Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Phân tích và tìm hiểu hai khái niệm: Gia đình Ki-tô giáo được gọi là “một Hội Thánh tại gia” (GLHTCG 2204) và “Gia đình là tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội” (GLHTCG 2207)

Ant Công Chính
 Gia đình luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi thành phần trong Giáo Hội cũng như xã hội. Có thể nói, mỗi thành viên trong gia đình là cơ thể sống của Giáo Hội cũng như góp phần tạo nên một xã hội đa dạng về nhiều mặt. Chính vì thế, mỗi người được sinh ra, đều được mời gọi cộng tác với công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Quả vậy, Gia đình là cộng đoàn gồm cha mẹ, con cái, những quan hệ máu mủ, tình cảm, những liên hệ kèm theo về thể xác và tinh thần[1]. Gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, là trường học đầu tiên phát triển nhân tính [2]. Gia đình là sự kết hợp giữa người nam và người nữ trong hôn nhân, cùng với con cái của họ [3]. Thật vậy, khi tạo dựng người nam và người nữ, Thiên Chúa đã thiết lập gia đình con người và đặt nền tảng căn bản cho gia đình. Các phần tử trong gia đình là những nhân vị bình đẳng về phẩm. Vì công ích của các phần tử trong gia đình và của xã hội. Gia đình có những trách nhiệm, quyền lợi và bổn phận đa dạng [4].
 Như vậy, điều cốt lõi làm nên một Giáo Hội hoàn vũ và một xã hội thì phải trở về nguồn với nền tảng là các gia đình. Chính các thành viên trong gia đình tạo nên một “Giáo Hội hoàn vũ” và một “xã hội đông đúc về mọi mặt”. Đây cũng là điều, người viết muốn triển khai hai khái niệm trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Qua đó, thấy được tầm quan trọng của mỗi thành viên trong gia đình: Gia đình Ki-tô giáo được gọi là “một Hội Thánh tại gia” [5] và “gia đình là tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội” [6].
1/ Gia đình Ki-tô giáo được gọi là “một Hội Thánh tại gia”.
 Có thể nói đỉnh cao của Gia đình Ki-tô giáo là một Hội Thánh tại gia đó là gia đình Thánh Gia. Thật vậy, Chúa Giê-su nhập thể làm Người không phải tự dưng xuất hiện mà không biết nguồn gốc từ đâu, nhưng Ngài đã nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria qua biến cố truyền tin, trong đó Cha Ngài là ông Giu-se, Mẹ Ngài là bà Maria. Qua đó, Ngài thuộc dòng dõi Đa- vít [7], “Cha” và “Mẹ” Ngài là một người đạo đức, trung thành với luật Chúa [8]. “Cha” Ngài là một người làm nghề thợ mộc [9]. đây là nghề thuộc giới trung lưu thời bấy giờ. Trong quãng thời gian Chúa Giê-su sống ẩn giật tại Na-za-ret, Ngài đã cho ta bài học về sự vâng phục của Người [10]. Chính trong mái ấm gia đình Thánh Gia, toát lên một niềm yêu mến sâu sắc. Từ mái ấm gia đình Thánh Gia, Giê-su đã đón nhận được nguồn “tình yêu” nơi Giu-se và Maria, để rồi trải qua những ngày, những tháng, những năm được sống trong mái ấm, xét theo sự phát triển bình thường của con người thì Giê-su càng ngày càng được phát triển về sự khôn ngoan, sự cao lớn, thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta (Lc 2,52). Hình ảnh gia đình Thánh Gia là mẫu gương cho toàn thể các gia đình, và cũng là khởi nguyên cho gia đình Hội Thánh tại gia. Vì trong gia đình là sự hiệp thông giữa các nhân vị, là dấu vết và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Hoạt động sinh sản và giáo dục của gia đình là phản ánh công trình tạo dựng của Chúa Cha. Gia đình được kêu gọi tham dự vào việc cầu nguyện và hy lễ của Đức Ki-tô [11].
