Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

TÍNH DUY NHẤT TRONG NHIỆM CỤC CỨU ĐỘ CỦA IRENE

Anton Nguyễn Công Chính

       Khi chưa học về các Giáo phụ, thực sự con không biết các Ngài đã giúp được gì cho Giáo hội. Nhưng khi được học, con nhận thấy các Ngài đã cống hiến cho Giáo hội rất nhiều.  Con chỉ là hạt cát rất nhỏ bé trong tư tưởng của các Ngài. Chính các Ngài đã dùng trí thông minh Chúa ban, để bảo vệ Thiên Chúa và bảo vệ Giáo hội, để chống lại các tư tưởng sai lạc của một số Giáo phái.
Có rất nhiều tư tưởng từ các Giáo phụ nhưng con nhận thấy tư tưởng của Giáo phụ Irênê mang đến cho con một cái nhìn về ơn cứu độ của Thiên Chúa. Để một lần nữa con xác định rõ hơn về những chương đầu của sách sáng thế. Tất cả mọi vật đang hiện hữu đây đều đến Thiên Chúa. Ý thức được điều đó, sau khi đã học xong kỳ I môn “Giáo phụ học”, con xin được trình bày: “tính duy nhất trong nhiệm cục cứu độ” trong tư tưởng Giáo phụ Irênê. Hầu có thể đem lại cho bản thân thêm chút hiểu biết và có thể góp phần bé nhỏ vào công cuộc bảo vệ ơn cứu độ của Thiên Chúa.
I/ Bối cảnh
          a/ Tác giả:
          Irênê (130-135), tại Tiểu á, ngay từ nhỏ đã được sống bên Thánh Policarpo, vì thế mà người ta phỏng đoán Irênê quê ở Smirna, sau đó Ngài được di cư sang Tây Phương. Thánh Policarpo là môn đệ của Gioan, nên Ngài cũng có cái nhìn trong sự lo toan gìn giữ Giáo hội.
Năm 177, Irênê thụ phong linh mục tại Lyon (pháp) do Đức giám mục Phôtinus, và được các tín hữu địa phương cử đi Rôma để đệ một bức thư lên Giáo Hoàng Eleutêriô (174-189), nhằm hòa giải với nhóm montanist. Sau khi giám mục Phôtinus chịu tử đạo, Irene lên kế vị cai quản Giáo phận Lyon.
Giữa năm 190 và 200, Irênê là người đứng ra giảng hòa, về sự đối lập nhau trong việc cử hành Lễ Phục Sinh. Vì giáo đoàn Tiểu á thì cử hành Lễ Phục Sinh vào chính ngày 14 tháng Nisan (trùng với lễ Vượt Qua của đạo Do- thái), còn giáo đoàn Rôma thì cử hành vào Chúa nhật kế đó. Nên giáo Hoàng Victor I (189-199) ra vạ tuyệt thông cho các giáo đoàn bên Đông phương. Nên Irene đã viết thư cho Giáo Hoàng này và đã được Ngài chấp nhận và rút lại vạ tuyệt thông [1].
b/ Tác Phẩm:
          Ngài có ảnh hưởng rất lớn đối với Giáo hội, đó là các tác phẩm của Ngài. Mặc dù với trình độ triết học của Ngài chưa bằng trình độ của Justin và Clement, bù lại thì Irene rất tinh thông về Kinh Thánh. Vì thế, Ngài có tư tưởng rất hay để bảo vệ Chúa và Giáo hội chống lại các nhóm Lạc giáo. Ngài đã để lại nhiều tác phẩm nhưng có hai tác phẩm lớn đó là [2]:
Ø Chống các Lạc giáo: được chia làm 5 quyển:
*   Quyển một đương đầu với thuyết của Valentino. Đây là nguồn sử liệu cổ điển về các phái của nhóm Ngộ giáo.
*   Từ quyển 2 đến quyển 4. Tác giả phỉ bác các học thuyết đó bằng những luận cứ dựa theo lý trí, rồi đến các luận cứ dựa trên truyền thống đạo lý của các Tông đồ và sau cùng dựa trên lời Chúa Ki-tô.
*   Quyển 5 trình bày giá trị của thế giới vật chất và của thể xác. Đây là những thực tại bị nhóm Ngộ đạo khinh rẻ.
Ø Chứng minh lời giảng của các tông đồ: được chia làm 2 phần:
*   Trong phần thứ nhất: (Chương 4-42) tác giả trình bày những điểm chính yếu của Ki-tô giáo.
*   Trong phần thứ hai: (Chương 42-97): tác giả tìm trong sách Cựu ước những bằng chứng xác nhận các chân lý mặc khải của Ki-tô giáo.
c/ Ngộ đạo thuyết
          Phái Ngộ đạo ảo tưởng về một tri thức hoàn hảo, được Mặc khải, được chiếm hữu và truyền đạt bởi những con người. Với tham vọng đưa ra một giải thích toàn diện về thế giới, về huyền nhiệm của hiện hữu. Dựa trên cơ sở của nhị nguyên và mở ra con đường cứu độ cho tinh thần [3].
 Qua đó, chối bỏ lòng tin vào Thiên Chúa duy nhất là Cha của mọi người, là Đấng tạo hóa và Đấng cứu độ con người và thế giới. Họ quan niệm tất cả những gì có trong thực tại đều có thể giải thích được bằng lý trí con người.  Không tin vào màu nhiệm cứu độ, hạ thấp các giá trị thực tại vật thể và hạ thấp sự thánh thiện nguyên thủy của vật chất, hay nói cách khác không tin vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Ngộ đạo coi mọi thứ xung quanh chỉ là một thực tại mà mình có thể làm ra. Họ quan niệm Cựu ước và Tân ước là hai phạm trù khác nhau, giống như linh hồn và thân xác không thể kết hợp với nhau trong cùng một con người.
II/ Thần học về tính duy nhất của Irênê
          1/ Tạo dựng cứu độ
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3). Qua đoạn Tin mừng trên cho ta thấy, ngày từ khởi nguyên Ngôi Lời đã ở gần Thiên Chúa và nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, không có Người thì chẳng có gì được tạo thành. Trong những chương đầu của sách Sáng thế đã cho chúng ta thấy, muôn vật được tạo thành xuất phát từ Lời của Thiên Chúa, chính Ngài đã làm nên vũ trụ này từ không mà có. Chính Ngài đã làm nên con người giống hình ảnh của Ngài và cho con người được hưởng những gì Ngài đã làm nên. Trong Kinh Tin Kính cho ta thấy “tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình, tôi tin kính một Chúa Giê-su Ki-tô Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời”. Thiên Chúa làm chủ mọi công trình sáng tạo của Người và cho con người được trông coi những tạo vật ấy. Thiên Chúa không thể tạo ra thế giới sớm hơn, bởi vì sự vật không thể hoạt động trước khi hiện hữu. Do đó, ngay khi Thiên Chúa hiện hữu thì Người đã sáng tạo ra thế giới [4]. Thiên Chúa sáng tạo muôn vật muôn loài vì Người là Đấng nhân hậu, mục đích của sáng tạo là vinh quang của Thiên Chúa gắn liền với hạnh phúc của con người.
 Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do, nhưng con người đã lạm dụng tự do đó để chọn lựa điều Thiên Chúa cấm. Không vì thế mà Thiên Chúa ruồng bỏ con người, nhưng Ngài vẫn tiếp tục bạn ơn cứu độ cho con người bằng lời hứa, ban chính Con Một yêu dấu của Ngài xuống để cứu độ con người. Qủa thật, nếu tách Cựu ước ra khỏi Tân ước, dường như đã làm giãn đoạn ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chính vì thế, Thánh Irene cho ta thấy Cựu ước và Tân ước luôn luôn đi liền với nhau. Tân ước chính là lời minh chứng để làm sáng tỏ trong Cựu ước. Chính Ngôi Lời luôn ở gần Thiên Chúa, chính Người cũng là Thiên Chúa, nhờ người và cho người mà tất cả được tạo thành. Thiên Chúa vĩnh cửu và vô biên đã dìm mình trong cái hữu hạn của con người. Trong thụ tạo của Người, để tái dẫn đưa con người và thụ tạo tới với Người [5]. Cho nên, giữa cuộc tạo dựng của Thiên Chúa và Ngôi Lời Nhập Thể là một chương trình cứu độ mà Thiên Chúa ban cho con người. Trường trình cứu độ này đã có từ muôn thuở nhưng được thực hiện cách tiệm tiến theo từng chặng: Từ tạo thành đến Ngôi Lời Nhập Thể. Nên chỉ có một lịch sử cứu độ, bởi vì chỉ có một Thiên Chúa. Chỉ có một lịch sử cứu độ nên chỉ có một Kinh Thánh Mặc Khải một Thiên Chúa: Cựu ước và Tân ước là hai chặng thực hiện kế hoạch cứu độ chứ không phải là hai thực thể tách biệt nhau [6].
          2/ Nhập thể cứu độ
Irene chống lại thuyết lạc giáo cho rằng Thiên Chúa rất cao vời. Ngài cho thấy Thiên Chúa rất gần với con người. Chính Ngài đã xuống thế để ở với con người, chấp nhận thân phận tội lỗi của con người, để tẩy rửa con người khỏi tội “điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm, khi sai chính con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm8,3). Từ ngàn đời Thiên Chúa luôn yêu thương con người, mặc dù con người tội lỗi đến thế nào thì tình yêu ấy vẫn luôn bừng cháy để cứu con người thoát khỏi tội lỗi. Chính vì thế, Ngài đã ban chính Con Một yêu dấu của Người xuống để tiếp tục cứu chuộc con người bằng giá máu, hầu mang lại sự sống nơi con người. Chính Ngài đã chấp nhận xuống ở với con người, ngự trong cung lòng người phụ nữ đó là Đức Maria để cứu độ con người, đưa con người trở về với Thiên Chúa là Cha nhân lành. Đó là ơn cứu độ nhưng không mà Thiên Chúa luôn dành cho con người và mọi tạo vật Ngài đã dựng nên. Chỉ có tình yêu mới có thể thấu hiểu được ơn lành mà Thiên Chúa ban cho con người. Khai mở cho chúng ta nguồn ơn cứu độ bằng chính con yêu dấu của Ngài. Ngôi Lời Nhập Thể đến ở với con người, chấp nhận những gì là con người để ngang qua đó mang lại nguồn sự sống mới cho nhân loại.
Thánh Irene khẳng định: Với Chúa Giesu Hài Nhi, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên giống người. Như thế Thiên Chúa đã tự hiến cho chúng ta, trong tay chúng ta nên chúng ta phải bắt trước Người.[7] Nhưng con người không thể trực tiếp đến gặp Thiên Chúa, vì sự bất toàn của con người. Chính vì thế, Thiên Chúa đã cho chúng ta thấy Thiên Chúa ngang qua Con Một. Để qua trung gian này chúng ta được mời gọi đến gần Thiên Chúa và ở lại với Thiên Chúa trong tình yêu. Để qua mối dây này, chúng ta được kêu lên với Thiên Chúa là “Abba, cha ơi”. Tiếng kêu này, giúp con người ý thức được thân phận yêu đuối của mình, chỉ có Thiên Chúa mới cứu nổi loài người.
3/ Thánh thể nguồn ơn cứu độ
 Thân xác và linh hồn con người là của Thiên Chúa. Theo Thánh Irene: thân xác con người dựa trên chân lý về Thiên Chúa Nhập Thể và chân lý về Thân Xác Phục sinh. Nên con người được cứu rỗi không những về phần linh hồn mà cả về phần thân xác [8]. Chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm được nguồn hạnh phúc tuyệt đối. Nên có cấu “Vinh quang của Thiên Chúa là cho con người được sống, nhưng sự sống của con người ở chỗ chiêm ngắm Thiên Chúa” (Gloria enim Dei vivens hôm, vita autem hominis Dei;AH IV, 20,7).
 Qủa thật, nếu không có việc cứu độ thân xác, thì Thiên Chúa cũng đã không cứu chuộc chúng ta bằng Máu Ngài. Chén Tạ Ơn và bánh mà chúng ta bẻ ra không phải là sự thông hiệp thân mình Ngài hay sao. Vì chưng, máu chỉ có thể trào vọt từ mạch máu, từ xác thịt và từ tất cả những gì làm nên bản thể con ngươi. Để thực sự trở thành những điều đó mà Ngôi Lời đã cứu chuộc chúng ta bằng Máu Ngài. Bởi vì chúng ta là chi thể của Ngài và được dưỡng nuôi bằng tạo vật. Tạo vật đó chính Ngài ban cho chúng ta, để chúng ta được cùng sống với Người. Chén lấy từ tạo vật, Ngài tuyên bố đó chính là Máu Ngài. Bánh cũng lấy từ tạo vật và Ngài tuyên bố đó chính là Thân Thể Ngài [9]. Nhờ đó mà thân xác con người được bổ sức nhờ sức mạnh từ Thiên Chúa ban cho ta mỗi ngày khi rước Ngài ngự vào trong thân xác chúng ta.
          Bí tích Thánh Thể là nguồn nuôi sống con người và ơn cứu độ ở mãi với nhân loại. Mỗi lẫn tham dự vào Bí Tích Thánh Thể chính là lúc ta nhận được nguồn ơn cứu độ từ Thiên Chúa. Qua đó, con người được sống mãi với Thiên Chúa trong tương quan Cha con với nhau. Một sự kết hợp không thể tách rời, để đem đến cho nhận loại nguồn sống vô biên từ Bí tích tình yêu này.
          III/ Một vài nhận định
Irene là một nhà thông hiểu về Kinh Thánh. Ngài luôn ra sức bảo vệ sự tinh tuyền nguồn ơn cứu độ từ Thiên Chúa. Ngài chứng minh cho phái Ngộ đạo thấy nguồn ơn cứu độ không phải là sự phân mảnh nhưng là một chuỗi dài trong chương trình của Thiên Chúa. Ngài cũng cho thấy, thân xác con người chính là hình ảnh Thiên Chúa, chính Ngài đã thông ban sự sống cho con người. Qua đó, con người được hưởng nguồn ơn cứu rỗi từ Thiên Chúa. Chỉ có Ngài mới làm cho con người được sống hạnh phúc, và được triển nở trong sự kết hợp với Ngài. Irene luôn đứng về Giáo hội, để chống lại những gì là sai lạc khi nghĩ về Giáo hội. Giáo hội xuất phát từ Thiên Chúa và Giáo hội sống được là nhờ Thiên Chúa.

Tài liệu trích dẫn và tham khảo:
1.    Kinh Thánh Tân ước, nhóm các giờ Kinh phụng vụ, Nhà xuất bản Tôn giáo.
2.    Về Nguồn, Thời các Tông Phụ, Phan Tấn Thành, Học Viện Đa minh 2013.
4.    Giáo trình lịch sử các giáo phụ tập 1.
5.    Giáo phụ học, L.M.P Lê Duy Lượng, Đại Chủng Viện Vinh Thanh.
6.    Giáo hội học qua các tác giả. Đại Chủng Viện Thánh Giu-se.
7.    Sáng Thế Luận qua các tác giả. Đại Chủng Viện Thánh Giu-se.




[1] Giáo Phụ học, L.M.P Lê Duy Lượng (dịch), Đại Chủng Viện Vinh Thanh. Tr 263.
[2] Về Nguồn, Thời các Tông Phụ, Phan Tấn Thành, Học Viện Đa minh 2013. Tr 108
[3] Simon hoa Đà lạt. Lịch Sử Giáo phụ. Quyển 1, từ Thế ki I- Thế kỉ IV. Tr.68
[4] Sáng Thế Luận qua các Tác giả. Đại Chủng Viện Thánh Giu-se. Tr 93.
[6] Về Nguồn, Thời các Tông Phụ, Phan Tấn Thành, Học Viện Đa minh 2013. Tr 110
[8] Về Nguồn, Thời các Tông Phụ, Phan Tấn Thành, Học Viện Đa minh 2013. Tr 111
[9] Ireùneùe, Choáng laïc giaùo, V. 2, 2-3, Sources Chreùtiennes, n. 153, p. 31-35

MỤC TỬ

Anton Nguyễn Công Chính
I/ Dẫn nhập
          Người mục tử, chính là những người thay Chúa để lãnh đạo và hướng dẫn dân của Thiên Chúa. Người mục tử không phải là người ở ngoài cộng đoàn dân Chúa, nhưng ở trong cộng đoàn dân Thiên Chúa. Tất cả là con Thiên Chúa cách mật thiết qua bí tích Rửa tội. Thiên Chúa đã chọn gọi một số người trong cộng đoàn này để làm trung gian giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Những người này chỉ là phương tiện thông truyền ơn lành của Thiên Chúa xuống trên dân Người. Các vị mục tử không có quyền quyết định số phận của họ trong tay của mình ngoại trừ Thiên Chúa. Chính vì thế, các vị mục tử là cánh tay nối dài của Thiên Chúa. Qua cánh tay này, sẽ quy tụ dân Thiên Chúa trong một tình yêu duy nhất là Đức Ki-tô. Qua đó, dân sẽ thấy được tình yêu và luôn luôn có sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ.
          Cuộc sống người mục tử thực sự có muôn vàn những khó khăn. Khi dân Thiên Chúa kêu cầu mà không được Thiên Chúa đáp lời thì họ khiến trách các mục tử. Các mục tử không làm theo Lời Thiên Chúa thì bị Thiên Chúa trừng phạt, giống như ngôn sứ Giôna. Các mục tử cũng là con người nhưng được Thiên Chúa mời gọi cách đặc biệt, nên cũng có những hành động nơi các mục tử mang tính con người cách triệt để mà quên ý Thiên Chúa. Đôi khi cũng có những mục tử, dựa vào quyền uy của mình để chuộc lợi. Không còn coi trọng dân là dân của Thiên Chúa nữa mà lúc này dân là dân của mình để mình thống trị và phục vụ mình. Những điều này Thiên Chúa lên án và trừng phạt cách mạnh mẽ. Qua chương 34 của sách Edekien sẽ cho ta thấy được hình ảnh các mục tử sa đọa và việc Thiên Chúa trừng phạt các mục tử khi sống trong sự sa đọa đó. Qua đây, Chúa Giê-su cũng tỏ cho ta thấy một mục tử là phải như thế nào?. Điều này cũng toát lên được, chính Thiên Chúa là mục tử nhân lành, hy sinh tất cả vì đoàn chiên của mình. Hy sinh đến tận cùng nhất là đánh đổi mạng sống mình để cho đoàn chiên được sống.
II. Nội dung
1/ Các mục tử vô trách nhiệm (Ed 34, 1-10)
Đây là những câu nói về sự vô trách nhiệm của các mục tử khi sống giữa cộng đoàn dân Chúa. Các mục tử này đã tìm tư lợi cho chính bản thân mình từ cộng đoàn mình coi sóc. Thiên Chúa đã nhắc lại căn tính của các mục tử “nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao?” (x. Ed 34,2). Qủa vậy, mục tử không phải là người ăn trên ngồi trốc và cũng không phải là người chủ trong cộng đoàn đó, nhưng chỉ là người thay Chúa để chăn dắt cộng đoàn này mà thôi. Người chăn dắt là người biết tìm cỏ non cho đàn chiên, biết tìm nơi ở xứng đáng cho chiên lấy lại sức. Để có được điều này người mục tử càng phải kết hợp mật thiết với Chúa để lấy nguồn nguyên liệu để ban phát và tìm nguồn sức mạnh cho dân.
Các mục tử đã không làm như thế, họ chỉ biết tìm tư lợi cho bản thân. Tất cả những gì là tốt nhất trong cộng đoàn, các vị đều tìm cách chiếm đoạt mà không cần nghĩ đến sự vất vả mà người khác đã làm nên. “sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt” (Ed 34,3). Qủa thật, tất cả những gì tạo nên cuộc sống cho các mục tử đều xuất phát từ sự bao bọc của đàn chiên. Lo cho các mục tử có một cuộc sống mạnh khỏe để qua đó mang ơn Chúa đến cho mình. Nhưng đối với các mục tử thì hoàn toàn ngược lại, họ không cần biết cuộc sống của đàn chiên như thế nào?. Giữa một cuộc sống đầy cam co, sống trong cảnh bơ vơ giữa “màn trời chiếu đất”. Trong lúc này, đàn chiên cần đến các vị mục tử hơn bao giờ hết. Các vị là những người quy tụ và vun đắp tinh thần để đàn chiên tiếp tục chiến đấu với những gì đang sẩy ra. Nhưng các vị mục tử đã không làm như thế, dường như họ đã sống cách biệt với đàn chiên “chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên bị lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm” (Ed 34,4). Chiên đang sống trong những cảnh bơ vơ nhất, không có một nơi nương tựa, chính  những lúc này là lúc có nhiều thú dữ đến căn xé chiên hơn bao giờ hết “chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi ngon cho mọi dã thú” (x. Ed 34,5). Ngoài việc chiến đấu với thú dữ bên ngoài, họ phải chiến đấu ngay cả thú dữ bên trong đó chính là các vị mục tử “các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc” (x.Ed 34,4). Tất cả nói lên sự vô trách nhiệm của một mục tử, sống với chiên chứ không cần chết với chiên. Một sự hờ hững đến tột cùng nhất của những người chăn chiên. Chính những sự ơ hờ này, các mục tử sẽ phải trả lẽ trước nhan Chúa. Chính Chúa sẽ đòi lại chiên và trừng phạt các mục tử “Đây Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên, và các mục tử sẽ không còn lo cho mình. Ta sẽ giải thoát các chiên của Ta khỏi miệng chúng, để chiên của Ta không còn làm mồi cho chúng nữa.” (x. Ed 34,10).
2/ Đức Chúa sẽ trực tiếp dìu dắt đàn chiên của Người trong công lý và hòa bình (Ed 34, 11-22).
Trước sự vô trách nhiệm của các mục tử. Thiên Chúa đã trừng phạt các mục tử, thu hồi chiên lại không để cho các mục tử tìm tư lợi từ đoàn chiên của mình nữa. Thiên Chúa sẽ trực tiếp dẫn dắt đoàn chiên của mình, Ngài sẽ trực tiếp quan tâm, chăm sóc từng con chiên một không để cho chúng phải chết, phải bơ vơ trong cảnh khốn cùng này “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm” (x.Ed 34,11). Ngài sẽ quy tụ mọi con chiên lạc trở về, để chính tay Ngài chăm sóc, chữa lành những con chiên đang đau yếu để sớm hợp với đoàn chiên trong cánh đồng của Ngài. Con nào béo tốt và khỏe mạnh phải giúp đỡ những con đang đau yếu trong đàn của mình, để một đàn chiên hợp nhất với nhau. Để rồi không có sự phận biệt đối xử, không có sự trành dành lẫn nhau, không có sự đàn áp giữa người mạnh khỏe và người đau yếu. Qua đó, trở nên một đoàn chiên biết quan tâm và lo lắng cho nhau “Chính ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Sấm ngốn Đức Chúa là Chúa Thượng . Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm, con nào bị lạc, Ta sẽ đưa về. Con nào bị thương, Ta sẽ băng bó. Con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh. Con nào béo mập, con nào mạnh khỏe, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng”(Ed 34,15-16). Qua đó, cho ta thấy, một mục tử hết lòng vì đàn chiên, luôn quan tâm, chăn sóc tới tất cả mọi thành phần của chiên. Đàn chiên lớn mạnh chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của một mục tử sống hết mình vì đàn chiên. Chính Chúa Gie-su là mẫu gương của một mục tử nhân lành, sống hết mình vì đàn chiên.
Trong một cộng đoàn luôn có những người tốt người xấu. Chúa Gie-su cũng lên án và trừng phạt những con chiên không biết nghĩ tới con chiên khác. Lợi dụng đồng cỏ xanh tươi mà Thiên Chúa ưu ái mà chà đạp lên những con chiên khác, lấy sức mạnh của mình mà chiếm lấy phần tốt nhất mà không nghĩ đến những người xung quanh đang sống với chúng. Đó là những con người chỉ biết lo cho mình, không cần nghĩ tới người khác. Qua câu chuyện anh La-da-rô và người giàu có cho ta thấy rất rõ điều này. Giữa một bên là người giàu có, được ăn tất cả những gì là xa hoa nhất. Những gì còn dư thừa cũng không đến lượt những người nghèo khổ, vì họ còn quý trọng con vật hơn là người nghèo khổ. Không gì khác, Chính Thiên Chúa là người công tâm và ngày thẳng, họ sẽ phải trả lẽ về những hành động của mình, trước sự “dửng dưng” đối với những người bên cạnh mình “này Ta sẽ xét xử giữa chiên béo và chiên gầy”(x.Ed 34,20). Thực sự họ đã không nhận ra Thiên Chúa nơi những người xung quanh mình, để rồi coi con vật còn quý hơn những người bên cạnh họ.
3/ Vị mục tử lý tưởng (Ed 34, 23-31).
Sau khi đã tách những mục tử vô trách nhiệm với đàn chiên và giữa chiên với chiên. Lúc này đây là những con chiên ngoan hiền, biết vâng nghe Lời người. Thiên Chúa sẽ cho đàn chiên này một mục tử hết lòng vì chiên. Thiên Chúa sẽ trực tiếp dẫn dắt dân người qua vị mục tử này “Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử để chăn dắt chúng, nó sẽ chăn dắt chúng, đó là Đa-vít, tôi tớ của Ta: chính nó sẽ chăn dắt chúng, chính nó sẽ là mục tử của chúng”(Ed 34,23). Như vậy, qua những đoạn sấm ngôn trên, chúng ta có thể hiểu Thiên Chúa chăn dắt đàn chiên của mình qua Đa-vít, tôi tớ của Thiên Chúa. Qua Đa-vít Thiên Chúa thiết lập một giao ước giữa Thiên Chúa và dân người “Ta sẽ thiết lập với chúng một giao ước bình an, Ta sẽ đuổi thú dữ ra khỏi xứ. Chúng sẽ cư ngụ trong sa mạc an toàn, sẽ nằm ngủ trong rừng. Ta sẽ đặt chúng ở các vùng chung quanh các ngọn đồi của Ta. Ta sẽ cho mưa xuống đúng mùa, đó là những trận mưa phúc lành. Cây cối trên đồng sẽ trổ sinh hoa trái, đất đai sản sinh hoa lợi. Chúng sẽ sống an toàn trên đất của chúng.”(Ed 34,25-27).  Một sự ưu đãi đặc biệt của Thiên Chúa với dân. Còn gì chắc chắn và bảo đảm hơn khi Chính Thiên Chúa là người trực tiếp chăm sóc dàn chiên, Thiên Chúa là người canh giữ đàn chiên trong cánh rừng bao la của Ngài. Việc canh giữ cửa là việc của những người nô tỳ, canh giữ cho chủ nghỉ, nhưng Thiên Chúa lại chấp nhận làm những việc thấp nhất để cho đàn chiên được no say trong giấc ngủ mà không sợ một thế lực bên ngoài nào xâm chiếm “chúng không còn bị chư dân cướp phá cũng không còn bị thú vật trong xứ cắn xé. Chúng sẽ được an cư lạc nghiệp, không bị ai quấy phá”(Ed 34,28). Tất cả những việc làm của Thiên Chúa chỉ vì Tình yêu. Một tình yêu không so đo tính toán, một tình yêu sống hết mình với đoàn chiên, luôn lo cho dàn chiên những gì là tốt nhất. Một tình yêu hy sinh cả mạng sống của mình cho dàn chiên.
III/ Người mục tử lý tưởng hôm nay
Chính những việc làm của Ngài mà đàn chiên nhận biết đó chính là Thiên Chúa. Đây là bài học rất lớn cho các mục tử ngày hôm nay, những người đang thay quyền Chúa để dẫn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa. Ngày nay, với cuộc sống đầy biến động, người ta cần chứng nhân hơn là thầy dậy. Lời nói mà không đi với việc làm thì quả thực là một lời nói suông, không có thực.
Thực sự con người ngày hôm nay không còn tin nhau nữa, biết nhau, tin tưởng nhau cũng chỉ vì miếng cơm manh áo chứ trong thâm tậm thực sự họ không dành cho nhau những gì là quý nhất và tin tưởng nhất. Họ luôn có sự đề phòng lẫn nhau. Lúc này đây người mục tử cần hơn bao giờ hết. Chính các Ngài là chỗ dựa cho họ, nơi họ có thể trút bầu tâm sự bất cứ lúc nào. Chỉ nơi các Ngài họ mới tìm thấy sự bình an, sự vỗ về.
Họ không cần các mục tử giỏi dang và làm hết công trình này đến công trình khác. Họ cần những mục tử quan tâm, chia sẻ cuộc sống với họ. Họ cần những mục tử đạo đức, thánh thiện để từ đó mỗi lần họ được gặp gỡ và chia sẻ với ngài họ nhận được ơn lành của Thiên Chúa. Bằng lòng mến và sự gần gũi của các ngài họ cảm nhận chính Thiên Chúa đang ở với họ. Qua đó, những lời rao giảng của chúng ta đi vào lòng mọi người và được mọi người đón nhận với tất cả con tim và sự chân thành của mình. Thực sự, nếu người mục tử không có sự từ bỏ mình thì không sớm thì muộn các vị cũng tìm lại mình. Bỏ mình để đón nhận lấy đàn chiên mình đang coi sóc, có như vậy thì mới thực sự sống cùng, sống với đàn chiên.
IV/ Nhận Định
Qủa thực đây là một chương rất hay trong sách E-de-ki-en. Dương như đánh thức các mục tử ngày hôm nay. Nhất là chúng con những người đang ươm trồng để trở nên các mục tử như lòng Chúa mong ước. Qua đó, con càng phải cố gắng hơn và trao dồi những gì mà đàn chiên cần nơi các mục tử. Con xin mượn câu trong Tim mừng Gioan      để kết thúc cho bài làm của con “mọi người nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau (Ga 13,35).

Tài Liệu Tham Khảo
1/ Kinh Thánh Trọn Bộ. Nhóm các giờ Kinh Phụng Vụ.
2/ Các Sách Ngôn Sứ. Lm Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao, O.P.
3/ Đức Giê-su qua Kinh Thánh Cựu ước. Lý Minh Tuấn.


Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

HỆ LỤY TỘI NGUYÊN TỔ

                                                                                                              Anton Nguyễn Công Chính
I/ Dẫn nhập
        Ngày nay với sự phát triển tột bậc về khoa học kĩ thuật. Ngồi một chỗ con người có thể biết được mọi thông tin của thế giới đang diễn ra. Trong những thông tin đó cũng không ít những thông tin mang đến cho con người những suy nghĩ sai lạc. Song song với sự phát triển đó cũng kéo theo không ít những tệ nạn làm cho con người đánh mất chính mình lúc nào không hay biết. Chính những lôi kéo đó đã đẩy con người đến một tầm cao mới, đến nỗi con người không còn nhận ra chính mình nữa. Khi đã đánh mất chính mình thì đồng nghĩa với việc con người đánh mất ý thức về tội. Một khi đã như vậy thì coi tội lỗi là cái rất phù phiếm không thực tế, ngăn cản tự do của con người. Qua đó dẫn đến những sự sai lầm không thể lường như con giết cha, cháu giết ông bà, cha giết con….Tất cả là hệ lụy của sự phát triển không đồng đều giữa xã hội và con người.
        Chúng ta cũng không thể đổ tội hết cho ngoại tại mà không suy nghĩ đến cõi lòng mình. Trong con người luôn luôn có sự hiện diện của điều thiện và điều ác. Cả hai cùng lớn lên và chúng sẽ đi hết chặng đường của mỗi người. Điều cốt yếu trong mỗi người là có đẩy lui sự ác để cho sự thiện lớn lên hay không. Nếu mỗi người luôn luôn nuôi dưỡng những điều sai trài thì dường như ta đang đẩy lùi sự thiện vào bóng tối để sự ác được vươn lên và làm cho con người ra tăm tối lúc nào không hay biết. Sự cách lý giữa sự thiện và sự ác rất mong manh, dường như ta không thể phân biệt cách rõ ràng mười mươi được. Đôi khi nó chỉ xẩy ra trong nháy mắt. Điều quan trọng trong cuộc sống mỗi người là luôn có tinh thần tỉnh thức và chiến đấu cho sự thiện từng giây, từng phút trong cuộc đời.
        Để hiểu rõ sự tội trong con người và làm rõ câu nói của Thánh Phao-lô “vì một người duy nhất mà tội đã xâm nhập vào thế gian, và tội lỗi gây ra sự chết, như thế tội lỗi đã lan tràn đến mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5, 12).  Giờ đây ta sẽ đi tìm về nguồn của sự tội trong con người đưới cái nhìn của Kinh Thánh.
II/ Nội dung
        1/ Khái niệm về tội:
        Khi nói đến tội ta liên hệ đến nhiều thể loại tội như: tội tổ tông, tội nhân, tội nặng và tội nhẹ. Tất cả những loại tội này có một cái nhìn chung nhất là tội. Như vậy tội có nghĩa là coi nhẹ những đòi hỏi của luật luân lý và những mệnh lệnh của lương tâm là những hành vi xấu, hành vi nhân linh [1]. Đối với một số nhận định khác. Tội được hiểu theo nghĩa thông thường đó là làm trái với pháp luật, trái với điều luật của tôn giáo, hoặc lỗi lầm đối với người khác. Theo Kinh Thánh, tội là cố tình chống lại ý muốn tốt lành và yêu thương của Thiên Chúa và không muốn lệ thuộc vào Ngài. Tội phát xuất từ lòng người, cùng với sự thúc đẩy của quyền lực sự dữ. Tội là lỗi phạm đến chân lý, trái với lương tâm ngay chính, là sự súc phạm và thiếu tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tha nhân, quyến luyến lệch lạc với thế giới thụ tạo. Tội phá vỡ mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, làm tổn thương phẩm giá con người và vi phạm đến tình liên đới của nhân loại [2]. Như vậy, tội được hiểu như là một sự cắt đứt các mối liên hệ đối với tất cả các thành phần để làm theo ý mình, đi ngược lại với luân thường đạo lý làm người của mình.
        2/ Tội lỗi theo Cựu ước
        Đỉnh cao công trình sáng tạo của Thiên Chúa đó chính là con người. Con người được vinh dự thông phần với vinh quang của Người, mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa, làm chủ muôn loài muôn vật Chúa đã dựng nên. Thể hiện quyền làm chủ đó được Kinh Thánh ghi lại cách rõ ràng “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó là thế” (St 2,19). Chính việc đặt tên nói lên quyền làm chủ của con người. Con người đã thay quyền Chúa để lãnh đạo muôn loài Ngài đã làm nên.
Con người đã lạm dụng quyền tự do của mình để làm theo ý mình, chống lại ý của Thiên Chúa. Chính vì thế con người đã đưa tay hái trái cây mà Thiên Chúa đã cấm để ăn và lúc đó mắt hai ông bà mở ra và thấy mình trần truồng “bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân” (St 3, 7). Đây là một bức tranh nói lên rằng, con người không còn ở trong hào quang của Chúa nữa, họ không còn nhìn nhau dưới hào quang đó nữa, họ thấy nhau như trần truồng và chẳng còn có thể chấp nhận nhau dễ dàng nữa.[3]. Con người dường như phải dấu mặt nhau qua tấm áo. Để nói lên rằng: Con người phải chứng minh cho nhau qua nhưng yếu tố bên ngoài. Tấm áo trở nên biểu trưng cho chính con người mình, muốn dùng tấm áo đó để dấu cái bên trong đã bị tổn thương. Qua đó nói lên, con người đầu tiên sa ngã để cắt nghĩa khả năng phạm tội của con người. Các biểu tượng sâu thẳm trong câu chuyện hàm chứa một số khẳng định căn bản: con người lúc nào cũng nằm trong vòng chi phối của tội lỗi xét như là thái độ khinh thường Thánh ý Thiên Chúa. Tội nguyên tổ mang tính điển hình và cốt ở việc con người muốn hiện hữu như Thiên Chúa, nghĩa là muốn thoát khỏi giới hạn để sống hoàn toàn độc lập, hoàn toàn làm chủ chính mình [4].
Chính tội lỗi đã sâm chiếm con người và làm cho con người ra hư hoại. Tưởng mình sẽ được bằng Thiên Chúa sau khi ăn trái cây đó nhưng khôn khổ thay sự thiện không thấy mà chỉ thấy hai lõa thể đứng trước mặt mà thôi. Lúc này con người mới tìm cách để che thân. Một sự trốn tránh đến tận cùng để không bị giáp mặt với Đấng làm nên mình. Trong thư của Phao-lô gửi cho giáo đoàn Roma, ngài nói về vẫn đề này như sau: Ngay từ  đầu con người đã mang nỗi kiêu căng cho rằng mình đã nắm được chìa khóa hiểu biết, chẳng cần Chúa nữa, cũng chẳng cần chìa khóa mở ra sự sống, chẳng phải chết nữa. Từ việc rút lui khỏi Chúa, con người rốt cuộc trốn mặt Ngài. Lòng tín thác của tình yêu bỗng dưng trở thành nỗi sợ hãi trước một Thiên Chúa đáng sợ và quá uy quyền [5]. Lúc này đây mối tương quan giữa con người với nhau dường như cũng bị xa cách khi Thiên Chúa tra hỏi con người. Lúc này không còn ca khen “đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (x. St 2, 23) nhưng là một sự trách móc đến tận cùng nhất và đổ tội cho Thiên Chúa “người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn” (x. St 3, 12). Một sự trách móc và một sự đổ tội đến tận cùng nhất của con người. Chính Thiên Chúa đã trực tiếp căn dặn con người là không được ăn trái cây đó nhưng vì muốn bằng Thiên Chúa nên con người bất chấp tất cả để ăn trái cây đó và giả vờ ta không biết, một sự không biết đến ngớ ngẩn nhất. Đây cũng là điều mà Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh và khiến trách nhất đó là sự “dửng dưng” của con người. Chính sự “dửng dưng” của con người đầu tiên này như là lời tiên báo cho muôn thế hệ sau này. Sự “dửng dưng” đã đánh mất căn tính và nhân tính làm người để tìm cách chuộc lợi cho mình, để từ đó thốt lên những lời như Cain ngày xa xưa ấy “Con không biết. Con là người giữ em con hay sao” (x. St 4, 9).
Đỉnh cao của tỗi lỗi là con người phải chết “ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi ngươi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19). Lời tiên báo và sự trừng phạt của Thiên Chúa đối với con người đầu tiên này cũng là lời tiên báo cho muôn thế hệ sau. Con người sẽ không bao giờ sống mãi trên cõi đất này. Chính cái chết là điểm phân cách giữa thế giới thực tại với thế giới Thần Thiêng. Cuộc sống thực tại này là kết quả của đời sống mai sau. Con người sống tại trần thế mang trong mình sự thiện và sự ác. Hai điều này luôn có trong mình từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi. Chính vì thế trong cuộc sống con người luôn có sự giằng co giữa thiện và ác. Ranh giới để xác định hai điều này rất mong manh. Hằng ngày con người phải không ngừng chiến đấu để sự thiện trổi vượt hơn sự ác.
3/ Tội lỗi theo Tân ước
Một sự đối nghịch giữa con người với Thiên Chúa. Adam muốn chiếm lấy sự hiểu biết của mình bằng Thiên Chúa, muốn chiếm lấy tất cả cho mình, để không còn phụ thuộc vào Thiên Chúa nữa nhưng đối với Thiên Chúa thì ngược lại hoàn toàn. Ngài từ bỏ tất cả để xuống trần gian gánh lấy tội lỗi cho nhân loại. Cả cuộc đời của Ngài nói lên một tình yêu trọn vẹn không bị phân mảnh. Ngài đã xuống trần gian với cảnh đời nghèo khổ nhất của kiếp người. Sinh ra không một mảnh vải che thân và hơi ấm lúc này chỉ nhờ vào hơi thở của những chú bò. Sinh ra đã như vậy nhưng lúc chết đi cũng không một mảnh vải che thân, chết tất tưởi trên Thánh giá, đây là cái chết tụi nhục nhất đối với thời bấy giờ. Nhưng sự tụi nhục đó đối với con người nhưng lại vinh quang đối với Thiên Chúa. Sự vinh quanh Ngài đón nhận đó chính là để cho con người biết ăn năn quay trở về với Thiên Chúa. Ngài đã đánh đổi tất cả để chiếm lấy những con người biết tìm về với Ngài. Khi nhìn lên Thập giá ta mới thấy được giá trị cao cả của Ngài. Chính tội lỗi nhân loại đã làm Ngài ra như thế  “Qua thập giá để con người nhận ra kiêu căng chính là hạt nhân của mọi tội lỗi” [6].
Chúa Giê-su đến trần gian, để cứu con người thoát khỏi tội lỗi. Ngài là một Adam mới. Chính trong bí tích rửa tội ta được sáp nhập vào cộng đoàn dân Chúa, cộng đoàn Giáo hội và trở thành Adam mới trong Đức Ki-tô. Qua Bí Tích Rửa Tội đức Ki-tô ngự trị trong con người để xóa tan tội lỗi mà nguyên tổ đã phạm tội. Mặc dù tội nguyên tổ được tẩy sạch nhưng con người bất toàn luôn ngả theo sự dữ. Thiên Chúa ban cho con người sử dụng quyền tự do của mình trên đời sống của mình. Để qua đó con người biết làm chủ bản thân và có một sự chọn lựa cho đời sống mình. Trong con người sự thiện và sự ác luôn luôn đi song hành với nhau, nếu ta không có sự chọn lựa dứt khoát từ bỏ sự ác để chiếm lấy sự thiện thì không sớm thì muộn ta cũng chiều theo sự ác lúc nào không hay biết. Sự thiện và sự ác hình thành trong bản thể con người được ví như là Adam cũ và Adam mới luôn ở trong con người. Bởi vì tự bản chất con người sinh ra trong cộng đồng xã hội dường như hút trọn con người của Adam cũ. Qua Bí Tích Rửa Tội ta được sáp nhập vào Adam mới. Cho nên tự do là ranh giới của sự chọn lựa. Mang trong mình là Adam mới và Adam cũ nhưng luôn nghiêng chiều về Adam cũ để phạm tội thì Thiên Chúa không ngăn cản, bởi vì Thiên Chúa không muốn chiếm đoạt tự do của con người. Chính sự tự do trong con người mà có những chọn lựa sai lầm. Chọn lựa sai lầm vì không có sự kết hợp mật thiết với Chúa mà luôn nuôi dưỡng những ý tưởng phạm tội để chiều theo những gì thân xác con người mong muốn, để rồi tự bản thân thốt lên “điều tốt tôi muốn làm nhưng tôi không làm, còn điều xấu tôi không muốn làm nhưng tôi lại làm”(Rm7,20). Chính trong ý tưởng con người không nuôi dưỡng và phát huy những sự lành thánh thì rất dễ dàng đưa chúng ta đến những chọn lựa sai lầm mà bản thân không hề hay biết.
Thiên Chúa nhân từ luôn giang rộng cánh tay để đón nhận tất cả những ai biết chạy đến với Ngài. Ân sủng Ngài luôn ban nhưng con người luôn tìm cách trốn chạy thì làm sao ơn lành của Chúa có thể đến được nơi con người. Chính Ngài đã thốt lên “Hãy đến đây, Ta cùng nhau nói chuyện! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông. Nếu các ngươi chịu nghe lời của Ta, thì các ngươi sẽ được hưởng vinh quang muôn đời” (Is 1,18-19). Một sự tha thứ đến tột cùng nhất của Thiên Chúa. Ngài chỉ mong con người biết ăn năn trở lại mà thôi, chứ Ngài không nói đến hình phạt bởi tội mà ra. Qua đó cho ta thấy, mất ơn thánh như là hạt nhân của tội nguyên tổ có nghĩa là làm gián đoạn mối tương giao, gián đoạn này trở thành một thành phần của cấu trúc lịch sử con người. Lẽ dĩ nhiên, mỗi người ngày hôm nay chẳng có lỗi gì trong chuyện này nhưng chúng ta được sinh ra trong đó, nên ta cần đến Người tái lập tương giao nguyên tổ đã đánh mất. Chúa không muốn hành hạ hay tra tấn hoặc phạt con người, nên Ngài đã tự mình nối lại tương giao này. Qua đó, sửa lại cái đã đổ vỡ. Khi ta nói về tội nguyên tổ, nghĩa là nói về mối tương giao đã đổ vỡ mà ta cũng có trong đó, Chúa đã khởi sự, lập tức nối lại và chữa lành tương giao đó [7]. Cho nên nói tới tội nguyên tổ mà không đề cập gì tới câu trả lời của Thiên Chúa thì quả là rơi vào vòng phi lý nhất.
4/ Hệ lụy của tội liên hệ đến con người ngày nay
Xã hội ngày một phát triển mà con người không đứng vững trước bản thân mình thì không sớm thì muộn con người giống như một cái thùng để cho bánh xe Xã hội vận chuyển đi đâu tùy thích. Mặc dù con người phải thích nghi với sự phát triển đó nhưng phải làm chủ những sự thích nghi đó để mình vẫn là mình. Ca dao tục ngữ có câu“gần bùn mà chẳng hôi thanh mùi bùn”. Qủa thật để thực hiện câu này thật khó biết bao. Càng ngày con người càng trở nên xấu xa và tội lỗi, luôn sử dụng tự do của mình để làm những điều xấu. Qủa thật “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1, 8). Chính Đức Giáo Hoàng Piô XII tại hội nghị các giáo lý viên tại Hoa Kì ngày 28/10/1946 nói rằng “có lẽ tội lớn nhất trong Thế giới hôm nay là con người đã mất ý thức về tội ?” [8]. Qủa thật, tính đến nay đã trải qua gần 70 năm kể từ khi Ngài nói câu này dường như không chút phai nhạt và đó là điều thực tế nhất của con người ngày hôm nay. Chính Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lo II, trong chuyến tông du về sám hối ngày 2/12/1984 đã giải thích rõ hơn về ý thức về tội “Sự ý thức này về tội bắt rễ từ trong thâm tâm con người và như thước do của lương tâm ấy”. Ý thức về tội được liên kết với ý thức về Thiên Chúa. Vì không thể xóa bỏ ý thức hoàn toàn về Chúa, và hoàn toàn dập tắt tiếng lương tâm nên người ta không bao giờ có thể xóa bỏ ý thức về tội”” [9]. Như vậy nói đến mất ý thức về tội dường như đánh mất cả nhân tính người trong đó. Khi con người đã đánh mất tất cả thì mọi hành động của con người giống như một con vật không có trí khôn. Điều này cho ta thấy rất rõ trong từng ngày sống của ta. Hằng ngày trên các thông tin đại chúng đều đưa lên những lối hành sử giữa con người với con người, khi ta đọc xong ta nghĩ đó là con vật chứ không phải là con người như con cái giết cha mẹ, cháu giết ông bà, cha mẹ giết con cái, cha mẹ hãm hiếp con cái và ông hãm hiếm cháu………Đây là một điều phi lý hết sức, trái với luân thường đạo lý làm người. Như vậy thử hỏi đó có phải là con người nữa không. Khi đã mất ý thức về tội thì mọi hành động đó là của con vật, nó hành động theo bản năng mà thôi.
Tất cả nói lên sự suy đồi của con người khi loại trừ Thiên Chúa, đoạn tuyệt với Thiên Chúa, không tuân phục Thiên Chúa. Khi đời sống con người loại trừ tất cả là thần thiêng thì con người đã đánh mất đi một chỗ dựa đáng kể nhất. Khi mất đi một chỗ dựa thì con người sống như một con thú hoang giã không có người chăm sóc. Chính con người đã không làm chủ được bản thân nên đã bị những gì là ô nhục nhất của xã hội xâm chiếm con người mình. Như đã nói, trong con người sự thiện và sự ác rất mong manh, nếu con người từng giây từng phút mà không có sự tỉnh táo thì rất dẽ để cho sự dữ chiếm đoạt toàn bộ con người mình. Trong tận cõi lòng con người sự dữ hoạt động một cách mãnh liệt, chính nguyên tổ đã để lại. Cho nên, con người nhiều khi đã phải thốt lên “điều tốt tôi muốn làm nhưng tôi lại không làm, còn điều xấu tôi không muốn nhưng tôi lại làm” (Rm 7,20). Từ đó, ta thấy được sự dữ hoành hành cách mạnh mẽ trong nội tâm con người mình.
III/ Kết luận
        Qua những phân tích trên cho ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của câu nói trong thư của Phao-lô gửi cho giáo đoàn Ro-ma “vì một người duy nhất mà tội đã xâm nhập vào thế gian, và tội lỗi gây ra sự chết, như thế tội lỗi đã lan tràn đến mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5, 12). Như là một lời cảnh báo cho muôn thế hệ sau. Con người khi sinh ra đã mặc tội, đó là tội mà trước kia nguyên tổ ta đã phạm tội. Tội này vẫn còn trong con người và đôi khi nó còn bành trướng hơn nếu con người hằng ngày không biết ăn năn sám hối tin tưởng vào lòng từ bi Chúa. Chính tội lỗi đã dẫn đưa con người không còn được giáp mặt trực tiếp với Thiên Chúa nữa. Tội lỗi chính là từ chối yêu mến vì kiêu căng hay ích kỉ. Tinh luyện ý thức về những gì làm tổn thương Ngài, để nhận định rõ hơn ý định của đức ái trong những hoàn cảnh mới của quan hệ giữa người với người[10]. Cái chết chính là đỉnh cao của tội lỗi con người. Cái chết chính là sự chuyển giao giữa thể giới thực tại với thế giới thần thiêng.
Tài liệu tham khảo
1/ Giáo Trình Thần Học Luân Lý Căn Bản.     Lm Paul Bùi Đình Cao.
2/ Từ Điển Công Giáo 500 từ. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
3/ Kinh Thánh Trọn Bộ. Nhóm các giờ Kinh Phụng Vụ
4/ Thiên Chúa và Trần Thế . Joseph Ratzinger. người dịch: Phạm Hồng Lam.
5/ Màu Nhiệm Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi. Lam Aug. Nguyễn Văn Trinh.
6/ Sáng Thế Luận Qua Tác Gỉa. Đại Chủng Viện Thánh Giu-se dịch.
7/ Một Lối Nhìn Luân Lý, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR dịch theo Croie IV.
8/ Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng. Nguyễn Minh Lý dịch theo Krishmanurti.
9/ Niềm Vui Của Tin Mừng. Đức Giáo Hoang Phanxico.





