Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

CHIỀU KÍCH BA NGÔI TRONG THIÊN CHỨC LINH MỤC

Anton Công Chính
          Con người được sinh ra và lớn lên là hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Cách đặc biệt đối với những người Ki-tô hữu, qua bí tích rửa tội được trở nên chi thể sống động của Thiên Chúa, được tham dự vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Ki-tô. Chính vì thế, ta phải có sứ mạng mang Lời Chúa đến với tất cả những người xung quanh bằng chính đời sống và gương sáng của mình, để những dấu chỉ này người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau (Ga 13,35). Quả vậy, giữa một xã hội đầy biến động như hiện nay thì yêu thương quả là điều hết sức khó khăn đối với nhân loại nói chung và người Ki-tô hữu nói riêng. Để yêu thương một người có qua có lại thì rất đơn giản nhưng yêu thương một người mà người đó luôn tìm cách hại mình thì quả là điều quá khó đối với nhân loại. Nhưng Chúa Giê-su muốn con người thực thi điều đó, để nhân loại được chìm đắm trong tình yêu thương của Thiên Chúa, “ hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa ?. Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa ? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao” (Lc 6,27-35). Để cho lời Đức Ki-tô được thực hiện cách rõ ràng thì vai trò người linh mục là rất cần thiết. Đây cũng là lý do hiện hữu của chức linh mục thừa tác nằm trong viễn ảnh về mối liên kết thiết yếu và mang tính hoạt động giữa Giáo hội với Chúa Ki-tô. Nhờ tác vụ của thiên chức linh mục, Chúa Ki-tô tiếp tục thi hành giữa dân Ngài các chức năng chỉ thuộc về một mình Ngài trong tư cách là đầu của thân thể [1]. Đây cũng là đề tài mà người viết muốn trình bày để thấy được chiều kích Ba Ngôi trong thiên chức linh mục với 2 chủ đề chính: Chiều kích Ba Ngôi trong ơn gọi linh mục và Chiều kích Ba Ngôi trong căn tính và sứ vụ linh mục.
1/ Chiều kích Ba Ngôi trong ơn gọi linh mục
          Trở lại với ơn gọi của Mô-sê trong cựu ước, Thiên Chúa đã chọn Mô-sê là người lãnh đạo và đưa dân It-ra-el ra khỏi Ai- cập. Dưới sức ép của Pha-ra-ô, Mô-sê nhận thấy không đủ khả năng để làm chuyện này “Con là ai mà dám đến với Pha-ra-ô và đưa dân It-ra-el ra khỏi Ai cập” (Xh 3,11), nhưng Thiên Chúa chỉ dùng ông như là khí cụ để Thiên Chúa thực thi những điều Ngài muốn trên môi miệng của ông, bởi vì Thiên Chúa ở với Mô-sê (x. Xh 3,12). Thiên Chúa củng cố niềm tin cho ông khi Ngài cho ông những dấu lạ như cây gậy của ông biến thành con rắn, tay ông bị phong cùi (x. Xh 4,1-9). Sau khi đã được Thiên Chúa củng cố niềm tin, ông đã lên đường trở về Ai cập, thực thi sứ mệnh Thiên Chúa trao phó (x. Xh 4, 18-23). Từ đó đưa dân Người ra khỏi Ai cập và dẫn dân Người đi trong sa mạc xuất 40 đêm ngày. Trong xuất cuộc hành trình dài, ông Mô-sê đã chịu nhiều đau khổ bởi sự cứng đầu của dân nhưng tất cả mọi việc ông đều cầu xin ơn Chúa giúp và đã được Thiên Chúa nhận lời.
          Qua ơn gọi Mô-sê, người viết liên hệ cách đặc biệt tới ơn gọi của người linh mục trong thời đại hôm nay. Thật vậy, qua bí tích rửa tội, mọi Ki tô hữu trở thành chi thể sống động của Chúa Ki-tô thượng tế. Thật vậy, trong Giáo hội “mọi Ki-tô hữu đều trở nên hàng tư tế thánh thiện và vương giả, dâng lên Thiên Chúa những của lễ thiêng liêng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, và loan truyền những kỳ công của Đấng đã gọi họ ra khỏi miền u tối vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền của Người” (x.1Pr 2,5.9). Chính vì thế trong Chúa Ki-tô tất cả nhiệm thể được liên kết với Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần, nhằm mang lại ơn cứu độ cho mọi người [2]. Nhưng để liên kết các tín hữu thành một thân thể duy nhất, trong đó không phải tất cả các chi thể đều có cùng một chức năng (Rm 12,4), chính Thiên Chúa đã thiết đặt một số thừa tác viên, những người nhờ chức thánh được trao quyền tế lễ và tha tội trong cộng đoàn tín hữu, và nhân danh Đức Ki-tô chính thức thi hành tác vụ linh mục vì mọi người [3]. Vì thế, các linh mục thuộc trọn về Chúa, chuyên tâm hơn trong việc rao giảng Lời Chúa “Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa” (Cv 6, 4). Những người này được tuyển chọn và thánh hiến để kế nhiệm các tông đồ, bởi vì sau khi các tông đồ cầu nguyện thì các ông đặt tay trên những người được chọn để thánh hiến họ (x. Cv 6, 6). Nhờ đó, những người này được đầy tràn ơn Chúa trong sự khôn ngoan, để những lời trên môi miệng các ông không còn là của các ông nhưng là chính Chúa Ki-tô đang nói trong các ông “Ông Tê-pha-nô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân” (Cv 6, 8-9). Với bí tích truyền chức, qua việc đặt tay và lời nguyện thánh hiến của Giám mục, nơi linh mục xuất hiện “một mối dây hữu thể đặc biệt liên kết linh mục với Chúa Ki-tô, linh mục thượng phẩm và mục tử nhân lành” [4]. Như vậy, hình ảnh người được tuyển chọn, thánh hiến phản ánh hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Hình ảnh này được thể hiện nơi các linh mục nên các linh mục là người của Thiên Chúa và là người của Hội Thánh, sống vì loài người như Đức Ki-tô trong tư cách là thầy, tư tế và mục tử.
2/ Chiều kích Ba Ngôi trong căn tính và sứ vụ của linh mục
a/ Chiều kích Ba Ngôi:
          Qua bí tích truyền chức, người linh mục được đặt vào trong mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa Ba Ngôi, đây là suối nguồn hữu thể và hành động của linh mục [5]. Ngài là mẫu gương sống của Chúa Ki-tô giữa lòng đời để hằng hướng dẫn để cộng đoàn noi theo. Ngài đóng vai trò như chim đầu đàn để mọi thành phần trong cộng đoàn lấy đó làm nguồn trợ lực và sức mạnh để cộng đoàn vững bước trên con đường dương thế. Vì thế, linh mục được tuyển chọn giữa loài người, và được đặt làm đại diện cho con người trong những việc liên quan đến Thiên Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội, các linh mục sống với người khác như với những người anh em. Thật vậy, các linh mục không thể là thừa tác viên của Đức Ki-tô nếu không trở nên chứng nhân và nên người ban phát một đời sống khác với đời sống trần thế. Tuy nhiên, các ngài không thể phục vụ nhân loại nếu trở nên xa lạ với cuộc đời và những hoàn cảnh sống của nhân loại [6]. Chính trong sự hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, người linh mục khi đứng trước những khó khăn, không được lấy bản thân làm tâm điểm mà phải kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và hướng tới đoàn chiên thì mọi cộng việc diễn ra trong tình thương và sự quan phòng của Ngài, đó mới là căn tính đích thực của Linh mục. Chính sứ vụ đặc biệt này mà đòi buộc các Linh mục không được sống rập theo đời này, nhưng đòi hỏi các ngài phải sống giữa mọi người trong thế gian này, phải như những mục tử nhân lành biết các con chiên của mình, phải tìm kiếm và dẫn về những con chiên chưa thuộc đàn này, để chúng được nghe tiếng Chúa Ki-tô và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chăn [7]. Chính vì thế, niềm vui của Linh mục là các Ki-tô hữu, lẽ sống của Linh mục là các Ki-tô hữu và vinh dự của người Linh mục cũng là người Ki-tô hữu cũng giống như niềm vui của Chúa Cha là Chúa con, lẽ sống của Chúa Cha là Chúa con và vinh dự của Chúa Cha cũng là Chúa Con [8]. Quả  vậy, nếu người Linh mục sống trọn vẹn mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, sẽ đưa các Ki-tô hữu vào sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, từ đó Linh mục cảm nhận được niềm vui, lẽ sống và vinh dự của chính bản thân mình với cộng đoàn dân Chúa. Từ đó, Linh mục sẽ không ngừng ban phát bản thân cho các Ki-tô hữu như Chúa Cha không ngừng ban phát chính mình trong Chúa Ki-tô.
          Chúa Cha sinh Chúa con thể nào thì Linh mục cũng được thông phần vinh dự ấy khi sinh ra con người cách thiêng liêng qua bí tích rửa tội. Qua bí tích rửa tội, người ấy trở nên một thụ tạo mới, thành nghĩa tử của Chúa Cha, chi thể của Chúa Ki-tô và đền thờ của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho người ấy ơn thánh hóa, ơn công chính, cùng với ba nhân đức tin, cậy, mến, các hồng ân Chúa Thánh Thần [9]. Qua đó, ta có thể khẳng định người Linh mục là họa ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa tại trần thế. Đó là hồng ân nhưng không mà Thiên Chúa đã ban cho người Linh mục thì Linh mục cũng phải ban phát ơn Thiên Chúa cách nhưng không, để cùng kết hợp với Thiên Chúa trong một tình yêu duy nhất.
b/ Chiều kích Ki-tô
          Sau cuộc sống ẩn dật tại Na-za-rét, Chúa Ki-tô bắt đầu cuộc đời công khai với lời rao giảng về Nước Trời và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối “thời kì đã mãn, nước Thiên Chúa đang đến gần anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” ( Mc 1,15 ). Tuy ngắn ngọn nhưng đây là điểm chính yếu của Ngài trên suốt cuộc hành trình rao giảng. Chính vì vậy, Ngài đến thế gian không như kiểu thế gian nghĩ mà Ngài đến thế gian với tình yêu, nhờ đó nhân loại nhân ra ơn lành của Chúa mà trở về với Ngài. Ngài đến không phải để phá bỏ luật Mô-sê nhưng Ngài đến để kiện toàn lề luật, thổi vào đó một luồng sinh khí tình yêu để nhân loại nhận ra giá trị của luật (x. Mt 5,17-19). Tột đỉnh của tình yêu Chúa Ki-tô dành cho nhân loại đó là cái chết trên Thập giá “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,9) .
 Chính Thập giá Đức Ki-tô soi chiếu và dẫn đưa nhân loại đến nguồn tình yêu đích thực. Ngài đã để lại cho nhân loại bảo chứng tình yêu vô giá nhất đó chính là tình yêu Thập giá, như là lời thục giục nhân loại hãy trở về với tình yêu Đức Ki-tô và hãy rao truyền tình yêu Đức Ki-tô cho muôn thế hệ. Có lẽ câu hỏi của Chúa Ki-tô đang còn rất vang vọng, như là câu hỏi để muôn thế hệ thức tỉnh và chú ý để tình yêu Đức Ki-tô không bị “khô cứng” “không biết khi Con Người đến, liệu còn gặp thấy niềm tin trên mặt đất nữa không ?” (Lc 18,1). Cho đến bây giờ và có lẽ muôn thế hệ về sau, chúng ta có thể trả lời với Chúa cách chắc chắn rằng: Chúa Giê-su đừng lo, niềm tin và sức mạnh Ngài ban vẫn đang duy trì và đang phát triển cách mạnh mẽ. Điều này thể hiện ở con cái Giáo hội nói chung và các mục tử nói riêng. Các Linh mục là những người đang tiếp nối sứ mạng của Ngài trao phó để rao truyền đức tin cho toàn thể nhân loại, bằng chính lời rao giảng, bằng gương sống và việc làm của mình. Thật vậy, chính Lời cứu rỗi khơi dạy niềm tin nơi tâm hồn những người chưa tin và nuôi dưỡng đức tin trong tâm hồn những người đã tin, nhờ đó cộng đoàn tín hữu được khởi sinh và phát triển, như lời Thánh Tông Đồ nói: Đức tin có được nhờ nghe rao giảng, nhưng điều nghe được phải là lời Chúa Ki-tô (Rm 10,17). Vì thế, khi nêu gương sống tốt lành giữa các dân ngoại để kêu mời họ tôn vinh Thiên Chúa hay khi công khai giảng thuyết để loan truyền mầu nhiệm Đức Ki-tô cho những người chưa tin, khi dạy giáo lý Ki-tô giáo hay trình bày giáo thuyết của Giáo hội, hay khi chú tâm nghiên cứu những vấn đề thời đại dưới ánh sáng Chúa Ki-tô, không bao giờ các ngài truyền dạy sự thông biết của mình, nhưng là rao giảng Lời Chúa và khẩn thiết mời gọi mọi người thống hối và sống thánh thiện [10]. Qủa vậy, Linh mục được Thiên Chúa làm cho trở nên đồng hình, đồng dạng với Đức Ki-tô thượng tế. Nhờ đó Linh mục tham gia vào vai trò dẫn đầu với Chúa Ki-tô, Ngài thông đự vào mầu nhiệm vượt qua một cách đặc biệt hơn, với tư cách là đầu, là anh trưởng giống Chúa Ki-tô, nên Linh mục có nhiệm vụ đưa dẫn đoàn chiên đi vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Ki-tô và với Chúa Ki-tô [11]. Chính vì thế, Linh mục đang tiếp nối sứ mạng của Ngài cũng giống như Chúa Ki-tô đang rao giảng về Nước Trời cho nhân loại khi xưa. Linh mục được tham dự cách rõ ràng trong tư cách làm đầu cũng giống như Chúa Ki-tô trong bí tích Thánh Thể, nhờ đó mọi Ki-tô hữu được thông dự cách trọn vẹn màu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Thật vậy, nhiệm tích Thánh Thể cực thánh chứa đựng trọn vẹn nguồn ơn phúc thiêng liêng của Giáo hội, chính là Chúa Ki-tô, Chiên Vượt Qua của chúng ta và là bánh trường sinh trao ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người. Vì thế, cộng đoàn Thánh Thể do Linh mục chủ sự chính là tâm điểm của cộng đoàn tín hữu [12].
c/ Chiều kích Chúa Thánh Thần
Trong thời gian rao giảng, Chúa Giê-su hứa với các môn đệ, sẽ ban Đấng Bảo Trợ đến ở với anh em “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (x. Ga 14,15-16). Trong ngày đó Thánh Thần Thiên Chúa sẽ dẫn các môn đệ vào tất cả sự thật (Ga 16,13), đó là màu nhiệm Thiên Chúa mặc khải trong Đức Giê-su Ki-tô. Quả vậy, trong thời gian các môn đệ đi theo Chúa Giê-su nhưng các ông dường như không hiểu được các việc Ngài làm. Ta có thể nói trong thời gian này các môn đệ đi theo Chúa Giê-su chỉ với một cái xác không hồn, nhưng các ông đã được biến đổi trong ngày lễ ngũ tuần sau khi ngài chết và sống lại. Chúa Giê-su đã đến và thổi hơi trên các ông và nói anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ (Ga 20,23). Từ đó các ông được biến đổi và mạnh mẽ bước ra khỏi lỗi sợ hãi để ra đi rao giảng Tin mừng Phục sinh cho muôn dân. Qua đó ta có thể thấy, Chúa Thánh Thần biến đổi tận căn con người các ông để những lời các ông nói không phải các ông nói nhưng chính Chúa Ki-tô nói trong các ông. Quả vậy, Thánh Thần yêu mến Chúa Giê-su, như Chúa Giê-su yêu mến Chúa Cha và đến trong thế gian để mạc khải Chúa Cha. Chúa Thánh Thần không nói gì, làm gì ngoài ý muốn của Chúa Giê-su, cũng như Chúa Giê-su không nói gì, làm gì ngoài ý muốn của Chúa Cha (x. Ga 16,13-15).
Hình ảnh các môn đệ được biến đổi khi nhận được Chúa Thánh Thần cũng chính là hình ảnh người Linh mục. Các Linh mục được biến đổi trong ngày thánh hiến, để thuộc trọn về Thiên Chúa. Vì thế, thiên chức Linh mục, tuy lãnh nhận sau các bí tích khai tâm Ki-tô giáo, nhưng lại được trao ban qua một bí tích đặc biệt, ghi khắc một ấn tích đặc thù nơi các Linh mục nhờ việc xức dầu của Chúa Thánh Thần, và như thế, các ngài nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô Linh mục, đến nỗi có quyền hành động với tư cách là hiện thân của Đức Ki-tô là Đầu [13]. Thật vậy, bản chất các Linh mục cũng là những con người thấp hèn, mỏng giòn yếu đuối nhưng đã được Chúa Thánh Thần biến đổi và trở nên mới trong Đức Giê-su Ki-tô. Từ đây những lời giảng dạy của các Linh mục không phải giảng dạy sự thông biết của mình nhưng đang thực thi chính vai trò của Chúa Ki-tô, để quy tụ hết mọi người trong tình yêu duy nhất (x. Cr 2,4-5). Sống trong Thánh Thần, Linh mục có nhiệm vụ thánh hóa để không những đoàn chiên mà cho hết mọi người nhận ra đường tình yêu của Chúa Thánh Thần nơi Linh mục. Trong bí tích Thánh Thể, Linh mục tái hiện lại hy tế xá tội và đền tội của Chúa Ki-tô trên Thập giá, nhờ đó nhân loại được trở về và sống trong vòng tay yêu thương của Chúa Ki-tô. Vì thế, bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể công cuộc loan báo Tin mừng, trong khi các người dự tòng được dẫn đưa dần dần đến việc tham dự bí tích Thánh Thể, thì các tín hữu, những người đã mang ấn tích rửa tội và thêm sức, sẽ được kết hợp trọn vẹn với Thân Mình Đức Ki-tô nhờ việc lãnh nhận Thánh Thể. Chính vì vậy, trong hy tế Thánh lễ, các Linh mục hãy dạy cho các tín hữu biết dâng lên Chúa Cha lễ vật chí thánh và hợp dâng vào đó lễ vật đời mình, trong tinh thần của vị mục tử nhân lành, các ngài khuyên nhủ họ thành tâm thống hối xưng thú lỗi lầm với Giáo hội qua bí tích giải tội để ngày càng quay về gần Chúa hơn [14].
d/ Chiều kích Giáo hội
          Qua bí tích truyền chức, Linh mục không chỉ tham dự vào Mầu Nhiệm của Chúa Ki-tô, là Thầy dạy, Đầu và mục tử mà con là một tôi tớ và phu quân của Giáo hội [15]. Qủa vậy, chính Đức Ki-tô đã đến thế gian trong kiếp nghèo của con người, để hòa mình vào thân phận con người và đưa con người trở nên mới trong Đức Ki-tô. Ngài đã nêu gương phục vụ để dậy các môn đệ về sự yêu thương và phục vụ đề rồi cứ dấu này, người ta sẽ nhân biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau (Ga 13, 34-35). Qua bí tích truyền chức, Linh mục phản chiếu trọn vẹn hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính vì thế, Linh mục đi thực thi sứ vụ được trao phó, đó chính là lệnh truyền của Chúa Ki-tô khi nói với các môn đệ “vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dậy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền cho anh em”     (Mt 28,19-20). Đây chính là điểm cốt yếu của đời sống linh mục, để từ đây người linh mục không còn sống cho chính mình nữa mà sống cho và với Đức Ki-tô, như tấm bánh được bẻ ra cho thế gian [16]. Xã hội ngày hôm nay đang ngày một biến động, đã làm cho con người mất hết niềm tin vào nhau, coi tất cả mọi thứ xung quanh là thù địch và sẵn sàng cắn xé ta bất cứ lúc nào. Từ đó con người tự đặt ra cho mình một câu hỏi liệu chừng Thiên Chúa có hay không và nếu có tại sao Ngài để cho con người và sự việc ra như thế ?. Trước những câu hỏi như thế, Linh mục càng ý thức hơn sứ vụ rao giảng của mình, không những cho người Ki-tô hữu mà còn cho tất cả mọi người trên khắp thế giới nhận ra tình yêu nơi Đức Ki-tô và quy tụ họ lại để nhận ra giá trị cuộc sống, như thế mọi người đều được mời gọi đến sự hiệp nhất công giáo của dân Thiên Chúa, là sự hiệp nhất báo trước và thúc đẩy nền hòa bình phổ quát [17]. Chính vì thế, lời rao giảng có thể được hiểu và đón nhận bởi bất kỳ ai, bởi bất kỳ thời đại hay nền văn hóa nào. Ngay cả trong những môi trường tri thức nhất hoặc bình thường nhất, đều có thể được rao giảng Tin mừng. Chúng ta phải đến chỗ tin rằng ngay cả những người tự nhận là hậu Ki-tô hữu vẫn có thể một lần nữa được Chúa Ki-tô chạm đến [18]. Công việc truyền giáo không chỉ dành riêng cho Linh mục nhưng là của tất cả mọi người, bởi vì qua bí tích rửa tội, mọi người được kêu gọi thực thi sứ vụ loan truyền Lời Chúa cho tất cả mọi người. Chính vì thế, Linh mục phải cổ võ và kêu gọi mọi thành phần trong cộng đoàn giáo xứ và giúp họ chuổn bị xứng đáng và sai họ đi truyền giáo qua việc gặp gỡ và giúp đỡ từng người, từng gia đình trong giáo xứ, để qua đó khơi dạy trong lòng họ tinh thần truyền giáo.
 Thật vậy, trong tất cả mọi công việc nếu người Linh mục không có đời sống nội tâm, luôn kết hợp với Thiên Chúa và lấy Ngài làm điểm quy chiếu thì Linh mục rất dễ dàng rơi vào cám dỗ của “Chủ nghĩa giáo sĩ trị” với mong muốn thống trị giáo dân [19]. Tất cả với mong muốn quy về bản thân, để làm cho bản thân được mọi người ca tụng và mọi người phải phục vụ mình. Chính những điều này, nên Giáo hội đã quy định trong một năm có những cuộc tĩnh tâm dành cho các giáo sĩ, nhằm giúp Linh mục hồi tâm trở về với Chúa và nhìn nhận mọi việc trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Qua đó, người Linh mục ý thức hơn về sứ vụ của mình, hầu liên kết với Chúa Cha, nguồn gốc và tối cao của mọi quyền bính, liên kết với Chúa Con, Đấng mà Linh mục thông phần sứ vụ cứu độ, liên kết với Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho Linh mục sức mạnh để sống và thi hành đức bác ái mục tử [20]. Chính những cuộc tĩnh tâm này đã làm cho Linh mục thức tỉnh suối nguồn ân sủng được lãnh nhận trong ngày truyền chức, như những con cá trong bể được thay nước. Nhờ đó, Linh mục ý thức hơn và gắn bó hơn với Giám mục, tăng thêm tình huynh đệ trong Linh mục đoàn để cùng nhau thi hành hiệu quả ơn thánh đã lãnh nhận.
3/ Tạm kết
          Thiên chức Linh mục là hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại cách chung và cách riêng đối với những người được mời gọi và đáp trả lại tiếng mời gọi này. Qua bí tích truyền chức, Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị cách tròn hảo trong những người tiến chức, để nâng những người này lên hàng tư tế, vương giả của Chúa Ki-tô là Đầu. Chính vì thế,  khi thi hành phận vụ của Đức Ki-tô là Đầu và Mục tử trong quyền hạn của mình, các Linh mục nhân danh Giám mục, tụ họp gia đình Thiên Chúa như một cộng đoàn huynh đệ duy nhất, và dẫn đưa họ đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Ki-tô, trong Chúa Thánh Thần. Để thi hành tác vụ này cũng như phận vụ khác, các Linh mục được trao ban quyền thiêng liêng để xây dựng Giáo hội. Trong công trình xây dựng này, các Linh mục phải noi gương Chúa để cư xử thật nhân hậu đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên các ngài không tìm cách làm đẹp lòng người đời, nhưng phải hành động theo những đòi hỏi của giáo thuyết và đời sống Ki-tô giáo, khi dạy dỗ, khuyên bảo mọi người như những người con rất yêu quý. Vì thế, tư cách là những nhà giáo dục đức tin, các Linh mục có nhiệm vụ, hoặc đích thân hoặc nhờ người khác, lo cho từng tín hữu được hướng dẫn trong Chúa Thánh Thần, để biết làm triển nở ơn gọi của mỗi người theo Tin mừng, để sống đức bác ái chân thành và thiết thực, để được tự do như ý Đức Ki-tô muốn khi đến giải thoát chúng ta [21] . Thực vậy, chức Linh mục là một ơn gọi, chứ không phải một nghề, một tái xác định về chính mình chứ không phải là một thừa tác vụ mới, một lối sống, chứ không phải một công việc, một tình trạng về bản chất, chứ không phải một chức năng, một sự dấn thân vĩnh viễn suất đời, chứ không phải một kiểu phục vụ tạm thời, một căn tính, chứ không phải chỉ là vai trò [22].

Tài liệu tham khảo thêm

1/ Công đồng Vaticano II, sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục.
2/ Sách giáo lý Hội Thánh Công giáo.
3/ Linh mục cho ngàn năm thứ ba.
4/ Simonhoadalat.com.  Gm Phaolo Bùi Văn Đọc, Dung Mạo Linh Mục dưới ánh sáng của Ba Ngôi Thiên Chúa.
5/ Thần học Thiên Chúa Cha.
6/ Thần học Chúa Thánh Thần.
7/ Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi của Lm Augustino Nguyễn VănTrinh.
8/ Kim Chỉ Nam Tác vụ và đời sống linh mục.
9/ Giáo trình Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi của Lm Phê-rô Nguyễn Văn Hương.



[1] Bộ giáo sĩ, Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục, Nxb tôn giáo, 20.
[2] Bộ giáo sĩ, Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục, Nxb tôn giáo, 19.
[3] Thánh Công Đồng Vaticano II, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục, Số 2, 583.
[4] ĐGH Biển- Đức XVI, Diễn từ với các tham dự viên Hội nghị thần học do Bộ Giáo sĩ tổ chức  (12/3/2010).
[5] Bộ giáo sĩ, Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục, Nxb tôn giáo, 24.
[6] Thánh Công Đồng Vaticano II, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục, Số 3, 585.
[7] Thánh Công Đồng Vaticano II, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục, Số 3, 587.
[8] Gm Phaolo Bùi Văn Đọc, Dung Mạo Linh Mục dưới ánh sáng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Simonhoadalat.com. truy cập 6/4/2016.
[9] Sống đạo của Gp Xuân Lộc, bài về bí tích rửa tội.
[10] Thánh Công Đồng Vaticano II, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục, Số 4, 589.
[11] Gm Phaolo Bùi Văn Đọc, Dung Mạo Linh Mục dưới ánh sáng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Simonhoadalat.com. truy cập 6/4/2016.
[12] Thánh Công Đồng Vaticano II, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục, Số 5, 592.
[13] Thánh Công Đồng Vaticano II, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục, Số 2, 584.
[14] Thánh Công Đồng Vaticano II, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục, Số 5, 593.
[15] Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục, 32.
[16] Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục, 35.
[17] Thánh Công Đồng Vaticano II, Lumen gentium 13.
[18] Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục, 40.
[19] Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục, 49.
[20] Kim chỉ nam về tác vụ và đời sống linh mục, 53.
[21] Thánh Công Đồng Vaticano II, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục, Số 6, 595.
[22] Đức Tổng Giám mục Timothy M.Dolan, Lm Trần Đình Quảng dịch. Linh mục cho ngàn năm thứ ba, Nxb tôn giáo, 304