Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

MẪU GƯƠNG SỐNG TÌNH HUYNH ĐỆ GIỮA CHÚA GIÊ-SU VÀ CÁC MÔN ĐỆ

Anton Công Chính
“Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro
Một mai người sẽ trở về bụi tro” (Thánh ca)
 Người viết không có ý phân tích bài hát này nhưng muốn mượn bài hát này để nói lên kiếp sống con người trên dương thế. Quả vậy, con người ai cũng một lần sinh ra và một lần chết đi, đó là quy luật của tự nhiên và cũng là hình phạt của Thiên Chúa khi tổ tông phạm tội. Con người có mặt trên trái đất này không ai giống ai, mỗi người có một đặc điểm và một cá tính riêng, nhưng có chung một số phận là đều phải chết. Như vậy, quãng thời gian con người có mặt trên trái đất này không phải là vĩnh viễn nhưng là quãng thời gian con người được sống chung với nhau, chia sẻ với nhau và cùng nhau tìm kiếm hạnh phúc “Nước Trời”. Để từ bỏ một ý riêng và tạo nên một ý chung là cả một sự hy sinh lớn đối với xã hội như hiện nay. Mỗi người có một quan điểm sống, mỗi người có một cách nhìn vấn đề, mỗi người có một khả năng, mà hợp nhất với nhau trong một vấn đề thì quả thật là điều khó khăn, nhưng Chúa Giê-su luôn mời gọi mỗi người hãy mở lòng ra để đón nhận tất cả những người xung quanh, những người bé nhỏ nhất và ngay cả kẻ thù của ta “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6,27). Chúa Giê-su trong cuộc đời dương thế, Ngài đã thực hiện trọn vẹn điều này, Ngài đã hy sinh cả mạng sống của mình cho người khác (x.Ga 9,13). Vì thế, Giáo hội phản bác mọi hình thức kỳ thị hoặc đàn áp con người do phân biệt chủng tộc, màu da, giai cấp hay tôn giáo, vì đây là thái độ đi ngược lại tinh thần của Ki-tô giáo [1]. Trong cuộc đời rao giảng, Chúa Giê-su đã từ bỏ ý riêng để sống cùng các môn đệ, cùng chia sẻ với các môn đệ, Ngài đã sống trọn tình huynh đệ với các môn đệ. Chính Ngài đã nói: Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền. Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết (Ga 9,14-15). Ngài đã từ bỏ tất cả ý riêng để kêu gọi các ông đi theo người, sống với Người. Quả thật, Chúa đã nâng con người lên ngang bằng Thiên Chúa để cùng chia sẻ sứ vụ cao cả của Người “Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 9,5-7). Để thấy được mối tình sâu đậm Chúa Giê-su dành cho các môn đệ và ngược lại, người viết sẽ đi vào chi tiết của nội dung để thấy được mối tình tuyệt đẹp giữa Chúa Giê-su và các môn đệ trên suốt cả hành trình rao giảng cũng như sứ vụ cao cả mà Chúa muốn các ông thực hiện.
1/ Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và các môn đệ
 Người ta thường nói “khởi sự vạn đầu nan hay đầu xuôi đuôi lọt”. Để áp dụng câu nói này đối với cuộc đời rao giảng của Chúa Giê-su có lẽ cũng phù hợp, bởi vì Chúa Giê-su bắt đầu cuộc đời rao giảng về nước trời “Thời kì đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc1,15), niềm vui này đã được nhân lên khi kêu gọi các môn đệ đầu tiên đi theo người và ngay lập tức các ông đã đáp lại và bước đi theo Người “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1,18), “và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người” (Mc 1,20). Chúa Giê-su khởi đầu với niềm vui Nước Trời bao nhiêu thì các môn đệ đầu tiên bất ngờ bấy nhiêu. Các môn đệ bất ngờ bởi vì nghĩ rằng mình chỉ là một người chài lưới đánh cá, suốt ngày chỉ lênh đênh trên biển, gắn thân mình vào những con thuyền cùng với những chiếc lưới, đến nỗi một chữ “cắn đôi” cũng không biết thì làm sao có thể đi theo Chúa được. Nhưng đối với Chúa Giê-su thì đây là một niềm vui bởi vì Ngài đã nhận thấy có men Nước Trời ở nơi đây, cách đặc biệt là qua những người này. Vì thế, vào mọi thời và trong mọi dân tộc, bất kỳ ai kính sợ Thiên Chúa và thực thi đức chính trực đều được Người tiếp nhận (x.Cv 10,35). Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện [2].
 Khi đứng trên bờ biển Ga-li-lê, Chúa Giê-su đã quan sát các ông rất kỹ và các quy trình các ông đánh bắt cá. Các ông có một cơ bắp rắn chắc với một sức khỏe rất dẻo dai. Ngài đã thấy sự khéo léo của các ông khi tung những chiếc lưới bao trùm toàn bộ đàn cá đang tung tăng trên mặt biển. Từ đó với kinh nghiệm chài lưới, các ông đã đưa toàn bộ đàn cá vào trong khoang thuyền. Chúa Giê-su cũng nghe thấy những tiếng ca khen và sự vui mừng khi các ông thu được chiến lợi phẩm, để bù đắp lại công sức đã bỏ ra sau những vật lộn với biết bao sóng gió để có được những con cá này. Qua những quan sát đó, trong suy nghĩ của Ngài đã nghĩ ngay tới Nước Trời. Nước Trời cũng giống như mặt biển, cá là những con người đang sống tản mác khắp nơi, người đánh cá chính là sứ vụ rao giảng mà chính Ngài đang thực hiện. Từ đó, Ngài đã kêu gọi các ông đi theo Người, thay vì đánh cá dưới biển thì Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá (Mc 1,17). Chúa Giê-su đã gán sứ vụ của Ngài cho các môn đệ, bởi vì công việc của Chúa Giê-su cũng giống như các ông đang đánh cá. Một sự kết hợp hài hòa giữa một bên suốt ngày chỉ quen với nghề mộc và bên kia chỉ quen với nghề biển. Giữa hai thực tại này, theo quan niệm xã hội thời bấy giờ thì có một khoảng cách rất xa. Thợ mộc là những người thượng lưu, còn những người đánh cá là những người bên lề của xã hội. Đối với họ là khoảng cách nhưng đối với Chúa Giê-su là một sự bổ trợ cho nhau. Ngài đã nhìn ra được điểm chung nhất giữa Chúa Giê-su và các ông đó là tìm kiếm Nước Trời và quy phục lòng người trong tình yêu duy nhất. Sứ vụ của Chúa Giê-su lúc này cũng là sứ vụ của các ông và công việc của các ông cũng là công việc của Chúa Giê-su đang thực hiện. Giữa Chúa Giê-su và các ông lúc này không phải là hai cuộc sống nhưng là một cuộc sống duy nhất “như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,20). Ngài đã cho các ông thấy được sự cao cả của các ông đối với Ngài “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước” (Ga 15,18). Chúa Giê-su dường như muốn khơi lại cho các ông thấy giá trị cuộc sống hiện tại, để các ông thấy rõ cuộc sống hiện tại của các ông không phải cho riêng các ông nhưng là cho chính Thiên Chúa. Sống cho người khác mới là một giá trị cao cả và cũng là lẽ sống của con người dương thế, nếu mất điều này thì cuộc sống trở nên vô nghĩa hơn bao giờ hết. Các ông là phần chi thể sống của chính Ngài như E-và được rút từ A-dam khi xưa thế nào thì nay các ông cũng được rút ra từ chính thân thể của Chúa Giê-su thế ấy (x. St 2,21-25). Đây quả là một hồng ân.
Cuộc gặp gỡ trong cái nhìn khởi đầu giữa Chúa Giê-su và các môn đệ đã trở thành lẽ sống của nhau. Chúa Giê-su và các môn đệ đã từ bỏ tất cả những gì là quý giá nhất để đi vào lòng nhân thế và mang lời hằng sống cho tất cả mọi người. Để từ đây, cuộc sống giữa Chúa Giê-su và các môn đệ được gắn kết với nhau trong một tình yêu. Từ hai thực tại cuộc sống giữa Chúa Giê-su và các môn đệ được quy tụ về một mái nhà duy nhất trong một tình yêu duy nhất. Sống tình huynh đệ giữa Chúa Giê-su và các môn đệ không chỉ dừng lại ở những lúc nhìn thấy nhau mà ngay cả những lúc hai cuộc sống này tách biệt nhau. Đó không chỉ là lời hứa của Thiên Chúa dành cho các môn đệ mà còn ám chỉ và nhắn nhủ đến muôn thế hệ sau khi sống tương quan với Chúa cách mật thiết, đó chính là lúc ta cầu nguyện. Lúc ta cầu nguyện là lúc ta được sống và trở về với mối tình thân ái giữa Chúa Giê-su và các môn đệ “mỗi lần anh em hội họp nhau để cầu nguyện thì Ta ở giữa anh em” (x.Mt 18,19-20).
2/ Chúa Giê-su và các môn đệ là bạn hữu của nhau
          Sau những ngày tháng các môn đệ được sống, được chia sẻ, được chứng kiến, được ăn, được uống và được đi với Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã cảm nhận được trong ánh mắt, trong con người các ông đã có một sự biến đổi sâu sắc. Ánh mắt các ông không còn nhìn mọi sự chỉ gói gọn trong một vùng biển hay những con cá để kiếm sống cho qua ngày mà có một sự hy sinh quảng đại sống và cứu chữa người khác. Trong lòng các ông dường như toát lên được lòng yêu mến nồng nàn xuất phát từ trái tim đang rướm máu, chất chứa niềm yêu thương và sự quảng đại nghĩ đến tha nhân hơn là bản thân. Các ông dường như được Chúa Giê-su tưới đẫm máu yêu thương để các ông đón nhận và cảm thấy bản thân các ông đã thuộc trọn về Chúa. Các ông như những cành ôliu hoang dã được kết hợp và được nuôi dưỡng nhờ gốc rễ ôliu tươi tốt [3]. Trên bước đường rao giảng, Chúa Giê-su đã chia sẻ tất cả sứ vụ của Ngài cho các ông để các ông thấy và noi gương bắt chước Ngài. Chính Ngài đã nói “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dậy. Thầy không còn gọi anh là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,14-15). Được Đức Ki-tô thiết lập để đi vào hiệp thông sự sống, bác ái và chân lý, dân tộc này cũng được Người sử dụng như khí cụ để cứu chuộc mọi người, và được sai đi vào thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất (x.Mt 5,13-16) [4]. Chúa Giê-su và các môn đệ có hai hoàn cảnh sống khác nhau nhưng đã nên một trong tình yêu. Tác giả sách Tin mừng đã cho ta thấy một bức tranh, một hình ảnh thật tuyệt vời trong mối tình sâu đậm giữa Chúa Giê-su và các môn đệ. Một bức tranh được tô đậm trong hai hình ảnh: một bên được vẽ lên hình ảnh giữa người chủ với người tôi tớ và một bên là hình ảnh người bạn thân tình với nhau. Trong hai hình ảnh của một bức tranh, tác giả đã vẻ cùng một nhân vật để nói lên khoảng cách giữa người chủ và người đầy tớ xa rời nhau được so sánh với một bức tranh giữa chủ và tớ được hòa quyện với nhau trong một tình yêu duy nhất. Tình yêu này không còn đơn phương độc mã nhưng là tình yêu của sự đoàn tụ, cùng nhau nhìn đến sứ vụ chung nhất. Từ đây mọi việc Chúa Giê-su tiếp nhận từ Cha Thầy thì cũng được chia đều cho các môn đệ.