 Thật vậy, qua bí tích rửa tội, ta trở nên chi thể sống động của Chúa Ki-tô, được thông phần vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Người, có thể nói đây là một Hội Thánh nhỏ trong bản thể người. Chính vì thế, mỗi người được mời gọi cộng tác và có bổn phận mang Lời Chúa đến với tất cả mọi người, đặc biệt những người chưa nhận biết Người. Qua bí tích hôn phối, Giáo Hội mời gọi các thành viên trong gia đình tích cực tham gia và thể hiện rõ vai trò tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Ki-tô. Qua đó, sẽ thấy được tầm quan trọng của câu nói “gia đình Ki-tô giáo được gọi là một Hội Thánh tại gia” [12], đây cũng là một trong những đề tài về Gia đình mà Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia đình đã bàn tới [13]. Thật vậy, sự kết hợp giữa người nam và người nữ nói lên một tình yêu tự hiến, để làm một với nhau trong một tình yêu duy nhất là Đức Ki-tô. Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã cho ta thấy lệnh truyền này “người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai trở thành một xương một thịt” [14]. Chính sự yêu thương, gắn bó của người chồng đối với người vợ và người vợ đối với người chồng, phản ánh tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng sa ngã”[15]. Đó chính là lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa trong tình yêu hôn nhân gia đình. Quả vậy, trong một mái nhà, nơi mà chồng và vợ đang ngồi tại bàn ăn, con cái xuất hiện bên cạnh họ được ví như những chồi Ô-Liu, nghĩa là, với tràn đầy sinh lực. Nếu cha mẹ, theo nghĩa nào đó, là nền móng của ngôi nhà, thì con cái được ví như những viên đá sống động của gia đình [16].
 Có thể nói, Giáo Hội sinh ra và kết hợp mỗi người vào chi thể sống của Chúa Ki-tô qua bí tích rửa tội, thì đời sống hôn nhân cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, để làm nên một Giáo hội đông đủ bởi các chi thể được hợp nhất với nhau trong đức tin. Chính mái ấm gia đình là cái nôi và nền tảng khởi đầu cho một đức tin nơi bản thể con người. Vì thế, gia đình chính là thầy dậy đức tin đầu tiên cho con cái, qua đó thể hiện rõ ràng vai trò tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Ki-tô. Đây chính là lời mời gọi trong thánh vịnh 78,3-6: “điều chúng tôi đã từng nghe biết do cha ông kể lại, chúng tôi chẳng dấu gì con cháu cả, sẽ tường thuật cho thế hệ tương lai. Sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của Chúa, với những kì công Chúa đã làm. Ngài đã ban huấn lệnh cho nhà Gia-cóp, đặt ra lề luật cho It-ra-el, dậy tổ tiên chúng tội truyền lại cho con cháu các cụ được tường, hầu kẻ hậu sinh trong thế hệ tương lai cũng biết, rồi mai ngày đến lượt chúng kể cho con cháu của mình”. Qua đó, cho ta thấy trách nhiệm của những bậc làm cha, làm mẹ trong gia đình rất lớn lao đối với việc giáo dục con cái. Chính từ mái trường đầu tiên này, đứa trẻ được hình thành nên nhân cách, được đón nhận đức tin từ cha mẹ, từ đó mang theo tất cả những gì đã học được từ mái trường này để hòa nhập với cuộc sống và làm cho đức tin được lớn mạnh. Quả thật, nếu như đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình không biết Đức Ki-tô là ai, thì khởi đầu đứa trẻ khó lòng có thể nhận biết về Ngài. Ca dao tục ngữ việt nam có câu “ở ống thì dài ở bầu thì tròn hay con nhà tông không giống lông thì cũng giống cánh”. Chính mái trường gia đình là cái nôi của nền giáo đục đầu tiên, giúp đứa trẻ nhận biết mình là ai trong cuộc sống này. Thật vậy, mỗi thành viên trong gia đình Ki-tô giáo được liên kết với nhau trong cùng một đức tin, để cùng nhau cầu nguyện và đọc Lời Chúa hằng ngày sẽ củng cố gia đình trong đức mến. Chính vì thế, gia đình Ki-tô giáo có sứ vụ loan báo Tin Mừng và truyền giáo cho tất cả những người chưa nhận biết Chúa [17]. Chính tình yêu nồng cháy trong các gia đình sẽ là hoa quả trong tình yêu Đức Ki-tô được triển nở để từ đó những người xung quanh sẽ nhận biết Đức Ki-tô là ai [18]. Thật vậy, Lời Chúa bảo chúng ta rằng gia đình được kí thác cho một người đàn ông, một người đàn bà, và con cái họ, để gia đình trở thành một sự hiệp thông nhân vị theo hình ảnh sự kết hợp giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Việc sinh sản và nuôi dạy con cái, phản ánh công việc sáng tạo của Thiên Chúa. Gia đình được mời gọi liên kết trong kinh nguyện hằng ngày, đọc Lời Chúa và chia sẻ tiệc Thánh Thể, nhờ đó lớn lên trong tình yêu và trở nên ngày càng đúng nghĩa hơn là một đền thờ cho Chúa Thánh Thần cư ngụ [19]. Qua những gì đã trình bày, một lần nữa cho ta khẳng định “gia đình Ki-tô giáo được gọi là một Hội Thánh tại gia”.
