Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

ĐỨC GIÊ-SU ĐẾN ĐỂ GÂY CHIA RẼ

Anton Nguyễn Công Chính
I/ Dẫn Nhập
        Biến cố Ngôi Lời Nhập Thể là một biến cố quan trọng trong trương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đích thân Ngài xuống thế để cứu con người thoát khỏi vòng tội lỗi mà trở về với tình trạng nguyên sơ của mình. Ngài đã chấp nhận gánh lấy tội lỗi cho nhân loại, đỉnh cao sự yêu thương chính là cái chết của Ngài trên Thập Giá. Chính cái chết và sự Phục Sinh của Ngài đã biến đổi con người và cho con người thông phần vào sự chết và sống lại cùng Người. Cả cuộc đời Ngài trên dương thế là một sứ điệp của tình yêu. Mang đến cho nhân loại một cái nhìn mới về tình yêu, đó chính là tình yêu Đức Ki-tô được tỏ hiện nơi Con Người. Qủa thật, ta không được chứng kiến và sống cùng thời với Ngài nhưng qua Kinh Thánh ta được cùng sống với Ngài. Qua Kinh Thánh ta thấy được tình yêu lớn lao mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại. Cũng thế, có những đoạn Kinh Thánh làm cho ta nghi ngờ về tình yêu Chúa. Nhất là trong (Mt 10,34-36), xét trên mặt chữ thì quả thật đây là một đoạn Tin Mừng khó hiểu nhất và có nhiều câu hỏi nhất. Nhưng nếu ta tìm hiểu xâu xa về ý nghĩa và bản chất của đoạn Tin Mừng này, thật sự đây là một đoạn Tin Mừng rất có ý nghĩa và một bài học rất sâu sắc không những đối với con người ngày hôm nay và nhắc nhở cho muôn thế hệ sau.
II/ Nội dung
1/ Bối cảnh: 
  Qủa thật, để hiểu đoạn Lời Chúa này thực sự không dễ chút nào nếu không đặt vào trong bối cảnh. Lời Chúa Giê-su nói ở đây chính là Lời tiên báo cho những cuộc bách hại mà các môn đệ sẽ gặp phải sau này. Vì thế khi Chúa Giêsu nói “Thầy đến để gây chia rẽ” đó là một cách nói để diễn tả một thực tế khi Lời Thiên Chúa được loan báo thì có người đón nhận và có người khước từ. Như vậy đã có một sự phân rẽ giữa những người tin vào Chúa Giêsu và những người không tin vào Ngài. Sự phân rẽ ấy không chỉ xẩy ra ở dân tộc này với dân tộc kia, nhóm người này với nhóm người kia, mà có thể xẩy ra ngay trong Gia đình đến nỗi có thể có sự chia rẽ giữa cha mẹ với con cái, vợ với chồng, anh em với nhau. Qua đó cho ta thấy, Chúa Giê-su nói Ngài đến để gây chia rẽ chắc chắn Ngài không có ý nói rằng đó là mục đích của việc Ngài đến trần gian nhưng việc Ngài đến và kêu gọi người ta đi theo Ngài sẽ dẫn đến một sự chia sẽ tự nhiên của những người theo Chúa và những người chống lại Người. Chia rẽ là kết quả của việc người ta chọn lựa theo Chúa hay khước từ Thiên Chúa. Chính A-ha-ron khi đưa dân vào đất hứa, ông cũng khơi gợi lại một sự chọn lựa dứt khoát theo Chúa hay theo các thần ngoại. Đó là một sự tự do chọn lựa của mỗi người mà Thiên Chúa đã đặt để trong mỗi người. Khi Ngài tiên báo cho các môn đệ của Ngài Thấy được điều này để khi bắt gặp các môn đệ sẽ không có sự ngỡ ngàng mà vững tin vào sự rao giảng của mình.
2/ Phân tích: 
        “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất” (x. Mt 10, 34a). Đối với con người, dù ở bậc sống nào cũng có chung một quan điểm đó là mong muốn sự bình an. Chính sự bình an mới mang lại cho cuộc sống có ý nghĩa. Qủa thật, đối với những người tin vào Thiên Chúa thì tìm thấy sự bình an khi được cầu nguyện với Ngài. Còn đối với những người không tin thì quả thật đó là một điều trở ngại hết sức. Ta có thể thấy điều này khi Chúa Giê-su ra đời, có người phản ứng bằng sự hiểu biết và vui mừng, có người phản ứng với sự hiểu lầm và thù ghét. Cho nên sự “bình an” trong câu này không diễn tả theo nghĩa bên ngoài nhưng diễn tả bên trong tâm hồn mỗi người. Đây không phải là sự bình an mà mọi người đang mong chờ. Họ mong chờ, Đấng Thiên sai sẽ mang đến cho họ nhiều hoa lợi, để từ đó họ sẽ an vui với cuộc sống thực tại của họ.
        “Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo” (x. Mt 10, 34b). Qủa thật, gươm giáo nói đến sự chém giết lẫm nhau về thể xác. Chính vì con người sống với nhau không hiểu nhau nên sẽ dẫn đến tình trạng hận thù, ghen ghét, từ đó đẫn đến đổ máu. Khi không cùng một niềm tin thì lẽ tất nhiên sẽ xẩy ra những cuộc tranh cãi. Chính Chúa Giê-su là người đầu tiên cho sự chống đối này. Cảnh tượng trong vườn cây dầu cho ta thấy rõ điều này. Cuộc đụng độ giữa các môn đệ của Chúa Giê-su với quân lính. Cuộc đụng độ đã đẫn đến đổ máu, khi Phê-rô rút gươm ra để chém đứt tai phải đầy tớ vị Thượng Tế. Cho nên, đoạn Tin mừng này như là một lời tiên báo cho các môn đệ về sự khó khăn trong việc rao giảng của mình. Các Ngài sẽ phải đổ máu cách nào vì danh của Thầy.
        “Qủa vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con người với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10,35-36). Sự chia cắt không chỉ dừng lại ở các dân tộc, giữa làng xóm với nhau nhưng sự chia cắt còn đi xâu hơn vào ngay chính những người trong gia đình của mình. Đây là một sự chia cắt lớn lao hơn bao giờ hết. Dường như đã làm cho các môn đệ phải nản lòng trước những lời này của Chúa Giê-su. Qủa thật, mỗi người đón nhận niềm tin mỗi khác và mỗi người có sự tự do để chọn lựa niềm tin mình đón nhận. Đôi khi ngay chính bản thân mỗi người cũng bị phân chia. Đứng trước những điều mới lạ làm sao ta có thể tin ngay được nhưng cũng phải có một thời gian lớn để ta phân định điều đó như thế nào ta mới dám tin vào điều đó. Đó là một sự xáo trộn lớn nhất cho mỗi người cũng như cho toàn thể nhân loại.
3/ Liên hệ
        Qua đoạn Tin Mừng này cho con liên hệ tới thực tế của cuộc sống ngày hôm nay. Đứng trước một xã hội ngày một phát triển, con người dường như đang mất dần cảm thức về tội. Chạy theo những gì là thực tế và cái lợi trước mắt của mình. Có nhiều bạn trẻ đã đánh đổi cả đức tin của mình để tìm cho mình những chỗ đứng trong xã hội. Dường như nền luân lý con người cũng bị giảm đi đáng kể. Mối tương quan giữa con người với con người cũng có một khoảng cách và có chăng đi nữa thì cũng chỉ vì đồng tiền chứ thực sự tình cảm không hề có. Đồng tiền đã che tất cả những gì là sự thật, để chuốc vào thân mình những sự lừa dối. Có những việc làm trong thâm tâm họ không muốn chút nào nhưng vì miếng cơm manh áo họ đành làm ngơ trước những điều vô thường đạo lý đó.
        Cuộc đấu tranh giữa những người có cùng một niềm tin đối với những người không có niềm tin dường như không có chút thay đổi so với trước đây. Những người cùng niềm tin luôn phải đấu tranh trước những cuộc bách hại của chính quyền, tuy cuộc đấu tranh không cân sức nhưng họ vẫn luôn giữ vững để đấu tranh cho sự thật và công lý. Nhất là nơi Đức Ki-tô hiện thân của mình. Không những thế, ngay trong chính cộng đoàn Giáo xứ, Giáo họ cũng không ít những thành phần luôn tìm cách chống đối, bởi vì họ có những điều trái ngược với những suy nghĩ trần thế của họ.
        Qủa thật, đời sống hôn nhân càng ngày càng phức tạp. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ bây giờ. Khi có sự ô hợp tôn giáo trong một gia đình thì ta có thể thấy được hạnh phúc chẳng được bao lâu. Mỗi người có một cách nhìn và cách sống đối với tôn giáo của họ nên sẽ dẫn đến tình trạng không hiểu nhau và chính điều này đẫn đến sự cãi cọ và lẽ tất nhiên sẽ đến đó là sự chia rời nhau. Qủa thật, khi cha mẹ không hạnh phúc thì làm sao con cái tìm thấy được hạnh phúc. Họ đã bị phân mảnh bởi cha mẹ.
III/ Kết luận:
Qua bài Tin mừng cho ta thấy được gia trị rất lớn mà Chúa Giê-su đã báo trước. Khi niềm tin bị phân mảnh thì ngay chính con người cũng bị phân chia. Sự phân chia ngay trong một gia đình. Qủa thực, nếu ta không có một niềm tin vững chắc thì không sớm thì muộn cũng bị các thế lực bên ngoài tấn công và rất dễ lỗi kéo ta xa rời tình yêu Thiên Chúa. 


TÍNH DUY NHẤT TRONG NHIỆM CỤC CỨU ĐỘ CỦA IRENE

Anton Nguyễn Công Chính

       Khi chưa học về các Giáo phụ, thực sự con không biết các Ngài đã giúp được gì cho Giáo hội. Nhưng khi được học, con nhận thấy các Ngài đã cống hiến cho Giáo hội rất nhiều.  Con chỉ là hạt cát rất nhỏ bé trong tư tưởng của các Ngài. Chính các Ngài đã dùng trí thông minh Chúa ban, để bảo vệ Thiên Chúa và bảo vệ Giáo hội, để chống lại các tư tưởng sai lạc của một số Giáo phái.
Có rất nhiều tư tưởng từ các Giáo phụ nhưng con nhận thấy tư tưởng của Giáo phụ Irênê mang đến cho con một cái nhìn về ơn cứu độ của Thiên Chúa. Để một lần nữa con xác định rõ hơn về những chương đầu của sách sáng thế. Tất cả mọi vật đang hiện hữu đây đều đến Thiên Chúa. Ý thức được điều đó, sau khi đã học xong kỳ I môn “Giáo phụ học”, con xin được trình bày: “tính duy nhất trong nhiệm cục cứu độ” trong tư tưởng Giáo phụ Irênê. Hầu có thể đem lại cho bản thân thêm chút hiểu biết và có thể góp phần bé nhỏ vào công cuộc bảo vệ ơn cứu độ của Thiên Chúa.
I/ Bối cảnh
          a/ Tác giả:
          Irênê (130-135), tại Tiểu á, ngay từ nhỏ đã được sống bên Thánh Policarpo, vì thế mà người ta phỏng đoán Irênê quê ở Smirna, sau đó Ngài được di cư sang Tây Phương. Thánh Policarpo là môn đệ của Gioan, nên Ngài cũng có cái nhìn trong sự lo toan gìn giữ Giáo hội.
Năm 177, Irênê thụ phong linh mục tại Lyon (pháp) do Đức giám mục Phôtinus, và được các tín hữu địa phương cử đi Rôma để đệ một bức thư lên Giáo Hoàng Eleutêriô (174-189), nhằm hòa giải với nhóm montanist. Sau khi giám mục Phôtinus chịu tử đạo, Irene lên kế vị cai quản Giáo phận Lyon.
Giữa năm 190 và 200, Irênê là người đứng ra giảng hòa, về sự đối lập nhau trong việc cử hành Lễ Phục Sinh. Vì giáo đoàn Tiểu á thì cử hành Lễ Phục Sinh vào chính ngày 14 tháng Nisan (trùng với lễ Vượt Qua của đạo Do- thái), còn giáo đoàn Rôma thì cử hành vào Chúa nhật kế đó. Nên giáo Hoàng Victor I (189-199) ra vạ tuyệt thông cho các giáo đoàn bên Đông phương. Nên Irene đã viết thư cho Giáo Hoàng này và đã được Ngài chấp nhận và rút lại vạ tuyệt thông [1].
b/ Tác Phẩm:
          Ngài có ảnh hưởng rất lớn đối với Giáo hội, đó là các tác phẩm của Ngài. Mặc dù với trình độ triết học của Ngài chưa bằng trình độ của Justin và Clement, bù lại thì Irene rất tinh thông về Kinh Thánh. Vì thế, Ngài có tư tưởng rất hay để bảo vệ Chúa và Giáo hội chống lại các nhóm Lạc giáo. Ngài đã để lại nhiều tác phẩm nhưng có hai tác phẩm lớn đó là [2]:
Ø Chống các Lạc giáo: được chia làm 5 quyển:
*   Quyển một đương đầu với thuyết của Valentino. Đây là nguồn sử liệu cổ điển về các phái của nhóm Ngộ giáo.
*   Từ quyển 2 đến quyển 4. Tác giả phỉ bác các học thuyết đó bằng những luận cứ dựa theo lý trí, rồi đến các luận cứ dựa trên truyền thống đạo lý của các Tông đồ và sau cùng dựa trên lời Chúa Ki-tô.
*   Quyển 5 trình bày giá trị của thế giới vật chất và của thể xác. Đây là những thực tại bị nhóm Ngộ đạo khinh rẻ.
Ø Chứng minh lời giảng của các tông đồ: được chia làm 2 phần:
*   Trong phần thứ nhất: (Chương 4-42) tác giả trình bày những điểm chính yếu của Ki-tô giáo.
*   Trong phần thứ hai: (Chương 42-97): tác giả tìm trong sách Cựu ước những bằng chứng xác nhận các chân lý mặc khải của Ki-tô giáo.
c/ Ngộ đạo thuyết
          Phái Ngộ đạo ảo tưởng về một tri thức hoàn hảo, được Mặc khải, được chiếm hữu và truyền đạt bởi những con người. Với tham vọng đưa ra một giải thích toàn diện về thế giới, về huyền nhiệm của hiện hữu. Dựa trên cơ sở của nhị nguyên và mở ra con đường cứu độ cho tinh thần [3].
 Qua đó, chối bỏ lòng tin vào Thiên Chúa duy nhất là Cha của mọi người, là Đấng tạo hóa và Đấng cứu độ con người và thế giới. Họ quan niệm tất cả những gì có trong thực tại đều có thể giải thích được bằng lý trí con người.  Không tin vào màu nhiệm cứu độ, hạ thấp các giá trị thực tại vật thể và hạ thấp sự thánh thiện nguyên thủy của vật chất, hay nói cách khác không tin vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Ngộ đạo coi mọi thứ xung quanh chỉ là một thực tại mà mình có thể làm ra. Họ quan niệm Cựu ước và Tân ước là hai phạm trù khác nhau, giống như linh hồn và thân xác không thể kết hợp với nhau trong cùng một con người.
II/ Thần học về tính duy nhất của Irênê
          1/ Tạo dựng cứu độ
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3). Qua đoạn Tin mừng trên cho ta thấy, ngày từ khởi nguyên Ngôi Lời đã ở gần Thiên Chúa và nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, không có Người thì chẳng có gì được tạo thành. Trong những chương đầu của sách Sáng thế đã cho chúng ta thấy, muôn vật được tạo thành xuất phát từ Lời của Thiên Chúa, chính Ngài đã làm nên vũ trụ này từ không mà có. Chính Ngài đã làm nên con người giống hình ảnh của Ngài và cho con người được hưởng những gì Ngài đã làm nên. Trong Kinh Tin Kính cho ta thấy “tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình, tôi tin kính một Chúa Giê-su Ki-tô Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời”. Thiên Chúa làm chủ mọi công trình sáng tạo của Người và cho con người được trông coi những tạo vật ấy. Thiên Chúa không thể tạo ra thế giới sớm hơn, bởi vì sự vật không thể hoạt động trước khi hiện hữu. Do đó, ngay khi Thiên Chúa hiện hữu thì Người đã sáng tạo ra thế giới [4]. Thiên Chúa sáng tạo muôn vật muôn loài vì Người là Đấng nhân hậu, mục đích của sáng tạo là vinh quang của Thiên Chúa gắn liền với hạnh phúc của con người.
 Thiên Chúa đã ban cho con người sự tự do, nhưng con người đã lạm dụng tự do đó để chọn lựa điều Thiên Chúa cấm. Không vì thế mà Thiên Chúa ruồng bỏ con người, nhưng Ngài vẫn tiếp tục bạn ơn cứu độ cho con người bằng lời hứa, ban chính Con Một yêu dấu của Ngài xuống để cứu độ con người. Qủa thật, nếu tách Cựu ước ra khỏi Tân ước, dường như đã làm giãn đoạn ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chính vì thế, Thánh Irene cho ta thấy Cựu ước và Tân ước luôn luôn đi liền với nhau. Tân ước chính là lời minh chứng để làm sáng tỏ trong Cựu ước. Chính Ngôi Lời luôn ở gần Thiên Chúa, chính Người cũng là Thiên Chúa, nhờ người và cho người mà tất cả được tạo thành. Thiên Chúa vĩnh cửu và vô biên đã dìm mình trong cái hữu hạn của con người. Trong thụ tạo của Người, để tái dẫn đưa con người và thụ tạo tới với Người [5]. Cho nên, giữa cuộc tạo dựng của Thiên Chúa và Ngôi Lời Nhập Thể là một chương trình cứu độ mà Thiên Chúa ban cho con người. Trường trình cứu độ này đã có từ muôn thuở nhưng được thực hiện cách tiệm tiến theo từng chặng: Từ tạo thành đến Ngôi Lời Nhập Thể. Nên chỉ có một lịch sử cứu độ, bởi vì chỉ có một Thiên Chúa. Chỉ có một lịch sử cứu độ nên chỉ có một Kinh Thánh Mặc Khải một Thiên Chúa: Cựu ước và Tân ước là hai chặng thực hiện kế hoạch cứu độ chứ không phải là hai thực thể tách biệt nhau [6].
          2/ Nhập thể cứu độ
Irene chống lại thuyết lạc giáo cho rằng Thiên Chúa rất cao vời. Ngài cho thấy Thiên Chúa rất gần với con người. Chính Ngài đã xuống thế để ở với con người, chấp nhận thân phận tội lỗi của con người, để tẩy rửa con người khỏi tội “điều mà Lề Luật không thể làm được, vì bị tính xác thịt làm cho ra suy yếu, thì Thiên Chúa đã làm, khi sai chính con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm8,3). Từ ngàn đời Thiên Chúa luôn yêu thương con người, mặc dù con người tội lỗi đến thế nào thì tình yêu ấy vẫn luôn bừng cháy để cứu con người thoát khỏi tội lỗi. Chính vì thế, Ngài đã ban chính Con Một yêu dấu của Người xuống để tiếp tục cứu chuộc con người bằng giá máu, hầu mang lại sự sống nơi con người. Chính Ngài đã chấp nhận xuống ở với con người, ngự trong cung lòng người phụ nữ đó là Đức Maria để cứu độ con người, đưa con người trở về với Thiên Chúa là Cha nhân lành. Đó là ơn cứu độ nhưng không mà Thiên Chúa luôn dành cho con người và mọi tạo vật Ngài đã dựng nên. Chỉ có tình yêu mới có thể thấu hiểu được ơn lành mà Thiên Chúa ban cho con người. Khai mở cho chúng ta nguồn ơn cứu độ bằng chính con yêu dấu của Ngài. Ngôi Lời Nhập Thể đến ở với con người, chấp nhận những gì là con người để ngang qua đó mang lại nguồn sự sống mới cho nhân loại.
Thánh Irene khẳng định: Với Chúa Giesu Hài Nhi, Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên giống người. Như thế Thiên Chúa đã tự hiến cho chúng ta, trong tay chúng ta nên chúng ta phải bắt trước Người.[7] Nhưng con người không thể trực tiếp đến gặp Thiên Chúa, vì sự bất toàn của con người. Chính vì thế, Thiên Chúa đã cho chúng ta thấy Thiên Chúa ngang qua Con Một. Để qua trung gian này chúng ta được mời gọi đến gần Thiên Chúa và ở lại với Thiên Chúa trong tình yêu. Để qua mối dây này, chúng ta được kêu lên với Thiên Chúa là “Abba, cha ơi”. Tiếng kêu này, giúp con người ý thức được thân phận yêu đuối của mình, chỉ có Thiên Chúa mới cứu nổi loài người.
3/ Thánh thể nguồn ơn cứu độ
 Thân xác và linh hồn con người là của Thiên Chúa. Theo Thánh Irene: thân xác con người dựa trên chân lý về Thiên Chúa Nhập Thể và chân lý về Thân Xác Phục sinh. Nên con người được cứu rỗi không những về phần linh hồn mà cả về phần thân xác [8]. Chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm được nguồn hạnh phúc tuyệt đối. Nên có cấu “Vinh quang của Thiên Chúa là cho con người được sống, nhưng sự sống của con người ở chỗ chiêm ngắm Thiên Chúa” (Gloria enim Dei vivens hôm, vita autem hominis Dei;AH IV, 20,7).
 Qủa thật, nếu không có việc cứu độ thân xác, thì Thiên Chúa cũng đã không cứu chuộc chúng ta bằng Máu Ngài. Chén Tạ Ơn và bánh mà chúng ta bẻ ra không phải là sự thông hiệp thân mình Ngài hay sao. Vì chưng, máu chỉ có thể trào vọt từ mạch máu, từ xác thịt và từ tất cả những gì làm nên bản thể con ngươi. Để thực sự trở thành những điều đó mà Ngôi Lời đã cứu chuộc chúng ta bằng Máu Ngài. Bởi vì chúng ta là chi thể của Ngài và được dưỡng nuôi bằng tạo vật. Tạo vật đó chính Ngài ban cho chúng ta, để chúng ta được cùng sống với Người. Chén lấy từ tạo vật, Ngài tuyên bố đó chính là Máu Ngài. Bánh cũng lấy từ tạo vật và Ngài tuyên bố đó chính là Thân Thể Ngài [9]. Nhờ đó mà thân xác con người được bổ sức nhờ sức mạnh từ Thiên Chúa ban cho ta mỗi ngày khi rước Ngài ngự vào trong thân xác chúng ta.
          Bí tích Thánh Thể là nguồn nuôi sống con người và ơn cứu độ ở mãi với nhân loại. Mỗi lẫn tham dự vào Bí Tích Thánh Thể chính là lúc ta nhận được nguồn ơn cứu độ từ Thiên Chúa. Qua đó, con người được sống mãi với Thiên Chúa trong tương quan Cha con với nhau. Một sự kết hợp không thể tách rời, để đem đến cho nhận loại nguồn sống vô biên từ Bí tích tình yêu này.
          III/ Một vài nhận định
Irene là một nhà thông hiểu về Kinh Thánh. Ngài luôn ra sức bảo vệ sự tinh tuyền nguồn ơn cứu độ từ Thiên Chúa. Ngài chứng minh cho phái Ngộ đạo thấy nguồn ơn cứu độ không phải là sự phân mảnh nhưng là một chuỗi dài trong chương trình của Thiên Chúa. Ngài cũng cho thấy, thân xác con người chính là hình ảnh Thiên Chúa, chính Ngài đã thông ban sự sống cho con người. Qua đó, con người được hưởng nguồn ơn cứu rỗi từ Thiên Chúa. Chỉ có Ngài mới làm cho con người được sống hạnh phúc, và được triển nở trong sự kết hợp với Ngài. Irene luôn đứng về Giáo hội, để chống lại những gì là sai lạc khi nghĩ về Giáo hội. Giáo hội xuất phát từ Thiên Chúa và Giáo hội sống được là nhờ Thiên Chúa.

Tài liệu trích dẫn và tham khảo:
1.    Kinh Thánh Tân ước, nhóm các giờ Kinh phụng vụ, Nhà xuất bản Tôn giáo.
2.    Về Nguồn, Thời các Tông Phụ, Phan Tấn Thành, Học Viện Đa minh 2013.
4.    Giáo trình lịch sử các giáo phụ tập 1.
5.    Giáo phụ học, L.M.P Lê Duy Lượng, Đại Chủng Viện Vinh Thanh.
6.    Giáo hội học qua các tác giả. Đại Chủng Viện Thánh Giu-se.
7.    Sáng Thế Luận qua các tác giả. Đại Chủng Viện Thánh Giu-se.




[1] Giáo Phụ học, L.M.P Lê Duy Lượng (dịch), Đại Chủng Viện Vinh Thanh. Tr 263.
[2] Về Nguồn, Thời các Tông Phụ, Phan Tấn Thành, Học Viện Đa minh 2013. Tr 108
[3] Simon hoa Đà lạt. Lịch Sử Giáo phụ. Quyển 1, từ Thế ki I- Thế kỉ IV. Tr.68
[4] Sáng Thế Luận qua các Tác giả. Đại Chủng Viện Thánh Giu-se. Tr 93.
[6] Về Nguồn, Thời các Tông Phụ, Phan Tấn Thành, Học Viện Đa minh 2013. Tr 110
[8] Về Nguồn, Thời các Tông Phụ, Phan Tấn Thành, Học Viện Đa minh 2013. Tr 111
[9] Ireùneùe, Choáng laïc giaùo, V. 2, 2-3, Sources Chreùtiennes, n. 153, p. 31-35