Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

ƠN CỨU ĐỘ NHÌN TỪ BIẾN CỐ VƯỜN GHẾT-SÊ-MA-NI

Anton Công Chính
          Vườn Ghết-sê-ma-ni là nơi gặp gỡ của Chúa Giê-su với Chúa Cha. Trong mọi biến cố diễn ra trong cuộc đời công khai, Ngài đều đến nơi đây để gặp gỡ Chúa Cha. Chính vì thế, trong mọi việc Ngài rao giảng không phải Ngài làm cách “đơn phương độc mã” nhưng Ngài hành động trong sự hợp nhất với Chúa Cha. Chính nơi đây, Chúa Giê-su đã kết hợp với Chúa Cha trong việc tuyển chọn các môn đệ và cũng chính nơi đây Ngài bước vào cuộc Thương khó trong tin yêu, phó thác nơi Chúa Cha để cứu độ nhận loại. Trước khi chọn những người Ngài gọi trở thành môn đệ, Ngài đã cầu nguyện với Chúa Cha suất đêm “Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suất đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6, 12-13). Trước khi Ngài bước vào cuộc Khổ nạn Ngài đã cầu nguyện với Chúa Cha suất đêm, hầu mang lại ơn cứu độ cho nhân loại, đỉnh cao ơn cứu độ chính là hy tế Thập giá. Qua hy tế này nhân loại sẽ nhìn lên và tìm về với Chúa, là nguồn tình yêu đích thực. Sau một đêm chờ đợi, trông ngóng, các ông đã nhận được niềm vui khi Ngài kêu gọi các ông bước đi theo Người. Đây quả thật là một điểm nhấn và khởi đầu cho mối tương giao thân mật giữa Chúa Giê-su và các môn đệ. Từ đây, Chúa Giê-su và các môn đệ như hình với bóng trong xuất cuộc hành trình rao giảng và trở thành những người tiếp nối sứ vụ của Ngài. Niềm vui, niềm tin tưởng của các môn đệ với Chúa  Giê-su càng được nhân lên gấp trăm khi chứng kiến Thầy chữa cho nhiều người được khỏi “Đức Giê-su đi xuống cùng các ông, Người dừng lại ở chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người” (Lc 6, 17-19).
Niềm vui các ông dành cho Chúa Giê-su bao nhiêu, phải chăng là nỗi buồn của Chúa Giê-su sẽ phải đón nhận bấy nhiêu, bởi vì chính nơi đây và chính những con người này đã quoay lưng lại với Người trong Cuộc Thương khó, đỉnh cao của Tình Yêu mà Chúa Giê-su dành cho nhân loại “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,9). Đây cũng là đề tài, người viết muốn đề cập để thấy ơn cứu độ của Chúa Giê-su, nhìn từ biến cố vườn Ghết-sê-ma-ni khởi đầu cho lời loan báo “Giờ Ngài Đã Đến” (x.Ga 16,32 ), qua đó thấy được tột đỉnh Tình Yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.
