Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

GIÁO HỘI NHƯ LÀ CON THUYỀN DU LỊCH

Anton Công Chính
Nếu ai chưa một lần ngồi trước bãi biển để chiêm ngắm cảnh bình minh thì đúng thật tiếc nửa đời người. Khi ngồi chiêm ngắm, dường như ta được sống lại và cảm thấy mình thật nhỏ bé và nhất là được hòa quyện với cảnh vật thiên nhiên. Qủa thật, không có một ngôn từ nào có thể diễn tả hết tâm trạng lúc này. Hòa chung với khung trời rộng lớn đang chuyển động là những làn sóng nhấp nhô đập vào “thành” của những chiếc thuyền, như là sự thúc giục hãy ra khơi. Mặc dù con thuyền là thứ vô tri nhưng lúc này nó tạo cho ta một cảm giác, nó không phải là thứ vô tri mà tự bản chất nó đang có một sức sống thật mãnh liệt. Nó không bao giờ “chùn chân” trước sức mạnh của sóng vỗ mà dường như nó đang lấy sức mạnh để vươn xa hơn giữa biển khơi. Từ những hình ảnh đó, làm người viết liên tưởng đến hình ảnh của Giáo hội. Một Giáo hội không bao giờ “chùn bước” trước những luồng tư tưởng sai lạc. Một Giáo hội luôn đứng vững trước các cuộc sâm chiếm. Một Giáo hội vươn xa chứ không phải một Giáo hội yếu hèn, co cụm. Trải qua dòng lịch sử, con thuyền Giáo hội vẫn tiến bước và vươn lên trước “phong ba bão tạp” ập xuống. Chống trả trước những trận cuồng phong của biển khơi đã làm mái chèo của Giáo hội có sự “sứt mẻ” nhưng vẫn không làm “kiệt sức” con thuyền. Từ những trận cuồng phong đó đã tạo cho mai chèo có kinh nghiệm hơn để tìm cách chống trả những trận cuồng phong tương tự. Từ đó lấy lại sức mạnh của chính mình và đưa cả con thuyền đến đỉnh cao của sự thành công.
1/ Hình ảnh Giáo hội qua Con thuyền Ông Nô-ê
          Thánh Kinh chính là Lời của Thiên Chúa. Thiên Chúa  đã linh hứng cho các tác giả, để các ngài viết lại những Lời của Thiên Chúa.  Khởi đầu trong bộ Kinh Thánh là sách Sáng Thế. Qua sách Sáng thế, chúng ta đã bắt gặp một khung cảnh tràn đầy nước “Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2). Thiên Chúa đã làm một công việc hết sức quan trọng đó là phân tách và trang trí mọi sự theo ý của Thiên Chúa. Chỉ trong sáu ngày Thiên Chúa đã vẽ lên một bức tranh tràn đầy sức sống của muôn màu “Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất” (St 2,1). Chắc chắn Thiên Chúa cũng rất tự hào khi chiêm ngắm bức tranh mà Ngài đã bỏ ra sáu ngày để vẽ “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi đã làm xong mọi việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2,2). Qua sách sáng thế ta thấy được hình ảnh Giáo hội tiên khởi với đầy đủ màu sắc, một Giáo hội được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, một Giáo hội được sống trong ân tình với Thiên Chúa. Quả thật Giáo hội là một “dân” được hình thành không phải bởi xác thịt, nhưng bởi nước và Thánh Thần (x. Ga 3,5-6) [1].
