Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

LÝ TRÍ TRONG SUY TƯ THẦN HỌC CỦA ST TOMA VÀ BONNAVENTURA

Trong suy tưởng của mỗi thần học gia, đều có những con đường khác nhau để tìm đến Thiên Chúa. Nhưng có chung một sự gặp gỡ là tìm mối tương giáo giữa con người và Thiên Chúa. Ở giữa hai lãnh vực con người và Thiên Chúa là một khoảng không bao la để cho các nhà thần học tìm kiếm và làm cho khoảng cách đó gần lại với nhau. Trong thụ tạo có Thiên Chúa và Thiên Chúa có trong thụ tạo. Cả hai kết hợp làm một với nhau trong cùng một dòng suy tưởng để mỗi người có những cách tìm đến Thiên Chúa cách nhanh nhất. Qua St Toma và Bonnaventura ta thấy được mỗi người có cách nhìn khác nhau khi sử dụng “lý trí” để nói về Thiên Chúa và giúp con người nhận ra cùng đích của mình. Trước khi đi vào chi tiết của những dòng suy tưởng của hai Thánh nhân, Ta cùng nhau tìm hiểu đôi chút về cuộc đời của hai Thánh nhân.
A/ Cuộc đời Thánh Toma
          Thánh Thomas Aquinas chào đời vào khoảng cuối năm 1224 đầu năm 1225, tại Roccasecca, gần Naples. Ông xuất thân trong một gia đình quyền quý. Cha ông làm thẩm phán ở Aquino. Thời thiếu thời, ông được giáo dục ở đan viện Monte Cassino. Từ năm 1239 đến năm 1243 ông tiếp tục học tại khoa nhân văn thuộc đại học Paris. Vào năm 1244 ông gia nhập Dòng Thánh Đa Minh, ngược với ý muốn của gia đình. Ông đã học ở Paris từ năm 1245, dưới sự hướng dẫn của Albert the Great tức là Anbeto Cả. Ông là học trò của Anbeto Cả tại đại học Cologne từ năm 1248-1252. Năm 1252 Toma lại đến Paris và bắt đầu một khóa học 4 năm về chú giải và giảng dậy các Luận Đề của Peter Lombard. Năm 1257 ông được công nhận là giáo sư đại học Paris và giảng dạy ở đó cho đến cuối niên khóa 1259. Sau đó, Ông trở về ý và giảng dậy ở Orivieto, Rome và Vierbo. Năm 1269 ông trở về Paris và giảng dạy ở đó trong tư cách là giáo sư đại học. Năm 1272 ông chuyển đến Naples để mở một học viện Đa Minh tại đại học Naples. Năm 1273 ông ngừng giảng dạy để viết lách. Vào tháng 2 / 1274 ông đi dự Công Đồng Chung Lyon. Tuy nhiên, tại đan viện Fossanuova, ngay phía bắc thành phố Naples, ông lâm bệnh ngặt nghèo và đã qua đời tại đó.
          Anbeto Cả thành Cologne, người đã dốc hết tâm huyết để dịch các tác phẩm của Aristote và truyền thống thần học Kito giáo. Những bài chú giải của ông về tác phẩm Aristote rất quan trọng, được viết bằng tiếng Latinh. Chỉ trình bày hiểu biết của mình về quan điểm của Aristote. Toma là học trò của Anbeto Cả nên ông đã truyền cảm hứng cho Toma trong sự hòa hợp truyền thống thần học Kito giáo theo quan điểm của Augustino và tư tưởng của Aristote. Chính vì vậy, trong Bộ Tổng Luận Thần Học của Toma có 39 đề mục tham chiếu của St Augustino và 35 đề mục tham chiếu Aristote.
B/ Cuộc đời Thánh Bonnaventura
          Chúng ta không biết nhiều về thời thơ ấu của thánh nhân. Ngài sinh tại Babnoregio, gần Orvieto, Italia. Có nhiều tranh cãi về cuộc đời của Ngài Nhưng phần lớn cho rằng Ngài chào đời khoảng năm 1217. Ngài bắt đầu theo học cứ nhân vưn chương tại đại học Paris vào khoảng năm 1235. Thánh nhân hoàn tất chương trình tú tài Kinh Thánh vào năm 1248 và dạy Kinh Thánh trong khoảng 2 năm đó. Trong khoảng năm 1250 – 1252, Thánh nhân cho ra đời tác phẩm Chú giải các luận đề của Peter Lombard. Sau đó ít lâu Ngài nhận bằng tiến sĩ thần học. Ngài làm giám đốc học vụ tại đại học Phan sinh ở Paris từ năm 1254-1257. Một điểm rất quan trọng lúc này Ngài là đồng nghiệp của Thánh Toma. Năm 1257 Ngài rời Paris cùng với chức cụ giáo đốc học vụ để phục vụ Hội Dòng trong tư cách là Tổng Phục Vụ thứ 7 của Anh Em Hèn Mọn. Sau những lần xung đột với anh em thì năm 1259 Ngài rút lên núi La Verna thanh vắng là nơi Phanxico đã được in Năm Dấu, để dắm mình sau trong thế giới thiêng liêng của Đấng Sáng Lập. Tháng 5 / 1273, Đức Giao Hoàng Gregory X chỉ định Ngài lên chức Hồng Y. Sau đó cùng với Đức Giao Hoàng đi tới Lyon để chuổn bị cho công đồng Lyon II sẽ được triệu tập vào tháng 5 / 1274. Chỉ 2 ngày trước khi Công Đồng bế mạc thì Ngài qua đời vào Chúa Nhật ngày 15 / 7 / 1274.
I/ Giống nhau:
          Cả hai đã từng là đồng nghiệp của nhau trong cương vị giám đốc học vụ. Cả hai đều có cái nhìn về triết học của Aristotle vào thần học một cách có phê phán. Cả hai đều nhận định không thể tách triết học và thần học cách riêng lẻ nhưng là sự bổ trợ cho nhau. Triết học kết nối với thần học và nhờ thần học mà triết học phát huy hết tiềm năng đích thực của mình. Cả hai đều có cái nhìn về giới hạn của lý trí trong nỗ lực tiến tới chân lý, bởi vì chân lý chỉ được tìm thấy trọn vẹn trong Thiên Chúa mà thôi. Cả hai đều mong muốn có sự hợp nhất giữa đức tin và lý trí. Mục đích của thần học là sự kết hợp giữa tri thức và người tri thức, giúp con người đi từ tiềm thể đến hiện thể của mình. Cả hai đều quan niệm chỉ có mạc khải nơi Thiên Chúa thì con người mới biết cách trọn vẹn nhất.
II/ Khác nhau:
1/ Vai trò của “lý trí” trong suy tư thần học của St Toma:  
St Toma đề cao vai trò của lý trí trong con người. St Toma đã sử dụng ngũ đạo để chứng minh có Thiên Chúa. Lý trí là khả năng Thiên Chúa ban cho con người để con người khám phá ra những chân lý thực tại nơi thụ tạo. Ngài cho rằng mọi nhận thức phải bắt đầu từ kinh nghiệm về đối tượng khả giác thay vì bằng các ý niệm bẩm sinh về sự hoàn hảo. Đặc tính chính của đối tượng khả giác là sự tồn tại của chúng, đòi hỏi phải có nguyên nhân của nó. Dưới ánh sáng tự nhiên của lý trí, trí khôn biết được khi kinh nghiệm các biến cố, hậu quả phải có nguyên nhân, vì không có gì đến từ hư vô. Đối với Ngài “lý trí” không giúp đức tin nhận ra cùng đích của con người nhưng “lý trí” giúp cho đức tin có sự hiểu biết rồi mới tin. Theo Ngài “lý trí” hướng về Thiên Chúa là cùng đích của sự việc. Lý trí đóng vai trò là tiền sảnh, là nền tảng cho một vấn đề nào đó khi nó xuất hiện. Khi một sự vật hiện hữu thì lý trí không chỉ tin một cách mờ quáng, nhưng lý trí tìm về cùng đích của mình là cái gì đã làm nên sự vật này và làm cho nó hiện hữu. Ngoài lý trí ra không có điều gì nhận biết Thiên Chúa hiện hữu. Lý trí là nền tảng của đức tin, nền tảng của thần học. Mục đích của St Toma là giúp con người hiểu về Thiên Chúa là Đấng như thế nào rồi mới dẫn đến một niềm tin sắc đáng chứ không tin một cách mu mơ. Theo quan niệm của St Toma Triết học và thần học không có sự đối chọi nhau, kình địch nhau nhưng triết học và thần học có sự bổ trợ cho nhau và giúp nhau khám phá ra cùng đích niềm tin của mình. Ngài cho rằng: Nữ tỳ là triết học và Bà Hoàng là thần học.
2/ Vai trò của “lý trí” trong suy tư thần học của St Bonnaventura:
Bonnaventura ảnh hưởng bởi ba nguồn tư tưởng là Augustino, Dionysivs và Phanxico. Nên phần nào cũng chịu ảnh hưởng tới tư tưởng của St Bonnaventura. Cũng như St Augustino là tin để hiểu thì St Bonnaventura cũng bắt đầu bằng đức tin, xác tín rằng Đức Kito, Ngôi Lời Hằng Sống của Thiên Chúa là mặc khải trọn vẹn nhất mà Thiên Chúa ban cho thế giới, vì thế con người chỉ có thể tìm thấy chân lý nơi Đức Kito. Từ chân lý này Ngài đã tự tuyên bố là đã khám phá ra chân lý. St Bonnaventura tin rằng tư duy con người dứt khoát phải hưởng đến sự hiểu biết của Thiên Chúa. Chính vì thế Ngài nói rằng: Sự hiểu biết Thiên Chúa trước tiên không phải là nhận thức về Thiên Chúa mà là yêu mến Thiên Chúa. Người ta có được tri thức tối thượng là nhờ ơn soi sáng chứ không phải nhờ suy luận của con người. Khái niệm Mô mẫu Thụ tạo là hình ảnh hay là sự thông dự vào Mô mẫu lý tưởng Thần Linh. Thế giới là một phản ảnh mang tính biểu tượng của thế giới Thần Linh. Qua đó, ta thấy rằng St Bonnaventura có một quan điểm coi trọng “ái cảm” hơn là “tri thức”. Ngài cho rằng: Một khi lý trí nhận ra Thiên Chúa là mục đích tối hậu của nó thì lý trí chỉ muốn kết hợp với Thiên Chúa. Cuối cùng Ngài đưa ra một khái niệm tri thức về Thiên Chúa là: Khi ý chí thức giấc thì tất cả phải lặng yên (Hexaemeron 2.30). Tư tưởng của St Bonnaventura chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi Đấng sáng lập của Hội Dòng Phanxico Assisi. Thánh nhân không chỉ là trung tâm nhưng còn là mặt trời và là sứ vụ của Bonnaventura. Chính vì vậy trong các tác phẩm của Ngài đều nhấn mạnh đến sự suy niệm và việc chiêm ngường này tập trung vào ba lĩnh vực chính yếu: Suy niệm về thế giới tự nhiên, về bản thân con người và bản tính Thiên Chúa.
Kết luận:
Qua những điểm giống và khác nhau nói trên, cho ta nhận thấy cả hai Ngài đã sử dụng những con đường khác nhau để tìm đến Thiên Chúa. Một bên là tin để hiểu còn một bên hiểu để tin. Nhưng cả hai đều không có sự mâu thuẫn, chống đối nhau. Qua đó, niềm tin của ta được củng cố và giúp ta sáng tỏ hơn về Đấng mà ta đang tin thờ. Niềm tin của chúng ta không phải la một sự mê tín nhưng niềm tin của chúng ta phát xuất từ con tim, lòng mến, lý trí hay nói cách khác niềm tin của chúng ta là tất cả con người của chúng ta làm nên một đức tin. Cả con người của ta chính là con người của Chúa. Chính Chúa đang hoạt động và gìn giữ ta trong mọi nơi mọi lúc.   

Ant Công Chính

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

CON NGƯỜI SA NGÃ VÀ ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA


Trình thuật (St, 3) là điểm nhấn rất lớn trong toàn bộ trình thuật Kinh Thánh. Như là cán cân để cân giữa điều thiện và điều ác. Nếu xét cán cân về mặt chữ nghĩa thì cán cân này bị lệch rất lớn và dường như chỉ có điều ác nổi bật. Còn nếu xét về mặt ý nghĩa thì cán cân đó song hành với nhau, hay nói cách khác nhờ đó mà ơn cứu độ của Thiên Chúa tuồn tràn trên con người. Sự xuất hiện của A-đam trong chương 2 sách Sáng thế, cho ta thấy có hai câu chuyện về nguồn gốc con người: “Thiên Chúa lấy bùn từ đất nặn ra con người”(St 2,7). Thiên Chúa lấy nguyên liệu mà Người đã làm nên trước khi nặn ra con người. Các thụ tạo khác thì được tạo dựng cách trực tiếp. Điều đó nói lên, con người chỉ là một phần trong thế giới thụ tạo. Một cách nào đó cũng cho ta thấy, con người lệ thuộc vào thế giới thụ tạo vì: từ đất mà có, mặt khác con người cũng thấy độc lập với thế giới thụ tạo. Cái sau cùng lại trở nên cái cao quý nhất, Thiên Chúa đặt con người làm chủ công trình sáng tạo, trong sự phụ thuộc vào Thiên Chúa. Ngài nói: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái cây ở giữa vườn, thì Thiên Chúa bảo: Các ngươi không được ăn, cũng không được đụng tới, kẻo phải chết.” (St 3, 2-3). Nhưng con người đã mắc lừa khi nghe những lời sủi giục của con rắn và con người tự cho mình có quyền trên Đầng Sáng Tạo, để rồi hái trái cây ấy mà ăn. Từ đây, con người đã đánh vỡ sự thánh thiện ban đầu, đánh mất sự hòa hợp giữa con người với muôn vật. Từ đó, tội lỗi xâm nhập vào con người ngày một mãnh liệt như tiền tài, địa vị, dục vọng. Nhưng không vì thế mà Thiên Chúa bỏ rơi con người, kệ cho thú giữ hành hạ, nhưng Người vẫn yêu thương con người, đưa con người trở về với tình yêu ban đầu. Yêu đến nỗi Người đã ban chính con một yêu dấu để cứu độ chúng ta và Người đã biểu lộ tình yêu bằng cái chết trên cây Thập Gía “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Trong 11 chương đầu của sách Sáng thế, cho ta thấy nhiều sự kiện quan trọng diễn ra trong chương này. Qua đọc và tìm hiểu 11 chương đầu của sách Sáng thế, tôi nhận thấy có 2 mục trọng yếu đó là:
1/ Từ (St,1-2) nói lên tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Mọi việc Thiên Chúa khởi sự thật tốt đẹp, thánh thiện, nhân loại được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa như Cha ở trong con và con ở trong Cha.
2/ Từ (St,3-11) nói lên sự sa ngã của con người, dẫn đến nhiều mối tai họa giáng xuống trên con người. Sự tội đã làm cho khoảng cách giữa con người với Thiên Chúa không còn được gặp nhau trực tiếp như trước nữa, mà là một sự gián tiếp qua các tạo vật. Mấu chốt khởi đầu cho sự sa ngã nằm toàn bộ trong (St, 3) là khoảng cách giữa thiện và ác. (St, 3) mô tả việc tội lỗi xâm nhập vào con người và các thảm họa gây ra cho muôn loại trong vũ trụ.
          Con người rơi vào sự sa ngã bắt đầu “Trong vườn Ê- đen lại xuất hiện con vật mới lạ đó là con rắn, cũng là một thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên, nhưng con vật này không những có trí khôn, hiểu biết điều Thiên Chúa truyền mà còn xảo quyệt nữa. Nó lý luận và đối đáp rất sát với tâm lý con người để lừa đảo người đàn bà bằng cách bôi nhọ Thiên Chúa” [1]. Chính con vật này đã làm cho khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người không còn trực tiếp gặp nhau trong sự thánh thiện ban đầu. Từ đây, tội lỗi đã xâm nhập vào nhân loại cách trắng trợn và để lại hậu quả muôn đời cho con cháu.
          Trong quá trình gieo rắc sự tội, con rắn đã đùng phương pháp tiệm tiến dần dần để con người dẽ dàng phạm tội. Khởi đầu con rắn xuất hiện. Nó rất khôn ngoan khi chọn đối tượng là người phụ nữ, vì phái yếu có tâm tính nhạy cảm hơn nên sự thành công của nó sẽ chắc chắn hơn. Nó bắt đầu câu chuyện không bằng một sự súi giục ăn trái cây đó đi bà, nhưng nó bắt đầu gieo trong đầu người phụ nữ những câu hỏi nghi vấn “có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn mọi trái cây trong vườn không ?”” (St 3,1). Dường như nó đảo ngược toàn bộ lời của Thiên Chúa nói với con người là “hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn” (St 2, 16). Khi nghe thấy lời của con rắn nói sai về điều của Thiên Chúa nên E-và đã phản ứng ngay tức khắc, bà đã phản ứng lại lời nói của nó. Vì sự phản ứng tự nhiên nên dường như câu nói ban đầu của Thiên Chúa được đưa lên một đỉnh cao là “trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái cây ở giữa vườn, thì Thiên Chúa bảo: Các ngươi không được ăn, cũng không được đụng tới, kẻo phải chết.” (St 3, 2-3). Qua đó, ta thấy được E-và đã ý thức rõ đến thế nào về tính nghiêm trọng của điều Thiên Chúa cấm kỵ. Khi nghe E-và trả lời, con rắn đã biết được điểm yếu của người phụ nữ là sợ chết. Thói xảo quyệt của nó tránh không thúc giục E-và ăn trái cây đó. Nhưng nó chỉ quả quyết với E-và là “chẳng chết chóc gì đâu” (St 3, 4). Nó đã gieo vào trong suy nghĩ của người đàn bà không có một hình phạt nào như thế. “Lời răn đe lành mạnh của Thiên Chúa, nó biến thành một lời nói dối, đồng thời ngụ ý rằng: Thiên Chúa muốn độc chiếm sự hiểu biết chứ chẳng yêu thương gì con người. Nó tìm cách gợi lên trong người phụ nữ tham vọng biết, nhưng trước tiên phải gieo vào lòng bà sự ngờ vực về sự chân thật và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, đồng thời gây tin tưởng manh mẽ vào sự hiểu biết của chính nó. Một khi con người hoài nghi về ý định yêu thường của Thiên Chúa, thì chuyện gì cũng có thể xẩy ra.” [2]. Sự tinh vi của con rắn đã làm cho E-và dường như chiều theo những lời của nó và trong ánh mắt của bà luôn nhìn vào trái cây đó. Từ ánh mắt đó đã toát lên một sự thèm muốn, thèm muốn được tinh khôn, sự hiểu biết xâu xa, cái thèm muốn hơn cả là muốn bằng Thiên Chúa và Thiên Chúa không có quyền thống trị mình, “Người đàn bà thấy rằng cây đó ăn thì ngon, trông thật sướng mắt, và cây đó đáng thèm vì làm cho mình được tinh khôn” ( St 3, 6). Từ ánh mắt và sự khoái cảm đó đã dần dần đi vào trong ý thức rồi mới xâm nhập ý muốn và đi đến hành động đưa tay bứt trái cây đó, một hành động hoàn toàn tỉnh táo và tự do “Bà liền hái trái cây đó mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình và ông cũng ăn.” ( St 3, 6).
          Qua đó, cho ta thấy con rắn đã cám dỗ con người phạm tội theo chiều hướng đi lên, bắt đầu từ cái nhỏ nhất. Đó chính là gieo vào suy nghĩ của E-và sự nghi vấn, rồi đến sự quả quyết của nó. Từ đó, đưa E-và đến ánh mắt của vinh hoa, sự khôn ngoan, sự thống trị, dần dần ngấm sâu vào trong ý thức, ý muốn rồi đến hành động đưa tay hái trái cây đó mà ăn, rồi đưa cho cả chồng ở đó cùng ăn.
          Nguyên nhân con người sa ngã trước sự dụ dỗ ngon ngọt của con rắn là do lòng tin của E-và quá yếu kém. Chính vì thế, khi trò chuyện với con rắn, E-và đã đâm ra nghi ngờ Thiên Chúa. Bà đã tin lời con rắn hơn tin lời Thiên Chúa và E-và đã hành động theo niềm tin đó. Chắc có lẽ, nhiều người hỏi tại sao khi E-và đối thoại với con rắn và nhất là khi bà đưa trái cây đó cho ông ăn, mà A-đam không có một sự phản ứng nào, cái hậu quả sau khi ông bà ăn Thiên Chúa đã báo trước cho ông ?. Nguyên nhân vì trong ý nghĩ, con người muốn chiếm đoạt quyền của Thiên Chúa, không muốn để cho Thiên Chúa thống trị mình, mình phải ngang bằng với Thiên Chúa, cũng được tinh khôn giống như Người, nên họ đã dùng cách thức này để mong đạt được điều đó, bất kì lệnh của Thiên Chúa đã cấm mà con người biết rõ.
          Sau khi con người ăn xong và mắt hai ông bà mở ra. Có lẽ, hai ông bà rất thất vọng, vì không được tinh khôn, không trở nên như những vị thần biết điều thiện điều ác mà chỉ thấy mình trần truồng. Như có lời nói “Phản bội Thiên Chúa, lương tâm con người bị lột trần trước mặt người” [3]. Từ đó, tính dục nổi loạn, con người tự hổ thẹn với chính mình và với tha nhân “mắt hai ông bà mở ra và họ biết mình trần truồng; họ mới kết lá vả làm khố cho mình” (St 3, 7). Những gì cao quý, tốt đẹp trước đó, giờ đây không còn nữa, mất tình thân hữu với Đấng Tạo Hóa. Con người không nói lời yêu thương, che trở cho nhau như trước “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì Nàng được rút từ đàn ông ra.” (St 2, 23). Sau khi phạm tội lời này trở thành “Người đàn bà Ngài cho ở với con, chính nàng đã cho con cây ấy, nên con ăn.” (St 3, 12). Chính vì thế đã làm cho tội lỗi, sự đổ lỗi cho nhau, sự giận hờn, ghen ghét đã xâm nhập vào con người, phá vỡ sự tốt đẹp ban đầu là những lời yêu thương.
          Cha ông ta thường nói “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Đó là lời dậy của người xưa khi con cái hư hỏng, không vâng lời cha mẹ, làm điều xấu. Cũng có câu “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà ”. Chính những lời bênh vực con cái khi con cái làm sai đã làm cho cuộc đời của đứa trẻ đó dần dà đi sai đường lạc lỗi, khi lớn lên đứa con đó luôn đi theo ý riêng của mình để rồi những lời cha mẹ dậy bảo nó không còn nghe và hầu như nó bỏ ngoài tai tất cả. Có rất nhiều những lời khuyên dậy cha mẹ không nên làm con cái hứ hỏng. Có lẽ chính hình ảnh Thiên Chúa trừng phạt con người khi con người phạm tội đã để lại những lời khuyên dậy để cha mẹ làm tròn bổn phận là người cha, người mẹ luôn biết dậy con cái. Thiên Chúa không ghét bỏ con người sau khi con người phạm tội. Nhưng Ngài muốn chỉ dậy con người khi con người phạm tội. Những hình phạt đó là do chính con người tự chuốc vào thân mình. Khi Thiên Chúa hỏi con người “ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng ?” (St 3, 11). A-đam tự nhận không xứng đáng xuất hiện trước tôn nhan Chúa như trước nữa. Tuy nhiên, ông chỉ dựa vào sự bất xứng của mình để chữa tội, chứ không tự thú tội, cũng chẳng xin được thứ tha.[4]  Khi bị chất vấn thì con người đổ lỗi cho nhau không nhận trách nhiệm về mình. A-đam đổ lỗi cho Chúa khi Người cho người phụ nữ ở với ông, chính nàng đã cho con trái đó. E-và đổ lỗi cho con rắn. Không ai nhận trách nhiệm, lỗi lầm về mình và xin Người ơn tha thứ. Sở dĩ con người ra như thế vì sự tốt đẹp ban đầu không con nữa mà lúc này chỉ toàn là những sự dữ, khiến con người ra u tối, không còn nhận ra chính mình nữa. Sự trừng phạt của Thiên Chúa đi từ dưới lên, bắt đầu từ con rắn, người phụ nữ, ông A-đam, đất đai sẽ nguyền rủa con người, đuổi ra khỏi vườn Ê-đen và cuối cùng là sự phân cách giữa con người với Thiên Chúa bằng các Kê-ru-bim và gươm lửa sáng lóe.
          Thiên Chúa trừng phạt con rắn là loài đáng bị nguyền rủa nhất trong tất cả mọi súc vật và mọi dã thú, phải ăn bùn đất mọi ngày trong đời. Qua đây, Thiên Chúa cũng hứa ban ơn cứu độ xuống cho con người, khi Ngài nói “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng dõi mi và dòng dõi người ấy; dòng giống đó sẽ đáng vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Câu nói này loan báo một mối thù truyền kiếp và một cuộc chiến một mất một còn, giữa hai bên con rắn và người phụ nữ, thế nhưng sẽ không phải là cuộc chiến trường kì, bất phân thắng bại, mà nó sẽ kết thúc có lợi cho con người. Ma quỷ sẽ bị đánh bại bởi chính dòng dõi người phụ nữ và như thế nhân loại sẽ được phục hồi trước Thiên Chúa. Qua đó, cũng ngụ ý rằng chính con một Người xuống ngự vào trong cung lòng người phụ nữ và người này sẽ đem lại chiến thắng ấy cho con người. Điều này được sáng tỏ hơn khi Thiên Chúa trừng phạt người phụ nữ.
          Khi Thiên Chúa trừng phạt con người, Người không nguyền rủa cách trực tiếp mà Người chỉ có khiển trách và ra hình phạt. Thiên Chúa phạt người phụ nữ “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ muốn chồng ngươi; còn nó, nó sẽ thống trị ngươi” (St 3, 16). Qua đó, cho ta thấy Thiên Chúa trừng phạt người phụ nữ trong vai trò làm mẹ và làm vợ. Bà sẽ phải đau đớn trong lúc mang thai và khi sinh đẻ. Thiên Chúa dùng hình ảnh lúc lâm bồn để nói lên sự đau khổ nhất của người phụ nữ.
          Đối với A- đam, Người cũng trừng phạt bởi một hình ảnh người lao động, phải lao động  cực nhọc thì mới có bánh ăn, khi người nói “đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mới kiếm được miếng ăn từ đất, mọi ngày trong đời ngươi. Đất đai sẽ trổ sinh cho ngươi gai góc và cây có gai, ngươi sẽ ăn ở ngoài đồng. Mặt có đẫm mồ hôi mới có bánh ăn, cho đến khi ngươi trở về với đất, vì từ đó ngươi đã được lấy ra. Qủa thật, ngươi là bụi đất, và ngươi sẽ trở về với bụi đất” (St 3, 17-19). Từ đây, A-đam “nhận thấy” sự khó nhọc của lao động. Không phải bản chất của lao động thay đổi, nhưng là cái nhìn của A-đam về lao động thay đổi. Con người phải lao động cực nhọc để nuôi sống bản thân và người khác, đất đai cũng nguyền rủa con người vì tội lỗi của con người, khiến cho con người phải cực nhọc thì đất đai mới sinh hoa quả để con người được sống trên mặt đất. Cái làm cho con người đau khổ nhất là cái chết nơi con người, từ cái chết này con người sẽ trở về với nguyên thủy ban đầu của mình là được sinh ra từ bụi đất. Trong mỗi người, chắc ai cũng sẽ rất nhớ lời bài hát “Hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro, rồi mai ngày sẽ trở về bụi tro”. Chính tội lội đã mang lại cho con người những đau khổ và đau khổ lớn nhất nơi con người đó là cái chết, nhưng đó là cái chết để ta được trở về với Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống. Con người không thể nhìn thấy Thiên Chúa mà không phải chết nếu như con người không phải là con của Thiên Chúa.[5]
          Thiên Chúa không thể để cho hai ông bà tiếp tục hưởng những hồng ân như trước nữa. Sau khi trừng phạt, Thiên Chúa đã đuổi ông bà ra khỏi vườn Ê-đen “Nay con người đã trở thành như một trong chúng ta, để biết được điều thiện và điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả cây trường sinh mà ăn và được sống mãi” (St 3, 22). Câu nói này ngụ ý sâu xa rằng: con người vĩnh viễn mất ơn bất tử Thiên Chúa đã ban. Từ một nơi tốt đẹp và thánh thiện giờ đây không còn nữa, khoảng cách ấy dường như xa thật xa và sẽ không bao giờ đến được nơi đó nữa, khoảng cách ấy ngăn cách bởi những “Kê- Ru- bim và gươm lửa sáng lóe, để canh giữ đường đến cây trường sinh” (St 3, 24). Ngài vẫn yêu con người, chỉ có Thiên Chúa mới có thể khôi phục lại địa vị cho con người bằng cách đem lại cho con người căn tính thánh thiện ban đầu. Qua đó, nói lên Ơn Cứu Độ chỉ có thể bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng sẽ ban chính con một yêu dấu của Người đến với nhân loại. “Ai không ăn thịt và không uống máu của Ta thì không có sự sống đời đời” (Ga 6, 53). Như vậy, trong Thiên Chúa con người cần phải tìm lại căn tính của mình đã tự đánh mất bởi vì tội nguyên tổ.
          Qua trình thuật ( St, 3) tôi nhận thấy, chính những ước vọng hão huyền đã làm cho con người đến những cùng cực nhất của xã hội. Nó làm cho con người ra ô uế, làm cho khoảng cách giữa con người và Thiên Chúa mỗi ngày một xa dần. Chính những mơ tưởng đã làm cho con người đâm ra hận thù, ghen gét lẫn nhau và không tin tưởng nhau. Xã hội ngày hôm nay dường như đã mất ý thức hệ về tội, làm cho con người càng ngày càng đi sâu vào con đường tội lỗi. Coi mạng sống không là gì cả, như là một thứ đồ vật không thích thì bỏ đi. Một xã hội coi Thần Thánh như không có, từ đó coi việc tình đục như là một trò chơi nhằm thỏa mãn những khoải cảm con người, coi việc phá thai là chuyện bình thường, không nuôi được thì phá để lấy lại sự tính tiết cho chính mình, không nghĩ đến đứa con nó đang còn rất muốn sống và muốn được nhìn thấy mặt người mẹ.  Nhưng chính người mẹ lại can tâm giết đứa con của mình ngay khi nó chưa có tiếng nói là “mẹ ơi con muốn được sống”. Ma quỷ vẫn cám dỗ ta như cám dỗ ông bà xưa, chính những lúc ta chiều theo những suy nghĩ gây ra những dịp tội là những lúc ta đang nói chuyện với ma quỷ. Ma quỷ không hiện ra để cám dỗ ta cách trực tiếp những nó dung chính những cái trong con người ta để làm ta trở nên sấu xa, nếu ta không tỉnh thức thì cũng dễ rơi vào tình trạng nói chuyện với mà quỷ rồi dần dần nó chiếm đoạt những suy nghĩ của ta và ta đâm ra nghi ngờ về Đấng ta hằng tin tưởng, để rồi làm theo những chỉ dẫn trong suy nghĩ của ta mà chính ma quỷ đang sủi giục ta làm.
                                                                                  Anton  Công Chính

[1] Lm Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao, Tìm Hiểu Ngũ Thư, Tài liệu dậy học, Tr 72.
[2] Lm Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao, Tìm Hiểu Ngũ Thư, Tài liệu dậy học, Tr 73.
[3] Lm Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao, Tìm Hiểu Ngũ Thư, Tài liệu dậy học, Tr 74.
[4]Lm Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao, Tìm Hiểu Ngũ Thư, Tài liệu dậy học, Tr 76.
[5] 100 Nhân Vật Tiêu Biểu Kinh Thánh. Người dịch: Maria Phạm Bích Giang, O.A và Lm. Phêrô Trần Văn Huyền, A.A.

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

ĐỨC TIN TÌM THẤY TRONG NGHỆ THUẬT THÁNH

Bạn thân mến
          Để mở đầu cho đề tài này, tôi xin mượn những lời được viết trong Công đồng Vaticanô II số 122, về hiến chế phụng vụ thánh “Trong những nghệ thuật cao quý nhất của tài trí con người, đặc biệt phải kể đến mỹ thuật, nhất là nghệ thuật tôn giáo và tột đỉnh chính là nghệ thuật thánh. Tự bản tính, nghệ thuật Thánh nhằm diễn tả cách nào đó về vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại. Nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó không nhằm chủ đích gì khác ngoài sự tích cực, góp phần hướng tâm trí con người về cùng Chúa cách đạo đức” [1]. Qua những tác phẩm nghệ thuật, ta tìm thấy được vẻ đẹp của Thiên Chúa, tìm thấy được giá trị cao quý mà con người đang thừa hưởng. Để có được những tác phẩm này, các nghệ nhân, họa sĩ, thi sĩ, đã dày công tìm hiểu, chắt chiu những ý tưởng, những khát vọng cháy bỏng, để rồi họ thổi vào trong những tác phẩm đó một sức sống, sức mạnh, để từng đường nét đi trên tác phẩm là thể hiện cả con người và tâm hồn họ. Con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Người. Qua con người Thiên Chúa đặt để con người trông coi mọi thụ tạo Ngài dựng nên “Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người cũng diễn tả chân lý về tương quan của mình với Thiên Chúa Sáng Tạo bằng vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật của mình. Thật vậy, nghệ thuật là một hình thức diễn tả chỉ riêng con người mới có; vượt lên trên việc cố gắng thỏa mãn những nhu cầu sinh hồn, là điều chung của mọi sinh vật, nghệ thuật là sự đầy tràn chan chứa, được ban tặng cách nhưng không, sự giàu sang nội tâm của con người. Xuất phát từ tài năng do Đấng Tạo Hóa ban, và từ nỗ lực của chính con người, nghệ thuật là một hình thức của sự khôn ngoan thực tiễn, kết hợp kiến thức với tài khéo léo, để tạo hình thể cho chân lý của mọi thực tại, bằng thứ ngôn ngữ có thể cảm nhận bằng mắt và bằng tai nghe.” [2]. Con người không thể dùng những ngôn ngữ bình dân để mô tả hết giá trị của các tác phẩm mà những người nghệ thuật đã làm ra. Đức Thánh Cha Bê – nê – đit – tô XVI đã nói sau khi Ngài xem bộ phim tài liệu mang tên “Nghệ Thuật và Đức Tin – Con Đường Của Cái Đẹp”. Bộ phim này đánh dấu kỉ niệm 500 năm hoàn tất các bức họa trên trần nhà nguyện Sistine. Bộ phim được trình chiếu tại Hội Trường Phaolô VI. Ngài đã nói rất nhiều nhưng tôi xin được trích một câu ngắn trong bài phát biểu của Ngài “Ngôn ngữ của nghệ thuật là ngôn ngữ của các dụ ngôn, có thể mở ra với vũ trụ. Con đường của cái đẹp hướng tâm trí con người đến với vĩnh cửu, nâng cao con người lên với Thiên Chúa” [3]. Qua đó, cho ta thấy được khi được chiêm ngắm những nét đẹp nơi các tác phẩm ta phải có một cái nhìn của niềm tin và một nét đẹp cao vời mà tâm hồn con người đang tìm kiếm và là nơi hạnh phúc nhất của con người.
          Có rất nhiều ngôn từ để nói về con người nghệ thuật. Trong đề tài này tôi xin được trình bày với quý vị lĩnh vực “ Nghệ Thuật Tạo Hình” lĩnh vực này sẽ được quy tụ trong lĩnh vực của Nghệ Thuật Thánh. Qua đó, ta thấy được Đức tin của ta được củng cố và đưa ta đến với Thiên Chúa là nguồn mạch của sự bình an, hạnh phúc và nhất là nguồn mạch của những vẻ đẹp.
I/ Khái Niệm Nghệ Thuật
          Từ “ Nghệ Thuật ” theo nguyên ngữ la tinh ( ars) vừa diễn tả một khả năng sáng tạo của con người, vừa được dùng để chỉ những kết quả do khả năng ấy tạo ra [4]. Nghệ thuật là những tinh hoa mà người nghệ sĩ đã thu thập để rồi trình bày những nét đẹp đó vào tác phẩm của mình. Qua nghệ thuật con người góp phần cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. “Khi chuyên tâm học hỏi các bộ môn triết học, sử học, toán học, vạn vật học và trau dồi nghệ thuật, con người có thể góp phần lớn lao vào công cuộc thăng tiến gia đình nhân loại, để đạt tới những giá trị cao cả của Chân, Thiện, Mỹ và một phán đoán có giá trị phổ quát” [5]. Ngoài những môn học tự nhiên, con người cần trao dồi nghệ thuật. Con người sau khi phạm tội đã đánh mất ơn nghĩa với Thiên Chúa. Không còn được nhìn thấy Ngài cách trực tiếp như trước nữa, nhưng mà qua một trung gian nào đó để đưa ta đến gặp gỡ Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa có đầy đủ về Chân, Thiện, Mỹ  “Niềm vui tinh thần và vẻ đẹp luân lý, đi đôi với việc thực thi điều thiện. Cũng vậy, chân lý mang lại niềm vui và ánh huy hoàng của vẻ đẹp tinh thần. Chân lý tự do là đẹp” [6]. Là tội nhân nên ta không nhìn cách trực tiếp vẻ đẹp nơi Thiên Chúa. Chúa Giê – su  khi tỏ mình ra cho ông Mô – sê trên núi, Ngài cũng không cho Mô – sê nhìn trức tiếp vẻ đẹp của Ngài “Người phán: ngươi không thể  xem thấy tôn nhan Ta. Vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (Xh 33, 20). Vì thế, Con người không thể nhìn thấy cách trực tiếp vể đẹp tôn nhan Ngài nhưng qua nghệ thuật ta có thể nhận ra vẻ đẹp của Thiên Chúa. “Vì các thụ tạo càng lớn lao đẹp đẽ, thì càng giúp nhận ra Đấng Tạo Hóa” (Kn 13, 5), “Vì chính Đấng Tạo Hóa mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp” (Kn 13, 3). Trong sứ điệp gửi toàn thể nhân loại nhân dịp bế mạc Công đồng Vaticanô II, các nghị phụ đã khắng định “Thế giới ngày hôm nay đang cần đến cái đẹp để khỏi chìm đắm vào thất vọng. Cái đẹp cũng như sự thật mang lại niềm vui cho tâm hồn con người, đó chính là những hoa trái quý giá không tàn úa vì thời gian nhưng nối kết các thế hệ lại và làm cho họ thông cảm cho nhau, khi thán phục nhau.” [7]. Nghệ thuật nối kết cái đẹp từ một không gian rộng lớn bao la hùng vĩ vào một khung hình nhỏ nhưng chất chứa biết bao nét đẹp trong đó. Nơi đây ta nhận ra giá trị thiêng liêng và hướng tâm hồn ta đến với một vẻ đẹp muôn màu nơi Thiên Chúa. Con người nghệ sĩ là cánh tay nối dài của Thiên Chúa, để cho hình ảnh của Ngài được lan rộng. Trong thư Đức Thánh Cha Phaolo II gửi các nghệ sĩ, Ngài nói “Thiên Chúa cho con người hiện hữu, giao cho con người nhiệm vụ của những nghệ sĩ, Chính qua hoạt động sáng tạo nghệ thuật ấy mà hơn bao giờ hết con người cho thấy mình giống Thiên Chúa. Con người hoàn thánh nhiệm vụ này, xuất sắc nhất là khi uốn nắn chất thể kì diệu hay nhân tính của mình và khi thi hành quyền làm chủ một cách sáng tạo trên thế giới chung quanh. Với ánh mắt yêu thương nhà nghệ sĩ thần linh đã chuyển giao cho con người nghệ sĩ nhân loại một trí óc khôn ngoan siêu phàm của mình, cho người này chia sẻ quyền sáng tạo của mình.” [8]
II/ Nghệ Thuật Tạo Hình
          Nói đến nghệ thuật tạo hình là nói đến các nhà kiến trúc sư, điêu khắc, hội họa và vẽ. Nhóm người này đã cho ta thấy được vẻ đẹp của các công trình nghệ thuật, làm thỏa mãn thị giác qua những hình thể màu sắc. Thánh Tô – ma đã viết “Đẹp là cái gì làm ta thích thú sau khi đã lĩnh hội”. Nghệ thuật tạo hình không những giúp ta thỏa mãn về thị giác nhưng còn củng cố đức tin cho những tâm hồn nguội lạnh. Các Tông đồ khi xưa theo Chúa nhưng trong tâm hồn vẫn cảm thấy trống vắng, nhiều lẫn Chúa đã củng cố đức tin cho các ông bằng lời nói nhưng các ông cũng chưa cảm thấy thỏa mãn. Niềm hạnh phúc lớn nhất mà ba môn đệ: Phê – rô, Gia – cô – bê và Gio – an   được Chúa thương cho các ông được thấy dung nhan Ngài. Khi được thấy hình ảnh của Chúa, Phê – rô đã thưa với Đức Giê – su rằng: “ Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay. Nếu Ngài muốn, con xin được dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô – sê và một cho ông Ê – li – a” (Mt 17, 4). Khi các ông nhìn thấy hình ảnh của Chúa, niềm tin của các ông tràn ngập để rồi thốt lên niềm hạnh phúc, muốn ở lại, để rồi Phê – rô không cần đến chỗ ở của mình mà chỉ cần làm cho các Ngài những cái lều để ở, con cái lều của mình lúc này là niềm hạnh phúc ở ba cái lều.
          Bằng con mắt thế gian ta không thể trực tri thấy được hình ảnh của Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng vô hình. Chỉ có con mắt đức tin ta mới thấy được Ngài đang hiện diện giữa chúng ta và trong chúng ta. Ta không thấy Ngài hiện diện nên ta cần đến ảnh tượng. Ảnh tượng là nơi gặp gỡ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa nhân loại và màu nhiệm Thần Linh. “Vẻ đẹp và màu sắc của các ảnh tượng kích thích việc cầu nguyện của tôi. Đó là một bữa tiệc làm no thỏa mắt tôi, cũng như cảnh đồng quê kích thích trái tim tôi ca tụng Thiên Chúa” [9]. Sự chia trí trong giờ cầu nguyện của con người, làm cho hình ảnh của Thiên Chúa không còn hiện diện trong tâm trí nữa. Lúc đó khi nhìn lên ảnh tượng thì những sự chia trí kia bị gạt bỏ để nhường lại cho sự tốt đẹp nơi Thiên Chúa ngự trị. Có nhiều lúc đức tin của tôi bị xáo trộn nhưng khi được chiêm ngưỡng ảnh tượng trong nhà nguyện tôi cảm thấy được an ủi, vỗ về. Bởi vì trong đó toát lên hình ảnh Thiên Chúa tràn ngập yêu thương, là người đang nhìn tôi với ánh mắt yêu thương, như người mẹ ấp ủ con thơ trong cánh tay Ngài. Ảnh tượng là con đường đẫn ta đến với Thiên Chúa. Ảnh tượng cũng giống như một bà cụ, nếu không có chiếc gậy thì khó có thể đi được, nhờ cây gậy hỗ trợ để rồi những bước chân của bà cụ bước đi.
Trong Công đồng Vaticanô II, số 122 nói về giá trị của nghệ thuật Thánh, “Giáo hội Mẹ cao sang, luôn luôn là bạn của mỹ thuật và không ngừng tìm đến sứ mạng cao quý của mỹ thuật, nhất là những vật dụng dùng trong phụng vụ thánh được thực sự xứng đáng, thích hợp và mỹ lệ, đồng thời biểu thị và tượng trưng những thực tại trên trời” [10]. Chính vì những giá trị cao quý và mang lại niềm tin cho những người tin hữu qua ảnh tượng, nên Giáo hội căn dặn “Các Đức Giám Mục hãy cẩn thận lo loại trừ khỏi Thánh Đường cũng như những nơi thánh khác những tác phẩm nghệ thuật nào nghịch với đức tin và phong hóa, nghịch với lòng đạo đức Kito giáo, cũng như những tác phẩm làm tổn thương ý nghĩa tôn giáo đích thực hoặc vì hình thức tồi bại, hoặc thiếu nghệ thuật, tầm thường và giả tạo” [11]. Không vì thế mà Giáo hội bỏ việc đặt các ảnh tượng trong những nơi thờ phượng mà “phải kiên quyết duy trì thói quen đặt ảnh tượng thánh trong các Thánh Đường cho các tín hữu tôn kính” [12]. Giáo hội cũng nói rõ, các ảnh tượng tôn kính đều quy về Đức Ki – tô là nguồn mạch của ơn cứu độ, nguồn mạch của sự sống. Chính Ngài đã nói “ An hem hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn an hem sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, vì ách của tôi thì êm ái và gánh của tôi thì nhẹ nhàng ” (Mt 11, 29-30). “Tất cả các dấu chỉ của việc cư hành phụng vụ đều quy hướng về Đức Ki – tô: Kể cả các ảnh tượng của Mẹ Thiên Chúa và của các thánh. Thật vậy, các ảnh tượng này nói về Đức Ki – tô, Đấng được tôn vinh nơi các Ngài. Các ảnh tượng này cho thấy “ ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh” (Dt 12, 1), các Ngài đang tiếp tục tham dự vào công trình cứu độ trần gian và chúng ta được lien kết với các ngài, nhất là khi cử hành các bí tích. Qua ảnh tượng của các ngài, đều được mạc khải cho đức tin của chúng ta. Con người được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa”, cuối cùng được biến hình nên “giống như Thiên Chúa”, và cả các Thiên thần, là những vị đã được quy tụ lại trong Đức Ki – tô: Theo chính giáo huấn của các Thánh Giáo phụ được Thiên Chúa linh hứng, và theo truyền thống của Hội Thánh Công giáo (mà chúng ta biết rằng đó là truyền thống của Chúa Thánh Thần, Đấng chắc chắn đang ngự trong Hội Thánh ), chúng tôi ấn định với tất cả sự chắc chắn và chính đáng rằng, cũng như hình tượng cây Thánh Gía  quý trọng và ban sự sống, các ảnh tượng đáng kính và thánh thiện, hoặc được vẽ và lắp ghép, hoặc bằng những chất liệu thích hợp khác, phải được đặt trong các thánh đường của Thiên Chúa, trên các bình thánh và y phục thánh, trên các bức tượng và các bức họa, trong nhà và trên các đường phố: đó là ảnh tượng của Chúa Giê – su Ki – tô, là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta, cũng như ảnh tượng của Đức Bà tinh tuyền, là Mẹ thánh của Thiên Chúa, ảnh tượng các Thiên thần đáng kính, của tất cả các Thánh và những người công chính” [13]. Mỗi người trong chúng ta đang sống trong xã hội đầy biến động. Chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa duy thực, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa ca nhân, chủ nghĩa thực dụng. Qua đó cũng làm cho đức tin của người Ki-tô hữu cách nào đó cũng bị ảnh hưởng. Không vì thế mà Tin mừng Chúa không được truyền đạt đến mọi nơi. “Nghệ thuật ảnh tượng Ki-tô giáo dùng hình ảnh để truyền đạt sư điệp Tin mừng, sứ điệp mà Sách Thánh lưu truyền bằng lời. Hình ảnh và lời nói làm sáng tỏ lẫn nhau”[14] 
III/ Kết Luận
 Chúa Giê – su khi mời gọi các môn đệ, Người muốn các ông từ bỏ tất cả để đi theo Người với cả trí khôn và tâm hồn. Giáo hội ngày nay cũng mời gọi các nghệ sĩ hãy đem hết sự khôn ngoan, tâm trí, tâm hồn con người nghệ thuật mà Chúa đã ban, để tạo nên những tác phẩm của nghệ thuật thánh, để truyền vào đó vẻ đẹp của Thần linh, mang lại hơi ấm niềm tin nơi người Ki tô hữu. Đức Thánh Cha Bê – nê – đit – tô XVI, trong sứ điệp gửi các tham dự viên khóa họp thường niên lần thứ 17 của Hàn Lâm Viện Tòa Thánh, nhóm họp chiều ngày 21/04/2012 tại Rô – ma, Ngài đã bày tỏ “Nghệ sĩ như Giáo hội, chứng nhân về vẻ đẹp của Đức tin”. Ngài nhận xét: “vẻ đẹp đức tin không bao giờ có thể là một chướng ngại cản trở sự sáng tạo mỹ thuật, vì có thể nói đức tin là nhựa sống và là chân trời tối hậu của sáng tạo nghệ thuật” [15]. Nghệ thuật là cánh tay nối dài trong công cuộc rao truyền Tin mừng cách hữu hiệu, mang lại cho người Kitô hữu nhìn thấu xuất ơn cứu độ của Thiên Chúa. “Nghệ Thuật Tạo Hình” như là bức thông điệp nhắn nhủ người tín hữu hãy cậy dựa vào Chúa bất cứ lúc nào, cậy đựa vào Chúa không chỉ bằng con mắt, tâm trí mà qua nghệ thuật thấu xuất trong trái tim mỗi người. “Nghệ thuật đã giúp Giáo hội diễn tả sứ điệp thánh của mình ra ngôn ngữ hình thể và sắc thái, khiến cho thế giới vô hình có thể được cảm nhận”[16]
                                                                                      Anton Nguyễn Văn Chính
Tài liệu tham khảo

1.     Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nhà xuất tôn giáo TPHCM, Bản Dịch của Nhóm cá giờ kinh phụng vụ.
2.     Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt nam Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin. Nhà xuất bản Hà Nội 2011. Tái bản lần thứ nhất. Hiệu đính bản dịch: Giám MỤC Phaolô Bùi Văn Đọc và Linh mục Giuse Bùi Văn Hoàng.
3.     Công đồng Va-ti-ca-nô II, Phân khoa thần học Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X.
4.     Con người suy tư về giá trị sinh hoạt của mình, triết III Dự Bị Thần Học. Soạn giả: Gioan Nguyễn Hiến Minh.
5.      http://hdgmvietnam.org/ Văn hóa – nghệ thuật. Một cái nhìn về nghệ thuật của Giám mục Matthêô Nguyễn Văn Khôi.
6.     https://sites.google.com/site/trangtintucconggiao/homedaichanly.


[1] Côn đồng Vaticano II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh, Số 122.
[2] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Số 2501.
[3] Web: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Một cái nhìn về Nghệ Thuật. Gm Matthêô Nguyễn Văn Khôi.
[4] Web: Hội Đồng Giams Mục Việt Nam. Một cái nhìn về Nghệ Thuật. Gm Matthêô Nguyễn Văn Khôi.
[5] Côn đồng Vaticano II, Hiến chế mục vụ về giáo Hội trong thế giới ngày hôn nay. Số 57.
[6] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Số 2500.
[7] Côn đồng Vaticano II, Gửi giới văn nghệ sĩ, Số 18.
[8] Trong thư của Đức Thánh Cha Gioan phaolo II, gửi các nghệ sĩ. (04/04/1999), Số 1.
[9] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Số 1162.
[10] Côn đồng Vaticano II, Gía trị nghệ thuật thánh, Số 122.
[11] Côn đồng Vaticano II, Gía trị nghệ thuật thánh, Số 124.
[12] Côn đồng Vaticano II, Gía trị nghệ thuật thánh, Số 125.
[13] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Số 1161.
[14] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo, Số 1160.
[15] Web: Tin tức Công giáo, Đài chân lý á châu. G. Trần Đức Anh, OP.
[16] Côn đồng Vaticano II, trong sứ điệp gửi toàn thể nhân loại , nhân ngày bế mạc, Số 17.