Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

MỤC TỬ

Anton Nguyễn Công Chính
I/ Dẫn nhập
          Người mục tử, chính là những người thay Chúa để lãnh đạo và hướng dẫn dân của Thiên Chúa. Người mục tử không phải là người ở ngoài cộng đoàn dân Chúa, nhưng ở trong cộng đoàn dân Thiên Chúa. Tất cả là con Thiên Chúa cách mật thiết qua bí tích Rửa tội. Thiên Chúa đã chọn gọi một số người trong cộng đoàn này để làm trung gian giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Những người này chỉ là phương tiện thông truyền ơn lành của Thiên Chúa xuống trên dân Người. Các vị mục tử không có quyền quyết định số phận của họ trong tay của mình ngoại trừ Thiên Chúa. Chính vì thế, các vị mục tử là cánh tay nối dài của Thiên Chúa. Qua cánh tay này, sẽ quy tụ dân Thiên Chúa trong một tình yêu duy nhất là Đức Ki-tô. Qua đó, dân sẽ thấy được tình yêu và luôn luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ.
          Cuộc sống người mục tử thực sự có muôn vàn những khó khăn. Khi dân Thiên Chúa kêu cầu mà không được Thiên Chúa đáp lời thì họ khiến trách các mục tử. Các mục tử không làm theo Lời Thiên Chúa thì bị Thiên Chúa trừng phạt, giống như ngôn sứ Giôna. Các mục tử cũng là con người nhưng được Thiên Chúa mời gọi cách đặc biệt, nên cũng có những hành động nơi các mục tử mang tính con người cách triệt để mà quên ý Thiên Chúa. Đôi khi cũng có những mục tử, dựa vào quyền uy của mình để chuộc lợi. Không còn coi trọng dân là dân của Thiên Chúa nữa mà lúc này dân là dân của mình để mình thống trị và phục vụ mình. Những điều này Thiên Chúa lên án và trừng phạt cách mạnh mẽ. Qua chương 34 của sách Edekien sẽ cho ta thấy được hình ảnh các mục tử sa đọa và việc Thiên Chúa trừng phạt các mục tử khi sống trong sự sa đọa đó. Qua đây, Chúa Giê-su cũng tỏ cho ta thấy một mục tử là phải như thế nào?. Điều này cũng toát lên được, chính Thiên Chúa là mục tử nhân lành, hy sinh tất cả vì đoàn chiên của mình. Hy sinh đến tận cùng nhất là đánh đổi mạng sống mình để cho đoàn chiên được sống.
II. Nội dung
1/ Các mục tử vô trách nhiệm (Ed 34, 1-10)
Đây là những câu nói về sự vô trách nhiệm của các mục tử khi sống giữa cộng đoàn dân Chúa. Các mục tử này đã tìm tư lợi cho chính bản thân mình từ cộng đoàn mình coi sóc. Thiên Chúa đã nhắc lại căn tính của các mục tử “nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao?” (x. Ed 34,2). Qủa vậy, mục tử không phải là người ăn trên ngồi trốc và cũng không phải là người chủ trong cộng đoàn đó, nhưng chỉ là người thay Chúa để chăn dắt cộng đoàn này mà thôi. Người chăn dắt là người biết tìm cỏ non cho đàn chiên, biết tìm nơi ở xứng đáng cho chiên lấy lại sức. Để có được điều này người mục tử càng phải kết hợp mật thiết với Chúa để lấy nguồn nguyên liệu để ban phát và tìm nguồn sức mạnh cho dân.
Các mục tử đã không làm như thế, họ chỉ biết tìm tư lợi cho bản thân. Tất cả những gì là tốt nhất trong cộng đoàn, các vị đều tìm cách chiếm đoạt mà không cần nghĩ đến sự vất vả mà người khác đã làm nên. “sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt” (Ed 34,3). Qủa thật, tất cả những gì tạo nên cuộc sống cho các mục tử đều xuất phát từ sự bao bọc của đàn chiên. Lo cho các mục tử có một cuộc sống mạnh khỏe để qua đó mang ơn Chúa đến cho mình. Nhưng đối với các mục tử thì hoàn toàn ngược lại, họ không cần biết cuộc sống của đàn chiên như thế nào?. Giữa một cuộc sống đầy cam co, sống trong cảnh bơ vơ giữa “màn trời chiếu đất”. Trong lúc này, đàn chiên cần đến các vị mục tử hơn bao giờ hết. Các vị là những người quy tụ và vun đắp tinh thần để đàn chiên tiếp tục chiến đấu với những gì đang sẩy ra. Nhưng các vị mục tử đã không làm như thế, dường như họ đã sống cách biệt với đàn chiên “chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên bị lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm” (Ed 34,4). Chiên đang sống trong những cảnh bơ vơ nhất, không có một nơi nương tựa, chính  những lúc này là lúc có nhiều thú dữ đến căn xé chiên hơn bao giờ hết “chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi ngon cho mọi dã thú” (x. Ed 34,5). Ngoài việc chiến đấu với thú dữ bên ngoài, họ phải chiến đấu ngay cả thú dữ bên trong đó chính là các vị mục tử “các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc” (x.Ed 34,4). Tất cả nói lên sự vô trách nhiệm của một mục tử, sống với chiên chứ không cần chết với chiên. Một sự hờ hững đến tột cùng nhất của những người chăn chiên. Chính những sự ơ hờ này, các mục tử sẽ phải trả lẽ trước nhan Chúa. Chính Chúa sẽ đòi lại chiên và trừng phạt các mục tử “Đây Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên, và các mục tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta khỏi miệng chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa.” (x. Ed 34,10).
2/ Đức Chúa sẽ trực tiếp dìu dắt đàn chiên của Người trong công lý và hòa bình (Ed 34, 11-22).
Trước sự vô trách nhiệm của các mục tử. Thiên Chúa đã trừng phạt các mục tử, thu hồi chiên lại không để cho các mục tử tìm tư lợi từ đoàn chiên của mình nữa. Thiên Chúa sẽ trực tiếp dẫn dắt đoàn chiên của mình, Ngài sẽ trực tiếp quan tâm, chăm sóc từng con chiên một không để cho chúng phải chết, phải bơ vơ trong cảnh khốn cùng này “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm” (x.Ed 34,11). Ngài sẽ quy tụ mọi con chiên lạc trở về, để chính tay Ngài chăm sóc, chữa lành những con chiên đang đau yếu để sớm hợp với đoàn chiên trong cánh đồng của Ngài. Con nào béo tốt và khỏe mạnh phải giúp đỡ những con đang đau yếu trong đàn của mình, để một đàn chiên hợp nhất với nhau. Để rồi không có sự phận biệt đối xử, không có sự trành dành lẫn nhau, không có sự đàn áp giữa người mạnh khỏe và người đau yếu. Qua đó, trở nên một đoàn chiên biết quan tâm và lo lắng cho nhau “Chính ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Sấm ngốn Đức Chúa là Chúa Thượng . Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm, con nào bị lạc, Ta sẽ đưa về. Con nào bị thương, Ta sẽ băng bó. Con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh. Con nào béo mập, con nào mạnh khỏe, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng”(Ed 34,15-16). Qua đó, cho ta thấy, một mục tử hết lòng vì đàn chiên, luôn quan tâm, chăn sóc tới tất cả mọi thành phần của chiên. Đàn chiên lớn mạnh chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của một mục tử sống hết mình vì đàn chiên. Chính Chúa Gie-su là mẫu gương của một mục tử nhân lành, sống hết mình vì đàn chiên.
Trong một cộng đoàn luôn có những người tốt người xấu. Chúa Gie-su cũng lên án và trừng phạt những con chiên không biết nghĩ tới con chiên khác. Lợi dụng đồng cỏ xanh tươi mà Thiên Chúa ưu ái mà chà đạp lên những con chiên khác, lấy sức mạnh của mình mà chiếm lấy phần tốt nhất mà không nghĩ đến những người xung quanh đang sống với chúng. Đó là những con người chỉ biết lo cho mình, không cần nghĩ tới người khác. Qua câu chuyện anh La-da-rô và người giàu có cho ta thấy rất rõ điều này. Giữa một bên là người giàu có, được ăn tất cả những gì là xa hoa nhất. Những gì còn dư thừa cũng không đến lượt những người nghèo khổ, vì họ còn quý trọng con vật hơn là người nghèo khổ. Không gì khác, Chính Thiên Chúa là người công tâm và ngày thẳng, họ sẽ phải trả lẽ về những hành động của mình, trước sự “dửng dưng” đối với những người bên cạnh mình “này Ta sẽ xét xử giữa chiên béo và chiên gầy”(x.Ed 34,20). Thực sự họ đã không nhận ra Thiên Chúa nơi những người xung quanh mình, để rồi coi con vật còn quý hơn những người bên cạnh họ.
3/ Vị mục tử lý tưởng (Ed 34, 23-31).
Sau khi đã tách những mục tử vô trách nhiệm với đàn chiên và giữa chiên với chiên. Lúc này đây là những con chiên ngoan hiền, biết vâng nghe Lời người. Thiên Chúa sẽ cho đàn chiên này một mục tử hết lòng vì chiên. Thiên Chúa sẽ trực tiếp dẫn dắt dân người qua vị mục tử này “Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng, nó sẽ chăn dắt chúng, đó là Đa-vít, tôi tớ của Ta: chính nó sẽ chăn dắt chúng, chính nó sẽ là mục tử của chúng”(Ed 34,23). Như vậy, qua những đoạn sấm ngôn trên, chúng ta có thể hiểu Thiên Chúa chăn dắt đàn chiên của mình qua Đa-vít, tôi tớ của Thiên Chúa. Qua Đa-vít Thiên Chúa thiết lập một giao ước giữa Thiên Chúa và dân người “Ta sẽ thiết lập với chúng một giao ước bình an, Ta sẽ đuổi thú dữ ra khỏi xứ. Chúng sẽ cư ngụ trong sa mạc an toàn, sẽ nằm ngủ trong rừng. Ta sẽ đặt chúng ở các vùng chung quanh các ngọn đồi của Ta. Ta sẽ cho mưa xuống đúng mùa, đó là những trận mưa phúc lành. Cây cối trên đồng sẽ trổ sinh hoa trái, đất đai sản sinh hoa lợi. Chúng sẽ sống an toàn trên đất của chúng.”(Ed 34,25-27).  Một sự ưu đãi đặc biệt của Thiên Chúa với dân. Còn gì chắc chắn và bảo đảm hơn khi Chính Thiên Chúa là người trực tiếp chăm sóc dàn chiên, Thiên Chúa là người canh giữ đàn chiên trong cánh rừng bao la của Ngài. Việc canh giữ cửa là việc của những người nô tỳ, canh giữ cho chủ nghỉ, nhưng Thiên Chúa lại chấp nhận làm những việc thấp nhất để cho đàn chiên được no say trong giấc ngủ mà không sợ một thế lực bên ngoài nào xâm chiếm “chúng không còn bị chư dân cướp phá cũng không còn bị thú vật trong xứ cắn xé. Chúng sẽ được an cư lạc nghiệp, không bị ai quấy phá”(Ed 34,28). Tất cả những việc làm của Thiên Chúa chỉ vì Tình yêu. Một tình yêu không so đo tính toán, một tình yêu sống hết mình với đoàn chiên, luôn lo cho dàn chiên những gì là tốt nhất. Một tình yêu hy sinh cả mạng sống của mình cho dàn chiên.
III/ Người mục tử lý tưởng hôm nay
Chính những việc làm của Ngài mà đàn chiên nhận biết đó chính là Thiên Chúa. Đây là bài học rất lớn cho các mục tử ngày hôm nay, những người đang thay quyền Chúa để dẫn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa. Ngày nay, với cuộc sống đầy biến động, người ta cần chứng nhân hơn là thầy dậy. Lời nói mà không đi với việc làm thì quả thực là một lời nói suông, không có thực.
Thực sự con người ngày hôm nay không còn tin nhau nữa, biết nhau, tin tưởng nhau cũng chỉ vì miếng cơm manh áo chứ trong thâm tậm thực sự họ không dành cho nhau những gì là quý nhất và tin tưởng nhất. Họ luôn có sự đề phòng lẫn nhau. Lúc này đây người mục tử cần hơn bao giờ hết. Chính các Ngài là chỗ dựa cho họ, nơi họ có thể trút bầu tâm sự bất cứ lúc nào. Chỉ nơi các Ngài họ mới tìm thấy sự bình an, sự vỗ về.
Họ không cần các mục tử giỏi dang và làm hết công trình này đến công trình khác. Họ cần những mục tử quan tâm, chia sẻ cuộc sống với họ. Họ cần những mục tử đạo đức, thánh thiện để từ đó mỗi lần họ được gặp gỡ và chia sẻ với ngài họ nhận được ơn lành của Thiên Chúa. Bằng lòng mến và sự gần gũi của các ngài họ cảm nhận chính Thiên Chúa đang ở với họ. Qua đó, những lời rao giảng của chúng ta đi vào lòng mọi người và được mọi người đón nhận với tất cả con tim và sự chân thành của mình. Thực sự, nếu người mục tử không có sự từ bỏ mình thì không sớm thì muộn các vị cũng tìm lại mình. Bỏ mình để đón nhận lấy đàn chiên mình đang coi sóc, có như vậy thì mới thực sự sống cùng, sống với đàn chiên.
IV/ Nhận Định
Qủa thực đây là một chương rất hay trong sách E-de-ki-en. Dương như đánh thức các mục tử ngày hôm nay. Nhất là chúng con những người đang ươm trồng để trở nên các mục tử như lòng Chúa mong ước. Qua đó, con càng phải cố gắng hơn và trao dồi những gì mà đàn chiên cần nơi các mục tử. Con xin mượn câu trong Tim mừng Gioan      để kết thúc cho bài làm của con “mọi người nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau (Ga 13,35).

Tài Liệu Tham Khảo
1/ Kinh Thánh Trọn Bộ. Nhóm các giờ Kinh Phụng Vụ.
2/ Các Sách Ngôn Sứ. Lm Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao, O.P.
3/ Đức Giê-su qua Kinh Thánh Cựu ước. Lý Minh Tuấn.