[1] Lm Paul Bùi Đình Cao, giáo trình luân lý căn bản (nơi xuất bản nhà dòng Mến Thánh Gía Vinh, năm  2014). Tr 179.
[2] Từ điển công giáo 500 từ, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Tr 350.
[3] Joseph Ratzinger. người dịch: Phạm Hồng Lam, Thiên Chúa và Trần Thế, Nhà xuất bản tôn giáo – 2011. Tr 89
[4] Georg Kraus, Người dịch: Đại Chủng Viện Thánh Giuse. Sáng thể luận qua các tác giả. Tr .38.
[5] Joseph Ratzinger. người dịch: Phạm Hồng Lam, Tr 86.
[6] Joseph Ratzinger. người dịch: Phạm Hồng Lam, Tr 87.
[7] Joseph Ratzinger. người dịch: Phạm Hồng Lam, Tr 88.
[8] Théodule Rey- Mermet, CSsR. Một lối nhìn mới về luân lý. Người dịch Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR. Tr:77.
[9] Théodule Rey- Mermet, CSsR. Một lối nhìn mới về luân lý. Người dịch Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR. Tr:78
[10] Lm Paul Bùi Đình Cao, giáo trình luân lý căn bản . Tr 179.

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA KHOA HỌC VÀ THẦN HỌC

                                                 Anton Công Chính
I/ Dẫn nhập:
       Con người ngày hôm nay đang sống trong sự phát triển tột bậc của khoa học kĩ thuật. Chính điều này cũng làm cho nhận thức của con người càng được biến đổi, muốn được khám phá những gì là bí ẩn nhất. Con người ngày nay không còn nghĩ đến ăn no mặc ấm nữa mà nghĩ tới ăn ngon, mặc đẹp. Với sự thay đổi của môi trường thì con người cũng thay đổi để phù hợp với những ngoại cảnh xung quanh. Vì vậy, khoa học là câu trả lời cho những thắc mắc mà con người đang muốn tìm tòi và khám phá. Những gì là thực tại trước mắt đều được khoa học giải thích. Chính điều này, cũng làm cho đức tin người ki-tô hữu có phần xáo trộn, họ cũng muốn tìm tận căn tín ngưỡng mình đang theo là gì?. Rồi hàng loạt những câu hỏi có thể đặt ra cần người trả lời cho niềm tin của mình. Con người sinh ra từ đâu ? sống ở đời này để làm gì ? và chết đi về đâu ?. Thần học Ki-tô giáo là câu trả lời và làm sáng tỏ cho những câu hỏi trên. Qua đó, cho ta thấy dường như khoa học nhằm giải thích rõ hơn những thực tại mà người Ki-tô hữu đang hưởng dùng. Thần học Ki-tô giáo làm rõ các Mạc Khải. Trở về với Mạc Khải khởi nguyên, đó là qua các thụ tạo. Qua đó cho ta thấy, khoa học và thần học giống như gọng kìm, nhằm giải thích một sự kiện để đưa ra những gì là chân thực nhất. Để thấy được sự tương giao này, con sẽ đi vào chi tiết để thấy được sự trợ giúp giữa hai thành phần này.
II/ Nội Dung
A/ Định nghĩa chung
 a/ Khoa học là gì:
Khoa học nghiên cứu nhiều lĩnh vực. Tất cả chỉ dựa trên những gì quan sát được, để rồi đưa vào thí nghiệm, thực nghiệm. Qua đó đưa ra các định luật.
Đối tượng của khoa học tự nhiên bao gồm : vật lý, hóa học, thiên văn, sinh vật học, động vật học…
Đối tượng của khoa học xã hội gồm : khoa học nhân văn, khoa học tinh thần, tân lý học…
Qua đó ta có thể nói : Khoa học là một hệ thống kiến thức được liên kết với nhau cách mạch lạc và cùng quy về một đối tượng nào đó mà họ nghiên cứu.[1].
b/ Thần học là gì :
Để nói một định nghĩa cho chính xác thần học là gì quả thực là điều rất khó vì thần học Ki-tô giáo tìm hiểu về Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng vô hình. Mỗi người tìm về Thiên Chúa đều có những định nghĩa cho mình mà không đi sai lạc các Mặc Khải của Thiên Chúa thì đều được cho là đúng.
Theo Thánh Augustino định nghĩa : Thần học là sự khảo luận của lý trí liên quan đến Thiên Chúa.
Theo Karl Rahner định nghĩa : Thần học là khoa học của đức tin, nó là một sự giải thích và khai triển có ý thức và phương pháp của Mạc Khải được lãnh nhận trong đức tin.
Theo Charles Ryrie định nghĩa : Thần học là nghĩ về Chúa và diễn tả những ý nghĩa đó trong một cách nào đó.
B/ Các nghiên cứu của khoa học và thần học
1/ Khoa học xã hội :
a/ Trí thức nghiên cứu :
Khoa học dùng lý trí con người tự nhiên của mình để nghiên cứu những gì đã  thấy. Tất cả những gì quan sát và tìm kiếm được, thì các nhà khoa học mới có thể dùng lý trí của mình để phân tích và tìm hiểu. Chính lý trí con người mới là câu trả lời. Tất cả các thông tin phải nắm được chính xác và thâu tóm được chính vấn đề đang tìm kiếm mới có thể xác định một cách chắc chắn nhất, ngoài những gì không nắm bắt được thì tất cả chỉ là hư ảo, không có thực. Có những vấn đề các nhà khoa học mất hàng ngàn năm vẫn không tìm ra được câu trả lời. 
Qua đó ta thấy được, để có một kết luận chính xác, các nhà khoa học phải trải qua biết bao giai đoạn. Đối với các nhà khoa học, lý trí con người là nguồn phát sinh mọi sáng tạo và có thực nhất, ngoài những điều đó ra chỉ là một điều hư ảo trước mắt.
b/ Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng chính của khoa học là vật chất. Tất cả những gì ở xung quanh đều là nhu cầu cần thiết, nếu không có các đối tượng này thì không thể làm được. Để quan sát được các tinh tú trên bầu trời, thì cũng phải nhờ trung gian là những gì đã có. Các nghiên cứu của khoa học chỉ giới hạn trong thời gian, không gian nhất định và chỉ trong phạm vi vấn đề cần nghiên cứu. Chính vì thế, khoa học dường như đụng chạm tới Kinh Thánh, cách đặc biệt đụng chạm đến 11 chương đầu của sách Sáng thế. Khoa học dường như đang đi tìm về nguồn, nguồn phát sinh mọi sự ở trên trái đất này, kể cả con người. Các nhà khoa học đã đưa ra một giả thuyết, mọi sự có mặt ở trên trái đất này do vụ nổ Bibang, chính các phần tử trong vụ nổ này là nguồn phát sinh mọi sự. Nhưng trên thực tế mọi lý lẽ mà các nhà khoa học đưa ra đều không hợp lẽ và không giải đáp hết được các thắc mắc cho con người. Đó chỉ là lý thuyết của ảo tưởng. Qua đó, càng cho ta thấy được có bàn tay của Thiên Chúa đã làm nên các công trình này, ngoài Ngài ra không có ai và không có nguyên lý nào làm nên vũ trụ này. Ngày nay, khoa học còn nghiên cứu về sự chết của con người. Điều này cũng không cho ta thấy được điều gì, ngoài kết luận là chính Thiên Chúa hướng dẫn và dẫn đưa Linh hồn về với Thiên Chúa.
c/ Khoa học biết có Thượng đế.
Qua những nghiên cứu nhờ thụ tạo, khoa học chỉ biết có bàn tay của Thượng Đế đứng sau những công trình này. Chính Niuton đã phải thốt lên “Tôi thấy Thiên Chúa đi qua ống kính viễn vọng của tôi”. Các nhà khoa học càng đi tìm kiếm những thực tại càng cho ta thấy được ngoài Thiên Chúa ra không ai có thể làm được. Con người chỉ là người được thừa hưởng những gì mà Ngài đã làm nên. Qua những gì con người làm, đó là sự cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Chính họ đã làm nên từ cái có để trở nên cái có. Còn Thiên Chúa làm nên từ không mà có. Chính cái có này, mà con người được mời gọi thực hiện vào công trình của Ngài. Con người dù có giỏi đến đâu cũng nhờ Thiên Chúa để con người đó được phục vụ những con người khác. Qủa thật, chúng ta được biết những công nghệ do các nhà khoa học nghiên cứu cũng chỉ nhằm mục đích mưu sinh và phục vụ con người với nhau mà thôi. Qua trung gian này, giúp ta được tiếp cận gần hơn với Thiên Chúa. Con ngươi bất toàn không thể nhìn trực tiếp với Thiên Chúa nhưng qua trung gian là các thụ tạo mà ta nhận biết có Thiên Chúa, chính Ngài đã ban sức sống cho ta.
2/ Thần học Ki-tô giáo
 a/ Tri thức nghiên cứu:
         Đối với các nhà Thần học Ki-tô giáo, không dùng lý trí tự nhiên của mình để làm sáng tỏ vấn đề nhưng dùng lý trí được đức tin soi sáng. Chính đức tin là nền tảng và điểm quy chiếu để hướng dẫn lý trí thực hiện các nghiên cứu. Lý trí không có đức tin được soi sáng thì những nghiên cứu của các nhà Thần học chỉ là một lý thuyết ảo tưởng chứ không thực tế.
         b/ Đối tượng của Thần học
         Thần học Ki-tô giáo dựa trên các Mạc Khải đế nghiên cứu. Chính Mạc khải là nguồn chính của Thần học Ki-tô giáo. Mạc khải qua tạo dựng. Qua công trình này Thiên Chúa tỏ mình ra qua các tạo vật. Đỉnh cao của công trình tạo dựng chính là con người, con người chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Qua con người, Thiên Chúa đặt để con người trông coi mọi tạo vật Thiên Chúa dựng nên. Sau khi con người sa ngã Thiên Chúa không bỏ rơi con người nhưng tiếp tục ban ơn cứu độ cho con người. Qua đó, cho ta thấy Mặc khải về Ngôi Lời Nhập Thể. Trình thuật những chương đầu của sách Sáng thế cho ta biết rõ điều này. Cho nên Thần học Ki-tô giáo dựa trên những Mạc khải để cho ta thấy rõ hơn về Thiên Chúa.
         c/ Thần học Ki-tô giáo tin có Thiên Chúa.
         Thần học Ki-tô giáo biết có Thiên Chúa là duy nhất và Thiên Chúa có Ba Ngôi. Vì yêu thương con người, nên Thiên Chúa đã sai chính con một yêu dấu của Người xuống để cứu độ con người. Qua đó đưa con người trở về với tình yêu bao la mà Thiên Chúa luôn dành cho con người. Ba Ngôi Thiên Chúa làm nên mọi sự và cho con người được thông phần với công trình này. Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa. Thánh Irênê cho ta thấy Thiên Chúa rất gần với con người. Chính Ngài đã xuống để ở với con người, chấp nhận thân phận tội lỗi của con người, để tẩy rửa con người khỏi tội “điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm, khi sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm8,3).
3 Một vài nhận định Khoa học có vai trò làm phát triển Thần học.
       Qua những tìm hiểu cụ thể của Khoa học và Thần học nói trên. Cho thấy khoa học và thần học không có sự đối kháng nhau nhưng bổ trợ và giúp nhau làm sáng tỏ hơn các vấn đề. Khoa học dùng lý trí của con người để nghiên cứu những thực tại đã có sẵn trong tự nhiên. Khoa học chỉ nhằm giải thích những sự tò mò của con người, những gì đang diễn ra xung quanh mình nhưng không thể chỉ có con người thấy được nguyên nhân cuối cùng của sự vận hành này. Chính thần học giúp con người sáng tỏ hơn nguyên nhân cuối cùng của sự vận hành này và những gì con người đang hướng tới. Đức tin giúp con người vừa hướng về Thiên Chúa, vừa hướng về thế giới thụ tạo, thế giới của kinh nghiệm nhân sinh [3]. Khoa học dùng lý trí con người để suy luận, nghiên cứu. Thần học nhằm giải đáp nguyên nhân cuối cùng của những công trình ấy.
       Khoa học nhờ những gì đã có sẵn trong tự nhiên để nghiên cứu và tìm hiểu. “Đây được xem như là việc cộng tác của con người vào công trình sáng tạo và tiếp tục sáng tạo của Thiên Chúa. Trong cuộc sống dương gian, Đức Giê-su bày tỏ mình như là vị Thiên Chúa luôn quan tâm đến tất cả các chiều kích của thế giới loài người, chứ không phải là vị Thiên Chúa chỉ hiện diện và hoạt động trong những khoảng thời gian, không gian, môi trường và quan tâm đến một số chiều kích nhất định. Thiên Chúa đã Mạc Khải cho nhân loại về những tương quan trong thế giới thụ tạo nói chung và trong thế giới loài người nói riêng từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Sự hiện diện và hoạt động của Người nhằm cải thiện và đem lại sự hòa hợp trong các tương quan này” [4]. Qua đây, cho ta thấy được khoa học cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa trong thế giới thụ tạo, những nghiên cứu và tìm hiểu nhằm mục đích phục vụ con người với nhau. Mỗi con người dương thế, Thiên Chúa ban cho mỗi người cách khác nhau, chính sự khác nhau này mới tăng thêm sự phong phú cho cuộc sống con người. Tất cả chỉ để phục vụ con người và cùng nhau hướng tới một điều tốt đẹp nhất. Khoa học khai mở nguyên nhân và Thần học đúc kết nguyên nhân, hai phạm trù này đi ngược chiều nhau nhưng bổ trợ nhau nhằm đưa lại cho con người những gì là hạnh phúc nhất.
       Chính nhờ những tiến bộ của khoa học như khảo cổ, thiên văn, địa chất mà người ta đã nhận rõ: Thánh Kinh là một kho sách quý giá, chứa đựng những kiến thức về Mặc Khải Ki-tô giáo. Kinh Thánh là một loại văn bình dân chứ không phải là loại văn khoa học [5]. Qua đó, ta có thể nhận thấy khoa học và thần học không có sự mẫu thuẫn nhau, nhưng còn giúp cho khoa học nhận ra những phạm vi đúng về đối tượng nghiên cứu của mình. Trong Tông Huấn loan báo Tin Mừng số 18 cũng nhấn mạnh “mọi lãnh vực của cuộc sống con người như: Văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội… đều là những đối tượng của Phúc Âm hóa. Bởi vì, Phúc Âm hóa là đem Tin Mừng vào trong mọi lãnh vực của nhân loại, và nhờ sự tiếp xúc này sẽ làm thay đổi từ bên trong, đổi mới chính nhân loại”.
       Khi nghiên cứu có những điều các nhà khoa học không thể đi đến kết luận cuối cùng, thì họ nhìn nhận chỉ có Thượng đế mới có thể cho họ câu trả lời. Đặc biệt thấy rõ khi nghiên cứu về sự sống và sự chết của con người. Con người không thể sống mãi trên trần gian, dù cách nào đi nữa cũng không thể níu kéo con người ở lại trần gian mãi mãi. Sự sống sau khi chết là gì ? đây cũng là một trong những vấn đề mà khoa học hằng ngày vẫn tìm kiếm và dường như không thể có câu trả lời. Chính Thần học là câu trả lời cho khoa học. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu được con người. Khi kết thúc cuộc sống này chính Thiên Chúa tiếp nhận sự sống này.

Sách tham khảo
1.  Tập san Đức Tin và Văn Hóa. Số 3, tháng 5 năm 2014. Đại Chủng Viện Vinh Thanh.
2.  Tổng Luận Thần Học, Thánh Thomas Aquino. Dịch giả: JOACHIM Nguyễn Văn Liêm, O.P. Nhà xuất bản TP. HCM năm 2001.
3.  Dẫn vào Thần học. Lm. Nguyễn Văn Tuyên. NXB Tp. Hcm.
4.  Dẫn vào Thần học. Thomas P.Rausch, S.J. Nhà xuất bản Tôn giáo.
5.  Đức Tin Tìm Kiếm Sự Hiểu Biết. Biên dịch: Lm Nguyễn Luật Khoa. OFM. Nhà xuất bản Phương Đông.
6.  Nguyên Lý Của Thần Học Công Giáo. Hồng y Joseph Ratzinger. Biên dịch: Lm Nguyễn Luật Khoa. OFM. Nhà xuất bản Phương Đông.




[1]Lm. Nguyễn Văn Tuyên,  Dẫn vào Thần học,  NXB Tp. Hcm.
[2] ThacS. Nghiêm Xuân Huy, “Vai trò của kiến thức thông tin đối với khoa học”, http://www. Thuvienquocgiavietnam.vn. Truy cập ngày 15/01/2015.
[3] Phêrô Nguyễn Văn Viên, “Tập San Đức Tin và Văn Hóa”, Số 3( tháng 5/2014), Đại Chủng Viện Vinh Thanh . Tr 20
[4] Phêrô Nguyễn Văn Viên, “Tập San Đức Tin và Văn Hóa” . Tr 21.
[5]Trung Tâm Học Viện Đa minh, Mục vụ Huấn giáo, Tr 77.