Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

LỀ LUẬT TRONG TỰ DO


Bạn thân mến
 Tự do và lề luật là những câu hỏi thường được đặt ra trong đời sống thường ngày, khi con người thực hiện các hành vi của mình. Thâm chí trước khi nói hoặc làm một việc gì, thì ngay trong suy nghĩ con người đã đặt ra những câu hỏi. Tôi nói như thế có được không? Tôi làm như thế có đúng không? Và cũng không ít những quan niệm trái ngược nhau trong cuộc sống, tiêu biểu là hai thái độ sau đây: “Luật lệ chỉ thêm gánh nặng, gây phiền phức và làm cho tôi, cho bạn mất tự do - Đã có tự do tại sao lại buộc tôi phải tuân theo những luật luân lý do người khác ban hành.” Vậy sau khi đã được học qua một kỳ học môn Luân lý học, người bàn luân còn nhiều yếu kém, nhưng cũng xin được đưa ra một vài ý kiến để chúng ta cùng tìm ra những lối sống thích hợp, hầu góp phần làm cho cuộc sống thêm phong phú và có ích cho nhau hơn.
“Luật lệ chỉ thêm gánh nặng, gây phiền phức và làm cho tôi, cho bạn mất tự do”
Trước hết chúng ta cần công nhận với nhau rằng, bất cứ một tổ chức, một xã hội dù lớn hay nhỏ đều cần có luật lệ. Dù bạn có muốn hay không đó là điều hiển nhiên, nếu không đó sẽ là một tổ chức, một xã hội rừng rú và chúng ta không thể tưởng tượng nổi sự hỗn loạn của nó. Một trong những trở ngại lớn của thời đại chúng ta ngày nay là: con người đã sử dụng tự do của mình quá mức, gây nên biết bao hậu quả đau thương cho con người cho đồng loại. Họ chỉ còn nghĩ đến bản thân cá nhân và làm những gì mình ưa thích. Họ không còn tôn trọng luật lệ chỉ vì tôn trọng tự do cá nhân, sợ luật lệ gò bó làm mất đi cuộc sống đích thực theo thiển ý của họ; ngay cả đến những lời khuyên, lối sống lành mạnh để dẫn họ đến một cuộc sống hạnh phúc đích thực cũng bị lãng quên.
Vậy phải chăng lề luật làm mất tự do của con người?  hay ngược lại lề luật làm cho con người được tự do, bảo vệ con người, mang đến cho con người một cuộc sống hạnh phúc. Vấn đề mà chúng ta bàn ở đây liên quan đến “ tự do” và “luật lệ” vậy tự do là gì ? và như thế nào là  tự do đích thực? luật là gì?  từ đó chúng ta sẽ thấy được lề luật có làm mất tự do con người không.
Tự do bên ngoài: thường được hiểu như là không bị bất cứ một cái gì bên ngoài cản trở, muốn làm gì thì làm: tôi muốn nằm ngủ hay muốn lao động hoặc muốn vào nhà người ta mở tủ họ lấy tiền xài chơi… đều làm được, không bị ai ngăn cấm, không bị ai cản trở cả… thế là tôi có tự do bên ngoài. Hay khi ra đường tôi muốn đi thế nào tùy thích không quan tâm tới người khác. Theo nghĩa này: (một người sống buông thả theo dục vọng, không bị điều kiện vật lý hạn chế, không bị luật lệ xã hội ngăn cấm, cũng được xem như là có tự do bên ngoài).
          Tự do đích thực : khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí, có thể hành động hay không hành động, có thể làm việc này hay việc khác, và như vậy, tự mình làm những hành động có ý thức. Nhờ có ý chí tự do, mỗi người tự quyết định về chính bản thân của mình. Trong con người sự tự do là một sức mạnh để  tăng trưởng và trưởng thành trong chân lý và điều thiện. Sự tự do đạt tới mức hoàn hảo, khi nó được quy hướng về Thiên Chúa, là vinh phúc của chúng ta’.  (GLHTCG, số 1731). Đối với Công đồng Vatican II, “tự do đích thực là một dấu chỉ độc đáo về hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. Bởi vì Thiên Chúa đã muốn con người tự quyết định để tự mình kiếm tìm Đấng Tạo Hoá và nhờ kết hiệp với Ngài một cách tự do, con người đạt tới hạnh phúc viên mãn. Như vậy phẩm giá của con người đòi hỏi con người phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định do xác tín cá nhân, chứ không bởi sức thúc đẩy của bản năng hay sức cưỡng chế ngoại tại. Con người đạt tới phẩm giá này, khi giải thoát khỏi nô lệ của đam mê, bằng hành động chọn lựa một cách tự do sự thiện, con người tiến về mục tiêu và cẩn thận tìm những phương tiện thích ứng. Vì tự do nhân loại đã bị tội lỗi làm tổn thương, cho nên phải nhờ ân sủng trợ giúp mới có thể hướng về Thiên Chúa một cách hiệu quả và trọn vẹn ”
Luât lệ là gì ?  “là những quy đinh theo lý trí để phục vụ công ích, do người có trách nhiệm trên tập thể ban hành. Là quy định, luật khác với lời khuyên hay sự gợi ý. Đó là một  mệnh lệnh phải thi hành hay là một nhu cầu luân lý phải thỏa mãn. Luật là đặt ý muốn của thượng cấp trên ý muốn của thành viên.”[1]
Trở về vời đề bài, tại sao họ nói như vậy? họ nói như vậy cũng có cái lý của họ. Thực vậy một số ít lề luật đã quá đặt nặng vấn đề như ngăn cấm cái này cấm cái kia, hay phải làm điều này, điều kia, làm cho cuộc sống bị khép kín, gò ép. Hoặc một số điều luật mang tính khuyên lơn, hãy làm điều này điều nọ cũng được xem như làm hạn chế tự do của con người.
Như vậy, thái độ đó của một số người là theo quan điểm tự do bên ngoài, đã có luật thì không thể có tự do được.
Vậy tự do có phải là thích làm gì thì làm ? có thứ tự do tuyệt đối không? Quả thực cuộc sống không chỉ đơn giản như vậy, thế gian này tôi dám chắc, bạn làm sao tìm ra được cái thứ tự do tuyệt đối như vậy. Và trên thế gian này không có cái gì là tuyệt đối cả. Nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng: con người cũng bị hạn chế bởi rất nhiều điều, khách quan có, chủ quan có, hạn chế bởi không gian, thời gian…. Như vậy trong cuộc sống trần gian, chúng ta không hoàn toàn được tự do khỏi những ràng buộc và giới hạn, vì sống là tương giao, nhập cuộc, dấn thân và liên lụy. Ta có thể tự do với tổ chức này, nhưng lại nối kết hay liên lụy với tổ chức khác. Trong thời hôm nay, lệ thuộc và đồng lệ thuộc đã trở thành một qui luật. Vậy tự do cũng có khuôn khổ của nó và đồng thời cũng đi liền với trách nhiệm của nó. Khi con người đã suy nghĩ và chủ ý hành động một cách tự do thì con người bị ràng buộc với hành động đó, nghĩa là phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Tất cả mọi hành động do con người đã trực tiếp muốn thì trách nhiệm qui về họ. Tất nhiên lý trí con người phải dựa trên luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong tâm hồn họ để họ có thể suy nghĩ điều mình nói việc mình làm có sai trái với lương tâm không. Như vậy tự do là đặc tính của các hành vi thuộc con người, được gọi là hành vi nhân linh. Vì thế mỗi người đều có quyền tự nhiên đòi người khác phải thừa nhận mình là người có tự do và trách nhiệm; và khi mỗi người hành xử quyền tự do của mình là phải hành xử trong tôn trọng quyền hành xử tự do của người khác. Chúng ta đặt ra câu hỏi, nếu thích làm gì thì làm liệu cuộc sống có hạnh phúc không? Theo quan điểm Kitô giáo, tự do luôn bao hàm trách nhiệm và sứ vụ. Thật vậy, đối với người môn đệ của Đức Kitô, tự do vừa là hồng ân vừa là sứ vụ : tự do đích thực giải thoát con người khỏi những ràng buộc để thanh thản dấn thân phục vụ. Chính vì vậy, thánh Tông đồ nhấn mạnh : “Thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo xác thịt, nhưng hãy lấy đức ái mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5,13). Hơn nữa, “tự do của con người đến từ Thiên Chúa, và bản chất của lề luật cũng đến từ Thiên Chúa và nó cũng biểu lộ sự tốt lành của Ngài đối với con người. Trái lại khi tuân giữ lề luật của Thiên Chúa, con người sa lánh tội lỗi, không làm nô lệ cho tội lỗi, nộ lệ cho ma quỉ, và họ có được tự do đích thực, sự tự do đích thực đó là sự tự do của những con cái Thiên Chúa. “Ngày Sa bát được làm ra vì con người, chứ không phải con người cho ngày Sa bát” (Mc 2,27). Luật Thiên Chúa như vậy, không hề khinh giảm tự do của con người và lại càng không gạt bỏ tự do; ngược lại, luật Thiên Chúa bảo vệ và cổ võ tự do. Còn về lề luật do con người thiết lập trong đời sống xã hội. Chúng ta biết rằng bất cứ một tổ chức xã hội dù lớn bé, để có thể tồn tại bình an và phát triển thì cần có luật do người có trách nhiêm ban hành. “Mục đích của luật do con người thiết lập cũng đem lại lợi ích cho con người.” [2]
Xã hội mà chúng ta đang sống cũng không thiếu những con người thành tâm thiện chí, lương tâm trong sáng, sống ngay lành, đối với họ lề luật lại như là một rào chắn có tác dụng rất tốt trong việc gìn giữ và bảo vệ họ khỏi những sai phạm làm ảnh hưởng đến họ và đến người khác. Họ không cảm thấy bị gò bó hay nặng nề khi tuân giữ luật. Luật lệ được làm ra vì con người chứ không phải ngược lại. Vd. Để đảm bảo được an toàn giao thông thì phải có luật để người tham gia giao thông căn cứ vào đó, tuân thủ, thực thi tránh những tai nạn cho mình và cho người khác.
Vậy đến đây phần nào chúng ta hiểu được luật lệ có làm cho chúng ta mất tự do hay không. Vấn đề ở chỗ thái độ và cách quan niệm của chúng ta về tự do và lề luật như thế nào.
“Đã có tự do tại sao lại buộc tôi phải tuân theo những luật luân lý do người khác ban hành.”
Trước hết chúng ta tìm hiểu câu nói này của một số người: họ công nhận có tự do, như vậy đồng nghĩa với việc họ cũng tuân giữ luật tự nhiên và luật lương tâm trong con người của họ. Bởi vì luật tự nhiên cũng là luật của sự tự do, đó chính là sự tự do bên trong tâm hồn con người. Chính bởi “tiếng nói” bên trong đó mà con người nhận biết những điều cần phải làm và những điều cần phải tránh, như vậy là đã đủ rồi. Tại sao lại bắt phải tuân giữ luật luân lý do người khác ban hành, tức là nhân luật. Vậy ta đặt ra một giả thiết, nếu chỉ tuân giữ luật tự nhiên và lương tâm đã đủ chưa? Trong Sách Sáng Thế chúng ta đọc thấy :  “Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho người đàn ông như thế này : “Người được quyền ăn trái nơi tất cả các cây trong vườn. Thế nhưng ngươi chớ có ăn trái nơi cây biết thiện biết dữ, bởi vì ngày mà ngươi ăn thứ trái cây này, ngươi sẽ phải chết” (St 2, 16-17). Và điều đó đã xảy ra, con người đã lạm dụng tự do Thiên Chúa ban để chống lại Người, cũng có nghĩa con người lạm dụng tự do không giữ luật tự nhiên đã được ghi khác trong tâm hồn họ, và chính đàng sau sự bất tuân đó đã đưa con người vào cõi chết, từ đó con người trở nên mê muội. Thế nên họ cần phải có “luật” (theo nghĩa nguồn gốc của mọi luật xuất phát từ ý định của Thiên Chúa). Ở đây chúng ta không bàn nhiều đến vấn: (tội lỗi và lề luật, hay lề luật và ân sủng) mà chỉ muốn nói rằng sự sa ngã của con người làm cho lương tâm không còn tinh tuyền để có thể dùng luật tự nhiên một cách trong sáng nữa. Vậy con người cần được giáo dục để có thể phân biệt và nhận biết những điều phải làm những điều phải tránh. Hơn nữa, con người sinh ra không ai là một hòn đảo nhưng là một cuộc sống có cộng đoàn và trong lòng xã hội loài người. Từ đó những mối quan hệ phát triển: quan hệ trong gia đình, làng xóm, rộng hơn nữa là giữa quốc gia này với quốc gia khác; hay việc buôn bán, trao đổi….. “Luật tự nhiên lại không đề cập rõ ràng trong các đòi hỏi cá biệt cho mỗi người, hay không chế tài mức án phạt trong từng trường hợp. Chẳng hạn đâu là những đòi hỏi trong xã hội về công bằng, sự thật, quyền tác giả đối với phát minh. Nhân luật sẽ làm sáng tỏ những thắc mắc ấy. Vd. phạm tội này thì phải nhận hình phạt như thế nào, phạt tù hay phạt hành chính.” [3]. Con người không chỉ sống theo luật tự nhiên và lương tâm thôi mà còn phải có nhân luật. Nhân luật được lập ra để bảo đảm cuộc sống được hài hòa: nhân luật được làm ra vì lợi ích chung từng người trong xã hội, chúng “ban cho các cá nhân những cơ hội để học được những cách ứng xử rất có hy vọng và sẽ gặt được những thành công, cũng như tránh cho họ khỏi vất vả đi tìm những giải pháp tốt nhất. chúng cũng giúp cho các quan hệ giữa người với người được bền vững và tránh cho con người khỏi những băn khoăn thắc mắc về cách ứng xử của người khác. Nói cách khác chuẩn mực và định chế là những tài sản pháp lý căn bản mà con người phải dựa vào.” [4]. Nhân luật do những người có trách nhiệm trong xã hội thiết lập, họ cũng phải dựa vào luật tự nhiên được ghi khắc trong tâm hồn họ. Nghĩa là nếu không có luật tự nhiên ghi khắc trong tâm hồn họ thì con người chẳng thể đưa ra được luật lệ cho mình. Đặc biệt nhân luật chỉ phù hợp khi nó không đi ngược lại luật tự nhiên. “nhân luật đưa ra những truyền buộc hay những ngăn cấm thuộc công bình, hợp luật tự nhiên, với lương tâm và với lẽ phải. Truyền buộc làm lành lánh dữ. Nghĩa là phải tôn trọng mọi điều thuộc luật tự nhiên và luật Chúa ban ra. Không được quy định những điều ngược lại. luật tự nhiên là nguồn để mọi người căn cứ trên đó mà ban hành lề luật” [5]. Cần có nhân luật để xác định những tiêu chuẩn hướng dẫn hành động, nhất là khi có thể thi hành luật luân lý tự nhiên bằng nhiều cách khác nhau. Vì trật tự chúng ta phải chọn cách và buộc mọi người phải thi hành, chẳng hạn: luật giao thông, (lưu thông bên trái hay bên phải). “Nhân luât cần phải có để cưỡng bức con người tuân phục các đòi hỏi của trật tự luân lý, các đòi hỏi quan trọng của lợi ích chung. Chúng là những biện pháp chề tài cần thiết để giáo dục con người yếu đuối hay để bảo vệ con người khỏi những bất công của kẻ khác” [6]. Nhân luật cũng cần thiết để các thể chế của xã hội được tồn tại nó cũng quan trọng đối với hạnh phúc của từng gia đình và sự phát triển của các tiềm năng của từng thành viên sống trong xã hội. Nhìn chung nhằm duy trì trật tự, đảm bảo sự công bằng và quyền lợi cho các thành viên trong xã hội cũng như cộng đoàn. Bảo vệ quyền lợi và nhâm phẩm con người, củng cố nề tảng luân lý đạo đức gia đình và xã hội, duy trì và phát huy các giá trị tốt đẹp trong các nền văn hóa.
Tóm lại: không thể chỉ tuân giữ luật tự nhiên và luật lương tâm mà quên đi nhân luật cũng không kém phần quan trọng mang lại hữu ích cho con người. Nếu anh chỉ tuân giữ luật tự nhiên mà không tuân giữ nhân luật thì cũng giống như người luôn miệng nói yêu mến Chúa mà lại bỏ qua những điều có thể làm để mang lại lợi ích cho tha nhân, không yêu thương tha nhân, và đó là kẻ nói dối.
Thực trạng xã hội chúng ta hôm nay đang phải đối diện với “toàn cầu hóa” nơi có nhiều chủ thuyết lầm lạc, nơi có nhiều những biến động làm tha hóa con người. Chủ nghĩa cá nhân được đặt lên hàng đầu trong các mối quan hệ của cuộc sống. Con người đã và đang nhận thấy tự do là một quyền lợi thiêng liêng, là một khao khát từ sâu thẳm tâm hồn của họ. Thế nhưng, từ trong sâu thẳm của cõi lòng họ cũng cần phải tuân theo luật lệ tự nhiên và những luật lệ phát xuất từ bản chất của luật tự nhiên đó để mưu ích cho con người. Cái bi thảm của kiếp người là chúng ta đã nhân danh tự do để hành ác và biến sự tự do đích thực của những con cái Chúa thành thứ “tự do phóng túng”. Làm sao đừng rơi vào hai thái cực nghiệt ngã: nô lệ lề luật hay tự do phóng túng? Luật lệ, Hiến Pháp, mệnh lệnh và ngay cả ngày sabát cũng được dựng nên vì con người, chứ không phải ngược lại.

Tài liêu tham khảo:
1, Thần học luân lý tổng quát, tập 1.
2, Lm Phaolo Bùi đình Cao, Giáo trình Luân lý căn bản.
3, Lm Vinh sơn Đỗ Hoàng, Tự do và Lề luật, Nxb Phương đông.
4, Công đồng Vatican II.
5, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo.
                                                                                      Giuse Nguyễn Văn Nghị


[1] Từ điển Công giáo phổ thông, Nxb Phương đông, Tr.36).
[2] Lm Vinh sơn Đỗ Hoàng, Tự do và Lề luật, Nxb Phương đông, 63
[3] Lm Phaolo Bùi đình Cao, Giáo trình Luân lý căn bản, 103
[4] Lm Phaolo Bùi đình Cao, Giáo trình Luân lý căn bản, 103.
[5] Lm Phaolo Bùi đình Cao, Giáo trình Luân lý căn bản, 101.
[6] Lm Phaolo Bùi đình Cao, Giáo trình Luân lý căn bản, 103

Không có nhận xét nào: