Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

TINH THẦN LẠC QUAN CỦA PHAOLÔ TRONG THƯ PHILIPPHÊ

Anton Nguyễn Công Chính
 Có thể nói rằng tinh thần lạc quan là đặc tính của người được mệnh danh là nhà truyền giáo. Trong đó, Phaolô là mẫu gương cho tinh thần lạc quan này, điều này được thể hiện cách rõ ràng trong thư Philipphê. Quả thật, từ xưa đến nay, khi nói đến truyền giáo, là nói đến một sứ mệnh rất cao cả. Bởi vì, truyền giáo là mang trên mình hình ảnh Đức Ki-tô, để nói về Đức Ki-tô cho những con người chưa biết đến Đức Ki-tô. Nhưng để diễn tả Đức Ki-tô cho những con người này thì phải trải qua một quá trình hết sức khó khăn cả nội tại lẫn ngoại tại. Chính vì thế, điều trước tiên đòi hỏi những người truyền giáo phải có tinh thần lạc quan. Lạc quan ở đây không có nghĩa là dù thành công hay thất bại cũng luôn vui vẻ, muốn đến đâu thì đến, lúc nào cũng yêu đời, đi hết chỗ này đến chỗ kia mà không suy nghĩ gì. Nhưng “lạc quan” ở đây phải được hiểu vì Đức Ki-tô mà tôi đây phải thiệt thân, thậm chí mất mạng sống mà Tin Mừng được loan báo và đến với muôn dân, thì tôi đây rất vui mừng [1].
Dựa vào bức thư mà Phaolô gửi cho giáo đoàn Philipphê. Qua thư, người viết muốn trình bày tinh thần lạc quan của Phaolô qua 2 ý: Đức Ki-tô là trung tâm điểm đời sống của Phaolô và Phaolô mặc lấy tâm tình lạc quan trong cộng đoàn Philipphê [2]. Với hai điểm này, phần nào cho ta hiểu cách chung nhất tinh thần của Phaolô mang trên mình khi đi truyền giáo.
1/ Đức Ki-tô Là Trung Tâm Điểm Đời Sống Của Phaolô
 Có thể nói Phaolô được mênh danh là “nhiệt thành” cả trước và sau khi trở lại đạo Chúa Ki-tô. Bởi vì, trước biến cố “Đa Mát”, Saolô là người “nhiệt thành” trong việc bắt bớ đạo Chúa Ki-tô, muốn tiêu diệt tất cả những người theo đạo Chúa Ki-tô. Nhưng sau thị kiến ở “Đa Mát”, Saolô biến đổi hoàn toàn, trở thành Phaolô “nhiệt thành” rao truyền chân lý Chúa Ki-tô cho tất cả mọi người. Có thể nói “bắt bớ Chúa Ki-tô” và “trung thành với Chúa Ki-tô”, là hai tâm trạng trong một con người nhưng hoàn toàn không bị giằng co nhau mà có một sự tách biệt rõ ràng. Ngày xưa “nhiệt thành bắt đạo Chúa Ki-tô” bao nhiêu thì nay “nhiêt thành và trung thành rao truyền chân lý Chúa Ki-tô” bấy nhiêu, và còn hơn thế, nữa đó là được sống và cùng chết với Chúa Ki-tô là niềm vinh hạnh lớn lao của thánh nhân, đây không những là lời an ủi của thánh nhân mà là lời nhắc nhở cho muôn thế hệ về sau “Quả thế, nhờ Đức Ki-tô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người” (Pl 1,29).
 Quả vậy, trong xuất cuộc hành trình rao giảng, Thánh Nhân gặp biết bao thử thách, bởi những người chống đối việc rao giảng của Ngài, nhưng Thánh Nhân đã không lấy đó làm suy sụp lòng mến rao truyền Lời Chúa nhưng lấy đó làm niềm vinh hạnh và sự hạnh phúc viên mãn vì được cùng chịu đau khổ với Đức Ki-tô [3]. Quả vậy, với một niềm xác tín cách mạnh mẽ nơi Đức Ki-tô, để rồi quy về mọi việc xẩy ra với ngài đều là do Thánh ý Thiên Chúa. Mặc dù bị xiềng xích [4] nhưng Thánh Nhân cảm thấy được hạnh phúc vì chính lúc này đây Tin Mừng được tiến triển, đến nỗi tại dinh vua quan cũng như ở mọi nơi khác, người ta đều hiểu rõ là chính vì Đức Ki-tô mà tôi mang xiềng xích (Pl 1,13). Cũng chính xiềng xích Phaolô mang, mà phần đồng các anh em có lòng tin cậy vào Chúa đã tỏ ra bạo dạn hơn để rao giảng lời Thiên Chúa mà không sợ hãi (Pl 1,14). Như vậy, Phaolô không cảm thấy buồn sầu khi phải mang xiềng xích nhưng Phaolô lấy đó làm niềm hạnh phúc vì nhìn thấy được niềm tin đang lớn mạnh nơi những “người con” của mình. Người viết xin được mượn hình ảnh người cha, người mẹ, đối với “người con” để nói lên niềm hạnh phúc của Phaolô lúc này. Đó là hình ảnh người cha, người mẹ nhìn đứa con thơ đang ngày càng lớn lên và đứng vững, bước đi trên đôi chân của mình. Điều này thể hiện rõ nhất tinh thần lạc quan của Phaolô nói riêng và tinh thần truyền giáo nói chung.
 Thực vậy, Thánh Phaolô đã xác tín rằng: đối với tôi, sống là Đức Ki-tô và chết là một mối lợi (Pl 1,21). Qua đó cho ta thấy, Phaolô đã xác tín cách trọn vẹn đời sống của mình nơi Đức Ki-tô. Vì thế, mọi niềm vui, mọi đau khổ và thử thách đều có vai trò trong sứ vụ đem Đức Ki-tô đến với muôn đân. Tử tội nào rồi cũng chấm dứt và cuối cùng là Thiên Chúa, cũng như chính Thánh Phaolô sẽ là người chiến thắng. Vì vậy, dù sống hay chết, thì đối với Phaolô vẫn là cuộc sống bởi vì không gì tách biệt được vị tông đồ khỏi Đức Ki-tô. Chính vì thế, trước sự tra hỏi của những người chống đối và bỏ tù ngài, Phaolô không để cho chúng khiến mình giảm tinh thần, nhưng nhìn các vấn đề ấy như những cơ hội để Tin Mừng Chúa được tiến triển [5]. Chúng càng thấy ngài mạnh mẽ hơn khi Ngài xác tín rằng: nếu mình còn sống thì sứ vụ rao giảng Tin Mừng sẽ tiếp tục không gì cản trở được, còn nếu bị xử tử thì đó là niềm an ủi vì được ở với Đức Ki-tô [6].
2/ Phaolô mặc lấy tinh thần lạc quan trong cộng đoàn Philipphê.
 Qua thư Philipphê, người viết muốn được tìm hiểu sâu hơn về tinh thần lạc quan của Phaolô qua những cách nhìn sau: cộng đoàn Philipphê như là “con riêng” của Thánh Phaolô và cũng có thể nói cộng đoàn Philipphê như là “người yêu” của Thánh Phaolô. Bởi vì, những điều nói trên thể hiện cách rõ ràng trong lối hành văn của Phaolô. Một lối hành văn dương như “khác” với lối hành văn trong các thư mà Phaolô đã viết. Đọc thư Philipphê, ta có cảm nhận như là một cuộc tâm sự của Phaolô dành cho cộng đoàn này và cộng đoàn Philipphê cũng đáp lại lời tâm sự đó bằng những sự quan tâm rất cụ thể đó là gửi anh Ê-páp-rô-đi-tô [7] đến để chăm sóc Phaolô trong cảnh xiềng xích.
 Trong hành trình truyền giáo thứ II, Phaolô đã đặt chân đến Philipphê, là thành phố châu Âu đầu tiên. Chính nơi này đã để lại cho Phaolô nhiều ấn tượng nhất và cũng chính nơi đây Phaolô nhận sự trợ giúp trong hành trình truyền giáo. Đó chính là bà Lydia là một trong số những người được Phaolô làm phép rửa [8]. Có thể nói trong thời gian rao giảng tại Philippphê, Phaolô đã tru ngụ tại nhà bà “Sau khi bà và cả nhà đã chịu phép rửa, bà mời chúng tôi: Các ông đã coi tôi là một tín hữu Chúa, thì xin các ông đến ở nhà tôi. Và bà ép chúng tôi phải nhận lời” (Cv 16,15). Chính vì thế, Phaolô đã dành cho cộng đoàn Philipphê một chỗ đứng rất đặc biệt trong con tim của ngài, như hình ảnh người cha đối với người con và ngược lại , cũng có thể diễn ra hình ảnh của một “tình yêu nam nữ”.
 Thực vậy, mở đầu bức thư, ta thấy được tình cảm Phaolô dành cho cộng đoàn Philipphê “Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi, mỗi lẫn nhớ đến anh em. Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, vì tử buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng” [9]. Qua đó, ta có cảm nhận cộng đoàn Philipphê như là cánh tay phải để cộng tác với Phaolô trong hành trình rao giảng. Chính vì thế, ngay cả khi bị tù tội, Phaolô vẫn quan tâm tới Hội Thánh này hơn là lo cho chính mình. Người cảm thấy vui mừng khi cầu nguyện cho các tín hữu Philipphê và người cầu nguyện cho tình yêu thương giữa mọi thành phần trong cộng đoàn Philipphê ngày càng đậm đà thắm thiết [10]. Chính Phaolô đã coi cộng đoàn này như là “người con hoặc người yêu” tinh thần cách đặc biệt, nên Phaolô đã bọc lộ niềm tin cách sâu sắc để tâm sự và khuyên răn “người con hoặc người yêu” trong hành trình truyền giáo của mình. Với tất cả mong muốn đó là đứng vững vào quyền năng của Thiên Chúa và hãy lấy đức tin để chống trả lại trước những thử thách và những cơn cám đỗ làm cho đức tin của từng người trong cộng đoàn bị lay chuyển. Mặc dù không biết ngày mai sống chết thế nào nhưng Phaolô cũng nhắm gửi tới cộng đoàn này, mặc dù xa nhau về mặt địa lý nhưng trong tâm trí Phaolô luôn hướng về cộng đoàn, chính anh em là nguồn an ủi và động viên dành cho Phaolô “dù tôi có đến thăm anh em hay vắng mặt đi nữa, tôi vẫn muốn được nghe người ta nói về anh em là anh em luôn đứng vững, cùng chung một tinh thần, một lòng một dạ cùng nhau chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em”[11]. Qua đó, Phaolô nhắn nhủ cộng đoàn hãy câu nguyện luôn trong tình yêu Thiên Chúa. Bằng việc cầu nguyện, anh em sẽ sống mối tình liên đới với nhau, gia tăng tình bạn, tất cả thể hiện niềm tin tưởng vào Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích của mọi tương giao tốt đẹp. Quả vậy, chỉ trong Thiên Chúa, mọi thành phần được liên kết với nhau và giúp nhau đứng vững trong đời sống đức tin. Trong thư, Phaolô luôn nhắc nhở cộng đoàn hãy vui luôn trong tình yêu Đức Ki-tô. Chính niềm vui này sẽ xua tan đi tất cả nỗi buồn, để anh em thuộc trọn về đức tin đã lãnh nhận [12]. Thực vậy, Phaolô đã rất khen ngợi sự vâng phục của công đoàn, chính sự vâng phục này mang lại ơn cứu độ cách tròn đầy trong cộng đoàn. Có lẽ Phaolô rất hãnh điện về sự vâng phục của cộng đoàn, bởi vì anh em là những người luôn luôn vâng phục không những khi tôi vắng mặt, và nhất là bây giờ, khi tôi vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ [13].
3/ Tạm Kết:
           Qua thư Philipphê, Phaolô không những nhắn gửi cho cộng đoàn Philipphê mà còn nhắn gửi cho muôn thế hệ về tinh thần lạc quan trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Thực vậy, người rao giảng Tin mừng là người “bị ăn” để cho cộng đoàn đón nhận đức tin được thấm nhuần chân lý đức tin. Tôi trông, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên[14]. Vì thế, trong hành trình rao giảng Tin Mừng, nếu ta chỉ cậy vào sức riêng của mình thì lời rao giảng của ta hoàn toàn thất bại. Chính cách thể hiện niềm tin trong cộng đoàn ta rao giảng là niềm an ủi và nguồn động viện lớn nhất trong hành trình rao giảng.



[1] Lc 21,12-19.
[2] Có thể nói, công đoàn Philipphê là người con tinh thần của Phaolô, nên trong cách hành văn ta có thể hiểu một tâm trạng của người cha đối với một người con và người con đối với người cha. Cũng có thể nói, giống như là một tình yêu đẹp, khi đã yêu nhau thì người ta dành hết tình cảm cho người yêu, muốn bọc lộ con người mình cho người yêu hiểu và tìm thấy niềm vui nơi người phối ngẫu của mình.
[3] Ga 2,17: Với một niềm xác tín “vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”.
[4] Pl 1,7.
[5] Pl 1,23 “Tôi muốn anh em biết là những gì xẩy đến cho tôi thật ra đã giúp cho Tin Mừng được tiến triển”.
[6] Giáo trình “Tìm Hiểu các Thư Thánh Phaolô”, Học Viện Đa Minh 2010, 79.
[7] Pl 2,25 “Tôi nghĩ cần phải trả anh Ê-páp-rô-đi-tô về cho anh em. Anh ấy đã từng là một người anh em, một cộng sự viên, một chiến hữu của tôi, người mà anh em đã gửi đến giúp tôi trong lúc túng cực”.
[8] Cv 16,13-14 “Ngày sa-bát, chúng tôi ra khỏi cổng thành, men theo bờ sông, đến một chỗ chúng tôi đoán chừng có nơi cầu nguyện. Chúng tôi ngồi xuống nói chuyện với những phụ nữ đang họp nhau tại đó. Có một bà tên là Lydia, quê ở Thyatira, chuyên buôn bán vải điều. Bà là người tôn thờ Thiên Chúa, bà nghe và Chúa mở lòng cho bà để bà chú ý đến những lời ông Phaolô nói.”
[9] Pl 1,3-5.
[10] Pl 1,5-8.
[11] Pl 1,27.
[12] Pl 2,29-30 “Vì Chúa anh em hãy hết sức vui mừng đón tiếp anh em. Anh em hãy quý trọng những người như thế, chính làm việc cho Đức Ki-tô mà anh em đã suýt chết, đã liều mạng sống để thay thế anh em, khi anh em không đến giúp tôi được”.
[13] Pl 2,12.
[14] 1Cr 3,6.