          Qua hình ảnh khiêm hạ và sự sáp nhập sứ vụ của Chúa Giê-su vào trong sứ vụ của các tông đồ. Chúa Giê-su đã dậy cho các ông biết, chỉ có tình yêu mới lấp đầy hố ngăn cách giữa con người với nhau. Mặc dù mỗi người có một tính cách, mỗi người có một suy nghĩ nhưng khi đã kết hợp với nhau thì hãy bỏ qua tất cả những điều riêng tư để suy nghĩ và làm theo một mục đích chung duy nhất. Cuộc sống giữa Chúa Giê-su và các môn đệ trở nên khăng khít và gắn bó với nhau. Vì thế, Được Thiên Chúa kêu gọi không phải vì công lao riêng, nhưng do ý định và ân sủng của Thiên Chúa, và được công chính hóa trong Chúa Giê-su, trong ơn Thánh tẩy nhờ đức tin, các môn đệ Đức Ki-tô đã thật sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào thần tính, và do đó, thật sự đã trở nên thánh.[5]
3/ Chúa Giê-su trở thành đầy tớ các môn đệ
Dù mối tương quan giữa Chúa Giê-su và các môn đệ có hòa quyện đến đâu thì các môn đệ cũng không để cho Thầy phải cúi xuống rửa chân cho mình. Đây là một công việc của các đầy tớ chứ không phải là công việc của người chủ. Nhưng Chúa Giê-su đã làm công việc của một người đầy tớ, khi lấy nước rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn để lau (x.Ga 13,5). Đây là một cử chỉ nói lên tình yêu mà Chúa Giê-su dành cho các môn đệ và cũng là bài học khiêm nhường, phục vụ mà Chúa Giê-su muốn dậy không những các tông đồ mà là một “di trúc” để lại cho muôn thế hệ sau [6]. Đối với xã hội chắc có lẽ không bao giờ thấy người trên cúi xuống rửa chân hay làm một công việc của người đầy tớ. Đối với Chúa Giê-su thì khác hoàn toàn, người ở trên là những người phải phục vụ những người ở dưới, và làm đầy tớ cho những người thuộc thẩm quyền của mình. Khi Chúa Giê-su tiến tới chỗ Phê-rô thì với cách suy nghĩ của con người, Phê-rô đã phản đối công việc Thầy đang làm và nói “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu” (Ga 13,8), nhưng Chúa Giê-su đã đi xa hơn những điều mà Phê-rô đang nghĩ “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13, 8). Sau đó, Phê-rô đã thấu hiểu việc Thầy làm và đòi hơn thế nữa “Vậy, Thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa” (Ga 13,9). Bài học của Người không chỉ dừng lại ở cử chỉ rửa chân nhưng qua việc này Chúa Giê-su muốn dậy các ông bài học yêu thương (Ga 13,-16). Chính Chúa Giê-su đã lên án và cảnh cáo các môn đệ về điều mà các môn đệ không được phép làm “những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quan dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc10,41-44). Chính vì thế, Chúa Giê-su đã cho các ông thấy điều này khi Người cúi xuống rửa chân cho các ông. Mặc dù các ông bước theo Chúa Giê-su nhưng Chúa Giê-su không coi các ông là những người đầy tớ chỉ có biết theo Người rồi Người sai gì thì làm, nhưng Chúa Giê-su đã coi các ông ngang hàng với mình, cùng chia sẻ và thông phần với những công việc mà chính Ngài đang làm. Theo Chúa Giê-su không phải là để ăn trên ngồi chốc chỉ muốn người ta phục vụ mình chứ không muốn phục vụ người khác “Thầy đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là phục vụ và hy sinh mạng sống làm giá cứu chuộc muôn loài” (Mc 10,45).
4/ Kết luận
Qua những gì đã phân tích và tìm hiểu đã cho người viết bài học thật quý giá. Từ đó ý thức hơn về con đường và sứ vụ sau nay khi được Chúa mời gọi. Sứ vụ người mục tử không phải là những người ăn trên ngồi chốc, đứng để chỉ tay năm ngón nhưng là một người mục tử biết xả thân vì đoàn chiên, biết quan tâm, chia sẻ với đoàn chiên mà Chúa đã giao phó. Đoàn chiên không phải là những đầy tớ chỉ để phục vụ và làm lợi ích cho bản thân, nhưng đoàn chiên này đang cùng chia sẻ, đang cùng những vị mục tử tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời. Hố sâu của sự ngăn cách đó chính là sự phân biệt và khinh thường nhau mà trong đó tình yêu Đức Ki-tô không hiện diện. Tất cả hãy lấy tình yêu Đức Ki-tô để phủ lập tất cả những rào cản ngăn cách các vị mục tử với đoàn chiên và đoàn chiên với các vị mục tử. Chỉ có như thế, mới làm triển nở và sinh hoa trái cho Tin mừng Chúa giữa lòng nhân loại. Chính Chúa Giê-su đã nói “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).



[1] Công Đồng Vaticano II, Tuyên ngôn Tôn giáo ngoài Ki-tô giáo, Số 5, 746.
[2] Công Đồng Vaticano II, LG, Số 9, 83.
[3] Công Đồng Vaticano II, Tuyên ngôn Tôn giáo ngoài Ki-tô giáo, Số 4, 743.
[4] Công Đồng Vaticano II, LG, Số 9, 84.
[5] Công Đồng Vaticano II, LG, Số 40,143.
[6] Công Đồng Vaticano II, LG, Số 41,144.

Không có nhận xét nào: