 20:19 & 26), chính ông Philipphê cũng được Thần Khí chuyển đi xa ngay lập tức (x. Cv 8:36-39). Vấn đề tranh luận là Chúa Giêsu có “thân thể bằng xương thịt mà không có máu” khác với điều này: “Xương thịt và máu không thể thừa hưởng Nước Trời” (1 Cr 15:50). Thân thể phục sinh của Chúa Giêsu giống về bản chất đối với thân thể trước khi phục sinh là điều có thể chấp nhận. Cách diễn tả thân thể Chúa Giêsu trong Kh 1:12-16 khác với thân thể Thánh Gioan trước đó.
        3. Cả trình thuật 1Cr 15 cho chúng ta thấy thân xác không như thân xác hiện nay, nhất là mấy câu này: “Không phải mọi thể xác đều giống nhau: của loài người thì khác, của loài vật thì khác, của loài chim thì khác, của loài cá thì khác. Lại có những vật thể thuộc thiên giới và những vật thể thuộc địa giới. Nhưng vẻ rạng rỡ của những vật thể thuộc thiên giới thì khác, vẻ rạng rỡ của những vật thể thuộc địa giới thì khác. Ánh mặt trời thì khác, ánh mặt trăng thì khác, ánh tinh tú thì khác, bởi vì ánh sáng tinh tú này khác với ánh sáng tinh tú kia. Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1 Cr 15:39-44). “Hạt được gieo” (thân thể hiện nay) tuyệt đối không có gì chung với “cây sẽ lớn lên” (thân thể phục sinh). Sau khi Chúa Giêsu hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai, Người đã “hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt” (x. 1 Cr 15:6). Người trần gian không thể như vậy được. Điều đó chắc chắn Chúa Giêsu phục sinh trở nên hoàn toàn khác.
         4. Đã thấy và đã chạm vào Chúa Giêsu phục sinh, Thánh Gioan cho biết: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3:2). Câu này thuộc lĩnh vực “hầu như không thể bác bỏ” để chứng tỏ rằng Chúa Giêsu đã biến đổi sau khi lên trời và không còn ở dạng có thể nhận ra. Thánh Phaolô cũng nói: “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3:21).
         5. Có 118 nguyên tố trong bảng tuần hoàn, kể cả ánh sáng và trọn lực “không được tạo nên” như Thánh Phêrô mô tả: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ” (2 Pr 3:10). Từ khi vũ trụ vật chất được tiền định sụp đổ hoàn toàn, vật chất nào có thể là thân thể Chúa Giêsu và thân xác ps của chúng ta? Chúa Giêsu hiện hữu trong “dạng” trước sáng thế (thuở hồng hoang), không là 100% của công cuộc sáng tạo này. Sau lần đến thứ nhì, “đất và trời biến mất trước mặt Người, không để lại dấu vết” (x. Kh 20:11).
           6. Khi Chúa Giêsu hiện ra, các Tông Đồ kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” (Lc 24:37-39). Đoạn Kinh Thánh này chứng tỏ rằng thân thể Chúa Giêsu giống về BẢN CHẤT trước khi Ngài chịu chết. Mới đầu các Tông Đồ tưởng là ma (loại tương tự xương thịt tinh thần được nói ở số 2 trên đây). Chúa Giêsu xác định là “không có gì thay đổi, xương thịt Ngài cũng như trước, chứ ma không có xương thịt như thế”. Nếu thân thể Chúa Giêsu không giống như trước và sau phục sinh, các chứng cớ cũng vô nghĩa! Chắc chắn thân thể phục sinh của Ngài cũng vậy. Đó là điều Chúa Giêsu nói bằng “xương thịt con người”.
           7. Trước và sau phục sinh, không gì khác để nhận biết thân thể Chúa Giêsu. Nếu có gì khác, các Tông Đồ đã không nhận biết và Kinh Thánh cũng không nói cho chúng ta biết. Chắc chắn sự thay đổi như đề cập ở số 2 thì sẽ được đưa ra sự chú ý và chứng cớ nào đó!
         8. Một người sa ngã có thể mãi mãi bị coi là con nuôi của Thiên Chúa qua kinh nghiệm tái sinh dù họ không còn sở hữu thuộc tính của con cái Thiên Chúa, có thể Chúa Giêsu cũng được coi là NGƯỜI qua kinh nghiệm sinh về thể lý là con người, mặc dù hiện nay Chúa Giêsu không có thuộc tính thực sự của nhân tính (even though NOW Jesus possesses none of the actual attributes of humanity).
          Chúa Giêsu được mô tả là Con Người sau khi phục sinh:
– Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu (1 Tm 2:5).
– Đức Giêsu Nadarét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó (Cv 2:22).
– Tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại (1 Cr 15:21).
– Người đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Người đã chỉ định. Để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết (Cv 17:31).
        Khi ở Lystra, các Tông Đồ Barnaba và Phaolô chấn chỉnh quan điểm sai trái của đám đông: “Thần linh mặc lốt người phàm đã xuống với chúng ta! Hỡi các bạn, các bạn làm gì thế này? Chúng tôi đây cũng chỉ là người phàm, cùng thân phận với các bạn. Chúng tôi loan Tin Mừng cho các bạn, là hãy bỏ những cái hão huyền này đi, mà trở lại cùng Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó” (Cv 14:11 & 15). Cả ông Phêrô và Phaolô đều hướng dẫn sai những người nghe và người đọc nếu trong thực tế Chúa Giêsu đã trở lại là Tổng lãnh Thiên thần Micae.
           Chúa Giêsu là “Adam cuối cùng” sau khi Ngài phục sinh và cũng phải vẫn là chính Ngài vì “Adam đều tiên” (1 Cr 15:45-49) ngụ ý “Adam cuối cùng” cũng là con người sau khi sống lại – mặc dù được vinh hiển.
– Thân xác trần gian: chết chóc, nhục nhã, yếu đuối, tự nhiên.
– Thân xác phục sinh: bất tử, vinh quang, mạnh mẽ, thần linh.
         Xin “mở ngoặc” một chút: Có người lý luận là Chúa Giêsu sống lại vẫn ăn uống, vậy sao không còn nhân tính. Với thiển ý và khả năng hiểu biết hạn hẹp, người dịch nói dơn giản là “Chúa Giêsu ăn uống chỉ là ‘ăn uống chơi cho vui’ thôi, nếu còn nhân tính như phàm nhân mà ‘không ăn uống thật’ thì sẽ đói và chết”.
           Quả thật, trước khi phục sinh, Chúa Giêsu cảm thấy đói sau thời gian ăn chay (Mt 21:18; Mc 11:12), còn sau phục sinh thì Ngài không cảm thấy đói nữa. Vài lần Ngài hỏi các môn đệ có gì ăn không và Ngài ăn trước mặt họ vì Ngài muốn củng cố đức tin cho họ.

     Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ từ Catholic.com và ReasonableFaith.org)
Mùa Phục Sinh – 2013