2/ Gia đình là tế bào nguyên thủy của đời sống xã hội
 Thiên Chúa đã tạo dựng nên nhân loại từ không mà có [20], trong đó Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người và ban cho họ quyền cai quản trên tất cả những gì Người đã dựng nên [21], thể hiện quyền cai quản và làm chủ đó bằng việc đặt tên [22]. Như thế, nguyên tổ Adam và E-và, là khởi nguyên cho một đời sống nhân loại đầu tiên và làm nên một xã hội nguyên thủy, trong đó chính Thiên Chúa ra lề luật và phân nhiệm vụ cho cộng đồng nhân loại đầu tiên này [23]. Thật vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không tương quan với tha nhân, con người không thể sống cũng như không thể phát triển các phẩm chất của mình được [24], chính Thiên Chúa đã phán “con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nói”[25].
 Thật vậy, gia đình là một xã hội tự nhiên, người nam và người nữ được kêu gọi trao tặng bản thân mình trong tình yêu và trong việc trao tặng sự sống. Gia đình là một cộng đồng, trong đó, từ thời thơ ấu, con người có thể học được những giá trị luân lý, bắt đầu tôn thờ Thiên Chúa và sử dụng tự do một cách đúng đắn [26]. Như thế, gia đình không phải là một cơ chế “xin cho” nhưng là một sức sống mãnh liệt trong tình yêu, để từ đó phát sinh một sự sống mới. Từ mái ấm gia đình, con người học biết những giá trị luân lý và những điều cơ bản nhất để giúp người đó hòa nhập với cuộc sống. Có thể nói, trong nội tại mỗi gia đình hội tụ đầy đủ một cộng đồng mang tính xã hội và cao hơn tính xã hội đó là một cộng đồng yêu thương, chia sẻ, lấy tình yêu Đức Ki-tô làm điểm quy chiếu và hướng dẫn. Trong đó cha mẹ đóng rất nhiều vai trò như: trao ban sự sống, quản lý và làm cho gia đình ngày một phát triển, tạo nên sự hiệp nhất giữa các thành viên trong gia đình, là thầy dậy đức tin và luân lý cho mọi thành viên trong gia đình..v..v..Qua đó cho ta thấy, chính tình yêu nội tại trong mỗi gia đình là sự lan tỏa và góp phần làm cho cộng đồng nhân loại đầy ắp tình yêu thương. Quả thật, hạnh phúc của mỗi cá nhân cũng như của xã hội loài người và Giáo Hội gắn chặt với tình trạng lành mạnh của cộng đoàn xuất phát từ hôn nhân và gia đình [27]. Thật vậy, muốn có một xã hội phát triển lành mạnh cần phải canh tân gia đình. Muốn có một cộng đồng nhân loại sống yêu thương, công bằng, bác ái, thì trước tiên cần phải có một gia đình tốt [28].
 Từ đó, ta thấy được tầm quan trọng và điều cốt lõi khởi đi từ các gia đình, là tế bào nguyên thủy và khởi đầu cho một xã hội. Chính vì vậy, gia đình là tổ ấm của mỗi cá nhân, là cầu nối giữa cá nhân và xã hội, là nơi trung chuyển mọi thông tin từ cá nhân đến xã hội và từ xã hội đến cá nhân. Với tính cách là “tế bào xã hội”, gia đình có tác động to lớn đến sự phát triển của xã hội. Gia đình tốt thì xã hội tốt. Do đó, cả thế giới được coi là một đại gia đình trong mối tương giao liên đới với nhau, nên mới có câu “tứ hải giai huynh đệ”. Thật vậy, tự bản chất mối tương quan liên hợp được xây dựng trên nền tảng tình yêu, vì thế nó sẽ có hai mặt tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, tình yêu sẽ đem lại ấm no, hòa bình, hạnh phúc. Tuy nhiên, với xã hội thì khi mối tương quan không đặt trên nền tảng tình yêu, thì sẽ xẩy ra chiến tranh, khủng bố, huynh đệ tương tàn [29].
3/ Tạm Kết:
 Qua những gì đã phân tích và tìm hiểu, cho ta thấy gia đình là nền tảng cho mọi vấn đề xẩy ra xung quanh. Trong gia đình, Cha mẹ chính là nguồn phát sinh sự sống, là cái nôi của nền đào tạo, là mái nhà của nền đạo đức, là lời nói của nền luân lý cơ bản, là chất súc tác để mọi thành viên trong gia đình liên kết với nhau, từ đó sẽ được lan tỏa ra, tạo thành một xã hội hiệp nhất, tươi đẹp trong yêu thương. Thật vậy, điều răn thứ tư làm sáng tỏ các tương quan khác trong xã hội. Trong đó, anh em ruột, là con cái của cha mẹ chúng ta; anh em họ, là con cháu tổ tiên chúng ta; đồng bào là con cái của tổ quốc chúng ta; những người đã chịu phép rửa là con cái của Mẹ chúng ta là Hội Thánh; mỗi nhân vị là con trai hoặc con gái của Đấng muốn chúng ta gọi Ngài là “Cha chúng con”. Vì vậy, các tương quan của chúng ta với tha nhân được nhận biết như là những tương quan nhân vị. Người lân cận không phải là một “cá thể” nào đó giữa tập thể nhân loại, nhưng là “một ai đó” có nguồn gốc rõ ràng, đáng được mọi người quan tâm và tôn trọng [30].






[1] Phaolo Bùi Đình Cao, Giáo trình luân lý chuyên biệt, Tr 136.
[2] Giáo trình luân lý chuyên biệt. Tr 140.
[3] GLHTCG 2202.
[4] GLHTCG, 2203.
[5] GLHTCG, 2204.
[6] GLHTCG, 2207.
[7] Mt 1,20 “Này Ông Giu-se, con Cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà đang mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”.
[8] Mt 1,19 “Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà”.  Lc 1,28 “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”.
[9] Mt 13,55 “Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria, anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao?”.
[10] Lc 2,51: Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-za-ret và hằng vâng phục các ngài.
[11] GLHTCG, 2205.
[12] GLHTCG, 2004.
[13] Đức Giáo Hoàng Phanxico, Niềm Vui Yêu Thương, tông huấn hậu thượng hội đồng về gia đình, Lm Lê Công Đức (dịch), Nxb Tôn giáo.
[14] St 2,24.
[15] Cl 3,18-21.
[16] Đức Giáo Hoàng Phanxico, NIềm Vui Yêu Thương, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Về Gia Đình,  Số 14.
[17] GLHCG, 2205.
[18] Ga 13,35.
[19] Đức Giáo Hoàng Phanxico, NIềm vui yêu thương, 29.
[20] St 1,1-2 “Lúc Khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất, Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”.
[21] St 1,26 “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”.
[22] St 2,19.23: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. “con người nói: Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút ra từ đàn ông ra””.
[23] St 3,14.16.17-19: “”Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi.” “Chúa phán với người đàn bà: Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén, ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” “Chúa phán với con người: đất dai bị nguyền rủa vì ngươi, ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất””.
[24] Công Đồng Vaticano II, Gaudium Et Spes, 12.
[25] St 2,18.
[26] GLHTCG 2207.
[27] Công Đồng Vaticano II, Gudium et Spes, số 47.
[28] Phaolô Bùi Đình Cao, Giáo Trình Luân Lý Chuyên Biệt, Tr 136.
[29] Đức Giáo Hoàng Phanxico, bài phát biểu khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình 6/10/2014. (http://caunguyenbangtraitim.com).
[30] GLHTCG, Số 2212.

Không có nhận xét nào: