Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

ĐỨC GIÊ-SU LÀ NGƯỜI THẬT

Anton Nguyễn Công Chính
        Đức Giê-su Ki-tô vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật, đây là đặc tính niềm tin    Ki-tô giáo theo Giáo hội Rô-ma. Trong Kinh Tin Kính của công đồng Nice - Constantinopoli đã xác định Thiên Tính và Nhân Tính của Chúa Giê-su “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha: Nhờ người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta. Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng đức trinh nữ Ma-ri-a, và đã làm người”. Ngôi Lời đã có từ trước muôn đời, nhưng vì yêu thương nhân loại nên Ngài đã xuống thế, để cứu độ con người, mặc lấy thân phận con người để đưa con người trở về với tình yêu thương của Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã xác định Thiên Chúa là “duy nhất” và phải yêu mến Người “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”. Đồng thời, Người cũng ngầm cho ta hiểu chính Người là “Đức Chúa”. Tuyên xưng “Đức Giê-su là Đức Chúa” là căn tính của đức tin Ki-to giáo [1].
        Với đề tài này, mình sẽ tìm hiểu và trình bày về nhân tính của Đức Giê-su. Đây là một trong những đề tài lớn mà ngay trong thời kì đầu của Giáo hội có những cuộc tranh luộn hết sức sôi nổi giữa Giáo hội và các lạc thuyết phủ nhận nhân tính của Chúa Giê-su. Chính vì thế, với đề tài này con không có một tham vọng là tìm cho mình một suy nghĩ, một hướng đi riêng về nhân tính của Đức Giê-su. Tất cả với tìm hiểu, góp phần củng cố đức tin của mình. 
1/ Mặc khải của Tân ước
        Các sách Tin mừng đều cho ta thấy Chúa Giê-su xuất hiện là một con người thật. Mặc dù mỗi tác giả có những nét đặc trưng riêng để nói về Chúa Giê-su cho người khác hiểu, nhưng tất cả đều hướng đến mục đích chung đó là giới thiệu Chúa Giê-su cách gần gũi nhất với cuộc sống hiện tại của họ để họ dễ dàng tiếp nhận. Biến cố truyền tin cho Đức Ma-ri-a là một biến cố rất quan trọng. Qua biến cố này, Ngôi Hai Thiên Chúa ngự trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a cách tròn đầy qua tiếng “xin vâng” (Lc 1, 38). Qua cung lòng Đức Ma-ri-a nói lên sự dao duyên giữa trời và đất, để từ đây Ngôi Hai Thiên Chúa đi vào lòng người, mặc lấy thân phận loài người, để cứu độ nhân loại và đưa nhân loại trở về với tình yêu của Thiên Chúa. Ngài đến với con người như bao người khác được sinh ra có cha, có mẹ. Cùng ăn, cùng uống, cùng chơi với bao trẻ cùng thời. Mẹ của Ngài là một trinh nữ người Do Thái, đã đính hôn với Giu-se, thuộc hoàng tộc Đa-vít. Chính nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà Đức Ma-ri-a cứu mang và hạ sinh con Thiên Chúa mà vẫn còn đồng trinh (Mt 1,18-25). Qua đó nói lên rằng: Thiên Chúa trở nên con người và sẽ ở mãi với chúng ta, đó là tất cả sự tốt lành, thương xót và yêu thương của Người đối với chúng ta [2].
        Theo các tác giả Tin mừng, Chúa Giê-su sinh ra ở Be-lem thuộc miền nam nước Do Thái, trong hoàn cảnh đất nước đang bị đô hộ bởi để quốc Rô-ma “Thời ấy, hoàng để     Au-gut-to ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-nô-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri” (Lc 2,1-2). Giu- se thuộc dòng tộc Vua Đa-vít nên ông phải trở về nguyên quán và đem theo Đức Ma-ri-a đang mang thai Chúa Giê-su để khai trình hộ khẩu “ai nấy đều phải trở về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-ly-lê lên thành Đa-vít tức Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít” (Lc 2, 3-4). Đây quả là một chặng đường đầy gian nan, vất vả đối với Đức Ma-ri-a vì đã sắp đến ngày khai sinh Chúa Giê-su, không còn cách nào khác Đức Ma-ri-a phó thác con mình trong ơn Chúa và lên đường cùng với Giu-se để trở về quê quán của Giu-se. Thực vậy, điều gì đến cũng đã đến khi Ma-ri-a trở dạ, ông Giu-se đã đi tìm khắp nơi nhưng không có chỗ nào nhận cả, nên Giu-se đành chấp nhận đưa Ma-ri-a vào nơi ở của chiên, bò “ Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ ” ( Lc 2,7 ). Khi Chúa Sinh ra tại Bê-lem năm 747 tính từ ngày thành lập thành   La-mã, thì Xê-da Au-gút-tô làm thượng vụ La-mã. Cùng năm ấy, Hê-rô-đê cả được quốc hội La-mã ban cho tước hiệu làm vua người Do Thái, cai trị Pa-lét-tin. Hê-rô-đê cả là người ham hố quyền lợi, độc ác, nhưng được lòng tin của Thượng Vị và được dân chúng kính trọng. Chính ông là người giết các Hài Nhi với hy vọng giết được Chúa Giê-su. Khi ông Chết năm 750 thì Chúa Giê-su được 3 tuổi và được chia vương quốc Pa-lét-tin cho ba con. Ác-kê-lao cai trị 3 vùng: Giu-đe, Sa-ma-ri và I-du-mê. Hê-rô-đê cả là An-ti-pa cai trị miền Ga-li-lê và Pê-rê. Hê-rô-đê Phi-lip-phê cai trị ở miền bắc. Thời Chúa Giê-su, có phong trào tôn giáo thịnh hành là Biệt Phái và Xa-đốc [3]. Tất cả những trưng dẫn trên đều xác định Thiên Chúa là một người thật, trong một thời gian và không gian với những biến cố xẩy ra có trong lịch sử. Nói lên rằng: Ngài giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Ngài đến với thế gian không phải cho thế gian nhưng là để cứu độ thế gian. Người đến thiết lập vương quyền của Thiên Chúa. Vương quyền này không theo nghĩa đô hộ hoặc thống trị, nhưng là vương quyền của tình thường [4]. Người bày tỏ tình thương của Chúa Cha qua việc gần gũi với người tội lỗi, những kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội (x. Mc 2,15). Người bày tỏ tình thương của Thiên Chúa qua việc tha tội ( x. Mc 2,5 ; Lc 7,48-49). Cách đặc biệt Ngài bày tỏ uy thế của Ngài khi giảng dậy “Người giảng dậy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,29). Từ những việc chữa lành của Ngài, Ngài đã khơi dậy lòng tin nơi họ, chỉ có niềm tin mới có thể cứu chữa được “Khi Đức   Giê-su về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?. Họ đáp: Thưa Ngài, chúng tôi tin”(Mt 9,28). Cách đặc biệt, Ngài đã biểu lộ tình thương đối với nhân loại khi Ngài cầu xin cùng Chúa Cha tha cho nhân loại, để từ đầy nhân loại biết ăn năn trở lại trong chính con người họ “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết điều họ làm” (Lc 23,34). Qua cái chết, Ngài biến đổi tận căn lòng tin nơi họ để họ nhìn lại quãng thời gian Người ở với con người “Emmanuel”. Qua sự sống lại của Người, để con người đặt trọn niềm niềm tin và hy vọng vào ngày sau cũng sẽ được Phục sinh với Ngài. Dưới ánh sáng Phục sinh, các Ki-tô hữu tiên khởi đã đọc lại toàn thể cuộc đời của Đức Giê-su và đã giải thích bản thân của Người như là Đấng Thiên sai, Con Thiên Chúa. Mầu nhiệm này đã được mặc khải ngay từ khi thiên sứ truyền tin cho Đức Ma-ri-a, lúc sinh ra, khi làm phép rửa, lúc hiển dung [5]. Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã mặc khải chính mình và tỏ cho biết thiên ý nhiệm mầu (x. Ep 1,9), nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (2 Pr,1,4) [6].
        Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô đã nói về Ngôi Lời trong huấn từ về thánh Phao-lô như sau: Những bản văn thuộc loại sách khôn ngoan cũng nói rất nhiều về tiền hữu vĩnh cửu của Đức Khôn Ngoan, cũng nói về sự đi xuống, tự hạ của Đức Khôn Ngoan, tự tạo một căn lều giữa loài người. Chúng ta nghe âm vang tiền đề của Phúc Âm thánh Gio-an nói về lều xác thể của Chúa. Trong cựu ước đã có lều được dựng lên: đó là Đền thờ, phượng tự dựa theo luật Torah, nhưng theo nhãn quan Tân ước, ta có thể nói đây chỉ là tiên báo về cái lều thật sự và ý nghĩa hơn: đó là lều thân xác của Đức Ki-tô [7]. Qua đó cho tha thấy được, Cựu ước là một sự chuổn bị hơn thế nữa đó chính là những dấu chỉ được tiên báo trước trong ngày Chúa Giê-su hiện diện cách đích thực với nhân loại
2/ Khẳng định của giáo hội
        Công Đồng Nice I (325) ra đời trong bối cảnh có nhiều lạc thuyết phủ nhận Nhân Tính của Đức Giê-su. Đó là vào cuối thế kỉ thứ I và đầu thế kỉ thứ II, nhiều lạc thuyết phủ nhận thực tại thân xác của Đức Ki-tô và thực tại đời sống trần thế của Người, nhất là cuộc khổ nạn và cái chết, họ cho đó chỉ là ảo ảnh, khởi điểm cho lạc thuyết ảo ảnh. Những giáo phái thông tri sau này, gán cho Đức Ki-tô một thân xác ảo không có chút thực tế nào hay chỉ là một thân xác tinh tú trên thiên quốc, từ đó đưa đến thứ Thông tri Nhị Nguyên, theo những người này không thể có sự kết hợp giữa Ngôi Lời và một thân xác con người được, chỉ vì vật chất là nơi trị vì của sự xấu [8]. Đỉnh cao của ảo thân thuyết đó là Lạc giáo Arius   (280-330), ông là một linh mục thuộc trường phái Alexandrie, có tham vọng mang lại câu đáp dứt điểm dựa vào nguyên tắc mà ông cho là bất khả phi bác. Ông cho rằng Chúa Con thua kém Chúa Cha. Từ đó gây nên những cuộc luận chiến, xáo động và tranh đấu. Pha vào tranh cãi về giáo thuyết là những vấn đề chính trị và về từ vựng [9]. Trong lối suy tư của Arius không có sự hiện diện nhân tính trong con người của Chúa Giê-su. Khởi điểm của cuộc suy tư là bản tính của Đức Ki-tô. Logos đã kết hợp với thân xác con người Đức     Giê-su. Và cho rằng Đức Ki-tô không có hồn của nhân loại, bởi vì Logos đã thay thế chức năng của linh hồn. Logos là một hypostasis khác biệt với Chúa Cha và Thánh Linh. Mặt khác, Logos kết hợp chặt chẽ với con người Đức Giê-su cho nên không thể là Thiên Chúa như Chúa Cha được. Lý do là Thiên Chúa siêu việt, bất biến thì đâu có thể kết hợp với con người. Vì thế Logos thuộc về thế giới thụ tạo chứ không thể nào “đồng bản thể” với Chúa Cha [10]. Với xác tín đầu tiên này của Arius liên quan tới tính duy nhất của Thiên Chúa, nó vừa mang tính Kinh Thánh và vừa mang tính triết học. Trong một chiều hướng triển khai Ki-tô học từ dưới lên, Arius đã tự hỏi: làm thế nào để xác định Đức Giê-su  là “Con Thiên Chúa”, so với Chúa Cha?. Đứng trên những câu hỏi đo, Arius đã sử dụng một quan niệm cổ điển của triết học về Thiên Chúa để nói: Thiên Chúa là Một, không được sinh ra, có từ đời đời, tất cả các triết thuyết tôn giáo nhận biết như vậy. Thiên Chúa là duy nhất, không được sinh ra, hằng hữu vô vật chất, bất biến. Người không thể thông ban cái gì từ chính Người. Do đó tất cả những gì hiện hữu “bên ngoài” thì Thiên Chúa được quan niệm như là Nguyên lý vô thủy vô chung, những cái đó không thể và không là Thiên Chúa được,  nhưng chỉ là tạo vật của Người [11]. Chính vì thế, Arius phủ nhận đồng bản tính với Chúa Cha trong Chúa Giê-su. Chúa Giê-su không phải là Thiên Chúa thật, cũng khôn ngang hàng với Thiên Chúa, Người cũng không là con người thật, bởi vì thể xác mà Ngôi Lời đã kết hợp nơi Người đã không tạo nên và không có thể tạo nên một nhân tính thực sự và đầy đủ. Chính vì thế, Arius cũng phủ nhận luôn đau khổ của Chúa. Chúa Giê-su là một Thiên Chúa cấp thấp, bởi vì Thiên Chúa chân thực thì đã không chịu đựng một tình cảnh đau khổ như thế. Trong ngày lãnh lãnh nhận phép rửa, chính Chúa Cha đã thánh hiến Ngài. Vinh quang và Phục sinh của Ngài đều nhận từ nơi cao. Chúng không phải đến từ chính Người, nhưng là đến từ Chúa Cha. Trong suốt cuộc đời của Người, Đức Giê-su đã chứng tỏ Người luôn tuân phục Chúa Cha, Người nhìn nhận Chúa Cha lớn hơn Người .[12]
 Trước tình hình đó, Công Đồng Ni-ce I đã nhóm họp và khẳng định nhân tính thật có trong Chúa Giê-su, bác bỏ lại toàn bộ những chủ thuyết để phủ nhận nhân tính trong  Chúa Giê-su. Các giáo phụ của công đồng đã khởi đi không phải từ một suy tư mang tính biện luận về hữu thể Thiên Chúa, nhưng từ kinh nghiệm về ơn cứu dộ đã được thưc hiện trong cộng đoàn Ki-tô hữu ngay từ đầu [13]. Với tình yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã tự hạ để cứu độ con người và cho con người được thông phần với vinh quang trên thiên quốc. Nếu Người không phải là Thiên Chúa thật, thì Người không thể làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa được, Người cũng không thể làm cho chúng ta được thông dự vào đời sống Chúa Ba Ngôi nếu như chính Người không có sự trọn hảo ấy. Qua đó nói lên ơn ơn cứu độ được thực hiện cách toàn diện trong con Người Chúa Giê-su.
Theo thánh Athanase, người biện hộ của Nice, nếu Chúa Giê-su- Ki-tô không phải là Thiên Chúa thật và không phải là người thật, như thể Ki-tô học Ngôi Lời thể xác của Arius bảo vệ, thì Người không có khả năng đem lại ơn cứu độ cho nhân loại, và con người không thể tìm thấy ơn cứu độ trong Người “bởi Người đã đích thân làm người để chúng ta được thành Thiên Chúa, chính Người đã trở nên hữu hình nhờ thân thể Người, để chúng ta có được một ý niệm về Đấng là Cha vô hình, và Người đã hứng chịu người ta lăng nhục để chúng ta có phần trong tính bất loại”[14]. Một cách nào đó ta có thể nói, để hiểu về Đức    Ki-to thì phải đi từ chức vụ của Ngài, được Ngài thực hiện trong cuộc sống. Hầu mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Công đồng cho thấy rằng mọi hành vi tách biệt “Đức Ki-tô đối với tôi” với “Đức Ki-tô trong chính Người” hay “Đức Ki-tô đối với Thiên Chúa” là phả hủy đức tin. Điều này muốn diễn tả một cách tương tự, đó chính là mối dây liên kết thiết yếu giữa Chúa Ba Ngôi trong nhiệm cục cứu độ và Chúa Ba Ngôi trong “bản thể” hay là Ba Ngôi trong “nội tại tính”. Nhiệm cục cứu độ được thực hiện bởi Thiên Chúa Cha nhờ sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần đưa tới khẳng định về sự chuyển thông của Chúa Ba Ngôi trong lòng thiên tính. Công đồng cũng khẳng định chức vị làm con Thiên Chúa được gán cho Đức Giê-su Ki-tô bởi tân ước phải được hiểu trong nghĩa chặt của nó. Các nghị phụ bảo toàn thiên tính của Chúa Con: Về thiên tính Chúa Con ngang bằng với Chúa Cha. Xác tín này được dựa vào sự trình bày rất cụ thể mà Tân ước tỏ bày cho chúng ta về tương quan sống động nhất, trong đời sống, cái chết và sự Phục sinh của Đức Giê-su với Cha của Người [15]. Tất cả những khẳng định của công đồng Nice I được tóm gọn trong Kinh Tin Kính mà các Chúa Nhật và các Ngày lễ trong ta thường hay đọc trong Thánh Lễ.
Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô cũng đã khẳng định về sự tiền hiện hữu liên kết với sự tự hạ của Con Thiên Chúa vào trần gian, điều này đã gặp một tái xác quyết về so sánh giữa Đức Khôn Ngoan và Đức Ki-tô, với tất cả hệ luận vũ trụ và nhân luận phát xuất từ đó, trong lá thư thứ nhất gửi Ti-mô-thê “Đức Ki-tô xuất hiện trong thân phận người phàm, được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính, Người được Thiên Thần chiêm ngưỡng và được loan truyền giữa muôn dân, Người được cả hoàn cầu tin kính, được siêu thăng cõi trời vinh hiển” (Tm 3,16). Đức Thánh Cha đã khẳng định, dựa vào những điều này, người ta có thể xác định phận vụ của Đức Ki-tô rõ ràng hơn như Đấng Trung Gian duy nhất, trong liên hệ với Thiên Chúa duy nhất của Cựu ước (x. 1Tm2,5 liên hệ với Is 43,10-11; 44,6 ). Đức Ki-tô chính là cây cầu đích thực dẫn chúng ta lên trời, bước vào hiệp thông với Thiên Chúa [16].
3/ Kết Luận
Tuyên xưng Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa thật và là người thật, là căn tính của người Ki-tô hữu, là một mầu nhiệm lớn nhất nên với trí óc con người không thể nào thấu hiểu tận căn mầu nhiệm này. Trải qua bao nhiêu thế kỉ, con người cũng chỉ dựa vào Kinh Thánh để hiểu về Ngài, đây là gia tài lớn nhất của Giáo hội khi giới thiệu Chúa Giê-su cho người khác. Chính Ngài đã đến với con người, hiện điện trong đời sống hằng ngày với nhân loại để nhận loại tiến gần với Chúa hơn.  Qua đó xác định rõ hơn, Đức Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn chút bỏ vinh quang, trở nên con người như chúng ta, đã vâng lời cho đến chết trên thập giá. Vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người trên tất cả và mọi miêng lưỡi phải tuyên xưng “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (x. Pl 2,6-11). Trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta và toàn thể sáng tạo không phải là những khán giả vô tư, nhưng Đức Ki-tô là Trưởng Tử mà chúng chúng ta phải thông phần vào bản chất và hình dạng của Người (x. Rm 8,29), cho đến khi Người thống trị tất cả (x.Ep1,23) [17].


[1] Sách giáo lý hội thánh công giáo (Hội đồng giám mục Việt Nam - ủy ban giáo lý đức tin dịch), NXB tôn giáo, hà nội, 2009, Số 202.
[2] Lm Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Ki-tô, Nxb tôn giáo, 2007, 54.
[3] Lm Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Ki-tô, Nxb tôn giáo, 2007, 11.
[4] Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chua, Hoc Viện Đa Minh năm 2012. 150
[5] Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chua, Hoc Viện Đa Minh năm 2012. 152.
[6] Thánh Công Đồng Vaticano II (Hội đồng giám mục Việt nam- ủy ban giáo lý đức tin dich 2012), Số 2.
[7] ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI, Huấn từ của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI về thánh Phaolo, Lm, Aug NguyễnVăn Trinh dịch, Nxb tôn giáo, 111.
[8] Lm Augutto Nguyễn Văn Trinh, Dẫn nhập vào Ki-tô học, Nxb tôn giáo, 269.
[9] Lm JB Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Ki-tô học, Đại Chủng Viện Vinh Thánh  năm học 2015-2016. Tr 177.
[10] Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chua, Hoc Viện Đa Minh năm 2012. 239.
[11] Lm JB Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Ki-tô học, Đại Chủng Viện Vinh Thánh  năm học 2015-2016. Tr 178.
[12] Lm JB Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Ki-tô học, Đại Chủng Viện Vinh Thánh  năm học 2015-2016. Tr 181.
[13] Lm JB Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Ki-tô học, Đại Chủng Viện Vinh Thánh  năm học 2015-2016. Tr 182.
[14] Suy tư của Thánh Athanase thành Alexandria. Trong giáo trình Cha giáo JB Nguyễn Khắc Bá.
[15] Lm JB Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Ki-tô học, Đại Chủng Viện Vinh Thánh  năm học 2015-2016. Tr 184.
[16] ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI, Huấn từ của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI về thánh Phaolo, Lm, Aug NguyễnVăn Trinh dịch, Nxb tôn giáo, 113.
[17][17] ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI, Huấn từ của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI về thánh Phaolo, Lm, Aug NguyễnVăn Trinh dịch, Nxb tôn giáo, 115.