 Nhưng hình ảnh Giáo hội tốt đẹp ban đầu đó đã bị chính thành viên trong Giáo hội phá vỡ. Chỉ vì “kiêu ngạo” nên con người đã bị “sa tan” cám dỗ, để phá vỡ mỗi tình tốt đẹp ban đầu. Từ đây, hình ảnh Giáo hội đã bị “méo mó”. Đỉnh cao của sự “méo mó” chính là sự hủy diệt của Thiên Chúa và lúc này Giáo hội Chúa chỉ được “đong đầy” trong chiếc thuyền. Đó chính là chiếc thuyền của ông Nô-ê. Chiếc thuyền của ông đã được Thiên Chúa thiết kế và chỉ bảo cặn kẽ để ông thực hiện “Ngươi hãy làm cho mình một chiếc tàu bằng gỗ bạch. Ngươi sẽ làm tàu có những ngăn và lấy nhựa đen mà trám cả trong lẫn ngoài. Ngươi sẽ làm tàu thế này: Chiều dài một trăm lăm mươi thước, chiều rộng hai mươi lăm thước, chiều cao mười lăm thước. Ngươi sẽ làm một cái mui che tàu, và đặt mui cách phía trên tàu nửa thước. Cửa tàu, ngươi sẽ đặt ở bên hông; ngươi sẽ làm tầng dưới, tầng giữa rồi tầng trên” (St 6, 14-16). Đây như là mô hình mới của Giáo hội được Thiên Chúa làm nên. Mô hình này được quy tụ đầy đủ các thành phần có trong thế giới tạo dựng ban đầu. Đó là những thành phần đã được Thiên Chúa tuyển chọn để tiếp nối và làm cho Giáo hội mới này được sinh hoa kết quả. Con cháu của những thành phần này sẽ ý thức hơn về sứ vụ mà Chúa giao phó, bởi xuất thân trong thành phần lòng cốt của Thiên Chúa “Đức Chúa phán bảo với ông Nô-ê: Ngươi hãy vào tàu, ngươi và cả nhà ngươi, vì Ta chỉ thấy ngươi là người công chính trước nhan Ta trong thế hệ này. Trong mọi loài vật thanh sạch, ngươi sẽ lấy bảy đôi, con đực và con cái, còn trong các loài vật không thanh sạch, thì một đôi, con đực và con cái. Trong các loài chim trời cũng bảy đôi, trống và mái, để giữ giống trên khắp mặt đất” (St 7,1-3). Sau khi tất cả những loài được Thiên Chúa chọn đã vào được tàu, Thiên Chúa đã cho đóng cửa tàu lại và cho mưa trút xuống mặt đất bốn mươi đêm ngày hầu tiêu diệt mọi thứ trên mặt đất, ngoài trừ những gì trong con thuyền của ông Nô-ê. “Nước tăng lên và nâng tàu lên, khiến tàu ở cao hơn mặt đất. Nước dâng và tăng thêm nhiều trên mặt đất, và tàu lênh đênh trên mặt nước” (St 7, 17-18). Qua đó cho ta thấy hình ảnh Giáo hội ngay từ khởi đầu đã phải chịu những trận cuồng phong ập xuống. Giữa muôn trùng sóng dữ, nhưng con thuyền Giáo hội không bao giờ bị nhấn chìm bởi có bàn tay quan phòng của Thiên Chúa nâng đỡ.
2/ Con thuyền là sự quy tụ
          Trên thế giới có rất nhiều con thuyền và mỗi con thuyền làm những nhiệm vụ khác nhau, chính vì thế cũng có rất nhiều bến đậu khác nhau.  Nhiệm vụ của những con thuyền là tiếp nhận khách và đưa khách đến nơi người đó cần đến. Cánh cửa để đến với mỗi con thuyền luôn rộng mở, vì thế mỗi người phải xác định cho mình một con thuyền duy nhất để mình có thể xuống và cập bến an toàn. Có những con thuyền đi mãi mà cuối cùng không biết mình nên đậu ở bên nào cho phải. Đó chính là con thuyền nhất thời, chạy theo thời đại, thấy người khác làm thuyền thì cũng làm theo để tiếp nhận tất cả những vị khách mà chính bản thân con thuyền đó không biết nơi mình cần đến là ở đâu. Chính vì thế mỗi người cần có một khoảng thời gian để suy xét và nhận định coi con thuyền nào là tốt nhất, con thuyền nào có thể chở ta đi được an toàn, đúng nơi mình cần đến. Trong cuộc sống ta luôn thấy và nghe những tin quảng cáo, tin nào cũng cho sản phẩm của mình là “số một”, mục đích chính là để đánh giá thấp những sản phẩm khác. Khi nghe như thế, có lẽ điều đầu tiên ta cảm thấy mát tai, nhưng khi chọn lựa thì cũng chỉ chọn một mà thôi chứ không thể chọn hai hay ba sản phẩm cùng loại. Sống trên trần gian là cả một sự chọn lựa, chỉ khi nào nhằm mắt lìa thế ta mới hết chọn lựa, lúc này ta chỉ con “chiêm ngưỡng” mà thôi. Thật vậy ở thế gian này, chúng ta thuộc về công trình của Thiên Chúa như những viên đá sống động xây nên thành thánh (x. 1Pr 2,5). Thánh Gioan đã chiêm ngưỡng thành thánh ấy, khi địa cầu được đổi mới, thánh đô từ trời, từ Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang (Kh 21, 1tt) [2].
          Mỗi con thuyền vượt biển khởi đều có một biểu tượng và một màu cờ khác nhau, để cho những vị khách có thể nhận biết mình đang ở con thuyền nào và nhất là khi trên bước đường có lạc bước thì cũng biết nhìn lên màu cờ để quay trở về với con thuyền của mình. Đến với con thuyền của Đức Ki-tô, là đến với màu cờ của tình yêu, màu cờ của tha thứ, màu cờ của hy vọng, màu cờ của sẻ chia, màu cờ của một đời sống vĩnh cửu mai sau. Chính Đức Ki-tô là người chủ và là Người sẽ chéo lái con thuyền này vượt biển khơi, vượt thắng tất cả những rào cản. Để được vào và trở thành thành viên của những con thuyền, trước hết mỗi người phải bỏ ra một khoản chi phí, như là một sự thỏa ước ban đầu giữa hai bên. Chính vì thế, để được vào trong và là thành viên trong con thuyền Giáo hội, thì điều đầu tiên mỗi người phải qua bí tích rửa tội. Nhờ phép rửa, chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô: “Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thánh Thần để trở nên một thân thể” (1 Cr 12,13) [3]. Đây chính là cửa ngõ để được vào trong lòng Giáo hội. Qua cửa ngõ này, mỗi người sẽ là thành viên là chi thể sống động của Chúa Ki-tô và được hợp nhất trong gia đình Giáo hội. Qua cửa ngõ này, mỗi người đều được tham dự và thông phần vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của chủ thuyền là Đức Ki-tô. Thật vậy, Giáo hội được Đức Ki-tô “yêu thương và hiến mình để thánh hóa” (Ep 5, 25), được liên kết với Người bằng một giao ước bất khả phân ly, không ngừng được “nuôi nấng và chăm sóc” (Ep 5,29), đó cũng là Giáo hội thanh sạch mà Đức Ki-tô muốn phải luôn kết hợp với Người và vâng phục Người trong tình yêu và trung tín (x. Ep 5,24), sau cùng, đó chính là Giáo hội luôn được Đức Ki-tô tuôn đổ tràn đầy mọi ân huệ trên trời, để làm cho chúng ta hiểu được tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Ki-tô đối với chúng ta, một tình yêu vượt trên mọi hiểu biết (x. Ep 3, 19) [4]. Qua đó, nói lên rằng mỗi người sẽ phải mang một trọng trách thông chia cùng với sứ vụ của chủ thuyền. Con thuyền Giáo hội không phải là con thuyền của vô cảm, lãnh đạm, ai thích vào thì vào, ai thích ra thì ra, nhưng là một con thuyền hoàn toàn sống động, con thuyền của yêu thương, con thuyền của sự thông chia. Mỗi người sẽ được thông phần cách mật thiết với chủ thuyền để cùng đưa con thuyền ngày một vươn xa hơn và ra sức bảo vệ mỗi khi gặp khó khăn gian khổ. Từ đó, tạo nên một sức mạnh, hầu làm gương và giúp đỡ những con thuyền bên cạnh, để họ nhận ra được đâu là con thuyền họ cần đến trong cuộc sống trần gian này, và đâu là con thuyền đưa ta đến bến của hạnh phúc và cuộc sống mai sau. Con thuyền Giáo hội không bao giờ chật hẹp, vì thế cánh cửa con thuyền luôn luôn rộng mở để tiếp nhận bất cứ ai muốn gia nhập vào trong con thuyền này để kết dệt nên hạnh phúc mai sau trong cuộc hành trình dương thế.
3/ Con thuyền vượt biển khơi
          Chắc có lẽ ai cũng biết bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh . Tác giả đã hòa quyện với những “làn sóng” để diễn tả một tình yêu thật trong sáng và cao đẹp của đôi nam nữ “sóng bắt đầu từ gió. Gió bắt đầu từ đâu. Em cũng không biết nữa. Khi nào ta yêu nhau”. Chỉ có những người trong cuộc mới cảm nhận được sức mạnh của tình yêu. Chính vì thế, để cảm nhận được “gió” và “sóng”  của biển thì chắc có lẽ lúc này tác giả đang đứng trên một con thuyền. Mặc dù chênh vênh giữa lòng biển nhưng con thuyền vẫn không bị nhấn chìm trong những đợt sóng, mà luôn tìm cách “đứng vững” và vươn xa hơn nữa trong đại dương bao la.
          Cũng thế, chúng ta được gia nhập trong con thuyền Giáo hội dưới sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Sống trong lòng Giáo hội ta mới cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa thông ban cho con người. Chính tình yêu Đức Ki-tô bao phủ và thôi thúc con tim của mỗi người đang bị chai lỳ, đang bị vùi lấp bởi những thế lực bên ngoài, nay nhận được nguồn sống. Từ đây, con tim này phải ra sức chiến đấu để bảo vệ sức sống và tiếp nhận nhiên liệu để chiến đấu trước những đợt sóng gió sẽ sẩy đến trong cuộc hành trình đang diễn ra. Trước hết, mỗi người đều phải xác định, xung quanh con thuyền ta đang tiến bước luôn có những thù địch đang nhòm ngó để mỗi khi ta “sơ hở” chúng sẽ tấn công ta tức thì. Như vậy, không có nghĩa là chúng ta luôn sợ hãi, co cụm lại trong một góc của con thuyền mà không dám đứng ra để đối chọi hay đương đầu với những thế lực này. Nếu như vậy, chúng sẽ được đà lấn tới và nhấn chìm con thuyền của ta giữa lòng biển sâu thẳm. Cho nên, mỗi người trong chúng ta là chi thể sống động của con thuyền, phải hợp sức lại để đương đầu với những đợt sóng gió để đứng vững giữa biển trời bao la. Như tất cả các chi thể của thân thể, tuy nhiều, nhưng chỉ tạo thành một thân thể, thì các tín hữu trong Đức Ki-tô cũng vậy (x. 1Cr 12,12). Trong việc xây dựng thân mình Đức Ki-tô, rất cần đến sự đa dạng của các chi thể và phận vụ [5]. Qua bí tích rửa tội, mỗi người phải có trách nhiệm và bổn phận đối với con thuyền Giáo hội. Mỗi người là một mắt xích sống động trên cuộc hành trình biển khơi. Nhờ Người, “toàn thân, do được kiến tạo và liên kết với nhau nhờ các đường gân khớp nối, được tăng trưởng nhờ chính Thiên Chúa”     (Cl 2,19). Chính vì thế đừng để cho mắt xích của mình rời khỏi “khoang thuyền” mà mình không biết. Mặc dù cũng có những mắt xích đã bị bật tung khỏi khoang thuyền để hòa với những làn sóng bên ngoài, nhưng không vì thế mà con thuyền của ta bị nhấn chìm. Nhưng những mắt xích con lại vẫn tiếp tục đứng vững và đan kết với nhau để tiếp tục đưa con thuyền Giáo hội vượt thắng tất cả. Thực vậy, trong cuộc chiến đấu có những người bị “hy sinh”, có những người bị “hất tung” khỏi cuộc chơi, có những người bị thương. Tất cả những điều này, không làm nản chí những thành viên khác trong con thuyền. Nhưng họ đã lấy những điều này làm “động cơ” và “bàn đạp” để chiến đấu và tiến xa hơn nữa. Thật vậy, tiến bước trên đường lữ hành giữa những bách hại của thế gian và những an ủi của Thiên Chúa, Giáo hội loan báo Thập giá và cái chết của Chúa cho đến khi Người đến (x. 1Cr 11,26). Nhưng được củng cố nhờ quyền lực của Chúa Phục sinh, với sự kiên nhẫn và tình yêu thương, Giáo hội vượt thắng các khổ nhọc và khó khăn bên trong cũng như bên ngoài, để trung thành tỏ lộ cho thế giới mầu nhiệm của Đức Ki-tô, hiện vẫn đang còn bị che khuất, cho đến lúc được biểu lộ dưới ánh sáng vẹn toàn [6].
          Trong những “cuộc chiến đấu” của Giáo hội, có những người trong con thuyền đã phải kêu lên tới Thiên Chúa và đặt câu hỏi với Chúa, tại sao Ngài để cho Giáo hội đau khổ như thế?. Con phải tìm cách nào để bảo vệ và chống trả lại trước những sóng gió ngày càng mạnh đang ập xuống trên Giáo hội của Ngài không?. Tại sao Ngài vẫn im lặng ?. Những điều này cũng nói lên rằng con thuyền Giáo hội không phải là con thuyền nằm im để hưởng thụ hay bị chà đạp nhưng là con thuyền đang sống, đang hoạt động cách mạnh mẽ, luôn có sức vươn xa để đương đầu với những làn sóng đang diễn ra xung quanh Giáo hội. Chính vì thế, con thuyền Giáo hội luôn dẫn đầu trước những con thuyền khác, hầu có thể thúc giục những con thuyền khác hãy hợp nhất với con thuyền Giáo hội để cùng nhau vượt thắng trước những trận cuồng phong để tìm đến với Thiên Chúa là nguồn chân lý đích thực. Qủa vậy, trong con thuyền Giáo hội, mỗi người được sống trong mối thân tình sẻ chia với chủ thuyền, để cùng Ngài tìm đến nguồn hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Có thể nhiều lúc chủ thuyền đã giả vờ ngủ để “tự do" cho những thành phần lòng cốt trong con thuyền điều khiển Giáo hội bước đi trong lòng thế giới “Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối để ngủ” (x. Mc 4, 38), nhưng con thuyền đã bị chao đảo, tưởng chừng như chìm hẳn, bởi vì có một trận cuồng phong nổi lên, sóng ấp vào thuyền, đến nối thuyền đầy nước (Mc 4,38). Tưởng chừng các ông đã quên Chúa, không cần sự giúp đỡ của Ngài, các ông vẫn có thể chống chọi được với sóng dữ nhưng tất cả đều trở nên vô vọng. Chính lúc này các ông đã nhớ đến Chúa và đến để cầu xin Ngài “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4,38) và Ngài đã ra tay cứu giúp “Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: Im đi! Câm đi. Gió liền tắt, và biển lặng như tờ”        (Mc 4, 39). Lúc này, không phải Ngài đang ngủ mà chính các ông đang ngủ, đang bỏ quên Chúa, để tự mình có thể chống trả được với sóng giữ mà không cần đến bàn tay của Thiên Chúa. Qủa vậy, những thành phần chủ chốt trong con thuyền Giáo hội ngày hôm nay nhiều lúc đã bỏ quên Chúa để tự mình chiến đấu với những làn sóng ập xuống trên Giáo hội. Nên có những thời kì con thuyền Giáo hội tưởng chừng như bị nhấn chìm trong lòng thế giới, nhưng đã có những thành phần khác chạy đến với Thiên Chúa để cầu cứu Ngài, xin Ngài ra tay cứu giúp, và Thiên Chúa đã ra tay cứu giúp, chính vì thế con thuyền Giáo hội được sống trở lại và lôi kéo được nhiều thành phần trong con thuyền khác trở lại và kết nạp được nhiều thành phần khác từ những con thuyền xung quanh. Càng ngày con thuyền Giáo hội càng trở nên đông đúc và vững mạnh, và cánh của con thuyền Giáo hội luôn rộng mở để tiếp nhận bất cứ ai muốn gia nhập trong con thuyền này.
4/ Tạm kết
          Con thuyền Giáo hội không phải của riêng ai, nhưng là của tất cả những ai muốn chạy đến và gia nhập trong con thuyền này. Mọi người đều được mời gọi vào đoàn dân mới của Thiên Chúa. Vì thế, chỉ một đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa phải được lan rộng khắp thế giới và trải dài qua mọi thời, để hoàn thành ý định của Thiên Chúa, Đấng từ khởi nguyên đã thiết lập bản tính duy nhất của con người, và quết định cuối cùng sẽ quy tụ về một mối, tất cả con cái của Ngài đang tản mác khắp nơi (x. Ga 11,52) [7]. Trong con thuyền mỗi người là một chi thể sống động. Chính vì thế, mỗi chi thể đều phải có một bổn phận gìn giữ con thuyền và mang ơn lành từ con thuyền này đến với tất cả những con thuyền xung quanh, để các chi thể trong con thuyền khác nhận ra được đâu là nguồn hạnh phúc đích thực của đời sống mai sau. Chính đời sống trong từng chi thể của con thuyền Giáo hội, như là tấm gương phản chiếu cho những chi thể trong những con thuyền xung quanh. Con thuyền có mạnh mẽ hay không phụ thuộc vào từng chi thể trong con thuyền đó, vì thế ta phải luôn kết hợp mật thiết với chủ thuyền để nhận nguồn sức mạnh, và nguồn lương thực để nuôi sống và đi ra để kết nạp thêm các thành phần khác.




                                



[1] Lm Anton Hà Văn Minh, Giáo hội như là dấu chỉ bí tích, Nxb Tôn giáo 2015, 11.
[2] Thánh Công Đồng Vaticano II, Hiến Chế Lumen Gentium, 6, 75.
[3] Thánh Công Đồng Vaticano II,Hiến Chế Lumen Gentium, 7,77.
[4]Thánh Công Đồng Vaticano II, Hiến Chế Lumen Gentium, 6,76.
[5] Thánh Công Đồng Vaticano II, Hiến Chế Lumen Gentium, 7, 77.
[6] Thánh Công Đồng Vaticano II, Hiến Chế Lumen Gentium, 8, 82.
[7] Thánh Công Đồng Vaticano II, Hiến Chế Lumen Gentium, 13, 91. 

Không có nhận xét nào: