Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

ÂN SỦNG CỦA THIÊN CHÚA VÀ Ý CHÍ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI CÙNG HOẠT ĐỘNG

Anton Công Chính
Con người đang sống trong một xã hội phát triển về mọi mặt. Những trào lưu của xã hội đã làm cho con người thay đổi cách sống, cách suy nghĩ và cách hành động. Chính vì thế đã đẩy con người đến việc tự khẳng định chính mình, cho mọi thứ xung quanh là cái để phục vụ mình. Từ những suy nghĩ đó đã đẩy Thượng Đế ra khỏi suy nghĩ của họ, coi Thượng đế đã can thiệp và làm mất tự do của họ. Hạnh phúc con người đạt được không phải là Thượng đế ban tặng nhưng đó chính là nỗ lực của chính bản thân đã đạt được. Con người có thể làm tất cả để phục vụ cuộc sống này và con người được hưởng những gì mà họ đã làm ra. Những thành công hay những thất bại trong cuộc sống tự con người có thể định đoạt được mà không cần đến sự trợ giúp từ “ơn trên” ban tặng. Thượng Đế ở trên cao thì cứ ở trên cao chứ đừng để ý đến những chuyện dưới đất này và ngược lại những người đang sống trong thế giới dương gian hãy sống và làm những gì ở dương gian, đừng suy nghĩ gì tới những gì ở trên cao, nếu không sẽ đánh mất đi sự tự do nơi chính bản thân. Bên cạnh đó, Phật giáo đã đề cao việc tự giải thoát chính mình mà không cần đến Đấng Siêu Việt. Với họ không ai có thể cứu được bản thân bằng chính bản thân họ, mỗi người phải tự cứu lấy bản thân mình trước thì mới có thể cứu được người khác. Vì thế, mỗi người Phật giáo ra sức để kiến tạo hạnh phúc và tìm cách để tự mình có thể đạt đến Niết Bàn, nơi mà không còn đâu khổ chi phối. Không những Phật giáo mà ngay cả một số người Ki-tô giáo cũng có những người quan niệm Ân sủng của Thiên Chúa đã đánh mất đi hoặc giảm thiểu ý chí tự do của họ. Chính vì thế, có những người đã sống rất buông xuôi mà không cần đến sự cộng tác và tìm kiếm Nước Trời nơi Thiên Chúa. Để rồi yên trí trong một suy nghĩ, dù mình có tội lỗi như thế nào thì với ân sủng của Thiên Chúa cũng không làm cho ta xa rời Nước Trời là bao, tất cả rồi sẽ được cứu rỗi.
Đứng trước những vấn nạn như thế, sau khi tìm hiểu đề tài “Nguyên Tội, Ân Sủng và Sự Công Chính Hóa”, đã cho người viết những bằng chứng để xác định Ân Sủng của Thiên Chúa và Ý Chí Tự Do của con người luôn hoạt động cùng nhau chứ không có sự tách biệt hay lấn át trên nhau để rồi cái này con, cái kia mất.

1/ Ân Sủng của Thiên Chúa

        Nói đến Ân sủng của Thiên Chúa là nói đến tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa  ban tặng cho nhân loại. Chính nhờ ân sủng mà con người sau khi phạm tội đã ăn năn và được trở về với tình yêu của Thiên Chúa. Ân sủng được Thượng Đế ban cho các tín hữu để chia sẻ vinh quang của Ngài vinh viễn [1]. Ân sủng là ân huệ Thiên Chúa ban một cách tự do và vô điều kiện, giúp con người tham dự sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và có khả năng hành động vì tình yêu dành cho Ngài [2]. Quả vậy, "ân sủng là sự sinh ra trong một cuộc sống mới, cuộc sống của Thần Khí, Đấng ban sự sống. Kinh nghiệm về sự sống này là kinh nghiệm của Thánh Linh. Chế độ của ân sủng là chế độ của Thần Khí. Thần khí, ân huệ tuyệt vời của Thiên Chúa, minh chứng cho tâm trí chúng ta, bằng một kinh nghiệm chắc chắn rằng, ân sủng biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa, được quyền gọi Thiên Chúa là Cha”(Rm 8,15-16). Chính vì thế, ân sủng của Đức Ki-tô là ân huệ nhưng không, qua đó Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống của Người. Nhờ Thánh Thần, Thiên Chúa ban sự sống đó vào linh hồn để chữa trị tội lỗi và thánh hóa chúng ta [3]

2/ Ý Chí Tự Do của con người

         Trước hết ý chí tự do gắn liền với bản tính của con người. Ngay cả khi con người phạm tội, ý chí tự do cũng không bao giờ mất đi, dường như ý chí tự do tiềm ẩn trong sâu thẳm mỗi người mà chỉ người đó mới có thể biết và thấu hiểu được. Giáo lý về “ý chí tự do” do James Aminius (1560-1609), người Hòa Lan khởi xướng hay còn được gọi là học thuyết của Aminius đã cắt nghĩa về ý chí tự do của con người như sau “Ý chí: mô tả năng lực của tâm trí con người mà nhờ đó con người có thể định hướng cho tư tưởng hay hành động của mình. Từ ngữ “tự do” có nghĩa là không bị lệ thuộc, không bị kiểm soát, hay không bị hạn chế bởi bất cứ điều gì. Như vậy ý chí tự do là khả năng rất đặc biệt mà Thiên Chúa phú cho con người, bởi nó, con người được tự do chọn lựa và quyết định. Thiên Chúa đã tạo dựng con người rất đặc biệt. Chúng ta được tự do chọn lựa để vâng lời hoặc không vâng lời Ngài. Thiên Chúa muốn con người vâng lời Ngài bởi sự tự nguyện chứ không bị tác động bởi một quyền lực nào khác” [4]. Ý chí tự do chọn lựa là yếu tố để hành vi con người trở thành hành vi nhân linh, “hành vi đã được chọn cách tự do theo phán đoán của lương tâm” (GLHTCG 1749). Ý chí tự do chỉ đạt tới mức hoàn hảo khi con người biết quy hướng về Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực của họ (x. GLHTCG 1731) [5]. Từ những trích dẫn đó ta có thể nói ý chí tự do là khả năng chọn lựa mà mỗi người sinh ra cùng với nó. Ý chí tự do chính là ý chí khi nó thuộc về bản tính thiêng liêng. Nó không bao giờ mất đi, ngay cả khi ý chí ở trong tình trạng nô lệ của tội [6].

3/ Mối Tương quan Ân Sủng và Ý Chí Tự Do cùng hoạt động trong con người.

        Ân sủng của Thiên Chúa và ý chí tự do của con người có mối tương quan mật thiết với nhau. Ân sủng của Thiên Chúa và ý chí tự do của con người không thể tách rời nhau, nếu tách rời hai phạm trù này riêng rẽ ra thì cũng giống như con cá tách ra khỏi nước. Tương tác giữa ân sủng của Thiên Chúa và ý chí tự do của con người làm cho tình yêu của Thiên Chúa được tỏ lộ cách rõ ràng cho nhân loại và nhân loại nhận ra được tình yêu nơi Thiên Chúa. Chính tình yêu, mà Thiên Chúa đã làm cho mọi sự từ không mà có và ngược lại từ những thụ tạo Ngài đã làm nên nhận ra và hưởng lấy tình yêu Ngài ban tặng. Quả vậy, trong tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa với con người và con người với Thiên Chúa đã tạo nên một sự hợp nhất trong tình yêu. Khi con người đã lạm dụng tự do Chúa ban để phạm tội, Thiên Chúa không bỏ rơi con người nhưng đã ban chính Con Một yêu dấu của Ngài xuống để cứu độ nhân loại và đưa nhân loại trở về với Ngài (x. Rm 8,32). Thực vậy, sự tội đã làm cho con người tốt lành ban đầu ra hư hoại, chính sự tội này đã làm cho con người xa cách Thiên Chúa về thể xác nhưng trong sâu thẳm cõi lòng con người luôn quy hướng về Thiên Chúa. Sự tội đã làm cho ý chí tự do của con người bị tổn thương. Chính vì thế, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, ý chí tự do của con người luôn tìm cách hướng về Thiên Chúa để đẩy lui những sự tội ra xa.
 Ân sủng là quà tặng nhưng không mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, nhưng nhân loại luôn tìm cách chống đối và tìm cách lẩn trốn thì ân sủng của Thiên Chúa không thể  đến được với nhân loại, nên cần có ý chí tự do của con người để đáp trả và tiếp nhận thì ân sủng đó sẽ đến được với nhân loại nói chung và trực tiếp trên những con người đó. Ân sủng của Thiên Chúa và ý chí tự do của con người không nằm trên một bình diện, cũng giống như hai con ngựa kéo cùng một chiếc xe: Sức kéo của con này làm nhẹ gánh cho con kia bao nhiêu thì con kia cũng phải bỏ sức ra như vậy. Giữa ân sủng và tự do là hai hoạt động không nằm trên cùng một trật tự, như Y.de Montcheuil viết: nó không cạnh tranh nhau và có thể chấp nhận rằng cái này làm cho cái kia hiện hữu. Trong hành động tốt của tôi, tất cả đến từ hồng ân và tất cả đến từ tự do, vì chính ân sủng làm cho tôi được tự do, không phải để có thể chọn, nhưng để hành động một cách tự do ngay tại đây và trong giây phút này [7]. Qua đó cho ta thấy được giữa ân sủng của Thiên Chúa và ý chí tự do của con người không lấn át trên nhau hay “cái này có và cái kia” không có nhưng là sự bổ trợ cho nhau để thực hiện trong bản thể người. Các hành động của bản thể người chỉ là những hành động đến sau của ân sủng Thiên Chúa và ý chí tự do của con người. Cũng giống như một đứa trẻ để biết thực trạng đời sống của mình trong thế giới thì cần có những người hướng dẫn và từ đó làm nền cho đứa trẻ biết khám phá những bí ẩn xung quanh để được tồn tại trong thế giới bao la này. Thánh Augustino đã cho ta thấy mối tương quan: ân sủng và ý chí tự do của con người không chỉ là chiếc cầu khả thể nối con người với Thiên Chúa, nhưng còn là sự hảo tâm của một con người luôn tự hiến. Trước hết nói không phải và không chỉ là một “trung gian”, ngay cả sau thời Augustino, người ta đã nói tới hồng ân “tạo dựng” và hồng ân “công chính hóa” như là một cái gì đó tự hiện hữu [8]. Theo đó, ta có thể hiểu Ân sủng của Thiên Chúa và ý chí tự do của con người là hai phạm trù luôn hoạt động cùng một lúc, được bổ trợ và hỗ trợ nhau để tỏ lộ ra bên ngoài bằng chính đời sống hằng ngày nơi người ấy, mặc dù những điều thể hiện ra bên ngoài không thể nào phản ánh hết những gì bên trong đang có. Người ta thường nói với nhau “Miệng thì nam mô nhưng lòng chất chứa một bồ dao găm”. Qủa thế, những điều được người ta thể hiện ra bên ngoài không phản ảnh cách hoàn toàn cái bên trong và ngược lại những người tiếp nhận cũng không thể nào phản ảnh được cái bên trong để cho người được cho hiểu hết được. Từ đó, ta có thể xác định ân sủng của Thiên Chúa không làm giảm thiếu ý chí tự do của con người và ý chí tự do của con người cùng không làm giảm thiểu ân sủng của Thiên Chúa. Qua đó, ta có thể nói, ân sủng toàn quyền hoạt động, nhưng nó không cưỡng bức con người. Và con người không phải là một khả thể tĩnh được đặt đối điện với Thiên Chúa, nhưng là một sự tự do, được dựng nên cho Thiên Chúa, một tự do mà lời mời gọi của ân sủng làm cho nó được trở nên hiện thực và khiến nó có khả năng hợp nhất với cái động năng cư ngụ nơi mình [9]. Một câu châm ngôn trong thần học trung cổ, có thể làm sáng tỏ hơn về sự hoạt động này đó là “ân sủng không hủy hoại thế giới tự nhiên, nhưng hoàn chỉnh nói”. Thực vậy, niềm tin không rút ra khỏi hoàn cảnh trần thế. Trái lại: niềm tin trả chúng ta về với nhiệm vụ trần thế cách khẩn trương hơn, vào các giai đoạn mà nó phải nhập thể trong các nền văn minh và văn hóa xa lạ với đời sống Ki-tô giáo, hoặc do bởi quá khứ của chúng, hoặc do bởi tính chất mới mẻ của chúng [10].
Augustino lưu ý rằng Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta về tên của Thiên Chúa và Đấng Cứu Chuộc là Đấng “giàu lòng thương xót”. Ân sủng là một sự trợ giúp cho ý chí tự do của con người, khi cho nó khả năng cụ thể để trở thành tự do. A-dam trong tình trạng vô tội đã hành động trong ân sủng, tức là trong khả năng đích thực để thực hiện những chọn lựa của tự do, nhưng nguyên tổ đã lạm dụng tự do để phạm tội, và con người đã bị dục vọng thống trị. Augustinô nói rằng, với tội, Adam đã đánh mất “tự do”. Tuy nhiên, ân sủng không thay thế ý chí tự do, nó chỉ giúp cho ý chí này có khả năng thực hiện tự do [11]. Trong cuộc tranh luận giữa Augustino và các đan sĩ ở Adrumète và ở Provence vào lúc cuối đời đã cho ta thấy mối tương quan cơ bản giữa ân sủng và tự do xứng đáng với toàn bộ sự hiện hữu của con người. Nó ghi dấu sự khởi đầu của đức tin, hay là sự sám hối đầu tiên, nó tiếp tục theo đuổi suốt cả cuộc đời, nó tái hiện khi kết thúc cuộc đời nhờ ơn bền đỗ đến giây phút cuối cùng. Như vậy, ân sủng của Thiên Chúa vá ý chí tự do của con người không bao giờ mất đi, nó đi theo suốt cuộc đời con người trên dương gian này để bổ trợ và giúp sức con người trong suốt cuộc đời.

4/ Kết luận

Từ những tìm hiểu và phân tích trên cho ta xác định quan niệm ân sủng của Thiên Chúa không làm mất đi hay giảm thiếu ý chí tự do của con người nhưng là nguồn trợ lực và hướng dẫn con người hoạt động. Mối liên hệ này cũng giống như “Giê-su học” và “Ki-tô học” phải đi đôi với nhau: Một Giê-su không phải là Ki-tô thì trống rỗng, và một Ki-tô không phải là Giê-su thì chỉ là huyền thoại[12]. Từ đó cũng giải thích được, con người không thể tự giải thoát chính mình mà cần có ân sủng của Đấng Siêu Việt, mà với  con người không thể nào biết và thấu hiểu được, cũng giống như con người không thể nào diễn tả hết những suy nghĩ trong sâu thẳm cõi lòng cho người khác hiểu thấu được. Ân sủng luôn hoạt động nơi mọi người thiện chí (MV 22). Ân sủng hoạt động nơi những người vô tình không nhận biết Đức Ki-tô (GH 16). Qủa thật, ân sủng đang tác động nơi những anh em ly khai (GH 15). Như vậy, ân sủng của Đức Ki-tô tràn lan trên hết mọi người không loại trừ ai nhờ Giáo hội (GH 8).



[1] Marguerite Maria Thiollier Chủ Biên, Lê Diên dịch. Từ điển tôn giáo, Tr 275.
[2] Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc HĐGMVN, Từ Điển Công Giáo 500 mục từ, NXB Tôn giáo, Tr 9.
[3] GLHTCG, Số 1999.
[4] www. Giảng giải Kinh Thánh. Net. Sự tiền định của Đức Chúa Trời và ý chí tự do của con người của Trần Đình Tâm. Truy cập ngày 27/02/2016.
[5] Từ điển 500 mục từ của HĐGMVN thuộc ủy ban giáo lý đức tin. NXB tôn giáo. Tr 393.
[6] V.GROSSI và B.SESBOUE do Lm Nguyễn Tiến Dưng,AA dịch. Giáo trình” Nguyên tội Ân sủng và sự công chính hóa” Tr 243.
[7] V.GROSSI và B.SESBOUE do Lm Nguyễn Tiến Dưng,AA dịch. Giáo trình” Nguyên tội Ân sủng và sự công chính hóa” Tr 246.
[8] V.GROSSI và B.SESBOUE do Lm Nguyễn Tiến Dưng,AA dịch. Giáo trình” Nguyên tội Ân sủng và sự công chính hóa” Tr 243.
[9] Lm Phero Trần Ngọc Anh. Nhân học Ki-tô giáo tập 2. Nxb Phương Đông , Tr 363.
[10] La foi des Catholiques, Nhóm phiên dịch: Phạm Minh Thiện, Tống Việt Hệp, Phan Mạnh Trinh. Niềm Tin Của Người Công Giáo. Nxb Tôn Giáo. Tr 455.
[11] V.GROSSI và B.SESBOUE do Lm Nguyễn Tiến Dưng,AA dịch. Giáo trình” Nguyên tội Ân sủng và sự công chính hóa” Tr 245.
[12] Norbefto Nguyễn Văn Khanh, Ofm. Đức Giê-su Ki-tô Ngôi Lời Nhập Thể. Nxb tổng hợp TPHCM. Tr 31.

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

SUY NIỆM CON THUYỀN TRUYỀN GIÁO ĐẦU TIÊN TỚI ĐÀNG NGOÀI

Anton Công Chính
        Biến cố ngày 19.03.1627 là một biến cố hết sức quan trọng đối với Đàng Ngoài nói chung và đối với Cửa Bạng, Thanh  hóa  nói riêng được đón nhận Tin mừng đầu tiên từ cha Đắc Lộ và cha Marquez . Qua biến cố này cũng cho con thấy bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, chính Ngài đã dìu dắt và đưa con thuyền của hai nhà truyền giáo trải qua giông tố, bão bùng trên biển khơi cập bến an toàn. Đây cũng là điều mà con tâm đắc trước khi con bước chân vào đời sống tu. Dù có khó khăn, gian khổ đến đâu nếu con người biết cậy trông, bám víu nơi Thiên Chúa thì sẽ vượt qua tất cả. Từ đây cho con những suy niệm về hành trình từ khi rời bến đậu cho đến ngày cập bến của con thuyền truyền giáo đầu tiên tới Đàng Ngoài nói chung và cách riêng là Cửa Bạng, Thanh hóa.
 Ngày 12.03.1627 là ngày lên đường của hai cha Đắc Lộ và cha Marquez từ Ma-cao đi xứ bắc [1]. Như là cuộc hành trình của tổ phụ Ap-ra-ham hay của dân It-ra-en xưa. Cũng thế, trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giê-su, Ngài luôn dùng phương tiện thuyền để phục vụ công việc rao giảng. Cũng vậy, cuộc hành trình truyền giáo của hai vị đến Đàng Ngoài cũng bắt đầu với chiếc thuyền. Đây không phải là tàu của Bồ Đào Nha, với đầy đủ mọi phương tiện để chống chọi với sóng dữ biển khởi. Nhưng đây chỉ là một con thuyền thô sơ không có gì cả thì làm sao có thể chống chọi được với thú dữ. Con thử hỏi, nếu đặt con vào trong trường hợp này liệu chừng con có từ bỏ tất cả để bước xuống con thuyền này không ? Chắc có lẽ, không chỉ riêng con mà nhiều người khác chắc cũng biện lý do này lý do kia để từ chối việc đi truyền giáo này. Qủa thực, cuộc hành trình của các Ngài làm con nhớ đến hành trình của tổ phụ Ap-ra-ham trong sự phó thác nơi Thiên Chúa cách triệt để. Cuộc hành trình trên biển khơi đối với hai nhà truyền giáo cũng thế, các ngài không mang gì ngoài tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc các ngài, để từ đó các ngài tin tưởng có bàn tay Thiên Chúa dẫn dắt. Đối với biển khơi thì giống tố bão bùng là chuyện thường tình và xẩy ra bất cứ lúc nào. Quả thật, điều gì đến cũng đến đối với chuyến đi của các ngài, sáu ngày thuận buồn suôi gió nhưng bước sang ngày thứ 7 thì giông tố ập đến trên con thuyền bé nhỏ của các ngài [2]. Chắc có lẽ các ngài cũng tìm mọi cách để chống đỡ làm sao cho chiếc thuyền của mình không bị lật chìm. Nhưng thử hỏi thuyền thô sơ như thế thì làm sao có thể chống trả được với sức mạnh của gió, của nước, cũng giống như làm sao có thể lấy trừng mà chọi với đá được. Tất cả chỉ là vô vọng nếu không có bàn tay của Thiên Chúa. Qủa thật, nếu con người không có niềm tin thì liệu chừng họ có qua khỏi đêm này không?. Hay cũng chỉ tìm đủ mọi cách chống trả với sức người rồi cũng bước qua trong vô vọng sức mạnh của gió và nước. Cách riêng đối với bản thân con vào lúc này chắc có lẽ cũng giống như các môn đệ khi xưa trên biển cùng với thầy Gie-su mà thôi. Cũng chỉ biết hô hào và dùng sức mình để chống trả lại giông tố “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (x. Mc 4, 38).  Đối với 2 nhà truyền giáo lúc này cũng giống như hình ảnh của Chúa Giê-su trên biển, các ngài vẫn bình tĩnh với sự xác tín đã có Thiên Chúa cứu và chính Ngài sẽ gìn giữ con thuyền của họ “im đi, câm đi! Gió liền tắt, và biển lặng như tờ” (x.Mc 4,39). Qua biến cố này khơi dậy lại niềm tin nơi con.
        Khi nói đến biển khơi thì ta nghĩ đến sự rộng lớn bao la. Thử hỏi với sự rộng lớn cùng với giông tố ập đến thì chiếc thuyền của hai nhà truyền giáo sẽ trôi dạt về đâu, nếu không có bàn tay Thiên Chúa dẫn dắt. Qủa thật, con thuyền của các ngài cập bến đúng như ý muốn của các ngài đó là Đàng Ngoài chứ không phải Đàng Trong. Giả như chiếc thuyền của các ngài tiếp tục trôi dạt vào Đàng Trong thì các ngài lại phải trở lại vị trí ban đầu để tiếp tục lên đường. Thật vậy, ngay từ thời thầy chí thánh Giê-su đi rao giảng không có chuyện giá như ở đây, tất cả đều dó thánh ý Thiên Chúa. Điều đặc biệt trong ngày cập bến trùng với lễ thánh Giuse 19.03. Điều này cho ta thấy qua trung gian thánh Giu-se, đã gìn giữ và bảo vệ các ngài trong chuyến hành trình này. Với biến cố này các ngài đã nhận thánh Giu-se làm bổn mạng công việc truyền giáo ở Đàng Ngoài, cách đặc biệt đối với Cửa Bạng nay thuộc giáo xứ Ba Làng, Giáo phận Thanh Hóa. Qua trình thuật cho con thấy hành trình truyền giáo của các ngài giống như cuộc hành trình trong sa mạc của dân It-ra-en xưa. Cuối cùng dân It-ra-en cũng vào được đất hứa, nơi mà Thiên Chúa đã chỉ định cho dân của Người. Các ngài trên chuyến hành trình biển khơi cũng giống như các ngài được thanh luyện, được sống trong mối tương quan với Chúa nay được vào đất hứa với niềm vui khôn siết. Các tổ phụ xưa khi vượt qua được các biến cố nào cũng đều lập bàn thờ để cảm tạ và kêu cầu Thiên Chúa để xin Ngài giúp sức “tại đây ông dựng bàn thờ để kính Đức Chúa và ông kêu cầu danh Đức Chúa” (x. St 12,8). Đối với hai vị truyền giáo này cũng thế, sau khi cập bến an toàn, các ngài cũng không quên ơn Chúa nên đã cho dựng một Thánh Giá to trên đỉnh núi gần đó [3]. Việc làm này nói lên lòng biết ơn và xin Chúa tiếp tục dẫn dắt việc truyền giáo đầu tiên ở nơi mảnh đất này nói riêng và Đàng Ngoài nói chung. Xin Chúa cũng giúp con biết cảm tạ và cầu xin ơn Chúa cả khi vui lẫn khi buồn.
        Người ta thường nói “thiên thời địa lợi nhân hòa”, nhưng trong hoàn cảnh này có phải là như vậy không?. Điều này có hoàn toàn đúng hay không cũng không quan trong cho bằng công việc truyền giáo đầu tiên của các ngài gặp rất nhiều thuận lợi. Khi bắt đầu giảng đạo ở Cửa Bạng, Thanh hóa: Nhiều người ở An Vực, Vân No xin theo đạo, trong số đó có một thầy cúng [4]. Một thuận lợi lớn lao nữa cho hai cha đó là khi Chúa Trịnh trong chuyến đi qua cửa biển, đã nhìn thấy Cây Thánh Gía lớn do hai cha dựng lên và Chúa Trịnh đã cho mời hai cha đến và đưa về Thăng Long. Tại đây Chúa xây cho một ngôi nhà bằng gỗ gần phủ chúa [5]. Đối với vật chất hai cha không lấy làm vui sướng, điều các ngài vui sướng nhất đó là được phép giảng đạo cách tự do. Còn niềm hạnh phúc, niềm vui sướng nào hơn điều này nữa đâu. Với sự tự do như thế các ngài đã đem hết sức mình để Lời Chúa được đến với mọi người. Hai cha đã giảng không biết mệt mỏi, mỗi ngày bốn đến sáu lần. Buổi tối các ngài gặp gỡ tòng giáo và giải tội. Công sức các ngài bỏ ra quả thật không uổng chút nào, đến nỗi cả trong hoàng gia cũng có người gia nhập đạo. Chị Chúa Trịnh Tráng được rửa tội, có tên thánh là Ca-ta-ri-na, khi trở lại, chị đã lối cuốn được 17 hoàng thân. Trong số đó có mẹ chị. Trong vòng gần 3 năm các ngài đã rửa tội được hơn 6,700 người [6]. Đây là một con số ngoài sức tưởng tượng của các ngài. Qủa thật, “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể ” (x. Mt 10,27). Cảm tạ Chúa đã ngự giá trên môi miệng của các ngài để giờ đây con được đón nhận Tin mừng.
        Qua những suy niệm trên cho con một bài học về sự phó thác nơi Thiên Chúa. Chỉ nơi Thiên Chúa con người mới tìm thấy niềm vui và hạnh phúc đích thực. Con người phải cố gắng hết mình vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, phần còn lại phó thác nơi Thiên Chúa. Con người chỉ là người trồng cây và vun tưới còn cho sống và phát triển đó chính là ý Thiên Chúa “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6). Con người dù gặp thất bại hay thành công cũng đừng tự hào cho mình là tài giỏi. Nhưng đó chính là thành quả do Thiên Chúa ban tặng để con người cộng tác với Ngài.





[1] Lm. Auguttino Nguyễn Văn Trinh, Lược sử giáo hội việt nam. Tr 75.
[2] Lm Bùi Đức Sinh,O.P.M.A. Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo. Tr 363
[3] Lm. Auguttino Nguyễn Văn Trinh, Lược sử giáo hội việt nam. Tr 75.
[4] Lm Bùi Đức Sinh,O.P.M.A. Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo. Tr 363
[5] Lm. Auguttino Nguyễn Văn Trinh, Lược sử giáo hội việt nam. Tr 75.
[6] Lm. Auguttino Nguyễn Văn Trinh, Lược sử giáo hội việt nam. Tr 76.

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

ĐỨC GIÊ-SU LÀ NGƯỜI THẬT

Anton Nguyễn Công Chính
        Đức Giê-su Ki-tô vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật, đây là đặc tính niềm tin    Ki-tô giáo theo Giáo hội Rô-ma. Trong Kinh Tin Kính của công đồng Nice - Constantinopoli đã xác định Thiên Tính và Nhân Tính của Chúa Giê-su “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha: Nhờ người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta. Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng đức trinh nữ Ma-ri-a, và đã làm người”. Ngôi Lời đã có từ trước muôn đời, nhưng vì yêu thương nhân loại nên Ngài đã xuống thế, để cứu độ con người, mặc lấy thân phận con người để đưa con người trở về với tình yêu thương của Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã xác định Thiên Chúa là “duy nhất” và phải yêu mến Người “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi”. Đồng thời, Người cũng ngầm cho ta hiểu chính Người là “Đức Chúa”. Tuyên xưng “Đức Giê-su là Đức Chúa” là căn tính của đức tin Ki-to giáo [1].
        Với đề tài này, mình sẽ tìm hiểu và trình bày về nhân tính của Đức Giê-su. Đây là một trong những đề tài lớn mà ngay trong thời kì đầu của Giáo hội có những cuộc tranh luộn hết sức sôi nổi giữa Giáo hội và các lạc thuyết phủ nhận nhân tính của Chúa Giê-su. Chính vì thế, với đề tài này con không có một tham vọng là tìm cho mình một suy nghĩ, một hướng đi riêng về nhân tính của Đức Giê-su. Tất cả với tìm hiểu, góp phần củng cố đức tin của mình. 
1/ Mặc khải của Tân ước
        Các sách Tin mừng đều cho ta thấy Chúa Giê-su xuất hiện là một con người thật. Mặc dù mỗi tác giả có những nét đặc trưng riêng để nói về Chúa Giê-su cho người khác hiểu, nhưng tất cả đều hướng đến mục đích chung đó là giới thiệu Chúa Giê-su cách gần gũi nhất với cuộc sống hiện tại của họ để họ dễ dàng tiếp nhận. Biến cố truyền tin cho Đức Ma-ri-a là một biến cố rất quan trọng. Qua biến cố này, Ngôi Hai Thiên Chúa ngự trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a cách tròn đầy qua tiếng “xin vâng” (Lc 1, 38). Qua cung lòng Đức Ma-ri-a nói lên sự dao duyên giữa trời và đất, để từ đây Ngôi Hai Thiên Chúa đi vào lòng người, mặc lấy thân phận loài người, để cứu độ nhân loại và đưa nhân loại trở về với tình yêu của Thiên Chúa. Ngài đến với con người như bao người khác được sinh ra có cha, có mẹ. Cùng ăn, cùng uống, cùng chơi với bao trẻ cùng thời. Mẹ của Ngài là một trinh nữ người Do Thái, đã đính hôn với Giu-se, thuộc hoàng tộc Đa-vít. Chính nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà Đức Ma-ri-a cứu mang và hạ sinh con Thiên Chúa mà vẫn còn đồng trinh (Mt 1,18-25). Qua đó nói lên rằng: Thiên Chúa trở nên con người và sẽ ở mãi với chúng ta, đó là tất cả sự tốt lành, thương xót và yêu thương của Người đối với chúng ta [2].
        Theo các tác giả Tin mừng, Chúa Giê-su sinh ra ở Be-lem thuộc miền nam nước Do Thái, trong hoàn cảnh đất nước đang bị đô hộ bởi để quốc Rô-ma “Thời ấy, hoàng để     Au-gut-to ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-nô-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri” (Lc 2,1-2). Giu- se thuộc dòng tộc Vua Đa-vít nên ông phải trở về nguyên quán và đem theo Đức Ma-ri-a đang mang thai Chúa Giê-su để khai trình hộ khẩu “ai nấy đều phải trở về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-ly-lê lên thành Đa-vít tức Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít” (Lc 2, 3-4). Đây quả là một chặng đường đầy gian nan, vất vả đối với Đức Ma-ri-a vì đã sắp đến ngày khai sinh Chúa Giê-su, không còn cách nào khác Đức Ma-ri-a phó thác con mình trong ơn Chúa và lên đường cùng với Giu-se để trở về quê quán của Giu-se. Thực vậy, điều gì đến cũng đã đến khi Ma-ri-a trở dạ, ông Giu-se đã đi tìm khắp nơi nhưng không có chỗ nào nhận cả, nên Giu-se đành chấp nhận đưa Ma-ri-a vào nơi ở của chiên, bò “ Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ ” ( Lc 2,7 ). Khi Chúa Sinh ra tại Bê-lem năm 747 tính từ ngày thành lập thành   La-mã, thì Xê-da Au-gút-tô làm thượng vụ La-mã. Cùng năm ấy, Hê-rô-đê cả được quốc hội La-mã ban cho tước hiệu làm vua người Do Thái, cai trị Pa-lét-tin. Hê-rô-đê cả là người ham hố quyền lợi, độc ác, nhưng được lòng tin của Thượng Vị và được dân chúng kính trọng. Chính ông là người giết các Hài Nhi với hy vọng giết được Chúa Giê-su. Khi ông Chết năm 750 thì Chúa Giê-su được 3 tuổi và được chia vương quốc Pa-lét-tin cho ba con. Ác-kê-lao cai trị 3 vùng: Giu-đe, Sa-ma-ri và I-du-mê. Hê-rô-đê cả là An-ti-pa cai trị miền Ga-li-lê và Pê-rê. Hê-rô-đê Phi-lip-phê cai trị ở miền bắc. Thời Chúa Giê-su, có phong trào tôn giáo thịnh hành là Biệt Phái và Xa-đốc [3]. Tất cả những trưng dẫn trên đều xác định Thiên Chúa là một người thật, trong một thời gian và không gian với những biến cố xẩy ra có trong lịch sử. Nói lên rằng: Ngài giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Ngài đến với thế gian không phải cho thế gian nhưng là để cứu độ thế gian. Người đến thiết lập vương quyền của Thiên Chúa. Vương quyền này không theo nghĩa đô hộ hoặc thống trị, nhưng là vương quyền của tình thường [4]. Người bày tỏ tình thương của Chúa Cha qua việc gần gũi với người tội lỗi, những kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội (x. Mc 2,15). Người bày tỏ tình thương của Thiên Chúa qua việc tha tội ( x. Mc 2,5 ; Lc 7,48-49). Cách đặc biệt Ngài bày tỏ uy thế của Ngài khi giảng dậy “Người giảng dậy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,29). Từ những việc chữa lành của Ngài, Ngài đã khơi dậy lòng tin nơi họ, chỉ có niềm tin mới có thể cứu chữa được “Khi Đức   Giê-su về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?. Họ đáp: Thưa Ngài, chúng tôi tin”(Mt 9,28). Cách đặc biệt, Ngài đã biểu lộ tình thương đối với nhân loại khi Ngài cầu xin cùng Chúa Cha tha cho nhân loại, để từ đầy nhân loại biết ăn năn trở lại trong chính con người họ “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết điều họ làm” (Lc 23,34). Qua cái chết, Ngài biến đổi tận căn lòng tin nơi họ để họ nhìn lại quãng thời gian Người ở với con người “Emmanuel”. Qua sự sống lại của Người, để con người đặt trọn niềm niềm tin và hy vọng vào ngày sau cũng sẽ được Phục sinh với Ngài. Dưới ánh sáng Phục sinh, các Ki-tô hữu tiên khởi đã đọc lại toàn thể cuộc đời của Đức Giê-su và đã giải thích bản thân của Người như là Đấng Thiên sai, Con Thiên Chúa. Mầu nhiệm này đã được mặc khải ngay từ khi thiên sứ truyền tin cho Đức Ma-ri-a, lúc sinh ra, khi làm phép rửa, lúc hiển dung [5]. Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã mặc khải chính mình và tỏ cho biết thiên ý nhiệm mầu (x. Ep 1,9), nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (2 Pr,1,4) [6].
        Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô đã nói về Ngôi Lời trong huấn từ về thánh Phao-lô như sau: Những bản văn thuộc loại sách khôn ngoan cũng nói rất nhiều về tiền hữu vĩnh cửu của Đức Khôn Ngoan, cũng nói về sự đi xuống, tự hạ của Đức Khôn Ngoan, tự tạo một căn lều giữa loài người. Chúng ta nghe âm vang tiền đề của Phúc Âm thánh Gio-an nói về lều xác thể của Chúa. Trong cựu ước đã có lều được dựng lên: đó là Đền thờ, phượng tự dựa theo luật Torah, nhưng theo nhãn quan Tân ước, ta có thể nói đây chỉ là tiên báo về cái lều thật sự và ý nghĩa hơn: đó là lều thân xác của Đức Ki-tô [7]. Qua đó cho tha thấy được, Cựu ước là một sự chuổn bị hơn thế nữa đó chính là những dấu chỉ được tiên báo trước trong ngày Chúa Giê-su hiện diện cách đích thực với nhân loại
2/ Khẳng định của giáo hội
        Công Đồng Nice I (325) ra đời trong bối cảnh có nhiều lạc thuyết phủ nhận Nhân Tính của Đức Giê-su. Đó là vào cuối thế kỉ thứ I và đầu thế kỉ thứ II, nhiều lạc thuyết phủ nhận thực tại thân xác của Đức Ki-tô và thực tại đời sống trần thế của Người, nhất là cuộc khổ nạn và cái chết, họ cho đó chỉ là ảo ảnh, khởi điểm cho lạc thuyết ảo ảnh. Những giáo phái thông tri sau này, gán cho Đức Ki-tô một thân xác ảo không có chút thực tế nào hay chỉ là một thân xác tinh tú trên thiên quốc, từ đó đưa đến thứ Thông tri Nhị Nguyên, theo những người này không thể có sự kết hợp giữa Ngôi Lời và một thân xác con người được, chỉ vì vật chất là nơi trị vì của sự xấu [8]. Đỉnh cao của ảo thân thuyết đó là Lạc giáo Arius   (280-330), ông là một linh mục thuộc trường phái Alexandrie, có tham vọng mang lại câu đáp dứt điểm dựa vào nguyên tắc mà ông cho là bất khả phi bác. Ông cho rằng Chúa Con thua kém Chúa Cha. Từ đó gây nên những cuộc luận chiến, xáo động và tranh đấu. Pha vào tranh cãi về giáo thuyết là những vấn đề chính trị và về từ vựng [9]. Trong lối suy tư của Arius không có sự hiện diện nhân tính trong con người của Chúa Giê-su. Khởi điểm của cuộc suy tư là bản tính của Đức Ki-tô. Logos đã kết hợp với thân xác con người Đức     Giê-su. Và cho rằng Đức Ki-tô không có hồn của nhân loại, bởi vì Logos đã thay thế chức năng của linh hồn. Logos là một hypostasis khác biệt với Chúa Cha và Thánh Linh. Mặt khác, Logos kết hợp chặt chẽ với con người Đức Giê-su cho nên không thể là Thiên Chúa như Chúa Cha được. Lý do là Thiên Chúa siêu việt, bất biến thì đâu có thể kết hợp với con người. Vì thế Logos thuộc về thế giới thụ tạo chứ không thể nào “đồng bản thể” với Chúa Cha [10]. Với xác tín đầu tiên này của Arius liên quan tới tính duy nhất của Thiên Chúa, nó vừa mang tính Kinh Thánh và vừa mang tính triết học. Trong một chiều hướng triển khai Ki-tô học từ dưới lên, Arius đã tự hỏi: làm thế nào để xác định Đức Giê-su  là “Con Thiên Chúa”, so với Chúa Cha?. Đứng trên những câu hỏi đo, Arius đã sử dụng một quan niệm cổ điển của triết học về Thiên Chúa để nói: Thiên Chúa là Một, không được sinh ra, có từ đời đời, tất cả các triết thuyết tôn giáo nhận biết như vậy. Thiên Chúa là duy nhất, không được sinh ra, hằng hữu vô vật chất, bất biến. Người không thể thông ban cái gì từ chính Người. Do đó tất cả những gì hiện hữu “bên ngoài” thì Thiên Chúa được quan niệm như là Nguyên lý vô thủy vô chung, những cái đó không thể và không là Thiên Chúa được,  nhưng chỉ là tạo vật của Người [11]. Chính vì thế, Arius phủ nhận đồng bản tính với Chúa Cha trong Chúa Giê-su. Chúa Giê-su không phải là Thiên Chúa thật, cũng khôn ngang hàng với Thiên Chúa, Người cũng không là con người thật, bởi vì thể xác mà Ngôi Lời đã kết hợp nơi Người đã không tạo nên và không có thể tạo nên một nhân tính thực sự và đầy đủ. Chính vì thế, Arius cũng phủ nhận luôn đau khổ của Chúa. Chúa Giê-su là một Thiên Chúa cấp thấp, bởi vì Thiên Chúa chân thực thì đã không chịu đựng một tình cảnh đau khổ như thế. Trong ngày lãnh lãnh nhận phép rửa, chính Chúa Cha đã thánh hiến Ngài. Vinh quang và Phục sinh của Ngài đều nhận từ nơi cao. Chúng không phải đến từ chính Người, nhưng là đến từ Chúa Cha. Trong suốt cuộc đời của Người, Đức Giê-su đã chứng tỏ Người luôn tuân phục Chúa Cha, Người nhìn nhận Chúa Cha lớn hơn Người .[12]
 Trước tình hình đó, Công Đồng Ni-ce I đã nhóm họp và khẳng định nhân tính thật có trong Chúa Giê-su, bác bỏ lại toàn bộ những chủ thuyết để phủ nhận nhân tính trong  Chúa Giê-su. Các giáo phụ của công đồng đã khởi đi không phải từ một suy tư mang tính biện luận về hữu thể Thiên Chúa, nhưng từ kinh nghiệm về ơn cứu dộ đã được thưc hiện trong cộng đoàn Ki-tô hữu ngay từ đầu [13]. Với tình yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã tự hạ để cứu độ con người và cho con người được thông phần với vinh quang trên thiên quốc. Nếu Người không phải là Thiên Chúa thật, thì Người không thể làm cho chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa được, Người cũng không thể làm cho chúng ta được thông dự vào đời sống Chúa Ba Ngôi nếu như chính Người không có sự trọn hảo ấy. Qua đó nói lên ơn ơn cứu độ được thực hiện cách toàn diện trong con Người Chúa Giê-su.
Theo thánh Athanase, người biện hộ của Nice, nếu Chúa Giê-su- Ki-tô không phải là Thiên Chúa thật và không phải là người thật, như thể Ki-tô học Ngôi Lời thể xác của Arius bảo vệ, thì Người không có khả năng đem lại ơn cứu độ cho nhân loại, và con người không thể tìm thấy ơn cứu độ trong Người “bởi Người đã đích thân làm người để chúng ta được thành Thiên Chúa, chính Người đã trở nên hữu hình nhờ thân thể Người, để chúng ta có được một ý niệm về Đấng là Cha vô hình, và Người đã hứng chịu người ta lăng nhục để chúng ta có phần trong tính bất loại”[14]. Một cách nào đó ta có thể nói, để hiểu về Đức    Ki-to thì phải đi từ chức vụ của Ngài, được Ngài thực hiện trong cuộc sống. Hầu mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Công đồng cho thấy rằng mọi hành vi tách biệt “Đức Ki-tô đối với tôi” với “Đức Ki-tô trong chính Người” hay “Đức Ki-tô đối với Thiên Chúa” là phả hủy đức tin. Điều này muốn diễn tả một cách tương tự, đó chính là mối dây liên kết thiết yếu giữa Chúa Ba Ngôi trong nhiệm cục cứu độ và Chúa Ba Ngôi trong “bản thể” hay là Ba Ngôi trong “nội tại tính”. Nhiệm cục cứu độ được thực hiện bởi Thiên Chúa Cha nhờ sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần đưa tới khẳng định về sự chuyển thông của Chúa Ba Ngôi trong lòng thiên tính. Công đồng cũng khẳng định chức vị làm con Thiên Chúa được gán cho Đức Giê-su Ki-tô bởi tân ước phải được hiểu trong nghĩa chặt của nó. Các nghị phụ bảo toàn thiên tính của Chúa Con: Về thiên tính Chúa Con ngang bằng với Chúa Cha. Xác tín này được dựa vào sự trình bày rất cụ thể mà Tân ước tỏ bày cho chúng ta về tương quan sống động nhất, trong đời sống, cái chết và sự Phục sinh của Đức Giê-su với Cha của Người [15]. Tất cả những khẳng định của công đồng Nice I được tóm gọn trong Kinh Tin Kính mà các Chúa Nhật và các Ngày lễ trong ta thường hay đọc trong Thánh Lễ.
Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô cũng đã khẳng định về sự tiền hiện hữu liên kết với sự tự hạ của Con Thiên Chúa vào trần gian, điều này đã gặp một tái xác quyết về so sánh giữa Đức Khôn Ngoan và Đức Ki-tô, với tất cả hệ luận vũ trụ và nhân luận phát xuất từ đó, trong lá thư thứ nhất gửi Ti-mô-thê “Đức Ki-tô xuất hiện trong thân phận người phàm, được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính, Người được Thiên Thần chiêm ngưỡng và được loan truyền giữa muôn dân, Người được cả hoàn cầu tin kính, được siêu thăng cõi trời vinh hiển” (Tm 3,16). Đức Thánh Cha đã khẳng định, dựa vào những điều này, người ta có thể xác định phận vụ của Đức Ki-tô rõ ràng hơn như Đấng Trung Gian duy nhất, trong liên hệ với Thiên Chúa duy nhất của Cựu ước (x. 1Tm2,5 liên hệ với Is 43,10-11; 44,6 ). Đức Ki-tô chính là cây cầu đích thực dẫn chúng ta lên trời, bước vào hiệp thông với Thiên Chúa [16].
3/ Kết Luận
Tuyên xưng Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa thật và là người thật, là căn tính của người Ki-tô hữu, là một mầu nhiệm lớn nhất nên với trí óc con người không thể nào thấu hiểu tận căn mầu nhiệm này. Trải qua bao nhiêu thế kỉ, con người cũng chỉ dựa vào Kinh Thánh để hiểu về Ngài, đây là gia tài lớn nhất của Giáo hội khi giới thiệu Chúa Giê-su cho người khác. Chính Ngài đã đến với con người, hiện điện trong đời sống hằng ngày với nhân loại để nhận loại tiến gần với Chúa hơn.  Qua đó xác định rõ hơn, Đức Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn chút bỏ vinh quang, trở nên con người như chúng ta, đã vâng lời cho đến chết trên thập giá. Vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người trên tất cả và mọi miêng lưỡi phải tuyên xưng “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (x. Pl 2,6-11). Trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta và toàn thể sáng tạo không phải là những khán giả vô tư, nhưng Đức Ki-tô là Trưởng Tử mà chúng chúng ta phải thông phần vào bản chất và hình dạng của Người (x. Rm 8,29), cho đến khi Người thống trị tất cả (x.Ep1,23) [17].


[1] Sách giáo lý hội thánh công giáo (Hội đồng giám mục Việt Nam - ủy ban giáo lý đức tin dịch), NXB tôn giáo, hà nội, 2009, Số 202.
[2] Lm Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Ki-tô, Nxb tôn giáo, 2007, 54.
[3] Lm Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Ki-tô, Nxb tôn giáo, 2007, 11.
[4] Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chua, Hoc Viện Đa Minh năm 2012. 150
[5] Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chua, Hoc Viện Đa Minh năm 2012. 152.
[6] Thánh Công Đồng Vaticano II (Hội đồng giám mục Việt nam- ủy ban giáo lý đức tin dich 2012), Số 2.
[7] ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI, Huấn từ của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI về thánh Phaolo, Lm, Aug NguyễnVăn Trinh dịch, Nxb tôn giáo, 111.
[8] Lm Augutto Nguyễn Văn Trinh, Dẫn nhập vào Ki-tô học, Nxb tôn giáo, 269.
[9] Lm JB Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Ki-tô học, Đại Chủng Viện Vinh Thánh  năm học 2015-2016. Tr 177.
[10] Phan Tấn Thành, Mầu Nhiệm Thiên Chua, Hoc Viện Đa Minh năm 2012. 239.
[11] Lm JB Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Ki-tô học, Đại Chủng Viện Vinh Thánh  năm học 2015-2016. Tr 178.
[12] Lm JB Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Ki-tô học, Đại Chủng Viện Vinh Thánh  năm học 2015-2016. Tr 181.
[13] Lm JB Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Ki-tô học, Đại Chủng Viện Vinh Thánh  năm học 2015-2016. Tr 182.
[14] Suy tư của Thánh Athanase thành Alexandria. Trong giáo trình Cha giáo JB Nguyễn Khắc Bá.
[15] Lm JB Nguyễn Khắc Bá, Giáo trình Ki-tô học, Đại Chủng Viện Vinh Thánh  năm học 2015-2016. Tr 184.
[16] ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI, Huấn từ của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI về thánh Phaolo, Lm, Aug NguyễnVăn Trinh dịch, Nxb tôn giáo, 113.
[17][17] ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI, Huấn từ của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI về thánh Phaolo, Lm, Aug NguyễnVăn Trinh dịch, Nxb tôn giáo, 115.

MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA BA NGÔI VÀ GIÁO HỘI

Anton Nguyễn Công Chính
        Trong Hiến Chế Tin Lý Về Giáo Hội của công đồng Vaticano II đã cho ta thấy mối tương quan giữa Chúa Ba Ngôi và Giáo hội “ Giáo hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hợp nhất khởi nguồn từ sự hợp nhất của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” [1]. Từ đó, ta thấy được Giáo hội sinh ra từ Ba Ngôi và cho Ba Ngôi. Bí tích thánh tẩy là một hành động thánh hiến dâng lên Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ bí tích này mà con người được gia nhập với Giáo hội và trở thành con Thiên Chúa [2]. Chính vì thế, ngay ở chương đầu của hiến chế về Giáo hội, Công đồng Vaticano II đã xác định Giáo hội phát sinh từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là từ sáng kiến của Chúa Cha, từ sự khôn ngoan của Chúa Con và từ tình yêu của Chúa Thánh Thần [3]. Giáo hội chính là thân hình mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Từ đây, cho ta thấy rõ giá trị 4 đặc tính của Giáo hội: Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền. Giáo hội được sinh ra không phải vì sự ngẫu nhiên hay một cách thể hiện uy quyền của Chúa Ba Ngôi nhưng Giáo hội được sinh ra bởi ý định khôn ngoan, nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ, Người quyết định nâng loài người lên tham dự đời sống thần linh, trong Chúa Con: Chúa Cha muốn quy tụ những ai tin Chúa Ki-to họp thành Hội Thánh [4]. Thực vậy, Giáo hội chính là sự hiện diện cách tròn đầy của Ba Ngôi Thiên Chúa. Giáo hội chính là hoa trái do ý định của Ba Ngôi Thiên Chúa chứ không phải do một xác phàm nào tạo ra “Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của đàn ông nhưng do bởi Thiên Chúa ” (Ga 1,13), nên Giáo hội có nền tảng vững chắc được xây dựng trên nền móng của chính thân thể mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Thánh   I-rê-nê đã nói: Vinh quanh của Thiên Chúa là con đường sống và sự sống của con người là chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Chính vì thế toàn bộ công trình đều do Thiên Chúa và tất cả mọi sự đều quy hướng về Ngài trong tình yêu thương “chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 4-6). Chính vì thế, trong ý định cứu độ, yêu thương từ đời đời của Chúa Cha, Giáo hội đã được chuổn bị trong lịch sử giao ước với dân It-ra-el, để đến thời viễn mãn, Giáo hội được thiết lập trong sứ mạng của Chúa Con, cao điểm nhất chính là màu nhiệm Vượt Qua trong ngày lễ ngũ tuần, ngày mà Giáo hội được đầy tràn Thánh Thần [5]. Như vậy, để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Đức Ki-tô đã khai nguyên Nước Trời ở trần gian và mặc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Người, đồng thời cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ sự vâng phục của Người. Giáo hội nghĩ vương quốc Chúa Ki-tô đang hiện diện cách mầu nhiệm, vẫn luôn tăng trưởng cách hữu hình trong thế giới nhờ quyền lực của Thiên Chúa. Cội nguồn và sự tăng trưởng của Giáo hội được biểu thị bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn rộng mở của Đức Giê-su chịu đóng đinh trên Thập Gía và được tiên báo qua Lời Chúa nói về cái chết của Người trên Thập giá: Phần tôi, khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi [6]. Qua đó, cho ta thấy Giáo hội được công khai sáng lập trong ngày lễ Ngũ Tuần, đỉnh cao của việc sáng lập khi Thiên Chúa Ba Ngôi tiết lộ cách trọn vẹn sự hiện diện của Người ở giữa loài người. Cho nên sứ vụ của Giáo hội tại trần thế không phải thi hành cách mạch lạc theo ý riêng của mình nhưng thi hành nhân danh Chúa Ba Ngôi [7]. Giáo hội mang trên mình màu nhiệm Chúa Ba Ngôi, nên những ai qua bí tích rửa tội sẽ được thông phần với mầu nhiệm này. Nên khí nói đến Chúa Ba Ngôi là nói đến thân mình mầu nhiệm Giáo hội và khi nói đến Giáo hội là nói đến sự hiện diện đích thực của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính Thánh Phao-lô đã nói “Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người, và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1Cr 15,28). Có rất nhiều hình ảnh để nói về sự hiệp thông giữa Chúa Ba Ngôi và Giáo hội nhưng với đề tài này con xin được trình bày về 3 điểm: Giáo hội là dân Thiên Chúa, Giáo hội là Thân Thể Chúa Ki-tô, Giáo hội là đền thờ Chúa Thánh Thần.
1/ Giáo hội là dân Thiên Chúa
        Ngay từ khởi nguyên của công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển chim trời, gia súc, dã thu, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới mặt đất” (St 2,26). Một đặc ân cao vời mà Thiên Chúa đã ban cho loài người. Cũng có thể gầm hiểu một Giáo hội sơ khai trong sự tinh tuyền và ân sủng của Thiên Chúa ban cho nhân loại. Cũng có thể nói đây là một sự kết hợp giữa Giáo hội vô hình và Giáo hội hữu hình trong ý định yêu thương của Thiên Chúa. Từ Giáo hội này con người được đi vào trong mối thân tình với Thiên Chúa và Thiên Chúa đi vào trong lòng nhân loại. Khởi đầu công trình tạo dựng là một vẻ đẹp muôn màu được Ngài vẽ ra trong ý tưởng của Ngài, nhưng vẻ đẹp đó đã bị tự do của con người phá vỡ và làm cho vẻ đẹp thủa ban đầu của Thiên Chúa bị biến dạng trong sự tội của con người. Từ đó, tạo nên một khoảng cách giữa Giáo hội vô hình và Giáo hội hữu hình “bởi những thanh gươm sáng lóe” (x. St 3, 24). Khoảng cách này không phải là sự đoạn tuyệt của Thiên Chúa với nhân loại nhưng nói lên rằng: giữa Thiên Chúa và nhân loại không còn có mối tương quan thân mật nữa, để rồi bên này mà đến được với bên kia phải qua một trung gian nào đó. Chính vì thế,  trong lời trừng phạt của Thiên Chúa  dành cho “con rắn” đã mở ra một con đường với tràn đầy niềm hy vọng và tái thiết lại mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3, 15).
 Xuất chiều dài Kinh Thánh Cựu ước như là một sự chuổn bị để đón chờ biến cố trọng đại này. Khởi đầu, Ngài đã chọn dân It-ra-el làm dân riêng, đã thiết lập giao ước, dậy bảo họ dần dần bằng cách bày tỏ chính mình và ý định của mình qua lịch sử, đồng thời thánh hóa họ để dành riêng cho mình. Tất cả là hình bóng của một giao ước mới và hoàn hảo sẽ được kí kết trong Đức Ki-tô, được mặc khải cách trọn vẹn do chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể mang đến [8]. Không chỉ với dân It-ra-el nhưng còn với tất cả mọi người, bất cứ người nào kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành đều được Người đoái thương và tiếp nhận (x. Cv 10,35). Sỡ dĩ Ngài Chọn đích danh một dân tộc vì Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu độ con người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc, để họ nhận biết Người trong chân lý, và phụng sự Người trong sự thánh thiện [9]. Dân tộc này như là mẫu mực, để qui tụ hết thảy mọi người muốn tìm kiếm Người, thì cũng luôn noi gương bắt trước dân tộc Chúa đã chọn để tìm kiếm chân lý và phụng thờ Người. Như vậy, dân được tuyển chọn mạng trên mình sứ vụ làm chứng cho Thiên Chúa, là cánh cửa để các dân tộc khác nhận biết Thiên Chúa. Chính Ngài cũng cảnh báo cho dân tuyển chọn biết, không phải vì trong dân nay có nhiều người tài giỏi, nhiều người đạo đức. Tất cả những điều này đều không có nghĩa lý gì đối với Thiên Chúa. Ngài tuyển chọn dân này tất cả vì lòng yêu mến và giữ lời hứa với cha ông, cho nên dân được tuyển chọn đừng có kiêu ngạo đối với các dân tộc khác (x. Dnl 7, 7-8). Dân được tuyển chọn sẽ được tham dự vào 3 chức măng của Thiên Chúa: Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế [10]. Qua bí tích Rửa tội con người trở nên con cái của Chúa, con cái Giáo hội. Từ đó mỗi người có bổn phận phải mang Chúa đến với mọi người xung quanh bằng chính đời sống và gương lành của mình. Điều này đã được Thánh Phê-rô nhấn mạnh “ còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế, vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kì công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, đưa vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền ” (1Pr 2,9).
 Trong thư của thánh Phao-lô đánh giá “dân thiên Chúa” trước tiên cho dân Cựu ước, sau đó cho dân ngoại, thủa xưa “không thuộc về dân” và nay trở thành dân Thiên Chúa nhờ hội nhập vào Chúa Ki-tô qua Lời và bí tích. Còn một điểm tế nhị cuối cùng, trong lá thư thứ nhất gửi cho Ti-mô-thê, thánh Phao-lô xem Hội thánh là “nhà của Thiên Chúa” (1 Tm 3,15), đây là một định nghĩa thực sự nguyên thủy, vì gợi lên cho thấy Giáo hội như một cơ cấu cộng đoàn trong đó có những quan hệ liên vị nồng ấm mang tính chất gia đình. Thánh Phao-lô giúp chúng ta luôn hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm Giáo hội trong những chiều kích khác nhau về việc qui tụ của Thiên Chúa trong thế giới. Đó là sự vĩ đại của Giáo hội và là sự vĩ đại của ơn gọi chúng ta, chúng ta là Đền Thờ Thiên Chúa trong thế giới, nơi Thiên Chúa thực sự trú ngụ, đồng thời chúng ta là cộng đoàn, là gia đình của Thiên Chúa mà Người là Tình Yêu [11].
2/ Giáo hội là Thân Thể Chúa Ki-tô
        Biến cố nhập thể của Đức Ki-tô là biến cố quan trọng trương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đi vào với con người, tháp nhập vào trong thân phận yếu hèn của con người và đưa con người trở về với Thiên Chúa “Và đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su” (Lc 1,31). Chính điều này nói lên được, Giáo hội không phải ở một nơi nào khác nhưng Giáo hội ngay ở trong mỗi người “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao?” (x. 1Cr 6,15). Thân xác loài người hút trọn thân xác vẹn toàn của Đức Ki-to. Từ đó đưa cả con người bất toàn vào trong mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Một sự kết hợp cách tròn đầy giữa Giáo hội vô hình và Giáo hội hữu hình trong một thân xác vẹn toàn nơi Đức Ma-ri-a. Qua đó nói lên rằng: Giáo hội xuất hiện như người Mẹ hiền đồng trinh, luôn cung cấp các bí tích sinh lực cứu độ cho các tín hữu do Đức ki-tô trao ban[12]. Qua thân hình mầu nhiệm của Đức Ma-ri-a, tượng trưng cho tất cả mỗi người là chi thể của Giáo hội và được đón nhận một Thần Khí cách phổ quát từ Thiên Chúa “tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12,13). Nhưng thân hình Mầu Nhiệm sự sống ấy được thông truyền cho những người tin, nhờ các bí tích, họ thực sự được kết hợp cách mầu nhiệm với Đức Ki-tô khổ nạn và vinh hiển [13]. Giáo hội mời gọi tất cả mọi người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa mà trở về với Chúa. Chính bí tích thánh tẩy là của ngõ để Đức Ki-tô đi vào trong con người của mình, là của ngõ bước vào trong vinh quang với Thiên Chúa. Qua đó cũng cho ta thấy được Giáo hội là sự da dạng của nhiều chi thể, mỗi chi thể góp phần xây dựng và làm cho nước Chúa được lan tỏa “vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr12,27). Giáo hội không phải là sự hỗn loạn của nhiều chi thể, ai muốn làm gì thì làm nhưng Thiên Chúa đã ban cho mỗi chi thể một nhiệm vụ khác nhau, không ai giống ai, tất cả các chỉ thể này quy về một điểm đó là làm sáng danh Chúa và hợp nhất với nhau trong cùng một chi thể là Đức Ki-tô “Trong Hội Thánh Thiên Chúa đặt một số người, thứ nhất là các tông đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dậy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khá, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ” (1 Cr12,28). Các chi thể trong Giáo hội được hợp nhất với đầu là Đức Ki-tô “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô, và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh, mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1,22). Giáo hội tựa như cây đèn tỏa chiếu muôn dân, ánh đèn sáng ấy chính là Đức Ki-tô [14].
3/ Giáo Hội Là Đền Thờ Chúa Thánh Thần
            Thánh công đồng Vatiacano II đã nói về vai trò của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh. Khi công trình Chúa Cha trao phó cho Chúa Con thực hiện trên trần gian đã hoàn tất (x. Ga 17,4), Chúa Thánh Thần được cử đến vào ngày lễ Ngũ Tuần để không ngừng thánh hóa Giáo hội, và như thế, những kẻ tin sẽ đến với Chúa Cha qua Chúa Ki-tô trong cùng một Thánh Thần (x.Ep 2,18). Chính Ngài là Thần Khí sự sống, là mạch nước vọt lên đến sự sống vĩnh cửu (x.Ga 4,14; 7,38-39), nhờ Ngài, Chúa cha tác sinh những kẻ đã chết vì tội lỗi, cho đến khi Ngài Phục sinh thân xác phải chết của họ trong Đức Ki-tô (x. Rm 8,10-11). Chúa Thánh Thần ngự trong giáo hội và trong tâm hồn các tín hữu như trong đền thờ (x. 1Cr 3,16; 6,19). Ngài cầu nguyện trong họ và chứng thực họ là nghĩa tử (x. Gl 4,6; Rm 8, 15-16. 26). Chúa Thánh Thần dẫn đưa Giáo hội đến sự thật toàn vẹn (x. Ga 16,13), và hợp nhất với Giáo hội trong sự hiệp thông và trong tác vụ, Ngài xây dựng và hướng dẫn Giáo hội với nhiều hiện sủng và đoàn sủng khác nhau, Ngài trang điểm Giáo hội bằng các hoa quả của Ngài (x. Ep 4,11-12; 1Cr 12,4; Gl 5,22). Nhờ sức mạnh của Tin Mừng, Chúa Thánh Thần không ngừng canh tân và làm cho Giáo hội luôn tươi trẻ, dìu dắt Giáo hội đi đến sự kết hợp hoàn toàn với Phu Quân của mình. Thật vậy, Chúa Thánh Thần cùng Hiền Thê nói với Chúa Giê-su “Xin Ngài ngự đến” (x.Kh 22,17). Như vậy, Giáo hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hợp nhất khởi nguồn từ sự hợp nhất của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần [15]. Mọi chi thể trong Giáo hội được xây dựng trên nền tảng Chúa Ki-to và được Chúa Thánh Thần thánh hóa. Chúa Thánh Thần là nguyên lý của mọi hành động tác sinh và thật sự cứu độ trong từng thành phần của thân thể [16]. Ảnh hưởng của Ngài nằm ở chỗ thôi thúc, thu hút thế gian về với Chúa Con và Chúa Cha, hay nói cách khác, Ngài là “linh hồn” của lời cầu cũng như của mọi hoạt động tông đồ trong Giáo hội. Ngài kiến tạo động lực đẩy mạnh bước tiến hướng tới chân lý viên mãn (Ga 16,13), bởi Ngài là “Thần Khí của chân lý” (Ga 14,16-17). Và vì chân lý là Đức Ki-tô (x. Ga 14,6), cho nên Thần Khí làm chứng về Đức Giê-su (x. Ga 15,26-27). Trong Giáo hội, Ngài là mối dây liên kết đầy sức sống ràng buộc các chi thể của thân mình Đức Ki-tô. Qua các bí tích, sức sống này được thông ban cho các tín hữu [17]. Thần Khí thúc đẩy Giáo hội cộng tác thực hiện trọn vẹn ý định của Thiên Chúa là Đấng đã đặt Đức Ki-tô làm nguyên lý cứu độ cho toàn thế giới. Bằng việc rao giảng Tin mừng, Giáo hội chuổn bị tâm hồn những người nghe để họ đón nhận và tuyên xưng đức tin, giúp họ sẵn sàng lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự lầm lạc, nhập hiệp họ vào Đức Ki-tô, để nhờ đức ái, họ tăng trưởng trong Người cho đến khi đạt tới tầm vóc viên mãn [18].
4/ Kết luận
           Đây là một đề tài rất rộng lớn và quan trọng. Có rất nhiều các nhà thần học quan tâm và khai triển để tài này. Dương như các ý tưởng trong bài của con không có gì mới ngoài việc tìm hiểu và trích dẫn các tử tưởng của các tác giả, cách đặc biệt là đối với Thánh Công đồng và sách Giáo lý Hội thánh Công giáo. Khi tìm hiểu các tư tưởng của các tác giả giúp con yêu mến Chúa và Giáo hội hơn. Qua đó cũng nhắc nhớ con ý thức hơn về thân phận của mình. Qua bí tích rửa tội, con được trở thành con Chúa và sống trong lòng Giáo hội, đó chính là nhiệm thể Chúa Ba Ngôi. Mang trên mình sứ vụ của Chúa không những tìm hiểu để tăng thêm đức tin cho mình mà con có một bổn phận là loan truyền đức tin con đã lãnh nhận cho tất cả mọi người, cách đặc biệt là những người chưa nhận biết Chúa. Đề từ đây có thể quy tụ tất cả về với Chúa trong sự hợp nhất với chi thể Chúa Ba Ngôi.  
Tài liệu tham khảo
1/ Kinh Thánh Trọn Bộ. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch.
2/ Công Đồng Vaticano II, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin dịch.
3/ Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo,Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin dịch.
4/ Giáo Hội Học, Felipe Gómez, SJ.
5/ Giáo hội qua các tác giả.
6/ Giáo hội học của Lm Aug. Hoàng Đức Toàn.
7/ Giáo hội như là dấu chỉ bí tích của Lm Anton Hà Văn Minh.
8/ Mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi của Lm Aug Nguyễn Văn Trinh.
9/ Giáo hội giàu lòng thương xót của Đức Thánh Cha  Phanxico, do Aug Nguyễn Minh Triệu dịch.
       





[1] Thánh Công Đồng Vaticano II, (ủy ban giáo lý đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dich )Hiến Chế Lumen Gentium, 4, 72.
[2] FeLipe Gómez, S.J. giáo hội học. Anton và Đuốc Sáng, 2006, 62.
[3] FeLipe Gómez, S.J. giáo hội học. Anton và Đuốc Sáng, 2006, 53.
[4] Sách giáo lý giáo hội công giáo (hội đồng giám mục việt nam- ủy ban giáo lý đức tin dịch) , NXB tôn giáo, Số 759
[5] Sách giáo lý giáo hội công giáo (hội đồng giám mục việt nam- ủy ban giáo lý đức tin dịch) , NXB tôn giáo, Số 759
[6] Thánh Công Đồng Vaticano II, (ủy ban giáo lý đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dich )Hiến Chế Lumen Gentium, 3, 71.
[7] FeLipe Gómez, S.J. giáo hội học. Anton và Đuốc Sáng, 2006, 62.
[8] Hiến Chế Lumen Gentium, số  9, 83.
[9]  Sách giáo lý giáo hội công giáo (hội đồng giám mục việt nam- ủy ban giáo lý đức tin dịch) , NXB tôn giáo, Số 781.
[10] Sách giáo lý giáo hội công giáo (hội đồng giám mục việt nam- ủy ban giáo lý đức tin dịch) , NXB tôn giáo, Số 783.
[11] ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI, Huấn từ của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XVI về thánh Phaolo, Lm, Aug NguyễnVăn Trinh dịch, Nxb tôn giáo, 106.
[12] Giáo hội  học qua các tác giả, tr 151.                                                        
[13] Thánh Công Đồng Vaticano II, (ủy ban giáo lý đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dich )Hiến Chế Lumen Gentium, 7, 77.
[14] FeLipe Gómez, S.J. giáo hội học. Anton và Đuốc Sáng, 2006, 57.
[15] Thánh Công Đồng Vaticano II, (ủy ban giáo lý đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dich )Hiến Chế Lumen Gentium, 4, 72.
[16] Piô XII, thông điệp Thánh Thể: DS 38008.
[17] FeLipe Gómez, S.J. giáo hội học. Anton và Đuốc Sáng, 2006, 60.
[18] Thánh Công Đồng Vaticano II, (ủy ban giáo lý đức tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dich ) Hiến Chế Lumen Gentium, 17, 99.