Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

ÂN SỦNG CỦA THIÊN CHÚA VÀ Ý CHÍ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI CÙNG HOẠT ĐỘNG

Anton Công Chính
Con người đang sống trong một xã hội phát triển về mọi mặt. Những trào lưu của xã hội đã làm cho con người thay đổi cách sống, cách suy nghĩ và cách hành động. Chính vì thế đã đẩy con người đến việc tự khẳng định chính mình, cho mọi thứ xung quanh là cái để phục vụ mình. Từ những suy nghĩ đó đã đẩy Thượng Đế ra khỏi suy nghĩ của họ, coi Thượng đế đã can thiệp và làm mất tự do của họ. Hạnh phúc con người đạt được không phải là Thượng đế ban tặng nhưng đó chính là nỗ lực của chính bản thân đã đạt được. Con người có thể làm tất cả để phục vụ cuộc sống này và con người được hưởng những gì mà họ đã làm ra. Những thành công hay những thất bại trong cuộc sống tự con người có thể định đoạt được mà không cần đến sự trợ giúp từ “ơn trên” ban tặng. Thượng Đế ở trên cao thì cứ ở trên cao chứ đừng để ý đến những chuyện dưới đất này và ngược lại những người đang sống trong thế giới dương gian hãy sống và làm những gì ở dương gian, đừng suy nghĩ gì tới những gì ở trên cao, nếu không sẽ đánh mất đi sự tự do nơi chính bản thân. Bên cạnh đó, Phật giáo đã đề cao việc tự giải thoát chính mình mà không cần đến Đấng Siêu Việt. Với họ không ai có thể cứu được bản thân bằng chính bản thân họ, mỗi người phải tự cứu lấy bản thân mình trước thì mới có thể cứu được người khác. Vì thế, mỗi người Phật giáo ra sức để kiến tạo hạnh phúc và tìm cách để tự mình có thể đạt đến Niết Bàn, nơi mà không còn đâu khổ chi phối. Không những Phật giáo mà ngay cả một số người Ki-tô giáo cũng có những người quan niệm Ân sủng của Thiên Chúa đã đánh mất đi hoặc giảm thiểu ý chí tự do của họ. Chính vì thế, có những người đã sống rất buông xuôi mà không cần đến sự cộng tác và tìm kiếm Nước Trời nơi Thiên Chúa. Để rồi yên trí trong một suy nghĩ, dù mình có tội lỗi như thế nào thì với ân sủng của Thiên Chúa cũng không làm cho ta xa rời Nước Trời là bao, tất cả rồi sẽ được cứu rỗi.
Đứng trước những vấn nạn như thế, sau khi tìm hiểu đề tài “Nguyên Tội, Ân Sủng và Sự Công Chính Hóa”, đã cho người viết những bằng chứng để xác định Ân Sủng của Thiên Chúa và Ý Chí Tự Do của con người luôn hoạt động cùng nhau chứ không có sự tách biệt hay lấn át trên nhau để rồi cái này con, cái kia mất.

1/ Ân Sủng của Thiên Chúa

        Nói đến Ân sủng của Thiên Chúa là nói đến tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa  ban tặng cho nhân loại. Chính nhờ ân sủng mà con người sau khi phạm tội đã ăn năn và được trở về với tình yêu của Thiên Chúa. Ân sủng được Thượng Đế ban cho các tín hữu để chia sẻ vinh quang của Ngài vinh viễn [1]. Ân sủng là ân huệ Thiên Chúa ban một cách tự do và vô điều kiện, giúp con người tham dự sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và có khả năng hành động vì tình yêu dành cho Ngài [2]. Quả vậy, "ân sủng là sự sinh ra trong một cuộc sống mới, cuộc sống của Thần Khí, Đấng ban sự sống. Kinh nghiệm về sự sống này là kinh nghiệm của Thánh Linh. Chế độ của ân sủng là chế độ của Thần Khí. Thần khí, ân huệ tuyệt vời của Thiên Chúa, minh chứng cho tâm trí chúng ta, bằng một kinh nghiệm chắc chắn rằng, ân sủng biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa, được quyền gọi Thiên Chúa là Cha”(Rm 8,15-16). Chính vì thế, ân sủng của Đức Ki-tô là ân huệ nhưng không, qua đó Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống của Người. Nhờ Thánh Thần, Thiên Chúa ban sự sống đó vào linh hồn để chữa trị tội lỗi và thánh hóa chúng ta [3]

2/ Ý Chí Tự Do của con người

         Trước hết ý chí tự do gắn liền với bản tính của con người. Ngay cả khi con người phạm tội, ý chí tự do cũng không bao giờ mất đi, dường như ý chí tự do tiềm ẩn trong sâu thẳm mỗi người mà chỉ người đó mới có thể biết và thấu hiểu được. Giáo lý về “ý chí tự do” do James Aminius (1560-1609), người Hòa Lan khởi xướng hay còn được gọi là học thuyết của Aminius đã cắt nghĩa về ý chí tự do của con người như sau “Ý chí: mô tả năng lực của tâm trí con người mà nhờ đó con người có thể định hướng cho tư tưởng hay hành động của mình. Từ ngữ “tự do” có nghĩa là không bị lệ thuộc, không bị kiểm soát, hay không bị hạn chế bởi bất cứ điều gì. Như vậy ý chí tự do là khả năng rất đặc biệt mà Thiên Chúa phú cho con người, bởi nó, con người được tự do chọn lựa và quyết định. Thiên Chúa đã tạo dựng con người rất đặc biệt. Chúng ta được tự do chọn lựa để vâng lời hoặc không vâng lời Ngài. Thiên Chúa muốn con người vâng lời Ngài bởi sự tự nguyện chứ không bị tác động bởi một quyền lực nào khác” [4]. Ý chí tự do chọn lựa là yếu tố để hành vi con người trở thành hành vi nhân linh, “hành vi đã được chọn cách tự do theo phán đoán của lương tâm” (GLHTCG 1749). Ý chí tự do chỉ đạt tới mức hoàn hảo khi con người biết quy hướng về Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực của họ (x. GLHTCG 1731) [5]. Từ những trích dẫn đó ta có thể nói ý chí tự do là khả năng chọn lựa mà mỗi người sinh ra cùng với nó. Ý chí tự do chính là ý chí khi nó thuộc về bản tính thiêng liêng. Nó không bao giờ mất đi, ngay cả khi ý chí ở trong tình trạng nô lệ của tội [6].

3/ Mối Tương quan Ân Sủng và Ý Chí Tự Do cùng hoạt động trong con người.

        Ân sủng của Thiên Chúa và ý chí tự do của con người có mối tương quan mật thiết với nhau. Ân sủng của Thiên Chúa và ý chí tự do của con người không thể tách rời nhau, nếu tách rời hai phạm trù này riêng rẽ ra thì cũng giống như con cá tách ra khỏi nước. Tương tác giữa ân sủng của Thiên Chúa và ý chí tự do của con người làm cho tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ cách rõ ràng cho nhân loại và nhân loại nhận ra được tình yêu nơi Thiên Chúa. Chính tình yêu, mà Thiên Chúa đã làm cho mọi sự từ không mà có và ngược lại từ những thụ tạo Ngài đã làm nên nhận ra và hưởng lấy tình yêu Ngài ban tặng. Quả vậy, trong tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa với con người và con người với Thiên Chúa đã tạo nên một sự hợp nhất trong tình yêu. Khi con người đã lạm dụng tự do Chúa ban để phạm tội, Thiên Chúa không bỏ rơi con người nhưng đã ban chính Con Một yêu dấu của Ngài xuống để cứu độ nhân loại và đưa nhân loại trở về với Ngài (x. Rm 8,32). Thực vậy, sự tội đã làm cho con người tốt lành ban đầu ra hư hoại, chính sự tội này đã làm cho con người xa cách Thiên Chúa về thể xác nhưng trong sâu thẳm cõi lòng con người luôn quy hướng về Thiên Chúa. Sự tội đã làm cho ý chí tự do của con người bị tổn thương. Chính vì thế, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, ý chí tự do của con người luôn tìm cách hướng về Thiên Chúa để đẩy lui những sự tội ra xa.
 Ân sủng là quà tặng nhưng không mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, nhưng nhân loại luôn tìm cách chống đối và tìm cách lẩn trốn thì ân sủng của Thiên Chúa không thể  đến được với nhân loại, nên cần có ý chí tự do của con người để đáp trả và tiếp nhận thì ân sủng đó sẽ đến được với nhân loại nói chung và trực tiếp trên những con người đó. Ân sủng của Thiên Chúa và ý chí tự do của con người không nằm trên một bình diện, cũng giống như hai con ngựa kéo cùng một chiếc xe: Sức kéo của con này làm nhẹ gánh cho con kia bao nhiêu thì con kia cũng phải bỏ sức ra như vậy. Giữa ân sủng và tự do là hai hoạt động không nằm trên cùng một trật tự, như Y.de Montcheuil viết: nó không cạnh tranh nhau và có thể chấp nhận rằng cái này làm cho cái kia hiện hữu. Trong hành động tốt của tôi, tất cả đến từ hồng ân và tất cả đến từ tự do, vì chính ân sủng làm cho tôi được tự do, không phải để có thể chọn, nhưng để hành động một cách tự do ngay tại đây và trong giây phút này [7]. Qua đó cho ta thấy được giữa ân sủng của Thiên Chúa và ý chí tự do của con người không lấn át trên nhau hay “cái này có và cái kia” không có nhưng là sự bổ trợ cho nhau để thực hiện trong bản thể người. Các hành động của bản thể người chỉ là những hành động đến sau của ân sủng Thiên Chúa và ý chí tự do của con người. Cũng giống như một đứa trẻ để biết thực trạng đời sống của mình trong thế giới thì cần có những người hướng dẫn và từ đó làm nền cho đứa trẻ biết khám phá những bí ẩn xung quanh để được tồn tại trong thế giới bao la này. Thánh Augustino đã cho ta thấy mối tương quan: ân sủng và ý chí tự do của con người không chỉ là chiếc cầu khả thể nối con người với Thiên Chúa, nhưng còn là sự hảo tâm của một con người luôn tự hiến. Trước hết nói không phải và không chỉ là một “trung gian”, ngay cả sau thời Augustino, người ta đã nói tới hồng ân “tạo dựng” và hồng ân “công chính hóa” như là một cái gì đó tự hiện hữu [8]. Theo đó, ta có thể hiểu Ân sủng của Thiên Chúa và ý chí tự do của con người là hai phạm trù luôn hoạt động cùng một lúc, được bổ trợ và hỗ trợ nhau để tỏ lộ ra bên ngoài bằng chính đời sống hằng ngày nơi người ấy, mặc dù những điều thể hiện ra bên ngoài không thể nào phản ánh hết những gì bên trong đang có. Người ta thường nói với nhau “Miệng thì nam mô nhưng lòng chất chứa một bồ dao găm”. Qủa thế, những điều được người ta thể hiện ra bên ngoài không phản ảnh cách hoàn toàn cái bên trong và ngược lại những người tiếp nhận cũng không thể nào phản ảnh được cái bên trong để cho người được cho hiểu hết được. Từ đó, ta có thể xác định ân sủng của Thiên Chúa không làm giảm thiếu ý chí tự do của con người và ý chí tự do của con người cùng không làm giảm thiểu ân sủng của Thiên Chúa. Qua đó, ta có thể nói, ân sủng toàn quyền hoạt động, nhưng nó không cưỡng bức con người. Và con người không phải là một khả thể tĩnh được đặt đối điện với Thiên Chúa, nhưng là một sự tự do, được dựng nên cho Thiên Chúa, một tự do mà lời mời gọi của ân sủng làm cho nó được trở nên hiện thực và khiến nó có khả năng hợp nhất với cái động năng cư ngụ nơi mình [9]. Một câu châm ngôn trong thần học trung cổ, có thể làm sáng tỏ hơn về sự hoạt động này đó là “ân sủng không hủy hoại thế giới tự nhiên, nhưng hoàn chỉnh nói”. Thực vậy, niềm tin không rút ra khỏi hoàn cảnh trần thế. Trái lại: niềm tin trả chúng ta về với nhiệm vụ trần thế cách khẩn trương hơn, vào các giai đoạn mà nó phải nhập thể trong các nền văn minh và văn hóa xa lạ với đời sống Ki-tô giáo, hoặc do bởi quá khứ của chúng, hoặc do bởi tính chất mới mẻ của chúng [10].
Augustino lưu ý rằng Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta về tên của Thiên Chúa và Đấng Cứu Chuộc là Đấng “giàu lòng thương xót”. Ân sủng là một sự trợ giúp cho ý chí tự do của con người, khi cho nó khả năng cụ thể để trở thành tự do. A-dam trong tình trạng vô tội đã hành động trong ân sủng, tức là trong khả năng đích thực để thực hiện những chọn lựa của tự do, nhưng nguyên tổ đã lạm dụng tự do để phạm tội, và con người đã bị dục vọng thống trị. Augustinô nói rằng, với tội, Adam đã đánh mất “tự do”. Tuy nhiên, ân sủng không thay thế ý chí tự do, nó chỉ giúp cho ý chí này có khả năng thực hiện tự do [11]. Trong cuộc tranh luận giữa Augustino và các đan sĩ ở Adrumète và ở Provence vào lúc cuối đời đã cho ta thấy mối tương quan cơ bản giữa ân sủng và tự do xứng đáng với toàn bộ sự hiện hữu của con người. Nó ghi dấu sự khởi đầu của đức tin, hay là sự sám hối đầu tiên, nó tiếp tục theo đuổi suốt cả cuộc đời, nó tái hiện khi kết thúc cuộc đời nhờ ơn bền đỗ đến giây phút cuối cùng. Như vậy, ân sủng của Thiên Chúa vá ý chí tự do của con người không bao giờ mất đi, nó đi theo suốt cuộc đời con người trên dương gian này để bổ trợ và giúp sức con người trong suốt cuộc đời.

4/ Kết luận

Từ những tìm hiểu và phân tích trên cho ta xác định quan niệm ân sủng của Thiên Chúa không làm mất đi hay giảm thiếu ý chí tự do của con người nhưng là nguồn trợ lực và hướng dẫn con người hoạt động. Mối liên hệ này cũng giống như “Giê-su học” và “Ki-tô học” phải đi đôi với nhau: Một Giê-su không phải là Ki-tô thì trống rỗng, và một Ki-tô không phải là Giê-su thì chỉ là huyền thoại[12]. Từ đó cũng giải thích được, con người không thể tự giải thoát chính mình mà cần có ân sủng của Đấng Siêu Việt, mà với  con người không thể nào biết và thấu hiểu được, cũng giống như con người không thể nào diễn tả hết những suy nghĩ trong sâu thẳm cõi lòng cho người khác hiểu thấu được. Ân sủng luôn hoạt động nơi mọi người thiện chí (MV 22). Ân sủng hoạt động nơi những người vô tình không nhận biết Đức Ki-tô (GH 16). Qủa thật, ân sủng đang tác động nơi những anh em ly khai (GH 15). Như vậy, ân sủng của Đức Ki-tô tràn lan trên hết mọi người không loại trừ ai nhờ Giáo hội (GH 8).



[1] Marguerite Maria Thiollier Chủ Biên, Lê Diên dịch. Từ điển tôn giáo, Tr 275.
[2] Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc HĐGMVN, Từ Điển Công Giáo 500 mục từ, NXB Tôn giáo, Tr 9.
[3] GLHTCG, Số 1999.
[4] www. Giảng giải Kinh Thánh. Net. Sự tiền định của Đức Chúa Trời và ý chí tự do của con người của Trần Đình Tâm. Truy cập ngày 27/02/2016.
[5] Từ điển 500 mục từ của HĐGMVN thuộc ủy ban giáo lý đức tin. NXB tôn giáo. Tr 393.
[6] V.GROSSI và B.SESBOUE do Lm Nguyễn Tiến Dưng,AA dịch. Giáo trình” Nguyên tội Ân sủng và sự công chính hóa” Tr 243.
[7] V.GROSSI và B.SESBOUE do Lm Nguyễn Tiến Dưng,AA dịch. Giáo trình” Nguyên tội Ân sủng và sự công chính hóa” Tr 246.
[8] V.GROSSI và B.SESBOUE do Lm Nguyễn Tiến Dưng,AA dịch. Giáo trình” Nguyên tội Ân sủng và sự công chính hóa” Tr 243.
[9] Lm Phero Trần Ngọc Anh. Nhân học Ki-tô giáo tập 2. Nxb Phương Đông , Tr 363.
[10] La foi des Catholiques, Nhóm phiên dịch: Phạm Minh Thiện, Tống Việt Hệp, Phan Mạnh Trinh. Niềm Tin Của Người Công Giáo. Nxb Tôn Giáo. Tr 455.
[11] V.GROSSI và B.SESBOUE do Lm Nguyễn Tiến Dưng,AA dịch. Giáo trình” Nguyên tội Ân sủng và sự công chính hóa” Tr 245.
[12] Norbefto Nguyễn Văn Khanh, Ofm. Đức Giê-su Ki-tô Ngôi Lời Nhập Thể. Nxb tổng hợp TPHCM. Tr 31.

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

SUY NIỆM CON THUYỀN TRUYỀN GIÁO ĐẦU TIÊN TỚI ĐÀNG NGOÀI

Anton Công Chính
        Biến cố ngày 19.03.1627 là một biến cố hết sức quan trọng đối với Đàng Ngoài nói chung và đối với Cửa Bạng, Thanh  hóa  nói riêng được đón nhận Tin mừng đầu tiên từ cha Đắc Lộ và cha Marquez . Qua biến cố này cũng cho con thấy bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, chính Ngài đã dìu dắt và đưa con thuyền của hai nhà truyền giáo trải qua giông tố, bão bùng trên biển khơi cập bến an toàn. Đây cũng là điều mà con tâm đắc trước khi con bước chân vào đời sống tu. Dù có khó khăn, gian khổ đến đâu nếu con người biết cậy trông, bám víu nơi Thiên Chúa thì sẽ vượt qua tất cả. Từ đây cho con những suy niệm về hành trình từ khi rời bến đậu cho đến ngày cập bến của con thuyền truyền giáo đầu tiên tới Đàng Ngoài nói chung và cách riêng là Cửa Bạng, Thanh hóa.
 Ngày 12.03.1627 là ngày lên đường của hai cha Đắc Lộ và cha Marquez từ Ma-cao đi xứ bắc [1]. Như là cuộc hành trình của tổ phụ Ap-ra-ham hay của dân It-ra-en xưa. Cũng thế, trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giê-su, Ngài luôn dùng phương tiện thuyền để phục vụ công việc rao giảng. Cũng vậy, cuộc hành trình truyền giáo của hai vị đến Đàng Ngoài cũng bắt đầu với chiếc thuyền. Đây không phải là tàu của Bồ Đào Nha, với đầy đủ mọi phương tiện để chống chọi với sóng dữ biển khởi. Nhưng đây chỉ là một con thuyền thô sơ không có gì cả thì làm sao có thể chống chọi được với thú dữ. Con thử hỏi, nếu đặt con vào trong trường hợp này liệu chừng con có từ bỏ tất cả để bước xuống con thuyền này không ? Chắc có lẽ, không chỉ riêng con mà nhiều người khác chắc cũng biện lý do này lý do kia để từ chối việc đi truyền giáo này. Qủa thực, cuộc hành trình của các Ngài làm con nhớ đến hành trình của tổ phụ Ap-ra-ham trong sự phó thác nơi Thiên Chúa cách triệt để. Cuộc hành trình trên biển khơi đối với hai nhà truyền giáo cũng thế, các ngài không mang gì ngoài tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc các ngài, để từ đó các ngài tin tưởng có bàn tay Thiên Chúa dẫn dắt. Đối với biển khơi thì giống tố bão bùng là chuyện thường tình và xẩy ra bất cứ lúc nào. Quả thật, điều gì đến cũng đến đối với chuyến đi của các ngài, sáu ngày thuận buồn suôi gió nhưng bước sang ngày thứ 7 thì giông tố ập đến trên con thuyền bé nhỏ của các ngài [2]. Chắc có lẽ các ngài cũng tìm mọi cách để chống đỡ làm sao cho chiếc thuyền của mình không bị lật chìm. Nhưng thử hỏi thuyền thô sơ như thế thì làm sao có thể chống trả được với sức mạnh của gió, của nước, cũng giống như làm sao có thể lấy trừng mà chọi với đá được. Tất cả chỉ là vô vọng nếu không có bàn tay của Thiên Chúa. Qủa thật, nếu con người không có niềm tin thì liệu chừng họ có qua khỏi đêm này không?. Hay cũng chỉ tìm đủ mọi cách chống trả với sức người rồi cũng bước qua trong vô vọng sức mạnh của gió và nước. Cách riêng đối với bản thân con vào lúc này chắc có lẽ cũng giống như các môn đệ khi xưa trên biển cùng với thầy Gie-su mà thôi. Cũng chỉ biết hô hào và dùng sức mình để chống trả lại giông tố “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (x. Mc 4, 38).  Đối với 2 nhà truyền giáo lúc này cũng giống như hình ảnh của Chúa Giê-su trên biển, các ngài vẫn bình tĩnh với sự xác tín đã có Thiên Chúa cứu và chính Ngài sẽ gìn giữ con thuyền của họ “im đi, câm đi! Gió liền tắt, và biển lặng như tờ” (x.Mc 4,39). Qua biến cố này khơi dậy lại niềm tin nơi con.
        Khi nói đến biển khơi thì ta nghĩ đến sự rộng lớn bao la. Thử hỏi với sự rộng lớn cùng với giông tố ập đến thì chiếc thuyền của hai nhà truyền giáo sẽ trôi dạt về đâu, nếu không có bàn tay Thiên Chúa dẫn dắt. Qủa thật, con thuyền của các ngài cập bến đúng như ý muốn của các ngài đó là Đàng Ngoài chứ không phải Đàng Trong. Giả như chiếc thuyền của các ngài tiếp tục trôi dạt vào Đàng Trong thì các ngài lại phải trở lại vị trí ban đầu để tiếp tục lên đường. Thật vậy, ngay từ thời thầy chí thánh Giê-su đi rao giảng không có chuyện giá như ở đây, tất cả đều dó thánh ý Thiên Chúa. Điều đặc biệt trong ngày cập bến trùng với lễ thánh Giuse 19.03. Điều này cho ta thấy qua trung gian thánh Giu-se, đã gìn giữ và bảo vệ các ngài trong chuyến hành trình này. Với biến cố này các ngài đã nhận thánh Giu-se làm bổn mạng công việc truyền giáo ở Đàng Ngoài, cách đặc biệt đối với Cửa Bạng nay thuộc giáo xứ Ba Làng, Giáo phận Thanh Hóa. Qua trình thuật cho con thấy hành trình truyền giáo của các ngài giống như cuộc hành trình trong sa mạc của dân It-ra-en xưa. Cuối cùng dân It-ra-en cũng vào được đất hứa, nơi mà Thiên Chúa đã chỉ định cho dân của Người. Các ngài trên chuyến hành trình biển khơi cũng giống như các ngài được thanh luyện, được sống trong mối tương quan với Chúa nay được vào đất hứa với niềm vui khôn siết. Các tổ phụ xưa khi vượt qua được các biến cố nào cũng đều lập bàn thờ để cảm tạ và kêu cầu Thiên Chúa để xin Ngài giúp sức “tại đây ông dựng bàn thờ để kính Đức Chúa và ông kêu cầu danh Đức Chúa” (x. St 12,8). Đối với hai vị truyền giáo này cũng thế, sau khi cập bến an toàn, các ngài cũng không quên ơn Chúa nên đã cho dựng một Thánh Giá to trên đỉnh núi gần đó [3]. Việc làm này nói lên lòng biết ơn và xin Chúa tiếp tục dẫn dắt việc truyền giáo đầu tiên ở nơi mảnh đất này nói riêng và Đàng Ngoài nói chung. Xin Chúa cũng giúp con biết cảm tạ và cầu xin ơn Chúa cả khi vui lẫn khi buồn.
        Người ta thường nói “thiên thời địa lợi nhân hòa”, nhưng trong hoàn cảnh này có phải là như vậy không?. Điều này có hoàn toàn đúng hay không cũng không quan trong cho bằng công việc truyền giáo đầu tiên của các ngài gặp rất nhiều thuận lợi. Khi bắt đầu giảng đạo ở Cửa Bạng, Thanh hóa: Nhiều người ở An Vực, Vân No xin theo đạo, trong số đó có một thầy cúng [4]. Một thuận lợi lớn lao nữa cho hai cha đó là khi Chúa Trịnh trong chuyến đi qua cửa biển, đã nhìn thấy Cây Thánh Gía lớn do hai cha dựng lên và Chúa Trịnh đã cho mời hai cha đến và đưa về Thăng Long. Tại đây Chúa xây cho một ngôi nhà bằng gỗ gần phủ chúa [5]. Đối với vật chất hai cha không lấy làm vui sướng, điều các ngài vui sướng nhất đó là được phép giảng đạo cách tự do. Còn niềm hạnh phúc, niềm vui sướng nào hơn điều này nữa đâu. Với sự tự do như thế các ngài đã đem hết sức mình để Lời Chúa được đến với mọi người. Hai cha đã giảng không biết mệt mỏi, mỗi ngày bốn đến sáu lần. Buổi tối các ngài gặp gỡ tòng giáo và giải tội. Công sức các ngài bỏ ra quả thật không uổng chút nào, đến nỗi cả trong hoàng gia cũng có người gia nhập đạo. Chị Chúa Trịnh Tráng được rửa tội, có tên thánh là Ca-ta-ri-na, khi trở lại, chị đã lối cuốn được 17 hoàng thân. Trong số đó có mẹ chị. Trong vòng gần 3 năm các ngài đã rửa tội được hơn 6,700 người [6]. Đây là một con số ngoài sức tưởng tượng của các ngài. Qủa thật, “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể ” (x. Mt 10,27). Cảm tạ Chúa đã ngự giá trên môi miệng của các ngài để giờ đây con được đón nhận Tin mừng.
        Qua những suy niệm trên cho con một bài học về sự phó thác nơi Thiên Chúa. Chỉ nơi Thiên Chúa con người mới tìm thấy niềm vui và hạnh phúc đích thực. Con người phải cố gắng hết mình vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, phần còn lại phó thác nơi Thiên Chúa. Con người chỉ là người trồng cây và vun tưới còn cho sống và phát triển đó chính là ý Thiên Chúa “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6). Con người dù gặp thất bại hay thành công cũng đừng tự hào cho mình là tài giỏi. Nhưng đó chính là thành quả do Thiên Chúa ban tặng để con người cộng tác với Ngài.





[1] Lm. Auguttino Nguyễn Văn Trinh, Lược sử giáo hội việt nam. Tr 75.
[2] Lm Bùi Đức Sinh,O.P.M.A. Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo. Tr 363
[3] Lm. Auguttino Nguyễn Văn Trinh, Lược sử giáo hội việt nam. Tr 75.
[4] Lm Bùi Đức Sinh,O.P.M.A. Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo. Tr 363
[5] Lm. Auguttino Nguyễn Văn Trinh, Lược sử giáo hội việt nam. Tr 75.
[6] Lm. Auguttino Nguyễn Văn Trinh, Lược sử giáo hội việt nam. Tr 76.