Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

MỤC ĐÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Anton Côn Chính
Công đồng Vaticanô II được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII lấy lại hình ảnh chủ đạo của một “lễ Ngũ Tuần mới,”[1] nghĩa là mở ra cho Giáo hội một hướng đi hay một lối nhìn mới về mọi chiều kích, để cách nào đó phù hợp với những thay đổi của thế giới,[2] nhưng không vì thế mà thay đổi những “Tín Lý” quan trọng từ trước đến nay Giáo hội vẫn nhìn nhận, mà còn tái khẳng định những “Tín Lý” đó trong sự đối thoại, nghĩa là nhìn nhận những giá trị của mỗi tôn giáo, đồng thời cũng tìm thấy nơi đó những tiếng nói chung để xích lại gần với nhau hơn,[3] không những thế Giáo hội còn mở rộng ra bên ngoài để đối thoại với thế giới, qua đó tái khẳng định những giá trị của mỗi con người đang sống trong thế giới.[4] Thật vậy, trước công đồng Vaticanô II dường như Giáo hội chỉ nhắm đến những vẫn đề nội bộ, nhằm bảo vệ và kết án những gì ai hay những tổ chức nào đi ngược lại với những quy định của Giáo hội mà không có những cuộc đối thoại, như trong các cuộc tranh chấp với thuyết “tân-thời-hóa” thì Giáo hội như có thái độ phòng vệ. Còn Công đồng Vaticano II là Công đồng đầu tiên trong lịch sử đã không phán quyết một kết án nào, vì Đức Thánh Cha tin vào khả năng học hỏi của con người, đồng thời mở ra với thế giới trong sự đối thoại, qua đó nhìn nhận những giá trị của con người hay nói cách khác là duyệt qua tất cả mọi vấn đề về tư tưởng, xã hội, chính trị, văn hóa của thời đại và đem đối chiếu với những đòi hỏi của Tin mừng.[5] Thật vậy, Hiến chế Gaudium et Ppes là bản văn duy nhất của Công đồng mà việc soạn thảo đã không có thể dựa vào một chương trình rõ ràng, vì đụng chạm đến thần học đức tin và các vấn đề chính trị, hơn thế nữa đó là một hiến chế được mang nặng đẻ đau bởi chính Công Đồng[6] và đến phút chót mới được hình thành chính thức, nghĩa là đến ngày 7/12/1965, tức ngày áp giờ bế mạc Công Đồng, mới được long trọng công bố.[7] Mặc dù như thế nhưng hiến chế đã mang lại cho Giáo hội cũng như Thế giới những giá trị quan trọng. Bởi vì, qua Hiến chế này Giáo hội muốn ngỏ lời với tất cả mọi người trên thế giới trong cũng như ngoài công giáo, kể cả người vô thần về phẩm giá con người, cộng đồng con người, những hoạt động của con người, đồng thời cũng nói đến giá trị của gia đình, những nét văn hóa, kinh tế, chính trị và hòa bình. Tất cả đều nhắm tới lợi ích của con người, và quy về Thiên Chúa trong mọi sự “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Ki-tô. Không có gì thực sự là của con người mà tín hữu Ki-tô lại không cảm nhận trong lòng mình. Nghĩa là mọi người được quy tụ trong Chúa Ki-tô và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành, để hướng về Nước Trời.”[8] Chính vì thế, con người trải qua các thời đại được mời gọi cộng tác với công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong khả năng Chúa ban để góp phần kiến tạo một thế giới tươi đẹp. Vì vậy, việc phát triển kinh tế phải luôn đặt dưới sự kiểm soát của con người trong mọi thời đại, nghĩa là việc sản xuất không chỉ là gia tăng sản lượng, lợi nhuận hoặc quyền lực, nhưng chính là phục vụ các nhân vị con người toàn diện và toàn thể cộng đồng nhân loại. Bởi thế, hoạt động kinh tế với những phương pháp và quy luật riêng, phải luôn luôn được thực hiện trong giới hạn của trật tự luân lý.[9]
<script async src="https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js"></script>
<!-- Sach -->
<ins class="adsbygoogle"
     style="display:inline-block;width:300px;height:250px"
     data-ad-client="ca-pub-8290387625340435"
     data-ad-slot="4572031644"></ins>
<script>
     (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

</script>
          Thật vậy, ngày sau công trình sáng tạo của Thiên Chúa thì Ngài đã cho con người toàn quyền trên mặt đất “hãy sinh sôi nảy thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất,”[10] đồng thời Thiên Chúa cũng phán với con người là mọi thứ trên mặt đất là để phục vụ con người “đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực.”[11] Như vậy, ngay từ đầu Thiên Chúa đã mời gọi con người cộng tác và phát triển công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong tư cách là một cộng sự viên, đồng thời cũng là người quản lý của Thiên Chúa, nghĩa là vốn lấy từ Thiên Chúa và phải làm cho số vốn này sinh hoa kết quả, hay nói cách khác con người lấy từ cái có mà Thiên Chúa ban để làm nên cái có, vì mọi thứ Ngài ban đều có “hạt giống” trong đó, nghĩa là tất cả mọi thứ con người làm ra là để phục vụ con người chứ không phải con người lệ thuộc và làm nô lệ cho những thứ đó, con người chỉ lệ thuộc vào Thiên Chúa, bởi vì chính Ngài đã làm nên và ban sự sống cho con người “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật,”[12] cũng vậy những hoa trái con người làm ra để phục vụ cuộc sống mình  cũng phải phụ thuộc nơi Thiên Chúa, bởi vì chính Ngài mới là nguyên nhân của sự sống, như thánh Phaolô đã nói “Tôi trồng, A-pô-nô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.”[13] Mặc dù người trồng, kẻ tưới chẳng là gì cả nhưng vẫn phải để đón nhận sức sống từ Thiên Chúa. Chính vì thế Thiên Chúa mời gọi con người công tác với công trình sáng tạo của Ngài, để ơn Chúa được tuồn tràn xuống trên con người, đồng thời cũng nhắc nhở nhân loại nếu không có ơn Chúa thì con người chẳng làm được gì, hơn thế nữa cuộc sống và những hoa trái con người làm ra cũng chẳng có nghĩa lý gì. Vì thế những sản phẩm con người làm ra không phải từ không mà có, nhưng đều xuất phát từ cái có, nghĩa là từ sản phẩm ban đầu của Thiên Chúa ban, để qua trung gian con người với khả năng Chúa ban để làm ra những sản phẩm để phục vụ con người một cách tốt nhất. Theo ý tưởng này thì của cải vật chất tự nó không có giá trị gì, chúng chỉ có có giá trị khi được dùng để phục vụ các nhu cầu của con người. Bởi đó mục đích của các thụ tạo không phải là tích trữ của cải bao nhiêu có thể. Song mục đích cuối cùng của con người là tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa, nên mọi của cải trần gian phải sử dụng làm sao để con người đạt được mục đích đó.[14] Bởi vậy, không một cá nhân hay tập thể nào có quyền vô hạn định về của cải mình có, nghĩa là phải biết chia sẻ những của cải mình có cho những con người hay những vùng đang gặp khó khăn, nghèo đói. Như Đức Cha Phaolo “vật chất của người giàu có không phải của riêng họ mà họ đang giữ hay vay mượn của người nghèo.” Như thế “những ai để cho tài sản của mình không sinh sản hay không cống hiến cho cộng đồng những sự trợ giúp vật chất và tinh thần cần thiết thì đều là người đã làm thiệt hại công ích nặng nề.”[15] Bởi vì, mọi tài sản ở trần gian hay nói cách khác mọi thứ ở trên khắp hành tinh này là của Thiên Chúa, ngoài vấn đề lo cho các nhu cầu thân thể, đời sống hạnh phúc, cho nên văn mình, còn là phương tiện giúp phát triển nhân cách, từ đó giúp cuộc sống con người thêm giá trị, như câu chuyện Đức Giê-su đòi hỏi anh nhà giàu là “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”[16] Qua đó cho ta thấy, bản chất tài sản con người làm ra không phải là xấu nhưng cách người đó sử dụng tài sản không đúng mục đích lại xấu. Có thể nói những người không biết sử dụng tài sản theo đúng nghĩa hay đúng ý Thiên Chúa mời gọi thì những người đó đang làm nô lệ cho tài sản, vì “kho tàng của anh ở đâu, thì lòng trí anh em ở đó.”[17]
Như vậy, của cải con người làm ra ngoài việc phục vụ cá nhân và gia đình, còn phải hướng tới đồng loại. Bởi vì, Thiên Chúa mới là chủ của tất cả những gì có trên khắp hành tinh này, còn con người chỉ được mời gọi cộng tác với những sản phẩm ban đầu của Thiên Chúa để phục vụ cho bản thân cũng như đồng loại của mình, chứ không có quyền tư hữu riêng cho bản thân mà không nghĩ tới đồng loại. Câu chuyện ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó là điển hình cho hậu quả không biết chia sẻ của cải cho người khác mà chỉ biết giữ cho riêng mình.[18] Chính vì thế, con người buộc phải thực hiện các quyền của mình phù hợp với trật tự luân lý đại đồng. Vì của cải vừa có tính cách cá nhân vừa có tính cách xã hội, nên chức năng của nó là phục vụ cá nhân và phục vụ lợi ích cho con người.[19] Vì vậy, “mỗi con người phải coi tài sản mình đang sở hữu cách chính đáng không chỉ là của riêng mình, nhưng còn là của chung, trong ý nghĩa là của cải đó có thể sinh ích không những cho riêng mình mà còn cho nhiều người khác,”[20] đồng thời Công đồng cũng nói với những người đang sống trong cảnh cùng quẫn cực độ, họ cũng có quyền nhận được từ sự giàu có của người khác những gì cần thiết để sinh sống. Với điều này, Công đồng tha thiết kêu gọi mọi người và chính quyền hãy nhớ tới họ và giúp đỡ họ để họ được sống, bằng không chính mọi người là kẻ đã ra tay kết thúc mạng sống của họ.[21] Qua đó cho ta thấy, mạng sống hay của cải vật chất của mỗi người là của chung của cộng đồng nhân loại, chứ không phải là quyền sở hữu riêng của mỗi người. Vì thế, những người giàu có khi sử dụng tài sản của mình hãy nghĩ tới những người khác, rồi những nước giàu có cũng phải biết chia sẻ hay tạo cơ hội cho những nước kém phát triển để cùng nhau vươn lên. Bởi vì, mọi thứ trên hành tinh này là của Thiên Chúa và chỉ có mình Ngài mới có quyền sở hữu riêng, còn chúng ta chỉ là người giữ hộ và phân phát cho nhau để giúp nhau thăng tiến và sống trọn cuộc đời trên dương thế, hầu mai ngày cùng chung hưởng vinh quan Nước Trời.
Như vậy, Hiến chế Gaudium et Spes, tái khẳng định với nhân loại về những giá trị ban đầu mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại, đồng thời cũng khơi dậy trong tâm trí họ ý thức về những giá trị ban đầu này, để biết chia sẻ những sản phẩm mình làm ra là để phục vụ con người chứ không phải làm nô lệ cho những sản phẩm đó. Bởi vì, thế giới hiện nay dường như quyên đi giá trị ban đầu này và tự cho mình là những chủ nhân ông của vũ trụ này, ngoài họ ra không còn ai khác. Có lẽ chính vì thế mà các nước luôn xẩy ra những sự tranh giành quyền lực, cũng như những nước giàu luôn tìm cách đàn áp hay bóc lột những nước nghèo để thâu tóm mọi sự về với họ, tạo cho họ một vòng tròn khép kín mà không ai có thể xâm chiếm. Vì thế với sự phát triển tột bậc của khoa học kỹ nghệ lại càng có sự phân giới rõ ràng giữa các nước giàu với nước nghèo, giữa người giàu với người nghèo càng có sự chênh lệch đáng để. Vì họ chỉ nghĩ tới tư lợi cho bản thân chứ không nghĩ tới những đồng loại của mình, một xã hội dường như “mạnh ai người đó sống.” Chính vì thế, Hiến chế Gaudium et Spes dường như đánh thức tâm trí con người trong mọi thời đại đang còn ngủ mê dưới bóng của, tiền tài, danh vọng, chức quyền....v...v...để nghĩ tới người khác và đừng để con người làm nô lệ cho những sản phẩm mình làm ra. Tất cả những thứ đó sẽ qua đi, mà chỉ có tình yêu Nước Trời mơi là vĩnh cửu đời đời, có lẽ đây cũng là nơi con người vẫn hằng mong ước và luôn hướng tới.




[1] Đại Chủng Viện Vinh Thanh, Tìm hiểu về Công Đồng Vatiacano II, nhân kỉ niệm 50 năm khai mạc công đồng 1962-2012, 4.
[2] Đây là thời kỳ cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông và Tây. Tháng 8/1961, Thế giới tự do tham dự một cách thụ động về việc xây dựng bức tường Belin, những chống đối vào năm sau với Liên Xô trong vụ khủng hoảng Cuba. Song song với đó là sự giải phóng khỏi ách thực dân đã đến hồi cao điểm. Năm 1962 xẩy ra cuộc chiến Algerie chấm dứt. Còn ở bắc bán cầu thì việc công nghiệp hóa đi qua một ngưỡng mới và các phương tiện truyền thông đại chúng ảnh hưởng mạnh trong các não trạng con người. Rồi trong các nước đang phát triển thì có các dấu hiệu đầu tiên của một sự chống đối nền kinh tế khai thác bởi các nước giàu có bắt đầu xuất hiện, hay nói cách khác là nước giàu bắt nạt nước nghèo, nước nghèo phụ thuộc nước giàu, người giàu đàn áp người nghèo, một sự phân biệt đôi xử.
[3] Công Đồng Vaticano II, Hiến chế về Phụng vụ Thánh, Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Hiến chế Tín lý về Mặc Khải.
[4] ID, Hiến chế mục vụ về Giáo hội.
[5] Lm. Hồng Phúc, C.Ss.R. Giáo hội công giáo bước vào thiên nhiên kỷ mới, 37.
[6] Được thúc đẩy bởi hai thông điệp Pacem in terris của ĐTC Gioan XXIII (11/4/1963), thông điệp này không còn nói đến những điều kiện để biện minh một cuộc chiến “công bằng” nhưng thay vào đó là những chương nhấn mạnh đến tôn trọng nhân quyền, những thái độ cần có để xây dựng hòa bình. Nền tảng của tương quan hòa bình giữa cá nhân là tôn trọng nhân phẩm, khước từ sự kỳ thị chủng tộc, cỗ võ tình liên đới giữa các quốc gia. Và thông điệp Ecclesiam suam của ĐTC Phaolo VI (6/8/1964). Trong thông điệp này, Ngài cũng cổ võ tình thần hòa bình và tình liên đới với các quốc gia, các nước giàu tôn trọng các nước nghèo.
[7] Lm. Jb. Trần Thanh Ngoạn, M.Jos Hoàng Văn KIệm (thào đính và phúc ấn),Thần Học Công Đồng, 18.
[8] Công Đồng Vaticano II, Hiến chế Gaudium Et Spes, 1.
[9] CĐ, Hiến chế Gaudium Et Spes, 64.
[10] St 1,28.
[11] St 1,29-30.
[12] St 2,7.
[13] 1Cr 3,6.
[14] Lm. Phaolo Bùi Đình Cao, Giáo trình Thần học luân lý chuyên biệt, Đại Chủng Viện Vinh Thanh 2014, 336.
[15] CĐ, Hiến chế Gaudium et Spes, 65.
[16] Mt 19,21.
[17] Mt 6,21.
[18] x. Lc 16,19-31.
[19] Lm. Phaolo Bùi Đình Cao, Giáo trình luân lý chuyên biệt, 339.
[20] CĐ, Gaudium et Spes, 69.
[21] Idiem, 69.