 1/ Đức Giê-su hấp hối trong vườn Ghêt-sê-ma-ni
          Trong suất cuộc đời rao giảng của Chúa Giê-su, vườn Ghết-sê-ma-ni là nơi Ngài thường xuyên lui tới để cầu nguyện với Chúa Cha. Chính vì thế, các biến cố xẩy ra trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giê-su, Ngài không tự ý làm một mình nhưng luôn luôn có sự hoạt động của Chúa Cha trong công việc đó. Con đường đến với vườn Ghết-sê-ma-ni trở nên quyen thuộc đối với Chúa Giê-su, vì đây là nơi gặp gỡ thân mật giữa Chúa Cha và Chúa Giê-su. Chẳng vậy, để bắt đầu với một biến cố hay kết thúc một biến cố nào đó trong lần rao giảng của Ngài, thì việc trước tiên là Ngài đến nơi đây để cầu nguyện. Thực vậy, nhiều thánh sử nói đến việc Chúa Giê-su cầu nguyện một mình, chẳng hạn như: “Sau khi giải tán đám đông, Người đi lên núi mà cầu nguyện, chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình” (Mt 14,23) hay “Sau khi bảo các môn đệ xuống thuyền sang bên bờ bên kia về thành Betsaida trước, Người ở lại giải tán đám đông rồi một mình lên núi cầu nguyện” (Mc 6,45-46). Qủa thật, nếu nói về địa lý, một người không quen biết và thần thạo với con đường đến Ghết-sê-ma-ni thì khó lòng có thể đến được, đó là chưa kể đến những bất trắc trên đường, nhưng đối với Chúa Giê-su, con đường đến vườn Ghết-sê-ma-ni đã “nằm gọn” trong đôi chân của Ngài. Để rồi, Ngài đến đây bất cứ lúc nào, bất cứ giờ nào, ngày cả trong đêm tối “sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). Thánh Augustino đã giải thích việc Chúa Giê-su thích cầu nguyện một mình nơi hoang vắng, vì trong trí khôn loài người nào có thể hiểu thấu được đường lối nhiệm màu của Chúa. Vì thế, không tạo vật nào có thể chia sẻ các tư tưởng và tình hiệp thông mật thiết giữa Ngài với Chúa Cha được [1]. Qủa vậy, Đức Giê-su nếm trải cuộc Thương khó trong sự hiệp thông tròn đầy với Chúa Cha và với Chúa Thánh Linh. Đức Giê-su không đợi chờ sự can thiệp của Chúa Cha để thay đổi tiến trình cuộc Thương khó nhưng Người biết rằng tương quan của Người với Chúa Cha sẽ là sức mạnh để Người sống với nhân loại trong hoàn cảnh: “Này đến giờ - và giờ đã đến rồi – anh em sẽ bị phân tán mỗi người mỗi ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng, Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy” (x. Ga 16,32) [2].
          Sau khi dùng bữa với các môn đệ và căn dặn các ông, Ngài đi cầu nguyện như mọi lần khác nhưng lần này Ngài không còn đi một mình mà có các môn đệ đi cùng. Chắc có lẽ các môn đệ thầm nghĩ, chắc có điều chẳng lành xẩy ra với Thầy sao?. Con đường đến vườn Ghêt-sê-ma-ni gắn liền với việc cầu nguyện của Chúa Giê-su, sao hôm nay trở nên nặng nề, lúc này có thể đếm được từng bước chân của Ngài. Khi đến nơi, Người đã mang theo Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an (x. Mc 14,33), đây là lần thứ hai, Người mang ba ông này đi riêng với Ngài đến tận nơi Ngài thường hay lui tới để cầu nguyện [3]. Trên đường đi riêng với ba môn đệ, Chúa Giê-su nhận thấy một cảnh tượng sắp xẩy ra thật hãi hùng, ghê sợ đến nỗi Đức Giê-su cảm thấy hãi hùng xao xuyến (x. Mc 14,33). Trong lúc này, Chúa Giê-su liền cất tiếng nói với ba môn đệ “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức” (Mc 14,34). Lời mời gọi tỉnh thức là đề tài căn bản cho lời rao giảng tại Giê-ru-sa-lem nhưng lời mời gọi của Chúa Giê-su hôm nay trở nên khẩn thiết hơn vì “giờ của Ngài sắp đến”. Thật vậy, cầu nguyện là một cuộc chiến đấu, chiến đấu với bản thân ta và chống lại các mưu chước của ma quỷ cám dỗ, vì chúng làm mọi cách để con người bỏ cầu nguyện, không kết hợp với Thiên Chúa [4]. Chính vì thế, Chúa Giê-su mời gọi các ông hãy cầu nguyện trong giờ phút này kẻo sa trước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối (Mc 14,38). Trong các đoạn Tin mừng, có thể cho ta một lối suy nghĩ Đức Giê-su dường như đã biết trước số phận khổ đau ấy (x. Mc 14,8-21.27-31), Nhưng Ngài bước vào cuộc Thuơng khó với thái độ hoàn toàn tự do (x. Mc 8,31;14,42), qua đó nói lên rằng Ngài chịu khổ như người công chính vô tội (x.Mc 14,55). Như thế, cuộc Khổ nạn là giờ phút quyết định của lịch sử cứu độ, lúc mà lời các tiên tri được ứng nghiệm [5]. Qua đây cũng cho ta thấy, khởi đầu sứ vụ rao giảng của Chúa Giê-su, chúng ta bắt gặp hình ảnh Chúa Giê-su chịu sự cám dỗ của ma quỷ trong sa mạc và Ngài đã chiến thắng. Có thể nói, cơn cám dỗ luôn đi theo Chúa Giê-su, cho tới lúc chết Ngài vẫn còn bị con người cám dỗ chạy theo chủ trương cứu thế theo tâm thức của nhân loại. Trên núi sọ, người Do thái đã thách thức Chúa Giê-su “Nếu Ngài là con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi Thập giá đi rồi chúng tôi sẽ tin”(Mt 27, 39-44). Trong giới ký lục, bô lão, tư tế cũng nhạo cười và nói rằng “Nó đã cứu được người khác, mà không tự cứu mình. Nếu nó là Vua It-ra-el, thì hãy xuống khỏi Thập giá và chúng tôi sẽ tin” (Lc 23,35-38). Qủa thật đây là một tâm trạng của người “đau khổ”, không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết được. Trong cái nhìn nhân loại thì Chúa Giê-su bước vào cuộc thương khó trong sự cô đơn, bởi vì những người thân tín nhất của Ngài là các môn đệ nhưng các ông dường như không thể hiểu được điều gì sẽ sẩy ra với Thầy đây và mình phải làm gì trong lúc này?. Chẳng có lẽ, Qua biến cố này, Thầy sẽ dậy cho mình bài học gì chăng?. Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, là những môn đệ thân tín nhất của Ngài và được chứng kiến biết bao “cảnh tượng” được Thầy “tỏ hiện” mà các ông cũng không hiểu thì làm sao các môn đệ khác có thể hiểu được biến cố gì đang xẩy ra. Nhìn bề ngoài là như thế nhưng Chúa Giê-su bước vào cuộc thương khó với tất cả một Thiên Chúa, để dành lấy vinh quang cho nhân loại và nhân loại được hưởng nguồn ơn cứu độ.
          Cùng lúc đó “Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được. Người nói: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén đắng này xa con. Nhưng đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn”” (Mc 14,35-36). Đây là cuộc trở về với Chúa Cha trong tình yêu thương, trong sự vâng lời của Chúa Giê-su và đặc biệt hơn đây là một lời cầu xin của Chúa Giê-su cho toàn thể nhân loại đang sống trong tội lỗi, xin được Chúa Cha tha thứ “ Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Thật vậy, từ trong tận đáy lòng Ngài đã thốt lên “Áp-ba, Cha ơi”. Đây là một lời kêu xin của một “Người Con” đối với “Người Cha”, để được tha thứ, nhưng  đối với W. Kasper cho rằng: Để nắm bắt mối tương quan của Đức Giê-su với Chúa Cha– Abba trong cái chết của Người, thì việc giải thích tiếng kêu về sự ruồng bỏ “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?”(Mt 15,34). Như thể là một trích dẫn trong  Tv 22, tiếng kêu này không được giải thích như một kiểu nói về sự thất vọng, nhưng được hiểu như một kiểu diễn tả về sự tin tưởng [6]. Ngài biết Cha Ngài làm được mọi sự, nhưng Ngài không xin điều mà con người trần gian thường hay xin, mà Ngài xin điều Cha muốn Con làm. Điều con người trần gian thường hay xin chỉ như những giọt “mồ hôi” bình thường nhưng điều Cha muốn đó là những giọt mồ hôi này trở thành những “giọt máu” được hòa quyện để cứu độ nhân loại (x. Lc 22,44). Nhờ những giọt máu của Chúa Giê-su mà nhân loại được sống trong ân nghĩa với Ngài. Ngài đã vâng lời và chết thay cho cả nhân loại để nhờ đó nhân loại được hưởng ơn cứu độ (Rm 5,7-9). Cái chết của Người trên Thập giá cũng cho ta thấy Người đã chiến thắng trong mọi lãnh vực và quyền lực địa ngục, chiến thắng tội lỗi và sự chết (x. Rm 5, 12-21).
 Trước khi bước vào cuộc khổ nan, Ngài đã trải qua những giây phút thật hãi hùng cả về tinh thần lẫn thể xác. Một cuộc chiến đấu thiêng liêng đầy cam go, để dành lấy sự chiến thắng nơi Chúa Cha. Một nỗi đau khổ, một lời cầu xin được hòa quyện trong một thân thể bừng cháy lòng yêu mến “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,9). Người chấp nhận đau khổ và chết trong tâm tình tuân phục đối với kế hoạch cứu độ của Chúa Cha và yêu thương đối với loài người [7]. Các môn đệ là những người từng chia sẻ đắng cay, ngọt bùi trong quãng thời gian Ngài rao giảng, nhưng trong lúc này các môn đệ đã bỏ rơi Thầy, để mình Thầy phải chiến đấu. Ba môn đệ thân tín của Ngài cũng trở nên “hỡ hững” trước biến cố sắp xẩy ra. Các ông “hỡ hừng” đến nỗi không cần quan tâm đến việc Thầy làm, để rồi tìm chỗ nào đó đánh một giấc ngủ. Khi Chúa Giê-su trở lại thấy các ông vẫn đang ngủ thì Người gọi dậy và nói “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao ?” (Mt 26,40). Lúc này ta có có thấy được, bộ mặt thật của các môn đệ khi theo Người. Các ông theo chân Chúa nhưng các ông luôn nghĩ về thế gian để tìm chút vinh hoa cho đời của mình mà các ông không hề nghĩ đến sứ vụ sau này các ông phải làm như Thầy đang chịu. Mặc dù được nhắc nhở nhưng các ông vẫn không hiểu được lời của Thầy. Chính vì thế, sau khi Chúa Giê-su đi cầu nguyện các ông lại tiếp tục ngủ như thường, như không có chuyện gì sắp sẩy đến cho Thầy cũng như cho mình. Có thể nói, Chúa Giê-su trong sự “băn khoan, lo lắng” vừa kết hợp với Chúa Cha vừa phải giữ cho các môn đệ khỏi sa chước cám đỗ, nên Ngài đã thường xuyên lui tới chỗ các môn đệ và luôn căn dặn các ông phải cầu nguyện để khỏi sa trước cám dỗ. Thật vậy, các ông “hờ hừng” trước cuộc “khổ nạn” của Thầy đến tận cùng nhất, ba môn đệ đi vào chỗ Ngài cầu nguyện chỉ với một thân xác chứ không mang một tinh thần “đồng cảm” với cuộc “khổ nạn” của Ngài “Bấy giờ Người đến chỗ các môn đệ và nói với các ông: Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao ?. Này, giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào! Kẻ nộp Thầy đã tới” ( Mt 26,45-46). Sau những giờ phút này, mối tương quan giữa Chúa Giê-su và các môn đệ trở nên xa cách. Niềm vui của các môn đệ được tiếp nhận khi xưa, nay trở thành nỗi buồn và phân ly. Chính nơi đây các môn đệ được đoàn tụ để cùng nhau chia sẻ niềm vui và cũng chính nơi đây các môn đệ trở nên phân tán và tách biệt nhau mỗi người mỗi phương. Chúa Giê-su đã “đau khổ” trước khi bước vào cuộc khổ nạn nhưng lại càng đau khổ hơn khi nhìn thấy các môn đệ “hờ hững” trước biến cố này. Nhưng trong cơn hấp hối, Ngài đã sẵn sàng chấp nhận trong Tình Yêu và trong sự Vâng Phục Chúa Cha, Ngài chấp nhận tất cả những gì xẩy đến cho Ngài [8]. Như thế, Người làm cuộc Thương khó trở thành một cuộc chiến thắng. Vì là Người thật, Đức Giê-su không biết chắc chắn về tương lai. Nhưng Người tin tưởng hoàn toàn, tức là với chính mức độ của sự thân mật tràn đầy của Người với Chúa Cha – Đấng là nguồn mạch của sự sống – rằng Chúa Cha sẽ làm cho Người chỗi dậy nhờ Chúa Thánh Thần từ trong cõi chết. Vậy, sự tin tưởng này nơi Đức Giê-su mạnh hơn bất cứ người nào khác [9]. Nhờ cuộc chiến thắng này, Thiên Chúa đã siêu tôn người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Chính vì thế, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ muôn vật phải bái quỳ và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi người phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giê-su Ki- tô là Chúa (Pl 2,9-11).
2/ Nụ Hôn Đoạn Tuyệt
          Trong màn đêm tĩnh lặng, bổng trở nên náo loạn của một đám người. Các môn đệ tưởng cũng giống như mọi lần, những người đến để xin Thầy chữa bệnh. Nhưng càng đến gần các môn đệ nhận thấy, đây không phải là những người đến xin Thầy chữa bệnh mà là những người đến để gây chuyện, có thể là những người ăn cướp. Nên các môn đệ đã bao vây Thầy, để bảo vệ không để cho những người lạ mặt này gây chuyện. Thấp thoáng trong ánh đuốc phập phồng, các môn đệ đã trông thấy Giu-da, người anh em của mình “Người đang nói, thì Giu-đa, một người trong nhóm mười hai, đã đến. Cùng đi với hắn, có cả một đám người đông đảo mang gươm giáo, gậy gộc. Họ được các thượng tế và kỳ mục trong dân sai đến” (Mt 26,47). Chắc có lẽ các ông không hiểu tại sao Giu-đa lại đi với đám người này trong đêm tối?. Chỉ có Chúa Giê-su mới hiểu điều gì đang diễn ra với Giu-đa. Chỉ trong chốc lát đám quân do Giu-đa cầm đầu đã bao vây Thầy cùng các môn đệ. Một cảnh tượng trở nên náo động, những ánh đuốc được pha lẫn với những chiếc gươm sáng lóa toát lên trong màn đêm. Chắc có lẽ, Phê-rô là người rất lanh miệng đã có những câu hỏi với Giu-đa. Tại sao mày lại đi với những tên này?. Tại sao mày biết chỗ này, bởi vì mày chưa từng tới đây mà?. Mày làm việc này vì ai đó?. Mày không coi Thầy là Thầy của mày nữa à? Mày làm việc này vì lý do gì?. Mày đúng là thằng “ăn cháo đá bát” Và cầu hỏi trở nên cao trào hơn, mày không nói tao sẽ giết mày cùng những người này. Giu-đa đã không trả lời câu hỏi nào của Phê-rô mà chỉ có cái nhìn rảo qua những người anh em của mình, và “đưa mắt” nhìn Thầy. Ánh mắt này không như ánh mắt bao lần Giu- đa đã nhìn khi đi theo Thầy. Đây là ánh mắt của chia ly, ánh mắt của tiền bạc. Từ đó, Giu-đa tiến lại gần Chúa Giê-su nhưng Phê-rô đã rất mạnh mẽ, mày mà tiến lại gần Thầy tao sẽ giết mày ngay, nhưng Chúa Giê-su lên tiếng nói với Phê-rô cứ để anh ta tiến đến với Thầy đừng ngắn cản người anh em của con. Trong lúc này, binh linh đang vây quanh Chúa Giê-su và các môn đệ, mặt cách mặt trong những chiếc gươm. Trước khi dẫn quân tới, Giu-đa đã căn dặn các binh lính “Tôi hôn ai thì chính là người đó, các anh bắt lấy” (Mt 26, 48). Giu-đa tiến gần đến với Chúa Giê-su, và Ngài đã nói ngay với Giu-đa rằng “Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi” (Mt 26,50), và ngay lập tức Giu-đa đến chào và hôn người (x. Mt 26,49). Cái “hôn” của Giu-đa đã làm loạn cả một vùng trời bình yên trong đêm. Cái “hôn” thể hiện niềm yêu thường, niềm vui mừng và một lời cầu chúc cho một ai đó, nhưng đối với Giu-đa “cái hôn” trở thành một sự chia rẽ, một sự phản bội và trở thành dấu hiệu cho những người thù địch của mình. Giu-đa đã bán chính “cái hôn” yêu thương và sự cưu mạng suất chặng dài bước theo thầy để lấy 30 đồng bạc. Chỉ nhẽ, tình yêu mà Giu-da dành cho Thầy chỉ đáng với 30 đồng bạc thôi sao. Giu-đa bán “cái hôn” chính là bán tất cả con người của Giu-đa cho kẻ thù. 
Phê-rô là người rất “cương trực”, không thể đứng để kẻ thù tấn công mà không có sự chống trả, liền rút gươm để chồng trả kẻ thù và bảo vệ Thầy. Gươm của Phê-rô đã giáng xuống trên những người lính và máu đã đổ trong trận chiến qua “cái hôn” của Giu-đa. Ông Si-mon Phê-rô có sẵn một thanh gươm bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y ( Ga 18,10). “Cái hôn” của Giu-da lúc này không phải là “cái hồn” bình thường nhưng là “cái hôn” của giá máu. Thật vậy, vườn Ghêt-sê-ma-ni trở thành một nơi bạo động và phân ly, bởi vì trong cuộc khổ nạn Người bị khủng hoảng trước cái chết gần kề, và cũng chính nơi đây, Người bị kẻ phản bội hôn trên mặt. Nơi đây, Người bị các môn đệ bỏ rơi. Nơi đây, Người phải chiến đấu cho bản thân tôi [10]. Xét theo con người thì nơi đây trở thành một bãi chiến trường, nơi thể hiện sự thất bại của Chúa Giê-su trong cuộc đời rao giảng nhưng đối với tình yêu của Thiên Chúa thì những biến cố này đã mở ra và là một ân ban cho toàn thể nhân loại cách rõ ràng nhất. Chính giá máu của Người đã gột rửa tâm hồn mỗi người và đưa con người sống trong tình yêu của Thiên Chúa.
3/ Chúa Giê-su đứng giữa cuộc chiến
          Ghêt-sê-ma-ni là nơi Chúa Giê-su thường đến để cầu nguyện với Chúa Cha. Khu vực này thường ngày rất yên tĩnh, ít người lui tới. Chính vì thế, đã tạo một không gian yên tĩnh để Chúa Giê-su được tâm sự và thưa chuyện với Chúa Cha. Khung cảnh tĩnh lặng đó nay trở thành một nơi náo động, nơi của sự tranh chấp, nơi của đổ máu. Người đẫn đầu toán quân không phải ai khác lại là chính người môn đệ của Ngài. Chính nơi đây Chúa Giê-su đã chọn người này gia nhập vào đoàn ngũ các tông đồ thì cũng nơi đây người môn đệ này đã dùng “cái hôn” để bán Thầy cho các thượng tế chỉ với 30 đồng bạc. Từ đó cho ta thấy Giu-đa là người vô ơn bạc nghĩa đến ngần nào, hằng ngày sống bên Thầy nhưng tính chung lại tình nghĩa Giu-đa dành cho Thầy chỉ với 30 đồng bạc. Cảnh náo động diễn ra sau “cái hôn” của Giu-đa, đã biến nơi này thành nơi của chiến tranh. Đức Giê-su lên tiếng can ngăn và bảo Phê-rô không được làm như thế “Hãy xỏ gươm vào bao, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52). Chúa Giê-su nói với Phê-rô nhưng cũng nhắm tới tất cả những ai đang cầm gươm xung quanh Người, hãy bỏ tất cả gươm vào bao, rồi người tiến tới tên bị Phê-rô chém đứt tai và chữa lành cho người đầy tớ này (x. Lc 22,51). Chắc có lẽ, những người xung quanh rất ngạc nhiên về điều này, nhưng lòng chai dạ đá của loài người không thể nào nhìn ra được việc làm của Người và họ vẫn tiếp tục thi hành mệnh lệnh vị thượng tế sai đến.
          Chúa Giê-su bình tĩnh và lên tiếng hỏi những người xung quanh “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt?. Ngày ngày tôi vẫn ngồi giảng dậy ở Đền Thờ thì các ông không bắt” (Mt 26,55). Các câu hỏi của Chúa Giê-su nói với những người xung quanh nói lên rằng “tất cả những việc này xẩy ra là để ứng nghiệm những lời chép trong Sách Các Ngôn Sứ” (Mt 26,56). Qua đó cũng nói lên, Ngài không muốn những người xung quanh đổ máu vì Thầy, hãy để việc này diễn ra trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Sau khi Chúa Giê-su bị bắt và bị quan lính dẫn Ngài đi “các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (Mt 26,56). Qủa thật, các môn đệ theo Chúa Giê-su chỉ vì một sự ham thích hay tìm một chút vinh hoa gì đó bên Thầy mà thôi chứ thực sự các ông không hiểu các việc làm của Người và sự mong muốn của Người nơi các ông. Từ đây, các môn đệ trở nên tan rã, mỗi người mỗi phương cũng giống như “quân đã mất tướng”. Chỉ vì sợ bị liên lụy nên các ông đã tìm cách lẩn trốn để khỏi những người Do thái tìm bắt và cũng bị sử như Thầy. Ngày cả Phê-rô, một con người mạnh mẽ trước mọi sự và ngang nhiên tuyên xứng niềm tin trước mắt Thầy “dù ai có bỏ thầy chứ con không bao giờ bỏ thầy” (Mc 14,31). Những lần chối của Phê-rô không phải đứng trước những người quyền cao chức trọng của vị thượng tế nhưng là trước những người phụ nữ. Mà người phụ nữ thời bấy giờ đâu có vai trò gì trong xã hội, đó là một sự hèn hạ của Phê-rô, nhưng nhìn lại ông cũng tốt hơn các môn đệ khác, vẫn mon men quan sát Thầy trước vị thượng tế, coi thầy bị đối xử như thế nào và nghe những lời đối đáp của Chúa Giê-su với thượng tế. Ông đã đón nhận được ánh mắt của Thiên Chúa trong lần “chối” cuối cùng và ông đã nhận ra “Lời Thầy” cảnh báo khi xưa và ngay lập tức ông đã ăn năn trở lại ra ngoài khóc lóc thảm thiết.
4/ Kết luận
          Vườn Ghết-sê-ma-ni là nơi gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và Chúa Cha. Vườn Ghết-sê-ma-ni trở nên mối thân tình giữa Chúa Giê-su và các môn đệ. Vườn Ghết-sê-ma-ni là nơi Chúa Giê-su bước vào cuộc khổ nạn. Vườn Ghết-sê-ma-ni là nơi hiện rõ hai bản tính của Chúa    Giê-su thể hiện qua lời cầu xin cùng Chúa Cha “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39) và vườn Ghết-sê-ma-ni cũng chính là nơi của sự hỗn loạn và sự chia ly giữa Chúa Giê-su và các môn đệ và giữa các môn đệ với nhau. Qua trình thuật vườn Ghêt-sê-ma-ni, cho ta thấy có sự hòa trộn giữa trung tín và tính chất hoàn toàn mới mẻ. Đức Giê-su là một người “tuân giữ lễ luật”. Người than gia vào các ngày lễ của Do Thái. Người cầu nguyện trong đền thờ. Người tuân theo Lề Luật của Mô-sê và các ngôn sứ. Nhưng đồng thời tất cả đều mới mẻ, từ việc Người chú giải về ngày Sabbat (Mc 2,27), về luật thanh sạch (Mc 7), giải thích mới lạ về Thập giới trong bài giảng trên núi (Mt 5,17-48), cho đến việc thanh tẩy Đền Thờ (Mt 21,12-13), những việc này báo trước sự kết thúc của Đền Thờ gạch đá và cũng thông báo về Đền Thờ mới, việc thờ phượng mới “trong Thần Khí và chân lý” (Ga 4,24) [11]. Thật vậy, niềm tin tưởng của Chúa Giê-su về cái chết của Người biểu thị sự hoàn tất của việc phục vụ của Người, việc đi vào trong triều đại Người và con đường đi đến Phục sinh bằng mọi cách không giảm bớt đau đớn, khốn khổ. Bởi vì, Chúa Giê-su là Người thật và đang thật sự đứng ở trên giải phân cách luôn tách sự sống ta, một sự sống gắn liền với những chắc chắn theo kinh nghiệm, với thế giới vô hình và siêu việt của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, Chúa Giê-su vẫn là Thiên Chúa trong khi đang sống một cuộc đời nhân loại. Nhưng chính vì quyền năng siêu việt của tình yêu Người đã khiến Thiên Chúa có thể trở thành Người thật đến độ Người đã kinh nghiệm được cách trọn vẹn giá trị của sự sống con người trên trần gian này và như thế cũng kinh nghiệm được nỗi sợ hãi và hốt hoảng của việc phải từ bỏ sự sống ấy [12].





[1] WWW.Catholic. Org. Những bài suy niệm hằng ngày theo chủ đề của đài phát thanh chân lý á châu. Truy cập ngày 15/1/2016.
[2] Lm JB Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Ki-tô học, Đại Chủng Viện Vinh Thánh  năm học 2015-2016,  63
[3] Lm JB Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Ki-tô học, Đại Chủng Viện Vinh Thánh  năm học 2015-2016, 52.
[4] GLHTCG, Số 2725.
[5] Felipe Gómez, SJ. Ki tô học, thần học tín lý tập 2, Antôn và đuốc sáng, 305.
[6] Lm JB Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Ki-tô học, Đại Chủng Viện Vinh Thánh  năm học 2015-2016, 65.
[7] Norberto Nguyễn Văn Khanh, ofm, Cuộc Vượt Qua Của Đức Giê-su Ki-tô, Ki-tô học II, Nxb tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh 2014, 61.
[8] HERBERT MC KAYES OP. SR. MARIA BOLDING OSB. Qua Thập Giá  Đến Vinh Quang, Nxb Tôn giáo 2013, 183.
[9] Lm JB Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Ki-tô học, Đại Chủng Viện Vinh Thánh  năm học 2015-2016, 64.
[10] Josheph Ratzinger ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI, Lm Aug Nguyễn Văn Trinh dịch, Đức Giê-su Thành Na-za-rét,  Nxb tôn giáo, 183.
[11] Josheph Ratzinger ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI, Lm Aug Nguyễn Văn Trinh dịch, Đức Giê-su Thành Na-za-rét,  Nxb tôn giáo, 182.
[12] Roch A. Kereszty, Lm Dom, Nguyễn Đức Thông C.Ss.R dịch, Đức Giê-su Ki-tô, Những Nguyên Tắc Căn Bản Của Ki-tô Học, Nxb Tôn giáo 2013, 207.